Tuesday, November 10, 2009

NGHĨ VỀ TUỔI TRẺ VIỆT TRONG THỜI CHIẾN

Nghĩ về tuổi trẻ Việt trong thời chiến
Trần Thị Hồng Sương
Đăng ngày 10/11/2009 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4305

Nhân sự kiện ông Philipp Roesler,
nghĩ về tuổi trẻ Việt trong một thời chiến

Trần Thị Hồng Sương

Tiếp sau việc ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, là một loạt những sự kiện đáng lạc quan: ông Philipp Roesler gốc Việt được bổ nhiệm làm Bộ trưởng y tế Đức, hạm trưởng tàu khu trục USS Lassen là ông chỉ huy chiến hạm Lê Bá Hùng - người Mỹ gốc Việt, nước Mỹ vinh danh bà Dương Nguyệt Ánh... và bà Thủ tướng Merkel là người Đông Đức đắc cử nhiệm kỳ hai, trở thành người phụ nữ quyền lực nhất thế giới hiện nay! Các sự kiện đó tự nó mang nhiều thông điệp mạnh mẽ. Các sự kiện này hình thành lòng tin về tương lai tốt đẹp của nhân loại được gửi vào những nhà chính trị mà tầm cao tri thức đã vượt lên trên mọi định kiến, đập vỡ những mê lầm, vất bỏ các định kiến về cách đánh giá một con người trong việc trọng dụng nhân tài...
Cần biết rằng các nhà khoa học mang tinh thần “khoa học phục vụ đời sống”, các bác sĩ có “tinh thần nhân đạo quốc tế” chữa lành bệnh cho bất cứ ai. Giới trí thức này đã học được các suy nghĩ cao cả hơn mang tính nhân loại hơn, để vượt lên trên tất cả xung đột chính trị và định kiến xã hội vốn mang tính cục bộ, tính giai đoạn và dung chứa nhiều định kiến lạc hậu...
Các sự kiện có thể lấy làm bài học cho tinh thần dân tộc cực đoan Châu Á, bài học cho sự đam mê lạc lối bành trướng đất đai nhiều ngàn đời của Trung Quốc. Một chứng minh khẳng định vấn đề giá trị con người không hề gắn với giai cấp chính trị (Cộng Sản) không gắn với giai cấp xã hội, không liên hệ đến điều kiện sinh thành tức sinh ra trong gia đình bần hàn hay giàu sang (như đạo Bà La Môn) và không liên quan gì đến màu da chủng tộc. Việc cha truyền con nối, phân giai cấp, chia nhau quyền lực trong đảng là vô cùng lạc hậu và là nguồn gốc của bất công xã hội phát khỏi các rối ren...
Nước Đức nơi từng có tham vọng lập ra kiểu “nhà máy sản xuất thiên tài”, cực kỳ phân biệt chủng tộc từng giết hại kiểu diệt chủng dân Do Thái và từng có định kiến phi khoa học là người “da trắng mắt xanh tóc vàng” mới là giống dân ưu tú!
Chính sách khuyến khích quân nhân Đức phát xít “gieo giống” bằng cách quan hệ với các cô gái mắt xanh - tóc vàng - da trắng được tuyển chọn để cải thiện giống nòi, sinh cho nước Đức một thế hệ con người ưu việt trong tương lai! Khoa học thế giới cũng từng lưu giữ tinh trùng người có biệt tài như các nhà bác học các vận động viên thể thao hàng đầu để hy vọng chất liệu di truyền này là nguồn sản xuất nhân tài. Tuy nhiên người có IQ cao không hề xuất hiện theo con đường đó! Trái lại người có IQ cao xuất hiện theo cách nào chưa được biết mà phải săn tìm chiêu nhân tài... Trái lại nhân tài không có điều kiện phát triển cũng mai một!
Cũng có một kết luận là gene thông minh lại được truyền qua những người mẹ thông minh chứ không phải từ tinh trùng người cha thông minh. Ứng với kết luận này có nhà bác học nữ Marie Curie sinh ra các con được giải Nobel chứ con các nhà bác học nam không con ai trở thành... bác học!
Một vài trường hợp thật ra chưa đủ để kết luận, e rơi vào nguỵ biện “khái quát hoá vội vã” song là cơ sở để quan tâm thu thập thêm dữ liệu theo hướng này!
Phân chia giai cấp là khái niệm sai lầm từ căn bản, suy xét về con người và xã hội luôn biến thiên, luôn chuyển động mà như hình vẽ, con số, bất biến định hình... trên giấy! Đừng tưởng các lý thuyết gia như Karl Marx, nhà chính trị như Lenin, Staline, Mao Trạch Đông hay học thuyết của các giáo sĩ thác lời thượng đế, thánh thần, giáo chủ có trình độ hay thông minh mà không có sai lầm sơ đẳng như vậy!
Tuy nhiên xin chớ nên lẫn lộn giữa sai lầm của nhà chính trị và sự đãng trí của một nhà bác học. Người ta phát hiện một nhà bác học đãng trí gọi thợ vào để khoét tường hai lỗ chui một lớn một lổ nhỏ cho hai mẹ con con mèo ra vào ! Chú thợ bảo chỉ cần khoét một lỗ lớn là đủ nhà bác học bỗng mới... “ngộ” ra !
Khởi đầu là giai cấp công nhân nhưng mai sau nếu học hành thêm, có trình độ hơn, đã có thể làm chủ biến thành giai cấp tư sản. Khởi đầu là bần nông, làm ăn giỏi mai kia có thể là trung nông và địa chủ ! Đây là câu hỏi cho các buổi học chính trị và chưa bao giờ được giảng viên CSVN... trả lời ! Một con người có thể kinh qua nhiều giai cấp thì đánh giá ra sao và kết cục là thuộc... giai cấp nào?
Việc đạo Bà La Môn cho đứa trẻ mang giai cấp cha mẹ, bị xác định giai cấp ngay từ khi chào đời chưa qua học tập và phải mang giai cấp đó như định mệnh không thoát khỏi để giải thích giá trị một con người là nguỵ biện, không logic cũng không tương thích giữa “kết quả và nguyên nhân”. Tôn giáo cho mọi điều của đời người được sắp đặt theo ý chí một của đấng thiêng liêng. Còn Cộng Sản vô thần thì do không tin vào giáo dục có thể thay đổi sâu sắc con người. Một chủ nghĩa sai như CS chỉ có thể dùng các con người kém phẩm chất, người minh triết trung thực thấy sai làm sao có thể phục vụ trung thành với cái sai!
Hiệu quả của trí thông minh IQ và nền giáo dục tạo ra sự đổi trắng thay đen như tương lai khác nhau giữa một đứa bé mồ côi Việt Nam chăn trâu đen nhẻm ngu khờ và ông bộ trưởng của xứ sở văn minh! Đó là lý do tại sao quyền tiếp cận học vấn để thành người là quyền căn bản công dân đương đại. Phải vinh danh nước Đức nơi có nền giáo dục “chi phí thấp chất lượng cao”.
Người VN xưa nay thường bị nhồi nhét tư tưởng định mệnh, nên thường tin vào huyết thống hơn là giáo dục, cho nên vua chúa mới “cha truyền con nối” và ông Ngô Đình Diệm mới tạo ra chế độ “gia đình trị”. Hai yếu tố này là nguyên nhân bất ổn xã hội triền miên khi giao quyền lực cho người mà đạo đức trình độ không hàng đầu nên không được dân chúng hài lòng tin tưởng! Đảng CS chỉ cùng nhau “ăn chia quyền lực trong đảng” là cách làm chối bỏ nhân tài, bất công và tổn hại cho đất nước, khơi mào sự tham ô nhũng nhiễu bè phái như kết quả thực tế cho thấy. Chính nó cũng khơi mào mọi bất ổn cho đất nước.
Về mối liên hệ sinh học, cũng có nhiều điều khác biệt cần biết. Người Mẹ được vinh danh vì lúc nào cũng yêu con mình dù ở xứ sở nào dù là đứa con thành danh hay tàn tật tội lỗi mang đến vinh quang hay tủi nhục với nười mẹ cũng chỉ là đứa con mình sinh ra và muốn che chở suốt đời. Còn người Cha thương yêu bênh vực con hay đánh đập khai thác con như người có công nuôi, đồng thời có “quyền sở hữu”, có liên quan đến uy quyền của mình. Ở xứ Trung Đông Hồi giáo chính người cha ra tay trừng phạt ra lệnh giết con gái, kiểu trừng trị nặng hơn pháp luật ít nhiều vì quyền lợi cá nhân nhưng nhân danh danh dự gia đình một khi người thiếu nữ không thuận theo sự quyết định của ông mất phần kinh tế...
Người VN được giáo dục một điều đạo lý là “huynh đệ như thủ túc “ ai cũng từng ê a câu: “Anh em như thể tay chân...!” Thật bất ngờ khi đọc được một định nghĩa khác của ngành luật: “Anh em là những người cùng huyết thống và luôn rối ren vì vấn đề tài sản chung của cha mẹ!”. Quả tình khi ở VN khi tấc đất thành tấc vàng thì mới thấy cảnh anh em toan tính tranh giành nhau chí chết, đúng như câu nói này. Càng là anh em càng sợ bị mất phần thừa hưởng nên ra tay hại nhau, mượn tay người khác gây hại đe doạ anh em thành ra bạo lực gia đình thường xuyên hơn bạo lực xã hội! Người ta làm ầm lên khi Công An đánh người là đúng, song trong gia đình vợ chồng cha mẹ con cái anh em gây gổ có khi đến sát hại nhau cũng là một thực tế bi thương. Con người khởi đầu cuộc sống ích kỷ ích kỷ gây rối với gia đình vì ít nhiều còn nhận được sự tương nhượng từ thân nhân ! Khi có tranh chấp gia đình người tốt thường thua thiệt mất phần. Sợi chỉ đỏ huyết thống mong manh dễ dứt làm sao khi đã hình thành hai gia đình riêng cho nên lòng tham đập vỡ định nghĩa văn học cao cả “huynh đệ như thủ túc” để thấy định nghĩa luật pháp nhiều phần đúng hơn !
Nghiên cứu xã hội đã thấy con người chỉ hạnh phúc khi có được gia đình hạnh phúc cha mẹ yêu thương con cái vì con cái, anh em bạn bè giúp nhau, cho nên cần có các biện pháp cần có nền giáo dục và dư luận xã hội mạnh mẽ, luật pháp rõ ràng để tránh nảy sinh nhiều mâu thuẫn gia đình !
Các nước Âu Mỹ đã có hai chính sách hạn chế cảnh tranh dành “rối nùi” trong thân tộc là buộc người có tài sản phải chỉ định ngay người thừa kế tài sản đó song hành với giấy công nhận quyền sở hữu như nhà xe.... Thứ hai là đánh thuế thừa kế tài sản cao đến 40% giá trị cũng là cách làm nản lòng kẻ không lo làm ăn chỉ lo thừa hưởng...
Phải vinh danh người cha nuôi Đức mà mục đích nuôi con không phải chỉ để mình được vui vẻ trong “quyền sở hữu” mà có mối tương quan giửa người và người quá tốt đẹp để có thể quan tâm lo chu đáo cho đứa con... không ruột thịt.
Chắc chắn ông bộ trưởng người Đức gốc Việt phải là đứa trẻ có chỉ số thông minh IQ cao, may mắn như hạt giống tốt được gieo trồng ở vùng đất trù phú. Nếu ở VN dù thật thông minh mà nền giáo dục không tốt chắc nhiều lắm ông thành người nông dân nhiều tài vặt như các ông Hai Lúa biết tự cải tiến máy móc cho nhu cầu nhà nông của cá nhân mà thôi! Dù sao kết cục ông vẫn là người... may mắn. Nghĩ về con mình với cuộc sống nhiều trắc trở, tôi ước gì cháu có được trường lớp tốt và một chế độ xã hội không dành riêng chức vụ cho đảng viên và có mối tương quan giữa người với người tốt đẹp đáng mơ ước như thế! Ông không có nhu cầu tìm về cội nguồn vì không hề có một ký ức nào về vùng đồng bằng sông Cửu Long và thị trấn Khánh Hưng của tỉnh Ba Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) Không có gì khó hiểu khi ông bộ trưởng Roesler cảm thấy không thiếu thốn điều gì để phải cố công đi tìm kiếm... Chính thanh niên VN mới phải bôn ba hải ngoại tìm trường học tốt, tìm việc làm có thu nhập đủ sống mà khỏi phải lạm dụng chức vụ hay tham ô, phải lo tránh sự độc tài cấm đoán giam cầm, giử cả dân tộc như con tin để khai thác và nhấn vào hủ nút tối tăm của sự dốt nát lạc hậu...
Ông Roesler chỉ biết về mình là ông sinh ngày ngày 24 Tháng Hai năm 1973: “Đó có thể là ngày 25 hay 27 và đó là những gì tôi biết. Tôi giả định là quý vị có thể nói tôi là một đứa con bị bỏ rơi". Sóc Trăng là tỉnh từng được sáp nhập vào Cần Thơ sau 1975 nên do công tác tôi vẫn thường xuyên đi về. Qua bài viết của một phóng viên Đức được biết rõ là ông ở trại trẻ của các dì Phước ở tu viện Sóc Trăng, trên giấy tờ ghi là Khánh Hưng.
Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là "Nguyệt Giang tỉnh" (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt, Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi đổi thành Nguyệt Giang). Hiện nay có nhà hàng ở Sóc Trăng lấy tên nhà hàng Sông Trăng. Sóc Trăng thời Pháp thuộc là một thị trấn của Tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1956, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, Sóc Trăng được lập thành tỉnh riêng lấy tên là tỉnh Ba Xuyên, còn thị trấn có tên là Khánh Hưng. Lúc này Cần Thơ cũng đổi tên là Phong Dinh.
Sau 1975, tỉnh Sóc Trăng - Cần Thơ -Vị Thanh là tên thường gọi (đúng ra là tỉnh Chương Thiện, sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang. Đến 1991 tách ra lập lại tỉnh Sóc Trăng, không còn gọi là thị trấn là Khánh Hưng mà gọi là thành phố Sóc Trăng của tỉnh Sóc Trăng. Cần Thơ lây lại tên Cần Thơ (bỏ tên Phong Dinh). Đến ngày 1 Tháng 7 năm 1999 Vị Thanh tách khỏi tỉnh Cần Thơ và lấy tên ra tỉnh Hậu Giang thị trấn là Vị Thanh (bỏ tên Chương Thiện)
Nơi này từ thời Pháp thuộc, có trường nhà dòng dành cho nữ sinh nổi tiếng nghiêm minh và quy củ mà các em gái tôi cũng từng đuợc gửi vào học nội trú ở đó dù nhà ở Cần Thơ. Như tất cả nhà thờ bên cạnh thường là chỗ nuôi trẻ mồ côi.
Là một người mẹ, tôi lặng người khi nghe lời cảm thán từ một đứa con: “...tôi là một đứa con bị bỏ rơi”. Dù không có đạo Thiên Chúa, nhưng thời gian 1973-1975 những ngày Chủ Nhật tôi và nhà tôi và các bác sĩ bạn khác thường hay đến thăm hỏi chăm sóc y tế cho các cháu, nhất là các cháu tàn tật và trao đổi các vấn đề sức khoẻ của các cháu với các sơ trực tiếp nuôi ở trại mồ côi của nhà dòng Cần Thơ. Theo tôi được biết, ngoài cha mẹ có bệnh tâm thần và nghèo không có khả năng nhận thức bình thường để biết nuôi con chỉ có các cháu dị tật là thường hay bị bỏ rơi vì sợ... tai tiếng và nhiều dị tật nặng như hở môi chẻ sâu hàm ếch, việc bú ăn khó khăn nếu về quê xa bệnh viện cháu bé sẽ mau chết hơn là được sống !
Chiến tranh trong những tháng ngày của những năm 1973 của vùng Sóc Trăng như tôi được biết là gay gắt, nhất là đêm đêm MTGPMN pháo kích vào thành phố bất kể dân thường chết chóc ra sao. Sóc Trăng là địa bàn ngoại vi ẩn náu của lực lượng phá rối thành phố Cần Thơ. Ở các huyện như Phụng Hiệp, nửa đường đi Cần Thơ – Sóc Trăng từ 1972- 1975. Đêm đêm nằm nghe đạn pháo nổ đì đùng hay rít véo véo ngang qua nhà. Sáng sớm ra thì ghe chở lính chết, dân bị thương ra nhà thương huyện và đôi khi chuyển về Cần Thơ bằng trực thăng. Trong tình cảnh đó ngày nào cũng có cha mẹ bỗng chết banh xác vì đạn pháo VC hay pháo đánh trả của VNCH vào chiến khu VC. Mà pháo kích ai cũng biết là không hề hay hoạ hoằn lắm mới trúng mục tiêu vậy cũng có nghĩa dân thành phố và dân vùng sâu đều là nạn nhân của pháo kích bên này bên kia ! Hàng ngày những đứa con côi cút được gửi vào nhà mồ côi. Bà sơ Mary Marthe từng nuôi ông cho biết biết nhiều cháu được gửi vào trong tình trạng đói khát và có khi do lính hành quân phá các ổ pháo mang gửi vào nhà trẻ mồ côi... là trong cảnh đó. Vị nữ tu sĩ kể: “Những người mẹ tháo chạy từ những ngôi làng bị cháy, để những đứa trẻ gần như bị bỏ đói lại cho chúng tôi, hoặc những người lính đến đây, đưa cho chúng tôi những đứa trẻ mà họ đã tìm thấy ở đâu đó”.
Ở đâu cũng vậy, một vấn đề tưởng thật xấu xa nhưng nếu được tìm hiểu sâu hơn thì vẫn tìm thấy tính nhân bản trong đó hơn là sự xấu xa tàn ác. Gả con cho nước ngoài đang bị cho là ham tiền vọng ngoại nhưng có rất nhiều trường hợp là bước “quá độ” mạo hiểm, Một liều ba bảy cũng liều! Các cô tự đi tìm tương lai khác hơn là vòng lẩn quẩn đói nghèo nhiều đời, nhất là khi đã hết chiến tranh lại rơi vào chính quyền ít học không có khả năng giúp dân thoát đói nghèo ! Các cô thường học nhau một bản lãnh để tự cứu là xin ly hôn sau khi đền đáp nhà chồng bằng cách sinh cho nhà chồng một đứa con mà họ ham muốn. Nếu gia đình không ổn thì ly hôn đi làm công sống độc lập có thể xây dựng cuộc đời khác... Thời hiện đại cũng có nhiều biến tướng cuộc sống khó ngờ! Một hiện tượng gọi là “compensated dating” (hẹn hò có thù lao) đang bành trướng mạnh trong giới nữ vị thành niên. Hiện tượng này nở rộ ở Hồng Kông chỉ vì các cô cần một số tiền nhỏ để làm việc gì đó, thường là do thú mua sắm. Các cô bé nói cô làm việc này vì “các bạn trong lớp đứa nào cũng làm như thế”. Các cô giấu cha mẹ, vẫn tiếp tục đi học, có thể tự chọn khách hàng hẹn hò trên internet, không có ma cô chăn dắt, cho nên tự cho mình mạnh mẽ kiểm soát được việc làm của mình và không cho mình là gái mãi dâm! Mãi dâm bị coi là bất hợp pháp, nhưng chính thức không có giải pháp nào cho nhu cầu đặc biệt như những người có vợ bệnh tâm thần, bệnh phụ khoa nan y kéo dài khiến cuộc sống vợ chồng bị trắc trở. Xã hội có cách tự điều chỉnh tự giải đáp bằng các quan hệ tình dục đồng tình dù không tình yêu thế đó chăng?
Tôi có mối cảm xúc đặc biệt khi biết về Bộ Trưởng Roeler vì tôi có hai con trai và đứa con trai nhỏ của tôi sinh vào ngày 22 tháng 2 năm 1973 (trước hai ngày so với ngày sinh chính thức của ông Roesler) nhưng cháu sinh tại Sài Gòn, một ốc đảo bình yên gần như đứng ngoài cuộc chiến. Ký ức về giai đoạn này ở vùng quê Cần Thơ chỉ cách Sàigòn 165 Km và Sóc Trăng chỉ cách Cần Thơ thêm 60 Km thôi mà nhiều khi phải đi lại bằng máy bay vì cầu bị sập, kẹt phà, đường bị gài mìn nổ xe như khủng bố hiện nay, đường còn bị đấp mô gài lưu đạn thô sơ gần như thường xuyên, dân vật vạ ngủ ngồi qua đêm trên xe đò... chờ quân đội rà mìn và truy quét. Ngồi trên máy bay DC4 bay thấp nên nhìn xuống bên dưới có thể thấy đạn pháo và bom Napal (bom xăng đặc) lửa cháy rực trời bên dưới, không xa con đường quốc lộ 1A, có cả xe tăng lội ruộng, giống như đi thị sát mặt trận...
Những trẻ lành lặn hay còn có thể gọi là đẹp trai như ông Roesler, trong một xã hội còn chuộng con trai thì nhiều phần cả gia đình từng giống những chiếc lá bị cuốn theo cơn lốc xoáy chiến tranh. Có khi cả cha mẹ thân nhân ông cũng đều là nạn nhân của chiến cuộc. Được nghe nhiều câu chuyện không may của các cháu mồ côi trong chiến tranh đã khiến tôi không dễ bằng lòng với một ý kiến cho là có những người mẹ lại bỏ rơi con do nghèo khó, do vô tâm, hay thiếu trách nhiệm. Những đứa trẻ hoang thai mà cũng còn được gia đình gửi nuôi nấng trong vòng thân tộc mà. Nhà nuôi trẻ mồ côi trên thực tế đời sống, trong hiện thực chiến tranh đến hồi quyết liệt lại chính là nơi an toàn hơn cho đứa con của mình nếu gia đình lỡ rơi vào vùng chiến sự và bị nhiều thương vong đến kiệt quệ. Các sơ chăm sóc các cháu với nguồn tài trợ của hệ thống giáo hội Thiên Chúa nên lúc nào cũng tươm tất hơn nhiều đứa bé sống trong những vùng quê khi chiến sự lan tràn.
Nếu ngày xưa nhà sư đức độ cao dày Tam Tạng được mẹ thả trôi sông, với lời cầu xin cứu giúp để con khỏi chết vì kẻ giết chồng cướp bà làm vợ, thì ở Việt Nam thời chiến tranh tàn khốc kia chắc cũng còn nhiều những trường hợp bi thương như cha mẹ lạc con, anh chị em lạc nhau. Mong ngày nào đó ông Rosler tìm được thân nhân dòng họ để hiểu rõ hơn cảnh ngộ riêng và nếu nhận ra nhà trẻ mồ côi của các sơ là nơi gửi gấm đúng chỗ, tốt nhất mà cha mẹ hay thân nhân ông chọn cho ông, chứ ông không phải là đứa con bị bỏ rơi, thì sẽ là niềm an ủi lớn!

Trần Thị Hồng Sương
8.11.2009
© Thông Luận 2009



No comments: