Thursday, November 5, 2009

Ở NGOẠI QUỐC LẤY VỢ VIỆT NAM

Lấy vợ Việt Nam
Kim Anh
04/11/2009 - 15:04
http://www.bayvut.com.au/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C3%BAc/l%E1%BA%A5y-v%E1%BB%A3-vi%E1%BB%87t-nam
Với các bạn trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại Úc, lấy vợ là vì sự đồng điệu giữa hai tâm hồn chứ không nhất thiết phải là người Việt Nam. Thế nhưng cha mẹ thì vẫn luôn hy vọng con cái có thể kết hôn với người cùng dân tộc.

Cha mẹ vẫn luôn hy vọng con cái có thể kết hôn với người cùng dân tộc. (Kim Anh)
http://www.bayvut.com.au/sites/default/files/imagecache/story_460/story-images/layvovietnam-041109.jpg

Ý muốn cha mẹ
Dù rất muốn con cái lấy vợ Việt Nam nhưng ở một xã hội phương Tây tự do như Úc thì cha mẹ không thể ép con cái theo ý muốn của mình. Một vị phụ huynh cảm thán: “Bây giờ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy chứ đâu có chuyện cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó nữa!”
Cô Lan có hai đứa con trai đều sinh ra và lớn lên tại Úc. Cô sang Úc cũng đã được mấy chục năm nhưng tiếng Anh không rành. Cô chủ yếu lo chuyện nội trợ trong gia đình để chồng tập trung việc làm ăn bên ngoài. Với tình yêu thương cùng sự giáo dục tận tụy của cha mẹ, cộng thêm với sự may mắn trời cho (‘cha mẹ sinh con trời sinh tính’) nên hai đứa con trai của cô đều học hành giỏi giang, biết lo lắng và quan tâm đến cha mẹ. Cô vui vì con cái trưởng thành nhưng vẫn âm thầm ‘hồi hộp’ chuyện tình cảm của con.
Hai năm trước, cô cho hai con về Việt Nam thăm ông bà ngoại. “Cô nghe các con nói chuyện thì có vẻ là rất thích chuyến đi lần đó. Mấy anh em họ cùng đi chơi với nhau có kể lại là thằng út có quen với một cô gái nào đó ở Việt Nam, về lại Úc vẫn giữ liên lạc. Không biết đến bây giờ thì thế nào...”
Cô tâm sự: “Cô không ngăn cản chuyện yêu đương của con cái, nó thương người nào thì mình chấp nhận thôi. Tuy nhiên, cô vẫn mong là có được dâu người Việt. Cô không có con gái, muốn có dâu để thủ thỉ tâm sự nhưng mình không nói được tiếng Anh, con dâu lại khác ngôn ngữ thì giao tiếp kiểu gì đây. Chẳng lẽ mỗi lần nói chuyện lại chỉ trỏ...”
Đó là chưa kể đến những sự khác nhau trong văn hóa và cách ứng xử. Cô kể chuyện một người bạn có con trai quen với một cô người Malaysia. Gia đình cô dâu thì theo đạo Tin Lành, còn gia đình chú rể thì theo đạo Phật. Đến lúc gần cưới, hai gia đình ngồi lại bàn bạc với nhau thì lại có sự bất đồng. Gia đình chú rể muốn nghi thức theo đạo Phật, có bàn thờ, có lạy tổ tiên... nhưng gia đình cô dâu thì nhất quyết không chịu. Đây chỉ mới là mâu thuẫn đầu tiên trong hàng loạt những khúc mắc tiếp theo sau này.

Theo tiếng gọi con tim
“Thực tế cho thấy tỷ lệ ly hôn trên thế giới ngày càng cao. Vì vậy, Joseph không đặt nặng vấn đề sắc tộc khi cưới vợ, quan trọng nhất là tình cảm và sự hòa hợp giữa hai người. Joseph chọn vợ theo tiếng gọi của con tim. Nếu chỉ vì lý do là muốn lấy vợ người Việt Nam nhưng chẳng may hai người lại không hợp nhau thì cuộc sống gia đình cũng không hạnh phúc ”, Joseph Định - sinh ra và lớn lên tại Sydney cho biết.
Michael Trần, Melbourne, kể chuyện: “Rất nhiều bạn bè của Michael yêu và cưới vợ người Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia... Bản thân Michael cũng thích quen và cưới vợ cùng là người Việt Nam như mình vì chung văn hóa và ngôn ngữ, thế nhưng chuyện tình cảm rất khó nói. Nếu tìm được người hợp với mình mà không phải là người Việt Nam thì cũng... không vấn đề gì.”
Tiếng gọi con tim là thế. Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số các bạn trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại Úc thì tuyệt vời nhất là có được cả hai: vừa theo tiếng lòng vừa cùng chung nguồn gốc văn hóa.
“Thật sự mà nói thì Michael có rất nhiều bạn muốn lấy vợ người Việt. Thế nhưng việc này xem ra rất khó vì các bạn ấy toàn chơi chung với Malaysia, Trung Quốc, Úc... Điều kiện để quen biết với các cô gái Việt Nam lại không nhiều.”
Joseph cũng đồng ý với ý kiến này: “Một số người bạn của Joseph chơi trong nhóm toàn người Việt Nam thì có điều kiện để quen với các bạn gái người Việt. Còn với những bạn không sống trong cộng đồng Việt thì chuyện quen và cưới vợ khác sắc tộc là chuyện dễ hiểu, nhất là trong môi trường đa văn hóa như Úc.”
...
Gặp lại cô Lan một tháng trước đây, tôi thấy cô rạng rỡ hơn. Thì ra lại cũng chuyện tình cảm của con cái. Con trai út của cô đang quen một cô gái người Việt sang Úc du học đã được hơn ba năm. Con trai cô cũng đã dẫn bạn gái về nhà giới thiệu với cha mẹ. “Con bé nhìn hiền và dễ thương, lễ phép, vừa đi học vừa đi làm tự lo cho bản thân mình”, cô kể mà mắt long lanh hy vọng...



No comments: