Wednesday, November 18, 2009

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG (15-16-17)

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG
(Hồi Ký Vi Đức Hồi)

Ông Vi Đức Hồi nguyên là là trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay Ông đã thôi giữ các nhiệm vụ cuả đảng CSVN để tham gia phong trào dân chủ VN quốc nội.

15
Kết thúc cuộc thẩm vấn buổi sáng, tôi được đưa về nhà khách tỉnh uỷ Lạng Sơn. Cùng đi với tôi có đến bốn, năm thanh niên luôn bám sát tôi, họ không cho tôi tiếp xúc bất cứ ai, kể cả lúc đi vệ sinh họ cũng túc trực ngay cửa theo dõi, giám sát. Tôi được bố trí nghỉ ở một phòng có ba giường, thuộc tầng hai, tôi nghỉ giường trong, hai thanh niên nghỉ ở hai giường ngoài gần cửa ra vào để canh giữ. Tôi bắt đầu thấy thấm mệt sau một buổi giằng co đấu trí, mặc dù đã có những chủ động cho mình khá kỹ lưỡng nhưng có nhiều tình huống mà mình chưa tiên lượng được, bởi vậy trong quá trình làm việc với một bộ máy dày dạn kinh nghiệm không thể tránh khỏi những lúng túng, nhưng rất mừng là chưa có gì sơ suất đáng tiếc xảy ra, lúc nào cũng luôn ở tư thế ngang tầm với họ để cùng trao đổi, tranh luận.
Đang quăng mình trên giường để xả hơi, vừa tư duy tổng kết buổi làm việc sáng nay thì có người gõ cửa thúc đi ăn cơm. Họ bố trí cho chúng tôi một phòng ăn biệt lập, hai mâm cơm khá thịnh soạn được bày sẵn. Tiếp tôi gồm có trưởng, phó phòng bảo vệ chính trị nội bộ cùng các chuyên viên của phòng, còn lại hơn nửa số người lạ mặt bao gồm phần lớn là những thanh niên trên dưới tuổi ba mươi. Có một người vẻ mặt đăm chiêu, ở tuổi ngoài bốn mươi, hỏi ra mới biết là trưởng phòng văn hoá-tư tưởng công an tỉnh Lạng Sơn, tên là Thực, người được giao nhiệm vụ trực tiếp làm việc với tôi trong suốt thời gian điều tra, thẩm vấn, nhưng đã được thay một nhãn hiệu mới là cán bộ ban tổ chức tỉnh uỷ. Tìm hiểu thêm hoá ra là toàn bộ những người mà tôi không quen biết họ đều là cán bộ, chiến sĩ, quân của trưởng phòng Thực nhưng cũng được thay bằng nhãn mác cán bộ ban tổ chức tỉnh uỷ.
Theo đề nghị của trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ của ban tố tỉnh uỷ, mọi người đứng dậy chạm chén. Thấy tôi vẫn đang suy tư, chưa hoà nhập được với cuộc hội ngộ hiếm hoi này, phó trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ, người mà tôi với anh ta đã nhiều lần ngồi trên mâm rượu, biết tính nhau, anh rót chén đầy đứng dậy sang sát tôi nói nhỏ: “Việc đâu có đó, kệ mẹ nó, nghĩ làm gì! Uống đi!”. Tôi nâng chén cạn luôn với anh ta, và nói: “Cảm ơn!”. Trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ bắt đầu khơi mào kể chuyện tiếu lâm để xoá đi không khí trầm lặng trong phòng ăn. Tôi cũng bắt đầu nhận thấy cần tạo ra không khí vui vẻ để hoà nhập, tôi bắt đầu bằng việc đi mời từng người một, rồi bắt tay thân mật. Cứ vậy đến nỗi tự nhiên tôi cảm thấy mình trở thành người chủ tiếp khách trong bữa cơm hôm nay. Có lẽ cuộc vui đã đi quá giới hạn, trưởng phòng công an có tên Thực phải lên tiếng: “Thôi tha cho anh Hồi đi, chiều anh còn phải làm nhiều việc, có gì tối nay sẽ tiếp tục!”. Như một lời tuyên bố kết thúc, mọi người tranh thủ ăn cơm rồi về nghỉ.
Cả buổi trưa tôi không thể nào chợp được mắt, một mặt vừa suy nghĩ tìm cách đối phó, vừa nghĩ làm sao liên lạc được với anh em trong phong trào dân chủ. Khó quá, vì tôi mới tham gia nên chưa ai biết tôi, duy có Nguyễn Văn Đài thì đã bị bắt, mấy lần tôi lần mò trên mạng có được số điện thoại của Đỗ Nam Hải ở Sài Gòn và đã nói chuyện qua điện thoại với anh vài lần, nhưng vừa rồi anh đã phải tạm rút khỏi Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền và Khối 8406 vì công an cộng sản đã dùng chiêu bài người thân của anh gây sức ép đối với anh. Họ đưa bố, mẹ và con gái anh lên đồn công an van xin anh từ bỏ con đường đấu tranh dân chủ. Mặt khác nữa là tôi phải làm thế nào giữ được bí mật để mẹ tôi không biết được việc tôi bị bắt, vì hai ngày nữa là ngày sinh nhật của bà, tôi là con trưởng, là người đứng ra tổ chức, vậy mà bị bắt vào đúng thời điểm này thì thật tai hại.

Mười bốn giờ. Một mình trưởng phòng tư tưởng -văn hoá công an tỉnh trực tiếp làm việc với tôi. Không cần giới thiệu mình là ai, chức vụ gì, trưởng phòng vào thẳng vấn đề:
- Tôi rất thích phong cách làm việc của anh, thẳng thắn, cởi mở, dám làm, dám chịu. Mong rằng quá trình làm việc tiếp tục nhận được sự hợp tác của anh – Vẻ mặt lạnh lùng, trưởng phòng nịnh tôi. Bây giờ anh viết bản tường trình về các nội dung mà sáng nay xếp yêu cầu. Tôi đề nghị anh có thái độ nghiêm túc, thành khẩn. Đó là cơ sở để chúng tôi xem xét khoan hồng cho anh. Nói rồi trưởng phòng đưa cho tôi mấy tờ giấy A4, chiếc bút bi rồi bỏ ra ngoài. Tôi ngồi suy nghĩ khá lâu để chọn cách viết lách làm sao vừa đảm bảo quan điểm bất di, bất dịch của mình, vừa lách làm sao để họ chấp nhận được. Đây là vấn đề khó đối với tôi. Tôi thừa biết chắc chắn phải viết đi, viết lại vài lần nên chẳng cần suy nghĩ nhiều, cứ phang theo tinh thần, nội dung như sáng nay vào để thăm dò xem sao. Chưa đầy tiếng đồng hồ tôi đã viết xong, rồi ngồi uống nước, hút thuốc. Hai cậu công an ăn mặc thường phục ngồi túc trực ngoài cửa ra vào chăm chú đọc báo để giết thời gian. Thỉnh thoảng lại vào pha chè, rót nước mời tôi uống. Một cán bộ tổng cục an ninh thuộc bộ công an có tên là Thắng, thỉnh thoảng đi đi, lại lại quan sát tôi từ phía ngoài. Lại thêm có cậu công an cũng thuộc tổng cục an ninh hoặc công an Hà Nội gì đó (tôi không rõ lắm) cũng lon ton đi lại quan sát tôi cho đẹp đội hình. Sau này mấy lần tôi đi Hà Nội gặp cậu thường xuyên trong tốp an ninh công an Hà Nội bám sát tôi và một số anh em khác tôi mới biết cậu ta là công an Hà Nội. 15h, trưởng phòng công an Thực đến. Tôi đưa bản tường trình của tôi. Sau khi xem lướt qua, trưởng phòng tỏ thái độ gay gắt, anh ta quán triệt:
- Yêu cầu anh viết lại theo đúng yêu cầu của xếp sáng nay đã quán triệt với anh. Tôi nhắc lại: anh phải trình bày chi tiết quá trình liên lạc với Nguyễn Văn Đài và những người mà anh gọi là “dân chủ”và cuộc gặp Đài tại Hà Nội, thời gian, địa điểm, nội dung trao đổi những gì, anh viết bài gồm những bài gì, nội dung của từng bài viết, viết tại đâu, gửi ở đâu, gửi cho ai, địa chỉ nào, nhận thức của anh về những bài viết đó, tác hại của nó ra sao, đối chiếu với luật pháp anh thấy vi phạm đến đâu, hướng sửa chữa khắc phục, tự nhận hình thức kỷ luật ở mức độ nào, nguyện vọng của anh, và cuối cùng là sự cam kết của anh. Yêu cầu anh làm rõ từng vấn đề như tôi đã nêu.

Tôi tập trung cao độ để viết, nhìn đồng hồ 15h45 tôi đã viết xong, rồi nói với cậu “bảo vệ” là thông báo cho xếp tôi đã viết xong. Cậu”bảo vệ” đi tìm trưởng phòng. Lát sau trưởng phòng vào, lần này trưởng phòng đọc khá kỹ rồi tiếp tục chỉnh đốn tôi với giọng gay gắt hơn:
- Tôi đã nói rõ với anh về yêu cầu của tôi mà anh vẫn cố tình lẩn tránh, vòng vo tam quốc thế là sao? Anh định cố tình không hợp tác với chúng tôi, đúng không? Bây giờ anh viết lại một lần nữa nói rõ nhận thức lại về những bài viết của mình, tác hại của nó đến đâu, hành vi đó có vi phạm pháp luật không, anh cam kết với chúng tôi thế nào. Quá tam ba bận, tôi hy vọng lần này là lần cuối anh viết bản tường trình mà chúng tôi chấp nhận được. Vẻ mặt tức tối, trưởng phòng bỏ đi ra ngoài. Tôi lại tiếp tục công việc của mình. 16h30, tôi viết xong. Vừa lúc đó trưởng phòng đi vào. Tôi đưa cho bản tường trình viết lần thứ ba cho trưởng phòng rồi cũng gay gắt khẳng định với trưởng phòng:
- Tôi gửi anh bản tường trình của tôi viết lần thứ ba và cũng là lần cuối. Anh chấp nhận hay không thì tùy. Còn tôi, tôi sẽ không viết nữa. Trưởng phòng cầm lấy đọc lướt qua rồi nói:
- Được rồi tôi còn phải làm việc với anh nhiều. Tôi nhắc lại cho anh là:anh càng thành khẩn bao nhiêu, càng có lợi cho anh bấy nhiêu.
- Vâng -tôi trả lời.
- Bây giờ anh về nghỉ, cơm xong anh đưa chúng tôi về nhà và phòng làm việc của anh để chúng tôi tạm thu máy vi tính của anh để kiểm tra. Chương trình là sáng mai nhưng vì xét thấy là ngày làm việc, với lại ban ngày, ban mặt gây nhiều dư luận xôn xao không có lợi cho anh, anh thấy thế nào?
- Tùy các anh thôi, tôi thế nào cũng được.
- Tiện thể tôi cũng muốn nói với vợ anh để chị yên tâm, anh cũng an ủi, động viên chị để chị để bớt lo lắng, động viên cháu để nó khỏi sợ.
- Vâng, cảm ơn -tôi đáp.

Mọi người đều biết tối còn có việc quan trọng nên trong bữa cơm chiều nay ít chúc nhau, nhất là trưởng phòng Thực. Anh ta chỉ đồng khởi cạn chén ban đầu rồi ăn cơm với vẻ mặt suy tư. Tôi đoán anh ta còn bực mình về kết quả làm việc với tôi chiều nay rồi tính đến việc tý nữa đưa quân đi thu máy tính và lục soát nơi tôi ở và làm việc. Nhìn vẻ mặt tôi như chẳng có chuyện gì xảy ra, anh ta có lẽ không hài lòng. Anh ta muồn tôi phải len lét cúi đầu, tỏ vẻ ăn năn hối lỗi, cúi đầu nhận mọi tội lỗi do anh ta vạch ra như những bọn tội phạm hình sự. Bữa cơm kết thúc nhanh, tôi về phòng đã thấy chiếc xe 16 chỗ ngồi đậu ở sân nhà khách tỉnh uỷ chờ sẵn. Nghỉ ngơi uống nước một lát rồi trưởng phòng Thực mời tôi ra xe. Cả thảy hai mâm cơm được xếp mỗi mâm tám người nhưng chỉ ngồi mỗi mâm bảy người đều lên xe cùng tôi. Họ xếp tôi ngồi hàng ghế thứ ba, ngồi giữa, hai bên có hai công an trẻ áp sát tôi. Chắc họ sợ tôi đào tẩu. Trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ ban tổ chức tỉnh uỷ ngồi ghế đầu cùng lái xe, ngay phía dưới là trưởng phòng công an Thực, rồi lần lượt đến các cán bộ đứng tuổi của ban tổ chức tỉnh uỷ, cán bộ, chiến sĩ công an thuộc quân của trưởng phòng Thực được xếp ngồi phía sau tôi. Trời bắt đầu xẩm tối, thành phố lên đèn. Trưởng phòng công an thực ngoái lại nói với tôi:
- Lẽ ra lúc này là lúc nghỉ của anh em đấy, vậy mà anh Hồi bắt tội anh em chúng tôi, khổ cái thân tôi quá.
- Đây cũng là cơ hội để anh có cơ thăng tiến đấy-tôi trả lời.
- Nhiệm vụ phải làm thôi, thăng tiến gì chỗ này! Một người khác, quân của trưởng phòng Thực, đáp lời thay trưởng phòng.
Có vẻ bực mình, trưởng phòng Thực im lặng. Ở đầu xe trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ ngoái lại hỏi tôi:
- Trước đây nhà chú Hồi ở đầu cầu bên này cơ mà, đúng không?
- Vâng, năm 1999 em chuyển sang bên này rồi.
- Đất ở bên kia anh được phân đúng không? Trưởng phòng công an Thực chen vào.
- Đúng, năm 1991 tất cả cán bộ, công chức của huyện đều được cấp đất. Tôi được cấp một mảnh ở bến xe cũ của huyện.
- Anh hên quá còn gì, chúng tôi ở trên tỉnh, loại như tôi làm gì đến lượt phân, cấp đất.
- Đất ở phố huyện có giá gì đâu, giá trị chỉ bằng một phần mười đất thành phố Lạng Sơn.
- Sao anh không ở mà lại bán đi? Trưởng phòng công an Thực hỏi tiếp.
- Tôi không thích ở đó.
- Sao vậy?
- Đơn giản là tôi không thích ở đất được đảng phân.
- Hôm vừa rồi tôi đi qua nhà anh, thấy anh vừa đi chơi cầu lông về, tôi biết nhà anh rồi, chỗ đó đẹp đấy.
- Tôi biết mấy hôm nay anh sục sạo, dò la tin tức về tôi suốt, đúng không?- tôi hỏi lại.
Trưởng phòng công an Thực giật mình:
- Ai bảo anh thế? -trưởng phòng Thực ngạc nhiên hỏi.
- Tôi thừa biết -tôi đáp. Bất giác tôi quan sát mọi người trên xe thấy họ đang nhìn chằm chằm về phía tôi. Đúng là mấy hôm nay có mấy người nói với tôi là có mấy tay cán bộ ở phòng chính trị nội bộ hỏi về anh. Họ nói là phục vụ cho công tác tổ chức cán bộ gì đó. Có người còn chia vui với tôi là sắp lên chức, chúc mừng tôi. Tôi thì tôi biết cái gì sắp xảy ra đối với tôi và đã chuẩn bị tinh thần đón nhận.
Trên xe bỗng dưng im lặng, tôi chủ động lên tiếng:
- Sắp đến rồi, vào nhà tôi trước hay lên cơ quan trước?
- Vào nhà anh trước. Trưởng phòng công an Thực nói và quán triệt tôi:
- Tôi nói trước với anh, khi vào nhà, anh phải hết sức bình tĩnh, coi như không có gì xảy ra, nhất là đối với vợ anh. Anh phải nói làm sao cho chị không khỏi đột ngột, cứ coi như đi công tác bình thường về, nhất là làng xóm, những người xung quanh đừng để ai biết sự việc xảy ra. Anh nhớ cứ bình thường đi, tôi sẽ lựa lời nói với chị và cháu, anh cũng tìm cách động viên cháu khi chúng tôi lấy máy vi tính để cháu vui vẻ, đừng làm gì ồn ào để xung quanh dân làng biết. Anh yên tâm đi, chúng tôi là những người đầy tính nhân văn, ai làm người nấy chịu, chúng tôi không làm ảnh hưởng đến chị nhà. Sau này chúng tôi sẽ quán triệt cho địa phương về ứng xử với vợ, con, anh em họ hàng anh. Cái mà tôi lo nhất là sự mê muội của anh, sự cảnh tỉnh của anh thế nào. Tôi khẳng định với anh lúc nào tôi cũng luôn bên cạnh anh, anh em mình còn về lâu, về dài, gặp nhau tay bắt, mặt mừng, chén chú, chén anh, thế mới vui, thế mới là anh em chứ, phải không? Tôi sẽ cho anh số điện thoại, có gì cứ gọi tôi, lúc nào tôi cũng sẵn sàng tiếp anh.
Đúng là trời sắp sập hay sao mà bỗng dưng có người tốt với tôi đến thế -tôi tự nghĩ và cười khểnh với anh ta. Tôi nói:
- Cảm ơn.


16
Khỏi cần tôi phải chỉ dẫn, lái xe đỗ chính xác ngay sân nhà tôi. Tôi xuống xe. Mấy cậu công an trẻ được phân công vội vàng theo sát tôi từng bước. Vợ tôi mở cửa, tôi bước lại gần và nói nhỏ:
- Anh đã bị bắt. Vợ tôi bàng hoàng.
- Làm sao?
- Bình tĩnh không sao đâu -tôi trả lời.
Một công an đứng sát tôi vẻ mặt nghiêm nghị:
- Anh Hồi, không trao đổi.
Tôi đi vào ngồi xuống ghế uống nước.
Vợ tôi cũng biết lơ mơ về việc tôi liên lạc với Nguyễn Văn Đài và biết Đài đã bị bắt, rồi thời gian gần đây tôi hay thức khuya, dậy sớm viết lách nhiều. Mấy lần vợ tôi gặng hỏi, tôi gạt đi. Vợ tôi làm nghề giáo viên, cả ngày đi trường, tối lại phải soạn bài, xem ra cái nghề dạy học là một trong những nghề vất vả. Mỗi người một việc, bận rộn suốt ngày nên vợ tôi cũng chẳng quan tâm đến những việc tôi làm. Thấy tôi thông báo, vợ tôi cũng láng máng biết chuyện gì nhưng không rõ ngọn ngành.
Trưởng phòng công an Thực mời vợ tôi ngồi rồi bắt đầu câu chuyện.
- Chúng tôi ở ban tổ chức tỉnh uỷ, có một số nội dung công việc cần làm việc với anh Hồi. Thời gian có lẽ phải hết tuần. Hôm nay là ngày thứ hai. Chị cứ yên tâm, không có gì lớn đâu. Trong thời gian anh Hồi đi làm việc với chúng tôi, đề nghị chị giữ kín, đừng tiết lộ cho ai biết, sợ rằng dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của anh Hồi, vì mình còn công tác lâu dài, chị hiểu ý tôi nói không?
- Vâng -vợ tôi gật đầu.
Bây giờ chúng tôi mượn tạm chị chiếc đầu máy vi tính để kiểm tra một số nội dung lưu trữ trong máy. Chị bảo cháu là đem máy đi sửa, mai kia mang về trả cháu. Nói xong, trưởng phòng bảo mấy người cấp dưới rút các rắc cắm ra đưa đầu máy trên bàn xuống. Thằng bé nhà tôi phản ứng:
- Sao lại lấy máy của cháu đi?
- Máy hỏng, các chú đem đi sửa, mai các chú đem trả
- Không, máy cháu có hỏng gì đâu?-thằng bé vừa phụng phịu vừa mếu máo.
- Nó sắp hỏng rồi, các chú đem đi chỉnh cho tốt thôi, mai chú đem trả ngay.
- Không -thằng bé tôi lớn tiếng. Mẹ nó phải an ủi, dỗ dành mãi nó mới thôi, nhưng vẫn phụng phịu.
Tôi bảo vợ tôi chuẩn bị cho tôi quần áo đem theo để thay. Tôi định theo vợ tôi để trao đổi riêng, họ ngăn tôi lại
- Đây là quy định. Anh thông cảm. Trong thời gian này anh không được tiếp cận với bất cứ ai.
Tôi không nói gì và đi vào nhà vệ sinh. Hai công an vội theo sát tôi không dời nửa bước. Trở lại phòng khách của nhà tôi, tôi thấy trưởng phòng công an Thực và hai công an khác đang lục lọi trong tủ tường phòng khách nhà tôi tìm kiếm gì đó. Tôi cố nén lại sự tức giận.
- Anh dừng ngay cái trò trẻ con đó đi. Anh định lục lọi nhà tôi thì ra quyết định khám xét đi, lúc đó anh tha hồ lục soát. Còn bây giờ anh đừng làm thế, nó mất hết tư cách của một viên chức nhà nước đang thi hành công vụ.
Trưởng phòng gặng cười ngượng ngạo rồi trở về chỗ ngồi uống nước.
Thấy vợ tôi cầm chiếc túi ni lông nhét đầy quần áo của tôi ở buồng đi ra, trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ thuộc ban tổ chức tỉnh uỷ chớp lấy cơ hội.
- Cô ngồi xuống đây, tôi có chuyện trao đổi với cô. Tôi với chú Hồi là người quen biết với nhau đã từ lâu, anh em thỉnh thoảng vẫn gặp nhau vui vẻ luôn đấy.
- Vui vẻ uống rượu thôi chị ạ -Trưởng phòng công an Thực chen vui vào.
Còn cô thì tôi biết tên, người thì hôm nay mới biết -trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ nói tiếp. Như vừa rồi chú này đã giới thiệu, vừa nói anh ta vừa chỉ vào trưởng phòng công an Thực, tôi và mấy anh em ở đây đều ở ban tổ chức tỉnh uỷ, theo tin của một số quần chúng phản ảnh, chúng tôi được giao trách nhiệm làm rõ một số vấn đề về chú Hồi. Đây là việc nhạy cảm, tế nhị chúng tôi không muốn cho ai biết, khi nào có kết luận sẽ hay. Cô cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi gì cả. Mấy hôm nữa xong việc thì chú về, bây giờ thì anh em chúng tôi xin phép cô, chúng tôi về.
Vợ tôi cứ vâng vâng, dạ dạ tiếp thu, hai thanh niên công an trẻ nhất đã đưa đầu máy tính của tôi lên xe. Mọi người chào vợ tôi rồi đi ra xe. Trưởng phòng Thực đi sát tôi ra đến xe. Tôi quay ngoắt lại giả vờ quên chìa khoá phòng làm việc, làm cho họ không kịp phản ứng. Vợ tôi đứng ở hè cũng nhanh nhẩu bước vào. Tôi đến sát vợ tôi nói nhỏ:
- Số máy Đỗ Nam Hải ở Sài Gòn anh để trong ngăn kéo này, tìm khác thấy. Em gọi cho anh ấy, báo là anh đã bị bắt để anh ấy thông báo cho mọi người biết. Dứt lời thì mấy công an đã ập đến kéo tôi ra và thúc tôi ra xe.
Làng xóm xung quanh vẫn yên tĩnh, mấy người ra nhìn mấy ông khách của tôi hôm nay chắc là ở xa lắm vì ai cũng lạ mặt. Xe nổ máy tiến thẳng lên “ đồi nhà đỏ” , cụm từ dân địa phương ở đây đặt cho cơ quan huyện uỷ.
Xe đỗ xuỵch trước tiền sảnh nhà làm việc của huyện uỷ. Cơ quan yên tĩnh. Hẳn đã có hẹn trước nên phòng làm việc của bí thư huyện uỷ ở tầng hai đèn vẫn sáng trưng. Ra đón chúng tôi có phó văn phòng huyện uỷ phụ trách quản trị hành chính, một chuyên viên của ban tuyên giáo huyện uỷ, người đồng sự cấp dưới của tôi, và ở bên ngoài cổng ra vào có một bảo vệ cơ quan.
Tôi mở phòng làm việc của mình, bật điện mời mọi người vào. Cậu cán bộ thuộc ban của tôi pha nước mời mọi người uống, trưởng phòng bảo vệ nội bộ của ban tổ chức tỉnh uỷ và trưởng phòng công an tỉnh lên thẳng phòng làm việc của bí thư huyện uỷ, số còn lại chen chúc nhau vào phòng làm việc của tôi. Một “ chuyên gia” máy tính thuộc công an tỉnh Lạng Sơn sốt sắng:
- Anh Hồi cho bọn em làm việc đi.
- Cứ việc -tôi trả lời.
Nói rồi cậu ta bắt đầu ngồi vào bàn máy tính của tôi. Mọi người xúm xung quanh theo dõi, bỏ lại một mình tôi ngồi ghế salon uống nước. Mọi ngày đi công tác về, trên bàn làm việc của tôi chồng chất báo chí, tài liệu, công văn, giấy tờ; nhưng hôm nay thì không, bàn trống trải, hẳn ban văn thư đã được lệnh không được chuyển đến phòng tôi. Bí thư huyện uỷ cùng hai trưởng phòng đi vào phòng tôi. Khác với mọi hôm cứ gặp tôi là tay bắt mặt mừng, nhưng hôm nay bí thư huyện uỷ mặt lạnh lùng đi thẳng vào bàn máy tính của tôi nơi mọi người đang xúm xít ngó nhìn.
Tôi cũng đứng dậy lại gần để xem. Chẳng khó khăn gì, “ chuyên gia” máy tính công an tỉnh đã tìm thấy trong máy những bài viết của tôi, mọi người chăm chú trên màn hình đọc theo động tác lướt nhanh của “ chuyên gia” máy tính. Khuôn mặt bí thư huyện uỷ mỗi lúc một biến sắc khi anh ta đọc được một số đoạn của những bài tôi viết.
Trưởng phòng công an tỉnh đề nghị tôi mở tủ để kiểm tra. Tôi bật toang hai cánh tủ, một ngăn là trưởng phòng, một ngăn là cán bộ công an bắt đầu lục soát.
- Trời ơi giấy khen của ban tuyên giáo huyện uỷ, của Vi Đức Hồi vừa được tặng thưởng năm 2006 đây này -trưởng phòng công an mỉa mai.
Tôi cười, ban của tôi năm nào mà chả được tỉnh, huyện khen thưởng! Đây mới là của huyện, năm 2006, ban của tôi được uỷ ban tỉnh tặng bằng khen đấy, cả tỉnh duy có ban của tôi và đảng uỷ các cơ quan dân chính đảng được tặng bằng khen thôi, anh biết không?
Bí thư huyện uỷ tỏ vẻ càng tức giận, anh ta không nói gì, trưởng phòng công an tỉnh nhạo báng:
- Bác Hồi giỏi rồi, bọn em chịu bác đấy.
Sau một hồi lục soát, cuối cùng họ cũng tìm thấy được mấy tờ giấy lộn tôi ghi hộp thư của một số người bạn tôi. Sau đó họ bảo tôi khoá tủ tủ rồi ngồi xuống ghế uống nước. Thấy hai trưởng phòng của tỉnh ngồi cùng tôi uống nước, bí thư huyện uỷ cũng bỏ đám đông đang xúm quanh máy vi tính xuống ngồi cùng.
- Tôi xin lỗi anh, tôi đã không cùng chí hướng với anh được. Đã từ lâu tôi làm việc này. Tôi dự định đến cuối năm tôi cáo nghỉ chế độ rồi công khai luôn, nhưng với tôi nó quá bức xúc, thành thạt xin lỗi anh -tôi nói với bí thư huyện uỷ.
- Bây giờ thì còn nói gì được nữa! Khắc làm, khắc chịu thôi -bí thư huyện uỷ trả lời.
- Vâng, việc đó thì tôi xác định trước khi làm rồi -tôi nói.
Như sực nhớ ra điều gì, trưởng phòng công an tỉnh đứng dậy đi vào bàn làm việc của tôi kéo ngăn kéo bàn ra tiếp tục lục soát, tìm kiếm. Anh ta mở luôn cả ngăn tủ bàn làm việc tiếp tục sục sạo nhưng cũng chẳng tìm kiếm được gì. Vẻ mặt thất vọng, lại đi ra ngó màn hình máy tính.
Phó văn phòng chạy đi chạy lại hết lo chè nước, bổ sung ghế ngồi cho đến thực hiện những nhiệm vụ của trưởng phòng công an giao phó, cậu cán bộ của ban tôi được giao nhiệm vụ ngồi rít ở bàn máy tính theo dõi, giám sát để làm chứng.
Thời gian trôi đi một cách chậm chạp, trong bầu không khí yên tĩnh nhưng rất căng thẳng.
- Được chưa? -trưởng phòng công an tỉnh hỏi “ chuyên gia” máy tính,
- Được rồi anh ạ -cậu ta trả lời.
- Đưa xuống niêm phong lại rồi làm thủ tục giao, nhận đi,
- Vâng.
- Văn phòng có loại băng dính to bản không? Cho xin một ít để niêm phong máy.
- Có anh ạ -phó văn phòng thốc tháo về phòng mình rồi đem sang cuộn băng dính giao cho “ chuyên gia” máy tính. Lúc này họ bê cả đầu vi tính của nhà tôi vào để niêm phong.
- Anh có cầm dấu không? -trưởng phòng công an hỏi phó văn phòng
- Không, dấu văn thư cầm.
- Anh tìm văn thư để lấy dấu đi.
- Vâng, phó văn phòng nổ xe máy phóng thốc tháo đi tìm văn thư, lát sau anh ta cầm chùm chìa khoá của văn thư đến mở tủ lấy cả hộp dấu sang phòng tôi. Công việc niêm phong được thực hiện chóng vánh. Cậu thư ký của trưởng phòng công an từ nãy loay hoay soạn thảo biên bản mãi vẫn chưa xong. Trưởng phòng lại gần xem rồi hướng dẫn, chỉnh sửa câu chữ cho anh ta để viết cho nhanh.
- Viết một bản rồi phô tô cho nhanh -trưởng phòng nói.
Phó văn phòng huyện uỷ chờ viết xong rồi đem sang máy phô tô thành ba bản. Có đến bốn người ký: bí thư huyện uỷ, trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh uỷ, tôi và cậu cán bộ của ban tuyên giáo huyện uỷ ký làm chứng. Riêng trưởng phòng công an tỉnh có tên Thực thì không ký, họ giao cho huyện giữ một bản, còn hai bản họ cầm về. Công việc xong xuôi, họ khuân toàn bộ giàn vi tính ở phòng làm việc của tôi cùng với đầu vi máy tính của nhà tôi lên xe rồi bắt tay nhau chào tạm biệt.
Tôi bắt tay chào bí thư huyện uỷ, phó văn phòng và người cán bộ của ban tôi rồi lên xe ngồi theo sự chỉ dẫn của họ. Hai công an trẻ vẫn tiếp tục ngồi ở vị trí cũ để canh giữ tôi. Mọi người đã thấm mệt, trên xe không ai nói chuyện, một số người gật gù ngủ.
Xe lướt nhanh trên đường quốc lộ 1A. Lúc này lượng xe trên đường đã giảm hẳn, thỉnh thoảng có tốp công an giao thông đứng tụm năm, tụm ba bên lề đường đang làm nhiệm vụ “ cao cả” . Đúng là: ngày nghỉ nhưng các anh không nghỉ, giờ nghỉ nhưng các anh không nghỉ như một bài báo nào đó đã tôn vinh sự “ tân tụy” của ngành công an. Chưa hết tôi còn được nghe chính những cán bộ công an kể về sự tận tâm, tận lực của lực lượng công an rằng nhiều cán bộ, chiến sĩ công an xung phong ra đứng đường, thậm chí tranh giành nhau ra đứng đường, tìm cách giành “ phần khổ” về mình. “ Đứng đường” , thường người ta ám chỉ những người thất thế, những người sa cơ lỡ bước, thậm chí ám chỉ những người vô gia cư, bình thường thì chẳng ai thích ra đứng đường vì hứng cát bụi, phơi mặt ra đường; vậy mà công an ta có những hành động “ quyết tâm ra đứng đường” thì quả thật là cảm động.
Hăm mốt giờ xe đến nơi. Mọi người chào nhau đi nghỉ, hẹn sáng mai gặp lại. Tôi trở về phòng tắm rửa rồi lên giường ngủ. Hai công an trẻ ngủ cùng phòng với tôi ngồi xem ti vi chờ cho tôi đi ngủ trước, bên cạnh phòng tôi là phòng dành cho những công an khác ngủ để canh chừng.
Đời người ai cũng có ngững ngày ghi lòng tạc dạ như ngày sinh, ngày đi thoát ly, ngày vào quân ngũ, ngày vào đại học chẳng hạn. Còn tôi, hôm nay 26 tháng 3 năm 2007, là một ngày quan trọng đối với tôi, ngày tạo ra bước ngoặt của cuộc đời, ngày tôi bước sang một trang sách mới mà bản thân tôi bắt đầu có cơ hội làm lại từ đầu mặc dù đã rất muộn. Nhưng còn hơn là không.

17
- Hai thanh niên ơi ngủ đi.
- Vâng, chú ngủ trước đi, bọn cháu xem bóng đá một tí đã.
- Nói trước là chú có tật rất xấu, khi ngủ ngáy rất to, thông cảm cố chịu đựng nhé!
- Không sao, bọn cháu thanh niên đặt đầu là ngủ ấy mà chú.
Thời gian gay cấn nhất đã qua, sau một ngày đối mặt với bộ máy chuyên nghiệp. Bài bản đã giúp tôi trưởng thành nhanh chóng, tìm ra được phương sách ứng xử tốt hơn để đối phó một cách tương tựu. Nhìn đồng hồ đã 0h30. Thành phố Lạng Sơn náo nhiệt là vậy nay đã chìm đắm trong không gian yên tĩnh. Mọi sự vật và hiện tượng đều trở nên hiền hòa, con người thu lại trong thiên nhiên tĩnh mịch.
Trong mơ màng, trước mặt tôi hình ảnh người phó ban tổ chức tỉnh uỷ , cũng là người có nhiều thâm niên trong ngành công an, một người quyền chức trong tay chẳng có gì đáng nói nhưng được cái rất tiêu biểu cho một cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, hội tụ khá đầy đủ các tố chất của một viên chức dưới chế độ đương thời, đó là hách dịch, quan liêu, cửa quyền, kiêu ngạo. Với cái chức phó ngành của một địa phương cấp tỉnh vậy mà dám lên mặt tuyên bố: “Tôi còn sống thì cái Đảng này không bao giờ chết được”, nhưng đó là cái thùng rỗng, cứ chạm đến là kêu to. Thật tiếc thay cho Đảng, trong thời đại ngày nay những người như vậy mà vẫn được trọng dụng. Hình ảnh của người trưởng phòng công an tỉnh đội lốt cán bộ ban tổ chức tỉnh uỷ một cách hớ hênh, trơ trẽn đến nực cười, sốt sắng trong công việc nhưng vụng về về nghiệp vụ, cứ để xuôi theo dòng suy nghĩ cho đến thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, tỉnh dậy, người nhẹ nhõm, khoan thai, tinh thần sảng khoái, phấn chấn, sẵn sàng cho mình để bước vào cuộc đối mặt mới.
7h30, mọi người tập trung đầy đủ để ăn sáng, người gọi phở gà, người gọi phở bò, người ăn xôi tùy thích. Ăn xong mọi người lên thẳng ban tổ chức tỉnh uỷ, vào phòng làm việc dành cho chúng tôi. Trong phòng giàn máy tính hôm qua thu về đã bày sẵn trên bàn để chuẩn bị làm việc. Có đến gần chục cán bộ phòng bảo vệ chính trị nội bộ và công an tỉnh có mặt tại phòng, ”chuyên gia” vi tính đến, trưởng phòng công an tuyên bố:
- Sáng nay chúng ta tiến hành kiểm tra máy tính, anh có mặt tại đây để trực tiếp ký nhận những tài liệu chúng tôi lấy ở máy anh ra, sau đó chúng tôi lại niêm phong lại, rất có thể chúng tôi sẽ chuyển sang cơ quan điều tra nếu xét thấy cần thiết. Việc này còn phụ thuộc vào thái độ của anh trong quá trình làm việc.
- Các anh cứ làm việc theo đúng luật, nếu vi phạm luật pháp thì không riêng gì tôi mà ngay cả các anh cũng bị pháp luật xử lý, pháp luật không cho phép ai suy diễn để quy chụp -tôi cười đáp.
- Anh nhận thức được thế là tốt rồi, tôi sẽ còn nhiều thời gian để tranh luận với anh. Đáng tiếc là anh học lý luận đã quá lâu rồi, bây giờ nhiều quan điểm mới lắm, những quan điểm của anh nhiều cái đã lỗi thời, không phù hợp với thời đại ngày nay -trưởng phòng công an tỉnh chỉnh huấn tôi.
- Anh đã quá sai đấy, tôi đang là đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng ở một địa phương, chắc chắn những quan điểm mới tôi cập nhật hơn anh, bởi đó là chuyên ngành của tôi, lúc nào tôi cũng được tập huấn, được nghe thời sự nội bộ, tôi có bản tin nội bộ riêng, có những tài liệu tuyệt mật, anh làm sao có được mà tự mãn vậy? Tôi cũng nói trước với anh là tôi xét thấy chẳng cần gì phải tranh luận với anh vì tôi với anh có bất đồng gì đâu? Và xét cho cùng thì tôi tranh luận với anh để làm gì? nhằm mục đích gì? Bất đồng của tôi là bất đồng về quan điểm, mà anh thì không giải quyết được vấn đề đó nên tôi không tranh luận với anh, anh thông cảm.
Bầu không khí trong phòng làm việc bắt đầu nóng lên, nhiều người biểu hiện tức tối khi thấy tôi tuyên bố như vậy. Trưởng phòng công an Thực nét mặt biến sắc vì cảm thấy bị xúc phạm nhưng cố lấy lại bình tĩnh bởi có khùng lên ở đây cũng chẳng giải quyết được gì.
- Được rồi anh cứ chờ đấy.
- Thì tôi vẫn chờ anh đấy thôi, tôi có trốn đi đâu!
- Anh có trốn cũng không thoát được -một công an khác tức tối chen vào.
- Anh bắt tôi trốn thì tôi cũng chẳng trốn. Việc gì tôi phải trốn? Tôi sống đàng hoàng trên quê hương, đất nước tôi, tôi không hèn mạt như các anh nghĩ đâu.

Cuộc đấu khẩu tạm dừng lại. Mọi người chăm chú vào máy tính đang in toàn bộ những gì có lưu giữ trong máy ra. Ai cũng có trong tay một tài liệu của tôi, rất chăm chú đọc, có người ra ngoài hành lang đọc cho đủ ánh sáng, không khí trong phòng trở nên im ắng.
Cậu cán bộ công an ở dưới Hà Nội lên có dáng người lùn tịt, trắng trẻo đi vào ngồi ghế cùng tôi lân la chuyện trò làm quen, hết chuyện này đến chuyện kia, bỗng dưng cậu hỏi tôi:
- Anh Hồi có biết ông Phạm Quế Dương không?
- Tôi có biết tên tuổi, thân thế sự nghiệp của ông nhưng chưa được gặp -tôi trả lời.
- Tôi dám chắc là ông có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và là người có công với cách mạng hơn nhiều so với anh.
- Đúng, tôi cũng nghĩ thế
- Vậy mà anh biết không? khi ông đứng trước vành móng ngựa mà ông phải khóc rưng rức đấy. Anh biết vì sao không? Vì thấy những việc làm của mình nó sai trái với lương tâm, đạo đức, trái với luân thường đạo lý, đi ngược lại những gì mà cả đời mình đã cống hiến, chỉ vì một chút sa ngã mà phải hối hận cả đời. Ông mong muốn được khoan hồng, trở về làm người lương thiện. Người như ông mà còn có những sai lầm đáng tiếc như vậy, huống hồ là anh! Tôi nghĩ con người ai cũng có những sai lầm, vấn đề là ta nhìn nhận ra nó và quyết tâm sửa chữa nó, đánh người đi chứ ai nỡ đánh người trở lại. Đối với anh quan điểm của chúng tôi không bao giờ đuổi anh đến cùng sào mà muốn mở cho anh một lối để anh quay lại với cộng đồng xã hội. . .
Cậu ta nói một thôi, một hồi mà chưa dứt. Tôi cười cắt ngang:
- Anh mới ra trường phải không?
Như có gầu nước lạnh hắt vào mặt, khác với mọi người, sắc mặt cậu ta biến thành đỏ ửng, nhìn lại càng ngây ngô tợn.
- Anh nói sao? Tôi mà lại mới ra trường! Xin nói với anh tôi đã có hơn chục năm công tác, có gia đình, con tôi lớn bằng con anh rồi đấy.
- Xin lỗi, tôi thấy anh nói cứ na ná giống mấy cậu sinh viên trường đại học an ninh đi thực tập vừa rồi mà tôi có dịp được tiếp xúc. Còn ông Phạm Quế Dương, tôi biết ông hơn anh tưởng nhiều. Ông là cựu đại tá quân đội, ông không yếu đuối và hèn như anh nói đâu. Mà anh nói với tôi như thế nhằm mục đích gì nhỉ? Tôi không còn trẻ, làm gì đều có suy nghĩ kỹ lưỡng. Mà việc này đâu có phải việc nhỡ nhàng, trót dại hay do một lúc nào đó yếu đuối, sa ngã, mà đây là kết quả của một quá trình chuyển hóa, hình thành hệ tư tưởng với một ý thức hệ trong con người tôi.
- Xin lỗi, tư tưởng gì bọn các ông -trưởng phòng công an Thực tức giận chen vào. Chẳng qua là một số trong bọn các ông thất nghiệp, không có việc làm, mong muốn có được của bố thí vài đồng đô la bẩn thỉu của bọn phản động lưu vong, hằn học với chế độ ta; một số do bất đồng với chế độ; một số do thích nổi tiếng, viển vông tham vọng có được chức quyền, tôi lạ gì!
- Mọi người đều có quyền nhìn nhận người khác ở góc độ khác nhau, đánh giá khác nhau, tôi không tranh luận điều đó.
- Anh chỉ là muỗi đốt cột điện -trưởng phòng không nén nổi căm giận, anh ta phát khùng mà nói vậy.
Tôi cũng tức giận chẳng kém phần, liền tuôn luôn câu thơ của Hồ Chí Minh viết trong thời kỳ cách mạng chưa giành được chính quyền.
“hôm nay châu chấu đá voi
ngày mai voi sẽ bị lòi ruột ra”
Muỗi đốt cột điện thì có hề hấn gì mà cả bộ máy của Đảng, Chính quyền, Công an tỉnh tập trung lực lượng điều tra, dò la, rồi hóa trang biến tướng, canh giữ bảo vệ, tiêu tốn bao nhiêu sức người, sức của chỉ để ngăn cản con muỗi khỏi đi đốt cột điện, đây là trò hề chắc!
Có chuông điện thoại di động, anh ta đi ra ngoài nghe, lát sau anh ta vào dặn mấy anh, em cấp dưới:
- Ghim từng loại tài liệu một rồi đưa cho anh Hồi xem lại và ký xác nhận, tôi phải lên làm việc với xếp,
- Vâng -mọi người đáp
Nói rồi anh ta cùng trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh uỷ, người mà suốt từ sáng đến giờ chỉ ngồi đọc mấy bài viết của tôi mà chưa nói lời nào, đi lên gặp cấp trên. Người ta đưa cho tôi các các tài liệu được in trong máy ra cho tôi xem và yêu cầu tôi ký xác nhận “tài liệu này do tôi làm ra”. Tôi xem qua các bài viết của tôi rồi ký theo yêu cầu của họ. Chẳng phải mất nhiều thời gian, sáu bài viết của tôi đã được ký xác nhận, tôi đưa cho họ.
- Còn đống này anh ký nốt đi -một công an đưa cho tôi tập tài liệu khác bao gồm những thư điện tử của mấy anh bạn gửi cho tôi, một số bài viết của các ký giả nổi tiếng trong nước mà mấy anh em gửi qua email, rồi cả một số tài liệu phục vụ cho công tác của tôi được dự thảo trên máy họ cũng lôi ra bắt tôi ký.
- Sao tôi phải ký các tài liệu này?
- Đây có phải tài liệu của anh không?-một công an lên mặt quặc lại tôi.
- Tài liệu này có liên quan gì đến công việc của các anh? -tôi hỏi
- Tất cả những tài liệu lấy ở máy anh ra đều có liên quan-anh ta giải thích
- Tôi không ký các tài liệu này vì nó không liên quan đến nội dung các anh làm việc với tôi -tôi kiên quyết.
- Anh phải ký xác nhận là tài liệu này lấy ở máy anh ra, hiểu chưa? -anh ta khùng lên.
- Trong này có cả thư riêng của tôi, anh lục lọi ra là đã vi phạm pháp luật, không lẽ anh không hiểu điều đó sao?
- Tôi làm theo lệnh của trên, tôi chẳng sợ gì hết, có giỏi anh đi mà kiện.
- Tôi không tranh luận với anh nữa, tôi không ký là không ký, vậy thôi. Nói rồi tôi bỏ ra ngoài đi vệ sinh, hai công an trẻ vội theo sau bám sát. Quay lại phòng, thấy anh ta đang gọi điện, chắc là gọi cho trưởng phòng báo cáo tình hình việc tôi không chịu ký. Lát sau trưởng phòng về vẻ mặt tức tối. Chưa kịp hỏi han đầu cua tai nheo ra làm sao anh ta đã lên giọng hỏi tôi:
- Anh Hồi không chịu ký , sao vậy?
- Anh hỏi cán bộ của anh thì rõ hơn -tôi đáp.
Anh cán bộ cấp dưới của trưởng phòng đưa tập tài liệu chưa ký cho trưởng phòng, xem lướt qua rồi trưởng phòng hỏi:
- Các bài kia đâu?
- Đây ạ, cái này anh Hồi đã ký, còn cái kia anh ta kiên quyết không ký.
- Thôi hiểu rồi, cái này không ký cũng được -trưởng phòng trả lời.
Người cán bộ cấp dưới của trưởng phòng khựng lại, biết mình đã sai nên im như thóc, cứ cặm cụi vào chiếc máy tính như.
- Kiểm tra xong máy nào thì tiến hành niêm phong lại ngay-trưởng phòng quán triệt.
- Vâng, mấy người cấp dưới của trưởng phòng ai vào việc nấy nhanh nhảu tuân lệnh. Nhìn đồng hồ đã 11h, họ đưa cho tôi mấy mảnh giấy để tôi ký rồi niêm phong lại đầu máy tính của cơ quan tôi, xong xuôi chúng tôi trở về nhà khách tỉnh uỷ . Mọi người lại có mặt đông đủ tham dự bữa cơm trưa. Hơn chục khuôn mặt mỗi người một vẻ, người thì trầm tư, đăm chiêu suy nghĩ, tính toán, người thì vẻ mặt hồn nhiên vô tư, người thì mặc thây đời, chẳng liên quan gì đến ta, trong bữa chỉ muốn phát động vui vẻ, thỉnh thoảng lại hô đồng khởi cạn chén, còn tôi, tôi biết mình phải làm gì. Tôi uống nhiều, thậm chí rất nhiều, tôi mời từng người, rồi đồng khởi, rồi chéo chén... Trưởng phòng công an lại quán triệt:
- Thôi, hết chai này thôi nhé, chiều còn làm việc.
Chai rượu cuối cùng được dốc cạn và san đều cho các chén. Mọi người đứng dậy đồng khởi. Đúng là “tửu nhập ngôn xuất”, không khí trong phòng ăn bắt đầu sôi động. Tiếc rằng chiều phải làm việc, mọi người lại hẹn nhau tối nay.



No comments: