Friday, November 6, 2009

KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY BỨC TƯỜNG BERLIN SỤP ĐỔ

Kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ
Judith Latham
06/11/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-06-voa17.cfm
Ngỏ lời trong một cuộc họp liên đảng tại Quốc hội Hoa Kỳ tuần này, Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Mỹ hãy sát cánh với Đức để cùng vượt qua những “bức tường” của thế kỷ 21. Đương nhiên Bà muốn nói tới Bức tường đã chia cắt nước Đức trong bao nhiêu năm trời, đó là Bức tường Berlin. Bức tường Berlin đã bị phá sập vào ngày 11 tháng 9 năm 1989, cách đây 20 năm, và bà Merkel cám ơn nhân dân Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho sự thống nhất nước Đức tiếp theo đó.

Khúc Hoan Ca của Schiller do Beethoven phổ thành Bản Giao Hưởng số 9 quả rất thích hợp để mô tả niềm vui cùng cực sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ. Ông Matthias Rueb, trưởng văn phòng nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung tại Washington, gọi đây là giờ khắc hạnh phúc nhất trong lịch sử Đức. Nhưng ông cũng mô tả chính phản ứng sơ khởi của mình đối với các sự kiện ngày 9 tháng 11 năm 1989 là lạc quan quá mức.

Ông Rueb nói: “Khác với phần lớn những người cùng thế hệ với tôi, tôi vẫn thường đi thăm không những Đông Đức mà cả Đông Âu và Trung Âu nhiều lần khi lục địa này vẫn còn bị chia cắt. Tôi quen nhiều người và chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc và sự lạc quan của họ. Nhưng rồi sự lạc quan đó đã nhanh chóng phai nhạt. Và tôi hiểu rằng phải mất cả một thế hệ người ta mới vượt qua được sự chia cắt không phải từ bên ngoài mà từ nội tâm. Sự thống nhất phải trả bằng giá rất đắt. Vẫn còn một bức tường dựng lên trong tâm trí, với tất cả những mối xung đột giữa Đông Đức và Tây Đức. Hệ thống chính trị tại Đông Đức hoàn toàn khác biệt với Tây Đức.”

Mặc dù cuộc chuyển thể chính trị rất khó khăn trên khắp các nước thuộc khối Đông Âu, ông Rueb nói một điều thực sự mầu nhiệm đã xảy ra.
“Dù phải thừa nhận là giai đoạn chuyển tiếp vô cùng khó khăn đối với các nước đó, tôi cho rằng đa số mọi người đều đồng ý rằng sự kiện 1989 đã là, và vẫn còn là ‘phép mầu của năm.’ Đó là một phép mầu xảy ra đột nhiên, và ngoại trừ tại Ru-ma-ni, phép mầu đó đã xảy ra một cách êm thắm. Cảm nhận về một cái gì mầu nhiệm và độc đáo xảy tới không khác biệt gì nhiều giữa hiện tại và cách đây 20 năm. Người ta vẫn còn khó mà hiểu nổi, tại sao bỗng dưng cả một hệ thống đã sụp đổ và điều đó diễn ra một cách êm thắm.”

Nhưng theo ký giả Nga Masha Lipman thuộc Viện Carnegie ở Moscow, đối với những người thuộc Liên Xô cũ, những mối xúc động xung quanh sự sụp đổ của Bức Tường Berlin 20 năm trước còn phức tạp hơn nhiều.
Cô Lipman cho rằng: “Khác với Đức, khối Trung Âu và khối Đông Âu, tại Nga sự giải phóng khỏi chủ nghĩa Cộng Sản không được coi như hoàn toàn là điều hay. Sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản tại đây được coi như sự sụp đổ của toàn thể Liên Bang Xô Viết. Nước này vốn là một siêu cường, nay bị mất tầm ảnh hưởng, mất một phần lãnh thổ, và trở nên suy yếu nhiều.”
Nữ ký giả Lipman nhớ lại vào tháng 11 năm 1989, cô đang thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn tại Munich và cô đã theo dõi trên màn ảnh truyền hình những chuỗi sự kiện diễn ra tại Berlin.
Cô cho biết: "Vào thời kỳ đó nước Nga đang ở cao điểm của phong trào Đổi Mới Perestroika, và có một sự say mê về tiến trình giải phóng, với sự tiết lộ của cả chuỗi sự kiện về quá khứ của Liên Xô, và những tin tức từ các nước về những cuộc “cách mạng nhung”: sự kiện Bàn Tròn tại Ba Lan và sự sụp đổ Bức tường. Vào thời điểm đó chúng tôi cũng đang ở cùng một tiến trình đó. Thật sự thì người Tổng Bí Thư sau cùng cũng như người Chủ Tịch Nước sau cùng của Liên Xô chính là người giải phóng. Ông cũng thật sự là người đã góp phần vào cuộc giải phóng Trung Âu và Đông Âu."

Ông Timothy Garton Ash, sử gia người Anh, tác giả cuốn Cây đèn Thần: Cuộc Cách Mạng 89 mục kích tại Warsaw, Budapest, Berlin, và Prague đã chứng kiến việc các cuộc cách mạng Trung Âu đã gây ra sự cáo chung của chủ nghĩa Cộng Sản tại châu Âu.
Ông nói: “Tôi cùng nhiều người khác mô tả những diễn tiến tại Ba Lan, Đông Đức và Hung Ga Ri là ‘cách mạng nhung’ - diễn tiến hòa bình. Trong 20 năm, chúng ta đã có một loạt những diễn tiến hòa bình tương tự tại các nước vùng Baltic, Slovakia, Croatia, Serbia, Gruzia, Ukraina, Nam Phi, và riêng Chi Lê với tính cách thương lượng nhiều hơn. Có thể là điều xảy ra vào năm 1989 đã tạo ra một khuôn thức cách mạng mới thay thế cho khuôn thức của các cuộc Cách Mạng Pháp 1789, Cách Mạng Nga 1917 và cuộc Cách Mạng của Cộng Sản Trung Quốc 1949. Khuôn thức 1789 mạnh bạo, không tưởng, và đặt trên cơ sở giai cấp. Khuôn thức cách mạng 1989 không bạo động, không ảo tưởng, không có cơ sở giai cấp, nhưng chỉ xây dựng trên cơ sở liên kết xã hội càng rộng rãi càng tốt. Hình tượng cách mạng 1789 là chiếc máy chém. Hình tượng 1989 là chiếc bàn tròn quanh đó người ta có thể thương lượng.”

Cuốn sách mới nhất của giáo sư Timothy Garton Ash, nhan đề ‘Civil Resistance and Power Politics’ mà ông cùng biên tập với giáo sư Sir Adam Roberts, đồng nghiệp của ông tại Đại học Oxford, đã kể lại về những cuộc đấu tranh bất bạo động từ thời Thánh Gandhi tới nay. Ông Ash ghi nhận rằng giới truyền thông thường đóng vai trò quan yếu trong những sự kiện này.
Giáo sư Ash cho hay: “Điều rất đáng kinh ngạc là trong hầu hết các vụ việc, sự chú ý của báo chí đóng vai trò cấp thiết trong động cơ dynamic của chính các sự kiện, kể cả sự kiện sụp đổ của Bức Tường Berlin. Trong phân nửa các trường hợp này, cái tên được đặt cho các sự kiện, chẳng hạn như ‘cuộc Cách Mạng Nhung’ - thật sự đã được một ký giả nước ngoài đặt ra.”
Ông Ash gợi ý rằng trong vòng 5 năm qua, các chính thể độc đoán chuyên quyền tại Iran, Nga, Belarus và Trung Quốc đã coi ‘cách mạng nhung’, hay là diễn tiến hòa bình, như là một mối đe dọa cho quyền hành của họ và như một âm mưu gây loạn của phương Tây. Nhưng ông nói không phải phương Tây, mà chính là người dân tại chỗ đã tạo ra các sự kiện đó.

Bộ phim đang ăn khách: "Một bức tường ở Berlin" (VOA)



No comments: