Facebook bị chặn tại Việt Nam
talawas blog
18/11/2009 1:05 sáng
http://www.talawas.org/?p=13429
Mấy ngày qua, “cư dân mạng xôn xao vì không thể truy cập vào mạng xã hội Facebook.”
Theo Thể thao – Văn hoá,
“Facebook đã từng bị cấm ở một số quốc gia như Iran, Trung Quốc, Syria…” và
“Gần đây ở Việt Nam, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng tính năng phát tán thông tin nhanh chóng của Facebook để phát đi những hình ảnh, bài viết, video clip có nội dung tiêu cực.”
Cũng theo cư dân mạng, chỉ thị chặn Facebook, Pháp nạn Bát Nhã và một số trang khác đã được gửi tới các công ty viễn thông ở Việt Nam từ hồi cuối tháng 8 năm nay.
Có lẽ đây là một bước trong kế hoạch “quản lý báo chí, kiểm soát và ngăn chặn tác hại của các website có nội dung xấu”[1] như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã tuyên bố.
Tuy thừa nhận rằng việc “quản lý Internet bằng các biện pháp kỹ thuật nhiều sẽ tạo ra ách tắc, tính thông suốt trong thông tin bị ảnh hưởng”, nhưng ông Bộ trưởng vẫn khẳng định,
“Tất nhiên khi cần làm thì vẫn phải làm nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu, mà cần thiết thôi. Cũng như trong giao thông đặt ra quá nhiều trạm barie thì rõ ràng lưu lượng, tốc độ lưu thông sẽ chậm đi, nhưng khi cần thiết vẫn phải làm.”
Những thành công rực rỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong Quý III (đóng cửa yahoo 360 hồi tháng 7) và Quý IV (chặn Facebook vào tháng 11) chắc sẽ mang tới cho ông Lê Doãn Hợp giải thưởng “Vì sức khoẻ cộng đồng”.
[1] Các trang khiêu dâm không nằm trong danh sách “website có nội dung xấu” nên sẽ không bị chặn.
--------------------------------------------
Ngăn chặn trang web "xấu"
Cư dân mạng xôn xao vì Facebook bị "chặn"
Cách khắc phục lỗi không vào được facebook!
Cách vào Facebook qua OpenDNS khi bị chặn
Cách vượt tường lửa (cẩm nang hướng dẫn chung của Dân Luận)
Facebook bị ngăn chận ở Việt Nam
Việt Hà, phóng viên RFA
2009-11-17
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/users-in-Vietnam-cant-access-Facebook-VHa-11172009160905.html
Hơn một tuần nay, các cư dân mạng Việt Nam xôn xao chuyện Facebook đã bị chặn, khiến cho nhiều tín đồ Facebook sống tại Việt Nam khó chịu vì mất liên lạc với bạn bè của mạng xã hội này.
Mạng xã hội toàn cầu
Đối với rất nhiều dân mạng ở Việt nam, từ lâu Facebook đã trở thành một mạng xã hội quen thuộc nơi họ kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin đủ loại. Nhưng đã hơn một tuần nay, các cư dân Facebook ở Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại trong việc truy cập website này.
Sáng ngày 17 tháng 11, một cư dân Facebook viết trên Wall của mình như sau: ‘chào các bạn Facebook, có ai gặp vấn đề gì khi truy cập Facebook hay không? Tôi gần như không thể? Có ai có thể giúp tôi với?
Ngay sau đó, một cư dân facebook khác đã trả lời tin nhắn này bằng cách chuyển một đường link cho phép người truy cập sử dụng proxy để vào Facebook.
Theo những người sử dụng Facebook tại Việt nam thì việc truy cập Facebook trong suốt tuần qua luôn trục trặc, lúc được lúc không, có chỗ vào được, có chỗ thì lại không.
Một người sử dụng Facebook ở Hà nội, anh Nguyễn Xuân Đức cho biết: “Ở Việt nam bị block Facebook khoảng 1 tuần rồi. Nó không block toàn bộ, em không hiểu thế nào, ở nhà em vào rất bình thường, ở cơ quan vào rất bình thường nhưng mà có nơi lại không vào được. Nó block theo khu vực, lúc chặn, lúc không.”
Chiều ngày 17 tháng 11, chị Vũ Phương, một người sử dụng Facebook ở thành phố Hồ Chí Minh nói về những khó khăn khi truy cập Facebook của mình như sau:
“Cách đây hơn 1 tuần thì nghe thấy mọi người đồn đại là Facebook bị làm sao đấy thì đúng là em vào thì thấy khó thật. Vài ngày sau mình vào thì không được. Hôm trước em còn thấy có đứa post kèm theo đường proxy thì vào được Facebook nhưng đến chiều nay thì em không vào được nữa.”
Vì sao phải chận?
Theo hãng tin AP những kỹ thuật viên của hai trong số các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất ở Hà nội nó rằng họ phải trả lời rất nhiều cuộc điện thoại phàn nàn của khách hàng về việc không truy cập được Facebook.
Cũng theo AP thì một kỹ thuật viên được yêu cầu giấu tên ở công ty VDC nói rằng chính phủ đã yêu cầu công ty của anh phải ngăn chặn Facebook và VDC đã bắt đầu thực hiện việc này từ ngày 11 tháng 11.
Trước đó không lâu, các cư dân mạng có truyền nhau một công văn không có dấu đề ngày 27 tháng 8 năm 2009, được cho là từ Tổng Cục An ninh, Bộ Công an Việt nam gửi cho 10 nhà cung cấp dịch vụ Interent ở Việt Nam, yêu cầu ngăn chặn 8 website có nội dung xấu, trong đó có Facebook.
Hiện Việt Nam có khoảng gần 22 triệu người sử dụng internet, chiếm đến hơn 24% dân số. Trong đó lượng người sử dụng Facebook ở Việt Nam là hơn 400,000 người, chiếm gần 2 phần ngàn lượng người sử dụng Facebook trên toàn thế giới.
Chính vì thế, việc truy cập Facebook khó khăn cũng làm cho không ít người Việt Nam cảm thấy khó chịu. Khi được hỏi chị có thấy khó chịu khi không thể truy cập mạng này, chị Vũ Phương nói:
“Có chứ, nó như là một trang web cá nhân của mình vì bạn bè quen biết trên đó, có mấy đứa bạn, nó email, vì mọi người nghĩ đây chỉ là chỗ bình thường thôi nên chả ai nghĩ đến chuyện trao đổi email cá nhân với nhau cả nên bây giờ thôi mất liên lạc.”
Tuy nhiên, cũng có những người thì cho rằng việc Facebook bị khóa cũng không quá quan trọng đối với họ. Anh Nguyễn Xuân Đức ở Hà nội nói: “Có Facebook thôi, chứ có khó khăn gì đâu, ảnh hưởng gì đâu, không có Facebook thì dùng cái khác, ảnh hưởng gì.”
Còn đối với những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, thì việc không thể truy cập Facebook khiến họ hết sức khó chịu. Ông John Flanagan ở thành phố Hồ Chí Minh nói:
“Tôi không thể truy cập Facebook một cách bình thường từ khoảng hơn 1 tuần nay, mà phải qua proxy. Bạn bè của tôi cũng gặp khó khăn tương tự. Chúng tôi là những người nước ngoài sinh sống tại đây và dựa vào Facebook bởi vì chúng tôi sử dụng nó để liên lạc với bạn bè và gia đình ở nước khác. Dó đó điều này khiến tôi cảm thấy khó chịu.”
Có những lo ngại cho rằng Việt Nam có thể theo chân Trung quốc khóa các mạng bị cho là dùng để tuyên truyền chống phá Đảng và nhà nước bao gồm Facebook, Twitter, và Youtube.
Tuy nhiên tại Việt Nam những người sử dụng internet cho biết đến tối ngày 17 tháng 11 các mạng Twitter và Youtube vẫn có thể truy cập bình thường.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment