Sunday, November 22, 2009

MỘT MỐI ĐE DOẠ DƯỚI ĐÁY ĐẠI DƯƠNG

NEWSWEEK
Một mối Đe doạ Dưới đáy Đại dương
Bài của Daniel Blumenthal
Số ra ngày 19-5-2008
Trong khi Mỹ và các đồng minh tập trung hoạt động ngoại giao tích cực của mình vào Trung Đông và Afghanista, thì
Trung Quốc tiếp tục thay đổi cán cân quyền lực tại Đông Á với sự phô trương nho nhỏ và thậm chí ít tỏ ra đối đầu. Thử suy nghĩ về những phát hiện gần đây quanh việc Trung Quốc đã cho xây dựng một căn cứ hải quân mới khổng lồ tại Sanya, trên Đảo Hải Nam.

Căn cứ được đặt ở vị trí chiến lược, thể hiện những tiện nghi dưới lòng đất, cung cấp cho Hải Quân Trung Quốc con đường kiểm soát chắc chắn dưới biển sâu tới khu vực Biển Nam Trung Hoa và Biển Ấn Độ, cũng như năng lực phô diễn sức mạnh quân sự tại đây cùng tuyến hải lộ được coi là sống còn đến tất cả các quốc gia châu Á. Kể từ Đệ nhị Thế chiến, Hải quân Hoa Kỳ đã khống chế những tuyến hải lộ này.

Washington và các đồng minh của họ đã cung cấp sự đảm bảo cho việc tăng trưởng ngoạn mục về thương mại và thành công về kinh tế của châu Á. Tuy nhiên, bằng việc xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng phản ứng trước các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ, dường như
Bắc Kinh đang tìm cách tranh giành địa vị thống trị về hải quân đó của Hoa Kỳ – một động thái có thể ngấm ngần làm suy yếu nghiêm trọng nền hoà bình và thịnh vượng khắp châu Á.

Căn cứ mới ở Sanya sẽ cho phép sử dụng một số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục, và cả hàng không mẫu hạm một khi Trung Quốc quyết định cho xây dựng loại này. Chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân thế hệ Jin mới nhất của Trung Quốc vừa mới bị phát hiện tại căn cứ này, chỉ cách các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc ví như Việt Nam có vài trăm cây số. Làm phức tạp thêm tình hình, Bắc Kinh đã tập trung những con đường hầm khổng lồ vào khu đồi núi bao quanh căn cứ, nơi sẽ cho phép Trung Quốc che giấu những tàu ngầm của mình khỏi sự phát hiện của các vệ tinh và trên thực tế làm cho Washington khó thấy được khi các tàu ngầm của họ được triển khai.

Theo các nhà quan sát về lực lượng quân sự của Trung Quốc, công trình trên căn cứ đúng là mới đây nhất trong một nỗ lực được duy trì liên tục của Trung Quốc trong việc phát triển nhanh chóng lực lượng quân sự, đặc biệt là Hải quân. Kể từ năm 1995, khi mà hầu hết các quốc gia đang giảm bớt ngân sách quốc phòng của họ và thu nhỏ lực lượng quân sự sau chiến tranh lạnh, thì Trung Quốc đã đặt hàng hơn 30 chiếc tàu ngầm. Nó đã có được hoặc đang xây dựng ít nhất là năm thế hệ tàu ngầm khác nhau – một số lượng vô địch so với các lực lượng quân sự khác. Để bổ sung thêm cho cơ cấu tổ chức quân sự dưới mặt biển đang tăng lên không ngừng này, Bắc Kinh đã cho hạ thủy một dàn các khu trục hạm tiên tiến ấn tượng, triển khai hơn 1.000 tên lửa đạn đạo kể từ đầu những năm 1990 với một tỉ lệ 150 chiếc mỗi năm, và đã có được hàng trăm chiến đấu cơ hiện đại nhất. Nhiều chuyên gia về quân sự Trung Quốc có xu hướng thanh minh cho hoạt động tăng cường quân sự mau lẹ này như là sự cần thiết cho việc ngăn chặn hành động đòi độc lập của Đài Loan. Song Trung Quốc đâu phải đối mặt với thách thức đáng gờm từ Đài Loan, và quân đội Đài Loan chỉ được tăng cường với một mức độ hỏa lực tương đối nhỏ trong một thập kỷ qua. Thực tế là giờ đây, Trung Quốc đã có lực lượng quân sự lớn hơn mức cần thiết cho việc ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường đối với đại lục. Quả thực vậy, nếu như nói được rằng mối lo lắng ngày nay là việc Trung Quốc có thể ép buộc được Đài Loan tham gia vào một cuộc dàn xếp xung đột trong các mối giao hảo với Bắc Kinh. Cũng không thể tránh khỏi sự chú ý từ các nước láng giềng khác rằng tất cả khả năng quân sự mới được nhắm vào Đài Loan cũng có thể được sử dụng cho những mục đích khác.

Căn cứ vào việc Trung Quốc đứng trước một điều kiện an ninh lành mạnh không có các mối đe doạ thực sự, các mục đích quân sự xứng đáng với tên gọi của nó vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, bằng con đường riêng, các giới chức Hoa Kỳ đang lên tiếng quan ngại. Ngũ Giác Đài ước đoán rằng vào năm 2010, Trung Quốc sẽ có thể hạ thủy năm tàu ngầm được trang bị nhiều tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, hình thành nên lực lượng hạt nhân của nó mạnh hơn hẳn và có khả năng tồn tại qua một cuộc tấn công.

Người Mỹ không phải là những kẻ duy nhất ngày càng tỏ ra lo lắng. Vào tuần trước, nội các Ấn Độ đã thảo luận về căn cứ mới của Trung Quốc, và tư lệnh Hải quân Ấn Độ đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng trước tình hình này. Ông đã có lý khi nghi ngại rằng một lực lượng Hải quân hạt nhân mạnh của Trung Quốc mang ý nghĩa Bắc Kinh có thể lên kế hoạch thách thức địa vị thống trị dài lâu của Delhi trên Ấn Độ Dương. Về phần mình, Tokyo đang gia tăng mối lo ngại đối thủ cũ của mình đang phát triển khả năng – và ý đồ – phô trương thanh thế quanh khu vực của Nhật Bản mà không bị trừng phạt. Qua một vài năm gần đây, các giới chức Nhật Bản đã báo cáo về hàng tá những vụ đột nhập của hải quân Trung Quốc vào những vùng biển đang tranh chấp gần với bờ biển của Nhật Bản. Và Trung Quốc sẽ sớm có vũ khí hạng nặng cho phép nó xác lập một cách vững vàng những yêu sách chủ quyền trên các hòn đảo đang tranh chấp ở vùng Biển Nam Trung Hoa – mà phần lớn là trước nỗi khiếp đảm từ Philippines và Việt Nam.

Không có điều gì mong manh hơn là tương lai của Đông Á giờ đây đang treo thăng bằng lơ lửng. Trong nhiều năm, chiếc ô an ninh của Mỹ trong khu vực đã cho phép các cường quốc lớn ở châu Á, trong đó có Trung Hoa, tập trung cho tăng trưởng kinh tế hơn là chạy đua vũ trang. Giờ đây việc gia tăng lực lượng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc có thể gây bùng nổ một cuộc tranh đua hao tiền tốn của trong khu vực từ đó có khả năng làm chậm lại tiềm năng tăng trưởng kinh tế của châu Á, trong khi các nguồn tài chính bị chuyển hướng vào cho chi tiêu quân sự và làm các nhà đầu tư sợ hãi bỏ đi.

Ba nội các gần đây nhất của Hoa Kỳ đã đặt các chính sách về Trung Quốc của họ trên những mối hy vọng về hình ảnh mà nước này một ngày nào đó có thể trở thành. Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế về những gì Trung Quốc đã gây ra. Điều này có nghĩa là phải giành nhiều hơn nguồn tài nguyên quân sự cho khu vực và củng cố cho các đồng minh của Hoa Kỳ cốt để cam đoan một lần nữa với họ điều này và gửi tới Bắc Kinh thông điệp rằng Hoa Kỳ tận tâm tới hiện trạng của khu vực – nơi chứa đựng sự đảm bảo những thị trường tự do và những chính phủ tự do trên khắp Thái Bình Dương. Bắc Kinh vẫn còn có thể không chịu nhìn nhận điều này. Song một phản ứng đó của Hoa Kỳ sẽ nằm trong mối quan tâm và lợi ích của mọi người.

Blumenthal là một thành viên thường trực của Viện Doanh nghiệp Mỹ. Từ năm 2002 tới 2004, ông có vai trò như là một giám đốc cao cấp về Trung Quốc và Đài Loan trong văn phòng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008

Đăng bởi anhbasam on 21/11/2009
http://anhbasam.com/2009/11/21/371-m%E1%BB%99t-m%E1%BB%91i-de-do%E1%BA%A1-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-day-d%E1%BA%A1i-d%C6%B0%C6%A1ng/




No comments: