Wednesday, November 4, 2009

CHÍNH TRƯỜNG ÚC LÚNG TÚNG VÌ VỤ TIỀN POLYMER

Chính trường Úc lúng túng vì vụ xì-căng-đan tiền polymer
Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch từ Passing the buck on Securency
The Age 31/10/09
Gửi vào ngày Thứ Năm, 05 Tháng 11, 2009.
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8331

Chính trường Úc lúng túng vì vụ xì-căng-đan tiền polymer:

Ðổ thừa trách nhiệm cho Securency

Tinh thần lưỡng đảng đang hiếm hoi ở Canberra trong lúc này, nhưng chính phủ và phe đối lập cùng là một với nhau trong vụ xì-căng-đan đang làm rung chuyển Securency, một công ty phụ thuộc Ngân hàng Dự trữ trung ương Úc: Họ không muốn nghe muốn biết gì về chuyện ấy. Kể từ tháng Năm, báo The Age đã vạch trần ra hàng loạt những cáo buộc về lề lối mà công ty này làm ăn bằng cách bán tiền giấy polymer của mình sang các quốc gia khác, trong đó có một vài nước nổi tiếng về tham nhũng. Công ty này có phân nửa phần hùn sở hữu của Ngân hàng Dự trữ trung ương Úc, và ông phụ tá thống đốc Ngân hàng Dự trữ trung ương Úc nắm giữ chức vụ chủ tịch ban quản trị. Công ty bị cáo buộc là có dính dáng vào vụ xì-căng-đan hối lộ hàng triệu đô la đã diễn ra từ nhiều năm trước đây. Cảnh sát Liên bang Úc đang mở cuộc điều tra, mà chính phủ cũng như Ngân hàng Dự trữ trung ương đã vịn vào cái cớ đó như là lý do về sự im lặng hoàn toàn của họ trước vấn đề này trong suốt 5 tháng qua.

Cuộc điều tra của Cảnh sát Liên bang liên quan đến những vi phạm có thể đã xảy ra đối dưới luật hình sự Úc, trong đó có khoản nghiêm cấm việc trả tiền huê hồng cho các viên chức nước ngoài, hoặc các công ty do chính phủ nước ngoài kiểm soát, để được ưu tiên đối xử. Công ty Securency đã giành được những hợp đồng béo bở nhằm cung cấp tiền polymer cho gần 30 quốc gia, thường là với sự giúp đỡ của các tổng bộ trưởng, giới ngoại giao và thương mãi Úc.

Tại Việt Nam, cơ quan ngoại thương Austrade đã giới thiệu Securency cho Công ty Phát triển Công nghệ, mà nhiều nguồn tin cao cấp trong chính phủ Úc cho rằng có công ty này có ràng buộc với Bộ Công an của chế độ Hà Nội. Securency đã trả 5 triệu đô la cho tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ Lương Ngọc Anh và ít nhất thêm 7 triệu đô la cho công ty của ông ta, một phần số tiền này được chuyển vào các trương mục tránh thuế ở ngoại quốc. Austrade đã từ chối không xác nhận là họ có thông báo cho Securency về mối quan hệ của Công ty Phát triển Công nghệ với chính phủ Việt Nam hay không?

Vụ làm ăn với phía Việt Nam này phù hợp với kiểu trả tiền cho các thành phần trung gian ám muội, mà nhiều kẻ đã từng bị ám chỉ trong các vụ điều tra tham nhũng và lừa đảo, trong khi các món tiền (huê hồng) thì thường được chuyển vào các trương mục tránh thuế ở ngoại quốc. "Nếu điều này thực sự đang xảy ra, thì nó đi ngược lại với tất cả các chính sách và thủ tục mà Ngân hàng Dự trữ trung ương Úc đã đề ra cho mình", theo ông Ric Battellino, phụ tá thống đốc Ngân hàng Dự trữ, nói với tờ The Age vào tháng Năm.

Ðúng là nó đã xảy ra trong suốt nhiều năm trời, và Ngân hàng Dự trữ đã vô cùng lo ngại về chuyện tham nhũng có thể sẽ xảy ra, cho nên vào năm 2007, họ đã chấm dứt việc xử dụng các tay môi giới trong một công ty khác của họ, đó là công ty Note Printing Australia, sau khi có nhiều nghi vấn được đặt ra về những khoản huê hồng quá đáng tại Nepal, Indonesia và Malaysia. Thế mà Securency vẫn tiếp tục cái thói quen tương tự và không bị không bị ngăn cản, tại các quốc gia có nạn tham nhũng đầy tràn ở Á Châu, Nam Mỹ và Phi Châu. Securency nói rằng tất cả các tay môi giới của mình đều được cơ quan ngoại thương Austrade hoặc các tòa đại sứ Úc đề nghị và chấp thuận. Trong tháng này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã chỉ trích sự thất bại của nước Úc trong việc theo dõi điều tra các vụ hối lộ ở ngoại quốc - không một vụ truy tố nào được tiến hành trong thập niên qua kể từ khi Úc ký kết công ước chống tham nhũng hối lộ trên toàn cầu.

Theo lời ông Philip Ruddock, cựu bộ trưởng tư pháp trong chính phủ Liên Minh nói trong tuần này, thì cả nước Úc đã chú ý tới cuộc điều tra vào vụ xì-căng-đan hối lộ của Tập đoàn Sản xuất Ngũ cốc Úc (Australian Wheat Board - AWB) tại Iraq. Cái viễn tượng về truy tố hình sự vào lúc ấy đã không ngăn cản chính phủ (Liên Minh) phát động mở cuộc điều tra. Thủ tướng Kevin Rudd đã từng nổi danh trong lúc còn là phe đối lập khi ông ta miệt mài theo đuổi việc tìm ra sự thật về trách nhiệm của các cơ quan ban ngành chính phủ trong vụ bê bối ở AWB. Và bây giờ chính phủ của ông ta lại khước từ không trả lời những câu hỏi tương tự về công ty Securency

Vấn đề đặt ra ở đây vượt qua khỏi phạm vi các vấn đề hình sự đang được Cảnh sát Liên bang điều tra, như lãnh tụ đảng Xanh, ông Bob Brown đã lập luận khi ông tìm cách để đưa nhân viên Ngân hàng Dự trữ trung ương Úc ra trả lời trước một ủy ban dự thảo ngân sách Thượng viện vào tháng Năm. Bà chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ đảng Lao Động Annette Hurley, đã đưa ra một lời bào chữa yếu đuối để ngăn cản nỗ lực của Thượng nghị sĩ Brown khi nói rằng : "Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề nguyên tắc điều hành của một công ty". Một công ty gì mà nó lại giống như vụ AWB thế, chúng tôi dám khẳng định như vậy.

Câu hỏi then chốt là, như trong trường hợp của AWB, thì ai biết cái gì? Cựu đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Richard Broinowski cho biết: "Có lẽ tôi sẽ phải hỏi rằng tới mức nào thì những hiểu biết về vụ này được biết tới đâu trong giới quản trị cao cấp của Ngân hàng Dự trữ trung ương, Bộ Ngân khố, và do đó, cả ở Canberra... vào cả [Bộ Ngoại giao Thương mãi]"

Đảng Lao Động và khối Liên Minh, cả hai có lẽ đều cảm thấy lúng túng vì sự chú ý cặn kẽ của quần chúng vào các vụ giao dịch làm ăn của công ty Securency xảy ra trong khi họ đang cầm quyền, cho nên đã cùng nhau phối hợp làm thất bại một nỗ lực của Thượng nghị sĩ Brown để phát động một cuộc điều tra ở Thượng viện.

Ông Brown dự định sẽ cố gắng làm lại một lần nữa vào tháng tới, vì đúng như ông nói: "Ðây sẽ là một điều rất nghiêm trọng cho các vấn đề ở tầm cỡ này bị khước từ một cuộc điều tra".

Quốc hội Nigeria đã bắt đầu mở một cuộc điều tra vào công ty Securency, mà theo nghị quyết của họ, "được biết là đã trả hàng triệu đô la tiền hối lộ cho nhiều viên chức chính phủ Nigeria để đạt được hợp đồng". Người đứng đầu ngân hàng trung ương Nigeria cũng yêu cầu Ngân hàng Dự trữ đưa ra lời giải thích. Nếu cả hai bên trong chính trường Úc đều từ chối không trả lời những câu hỏi chính đáng, và liên tục ngăn cản một cuộc điều tra, thì quần chúng có thể tự hỏi là họ có cái gì mà phải dấu diếm.




No comments: