Sunday, November 22, 2009

HOA KỲ TRỞ LẠI CHÂU Á ?

Mỹ trở lại Á Châu?
Ngô Nhân Dụng
Thursday, November 19, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104384&z=7
Người lãnh đạo một quốc gia phải nhìn xa, điều đó hiển nhiên. Một vị tổng thống Mỹ đã tuyên bố tương lai lịch sử nước Mỹ sẽ được quyết định bởi vị thế của quốc gia này ở Thái Bình Dương, đối diện với Trung Quốc, chứ không phải địa vị của họ ở Ðại Tây Dương, đối diện với Âu Châu. Ðó là Tổng Thống Theodore Roosevelt, nêu ý kiến này vào năm 1905. Ted Roosevelt đã tiên đoán sớm một nửa thế kỷ vì trong 50 năm đầu thế kỷ trước địa vị nước Mỹ được nâng lên nhờ những cuộc chiến tranh ở Âu Châu. Và ông cũng nhầm một điều, là ở Á Châu trong nửa đầu thế kỷ trước nước Mỹ phải quan tâm đến Nhật Bản đã, chứ chưa phải Trung Quốc.

Nhật Bản đã làm cho Trung Quốc tiến chậm thêm gần một nửa thế kỷ nữa. Cuộc xâm lăng Trung Quốc của quân Nhật làm cho kinh tế tư bản và chế độ dân chủ không có cơ hội phát triển ở nước Tầu, đã giúp cho đảng Cộng Sản chiếm được chính quyền. Mà vì nước Trung Hoa phải sống dưới chế độ cộng sản từ 1949 cho nên họ bị đẩy lùi thêm nửa thế kỷ nữa so với thế giới bên ngoài.

Bây giờ sang thế kỷ 21 thì lời tiên đoán của Theodore Roosevelt thế nào cũng đúng. Nước Mỹ chắc chắn phải hướng về phía Thái Bình Dương. Khối APAC (Á Châu Thái Bình Dương) là một diễn đàn để thực hiện chính sách đó. Ấn Ðộ, một quốc gia lớn khác đang lên ở Á Châu đang tỏ ý muốn tham gia vào diễn đàn này, dù họ không nằm bên bờ Thái Bình Dương.

Nhưng trong mười năm qua, chính phủ Mỹ tỏ ra lơ là đối với Á Châu và Thái Bình Dương. Trong thời gian khủng hoảng tài chánh năm 1997, 98, chính phủ Clinton đã không dự cuộc họp khối ASEAN năm 1997 lấy lý do chống việc Miến Ðiện tham gia. Các quan chức Mỹ chỉ lo lên lớp các nước Á Châu về chủ trương kinh tế tự do mà không hỗ trợ họ một cách cụ thể như Trung Quốc đã làm lúc đó. Chính sách ngoại giao của chính phủ Bush chỉ chú ý đến Iraq và Afghanistan, Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã bỏ không dự 2 trong số 4 cuộc họp khối ASEAN của các nước Ðông Nam Á. Trong thời gian đó Trung Quốc tiếp tục cuộc tấn công bằng “lực mềm” của họ. Kể từ thập niên 1990, Trung Quốc đã bỏ “lực cứng,” không còn hỗ trợ các “phong trào giải phóng” phá hoại các nước khác. Họ tận dụng “lực mềm” (soft power) bằng những liên lạc ngoại giao, đầu tư và viện trợ kinh tế, một hình thức hối lộ trá hình.

Trung Quốc đã cho nhiều nước Ðông Nam Á vay tiền với lãi suất rất thấp, đã giúp nhiều nước này bằng các công trình xây cất hạ tầng cơ sở như đường, cầu, đập nước, mời tham dự các cuộc triển lãm công nghệ, và cấp học bổng cho sinh viên sang học ở Trung Quốc. Họ giúp Lào xây một vận động trường mới hoàn toàn để chuẩn bị vận động hội Ðông Nam Á ở Vientiane, xây tòa nhà họp hội đồng chính phủ cho Camphuchia. Họ huấn luyện các nhân viên chính quyền của các nước Á Phi. Và khác với Mỹ hoặc các nước Âu Châu, Trung Quốc không bao giờ đặt câu hỏi các chính phủ nhận viện trợ khi họ đàn áp dân chúng, vi phạm nhân quyền.

Trung Quốc gia tăng trao đổi hàng hóa với các nước trong vùng Ðông Nam Á. Năm ngoái, số thương vụ giữa Trung Quốc và khối ASEAN đã bắt đầu vượt lên để cao hơn nước Mỹ, tổng số 179 tỷ Mỹ kim, gấp 20 lần số lượng giao thương năm 1993. Trong 15 năm đó, số giao dịch với Trung Quốc từ 2% đã tăng lên 10% tổng số ngoại thương của các nước trong khối ASEAN; còn nước Mỹ đang chiếm 17% đã giảm xuống chỉ còn 12%. Những con số trên sẽ tăng vọt lên trong năm tới, vì Trung Quốc mới ký thỏa ước mậu dịch tự do với 10 nước trong khối này. Mỹ hiện mới ký một thỏa ước tương tự với Singapore.

Sau nhiều năm nước Mỹ “bỏ rơi” vùng Ðông Nam Á, chính phủ Bush trước đây đã bổ nhiệm một đại sứ đặc trách liên lạc với các nước Ðông Nam Á. Chính sách hướng về Châu Á của chính phủ mới được biểu lộ khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton sang thăm vùng này trong chuyến công du thứ nhất của bà vào Tháng Hai 2009. Trong cuộc họp ASEAN ở Phuket vào Tháng Bẩy, bà tuyên bố thẳng rằng “nước Mỹ trở lại Á Châu!” và ký một hiệp ước thân hữu, mặc dù chậm hơn Trung Quốc 6 năm. Ông Obama nhắc lại thông điệp đó, ông là vị tổng thống Mỹ đầu tiên đã dự một cuộc họp có đủ 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN, bên cạnh cuộc họp APEC tại Singapore tuần trước. Trước khi rời Tokyo để tới dự cuộc họp này, ông Obama nhấn mạnh rằng, “Trong một thế giới liên hệ chặt chẽ với nhau, quyền lực không phải là một cuộc chơi một còn một mất (zero-sum game), không nước nào phải lo sợ khi nước khác thành công. Xây dựng những vùng cộng tác thay vì những vùng cạnh tranh ảnh hưởng, sẽ giúp các nước trong vùng Á Châu Thái Bình Dương cùng tiến bộ. Hy vọng các nước Ðông Nam Á tin vào thông điệp đó.

Một cách cụ thể, ngoài nước Miến Ðiện mà ông Obama vẫn lên tiếng cảnh cáo về vi phạm nhân quyền và yêu cầu trả tự do cho lãnh tụ đối lập bà Aung San Suu Kyi, chính phủ Mỹ đã tỏ ra hòa hoãn với các nước trong vùng. Họ rút tên Lào và Campuchia ra khỏi sổ đen những nước bị phong tỏa, cho phép Ngân Hàng Xuất Nhập Mỹ bảo đảm những món nợ cho các công ty Mỹ làm ăn ở hai nước này. Chính phủ Mỹ cũng viện trợ quân sự cho Campuchia và sang năm hai nước sẽ cùng dự một cuộc thao diễn quân đội.

Các nước Ðông Nam Á cũng biết rằng nước Mỹ là thế lực quân sự duy nhất tạo được thế cân bằng với sức bành trướng của Trung Quốc. Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Indonesia và Phi Luật Tân từ thời Tổng Thống Gorges W. Bush. Các nước Ðông Nam Á cũng biết rằng việc giao thương với Mỹ, xuất cảng sang Mỹợ sẽ là một cơ hội không thể thiếu được trong việc phát triển kinh tế, không khác gì vai trò của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Hoa. Trở ngại chính là từ phía chính phủ và Quốc Hội Mỹ, nếu họ không quyết tâm “trở lại Á Châu” như bà Clinton mới tuyên bố.

Trong mười năm qua, các nước Á Ðông đã đạt được nhiều thỏa ước vùng để gia tăng quan hệ kinh tế trong khi các chính phủ Mỹ đứng bàng quan. Ngoài việc Trung Quốc tìm cách liên kết thương mại với ASEAN và thành công, ba nền kinh tế lớn nhất trong vùng đang thăm dò để tiến tới một thỏa hiệp tự do mậu dịch. Nếu Nhật Bản và Nam Hàn ký được một thỏa ước như vậy với Trung Quốc, thì quyền lợi của giới kinh doanh ở Mỹ sẽ bị đe dọa. Khi đó hàng hóa ở Mỹ sẽ vẫn bị đánh thuế “ưu đãi đặc biệt” 9% khi bán sang Tầu, trong khi hàng của hai nước Á Ðông kia sẽ được miễn thuế. Thị trường nhập cảng của Trung Quốc lên tới 1,000 tỷ Mỹ kim một năm. Năm ngoái, người Trung Hoa ở lục địa mua một số lượng xe hơi (không kể xe tải nhỏ và xe SUV) lớn ngang số xe hơi người Mỹ mua dùng - một phần vì kinh tế Mỹ đang suy thoái khiến dân Mỹ tiêu tiền dè sẻn hơn. Chỉ cần biết rằng vào năm 2006, số xe hơi tương tự bán ở Mỹ cao gấp đôi số bán ở Trung Quốc, chúng ta thấy tiềm năng tiêu thụ của hơn một tỷ người Trung Hoa sẽ còn hấp dẫn đối với tất cả các nước công nghiệp tiên tiến. Dù thuộc đảng nào, các chính phủ Mỹ không thể bỏ qua.
Chính phủ Obama đang tìm cách liên kết chặt chẽ hơn với Indonesia trong nhiều lãnh vực kể cả vấn đề an ninh, và với Nhật Bản và Nam Hàn thì việc phối hợp hành động khi đứng trước Trung Quốc và Bắc Hàn đã được nhấn mạnh. Nhưng trong thế giới hiện nay, mọi liên hệ ngoại giao thường phải được gắn bó bằng những thỏa ước kinh tế trước!

Khi gặp Tổng Thống Ðại Hàn Lee Myung Bak (Lý Minh Bác) hôm đầu tuần này, Tổng Thống Obama đã hứa sẽ thúc đẩy Quốc Hội Mỹ thông qua Thỏa Ước Tự Do Mậu Dịch với Nam Hàn. Thỏa hiệp này đã được ký từ Tháng Tư năm 2007, nhưng cho tới nay Thượng Viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn. Quốc Hội Nam Hàn sẵn sàng thông qua, nhưng họ còn chờ Mỹ đi bước trước, vì không muốn bị mất mặt. Thỏa ước giữa Mỹ với Nam Hàn có phạm vi mở rộng hơn nhiều thỏa ước tự do mậu dịch khác, có thể so sánh với thỏa ước NAFTA đã ký với Canada và Mexico trước đây 15 năm. Số thương vụ giữa hai nước đang ở mức 80 tỷ Mỹ kim một năm có thể tăng thêm từ 10 đến 20 tỷ khi được thi hành. Hai ngành kinh tế ở Mỹ sẽ được lợi nhất là công nghệ thực phẩm và xe hơi. Nhưng chính vấn đề xe hơi đã khiến nhiều nghị sĩ Mỹ muốn Nam Hàn nhượng bộ hơn nữa.

Ðối với Nam Hàn là một đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Á Châu mà việc ký kết một thỏa hiệp tự do mậu dịch còn gặp nhiều trở ngại như vậy, thì đối với các nước Á Châu khác nước Mỹ sẽ còn dè dặt hơn nhiều.

Cho nên muốn “trở lại Á Châu” như chính phủ Obama tuyên bố, giới chính trị ở Mỹ phải thay đổi. Những thỏa ước thương mại tự do giữa Mỹ và các nước khác thường gặp trở ngại ở Quốc Hội vì các dân biểu và nghị sĩ Mỹ không phải chỉ lo chung việc quốc gia mà còn lo bảo vệ quyền lợi của các cử tri trong đơn vị, trong tiểu bang của mình, và các khối áp lực đã ủng hộ mình, như các công ty, các công đoàn, vân vân. Chính những quyền lợi địa phương và phe nhóm đó khiến chính sách ngoại giao của nước Mỹ hay thay đổi theo thời gian và cũng khiến những quyết định lớn bị trì hoãn.

Nếu các nhà chính trị Mỹ muốn thực hiện lời cảnh báo của Tổng Thống Theodore Roosevelt từ hơn 100 năm trước đây, họ phải thay đổi não trạng. Ðịa vị của nước Mỹ trên thế giới sẽ được quyết định ở Thái Bình Dương, như Ted Roosevelt khẳng định. Chỉ khi nào có một vị tổng thống đủ mạnh để buộc các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng mình cũng như phe đối lập đồng ý về những mục tiêu lớn của quốc gia mà bỏ qua những bất đồng tiểu tiết thì nước Mỹ mới có một chính sách mạnh và kịp thời đối với các nước Á Châu. Hiện nay ông Obama còn đang lo ve vãn Quốc Hội để thông qua những chương trình quốc nội, khó lòng làm áp lực với họ. Họa chăng đến giữa năm 2010 ông mới có khả năng hướng về Á Châu thật sự.




No comments: