Một nơi còn trắng
Tưởng Năng Tiến
04/11/2009 1:05 sáng 2 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=12390
“Sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào.”
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn
Nghị quyết 36 được ký vào ngày 26 tháng 3 năm 2004. Ngay sau đó, lác đác, có tiếng vỗ tay tán thưởng:
- Nhạc sĩ Phạm Duy: “Chính phủ Việt Nam vừa làm một chuyện hết sức ngoạn mục… Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận… Thật tuyệt vời. Đất nước đã đổi thay thế nào thì cùng lúc một viên tướng (ông Nguyễn Cao Kỳ), một nhà sư (thiền sư Thích Nhất Hạnh) và một nhạc sĩ lại cùng trở về.”
- GS-TS Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều tại Bỉ): “… từ khi nghị quyết này được ban hành, có nhiều con tim đã vui trở lại!”
Âm thanh của những tiếng vỗ tay này – nghe ra – có phần hơi gượng gạo và không được vang xa. Do đó, khi “viên tướng, nhà sư và nhạc sĩ cùng về” thì nơi những bản làng (heo hút) vẫn có những kẻ bồng bế, dắt díu nhau đi.
Ông Thắng A Di, 38 tuổi, là một trong những người đã ra đi trong cảnh muộn màng (và lỡ làng) như thế. Gốc sắc tộc Hmong, quê ở Bắc Hà, ông cùng cha mẹ vợ con rời Lào Cai đến Đắc Lắc, rồi vượt biên sang Lào, và từ đó vượt sông qua nước Thái.
“Cùng với 6.500 người Hmong khác, cũng chạy nạn từ Lào sang, gia đình ông Thắng A Di bị nhà cầm quyền Thái Lan coi là những di dân bất hợp pháp. Từ ngày 4 tháng 7, họ bị xua đuổi và không còn chỗ nào khác hơn là tập trung trên hành lang dài 2 KM, dọc theo con lộ chính nơi Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng. Họ che những tấm vải nhựa, nhưng rõ ràng là khó vượt qua được cái nóng vẫn còn gay ắt, hoặc những trận mưa đầu mùa ở vùng đông Bắc Thái … Họ đã trải qua bốn ngày điêu đứng như người chạy loạn, không nơi che mưa nắng, không thực phẩm, không nước sạch, kể cả không có chỗ làm công việc vệ sinh cần thiết …” – theo như tường trình của đặc phái viên Nam Nguyên, từ Bangkok, nghe được qua RFA trong hai hôm 07 và 28 tháng 7 năm 2005.
Ông Thắng A Di, và những người Việt Nam đồng cảnh (rõ ràng) đã đi không đúng lúc, và tới không đúng nơi – wrong time and wrong place – theo như cách nói của đời thường. Còn theo ngôn ngữ của (đương kim) Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thì họ đã đến những vùng trống và vùng trắng.
Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, vào ngày 10 tháng 7 năm 2008, ông Thứ trưởng đã long trọng tuyên bố: ”Sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào.” Gần hơn, khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, hôm 7 tháng 6 năm 2009, nhân vật này còn cho biết thêm là sẽ có nhiều “khởi sắc” và “đột phá” trong chính sách đãi ngộ Việt kiều.
Với chủ trương “khởi sắc” và “đột phá trong chính sách đãi ngộ Việt kiều, và với quyết tâm “sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào” của nhà nước Việt Nam (như vừa trích dẫn) tôi tin rằng số phận của ông Thắng A Di – cũng như của của tất cả những người Việt ở Ban Huay Nam Khao, hay còn có tên gọi (thơ mộng) là Bản Làng Bên Dòng Sông Trắng – sẽ hoàn đổi khác, nếu họ đi vượt biên… trễ lại độ vài năm!
Cũng bằng vào niềm tin này, và bằng vào nội dung của Chỉ thị 19 (do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 6 tháng 6 năm 2008 để chấn chỉnh “những hạn chế, yếu kém trong việc nắm tình hình người Việt Nam ở nước ngoài…”) tôi xin được để cập đến một nơi còn rất trống và rất trắng: Svay Pak, hay còn có tên gọi khác là Khu Đèn Đỏ, hoặc “Mecca for paedophiles” (“Thánh Địa Ấu Dâm”) ở Cambodia.
Từ Phnom Penh, nhà báo Nicholas D. Kritstof, có bài tường thuật “The Evil Behind the Smiles” về sinh hoạt của Việt kiều tại địa phương này (The New York Times – December 31, 2008) xin ghi lại một vài đoạn ngắn:
Sina (*) là người Việt, nhưng bị bắt cóc từ lúc mới tuổi 13, và bị mang vào Cambodia, để được tập dùng ma túy. Em kể sau đêm đầu tiên ở xứ Tháp Chùa, em tỉnh thức và thấy mình trần truồng, người đầy máu me, cùng nằm chung giường với một ông Tây da trắng, không biết người xứ nào, là kẻ đã bỏ tiền trả cho tú bà để phá trinh em.
Sau đêm đó, em bị khóa chặt trong phòng trên gác một khách sạn xinh đẹp để chủ chứa chào hàng với khách Tây hay dân đại gia Cam Bốt. Em kể là em đã bị tẩn nhừ đòn vì không chịu cười đùa và tỏ ra cợt nhả để quyến rũ khách mua hoa. Câu tiếng Miên đầu tiên mà tôi phải học thuộc, là ‘Em muốn làm tình với anh’, còn câu tiếng Anh đầu tiên của tôi thì quá tục tĩu, không thể nói ra ở đây, em kể.
Thế là Sina phải thuộc nằm lòng bài học tươi cười nhũng nhiễu với đàn ông thường bằng tuổi bố mình vì nàng không muốn no đòn do không kéo níu được một gã đàn ông. Nhưng cũng có khi em lảng tránh khách vì người ê ẩm do lao động thể xác quá độ, để rồi sau đó bị kéo đầu xuống phòng tra tấn nằm dưới tầng hầm.
Hầu như nhà chứa nào cũng có phòng tra tấn như vậy cả, em bảo. Các phòng này phải ngầm dưới đất để các tiếng rú của nạn nhân thét to không thoát ra bên ngoài làm người khác hay.
Cũng như ở bất cứ nhà chứa nào, phương thức tra tấn được dùng phổ thông nhất, là roi điện. Sina thường bị trói gô lại, nhúng vào nước, xong mới bị quất bằng dây điện cắm vào nguồn điện 220 volts từ tường. Những nhát roi như muốn xé thịt, nhiều lần làm nạn nhân té đái hay phọt cả phân, và xỉu tại chỗ.
Bị điện giật có vẻ thích hợp cho việc dằn mặt của kỹ nghệ đĩ điếm vì các nhát roi chỉ làm đau và gây kinh hoàng cho nạn nhân nhưng không để lại thương tích bên ngoài để làm giá cả món hàng thịt người bị giảm sút. Sau khi bị đánh và bị giật điện, Sina kể là em còn bị nhốt truồng như nhộng trong một quan tài gỗ đầy kiến lửa. Bên trong quan tài tối thui,ngột ngạt và chật chội đến nỗi em không thể dùng tay để phủi kiến. Nước mắt ràn rụa của em đã làm mấy con kiến bu ở khóe mắt trôi đi. Hình phạt bị nhốt vào quan tài thường kéo dài từ một đến hai ngày liền, và chuyện bị nhốt và bị kiến đốt đã trở thành cơm bữa.”
Đoạn văn thượng dẫn được chuyển ngữ bởi nhà báo và nhiếp ảnh gia NgyThanh, người vừa có mặt ở Cao Miên vào tháng 8 năm 2009 vừa qua. Trong một thiên bút ký của chính ông (tựa là Lẽ ra đừng tới) hiện đang đăng nhiều kỳ trên tuần san Thời Báo, tác giả cho biết thêm rằng:
“Svay Pak là làng điếm truyền thống gồm những căn nhà vừa gạch vừa bê tông làm nơi chứa gái bán dâm đến từ Việt Nam, công khai mời chào ‘boom boom’ (làm tình với bé gái) và ‘yum yum’ (khẩu dâm với bé trai) với giá mạt hạng chỉ 5 đô trong những vuông phòng chật hẹp được ngăn ra bằng ván ép xập xệ…
Trẻ em Việt Nam được cảnh sát Cambodia giải thoát trong một cuộc bố ráp các động mãi dâm ở Phnom Penh. Nguồn AFP.
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/10/39232-56011202.jpg
Vừa qua, thủ tướng Hun Sen đã thề (lại thề!) đối diện với tệ nạn buôn người, và bà Bộ trưởng Mu Sokhour đặc trách Các Vấn Đề Phụ Nữ hứa là nhà nước sẽ chấn chỉnh. “Chúng tôi thấy rõ ràng nạn buôn người, đặc biệt là gái tơ từ Việt Nam; ai cũng gặp chúng trong nhà chứa.”
Lời thề hay lời hứa, như vừa dẫn, tuy không có giá trị cao nhưng ít nhất nó cũng làm cho thiên hạ được an tâm (phần nào) vì những giới chức cao cấp nhất của Nam Vang đã thừa nhận rằng đất nước của họ có vấn đề. Hơn hai muơi năm qua, kể từ khi những tệ nạn ở Svay Pak được giới truyền thông thế giới lưu tâm, chưa bao giờ người ta được nghe một lời thề hay lời hứa (xuông) tương tự từ những viên chức Việt Nam có thẩm quyền, ở Nam Vang – dù khoảng cách giữa Sứ quán và Khu Đèn Đỏ (xem ra) chỉ độ… mươi cây số, và dù người ngoại quốc đã có kẻ (sốt ruột) phải lên tiếng than phiền.
Ông Aaron Cohen, nhà phân tích độc lập về vấn đề buôn bán trẻ em vào đường mãi dâm, trong một cuộc phỏng vấn thực hiện bởi phóng viên Thanh Trúc (nghe được qua RFA, vào hôm tháng Giêng 2006) đã đưa ra nhận xét như sau:
“Tôi tự hỏi tại sao chính phủ Việt Nam không tạo áp lực với Cambodia về vấn đề đó. Tôi nghĩ là chính ông đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh biết rõ các em gái nhỏ tuổi ở nước mình bị bán qua Cambodia mà không cố tìm cách ngăn chặn. Quả thực điều này tôi không hiểu ra.”
Two Vietnamese girls, aged eight and 10, sit on a bed in a brothel in the Cambodian village of Svay Pak, near Phnom Penh in March. Nguồn: Shanghai Star.
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/10/040228_begai1.jpg
Câu chuyện còn khó hiểu hơn nữa nếu thiên hạ biết rằng nhà nước Việt Nam đã có thể gây áp lực khiến Nam Dương, và Mã Lai, phải đục bỏ những tấm bia tưởng niệm thuyền nhân – ở hai xứ sở này. Và theo The Jakarta Post (số ra ngày 1 tháng 8 năm 2009) họ cũng đang có yêu sách phải đóng cửa trại Galang, trong thời gian sắp tới.
Còn ở Cao Miên – nơi mà công an và cảnh sát Việt Nam có thể đi lại như chỗ không người, và họ đã thành công trong nhiều vụ bắt cóc người tị nạn ngay giữa ban ngày – việc hợp tác với chính quyền địa phương để xoá bỏ “Thánh Địa Ấu Dâm” (chắc chắn) là điều có thể thực hiện được, nếu Hà Nội thực sự quan tâm đến vấn để này, và thực lòng muốn làm như thế.
Sở dĩ phải rào đón trước sau (“như thế”) vì khi long trọng khẳng định “sẽ không để vùng trống, vùng trắng trong công tác kiều bào,” Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn – rất có thể – chỉ có ý muốn nói đến những vùng mà kiều bào có khả năng làm ra kiều hối mà thôi. Chứ còn ở Bản Làng Nơi Dòng Sông Trắng hay ở Svay Pak – những nơi mà Việt kiều không có cơm ăn nước uống hay phản bán thân nuôi miệng, và bán với giá rất bèo, nếu không thì bị “đánh đập mỗi ngày“ – thì chưa chắc đã là những vùng đất nằm trong đích nhắm của Chỉ thị 19 và Nghị quyết 36.
Trong trường hợp này thì tôi xin lỗi là đã nói chuyện lạc đề, và đã nói hơi lâu, làm mất thì giờ độc giả đã đọc đến dòng chữ cuối cùng này.
Tưởng Năng Tiến
----------------------------------
Sina Nguyễn Thị Bích, quê ở Cần Thơ, vừa được trao Giải Frederick Douglass ngày 13 tháng 10 năm 2009
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/11/TNT.jpg
(*) Theo RFA (nghe được vào hôm 28 tháng 10 năm 2009) Sina tên thật là Nguyễn Thị Bích, quê ở Cần Thơ, vừa được trao Giải Frederick Douglass – hôm 13 tháng 10 năm 2009 – vì nỗ lực tự phục hồi bản thân cũng như quyết tâm phòng chống tệ nạn buôn người mà cô từng là nạn nhân.
No comments:
Post a Comment