Wednesday, November 18, 2009

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG (33)

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG
(Hồi Ký Vi Đức Hồi)

Ông Vi Đức Hồi nguyên là là trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay Ông đã thôi giữ các nhiệm vụ cuả đảng CSVN để tham gia phong trào dân chủ VN quốc nội.




33
Ngày 29 tháng 4 năm 2008, ngọn đuốc thế vận hội Bắc Kinh 2008 sẽ đựơc rước vào thành phố Hồ Chí Minh, qua hai quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa của Việt Nam, rồi vào đảo Hải Nam, lãnh thổ Trung Quốc để tiến về Bắc Kinh. Thế giới đã có nhiều phản ứng về sự kiện này, nhiều nước lên tiếng tẩy chay thế vận hội, cho rằng trong thời đại ngày nay, Trung Quốc không xứng đáng để tổ chức đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất trên hành tinh; bởi Trung Quốc là một trong những nước vi phạm trắng trợn về dân chủ và nhân quyền, thêm nữa, môi trường Bắc Kinh bị ô nhiễm không đảm bảo tiêu chuẩn cho việc tổ chức thế vận hội.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2007, các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là giới sinh viên, trí thức đã rầm rộ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình được tổ chức ôn hoà, trật tự, biểu lộ mối quan tâm sâu sắc đến hiện tình đất nước. Sự kiện thế vận hội Bắc Kinh, một lần nữa lại dấy lên phong trào lên tiếng ủng hộ việc tẩy chay thế vận hội, phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, khẳng định hai quần đảo trên thuộc chủ quyền ViệtNam, phản đối thái độ bạc nhược của nhà cầm quyền Việt Nam trong tình hình đất nước đang nguy biến. Phong trào dân chủ, các tầng lớp trí thức, sinh viên, những người lao động yêu nước một lần nữa lên tiếng kêu gọi xuống đường biểu tình tại hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội.
Là một công dân, tôi tự thấy mình không thể không quan tâm đến tình hình của đất nước đang bị ngoại bang gặm nhấm từng ngày đến sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Tôi chủ động điện thoại cho mấy anh em dân chủ ở Hà Nội, và được biết lần này tại Hà Nội phong trào dân chủ đứng ra tổ chức, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia tổ chức biểu tình vào lúc 8h ngày 29 tháng 4 năm 2008, đúng vào thời điểm ngọn đuốc thế vận hội Bắc Kinh được rước vào lãnh thổ Việt Nam. Chiều 28 tôi tìm cách thoát khỏi tốp công an canh gác để đi Hà Nội, mãi đến 17h tôi mới lên được xe.
Đến Hà Nội, tôi điện cho mấy anh em dân chủ hỏi han tình hình nhưng không ai trả lời. Mãi sau có số máy lạ điện cho tôi, đó là Nguyễn Tiến Nam. Thì ra là Tiến Nam thay SIM mới để gọi tôi tránh sự nghe lén của công an.
- Anh em đã tập kết đông đủ, chú cứ tìm chỗ nghỉ rồi sáng sớm mai sẽ có người thông tin. Tối nay chú tắt máy đi, kẻo bọn cớm nó phát hiện. Mọi việc đã bố trí rồi, chú yên tâm đi. Mai sẽ có người thông báo địa điểm. Anh em thống nhất chú không cần trực tiếp tham gia đâu, vì chú là người đã có tuổi, chỉ cần chú có mặt để động viên anh em và làm những việc sau khi anh em bị bắt. Đó là nhiệm vụ của chú.
- OK.
Tôi đáp xe buýt quay về bến xe Gia Lâm tìm chỗ nghỉ, vì ở đó vừa tiện xe đi các tuyến, giá phòng nghỉ lại rẻ. Vừa cập bến, Nguyễn Bá Đăng quê Hải Dương điện cho tôi.
- Anh đang ở đâu?
- Đang ở Hà Nội.
- Anh sang chỗ em nghỉ đi, em mua phòng rồi, hai anh em cùng nghỉ cho vui!
Tôi lại đi xe cửu sang chỗ Nguyễn Bá Đăng cách đó chừng hai cây số, một địa điểm rất an toàn. Suốt cả đêm hai anh em không sao ngủ được, một mặt vì nước chè, cà phê làm mất ngủ, mặt khác canh cánh bên mình về sự kiện ngày mai sẽ ra sao,kết quả thế nào... Đúng là “thức khuya mới biết đêm dài”.
Đúng 6h, Nguyễn Tiến Nam, “phát ngôn nhân” của ban tổ chức điện cho tôi (lại một số điện thoại mới), giao nhiệm vụ:
- Địa điểm tại chợ Đồng Xuân, thời gian không có gì thay đổi. Nhiệm vụ của chú là trực tiếp quan sát và thông tin ra ngoài về diễn biến cuộc biểu tình, theo dõi sát họ bắt bớ thế nào, đưa đi đâu, và tìm cách liên lạc với mọi người để tiếp tế, thăm nuôi.
- OK. OK.
- Ta đi sớm để còn xem tình hình thế nào anh ạ. Nguyễn Bá Đăng đề xuất.
Hai anh em đi xe máy của Đăng vào trong nội thành tìm quán vắng khuất, ăn sáng cho yên tâm. Gần 7h, tôi đến chợ Đồng Xuân. Tình hình yên ắng, không có bóng dáng công an lảng vảng khu chợ. Lòng bảo dạ: “Chắc mọi việc suôn sẻ”.
Nguyễn Bá Đăng đi gửi xe, tôi vào trong chợ quan sát.
Chợ bắt đầu đông. Các sạp hàng đã được bày ra, sẵn sàng cho một phiên giao dịch, trao đổi, mua bán của một thị trường sầm uất bậc nhất của thủ đô. Bỗng ở trước cửa chính của chợ có tiếng loa: “Kính thưa đồng bào!”, lập tức tứ phía nhốn nháo, tôi cố nghe tiếp nhưng không nghe được vì tếng ồn ào, náo nhiệt của hàng trăm người trong nhà chợ. Mọi người đổ xô, chen chúc nhau về phía có tiếng loa. Tôi cũng vội chen qua nhiều người để đi ra sân cổng chính của chợ.
Một đội quân đông đến trên dưới ba chục người mặc trang phục bảo vệ chợ Đồng Xuân đang hành hung mấy anh em dân chủ. Đi trước là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, có hai người lực lưỡng áp tải hai bên sườn, mặt đỏ văng đang đẩy anh đi về phía nhà bảo vệ chợ Đồng Xuân. Tiếp theo là anh Vũ Hùng. Anh cố tình chống cự lại. Anh ngồi phệt xuống đất. Họ vừa lôi anh đi vừa đấm, đá vào mặt, vào bụng anh, thấy anh không cử động gì, họ lôi anh đi như một xác chết. Còn Nguyễn Tiến Nam, Ngô Quỳnh, mỗi người có một tên ra tay bóp cổ để cho khỏi kêu, hai tên khác mỗi người giữ một tay vừa kéo, vừa đẩy đi vào trạm bảo vệ chợ.
Thành ra là lực lượng công an đã cải trang, trá hình toàn bộ thành những nhân viên bảo về chợ Đồng Xuân để phục kích đàn áp cuộc biểu tình. Tôi vẫn đang theo sát diễn biến sự kiện diễn ra. Bỗng có ba người đến áp sát tôi, một người lên tiếng:
- Mời anh Hồi đi theo tôi!
- Các ông là ai?
- Tôi mời anh đi làm việc, đề nghị anh tuân thủ! Vừa nói ba người xúm vào tôi, đẩy tôi đi.
- Tôi mời anh hẳn hoi đấy nhé! Anh chống lại, tôi sẽ có biện pháp rắn đối với anh, mời anh đi cho!
- Anh bỏ tôi ra, để tôi đi.
Thấy tôi vào, mấy anh em ngạc nhiên. Tiến Nam nhanh nhẩu:
- Chú cũng bị bắt là sao?
- Hỏi công an, hỏi gì chú!
Mấy anh em nhìn tôi cười. Nhìn nét mặt, nhìn người ai cũng đang bị đau nhưng rất lạc quan. Anh Nghĩa trêu chọc: “Vào đây cho vui!”. Lúc này tôi mới có dịp quan sát kỹ mọi người. Người bị đánh đau nhất chắc là anh Vũ Hùng, quê Hà Tây vì trông mặt, cổ anh đầy những vết tím bầm. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vẫn đang trong trạng thái đau tức nghẽn từ trong lồng ngực. Nguyễn Tiến Nam, quê Yên Bái, lộ rõ nhất là vết hằn ở cổ bị chúng bóp, giần, cào cấu. Đó là những vết tích lộ rõ bên ngoài, còn bên trong thì chắc là còn đau hơn nhiều. Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Nhất quê Bắc Giang và cậu sinh viên Nguyễn Văn Sơn quê Hải Phòng bị chúng đánh vào chỗ hiểm nên đang gắng mình để vật lộn với những cơn đau. Chỉ có tôi và Nguyễn Thị Kim Thu là không bị đánh vì hai chúng tôi ở vòng ngoài.
Tám anh em chúng tôi được họ bố trí ngồi hai ghế băng, tất cả hành lý, tư trang cá nhân đều bị công an lột cho bằng sạch, họ kiểm tra từng người, túi áo, túi quần được lộn ra cho bằng hết. Trong người tôi chẳng có gì ngoài chiếc điện thoại và chiếc đông hồ đeo tay loại rẻ tiền. Một bàn to chất đầy những “tang vật” gồm có áo Đông Xuân in đậm chữ “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”, một chiếc loa cầm tay, vài biểu ngữ, mấy tờ giấy lộn và trang giấy viết tay lời hiệu triệu cùng các đồ vật cá nhân của tám anh em chúng tôi.
Chúng tôi bắt đầu hỏi chuyện nhau.
- Bị lộ phải không anh? Tôi hỏi anh Nguyễn Xuân Nghĩa.
- Phải, bị lộ. Tiếc quá. Anh em chưa kịp tập kết đã bị chúng đàn áp, gải tán. Xác định đằng nào cũng bị bắt nhưng nó diễn ra nhanh quá, ta chưa làm được gì! Chỉ cần 10 phút nữa là anh em tập kết đến hàng trăm người rồi, lúc đó chúng nó khó mà đối phó. Lực lượng của ta đã nấp xung quanh đó rất đông. Riêng khối dân oan đã có đến gần trăm người. Đồng bào ở Thanh Hoá ra hơn hai chục, lực lượng sinh viên cũng có vài chục, tất cả đã sẵn sàng. Nhưng ta đã bị phục kích, vừa trương được biểu ngữ, tiếng loa vừa cất lên chúng đã bủa vây chặt. Các lực lượng của ta chưa kịp kết nối đã bị phong toả. Đúng là ta chưa có kinh nghiệm, chưa lường hết được các tình huống bất ngờ. Nhưng thôi, thế cũng được rồi.
Lực lượng công an mặc quân phục bắt đầu kéo đến. Một người trung niên, tầm tuổi tôi, mặc thường phục. Vừa bước vào quan sát thấy tôi, ông ta đến chào tôi, bắt tay tôi.
- Ông Hồi hả? Ông xuống Hà Nội làm gì đấy?
- Hà Nội vui lắm, thỉnh thoảng tôi vẫn xuống đây chia vui!
Ông ta cười rồi bỏ đi. Kim Thu đến bên tôi thông báo:
- Trưởng công an quân Hoàn Kiếm đấy, anh biết không?
- Không. Anh làm sao biết được.
- Thế mà họ biết anh nhỉ!
- Anh em mình nổi tiếng thế ai chẳng biết!
Kim Thu phá lên cười. Một tiếng quát cắt ngang.
- Này! Đây không phải chỗ cười đùa nhé!
Không khí trong căn phòng lắng xuống. Một người đi ra chỗ bàn chất đồ đạc thông báo: “Bây giờ từng người một ra nhận những tang vật của mình để chụp ảnh đưa vào hồ sơ”. Máy ảnh, camera bắt đầu quay toàn cảnh của căn phòng rồi quay, chụp từng người cùng với những đồ đạc, tư trang và “những tang vật” liên quan. Xong việc, họ áp giải chúng tôi ra xe đón sẵn trước cửa để đi về đồn công an phường Đồng Xuân. Mấy chiếc máy quay phim, nhiếp ảnh luôn chĩa vào chúng tôi để ghi những khoảnh khắc quan trọng này, một thành tích của công an Hà Nội lập công dâng lên cấp trên, trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân.
Chúng tôi ngồi chen chúc nhau trong phòng chờ của đồn công an. Một viên sĩ quan đi đi, lại lại trông dáng vẻ lấc cấc. Anh ta đếm đi, đếm lại chúng tôi rồi anh ta lẩm bẩm: “Tám người, tám người, tất cả tám người”. Chúng tôi nhìn anh ta phì cười. Anh ta nổi cáu, quát to: “Vào đây mà còn cười được à! Cùm chân lại hết bây giờ!”.
Được thể mấy anh em nháy nhau chọc tức anh ta. Kim Thu lên tiếng:
- Người ở đâu mà ra oai thế? Thích cùm thì về mà cùm chó nhà, cùm chó thiên hạ người ta đánh cho toè mỏ đấy.
Mọi người lại cười nhạo báng anh ta. Tức quá anh ta chuồn vào bên trong.
Điện thoại bàn của trực ban nổ chuông. Cậu trực ban nhấc máy. Cậu ta nghe một lúc rồi nói:
- Vâng, chúng tôi là công an Hà Nội đây! Chị là đài Á Châu Tự Do à? Có việc gì không chị? Ở đây không bắt giữ ai cả. Chị hỏi chỗ khác nhé.
Kim Thu nhanh nhẩu nói to xen ngay vào:
- Họ nói rối đấy! Chúng tôi đang bị bắt giữ tại công an phường Đồng Xuân, Hà Nội.
Anh Nghĩa ra hiệu cho Kim Thu:
- Bọn họ lừa ta đấy!
Kim Thu hiểu ra thôi luôn. Cậu công an cười đắc chí vì đã trả đũa được cho anh bạn đồng nghiệp của mình.
- Vũ Hùng đâu? Một người từ bên trong đồn đi ra hỏi.
- Tôi, Vũ Hùng đây!
- Đi theo tôi làm việc. Nói rồi anh ta kéo Vũ Hùng ra ngoài, đẩy lên xe ô tô rồi đưa đi đâu không ai biết. Lát sau viên công an “lấc cấc” lại đi ra. Anh ta quan sát kỹ lưỡng rồi lại đếm, thấy thiếu người, anh ta quát to.
- Một người nữa đâu?
Không ai trả lời. Cậu công an trực máy ngồi đó cũng không nói gì. Anh ta vào nhà vệ sinh tìm xem có đấy không. Lúc quay ra anh ta hoảng hốt, quát trống không.
- Tại sao lại còn có bảy người? Một người nữa đi đâu?
- Anh là người quản lý còn không biết thì ai biết. Cậu công an trực máy trả lời.
Hoảng quá, anh ta lao ra hè quan sát. Không thấy gì, anh ta lại vào hỏi chúng tôi.
- Một người nữa đi đâu rồi?
- Chúng tôi chỉ có bằng này, lấy đâu ra người nữa!
Anh ta lấy tờ giấy ghi danh sách trong túi quần ra đối chiếu. Quả là thiếu một người. Anh ta thốc tháo đi vào trong, chắc là để hỏi người có chức trách. Lát sau anh ta đi ra vẻ mặt hết lo âu, tiếp tục dáng bộ ra oai quát bọn tôi:
- Ngồi tách nhau ra. Co cụm vào để làm náo loạn, mất trật tự. Nói không nghe tôi xích chân vào đấy.
Mọi người nhìn nhau cười, sự ồn ào được tạm lắng xuống.
- Anh Nghĩa đâu?
- Có cái thân tôi!
- Anh theo tôi. Một người từ bên trong ra dẫn anh Nghĩa đi vào.
- Anh Hồi đâu, theo tôi. Một người khác dẫn tôi đi.
Họ đưa tôi vào một phòng vừa ở, vừa làm việc của cán bộ công an phường. Tiếp tôi là một sĩ quan điều tra viên của công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh ta giới thiệu tên, chức vụ với tôi theo nghi thức quy định. Đến giờ tôi cũng chẳng nhớ nổi tên anh ta nữa.
Mở đầu cuộc thẩm vấn, anh ta yêu cầu tôi bỏ tất cả những gì trong người tôi ra. Tôi lục ra hết những gì trong túi tôi có đặt lên bàn cho anh ta kiểm tra. Chẳng có gì ngoài hơn trăm nghìn tiền lẻ.
- Được rồi, anh cất đi. Chứng minh thư của anh đâu?
- Tôi đánh mất chưa kịp làm.
Một nữ công an đeo quân hàm thiếu uý đi vào đưa cho viên sĩ quan đang hỏi cung tôi chiếc điện thoại.
- Anh xem có phải điện thoại của anh không? Viên sĩ quan đưa cho tôi, hỏi. Tôi cầm bấm xem danh bạ.
- Đúng, của tôi.
- Cháu kê toàn bộ các cuộc gọi, tin nhắn đi và đến cho chú. Viên sĩ quan giao nhiệm vụ cho nữ thiếu uý.
Bắt đầu cuộc thẩm vấn, viên sĩ quan lên giọng chỉnh huấn:
- Anh là kẻ phạm tội. Trước cơ quan điều tra, yêu cầu anh thành khẩn khai báo, chúng tôi sẽ căn cứ vào sự thành khẩn của anh để có chính sách khoan hồng đối với anh. Anh rõ chưa? Anh ta quát.
- Anh quát ai? Tôi yêu cầu anh bỏ ngay thái độ hống hách đó đi, nếu không tôi tuyên bố sẽ không làm việc, không hợp tác với anh ngay, anh muốn làm gì tôi thì làm!
Nét mặt anh ta biến sắc. Để cố giữ thái độ bình tĩnh, anh ta cặm cụi ghi tiêu đề biên bản lấy lời khai: ”Cộng Hoà Xã Hội…”. Lúc sau giọng anh ta trấn tĩnh lại.
- Anh cho biết họ, tên tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp…của anh. Anh xuống Hà Nội từ khi nào? Gặp ai, bàn những gì?... Chúng tôi có được những căn cứ anh và Nguyễn Xuân Nghĩa là người tổ chức, Vũ Hùng là người nhận tiền từ nước ngoài gửi về để chi phí cho cuộc biểu tình này!
- Nếu anh đã có chứng cứ như vậy thì còn hỏi tôi làm gì?
- Tôi xem thái độ thành khẩn của anh đến đâu!
- Thái độ thành khẩn của tôi là: tôi không liên quan đến vụ này!
- Không anh thì ai? Ai tổ chức? Không lẽ mấy thằng ranh con như Nguyễn Tiến Nam, Ngô Quỳnh đó là người tổ chức?
- Đó là việc của các anh, các anh có trách nhiệm làm rõ, tôi không biết.
- Nguyễn Xuân Nghĩa và Vũ Hùng là người trực tiếp đạo diễn. Anh là người gián tiếp, và đứng đằng sau anh còn vài người nữa chỉ huy, liên lạc với bên ngoài, tôi không lạ gì!
- Người khác tôi không biết, còn tôi, tôi chỉ là người thích tò mò đi xem.
- Ai thông báo cho anh?
- Tôi đọc trên mạng, đầy rẫy thông tin.
- Ai thông báo cho anh về địa điểm?
- Có người nhắn tin vào máy tôi, tôi không biết người đó là ai, số máy lạ hoắc!
- Được rồi, tôi sẽ xem ngay trong máy của anh về nội dung các tin nhắn.
- Tôi đã xoá, làm sao anh thấy được.
- Đây, có những tin nhắn từ tháng trước anh vẫn chưa xoá, tin mới đây mà anh nói là xoá, anh có thấy vô lý không? Viên sĩ quan cầm lấy bảng kê trước mặt nữ thiếu úy vặn lại tôi.
- Những tin nhạy cảm, tôi không bao giờ tôi lưu trong máy.
Phòng bên cạnh tiếng đập bàn, có tiếng quát tháo:
- Mày là thằng nào? Mày là cái thá gì mà đòi là yêu nước! Loại mày thì biết gì mà nói đến Hoàng Sa, Trường Sa! Ai cho phép mày động đến công việc của Đảng, nhà nước?
Đấy là tiếng viên công an đang hỏi cung Nguyễn Văn Nhất vọng sang bên này làm nhức cả óc. Viên sĩ quan đứng dậy khép cửa sổ, cửa chính lại nhưng cũng chỉ giảm được đôi chút.
Lòng tôi trào dâng những cơn phẫn nộ về thái độ xấc xược của viên công an hỏi cung phòng bên. Điện thoại của tôi cứ chốc chốc lại nổ chuông trên tay viên thiếu uý nữ công an, làm gián đoạn cuộc thẩm vấn.
- Xem ai gọi? Viên sĩ quan hỏi cung lại hỏi.
- Số này ở nước ngoài chú ạ.
Tắt đi!
Hơn một tiếng trôi qua, thiếu uý nữ công an đã hoàn thành nhiệm vụ ghi chép các cuộc gọi, nhắn tin đi, đến trong máy điện thoại của tôi, cả thảy họ chép được đến vài trang giấy, những cuộc điện thoại cách đây đến hơn tháng họ cũng ghi đầy đủ nội dung không thiếu một chi tiết dù là rất nhỏ.
- Đây, có rất nhiều cuộc anh gọi đi, người ta gọi đến. Và đây có mấy tin nhắn quan trọng. Đây là số máy của Nguyễn Tiến Nam nhắn cho anh: “Hàng đã tập kết, chú ạ”. Anh giải thích thế nào về nội dung tin nhắn này?
- Tôi không biết. Chắc ai đó nhầm máy.
- Anh nói như trẻ con, rõ ràng là số máy Tiến Nam, gửi vào máy anh. Nó gọi anh bằng chú đúng không? Thế mà anh còn cãi với tôi!
Tôi nói cho anh biết, tôi chỉ chịu trách nhiệm về những những thông tin tôi phát ra, còn những thông tin gửi đến, tôi không chịu trách nhiệm. Anh xem tôi có xử lý thông tin này không? Hoàn toàn không! Vậy làm sao tôi phải chịu trách nhiệm về thông tin này? Anh là người nắm pháp luật, anh phải hiểu điều này!
Đồng hồ đã chỉ sang 11h30. Viên sĩ quan tỏ ra thất vọng về cuộc thẩm vấn sáng nay.
Cơ quan điều tra sẽ còn làm việc với anh nhiều, anh không thể chối phăng như thế này mãi được đâu! Tôi hy vọng anh tiếp tục suy nghĩ để hợp tác với chúng tôi, và đó cũng là lối thoát cho anh để được nhẹ tội, tôi nói thật đấy. Nói rồi anh ta hoàn tất hồ sơ đưa cho tôi đọc lại rồi ký. Kết thúc buổi sáng, người tôi đã thấm mệt vì suốt đêm qua không ngủ, sáng nay lo toan nhiều vấn đề, lại phải đấu trí với một điều tra viên có khá bề dày kinh nghiệm ở trung tâm thủ đô Hà Nội.
Mấy anh em, chú cháu chúng tôi lại tập trung tại phòng trực ban. Họ bố trí cho chúng tôi mỗi người một suất cơm hộp, vừa ăn vừa kháo chuỵện xua tan những mệt mỏi, bực dọc trong người sau một buổi đối mặt đầy những cam go.
14h. Chúng tôi phải thực hiên việc gắn số trên ngực để chụp hình, lăn toàn bộ vân tay ở các ngón và bàn tay để làm hồ sơ như chuẩn bị đưa vào trại giam. Mỗi người lập thành bốn bộ, đóng gói trong bốn phong bì đựng hồ sơ loại to nhất, bên ngoài ghi rõ họ tên, địa chỉ của mỗi người. Công an ở các tỉnh bắt đầu đến. Phó giám đốc công an tỉnh Yên Bái dẫn đầu tốp công an địa phương đến đầu tiên. Tiếp đến là công an Hải Phòng, công an Bắc Giang, Hà Tây, và sau cùng là công an Lạng Sơn do trưởng phòng PA38 Hoàng Anh dẫn đầu đã có mặt tại đồn công an phường Đồng Xuân, Hà Nội.
16h, cuộc hỏi cung lại tiếp tục. Mọi người lại trở về phòng hỏi cung của mình như ban sáng.
- Nguyễn Tiến Nam, Vũ Hùng và kể cả ông Nghĩa nữa đã khai báo anh là người tham gia bàn bạc, tổ chức, đạo diễn cuộc biểu tình. Bây giờ một lần nữa tôi nghe anh nói đây!
- Tôi chẳng có gì để nói, ngoài những gì tôi đã trình bày với anh sáng nay.
- Đến giờ mà anh vẫn ngoan cố! Tôi cho đối chất, anh thấy thế nào?
- Tôi sẵn sàng!
Anh Hồi quan hệ với Nguyễn Khắc Toàn thế nào?
- Tôi chưa có dịp gặp Nguyễn Khắc Toàn. Tháng Hai vừa rồi anh Toàn mời tôi xuống nhà nhân dịp anh khánh thành tầng ba nhà ở của anh. Đến nơi, anh Toàn ra đón tôi liền bị công an ngăn lại. Tôi chỉ nói chuyện với anh Toàn được vài câu đã bị giải tán.
- Hôm nay Nguyễn Khắc Toàn ra chỗ diễn ra biểu tình, anh có thấy không?
- Không. Tôi không thấy và cũng không thấy ai nói có anh Toàn ra đó.
- Nguyễn Khắc Toàn là một trong những người cùng bọn các anh chỉ huy cuộc biểu tình này.
- Tôi không được biết điều đó.
- Anh không nói thì người khác nói, mà họ đã nói hết rồi. Vấn đề là: tôi, một lần nữa, hỏi anh xem anh có hợp tác với chúng tôi không thôi!
- Vậy anh đi mà hỏi những người biết, những người thấy. Còn tôi, tôi không biết và cũng không nhìn thấy anh Toàn ra đó.
- Anh dám cam đoan lời khai của anh?
- Đương nhiên là tôi chịu trách nhiệm về mọi lời khai của mình.
Rồi. Anh ký biên bản.
Kết thúc cuộc thẩm vấn, chúng tôi lại tập trung với nhau tại phòng trực ban.
Trời đã tối, chẳng thấy họ mời cơm cháo gì. Chúng tôi nhờ người đi mua bánh mì về ăn tạm. Các đoàn công an của các tỉnh kéo nhau đi ăn cơm, mãi đến 8h30 tối mới kéo nhau về. Những khuôn mặt đỏ văng, no nê bước xuỳnh xuỵch đi qua chúng tôi như chẳng hề quen biết. Đúng 9h đêm, họ gọi chúng tôi vào làm việc. Họ bắt chúng tôi ký nhiều loại giấy tờ mà đến nay tôi không nhớ nổi là loại giấy tờ gì. Họ bắt từng người cầm những thứ được gọi là “tang vật” để họ quay camera, chụp hình. Tôi chỉ có chiếc điện thoại di động và một đồng hồ đeo tay của tôi.
- Đây là tang vật đấy à? Tôi hỏi bâng quơ với người quay camera dí sát mặt tôi.
Lại viên sĩ quan lấc ca, lấc cấc sáng nay đang ngồi xem ở vòng ngoài nói leo xen vào.
- Biết làm sao được! Ăn cắp thì phải chịu đòn, gắng mà chịu thôi!
- Xin lỗi ông! Ông biết gì mà chõ vào đây!
Mọi người nhìn tôi, lại nhìn viên công an lấc cấc kia cười ồ lên. Viên công an này cũng chẳng biết tự ái, tự trọng gì, còn tỏ vẻ đắc chí cười theo mọi người. Xong việc, công an Lạng Sơn áp giải tôi lên xe đi về.
Đường phố Hà Nội xe chật như nêm, chốc chốc xe lại phải dừng lại bởi đèn đỏ chặn lại.
- Tôi không hiểu anh là người gì nữa! Đang yên đang lành, bạn bè đông đúc, gặp nhau tay bắt, mặt mừng, mời nhau chén chú, chén anh, đi công tác xe đưa, xe đón, bỗng chốc tự dưng lại đi đàn đúm với bọn trẻ con gây rối ở Hà Nội. Ở nhà thì đi viết mấy cái bài vớ va vớ vẩn, vớ vớ vẩn vẩn, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống chế độ. Để rồi xem anh làm được gì! Tôi nói cho anh biết đợt này anh sẽ biết thế nào là lễ độ! Trưởng phòng PA38 Hoàng Anh tuôn ra một thôi, một hồi với tôi.
Tôi phì cười vì thấy anh ta lúc nào cũng có câu cửa miệng “vớ va vớ vẩn, vớ vớ vẩn vẩn”, nhất là lúc anh ta bí từ.
- Tôi có tội, tôi chịu tội. Tôi không có tội, tôi chẳng làm gì phải sợ ai! Tôi cũng sẵn sàng đón chờ xem anh cho tôi biết lễ độ thế nào! Tôi coi thường cái kiểu “tay bắt, mặt mừng, chén chú, chén anh”. Anh cho đó là thú vui, là niềm tự hào; còn tôi, tôi rất coi thường, nếu như không muốn nói đó là vết dơ.
Bầu không khí trong xe có vẻ trở nên căng thẳng. Vừa lúc đó có điện thoại gọi đến. Anh ta “vâng vâng, dạ dạ” liên hồi. Từ đó suốt trên chặng đường dài gần 80km, mọi người không ai nói với ai. Tôi ngả lưng ra phía sau để nghỉ cho đỡ mệt. Hơn 11h đêm, xe về đến đồn công an huyện. Họ đưa tôi vào phòng họp của cơ quan. Nơi này tôi đã quá quen thuộc, vì đây là địa điểm cho các cuộc gọi hỏi, thẩm vấn đối với tôi, chắc không dưới hai chục lần tôi có mặt ở đây để làm việc với công an các cấp. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, trưởng phòng Hoàng Anh đến thông báo với tôi:
- Bây giờ chúng tôi đưa anh về nghỉ, sáng mai làm việc. Tôi thông báo là đêm nay chúng tôi bố trí lực lượng canh giữ anh suốt đêm, nếu anh ra khỏi nhà, chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp mạnh đối với anh.
- Đó là việc của anh. Tôi đáp.
Xe đưa tôi đến nhà thì đã thấy một xe 16 chỗ ngồi chặn ngang lối vào nhà tôi. Một tốp công an 5 người túc trực suốt đêm canh gác.
Sáng hôm sau, 6h xe công an cùng ba sĩ quan đến áp giải tôi lên đồn làm việc. Vẫn viên sĩ quan trưởng phòng PA38 Hoàng Anh và đội trưởng Lê Duy Thực tiến hành hỏi cung. Cuộc thẩm vấn lại được tiến hành từ những thủ tục ban đầu. Tôi lại lần lượt trả lời những câu hỏi y hệt như hôm qua ở phường Đồng Xuân, Hà Nội. Thỉnh thoảng lại có điện thoại gọi đến. Trưởng phòng Hoàng Anh lại đi ra ngoài trao đổi. Tôi hiểu đó là các cuộc điện từ trên tỉnh, trên cục an ninh, các cuộc đàm đạo với công an ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tây, Hà Nội, Yên Bái, thông tin cho nhau về kết quả, về diễn tiến trong quá trình hỏi cung, về quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cần đạt được của từng đối tượng.
- Đã có người khai anh là người viết lời kêu gọi được Ngô Quỳnh đọc trước nhóm người tụ tập biểu tình tại chợ Đồng Xuân!
- Tôi khẳng định các ông đã bịa đặt, vu khống tôi!
- Anh không thừa nhận là anh viết, vậy ai viết?
- Tôi đã nói tôi không có mặt trong nhóm người đó, tôi không biết.
- Anh lý giải thế nào về các cuộc gọi đến, gọi đi và nội dung một số tin nhắn của Nguyễn Tiến Nam, Ngô Quỳnh, Vũ Hùng và có cả Nguyễn Xuân Nghĩa nữa mà chúng tôi đã ghi được?
- Anh đưa nội dung cụ thể của từng cuộc gọi, từng tin nhắn mà anh cho là có liên quan đến việc tổ chức biểu tình ở chợ Đồng Xuân!
- Đây, rõ nhất là có mấy tin nhắn đến có nội dung: “Hàng đã tập kết chú ạ. Bà con ở Thanh Hoá đã ra đến đây rồi, bây giờ tính sao đây? Số dân oan ở Mai Xuân Thưởng họ yêu cầu được tham gia, họ đề nghị giúp đỡ họ…”
- Anh có thấy tôi trả lời họ không? Hôm qua tôi đã nói với công an Hà Nội, hôm nay tôi nói lại với anh rằng: Tôi chỉ chịu trách nhiệm với những thông tin tôi phát ra. Tôi không chịu trách nhiệm mọi thông tin gửi đến. Ngay bây giờ tôi có thể nhắn hàng loạt tin vào máy anh, với nhiều nội dung xấu, anh có chịu trách nhiệm về những thông tin đó không?
- Được rồi, tôi sẽ tìm ra mọi chứng cứ để anh phải cúi đầu nhận tội!
Một buổi sáng trôi qua, chẳng khám phá ra đượctình tiết nào mới, cuộc thẩm vấn đi vào bế tắc. Họ giữ tôi ở lại tại phòng làm việc, đưa cho suất cơm hộp và bố trí hai chiến sĩ canh gác cẩn mật. Tôi tranh thủ ăn cơm rồi kéo mấy chiếc ghế ba lan xếp lại, cố chợp mắt lấy sức để tiếp tục đương đầu với những thách thức mới.
14h, thay vì việc tiếp tục cuộc thẩm vấn, một sĩ quan trẻ cũng ở phòng PA38 đến đưa tôi hai tờ báo An Ninh Thế Giới rồi pha nước mời tôi.
- Anh Hồi uống nước rồi xem báo, nghỉ ngơi. Các sếp chiều nay bân tý, cuối giờ mới làm việc với anh được.
- Rồi, không sao, cảm ơn.
Trên tầng hai của nhà làm việc công an huyện nhìn xuống, xe của công an huyện, xe của phòng PA38 công an tỉnh lao lên, lao xuống nhiều lần. Tôi hiểu là họ đang có cuộc họp, cuộc hội ý quan trọng về tôi. Rất có thể họ sẽ tiến hành khám xét nhà tôi.
16h trưởng phòng PA38 vào thông báo cho tôi:
- Bây giờ chúng tôi tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà anh! Trưởng phòng nhìn thẳng vào mặt tôi để theo dõi sắc mặt tôi biến đổi thế nào!
- Vâng, tôi sẵn sàng. Tôi cũng nhìn thẳng vào mặt anh ta, tươi cười đáp.
Tôi nhận thấy sắc mặt anh ta biến đổi, từ một nét mặt tự tin, đắc thắng và thể hiện sức mạnh của mình, đột ngột chuyển sang một sắc mặt lo âu, vì tín hiệu của tôi đã cho anh ta biết cuộc chơi này anh ta đã thất bại. Đã phóng lao thì phải theo lao, anh ta lấy lại bình tĩnh.
- Bây giờ anh đưa chúng tôi về để tiến hành kiểm tra!
Một cảnh tượng nhốn nháo tụ tập trước nhà tôi. Các cán bộ, chiến sĩ công an huyện, bao gồm tất cả lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, công an khu vực, cùng với chính quyền và công an thị trấn, một số người dân trong khu phố tôi cũng có mặt với tư cách người làm chứng, ước chừng cả thảy có đến trên 200 người. Đó là còn chưa kể đến khách đi đường dừng lại để xem. Lúc cao điểm lên đến trên 500 người, làm ùn tắc giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông phải rất vất vả để làm nhiệm vụ dẹp đường, nhưng đường vẫn không thông được. Nhà tôi khoá cửa, không ai ở nhà bởi vợ tôi ở trường chưa về. Thằng bé nhà tôi nó đi đâu không rõ. Tôi không cầm chìa khoá nên không vào nhà được.
- Anh không có chìa khoá vào nhà? Một viên sĩ quan công an huyện hỏi.
- Tôi không cầm.
- Vợ anh đâu?
- Chắc là đi trường chưa về!
- Anh gọi chị về đi!
- Điện thoại tôi đã bị tịch thu. Vả lại tôi không nhớ số máy của nhà tôi. Anh bấm số máy này để hỏi xem thằng bé tôi có ở đấy không. Nó có chìa khoá đấy.
Quả thật thằng con tôi đang ở nhà bác nó. Tôi bảo nó về ngay để mở cửa. Lát sau nó đi xe đạp về. Cửa mở, tôi mời mọi người vào. Từ phòng khách nhà tôi ra đến cửa, đến sân nhà tôi chật ních người. Một viên sĩ quan đọc “Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
- Anh Hồi có ý kiến gì không? Viên sĩ quan hỏi, sau khi đọc xong quyết định.
Tôi yêu cầu giao cho tôi một bản theo đúng quy định!
Viên sĩ quan lúng túng vì trong tay anh ta chỉ có một bản, trưởng phòng PA38 bước lại gần chỉ đạo:
- Đưa cho đương sự một bản. Viên sĩ quan vội đưa cho tôi bản anh ta vừa đọc.
Lát sau anh ta đề nghị:
- Anh Hồi cho em mượn tờ quyết định vừa rồi, tý nữa lên cơ quan em đưa cho anh bản khác.
Đây, anh cứ cầm lấy.
Công việc lục soát bắt đầu. Họ tiến hành lục lọi từ phòng khách nhà tôi trở vào trong. Vừa lúc đó vợ tôi về, không hiểu đầu cua, tai nheo ra sao. Tôi thông báo:
- Họ tiến hành khám nhà ta xem có tang vật, tài liệu phản động không!
- Ôi giời! Thì đấy mà khám, xem có thấy gì không!
- Việc của họ, kệ họ. Em gọi điện cho mấy chị em, con cháu nhà mình đến đây ngay. Em phải giám sát chúng trong khi lục soát, đề phòng chúng chơi đểu!
- Nghĩa là thế nào? Em chẳng hiểu gì cả!
Biết đâu trong người nó có bạch phiến, hoặc tài liệu gì đó nó đưa ra mình không phát hiện, nó vu cho là của mình thì chết, hiểu chưa? Gọi mấy anh em nhà mình lên cùng giám sát.
Vợ tôi vội gọi điện cho người nhà tôi đến rồi lập tức theo sát cánh đang lục soát nhà tôi.
- Này thằng kia!ai cho phép mày tuỳ tiện vào buồng nhà tao! Ai chỉ huy ở đây?
Mọi người giật mình. Trưởng phòng PA38, trưởng công an huyện lập tức lao đến trước mặt tôi. Hai cậu quay camera và cậu làm nhiệm vụ chụp ảnh ở trong buồng nhà tôi chui ra mặt tái xanh chưa hiểu điều gì xảy ra với mình.
Tôi yêu cầu các ông tiến hành kiểm tra từng phòng một, hết phòng này xác nhận không có gì sẽ tiến hành kiểm tra phòng khác. Đang kiểm tra phòng khách chưa xong mà tuỳ tiện nhảy vào buồng tôi là thế nào? Các ông bỏ ra một cục bạch phiến để tôi chết sao? Ở các nước văn minh, những người được giao làm nhiệm vụ kiểm tra, khám xét, trước khi tiến hành, phải có một lực lượng khác kiểm tra toàn bộ trong người và lập biên bản khẳng định những người này không mang theo gì thì mới được tiến hành. Thôi thì pháp luật Việt Nam tôi không nói nữa, nhưng ai dám bảo đảm rằng khi các ông khám xét chỗ ở của tôi, trong người các ông không có gì! Thực tế đã nhiều người chết oan về những thủ đoạn này rồi. Thật sự tôi không nghĩ các ông như vậy nhưng cái gì nguyên tắc là phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc.
- Thôi được rồi, cứ tiến hành kiểm tra từng phòng một, xong phòng này đến phòng tiếp theo, lần lượt cho hết các phòng. Trưởng phòng PA38 quán triệt.
Sau phản ứng của tôi, hầu hết mọi người đang ở trong nhà tôi bỏ ra ngoài sân, để lại bộ phận chuyên làm nhiệm vụ lục soát trong nhà. Nỗi thất vọng càng ngày càng hiện rõ trên khuôn mặt của viên sĩ quan trưởng phòng PA38. Hơn hai tiếng đồng hồ, công việc khám xét mới kết thúc. Cuối cùng họ cũng thu được hai tờ lịch bóc mà ở đó mặt trái tờ lịch có ghi số điện thoại của mấy người tôi mới được làm quen, và một quyển sách bàn về dân chủ do anh Phạm Hồng Sơn tặng tôi hôm trước vẫn đặt trên bàn vi tính mà tôi chưa kịp đọc, cùng với bộ dàn vi tính và chiếc máy in của vợ tôi dùng để soạn giáo án, với chiếc tai nghe của cậu con trai tôi.
Họ lại áp giải tôi về đồn cùng những tang vật thu được sau đợt “tổng động viên” ra quân.
Cơm nước xong, 20h, trưởng phòng PA38 cùng viên đội trưởng làm việc với tôi. Lần này họ xoay sang nội dung mấy bài viết mới đây của tôi. Tôi hiểu khi họ tiến hành lục soát nơi ở của tôi không thu được chứng cớ, tài liệu gì. Chủ trương bắt tạm giam tôi đã tan tành thành mây khói. Để cứu vãn danh dự, họ bắt đầu xoay tôi về những bài viết mới đây để xử phạt hành chính tôi thật nặng. Tôi tranh luận khá gay gắt về những vấn đề mà họ đưa ra, nhưng họ vẫn kết luận một mực theo ý họ. Phía trên cầu thang lên lầu ba của nhà làm việc đồn công an huyện, phó giám đốc công an tỉnh Nguyễn Đình Hải, nguyên trưởng công an huyện này vừa được đề bạt làm phó giám đốc đặc trách về an ninh, đang chăm chú theo dõi tôi để xem xét đánh giá tình hình. Anh ta đứng ở vị trí tưởng như tôi không phát hiện nên rất bình thản quan sát. Là người trực tiếp xuống chỉ huy vụ việc của tôi, anh không ra mặt, nhưng tôi biết. Tôi cũng là người hiểu khá tường tận về anh ta, vì có thời gian dài tôi cùng anh ta sinh hoạt trong ban thường vụ huyện uỷ. Việc anh ta vượt được nhiều trở ngại để lên phó giám đốc là câu chuyện khá dài, thực sự thì cũng chẳng có gì lớn nhưng ở trong một cái ngành mang tính đặc thù này, sự bon chen, ghen tị, đố kỵ nhau là việc bình thường. Tôi cũng mừng cho anh đã vượt qua được mọi trở ngại.
21h30, đội trưởng đội an ninh công an huyện vào thông báo:
-Anh Hồi nghe đây: tôi đến để giao quyết định tạm giữ hành chính cho anh! Nói rồi anh ta đọc quyết định. Lý do tạm giữ: “vi phạm sử dụng trái phép thông tin trên mạng, máy tính, hoặc đưa vào mạng, máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật”. Thời hạn tạm giữ là 12 giờ, bắt đầu từ 21h30 ngày 30/4/2008 đến 9h30 ngày 1/5/2008”.
Nhận quyết định, tôi đọc lại nội dung, mới vỡ lẽ ra họ tranh thủ làm việc với tôi để gán cho tội cái tội (như lý do tạm giữ nêu trên) để có cớ ra quyết định tạm giữ hành chính tôi. Trao quyết định xong, trưởng phòng PA38 tuyên bố:
- Hôm nay nghỉ tại đây, sáng mai tiếp tục làm việc.
Một viên sĩ quan công an huyện đưa tôi xuống phòng “tạm giữ hành chính”. Lần đầu tiên tôi biết nhà tạm giữ hành chính của chế độ xã hội chủ nghĩa. Không biết còn nơi nào tồi tệ hơn thế nữa không! Trong phòng kê bốn chiếc giường cá nhân, hai chiếc một đầu sập xuống đất tạo thành độ dốc 45 độ, trên giường chất một đống chăn bông loại tiết kiệm và những chiếc màn cá nhân chắc chắn được trang bị vào cuối thế kỷ và thiên niên kỷ trước.
Trong phòng không có bóng điện, họ lấy ánh sáng từ ngọn đèn cao áp của cơ quan rọi qua cửa sổ vào phòng, mùi hôi mốc sặc sụa làm tôi xuýt nữa phải nôn mửa ra phòng. Buồng vệ sinh ở bên trong tối um, nước ngập đến mắt cá chân do hệ thống thoát nước bị tắc. Tiết trời đầu hè làm bốc lên những mùi pha tạp không thể ngôn ngữ nào tả nổi. Tôi lần mò cheo chiếc màn cá nhân, một đầu tìm được những chiếc đinh đóng vào tường, đầu còn lại vắt lên đầu giường rồi chui vào trong ngồi cho đỡ muỗi. Khoảng 1h sáng có một cậu thanh niên cũng bị tống vào phòng tôi.
- Chú làm sao mà vào đây?
- Chú đi đào mả bố chúng nó, bị bắt nên bị tống vào đây.
Cậu ta như hiểu ý nên không hỏi nữa.
- Mày làm sao?
- Cháu mượn chiếc xe máy của ông anh họ đi đánh bạc, bị thua nặng quá nên cắm luôn. Ông ta không thấy cháu về liền báo công an, chúng truy lùng bắt được cháu. Thằng Được nó đá cháu vào ngực bây giờ cháu vẫn đau. Thằng ấy là thằng khốn nạn nhất trong cái huyện công an này đấy chú ạ.
Hai chú cháu nói chuyện mãi đến khi xem đồng hồ đã gần 3h sáng.
- Thôi nghỉ một lúc lấy sức mai chống chọi với chúng nó. Tôi đề nghị.
Sáng hôm sau 6h, cánh cửa sắt mở. Một viên sĩ quan gọi tôi.
- Anh Hồi dậy đi!
Tôi đi ra, hai người phụ nữ cấp dưỡng của cơ quan đang quét dọn bếp núc sát với phòng tạm giam hành chính nhìn tôi, một người hỏi.
- Ông này trông quen quen, bị làm sao mà phải vào đây! Đánh bạc phải không?
- Đánh bạc. Tôi đáp.
Viên sĩ quan đưa tôi lên phòng làm việc, bảo tôi đi đánh răng, rửa mặt. Cậu công an có tên Cát, là người được trên giao túc trực ở một tư gia họ hàng của cậu ta sát với tường nhà tôi canh giữ tôi từ hơn hai tháng nay, đến gần tôi hỏi.
- Chú đi ăn sáng, cháu đưa đi!
- Ra hỏi sếp xem có cho đi không!
Cậu ta nhanh nhẩu đi tìm sếp xin ý kiến. Lát sau cậu ta quay lại.
- Sếp không cho đi đâu chú ạ.
- Mày đi mua cho chú hai cái bánh mì nhân thịt, hai bao thuốc Vina và chai nước lọc giúp chú. Tiền đây.
- Vâng.
Ăn sáng xong, người tôi khoẻ khoắn và tỉnh táo lại, sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới.
7h30, cuộc thẩm vấn xung quanh các bài viết của tôi lại bắt đầu. Tôi chủ động phát biểu quan điểm của tôi.
Trước khi làm việc, tôi có một số ý kiến phát biểu với hai anh!
- Vâng. Chúng tôi xin nghe.
- Trước hết tôi rất cảm ơn các anh đã tiến hành kiểm tra, lục soát tại tư gia của tôi. Tôi không hề khách sáo! Bởi vì cả một thời gian dài, các ông tuyên truyền rằng tôi là kẻ phản động, trong nhà tôi chứa rất nhiều tài liệu, có cả điện đàm để thường xuyên liên lạc với nước ngoài, có thể có cả cờ quạt để chuẩn bị gây bạo loạn, có nhiều đôla do nước ngoài chuyển đến… Cuộc lục soát hôm qua tự các ông đã tát vào mặt các ông, tôi không cần thanh minh với những người xung quanh tôi. Thông qua việc làm của các ông hôm qua, họ đã hiểu.
- Tôi nói cho anh biết: hôm qua, chủ trương chúng tôi là tiến hành kiểm tra trên máy tính của anh, vì chính anh cũng thừa nhận anh soạn thảo, phát tán những bài viết của anh trên máy tính của anh tại nhà anh. Vì vậy tôi tiến hành tạm thu về đây để kiểm tra để kiểm chứng những lời khai của anh có đúng không!
- Anh nói vậy mà nghe được à? Kiểm tra, thu máy tính mà anh cho người lùng sục khắp nhà tôi. Người của các anh chui tận gầm buồng vợ tôi để lục soát. Anh giải thích thế nào về những hành vi này? Nhưng thôi, tôi rất cảm ơn các anh. Việc thứ hai tôi nói với các anh, tôi phản đối hành vi tống giam của các anh đối với tôi tối qua! Anh nhớ rằng chính tôi là người đi giới thiệu pháp lệnh xử phạt hành chính cho mọi đối tượng ở địa phương này. Tôi hiểu các quy chuẩn về nơi tạm giữ hành chính. Hôm qua các ông đã tống tôi vào một hầm lò, mục đích các ông là để tôi nhụt ý chí. Nhưng các ông nhầm rồi. Hôm nay các ông sẽ thấy thái độ của tôi khác hẳn hôm qua, bởi qua một đêm suy nghĩ, trong điều kiện khắc nghiệt, tôi hiểu thêm về bản chất của các ông, hiểu mục tiêu của các ông là gì! Tôi tuyên bố từ giờ phút này tôi sẵn sàng đi với các ông đến cùng. Tôi chỉ có một đề nghị các ông cho vợ tôi gửi cho tôi mấy bộ quần áo để tôi thay trong những ngày các ông giam giữ tôi. Tôi nghĩ đó là đề nghị chính đáng, các ông không thể từ chối được.
- Thôi được, đề nghị của anh chúng tôi sẽ đáp ứng. Viên sĩ quan đội trưởng đáp.
- Bây giờ ta tiếp tục nội dung tối qua. Viên trưởng phòng quán triệt. Nói rồi anh ta tiếp tục đọc bài viết của tôi. Thỉnh thoảng anh ta ngừng lại để cật vấn.
- Tôi không có gì để nói thêm ngoài những gì tôi viết trong đó. Tôi đáp.
- Anh nói thế không được! Đây là anh viết ra, anh phải lý giải về những gì anh viết.
- Tôi nói lại một lần nữa, tôi không có gì phải nói thêm!
- Anh định không hợp tác với chúng tôi?
- Tôi nói lại lấn cuối: tôi không có gì để nói thêm!
- Thôi được rồi, bây giờ anh viết vào giấy khẳng định một lần nữa để tôi có phương sách đối với anh.
Tôi cầm tờ giấy viết: “Tôi không có gì để nói thêm ngoài những gì tôi đã viết. Ký tên:Vi Đức Hồi”, và đưa cho anh ta. Hai viên sĩ quan cầm tờ giấy của tôi rồi đứng dậy đi ra ngoài.
9h, họ mời tôi sang phòng cạnh để tiến hành kiểm tra máy tính của tôi. Họ in ra các bài viết của tôi được đánh trên máy, rồi kiểm tra nội dung các thư đi, đến trên email của tôi.
10h30, họ trao cho tôi một quyết định: “Gia hạn tạm giữ hành chính”. Một buổi sáng trôi qua, người tôi phấn chấn lên bởi tôi đã làm chủ được tình thế. Buổi chiều, viên sĩ quan đội trưởng cầm một tập tài liệu trong đó có chứa các nghị định, thông tư về xử phạt hành chính. Anh ta đọc cho tôi nghe những quy định của chính phủ, của bộ văn hoá-thông tin liên quan đến việc viết và phát tán những thông tin sai lệch, xâm hại đến an ninh quốc gia, xâm hại đến đường lối chính sách của Đảng, Nhà Nước. Mặc anh ta đọc, tôi tư duy theo chủ ý của mình.
- Anh có thấy là anh đã vi phạm các quy định tôi vừa đọc cho anh nghe không?
- Tôi đã nói là tôi không có ý kiến gì!
- Chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt hành chính đối với anh!
- Tuỳ các anh!
Viên đội trưởng đứng dậy vơ lấy sấp tài liệu đút vào cặp rồi đứng dậy ra ngoài. Một cậu chiến sĩ đưa cho tôi bộ quần áo vợ tôi gửi.
- Chú sang đây tắm, thay quần áo đi. Tôi theo cậu ta, kết thúc ngày làm việc thứ hai.
20h , viên đội trưởng vào đưa cho tôi tờ mấy tờ giấy A4, một chiếc bút bi, thông báo:
Lãnh đạo vừa hội ý, anh đã vi phạm các quy định của pháp luật, anh phải chịu xử phạt hành chính theo quy định hiện hành. Xét thấy hoàn cảnh anh có những khó khăn, lãnh đạo thống nhất đề nghị anh viết một văn bản xin giảm mức hình phạt, lãnh đạo sẽ xem xét và ra quyết định với hình thức cảnh cáo. Anh viết luôn đi!
Tôi cầm tờ giấy và chiếc bút đưa lại cho anh ta và nói:
- Tôi cảm ơn về lòng tốt của các anh. Nhờ anh nói lại với lãnh đạo là tôi nhận thấy tôi không vi phạm pháp luật nên tôi không viết và cũng không xin bất cứ điều gì ở các anh. Anh ta đón nhận giấy, bút từ tay tôi.
- Được rồi! Anh sẽ phải hối hận về những thái độ của anh! Rồi anh ta đi ra.
Đúng 22h, đội phó đội an ninh cùng hai cán bộ an ninh công an huyện vào trao cho tôi quyết định: “chấm dứt tạm giữ người theo thủ tục hành chính”, và thông báo:
- Anh Hồi được tự do kể từ giờ phút này. Anh về đi, có gì chúng tôi sẽ thông báo.
Tôi chào mọi người rồi thủng thẳng đi bộ về.


No comments: