Tại Thượng Hải, tổng thống Mỹ kêu gọi tôn trọng tự do ngôn luận và tôn giáo
Tú Anh
Bài đăng ngày 16/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 16/11/2009 16:36 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5716.asp
Tổng thống Mỹ Obama đến Thượng Hải cùng với ngoại trưởng Hillary Clinton. Đây là chặng đầu chuyến công du ba ngày. Hai nước có quan hề tốt nhưng các vấn đề bất đồng không ít. Để khỏi đụng chạm đến Trung Quốc, tổng thống Mỹ tránh nêu tên Tây Tạng và Tân Cương.
Tổng thống Mỹ Obama đến Thượng Hải vào đêm 15/11 cùng với ngoại trưởng Hillary Clinton. Đây là chặng đầu chuyến công du ba ngày ở Trung Quốc.
Hai nước có quan hề tốt nhưng các vấn đề bất đồng không ít. Trước khi bay đến Bắc Kinh , tổng thống Mỹ trao đổi với sinh viên Thượng Hải vào sáng nay (16/11). Cuối cùng Trung quốc chỉ cho phép 200 sinh viên gặp tổng thống Mỹ thay vì 1500. Một dấu hiệu khác cho thấy đảng Cộng sản lo ngại ảnh hưởng của tổng thống Hoa Kỳ, rất được người dân Trung quốc mến mộ : Bắc Kinh chỉ cho phát hình buổi nói chuyện trên đài truyền hình địa phương.
Theo AFP, để tránh đụng chạm đến phản ứng nhạy cảm của giới lãnh đạo nước chủ nhà, tổng thống Mỹ tránh gọi tên Tây Tạng và Tân Cương nơi xảy ra những vụ đàn áp đẫm máu.
Tuy nhiên, trong phần hỏi đáp với một cử tọa gồm 200 sinh viên Thượng Hải được chính quyền chọn lọc, tổng thống Mỹ Obama đã vinh danh một số quyền tự do cơ bản của con người. Ông nói rằng các quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, và thông tin là những giá trị phổ quát chung của con người trên thế giới.
Tất cả mọi người kể cả sắc dân thiểu số hay tín đồ tôn giáo đều có quyền tự do thông tin như nhau dù ở Hoa Kỳ hay ở Trung Quốc .
Từ Thượng Hải , đặc phái viên RFI Delphine Sureau tường thuật :
"Ông Obama cho thấy hình ảnh một tổng thống cởi mở, và ông có vẻ thích thú với trò chơi đối đáp này. Tổng thống Obama đến Thượng Hải để lắng nghe và để trấn an. Thông điệp mà ông muốn đưa ra trong diễn văn, ngày thứ 2 này, là thế giới có đủ chỗ cho cả hai cường quốc. Ông đã nói là Hoa Kỳ và Trung Quốc “không cần phải là đối thủ”.
Nhưng quy chế của một cường quốc, mang lại cho Trung Quốc một trách nhiệm mới trên chính trường thế giới và ông Obama đến đây để tìm một quan điểm chung trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen.
Theo lời của ông, xin trích : "chúng ta không thể tránh né, thế giới đang nhìn chúng ta"
Tổng thống Mỹ cũng đã khen ngợi quãng đường mà Trung Quốc đã đi trong 30 năm qua. Ông cũng đã công nhận là có ấn tượng mạnh mẽ trước tiếng Anh của khoảng 200 thanh niên có mặt trong buổi nói chuyện.
Sinh viên đã đặt khoảng một chục câu hỏi cho tổng thống Mỹ. Ông Obama đã trả lời trong một tiếng đồng hồ. Những câu hỏi này đã được duyệt trước, và có những câu hỏi như : ông định mang gì về trong chuyến đi Trung Quốc ? Ông sẽ làm gì để tôn trọng sự khác biệt, đa dạng trên thế giới. Là giải Nobel Hoà Bình, có phải là một gánh nặng, ông có bị nhiều sức ép không ?
Tóm lại không có gì để gây tranh cãi cả, cho dù ông Obama đã lợi dụng cơ hội này, để nói là Hoa Kỳ sẽ không thay đổi chính sách đối với Đài Loan và Afghanistan.
Thật ra thì câu hỏi gây nhiều ngạc nhiên không đến từ sinh viên Trung Quốc mà từ một thành viên trong êkíp của ông Obama. Câu hỏi đã được nêu lên trên mạng và được đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đặt ra. Nó liên quan đến vấn đề kiểm duyệt rất nặng nề mạng Internet ở Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi này, ông Obama nói thẳng thừng "Tôi không tán đồng việc này, tự do ngôn luận rất cần thiết đối với một quốc gia" và chính quyền Bắc kinh đã không kiểm duyệt đoạn trao đổi này khi buổi nói chuyện được truyền lại trên đài truyền hình Trung Quốc" .
TT Obama gặp gỡ sinh viên Trung Quốc tại Thượng Hải
Paula Wolfson
16/11/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-16-voa5.cfm
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tổ chức một cuộc trao đổi ý kiến với sinh viên tại Thượng Hải, thủ đô thương mại của Trung Quốc. Thông tín viên đài VOA Paula Wolfson tường trình rằng Tổng thống đã đề cao tầm quan trọng của quyền tự do thông tin, đồng thời kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cuộc gặp gỡ tại Thượng Hải có tác dụng như một nỗ lực của Tổng thống Barack Obama ứng phó một cách tế nhị với nhiều tình huống khó khăn cùng một lúc.
Sau lời chào bằng tiếng Hoa, nhà lãnh đạo Mỹ đã dùng lời lẽ của một giáo sư để mở đầu cuộc họp với các sinh viên, nói về quá trình lịch sử bang giao giữa Washington và Bắc Kinh và tầm quan trọng của sự hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Ông Obama nói: “Chúng ta biết rằng khi các cường quốc hợp tác với nhau sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn là khi họ đối đầu nhau.”
Tổng thống Obama bàn về sự tôn trọng các nền văn hóa và truyền thống và nói rằng một nước không nên áp đặt hệ thống cai trị của mình đối với một nước khác. Nhưng đồng thời nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rõ ràng rằng ông sẽ ủng hộ sự tư do cơ bản mà người Mỹ quý trọng.
Ông Obama nói tiếp: “Các quyền tự do phát biểu và tín ngưỡng, và tự do tiếp cận thông tin và tự do tham gia chính trị, chúng tôi tin rằng đó là các quyền phổ cập. Tất cả mọi người cần phải được hưởng những quyền này.”
Tổng thống Obama lên tiếng tại một nước có số người đông đảo nhất thế giới sử dụng internet và điện thoại di động. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã hạn chế việc tiếp cận với một số mạng lưới xã hội và một số website về tin tức. Khi môt sinh viên nêu câu hỏi về cái gọi là 'bức tường lửa'.
Tổng thống Obama nói: “Tôi là một người rất tin tưởng vào công nghệ và tôi cũng rất tin tưởng vào sự cởi mở trong việc lưu chuyển thông tin.”
Ông Obama cho biết ông là người mạnh mẽ ủng hộ cho việc tự do truy cập internet.
Tổng thống Obama nói: “Tôi cho rằng thông tin càng được lưu chuyển tự do, thì xã hội càng vững mạnh hơn, bởi vì công dân các nước trên khắp thế giới có thể buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm, và họ có thể bắt đầu tự do suy nghĩ.”
Trong cuộc họp với các sinh viên, Tổng thống Obama đã tiếp nhận một số câu hỏi được trình qua internet và toàn bộ buổi nói chuyện được truyền hình trực tiếp trên trang web của Tòa Bạch Ốc. Chương trình này cũng được phát hình tại Thượng Hải nhưng đã không được trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia Trung Quốc.
Nhưng trong khi ông Obama nhấn mạnh đến lợi ích của phương tiện truyền thông mới, ông thừa nhận có một khuyết điểm:
Tổng thống Obama nói thêm: “Điều đó có nghĩa là bọn khủng bố có thể tổ chức qua mạng internet bằng những cách mà bọn chúng không làm được trước đây.”
Tổng thống Obaam đã quay trở lại với vấn đề khủng bố khi một sinh viên nêu câu hỏi chót về quyết định mà ông chưa đưa ra đối với việc sách lược được xét lại cho cuộc chiến tranh tại Afghanistan.
Nhà lãnh đạo Mỹ không đề cập đến các phương án cụ thể đang dược cứu xét, ngoại trừ việc xác nhận rằng một ưu tiên là huấn luyện người Afghanistan để họ cung cấp an ninh cho chính họ. Thay vì thế, ông Obama đã bàn đến mối đe dọa lớn hơn mà Hoa Kỳ và thế giới đang đối diện.
Tổng thống Obama nói: “Quả thực sự tôi vẫn tin là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của nước Mỹ là những mạng lưới khủng bố như al-Qaida. Lý do là vì mặc dầu chỉ có một số nhỏ các tổ chức đó nhưng điều mà các tổ chức này đã chứng tỏ là bọn chúng không có lương tâm trong vấn đề giết hại thường dân vô tội.”
Tổng thống Obama đã lưu lại vài phút sau buổi nói chuyện để bắt tay và trò chuyện với một số sinh viên đến dự cuộc họp. Sau dịp tiếp xúc trực tiếp và qua internet với nhân dân Trung Quốc, ông Obama lên đường tới Bắc Kinh để hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này.
Diễn văn của Obama ở Thượng Hải
Cập nhật: 16:26 GMT - thứ hai, 16 tháng 11, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/11/091116_obama_shanghai_speech.shtml
Trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã có bài nói chuyện và giao lưu với các sinh viên ở Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Thượng Hải.
Xin giới thiệu với quý độc giả bài diễn văn này hiện có mặt trên trang web Tòa Bạch Ốc. Chúng tôi không đăng phần hỏi đáp của Tổng thống Obama với cử tọa vì quá dài:
Xin chào. Thật vinh dự cho tôi được tới Thượng Hải và có cơ hội nói chuyện với tất cả các bạn. Tôi muốn cảm ơn Hiệu trưởng Dương của Đại học Phục Đán vì sự hiếu khách và lời chào đón. Tôi cũng muốn cảm ơn Đại sứ Jon Huntsman, người đã giúp làm quan hệ và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước chúng ta thêm sâu nặng. Tôi không biết ông ấy đã nói gì (bằng tiếng Trung), nhưng tôi hy vọng là tốt (Cười.)
Điều tôi muốn nói là có một số bình luận mở đầu và sau đó sẽ tiếp tục bằng cách nhận các câu hỏi, không chỉ từ các bạn sinh viên đang có mặt trong số cử tọa, mà cả các câu hỏi đã gửi đến qua mạng và được một số sinh viên tại đây nêu, cũng như được Đại sứ Huntsman nhắc lại. Tôi rất xin lỗi rằng vốn tiếng Trung của tôi không được tốt như tiếng Anh của các bạn nhưng tôi rất mong đợi có cơ hội để đối thoại.
Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Trung Quốc, và tôi rất phấn khích được thấy quốc gia hùng vĩ này. Tại đây, ở Thượng Hải, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng làm cả thế giới phải chú ý – những tòa nhà chọc trời, các con phố tấp nập và hoạt động kinh doanh. Một mặt tôi rất có ấn tượng mạnh với những dấu hiệu về cuộc hành trình vào Thế kỷ 21 của Trung Quốc, mặt kia, tôi rất mong được thấy những di tích cổ đại đang vọng nói với chúng ta từ quá khứ xa thẳm của Trung Quốc. Ngày mai và ngày kia sẽ là dịp tôi hy vọng thấy Tử Cấm Thành huy hoàng ở Bắc Kinh, và Vạn lĹ Trường Thành kỳ diệu. Đúng là một dân tộc ôm trọn cả lịch sử có bề dày và niềm tin vào sự hứa hẹn của tương lai.
Đó cũng là điều có thể đem ra nhận định về quan hệ giữa hai nước chúng ta. Thượng Hải là thành phố có ý nghĩa to lớn trong lịch sử bang giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Tại đây, 37 năm về trước, Tuyên bố chung Thượng Hải đã mở đường cho một chương mới cho sự gắn kết giữa chính phủ và cả nhân dân hai nước. Thế nhưng, mối liên hệ của Hoa Kỳ với thành phố này, và đất nước này còn lâu dài hơn thế, và có từ những ngày đầu tiên của nền Độc lập Mỹ.
Năm 1784, vị cha lập quốc của chúng tôi, George Washington, đã cho đóng chiếc tàu ‘Nữ hoàng Trung Hoa (the Empress of China), chiếc thuyền đã giương buồm để đến buôn bán với Thanh triều. Washington muốn tàu đem cờ Mỹ đi khắp thế giới và xây đắp quan hệ với những quốc gia như Trung Quốc. Đấy là mạch đập chính của nước Mỹ – ham muốn được vươn tới những chân trời mới, gắn kết những đối tác mới nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Trong cả hai thế kỷ tiếp theo, những đợt sóng của lịch sử đã đẩy quan hệ hai nước chúng ta đi về nhiều hướng khác nhau. Và kể cả khi đứng dưới những cơn cuồng phong thì nhân dân chúng ta vẫ́n có cơ hội xây đắp mối liên hệ sâu nặng và đầy kịch tính. Ví dụ như người Mỹ chưa bao giờ quên sự hiếu khách dành cho các phi công của chúng tôi bị bắn rơi tại Trung Quốc hồi Thế Chiến 2, vốn được thường dân Trung Quốc liều chết bỏ công sức chăm sóc. Các cựu chiến binh Trung Quốc của cuộc chiến đó cũng vẫn đón chào nồng ấm những cựu binh Mỹ trở lại thăm các địa điểm họ từng giao tranh để giải phóng Trung Quốc khỏi bị chiếm đóng.
Một nối ràng buộc mới được tạo ra gần 40 năm về trước, khi băng giá tan dầu trong quan hệ song phương, đơn giản là nhờ các cuộc đấu bóng bàn. Tính chất khác thường của cuộc giao lưu đó đã đem lại thành công – vì bất chấp các khác biệt, tính nhân bản của cả hai bên cùng sự tò mò muốn biết lẫn nhau đã toát ra. Như một cầu thủ bóng bàn của Mỹ mô tả về chuyến thăm Trung Quốc của ông – “Họ cũng như chúng ta thôi – một đất nước rất giống Hoa Kỳ, nhưng vẫn khác biệt."
Tất nhiên lần hé cửa đó được tiếp nối bằng sự thành công của Tuyên bố chung Thượng Hải, và bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ năm 1979.
Sau ba thập niên, quý vị hãy nhìn xem chúng ta cùng đi xa thế nào.
Năm 1979, thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ đạt khoảng chừng 5 tỷ USD – còn hôm nay đó là con số trên 400 tỷ mỗi năm.
Thương mại tác động đến cuộc sống của người dân hai nước qua nhiều ngả. Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều phần của máy vi tính chúng tôi đang dùng, nhiều quần áo chúng tôi đang mặc; chúng tôi cũng xuất khẩu sang Trung Quốc máy móc để thúc đẩy công nghiệp nước các bạn. Mối giao thương này có thể giúp tăng số việc làm ở cả hai bờ Thái Bình Dương và cho phép cả nhân dân chúng ta có cuộc sống tốt hơn. Khi nhu cầu được cân bằng hơn thì nó có thể đem lại nhiều thịnh vượng rộng khắp hơn nữa.
Năm 1979, hợp tác chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chủ yếu xoay quanh sự cạnh tranh chung với Liên Xô. Ngày nay, chúng ta có mối quan hệ mang tính xây dựng, toàn diện, mở đường cho quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực cơ bản trên toàn cầu vào thời đại này – đó là sự phục hồi kinh tế, việc tạo ra nguồn năng lượng sạch; ngăn ngừa phổ biến vũ khí nguyên tử và các khó khăn của biến đổi khí hậu; ngoài ra là nhu cầu cổ vũ cho hòa bình và an ninh tại châu Á và trên toàn cầu. Tất cả các vấn đề đều sẽ được đặt trên bàn hội nghị ngày mai, khi tôi gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Và cũng vào năm 1979, quan hệ giữa nhân dân hai nước còn rất hạn chế. Hôm nay, chúng ta chứng kiến sự tò mò của các tuyển thủ bóng bàn năm xưa đã thể hiện trong nhiều lĩnh vực của mối bang giao. Con số sinh viên từ Trung Quốc học tại Mỹ đứng thứ nhì trong số sinh viên nước ngoài du học, và ngay trong giới sinh viên Mỹ cũng có con số tăng lên 50% số người muốn học tiếng Trung Quốc.
Hiện có gần 200 “thành phố kết nghĩa" giữa hai nước, đem các cộng đồng lại gần nhau. Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đang hợp tác trong các nghiên cứu và phát kiến mới.
Và tất nhiên, Diêu Minh chỉ là một trong số biểu hiện chung của tình yêu môn bóng rổ ở cả hai nước -- tôi thật xin lỗi là sẽ không có dịp đến xem trận đấu của đội ‘Kình ngư Thượng Hải (Shanghai Sharks) trong thời gian công du.
Không phải ngẫu nhiên mà quan hệ hai nước đã cùng diễn ra trong một giai đoạn thay đổi tích cực. Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo -- một thành tích chưa hề có trong lịch sử nhân loại – trong khi vẫn đóng một vai trò lớn hơn trên trong các sự kiện toàn cầu. Và Hoa Kỳ cũng vừa có nền kinh tế tăng trưởng, người dân nâng cao mức sống trong khi vẫn chấm dứt Chiến tranh Lạnh với một kết cục thành công.
Có câu ngạn ngữ Trung Quốc rằng "Ôn cố tri tân". Chắc chắn là thế, chúng ta biết được những thiếu sót và thách thức trong suốt 30 năm qua. Quan hệ hai nước chúng ta không phải là không có bất đồng hay khó khăn. Nhưng không có tiền định rằng chúng ta bắt buộc phải trở thành thù nghịch – nhất là khi chúng ta nhìn lại quá khứ.
Thật vậy, nhờ sự hợp tác nên Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chỉ thịnh vượng hơn, an toàn hơn. Chúng ta thấy điều đó là khả thi khi đặt căn cứ vào quyền lợi chung, và liên kết trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau.
Thành công của sự giao lưu dĩ nhiên phải dựa trên sự thông hiểu – trên cả việc duy trì một đối thoại mở, và học hỏi về phía bên kia, và tìm hiểu lẫn nhau. Vì như tuyển thủ bóng bàn Mỹ kia từng chỉ ra – chúng ta có chung nhiều điểm với tư cách là con người nhưng hai quốc gia lại khác nhau về nhiều mặt.
Tôi tin rằng mỗi quốc gia phải tự tìm ra con đường cho riêng mình. Trung Quốc là một quốc gia có từ cổ đại, có nền văn hóa với gốc rễ sâu. Hoa Kỳ lại là một quốc gia trẻ với nền văn hóa được quyết định bằng nhiều di dân khác nhau đến bến bờ của chúng tôi, và bằng cả các văn kiện lập quốc dẫn dắt cho nền dân chủ Mỹ.
Những văn kiện này đơn giản là đưa ra một viễn kiến về các vấn đề của con người và đề cao một số nguyên tắc chính yếu – đó là mọi người, cả nam lẫn nữ, sinh ra đều bình đẳng, và có những quyền cơ bản; rằng chính quyền cần phải tôn trọng ý chí của người dân và đáp ứng yêu cầu của họ; rằng thương mại phải cởi mở, rằng thông tin phải được tiếp cận tự do; rằng luật pháp, chứ không chỉ người, phải đảm bảo công lý của hệ thống hành chính.
Tất nhiên, câu chuyện về nước Mỹ của chúng tôi không phải không có những chương khó nói. Trong nhiều lĩnh vực, và trong rất nhiều năm, chúng tôi đã vật lộn để thúc đẩy lời hứa áp dụng hết những nguyên tắc đó cho tất cả mọi người trong xã hội, và để làm sao xây đắp một rường mối quốc gia hoàn thiện hơn.
Chúng tôi đã có cuộc nội chiến đau thương, và đã giải phóng một phần không nhỏ dân số khỏi nạn nô lệ. Cũng phải mất thời gian để phụ nữ Mỹ nhận được quyền bỏ phiếu, để người công nhân được quyền tổ chức lại thành nghiệp đoàn, và để người nhập cư từ bốn phương trời hội nhập toàn bộ. Ngay cả sau khi người Mỹ gốc châu Phi được tự do, họ vẫn phải trải qua nhiều nỗi niềm như bị phân biệt, bị cách ly, trước khi được hoàn toàn bình quyền.
Không một điều gì diễn ra dễ dàng. Nhưng chúng tôi đã tiến bộ vì niềm tin vào những nguyên tắc cơ bản đó, rằng chúng là la bàn chỉ hướng trong đêm tối của bão tố. Chính vì thế mà Lincoln có thể đứng thẳng dậy giữa cuộc nội chiến và tuyên bố đấy là cuộc đấu tranh để thấy một dân tộc sinh ra trong tự do, và “cống hiến mình cho nguyên tắc Mọi Người sinh ra đều bình đẳng" có thể vượt qua hay không. Đó cũng là lý do Martin Luther King có thể đứng trên thềm của tượng đài Lincoln và yêu cầu cả nước hãy sống đúng với ý nghĩa của tín điều sâu nặng nhất. Đó là lý do vì sao người di dân từ Trung Quốc hay từ Kenya vượt trùng dương đến có được mái ấm trong lòng nước Mỹ. Đó cũng là vì sao cơ hội có đó cho bất cứ ai dấn thân vì nó, và vì sao một người như tôi, chưa đầy 50 năm trước có thể đã không có quyền bỏ phiếu ở một số bang tại Mỹ, nay có thể phục vụ tổ quốc trong cương vị Tổng thống.
Đây cũng là lý do vì sao Hoa Kỳ sẽ luôn lên tiếng bảo vệ các nguyên tắc cơ bản đó trên khắp thế giới.
Chúng tôi không tìm cách áp đặt một hệ thống chính phủ lên quốc gia nào, nhưng chúng tôi cũng không tin rằng những nguyên tắc mà chúng tôi đại diện lại chỉ áp dụng cho quốc gia chúng tôi.
Những quyền như tự do ngôn luận và thờ phụng, tiếp cận thông tin và tham gia chính trị được chúng tôi tin là quyền phổ quát.
Các quyền này cần dành cho mọi người, gồm cả thiểu số sắc tộc và tôn giáo, dù họ ở Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ nước nào.
Thật vậy, đây chính là sự tôn trọng các quyền phổ quát vốn dẫn dắt tính cởi mở của nước Mỹ với các dân tộc khác; nó cũng là sự tôn trọng của chúng tôi đối với các nền văn hóa khác, đối với cam kết dùng luật quốc tế; và cả niềm tin vào tương lai.
Đây chính là tất cả những gì bạn cần biết về nước Mỹ. Tôi cũng biết chúng tôi còn phải tìm hiểu rất nhiều về Trung Quốc. Nhìn quanh thành phố tráng lệ này, tôi tin rằng cả hai dân tộc đang có một điểm chung quan trọng: đó là niềm tin vào tương lai. Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không nên thỏa mãn với thành quả đạt được. Vì là một quốc gia có lịch sử lâu đời, các bạn chắc chắn là đang tự tin hướng tới tương lai, và cam kết để làm sao thế hệ mai sau chắc chắn tiến bộ hơn hôm nay.
Chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế, mà cả về cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm tới khoa học và nghiên cứu, từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ ứng dụng. Trung Quốc nay là nơi dùng Internet nhiều nhất thế giới - đó là lý do vì sao chúng tôi thật vui khi đưa Internet vào thành một phần của sự kiện hôm nay. Trung Quốc cũng đang có mạng điện thoại di động lớn nhất thế giới và đang đầu tư vào nguồn năng lượng mới, vừa để tăng trưởng được bền vững, vừa để chống lại biến đổi khí hậu – và tôi mong đợi rằng mối quan hệ đối tác Mỹ – Trung là trọng yếu trong lĩnh vực này tới đây. Trước hết, tôi nhìn thấy tương lai của Trung Quốc trong chính các bạn, những thanh niên tài năng và có ý chí, ước mơ để tạo ra diện mạo mới cho Thế kỷ 21.
Tôi đã nói nhiều lần rằng tôi tin là thế giới của chúng ta về cơ bản đang kết nối với nhau. Công ăn việc làm chúng ta đang có, sự thịnh vượng chúng ta đang kiến tạo, môi trường thiên nhiên chúng ta đang bảo về, và an ninh đang tìm kiếm – tất cả những điều đó đều là của chung. Vì sự kết nối và liên thuộc đó, quyền lực trong Thế kỷ 21 không còn là cuộc chơi ‘được ăn cả, ngã về không’ nữa; một quốc gia thành công không nhất thiết là khiến quốc gia khác thua thiệt.
Đó là lý do vì nước Mỹ đang nhấn mạnh rằng chúng tôi không tìm cách ngăn cản sự vươn lên của Trung Quốc. Trái lại, chúng tôi đón chào một nước Trung Quốc là thành viên thịnh vượng, thành công trong cộng đồng các quốc gia – một nước Trung Quốc dựa trên các quyền hiến định, trên sức mạnh và sự sáng tạo của những cá nhân người Trung Quốc như các bạn đây.
Trở lại với ngạn ngữ trước: hãy ôn cố, hãy nhớ đến quá khứ. Chúng ta đều biết khi các cường quốc hợp tác với nhau thì họ sẽ đạt được nhiều hơn là khi họ va chạm. Đó là bài học nhân loại học được không biết bao nhiêu lần, và đó là ví dụ của lịch sử quan hệ giữa các dân tộc chúng ta. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng sự hợp tác phải đi xa hơn chính quyền. Nó phải có nền tảng từ trong dân, từ các nghiên cứu chúng ta chia sẻ, trong kiến thức cùng đạt được, và cả trong các môn thể thao cùng thi đấu. Những cây cầu đó phải được dựng lên bởi những thanh niên nam nữ như các bạn ở đây và những người đồng lứa bên Mỹ.
Đó là vì sao tôi vui mừng tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tăng số sinh viên sang du học tại Trung Quốc lên 100 nghìn. Những trao đổi này cho thấy một cam kết rõ rệt để xây dựng mối giao hảo trong nhân dân, và chắc chắn rằng các bạn sẽ giúp một tay cho việc quyết định số phận của Thế kỷ 21.
Tôi hoàn toàn tự tin rằng Hoa Kỳ không có các sứ giả nào tốt hơn chính các bạn trẻ. Và họ, những thanh niên Mỹ, cũng giống như các bạn, đang đầy tài năng, nhiệt huyết và niềm lạc quan về trang sử sắp được viết ra.
Vì thế, hãy để cho bước đi tiếp theo nhắm vào sự hợp tác để phục vụ hai nước chúng ta và cả thế giới. Nếu có một điều chúng ta có thể học được từ cuộc đối thoại hôm nay thì tôi hy vọng đó là cam kết rằng cuộc đối thoại sẽ tiếp tục.
Cảm ơn các bạn. Và bây giờ xin đón nhận một số câu hỏi từ các bạn. Một lần nữa xin cảm ơn. (Vỗ tay)
No comments:
Post a Comment