Monday, November 9, 2009

NHÂN với QUYỀN

Nhân với Quyền
Trịnh Hội
Saturday, November 07, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103806&z=97
Ðối với người Việt tỵ nạn thì hình như chúng ta quen và biết rõ về chữ UNHCR hơn là UNCHR, có phải không? UNHCR là tên thường gọi của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và là chữ viết tắt của văn phòng United Nations High Commissioner for Refugees. Ai đã từng đến các trại tỵ nạn đều biết đến chữ này. Ăn cơm Cao Ủy. Ðậu thanh lọc mandate Cao Ủy. Thậm chí có người có đến hai tuổi: tuổi cha sinh mẹ đẻ và tuổi cao ủy (ý nói là tuổi anh hay chị ấy khai từ khi đến trại). Bởi thế nói ra UNHCR thì hầu như ai cũng biết.

Nhưng đối với chữ UNCHR thì sao? Ngay chính tôi đây cũng còn khá lờ mờ mặc dù đã biết và được học về nó từ những lúc chưa tốt nghiệp đại học. UNCHR là viết tắt của 7 chữ United Nations High Commissioner for Human Rights. Cũng là Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Nhưng mà là Cao Ủy cho Nhân Quyền thay vì Cao Ủy cho Tỵ Nạn như chúng ta thường biết.

Hôm tôi trở lại New York, một trong những lý do mà tôi muốn ghé thăm một số bạn bè là vì trong số ấy có một vài đứa đang làm việc cho các tổ chức quốc tế chuyên về lĩnh vực nhân quyền như Human Rights Watch, Human Rights First, hoặc International Center for Transitional Justice. Tôi muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này. Luật và chính sách tỵ nạn quốc tế thì tôi còn biết khá rõ. Chứ riêng về luật quốc tế và nhân quyền thì tôi chỉ biết qua sách vở. Thực tế thì chắc có lẽ còn lâu lắm tôi mới nắm rõ được nó.
Bởi lẽ đây là một lĩnh vực rất dễ nói, dễ hiểu nhưng lại rất khó thực hiện.
Một phần vì không phải ai cũng đồng ý với một định nghĩa duy nhất về nhân quyền.

Nhưng phần lớn là vì ngay cả khi cơ quan UNCHR thay mặt quốc tế đưa ra những phán quyết khách quan về một sự đàn áp, sai trái nào đó đối với luật quốc tế, thì nếu như quốc gia bị khiển trách muốn phát lờ đi thì... chúng ta cũng đành phải chịu thôi. Chẳng làm được gì họ. Mất mặt một tí đấy nhưng như tựa bài hát nổi tiếng của Pink vừa được cho ra đời cách đây không lâu: So What?
Ðúng thật là 'vậy thì sao?' nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này. Nhất là từ khi một số bạn bè, người quen tôi biết vừa qua đã bị công an Việt Nam cho vào tù vì dám lấy luật nhân quyền quốc tế ra đặt vấn đề đối với những người lãnh đạo đất nước.

Chẳng lẽ thật là chúng ta không thể làm được gì à?
Ðành phải bó tay lắc đầu chịu trận thật à?

Thì ra trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng phải im lặng và chấp nhận những sự thật phũ phàng và đau xót. Không phải thế giới lúc nào cũng bình chân đứng yên một chỗ mà trên thực tế nó luôn được thay đổi từng ngày, từng giờ vì chính chúng ta là những yếu tố nhân bản quan trọng nhất thúc đẩy cho sự thay đổi mà chúng ta mong muốn.
Nếu như ngày trước, những nước luôn bóp nghẹt tiếng nói của tự do, dân chủ như Bắc Hàn, Libya vẫn có thể ngồi trên ghế chủ tọa của Ủy Ban Nhân Quyền (Human Rights Commission) trực thuộc Liên Hiệp Quốc thì ngày nay điều này không thể xảy ra được nữa.

Vào ngày 18 Tháng Sáu năm 2006, một Ủy Ban Nhân Quyền mới, the Human Rights Council, đã được Liên Hiệp Quốc cho ra đời với nhiều quyền hạn hơn và đặc biệt là từ nay, tất cả những ai, hội đoàn hay cá nhân, đều có thể nộp đơn lên ủy ban tố cáo những sự ngược đãi, những hành động của các chính phủ đương thời đi ngược lại các lời cam kết thực thi dân chủ như quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí, v.v.
Từng Nhóm Làm Việc (Working Group) được phân chia công tác theo lãnh vực riêng của mình, mỗi nơi đều có chương trình làm việc và thời gian giải quyết hẳn hoi. Hồ sơ cần phải bao gồm những gì, nộp ở đâu và khi nào thì sẽ có kết quả. Mọi thủ tục hướng dẫn đều được cho biết đầy đủ và rõ ràng trên website của ủy ban:
http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrcouncil/

Dĩ nhiên thay đổi được như thế không có nghĩa là một sớm một chiều việc làm của ủy ban sẽ được tôn trọng. Nó cũng không có nghĩa là những án lệnh do ủy ban đưa ra sẽ được thực thi, người vô tội được thả ra và kẻ phạm tội bị trừng trị.
Nhưng như ông bà ta thường nói: Vạn sự khởi đầu nan. Ít nhất ra là bây giờ ai cũng có quyền nói lên tiếng nói của mình chính thức trên diễn đàn quốc tế. Và thích hay không thích thì những án lệnh của Liên Hiệp Quốc sẽ được lưu giữ mãi về sau không một thế lực nào có thể chối bỏ.

Thế không biết có ai muốn cùng tôi bắt đầu vào công việc này không nhỉ?

Email: hoitrinh@hotmail.com



No comments: