Monday, November 2, 2009

HÀ NỘI MẤT, BẮC KINH ĐƯỢC

Hà Nội mất, Bắc Kinh được
Greg Torode
Phan Đằng Giang dịch
01/11/2009 11:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=12533
Căng thẳng trên vùng biển Nam Hải gia tăng, Bắc Kinh có vẻ như đã giành thắng lợi ngoại giao khi biết chắc rằng nhóm nước ASEAN có vẻ như sẽ không bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp về lãnh thổ trong thời gian gần.
Các nhà ngoại giao của Bắc Kinh, cả công khai lẫn trong chỗ riêng tư, đều nói rằng tranh chấp phải được giải quyết giữa Trung Quốc và từng nước riêng biệt chứ không phải với 10 nước trong hiệp hội ASEAN – một động thái mà các nhà phân tích cho rằng sẽ củng cố một cách hữu hiệu địa vị của Bắc Kinh, nhất là với tiềm lực kinh tế và quân sự đang lên của họ.
Tranh chấp trên biển Nam Hải đã không được đưa vào chương trình nghị sự tại cuộc họp cấp cao hàng năm của các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào tuần trước, mà chỉ xuất hiện trong một phiên thảo luận không chính thức, một nhà ngoại giao cho biết. “Bắc Kinh không muốn đưa vấn đề ra thảo luận và người ta đã không đưa”, một vị đại diện có tham gia cuộc họp nói. “Cứ như cuộc họp tuần trước thì không ai nghĩ rằng tất cả chúng ta đều lo lắng về khả năng xảy ra xung đột… ASEAN thường chui đầu xuống cát như thế. ASEAN bao giờ cũng làm theo ý Bắc Kinh”.
Tiến sĩ Jusuf Wanandi, một nhà nghiên cứu Indonesia, nói rằng nếu các nước ASEAN không tìm được động cơ trong việc giải quyết vấn đề đó với Trung Quốc thì họ sẽ đánh mất vai trò trong việc làm giảm thiểu căng thẳng trong tương lai.
“Tôi đã nói nhiều lần rằng nếu ASEAN không đoàn kết thì họ sẽ bị bị xử trí từng nước một một cách riêng rẽ. Nam Hải chứng tỏ rằng điều đó bắt đầu xảy ra rồi”, Wanandi, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia, nói. “ASEAN đã đánh mất cơ hội… họ phải chứng tỏ tình đoàn kết hơn nữa trong khi giải quyết các vấn đề với Trung Quốc”.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã kí tuyên bố về biển Nam Hải được dư luận rộng rãi hoan nghênh như là bước khởi đầu quan trọng trong việc làm giảm thiểu căng thăng và tạo cơ sở cho những cuộc đối thoại trong tương lai. Bên cạnh lời kêu gọi kiềm chế và bảo đảm tự do đi lại trên những tuyến hàng hải quan trọng nhất, tuyên bố còn kêu gọi tổ chức những cuộc đối thoại trong tương lai để thiết lập chuẩn mực hành xử mang tính pháp lí.
Càng ngày càng có nhiều người nghi ngờ về khả năng tổ chức những cuộc đối thoại như thế, mặc dù Trung Quốc đã gia tăng những mối liên hệ về kinh tế và chính trị với các nước ASEAN trên những mặt trận khác. Trong khi các quan chức ở Bắc Kinh tỏ ra thận trọng trước những tiếng nói ủng hộ bản tuyên bố và khẳng định rằng họ muốn đối thoại, nhưng họ cũng cho thấy rõ giới hạn của ASEAN. “Thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhạy cảm trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc và ASEAN sẽ chẳng mang lại lợi ích gì”, bà tiến sĩ Xue Hanqin, đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, nói trước khi diễn ra những cuộc gặp mặt hồi tuần trước để giải thích vì sao tranh chấp lãnh hãi bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự. “Hội nghị trong ASEAN là để thảo luận khuôn khổ hợp tác chứ không phải cãi nhau”, bà này nói.
Các cuộc tranh cãi về lãnh thổ chỉ bao gồm Trung Quốc và các nước ven biển chứ không phải toàn bộ ASEAN, bà nói thêm.
Các đường hàng hải quốc tế đi ngang qua quần đảo Spratly (Trường Sa). Trung Quốc và Việt Nam coi quần đảo này hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của mình, còn Philippines, Malaysia and Brunei tuyên bố chủ quyền trên một số hòn đảo, Đài Loan tuyên bố có chủ quyền trên vài hòn đảo nhỏ.
Trung Quốc và Việt Nam còn tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) ở phía Bắc, hiện do Trung Quốc chiếm giữ.
Các quan chức quân sự trong khu vực cảnh báo rằng hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, Việt Nam và Mĩ đang gia tăng, thể hiện ở việc Trung Quốc gia tăng tiềm lực quân sự và Việt Nam muốn duy trì căn cứ trên 20 hòn đảo nhỏ mà họ đang giữ. Hoa Kì đặc biệt quan tâm theo dõi căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Trong khi khẳng định chủ quyền trên phần lớn vùng biển Nam Hải, Trung Quốc cũng cảnh cáo các công ty ngoại quốc thực hiện các hợp đồng khai thác dầu với Việt Nam và Philippines. Trong khi đó, Washington đã công khai phản đối những lời đe doạ chống lại các công ty của mình trong cái mà họ gọi là những việc làm hợp pháp.
Các nhà nghiên cứu chiến lược, chuyên gia quân sự và blogger Trung Quốc nhấn mạnh vai trò quan trọng của các mỏ dầu và tiềm năng quân sự trên vùng biển này, nói lên những lo lắng trước sự hiện diện của Việt Nam.
Tiến sĩ Ian Storey, chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói rằng rõ ràng là Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn hơn khi Việt Nam nắm giữ chức Chủ tịch Hiệp hội ASEAN vào năm tới.
“Trên lời nói thì ai cũng tỏ ra trung thành với bản tuyên bố, nhưng trên thực tế, tôi sợ rằng triển vọng của các cuộc thảo luận trong tương lai có thể đã chết rồi”, ông này nói như thế. Bao giờ cũng có mâu thuẫn, khi Trung Quốc nói về giải pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng sau đó lại hành động nhằm chống lại việc quốc tế hoá hay khu vực hoá vấn đề… Hiện nay chúng ta càng thấy rõ điều này.
“Giải quyết vấn đề với từng nước một đưa [Trung Quốc] vào vị thế thuận lợi hơn nhiều… Mĩ bao giờ cũng thích [làm việc] theo cách đó – đấy là nền ngoại giao siêu cường căn bản của họ và chúng ta thấy Trung Quốc cũng đang làm như thế.”
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam ở Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng Hà Nội mất nhiều khi ASEAN không còn giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này nữa. “Tôi không nghĩ là sẽ có chuẩn mực hành xử… Quan điểm của tôi là Trung Quốc ngày càng tự tin hơn và muốn ra tay trước và muốn chặn đứng mọi nỗ lực nhằm quốc tế hoá tranh chấp trên vùng biển Nam Hải. Tôi nghĩ là căng thẳng sẽ còn tiếp tục một thời gian nữa.”
Tranh chấp trên biển Nam Hải là giữa Trung Quốc và Việt Nam và ở mức độ ít căng thẳng hơn là với Philippines. Phần lớn các nước ASEAN chẳng có lợi lộc gì và vì vậy mà không muốn bị lôi kéo vào. Đa số còn không muốn có tranh chấp nữa kia.

Nguồn:
South China Morning 31/10/2009. Tên bài do talawas đặt lại.
Bản tiếng Việt © 2009 Phan Đằng Giang
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
------------------------------------------------

Phản hồi


Trương Nhân Tuấn nói:
02/11/2009 lúc 4:24 chiều
Tôi cũng quên một chi tiết: “Có ba nước trong khối ASEAN là Việt Nam, Mã Lai và Phi Luật Tân có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền các đảo Trường Sa…”, thực ra là 4 nước. Tôi quên nước Brunei.
Cũng xin gởi kèm theo đây link này, bài viết của tôi ngày 9-9-2004, về liên minh Trung Quốc – Phi hợp tác thăm dò thềm lục địa Trường Sa:
http://vn.myblog.yahoo.com/truongnhantuan/index?&page=15

Trương Nhân Tuấn nói:
02/11/2009 lúc 4:04 chiều
Tôi thấy góp ý của bác Khiêm:
“Thử lấy trường hợp Tây Tạng, một miền đất dường như vô vọng khi bị Trung Quốc xâm chiếm. Nhưng người Tây Tạng hiểu được phương Tây và Ấn Độ cần một lý cớ để gây khó dễ và kiềm chế Trung Quốc, nhất là về mặt đạo đức vốn dễ được sự ủng hộ của dư luận. Người Tây Tạng, thông qua các hoạt động ngoại giao khôn khéo và miệt mài – nhất là của vị lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, đã thành công cả trong có được hậu thuẫn của phương Tây lẫn sự ủng hộ của dư luận thế giới. Một Tây Tạng tự trị không còn, nhưng vẫn còn đó một hy vọng để gây dựng lại cơ đồ. Thành công về quốc tế hóa vấn đề từ một tình thế gần như vô vọng khiến chúng ta phải suy nghĩ.”
rất đáng để đảng CSVN lưu ý, nhất là bộ phận phụ trách ngoại giao.
Nhưng tôi không có hy vọng gì. Bằng chứng những ngày qua, nhiều tiếng nói của nhiều nhà khoa học uy tín trong nước đã bị… bịt miệng. Những đề nghị xem ra hữu lý, có lợi cho VN, nhà nước đều không muốn nghe.
Đặc biệt, những đề nghị khác, nếu có động đến Trung Quốc, dù rất ít, cũng bị cấm đoán, tác giả thậm chí bị bắt. Trường hợp nhà báo Đoan Trang và một số bloggers khác, khi viết các bài có “đụng chạm” đến TQ, đều bị công an hỏi thăm sức khỏe, là những thí dụ. Tôi cũng không thể không nhắc tới quí ông : Nguyễn Xuân Nghĩa bị xử 6 năm tù và 4 năm quản chế; Phạm Văn Trội và Nguyễn Văn Túc mỗi người 4 năm tù giam và 4 năm quản chế; Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Mạnh Sơn 3 năm và 6 tháng tù và 3 năm quản chế; Trần Đức Thạch, Vũ Hùng và Ngô Quỳnh 3 năm tù và 3 năm quản chế; Nguyễn Kim Nhàn 2 năm tù và 2 năm quản chế. Những người này bị bắt và kết án tù nặng nề vì họ đã treo những biểu ngữ và rải một số ít truyền đơn lên án Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam và kêu gọi chống tham nhũng. Ngoài ra cũng không thể nhắc các vụ Tam Tòa và Bát Nhã.
Như thế nhà nước VN đã chọn phương pháp đàn áp tàn nhẫn đối với những người yêu nước, chọn phương pháp hung bạo, dùng công an đội lốt côn đồ để giải quyết những mâu thuẫn của xã hội. Việc này sẽ có tác dụng cô lập Việt Nam với thế giới văn minh.
Hậu quả, dĩ nhiên VN sẽ càng dễ bị Trung Quốc chèn ép.
Nếu so sánh VN với Tây Tạng, không cần VN phải có những người lãnh đạo có đầu óc sáng suốt, mà chỉ cần những người lãnh đạo biết “nghe lời phải”. Nhưng thực tế đã trả lời, đảng CSVN không muốn “nghe” ai hết. Lối đấu tranh “kiến nghị” đã thất bại.
Về góp ý của bác Dương Danh Huy, cám ơn bác đã có nhã ý sửa lại một số chi tiết về thời gian (2004 thay vì 2005). Về các chi tiết khác xin hẹn với bác trong bài viết sắp tới “Tư duy biển lớn”, trong bài này có ghi chú rõ. (Bài này viết từ khá lâu, nhưng vẫn chưa xong, vì một số vấn đề cá nhân). Mong bác cùng các bạn sẽ đóng góp ý kiến.

Dương Danh Huy nói:
02/11/2009 lúc 3:37 chiều
Bác Khiêm,
Đúng là trong một thời gian dài Việt Nam đã thiếu sáng tạo, thiếu tích cực trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, và đã không đặt đủ ưu tiên vào HSTSBĐ.
Cũng đúng là quốc tế hoá tranh chấp là điều cần thiết trong tranh chấp HSTSBĐ.
Nhưng để quốc tế hoá tranh chấp thì phải cần ít nhất là 2 điều:
1) Vượt qua nỗi sợ đối với TQ.
2) Phải có lập trường, chính sách nào đó về HSTSBĐ. Trong một thời gian giài, phần lớn là phía Việt Nam chỉ nói “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Tuy điều đó đúng, nếu chỉ nói vậy thì khả năng quốc tế hoá sẽ không cao lắm. Ngoài ra, trong phía Việt Nam còn tồn tại tham vọng lưỡi bò liếm ngang tới sát Philippines, Malaysia – khả năng quốc tế hoá với tham vọng đó thì còn thấp hơn.
Đây là một bài viết của một số tác giả Quỹ Nghiên cứu Biển Đông về một số khía cạnh của việc quốc tế hoá tranh chấp:
http://www.seasfoundation.org/articles/from-members/49-tranh-chp-bin-ong-va-vai-tro-ca-lien-hip-quc
trong đó các tác giả đề nghị việc xin ý kiến tư vấn của Toà án Công lý Quốc tế xác định bao nhiêu Biển Đông thuộc về Hoàng Sa, Trường Sa. Ý kiến đó sẽ là tiếng nói mạnh mẽ trong việc quốc tế hoá việc cắt lưỡi bò Trung Đế Quốc.

Hoàng Trường Sa nói:
02/11/2009 lúc 2:21 chiều
Nhân bài viết của Greg Torode về thắng lợi của TQ và thất bại của VN cùng ASEAN trước quyết định của ASEAN không thảo luận chính thức vấn đề Biển Đông tại Đại hội ASEAN năm nay, kính mời quý vị đọc bài sau đây của tác giả Vi Anh :Hợp Thức Hóa Hiện Trạng (Vi Anh)

Khiêm nói:

02/11/2009 lúc 11:14 sáng
->Dương Danh Huy,
Thưa ông, ông có thể hiểu biển Đông của Việt Nam trong ý kiến ngắn của Khiêm là phần biển Đông Việt Nam có chủ quyền xứng đáng với những yếu tố địa lý và sự hiện diện lịch sử. Còn về các lưỡi bò thè xuống hoặc lè ra, Khiêm nghĩ mình không đủ thẩm quyền để nói về nó lúc này. Đó là một vấn đề kỹ thuật phức tạp đòi hỏi kiến thức liên ngành và dành cho các chuyên viên về các lĩnh vực liên quan.
Nhưng trong vị trí của một người theo dõi thời sự, Khiêm nghĩ để bảo vệ quyền lợi của mình, Việt Nam đã có cơ may để bảo vệ những cái chưa mất, hoặc chuẩn bị cho vị thế để đối phó lâu dài với Trung Quốc nhằm có cơ hội thâu hồi lại những cái đã mất và đang mất.
Quốc tế hóa vấn đề là một trong những phương cách Việt Nam hoàn toàn có thể làm. Thắng lợi ngoại gia mới đây của Trung Quốc cho thấy họ thực sự coi đó là trở ngại và chuẩn bị lâu dài để phá vỡ cái thế đó.
Bất kỳ một cường quốc đang lên nào cũng bị các cường quốc khác trong hiện tại tìm cách kiềm chế nhằm bảo vệ quyền lợi có được theo hiện trạng. Họ cũng có thể hợp tác với nhau, hoặc vừa kiềm chế vừa hợp tác tùy theo lĩnh vực. Phương Tây, Đông Á và Nam Á đă và đang có nhu cầu kiềm chế Trung Quốc, tuy họ vẫn hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Trước cái thế đang lên và sự phát huy xung lực của Trung Quốc hiện thời – điều mà giới quan sát quốc tế đã dự đoán khi nước Trung Hoa cộng sản tỉnh giấc – khó mà có một cơ may nào cho Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng nếu Việt Nam biết chuẩn bị tốt, Việt Nam đã vẫn có thể quốc tế hóa vấn đề một cách khôn khéo để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc thông qua vị thế và tính toán chính trị của các cường quốc phương Tây, Đông Á, Nam Á và sự ủng hộ dư luận khu vực và thế giới.
Thử lấy trường hợp Tây Tạng, một miền đất dường như vô vọng khi bị Trung Quốc xâm chiếm. Nhưng người Tây Tạng hiểu được phương Tây và Ấn Độ cần một lý cớ để gây khó dễ và kiềm chế Trung Quốc, nhất là về mặt đạo đức vốn dễ được sự ủng hộ của dư luận. Người Tây Tạng, thông qua các hoạt động ngoại giao khôn khéo và miệt mài – nhất là của vị lành tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, đã thành công cả trong có đưọc hậu thuẫn của phương Tây lẫn sự ủng hộ của dư luận thế giới. Một Tây Tạng tự trị không còn, nhưng vẫn còn đó một hy vọng để gây dựng lại cơ đồ. Thành công về quốc tế hóa vấn đề từ một tình thế gần như vô vọng khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Trước khi đủ móng vuốt tranh chấp trên vũ đài thế giới, Trung Quốc trong hai thập niên qua đã và đang trình ra một khuôn mặt mềm trước thế giới, trong khi vẫn ăn hiếp Việt Nam đủ mọi cách. Họ làm được việc đó vì Việt Nam im hơi lặng tiếng chịu trận với hy vọng có thể làm một đồng minh chính trị với Trung Quốc. Không muốn quốc tế hóa vấn đề thì làm sao Asean có thể bị đánh động và các cường quốc khác có cớ để can dự vô, ít ra là nhúng tay vô để dàn xếp, và để gây dư luận về vị thế hai mặt của Trung Quốc.
Tuy nhiên còn nước thì còn tát. Để coi động thái tiếp theo của Việt Nam sẽ là gì. Cái bi đát của Việt Nam hiện giờ là dường như chúng ta chỉ còn đường bờ biển.

Dương Danh Huy nói:
02/11/2009 lúc 6:22 sáng
Bác Khiêm,
Càng lúc càng rõ là ASEAN coi tranh chấp biển Đông là chuyện riêng của Việt Nam, và Việt Nam chỉ có thể tự trách mình vì đã bỏ lỡ thập niên 90 để phát triển quan hệ sâu đậm hơn với phương Tây vì… ngại và sợ dù được mời chào.

Tương lai biển Đông của Việt Nam sẽ không sáng sủa. Thực tế đã cho thấy điều đó.
Nếu cho rằng Biển Đông là của Việt Nam, hay cho rằng có một cái lưỡi bò liếm ngang thuộc Việt Nam thì làm sao mà tương lai đó sáng sủa được?
Nếu Trung Đế Quốc đòi cái lưỡi bò liếm dọc và Việt Nam đòi cái lưỡi bò liếm ngang thì làm sao mà ASEAN có thể ủng hộ Việt Nam được? Giả sử có quan hệ tốt với phương Tây thì phương Tây cũng không ủng hộ cái lưỡi bò liếm ngang đó.

Dương Danh Huy nói:
02/11/2009 lúc 6:07 sáng
Bác Trương Nhân Tuấn
Từ những năm trước (2005) Phi đã đơn phương ký kết với Trung Quốc nhằm thăm dò chung vùng biển chung quanh các đảo thuộc Trường Sa, trong đó khoảng ¾ diện tích chồng lấn với vùng biển của VN (theo tuyên bố 1989 về các lô dầu khí (blocs hydrocarbures)). VN có ra tuyên bố phản đối, nhưng sang năm 2006 thì VN lại vận động để được ký kết hợp đồng tay ba, với TQ và Phi, nhằm thăm dò thềm lục địa vùng biển nói trên.
Thật ra Phi đào ngũ và phá vỡ lập trường chung của ASEAN, ký hợp đồng thăm dò địa chấn với TQ vào năm 2004 chứ không phải 2005.
Còn VN-TQ-Phi ký hợp đồng tay ba vào năm 2005 chứ không phải 2006.
Bác có thể xem thêm ở đây:
http://www.minhbien.org/?p=246
Trang web trên có bản đồ vùng khảo sát chung, và có cả hai hợp đồng 2004, 2005.
Dĩ nhiên kết quả của TQ và Phi thăm dò năm ngoái thì không chia sẻ cho VN.
Bác có chứng cớ là TQ & Phi không chia sẻ kết quả thăm dò năm ngoái với VN?
Nhân tiện:
Trong comment này
http://www.talawas.org/?p=12525&cpage=1#comment-7451
bác nói
Triều Tiên có chung biên giới với Nga và Trung Quốc và cách Nhật Bản biển Đông (gọi theo Trung Quốc hay Biển Nhật Bản theo lối gọi của Nhật).
Nếu bác nói TQ gọi Sea of Japan là “biển Đông”, thì có thể là bác lầm. Theo tôi hiểu, TQ, ít nhất là TQ ngày nay, không gọi Sea of Japan là “biển Đông”.
Ngoài ra, dường như chỉ có Nam Hàn, Bắc Triều Tiên, cổ động gọi Sea of Japan bằng East Sea, East Korea Sea, v.v…

Trương Nhân Tuấn nói:
02/11/2009 lúc 5:00 sáng
Yếu tố làm phân hóa ASEAN về vấn đề biển Đông là Phi Luật Tân (và dĩ nhiên sự tệ hại của bộ Ngoại Giao VN).
Có ba nước trong khối ASEAN là Việt Nam, Mã Lai và Phi Luật Tân có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền các đảo Trường Sa và hải phận Biển Đông (riêng VN thì có tranh chấp với TQ quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền vùng biển chung quanh). Từ những năm trước (2005) Phi đã đơn phương ký kết với Trung Quốc nhằm thăm dò chung vùng biển chung quanh các đảo thuộc Trường Sa, trong đó khoảng ¾ diện tích chồng lấn với vùng biển của VN (theo tuyên bố 1989 về các lô dầu khí (blocs hydrocarbures)). VN có ra tuyên bố phản đối, nhưng sang năm 2006 thì VN lại vận động để được ký kết hợp đồng tay ba, với TQ và Phi, nhằm thăm dò thềm lục địa vùng biển nói trên. Dĩ nhiên kết quả của TQ và Phi thăm dò năm ngoái thì không chia sẻ cho VN. Cho dầu trong hợp đồng có ghi rõ việc thăm dò không ảnh hưởng đến chủ quyền các đảo và vùng biển (và thềm lục địa) nhưng việc ký kết với TQ cùng thăm dò với TQ và một hình thức công nhận sự hiện diện chính đáng của nước này tại vùng biển Trường Sa (mà điều này thật không nên). Thái độ của Phi trong việc này rõ ràng là thất sách. Dư luận ở Phi cho vụ này là « bán nước ». Đây cũng một hành động đâm sau lưng VN (vì xé lẻ với TQ). Tuy vậy, thái độ « ăn theo » của VN năm 2006 cũng hạ sách, đúng ra hành động vớt vát, vì không còn cách nào khác.
Tháng 8 vừa qua, Phi lại ra công hàm phản đối hai hồ sơ thềm lục địa mở rộng của VN và VN nộp chung với Mã Lai lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa thuộc Liên Hiệp Quốc, nội dung cho rằng vùng thềm lục địa mở rộng (của VN và Mã Lai) có chồng lấn với Phi (mà thực tế việc này khó chứng minh). Mâu thuẩn giữa Phi với VN và Mã Lai do đó rất sâu sắc. Vì thế nghị trình của phiên họp ASEAN vừa qua không thể đưa vào vấn đề Biển Đông (tranh chấp với TQ), như vào những năm 1995, vì tranh chấp nội bộ Phi với VN và Mã Lai vẫn chưa giải quyết.
Tình hình hiện nay rất bất lợi cho VN. VN hiện chung lưng với Mã Lai để chống với Trung Quốc (và có thể chống cả với Phi). Cán cân nghiêng về đâu thì quá rõ.

Khiêm nói:
02/11/2009 lúc 12:01 sáng
Càng lúc càng rõ là ASEAN coi tranh chấp biển Đông là chuyện riêng của Việt Nam, và Việt Nam chỉ có thể tự trách mình vì đã bỏ lỡ thập niên 90 để phát triển quan hệ sâu đậm hơn với phương Tây vì… ngại và sợ dù được mời chào.
Để cho Việt Nam và Trung Quốc giải quyết riêng với nhau Mỹ cũng chẳng thiệt hại gì. Trung Quốc vẫn bị vây kín trong vòng đai Đại Hàn – Nhật Bản- Đài Loan – Phi – Úc – Indonesia – Singapore – Mã Lai và Ấn Độ. Mỹ sẽ chỉ phản ứng khi thương thuyền hoặc chiến hạm Mỹ bị làm phiền trên biển Đông. Có lẽ Mỹ cho rằng khi để cho Trung Quốc biến biển Đông thành ao nhà của mình, thì nó sẽ là một vùng đệm để giải tỏa những xung động cương cường của một đại cường đang lên.
Còn thế hệ conquistadors gốc Hán khi bị chặn hết đường ra biển lớn sẽ trở nên rất hung hăng trong cái vụng biển mà nó được tự do. Việt Nam sẽ đối phó ra làm sao? Tương lai biển Đông của Việt Nam sẽ không sáng sủa. Thực tế đã cho thấy điều đó.




No comments: