Sunday, November 15, 2009

KHÔNG SỢ NHÀ MÁY ĐHN NGUY HIỂM MÀ LO CON CHÁU MẶC NỢ DÀI DÀI


ĐỪNG SỢ NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN NGUY HIỂM, HÃY LO CON CHÁU TA MẮC NỢ DÀI DÀI
Phùng Liên Đoàn [1]
Bài này được đăng lúc 00:24 ngày Thứ Hai, 16/11/200
http://bauxitevietnam.info/c/18007.html

Cách nào tôi biết đôi chút về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân (ĐHN)
Tôi có cơ may được làm việc trên 40 năm với những người tiên phong về điện hạt nhân (ĐHN) qua nhiều dạng khác nhau. Tôi đã được học cách nào có năng lượng hạt nhân, cách nào làm bom và cách nào làm điện. Tôi đã đi thăm các lò ĐHN thế hệ I và tôi đã thiết kế 4 nhà máy ĐHN thế hệ II, cả loại nước dưới áp suất lớn không sôi (PWR) và nước sôi (BWR). Tôi đã khảo cứu nhiều loại lò hạt nhân khác như loại graphite (GCR) giống của Nga, khí CO2 giống của Anh, khí helium (HTGR) giống của Đức, NaK (FBR) giống của Pháp. Tôi đã từng có nhiệm vụ tìm chỗ xây nhà máy ở gần sông, bờ biển, gần thành phố lớn, và ngay cả sâu dưới đất [xin xem ghi chú 2, 3, 4,5].

Trong quá trình khảo cứu và làm việc, tôi lại chuyên về ngành an toàn, có đôi chút đóng góp về phương diện này trong những năm 1970 và 1980 khi ĐHN là một đề tài nóng bỏng mầm rễ của các tranh cãi chính trị tại các nước dân chủ dẫn tới việc các hãng điện tự quyết hoặc có luật ngăn cấm không xây nhà máy ĐHN nữa. Mỹ lo chỉnh sửa các sơ suất của hơn 100 nhà máy ĐHN và ngừng dang dở cả chục nhà máy cho nằm chết nhưng vẫn phải trả nợ. Nước Áo xây xong một nhà máy 700 MWe BWR Zwentendorf nhưng không điều hành. Phi Luật Tân xây nhà máy 622 MWe PWR Philippines I gần núi lửa Vinatubo đối diện với Việt Nam nhưng đành bỏ chết và mắc nợ 2.3 tỉ USD. Thụy Điển, Ý và Đức có luật cho phép các nhà máy xây rồi tiếp tục điều hành nhưng phải đóng cửa khoảng năm 2010-2020. Mỹ bỏ dang dở các nhà máy Watts Bar II, Midland, Bellefonte và nhiều nhà máy khác tốn kém nhiều chục tỉ USD. Đây là thời kỳ mà người ta gọi là Thời Đại Sơ Khai của ĐHN. Hầu hết nước nào cũng lỗ vốn và ta biết có ba sự cố để đời: Windscale tại Anh (1957), Three Mile Island (TMI) tại Mỹ (1979), và Chernobyl tại Nga (1986). Chính công ty tôi làm việc có phần trong việc xây nhà máy TMI và hồi đó tôi chỉ sống cách TMI khoảng 100 cây số.

Riêng về sự an toàn của nhà máy ĐHN, tôi có đóng góp chút ít hồi đó [2, 3, 4, 5, 6, 7]. Luận án tiến sĩ của tôi là khảo cứu diễn tiến của một sự cố ghê gớm nhất xảy ra cho lò, đó là hiện tượng lò bị vỡ khi đang hoạt động dưới áp suất 150 atmosphere và 300 độ C (do hiệu ứng nứt bồn thép giống như khi ta rót nước lạnh vào một cái ly rất nóng [2]. Sau khảo cứu đó, tôi là kỹ sư đầu tiên được mời tham dự cuộc đại thẩm định sự an toàn của 50 nhà máy ĐHN đang hoạt động và 50 lò khác đang xây. Đây là công trình tốn kém 3 triệu đô la thời đó, tương đương với 15 triệu đô la ngày nay, phải thực hiện ba năm với gần 60 người và có sự tham gia của 5 trung tâm nguyên tử cùng là toàn thể 5 hãng bán lò hạt nhân. Kết quả của sự thẩm định này là báo cáo WASH-1400 [6, 7] đã được dùng làm nền tảng cho Quốc Hội Mỹ sửa lại luật Price Anderson bảo hiểm phóng xạ cho người dân và đầu tư của các hãng nguyên tử. Sau đó, các quốc gia như Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Thụy Điển, Đức đều dùng WASH-1400 để làm luật, hoạch định việc xây cất và điều hành các nhà máy ĐHN tại nước họ. Sự an toàn của các nhà máy ĐHN tại các nước này vì thế là rất thống nhất với sự an toàn của nhà máy ĐHN tại Mỹ.

Sau 1975 và công trình WASH-1400, tôi lại có cơ may làm việc với các kỹ sư và khoa học gia nổi tiếng của Mỹ, Đức, Anh và Thụy Điển tìm cách cải tiến các cơ cấu của lò hạt nhân để đi tới thế hệ III còn an toàn hơn thế hệ II [7]. Theo báo cáo tôi được biết thì Việt Nam định mua nhà máy thế hệ III. Thực ra, thế hệ II không còn ai bán nữa, bởi suốt 20 năm qua ít nước nào xây nhà máy ĐHN vì nhiều lý do chính trị và kinh tế phức tạp, và các hãng ĐHN cứ lẳng lặng tiến tới thế hệ III để bắt đầu thời đại ngày nay mà vào năm 1985 chúng tôi đã tiên đoán là Thời Đại Thứ II hay thời đại phục hưng của ĐHN [8, 9, 10].

Dưới đây tôi tóm tắt sơ lược tại sao tôi nói “Đừng sợ nhà máy ĐHN nguy hiểm; hãy lo con cháu ta mắc nợ dài dài!”.

Huyền thoại tâm lò ĐHN độn thổ từ Mỹ qua Tàu
Năm 1968 tôi làm việc tại công ty United Engineers and Constructors ở Philadelphia, có dịch vụ hợp tác với vài công ty khác xây nhà máy Three Mile Island (2 x 820 MWe PWR) cho hãng điện Commonwealth Edison ở Pennsylvania, Indian Point (2 x 1000 MWe PWR) cho hãng điện Consolidated Edison ở New York, và Brunswick (2 x 980 MWe BWR) cho hãng điện Carolina Power and Light ở North Carolina. Các công trình này bị một cú sốc nặng vì tin thất bại của một cuộc thử nghiệm lớn cho sự an toàn của nhà máy ĐHN tại trung tâm nguyên tử Idaho Falls. Máy phun nước làm nguội một bó UO2 1200 độ C giống như trong nhà máy ĐHN không làm nguội được uranium như định liệu, và nếu đó là sự thật thì lò phản ứng của nhà máy có thể bị nóng chảy, gây sự cố trầm trọng. Biết rằng 100 tấn uranium trong nhà máy ĐHN có nhiều phóng xạ lắm (10 tỉ curies), ông Bill Ergen tại Trung Tâm Nguyên Tử Oak Ridge nói đùa rằng cả 100 tấn đó vì quá nóng và nặng (uranium nặng hơn chì) sẽ rơi xuống đáy lò, rơi sâu xuống đất, xuyên qua trái đất rồi chui lên bên Tàu. Dĩ nhiên đây chỉ là một chuyện khôi hài làm tăng sự nghiêm trọng về rủi ro rất lớn của nhà máy ĐHN. Nhưng “China Sydrome” bỗng chốc trở thành một đề tài nóng bỏng, sau đó được cô đào Jane Fonda đóng thành phim và chiếu đúng vào năm 1978 khi Three Mile Island (TMI) có sự cố thật. Mặc dầu TMI chẳng làm chết hoặc bị thương ai vì phóng xạ [9, 10], dân chúng phương Tây không tin vào sự an toàn của nhà máy ĐHN, và họ dùng các tranh biện chính trị trong dân chủ để phản đối việc xây nhà máy ĐHN tạo điện, tạo ra sự “bế mạc” của Thời Đại Sơ Khai hay thời Đại Thứ I của ĐHN (1950-2000).

Tôi có làm một phân tích năm 1969 là China Syndromen nếu xảy ra, sẽ tuôn ra một ít phóng xạ đáng kể có thể gây thương vong cho người dân quanh nhà máy, khiến cả chục ngàn người trong vùng gần nhà máy phải di tản và tài sản đất đai cũng bị nhiễm xạ. Sự di tản này sẽ gây một số tai nạn xe cộ và xúc động tâm lý có thể chết người.

Thẩm định WASH-1400 cho ta biết gì về sự an toàn của nhà máy ĐHN?
WASH-1400 dùng ba phương pháp căn bản và rất nhiều linh kiện cũng như phán đoán khoa học để khảo sát hơn 240,000 trường hợp sự cố có thể xảy ra trong một nhà máy ĐHN. Ba phương pháp này là: (1) tìm hiểu diễn biến của sự cố theo câu hỏi và lý luận “nếu…. thì…” (event tree analysis); (2) tìm nguyên nhân và xác suất của chữ “nếu” và tính tổng thể xác suất của chữ “thì” (fault tree analysis); và (3) dùng các linh kiện khoa học để tính hậu quả của sự cố; ví dụ chết người, bị thương, nhiễm xạ, thiệt hại tài sản .. (consequence analysis). Ba phương pháp này kết hợp với nhau trở thành phương pháp Khảo Sát Hậu Quả và Xác Suất của Rủi Ro (Probabilistic Risk Assessment-PRA). Vào năm1993 tôi có nói chuyện với Đại Biểu Quốc Hội Nguyễn Ngọc Trân (bạn trung học của tôi) và Ủy Viên Trung Ương Nguyễn Đình Tứ về phương pháp này, và quí vị đó cho biết là Việt Nam chưa có nhân lực và ngân sách thực hiện PRA.
Vì đòi hỏi của thể chế dân chủ, kết quả của WASH-1400 đã được đem đi khắp nước Mỹ cắt nghĩa cho quần chúng biết, nhất là tại những nơi có nhà máy ĐHN. Các phản biện của người dân, từ giới khoa học cho tới các nhà làm việc xã hội, đều được lắng nghe và ghi chú rồi đem về chỉnh sửa kết quả trước khi trình lên Quốc Hội.

Các kết quả chính dễ hiểu cho người bình dân là như sau.

1. Nhà máy ĐHN không bao giờ nổ như một trái bom nguyên tử. Sự kiện này không những là sự thật cho các nhà máy ĐHN phương Tây, mà cũng là sự thật cho các lò phản ứng của Nga. Bởi vì, khi có sự cố tệ hại nhất thì lò phản ứng cũng chỉ vỡ ra như một pháo tịt ngòi, có thể làm uranium bị nóng chảy như ở TMI và Chernobyl, chứ không tiếp tục có phản ứng dây chuyền làm sự tăng trưởng năng lượng hạt nhân tăng lên vạn lần. Sở dĩ sự cố Chernobyl ghê gớm như vậy là do phản ứng giữa nước và than ở nhiệt độ cao, giống như khi ta lấy một thau nước đổ vào một lò than hồng, gây một tiếng “xèo” lớn và làm tro bụi bay tứ tung. Nga dùng loại lò than (graphite) vì nó có khả năng tạo plutonium-239 rất tốt, để sau khi làm điện, các chất đó có thể được thanh lọc làm bom. Một ông thầy của tôi, Manson Benedict, đã biết trước sự rủi ro này cả 24 năm, khi ông được mời đi thăm một nhà máy tương tự của Nga tại St. Petersberg năm 1962 (lúc đó gọi là Leningrad), và khi về Mỹ có nói lại cho chúng tôi biết. Mỹ, Anh và Pháp cũng có nhà máy graphite tại để tạo plutonium làm bom, nhưng các nhà máy ĐHN của Mỹ dùng nước chứ không dùng graphite, và có nhiều hệ thống làm nguội uranium cùng là giữ lò trong nhà bê tông kiên cố, thành ra nếu có sự cố thì cũng chỉ như TMI, mất trắng tiền đầu tư, không sản xuất điện được nữa, nhưng không chết ai.

2. Sự cố nào là nguy hiểm? Một nhà máy APWR (Advanced PWR) hoặc EPR (European PWR cùng một khái niệm như APWR vì Pháp mua PWR của Mỹ rồi thêm thắt đôi chút) thì đều an toàn hơn các nhà máy thế hệ II chúng tôi khảo sát trong chương trình WASH-1400. Các sự cố như bất cẩn của điều hành viên, điện cứu cấp không chạy, tháp làm nguội nước bị đổ, máy tua bin bất thình lình ngưng… thì đều dẫn tới lò phản ứng tự động tắt ngấm và nước từ nhiều nguồn tiếp tục đi vào lò làm nguội uranium. Nếu có chút phóng xạ nào rò rỉ ra ngoài nhiên liệu UO2 thì cũng bị giữ trong bồn áp suất (cao hơn 7 m, rộng hơn 3 m, dày hơn 5 cm, nặng hơn 1000 tấn) hoặc trong nhà bê tông chứa bồn (cao khoảng 70 m, rộng khoảng 30 m, dày khoảng 1 m). Trong sự cố TMI, một phần của tâm lò bị nóng chảy, vậy mà tất cả chỉ có khoảng 17 curies chất khí argon và krypton rò rỉ ra ngoài không khí suốt thời gian báo động cả tuần lễ. Người bạn của tôi là Harold Denton lúc đó làm giám đốc khảo sát của NRC đã được tổng thống Carter yêu cầu tới tận nơi chỉ huy việc trông coi cứu nguy và di tản. Trong suốt thời gian một tháng, không ai chết nhưng có một người bị thương vì tai nạn xe hơi gần nhà máy. Cho tới nay, 30 năm sau, chưa có một dấu hiệu nào là có người bị nhiễm phóng xạ nguy hiểm vì sự cố này, và chung quanh TMI vẫn có vài trăm ngàn người sinh sống và trồng trọt, chăn nuôi.

3. Phóng xạ là gì?
Nếu bị nhiễm xạ thì nguy hiểm gi? Phóng xạ là những tia alpha (hạt nhân helium), beta (điện tử) và gamma (photon) phát ra từ hạt nhân hoặc nguyên tử, có sức làm tế bào của ta bị bỏng (tương tự như khi ta dùng máy vi ba hâm nóng thức ăn). Ai cũng bị phóng xạ hàng ngày, như khi nằm trên một tảng đá (alpha), hít không khí trong một thạch động (radon), đi chiếu tia X (gamma) hoặc cày cấy ngoài nắng (gamma tử ngoại). Ta cũng bị cả tỉ tỉ các tia vũ trụ (proton, neutron, neutrino…) từ trên trời bắn xuống hàng ngày. Nếu bị phóng xạ thật nhiều, như đứng gần một thanh nhiên liệu lấy ra khỏi tâm lò, thì ta có thể bị cháy bỏng, hoặc cơ thể bị nhiễm các chất có phóng xạ như iodine thấm nhập vào giáp trạng ở cổ hoặc cesium và strontium thấm nhập vào xương. Tế bào bị phóng xạ có thể biến dạng thành một tế bào ung thư. Việc này cũng gần giống khi ta bị nhiễm chất hóa học độc hại như hút thuốc lá, ăn nhiều thịt mỡ… lâu ngày làm một số tế bào biến dạng thành ung thư. Khảo cứu khoa học đã giúp ta hiểu biết khá nhiều về hậu quả của phóng xạ. Thường thì phải có một liều lượng lớn mới nguy hiểm có thể đo được. Điều hành một nhà máy ĐHN hoặc ở gần một nhà máy ĐHN không làm ta bị phóng xạ 1- 2% nhiều hơn lượng phóng xạ thiên nhiên mà ai cũng phải nhận. Tôi thường ví phóng xạ nhu ma, ai cũng sợ, nhưng ít ai chết vì ma. Số người làm việc trong các mỏ than, mỏ dầu bị chết vì nghề nghiệp nhiều gấp trăm lần số người làm việc trong công nghệ ĐHN.

4. So sánh với những sự cố khác trong đời sống thì nhà máy ĐHN nguy hiểm như thế nào? Bảng sau đây cho ta biết đại khái sự nguy hiểm của nhà máy ĐHN so với các nguy hiểm mọi người phải đối mặt hàng ngày như xe cộ, té ngã, chết đuối, điện giật.
http://bauxitevietnam.info/c/18007.html
Các con số trên cho biết ta không nên quá sợ hãi vì nguy hiểm của ĐHN. Ta cũng không nên lo ta xây dựng kém vì thực ra, mọi công tác sẽ phải do người ngoại quốc làm với kinh nghiệm như họ đã làm ở nước họ, bằng không ta không thể có nhà máy vào năm 2022 dù có khởi công từ bây giờ. Ngay cả việc điều hành, nếu thầy thợ của ta cẩu thả tắc trách, thì nhà máy sẽ tự động tắt lò, và rủi ro đối với người dân cũng sẽ không tăng hơn là có người nước ngoài điều khiển. Cái khổ nhất là khi lò tắt, ta không sản xuất được điện. Rủi ro là rất cao lò ĐHN của ta sẽ nằm chết dài dài vì mọi thiết bị và linh kiện đều phụ thuộc vào nước ngoài với một giá rất cao, và vì đội ngũ của ta chưa được đào tạo chuyên nghiệp và kỷ luật, dù rằng ta có bằng cấp cao đi chăng nữa. (Thực ra, người ta rất sợ mấy ông bà có bằng cấp cao, vì họ có thể quá méo mó hiểu biết mà không theo luật lệ). Mỹ phải học hỏi tốn rất nhiều công của suốt những năm 1970-1990 mới có một đội ngũ tốt như ngày nay, và các nước Nhật, Hàn, Đài Loan thì học hỏi các sai lầm của Mỹ. Khi lò ĐHN có sự cố làm nóng chảy uranium, hoặc khi có quyết định chính trị, thì lò phải đóng cửa vĩnh viễn, làm cả số tiền 10-30 tỉ USD sẽ mất trắng, và ảnh hưởng tới kinh tế và quốc phòng cũng không phải là nhỏ. Trong khi đó, ta vẫn phải trả nợ các nguồn vốn họ cho ta vay, giống như Commonwealth Edison, Tennessee Valley Authority, Phi Luật Tân, Áo. Dân ta đông và nghèo, nay còn phải cày cấy, đánh bắt tôm cá, xuất khẩu làm thuê làm mướn cho quốc tế, họ làm sao có tiền đóng thuế để chính phủ trả nợ?

5. An toàn của nhà máy ĐHN sau sự cố TMI và Chernobyl có tốt hơn không?
Chernobyl xảy ra năm 1986 làm 56 người bị chết, hơn 800,000 người bị nhiễm xạ trong số đó có 4000 người dự kiến bị chết sớm hơn bình thường; và nhiều triệu cây số vuông tại Ukraine, Belarus, Nga, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy bị nhiễm xạ. Thành phố Pripyat trong vòng 30 km sẽ bị bỏ hoang ít nhất 200 năm. Sự kiện này sẽ không khi nào xảy ra tại Việt Nam bởi vì ta dự kiến mua loại nhà máy APWR hoặc EPR. Ngay tại Nga nó cũng không xảy ra nữa, bởi vì quốc tế đã giúp Nga tu bổ hệ thống an toàn tốt hơn trước rất nhiều, và đang giúp Ukraine hơn 1 tỉ USD để chỉnh sửa các vấn nạn quan trọng nhất của hậu quả sự cố Chernobyl.
TMI cũng xảy ra vì sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của nhân viên điều hành, nhưng nhờ lò phản ứng thuộc loại nước và có nhà vòm bao trùm bồn thép, vì thế không làm thiệt hại nhân mạng, không làm ô nhiễm môi trường và vẫn cho phép nhà máy TMI-1 hoạt động tạo điện. Nhưng Commonwealth Edison mất trắng một số tiền đầu tư lớn, và nước Mỹ cũng phải tiêu nhiều tiền giúp tháo rỡ lò phản ứng bị hư hại. Sau sự cố TMI năm 1979, Mỹ bắt đầu một chương trình to lớn tu bổ an toàn cho nhà máy ĐHN khiến các nhà máy vốn đã ít nguy hiểm cho quần chúng lại càng ít nguy hiểm hơn. Chương trình này gồm ba mũi nhọn: (a) Thành lập Trung Tâm Nghiên Cứu An Toàn ĐHN (Nuclear Safety Analysis Center – NSAC) do các chủ lò chủ trương (vì họ có đầu tư thì phải tự lo!); (b) Thành lập Viện Giám Sát Điều Hành ĐHN (Institute of Nuclear Power Operations – INPO) cũng do các chủ lò phải lo; và (c) siết chặt luật lệ chính phủ qua Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (Nuclear Regulatory Commission – NRC). Ba cơ quan này làm việc độc lập, khảo sát chi li mọi nhà máy ĐHN theo phương pháp PRA, huấn luyện đội ngũ điều hành (khoảng 500 người x 100 nhà máy = 50,000 người) và tái tập huấn mỗi năm, đặt mới các thiết bị an toàn, thanh tra và tự thanh tra mọi hoạt động của nhà máy. NRC còn có quyền đóng cửa nhà máy hoặc phạt vạ nhiều tới 100,000 USD mỗi ngày nếu nhà máy vi phạm luật lệ và chuẩn mực, nhất là khi gian dối. Hoạt động tự giác này đã khiến các nhà máy của Mỹ hoạt động rất tốt, sản xuất mỗi năm 806 tỉ kWh điện (hay 20% toàn thể điện của Mỹ và 13 lần toàn thể điện lực Việt Nam (Việt Nam sàn xuất khoảng 60 tỉ kWh năm 2007).
Tôi đã làm một khảo cứu vào năm 1983 về sự an toàn của nhà máy ĐHN của Mỹ khi các nhà máy này đã thực hiện các tu bổ thiết bị và con người sau sự cố TMI [7, 8]. Tôi đi tới kết luận là sau sự cố TMI 5 năm, độ an toàn của các nhà máy PWR tăng lên khoảng 6 lần và các nhà máy BWR tăng lên 3 lần. Khảo cứu này được nhà khoa học Hans Bethe, người có giải thưởng Nobel vì khám phá ra nguồn gốc hạt nhân của năng lượng mặt trời, khen là “đáng tin”. Tuy nhiên, toán học cho biết rằng xác suất nhỏ vào loại 1/100,000 vẫn phải được hiểu là một sự cố nữa như TMI có thể xảy ra hôm nay hoặc năm tới. Chính vì lý do này mà các hãng nguyên tử còn muốn chế tạo lò ĐHN có an toàn tối đa.

6. Thế nào là lò an toàn tối đa?
Lò an toàn tối đa được định nghĩa là một nhà máy không có sự cố nào làm nó nóng chảy để tuôn phóng xạ ra làm nguy hại tới con người. Ví dụ, ta sống trên đồi núi, không tới gần hồ nước nào, có cách tránh lũ lụt, thì ta có an toàn tối đa không bị chết đuối. Muốn một nhà máy ĐHN có an toàn tối đa thì ta dùng thật nhiều nguồn nước và cách nước tràn vào uranium để không cần máy móc gì mà uranium trong lò vẫn luôn luôn có nước làm nguội. Các lò APWR, ABWR, và EPR ngày nay đểu gần đạt được mục đích này. Chính vì thế mà tôi quả quyết rằng không lo có sự nguy hiểm của nhà máy ĐHN cho người dân.
Đối với người làm việc trong nhà máy, thì vẫn có rủi ro, nhưng đó là lẽ thường của nghề nghiệp. Rủi ro lớn nhất vẫn là những rủi ro kỹ nghệ; ví dụ bị té từ cao xuống, bị vật nặng rơi trên đầu, bị điện giật, bị ngộp thở trong phòng kín. Công nhân trong nhà máy sẽ phải xử lý vật liệu có phóng xạ; ví dụ rác rưởi, giẻ lau chùi thiết bị, các chất nhựa lọc nước có phóng xạ, các màng lọc không khí có phóng xạ, nước chạy tua bin có nhiễm khí phóng xạ. Nếu bất cẩn, nhân viên có thể mở các van lầm, nước phóng xạ có thể đổ ra đất, ra nước, bay hơi ra không khí. Nếu bất cẩn có thể nhấn lầm các nút điều khiển gây ra sự cố có hại cho mình hoặc cho đồng nghiệp. Nếu bất cẩn hoặc không hiểu biết nguyên tắc kỹ càng trong công tác thay nhiên liệu thì có thể làm rơi các thanh nhiên liệu đó. Nếu gian dối đánh cắp vật dụng đem về nhà, đôi khi các vật dụng đó có phóng xạ mà mình không biết. Nếu bất mãn, có thể lợi dụng chức vụ làm thiệt hại cho nhà máy. Tất cả những vấn đề này đều được phương pháp PRA thẩm định trước, có biện pháp và thiết bị đề phòng, có tập huấn kỹ càng, nhưng không thể tránh hết vì nhân vô thập toàn. Nhưng kết luận của tôi là các nhà máy ĐHN Việt Nam muốn mua là rất an toàn, ít nguy hiểm hơn các nhà máy lọc dầu, hóa học, đập nước, đốt than. Đối với người dân, các rủi ro thường ngày vì xe cộ, vì thiếu vệ sinh, vì ăn uống bất cẩn, vì xung khắc với nhau… là to lớn gấp bội rủi ro do nhà máy ĐHN có thể gây ra.

7. So với các rủi ro nhân tạo và thiên tai thì sao? Có nhiều rủi ro gây thiệt hại sinh mạng to lớn trong xã hội vì thiên tai hoặc vì kỹ thuật của sự “văn minh”. Ai cũng biết thiên tai lớn xảy ra hàng năm, như động đất, sóng thần, núi lửa, giông tố, lũ lụt. Và văn minh của con người cho ta bay xuyên lục địa, đi tàu lớn khắp đại dương, ở nhà chọc trời, bắc cầu qua biển. Tất cả những việc này đều có sự cố khiến cả trăm, cả ngàn, cả triệu người bị chết.
Bảng sau đây liệt kê một vài con số để ta cảm nhận được những nguy hiểm cho sinh mạng của người dân trong thế kỷ 21.
http://bauxitevietnam.info/c/18007.html
Thiên thạch rơi xuống trái đất là hiện tượng ai cũng thấy ban đêm. Phần lớn chúng nhỏ và cháy trong khí quyển mà ta gọi là “sao đổi ngôi”. Nhưng thiên thạch rất lớn thì có thể giết hại nhiều người. Ví dụ, cách đây 65 triệu năm một thiên thể to như trái núi 10 km đã rơi xuống vùng Yucatan thuộc vịnh Mễ Tây Cơ làm đất cát nóng bốc hơi lên cao nhiều trăm cây số và xoay quanh trái đất khiến ánh sáng mặt trời bị che lấp và toàn thể sinh vật và cây cỏ đều chết hết, kể cả những đàn khủng long khổng lồ. Năm 1947, một thiên thể cỡ 28 tấn rơi xuống Primorsky Kai ở Nga, gây tiếng nổ chấn động xa tới 100 cây số. Nếu thiên thể đó rơi trúng một thành phố, thì thành phố bị thiêu hủy hoàn toàn như bị bom nguyên tử. Tính toán đại cương cho chúng tôi biết rằng xác suất một thiên thạch rớt xuống trái đất làm nhiều hơn 1000 người bị chết thì cũng giống như xác suất rủi ro của 100 nhà máy ĐHN (hiện trên thế giới có hơn 400 lò ĐHN và số này có thể gấp đôi trong vòng 50 năm) Xác suất này là khoảng 1 triệu năm thì mới có một lần. Các rủi ro khác gây thiệt hại nhiều sinh mạng thì nhiều hơn và dễ hiểu hơn. Ví dụ, động đất giết 88,000 người xảy ra năm 2008 tại Tứ Xuyên bên Trung Quốc thì có thể xảy ra 50 năm môt lần. Năm 1976 khi Mao Trạch Đông qua đời thì cũng có một cuộc động đất tại Đường Sơn giết chết hơn 255,000 người. Rủi ro bão lụt như bão số 9, 10 và 11 năm 2009 giết hại trên 1000 người tại Phi Luật Tân và Việt Nam thì cứ 2, 3 năm có một lần.

Lãnh đạo phải có chọn lựa khôn khéo
Rõ ràng là rủi ro giết nhiều người một lúc bởi nhà máy ĐHN rất là nhỏ so với các sự cố thiên nhiên và đời sống thường ngày. Đấy là chưa nói đến các bệnh tật truyền nhiễm, bệnh già, bệnh nghèo chết vì thiếu thầy thiếu thuốc. Trước bối cảnh này, nhà máy ĐHN an toàn gấp ngàn lần các rủi ro ta thường gặp. Vì thế, ta không nên lo nhà máy ĐHN loại Việt Nam muốn mua là nguy hiểm cho ta hay cho người dân.
Nhưng các nhà máy ĐHN rất đắt tiền, phải kế hoạch cả 10, 15 năm thì mới xây xong, và khi điều hành thì có rất nhiều rủi ro là nhà máy nằm chết không tạo điện. Khi nhà máy nằm chết thì ta vẫn phải trả nợ tiền vay. Nước Việt Nam còn rất nghèo. Dân ta bị kiệt quệ bởi chiến tranh phần lớn còn sống lam lũ, nhà cửa thô sơ, ăn uống không đủ, nhà thương hai ba bệnh nhân một giường, trường học thiếu thầy thiếu thiết bị, nhiều nơi không có cả nước sạch. Đối với ngân sách của ta, 10-20 tỉ USD là rất lớn, cần phải đi vay. Quốc Hội và chính phủ cần cân nhắc và chọn lựa những gì cần phải làm trước, những gì nên làm sau để dùng ngân sách quốc gia thật hữu hiệu. Có việc rất dễ, ít tốn kém mà lại lợi cho người dân ngay, như đầu tư và giáo dục áp dụng triệt để luật lệ xe cộ; vệ sinh công cộng; phòng các chứng bệnh thông thường; xây nhà thương và đào tạo bác sĩ nha sĩ; xây trường học giáo dục mầm non và thanh thiếu niên; tập huấn và bảo vệ những người xuất khẩu lao động để họ không bị bóc lột bởi cả tư bản Việt Nam và ngoại quốc… Tất cả những dịch vụ vì dân này đều cần điện, nhưng cần tiền là chính để kết quả có lợi trước mắt thay vì đầu tư vào ĐHN mà 15-20 năm nữa ta cũng chưa biết chúng có sản xuất điện không. Theo tôi, ngay như sản xuất điện thì ta cũng có thể làm cách khác nhanh hơn, Việt Nam hơn, nhân bản hơn, và rẻ hơn mà không phải dùng tới ĐHN. Tôi sẽ có dịp trình bày các cơ hội này trong một dịp khác.
Một ông thầy của tôi, Alvin Weinberg, người phát minh ra lò PWR chạy tàu ngầm và nổi tiếng thế giới về công dụng hòa bình của năng lượng hạt nhân, đã có lần nói: “Năng lượng hạt nhân là một kỹ thuật không biết tha thứ.” Nó đòi hỏi con người rất thận trọng vì nó rất nguy hiểm và đắt tiền. Nguy hiểm thì như việc dùng nó làm bom, có thể tận diệt nhân loại. Đắt tiền thì như TMI và Chernobyl, làm cả tỉ USD bị mất trắng chỉ vì một lỗi cỏn con của con người.
Tôi không nói Việt Nam không có sức hoặc không cần ĐHN. Tôi chỉ nói ta không có sức và không cần ĐHN trong vòng 20 năm nữa. Ta không sợ sự an toàn của nhà máy ĐHN, nhưng ta nên lo việc nhà máy ĐHN dùng sai ngân sách eo hẹp của quốc gia và có nhiều rủi ro nằm chết không sản xuất điện. Lúc đó, phần lớn quí vị dân biểu, lãnh đạo chính phủ và chúng tôi đều đã già hoặc đã qua đời, không còn trách nhiệm nữa về các nợ nần và nguy cơ làm của con cháu ta tiếp tục nghèo khó. Thế hệ cha ông của ta đã mắc nhiều lầm lỗi khiến Việt Nam nghèo và tang tóc hơn nhiều dân tộc khác. Quốc Hội có trách nhiệm bàn cãi chín chắn về quyết định của đại diện người dân làm chủ đất nước.
Ta không nên sợ nhà máy ĐHN nguy hiểm, nhưng ta nên lo con cháu ta mắc nợ dài dài.
PLĐ

Ghi chú
[1] Ông Phùng Liên Đoàn, 70 tuổi, là Tổng Giám Đốc công ty tư vấn Professional Analysis, Inc. (PAI) tại Mỹ, chuyên môn về các dịch vụ nguyên tử và môi trường. Ông Đoàn đã từng là cố vấn cho Bộ Năng Lượng (Department of Energy-DOE) và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (Nuclear Regulatory Commission- NRC) của Mỹ. Ông đã tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và viết hơn 100 khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của ĐHN so với các nguồn tạo điện khác. Ông cũng đã tham gia tẩy uế phóng xạ tại 10 trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ, cùng là khảo cứu hiện tượng hâm nóng khí quyển do việc sử dụng năng lượng toàn cầu. Ông là đồng tác giả tài liệu WASH-1400 về sự an toàn của 100 nhà máy ĐHN của Mỹ mà cả thế giới đã noi gương; và sách The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power, Praeger Publishers, New York, tiên đoán sẽ có sự phục sinh của ĐHN. Ông Đoàn tốt nghiệp cử nhân toán và vật lý tại đại học Florida State University, thạc sĩ vật lý và nguyên tử tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) và tiến sĩ nguyên tử tại MIT. Ông Đoàn đã từng làm việc tại Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt, 1964-1967. Ông Đoàn và gia đình đã bỏ hầu hết tiền để dành và tiền hưu để làm việc từ thiện ở Việt Nam.
[2] Phung L. Doan, D.D. Lanning, and R.C. Rasmussen, 1973. “Pressurized Water Reactor Loss-of-Coolant Accidents by Hypothetical Vessel Rupture” Nuclear Safety, Vol. 14, No.4.
[3] Doan L. Phung and Wm B. Cottrell, 1983. “Pressure Vessel Thermal Shock: Experience at U.S. Pressurized Water Reactors, 1963-1981”, Nuclear Safety, Vol.24, No.4.
[4] J.H. Crowley, P. L. Doan and D.R. McCreath, 1974. “Underground Nuclear Plant Siting: A Technical and Safety Assessment”, Nuclear Safety, Vol 15, No. 5.
[5] Doan L. Phung and William B. Cottrell, 1983. “Analyzing Precursors to Severe Thermal Shock”, Nuclear Engineering International, Vol. 28.
[6] U.S. Nuclear Regulatory Commission. 1975. WASH-1400 (NUREG-75/014): Reactor Safety Study: An Assessment of Accident Risk in U.S. Commercial Nuclear Power Plants. Washington D.C.
http://www.professormcgill.com/blog/2009/07/08/the-birth-of-pra-wash-1400-all-in-one-place/
[7] Doan L. Phung. 1985. “Light Water Reactor Safety Before and After the Three Mile Island Accident,” Nuclear Science and Engineering, Volume 90, No.4,
[8] Weinberg, Spiewak, Barkenbus, Livingston and Phung, 1985. The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power. Praeger Publishers, New York.
[9] Doan L. Phung. 1984. Technical Note: “LWR Safety After TMI”, Nuclear Safety, Vol. 25, No. 3.
[10] Doan L. Phung. 1983. ORAU/IEA-83-1 (M). “Economics of Nuclear Power: Past Record, Present Trends, and Future Prospects.” Institute for Energy Analysis, Oak Ridge Associated Universities, Oak Ridge, Tennessee, USA.
[11] John Deutch et al., MIT Energy Initiative, 2009. Update of the MIT 2003 Report “Future of Nuclear Power”,
http://web.mit.edu/nuclear power/



No comments: