Tuesday, November 3, 2009

CAM KẾT HOÀ BÌNH

Cam kết hòa bình
BBC - Cập nhật: 10:22 GMT - thứ ba, 3 tháng 11, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091103_tonnensson_inv.shtml
Biển Đông hiện đang là một chủ đề nóng ở Việt Nam, được thảo luận không chỉ trong chính giới, mà trên báo chí và trong dư luận người dân.
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng, đã có người nhắc tới khả năng xảy ra xung đột vũ trang trong khu vực này.
Tiến sỹ Stein Tonnesson, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Oslo, Na Uy, vừa có chuyến thăm và làm việc hai tuần tại Việt Nam. Đài BBC đã hỏi chuyện ông quanh chủ đề Biển Đông:
Tiến sỹ Tonnesson: Tôi đang nghiên cứu đề tài về hòa bình: nền hòa bình nhiều thập niên nay tại Việt Nam như thế nào và làm sao để duy trì hòa bình trong thời kỳ mới, cả trong nước lẫn trong quan hệ với các nước láng giềng.
Khi nói tới duy trì hòa bình, một mảng rất quan trọng cần nhắc tới là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Cả hai nước đều còn nhớ cuộc chiến khủng khiếp năm 1979 và những năm quan hệ nhiều vấn đề tiếp sau đó.
Thế nhưng nay biên giới đất liền đã được phân định và đặt mốc, tuy còn một số vấn đề nhỏ nhưng hai bên cam kết sẽ hoàn tất quá trình này trong năm nay.
Chỉ có một số thách thức cho hòa bình trên biển. Ngư dân của cả Trung Quốc và Việt Nam đều tỏ vẻ bức xúc trước hoạt động của phía bên kia, cho nên có thể sẽ nảy sinh một số xung đột. Rồi trong lĩnh vực khai thác dầu lửa, cũng đã có bất đồng lớn.
Cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ đều có lời qua tiếng lại phản đối mỗi khi nước bên kia có động thái mới trên những đảo mà họ cùng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên tôi cho rằng xấu nhất sẽ là các vụ việc đụng độ nhỏ, không có khả năng chuyển thành chiến tranh. Tôi nghĩ cả Việt Nam và Trung Quốc đều muốn có giải pháp h̀oa bình cho vấn đề Biển Đông.
BBC: Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số dân biểu Việt Nam có đặt vấn đề thành lập dân quân tự vệ biển, tức là trang bị vũ khí cho cá nhân và đơn vị làm kinh tế ở ngoài khơi. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?
Tiến sỹ Tonnesson: Tôi nghĩ trang bị vũ khí cho ngư dân là một ý tưởng nguy hiểm và thiếu trách nhiệm. Có lẽ nó bắt nguồn từ tình cảm dân tộc chủ nghĩa, hoặc dưới áp lực của một số nguồn dư luận.
Chuyện này cũng xảy ra ở Trung Quốc. Nếu như anh trang bị súng đạn cho ngư dân để đánh lại lực lượng tuần duyên hay tàu hải quân thì đó là cách thức ngắn nhất để đi đến chỗ đối đầu và xung đột.
Tôi hy vọng và tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam sẽ đủ tinh thần trách nhiệm để tránh đưa ra quyết định như vậy.
BBC: Vậy theo ông, Việt Nam phải làm gì trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông?
Tiến sỹ Tonnesson: Tôi đặt tầm quan trọng đặc biệt nhất lên việc hợp tác giữa các quốc gia liên quan tại khu vực Biển Đông trong lĩnh vực nghề cá và duy trì trữ lượng thủy hải sản.
Hiện nguồn cá đang có chiều hướng cạn kiệt, và hàng triệu dân sống xung quanh Biển Đông dựa nhiều vào nguồn cá này. Đây là một trong các lý do tại sao ngư dân lại tỏ ra bức xúc - nay họ không còn cá để đánh bắt nữa.
Vậy cho nên điều cần thiết là tất cả các nước tìm thấy một cơ chế hợp tác chung để quản lý và khai thác nguồn lợi hải sản.
Tôi cũng muốn nhắc tới vai trò của Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, theo quy hoạch đường lưỡi bò, hay đường chín điểm của họ. Đây là tuyên bố không thể chấp nhận được, và không có cơ sở nào hết theo luật pháp quốc tế.
Tôi nghĩ là chính tại Trung Quốc cũng ngày càng có nhiều người nhận ra sự thật này, có thể họ chưa thể nói ra vì đây là một phần trong nghị trình dân tộc chủ nghĩa ở trong nước họ.
Nhưng rồi dần dần, Trung Quốc cũng sẽ phải lặng lẽ từ bỏ tuyên bố này để quay lại cơ chế thỏa thuận song phương và đa phương với các nước có liên quan, dựa trên luật pháp quốc tế.
Các giải quyết có thể là Trung Quốc thừa nhận rằng phần lớn các đảo ở Biển Đông đều quá nhỏ để có thể tuyên bố chủ quyền thềm lục địa và chấp nhận khai thác 12 khu kinh tế gần bờ của mình. Đây là trách nhiệm của Trung Quốc và các nước trong khu vực thông qua biện pháp ngoại giao có thể thuyết phục Trung Quốc đi theo ý tưởng này.
BBC: Vào thời điểm này, thì việc Trung Quốc "lặng lẽ từ bỏ tuyên bố chủ quyền" của họ xem ra là điều khó tưởng tượng, thưa ông?
Tiến sỹ Tonnesson: Đa số những người mà tôi nói chuyện thì đều cho rằng là chuyện này khó xảy ra, nhưng tôi thì lại nghĩ là nó hoàn toàn có thể.
Tôi nghĩ Trung Quốc, trong vị trí cường quốc, phải dựa vào luật phạ́p quốc tế và nhiều chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã dựa trên luật pháp quốc tế.
Vậy cho nên chính sách Biển Đông của Trung Quốc cũng cần dựa trên luật quốc tế.
Điều quan trọng đối với Trung Quốc là làm sao để khai thác nguồn lợi trong Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể dàn xếp với các nước để cùng khai thác dầu khí chẳng hạn, thay vì tranh chấp chủ quyền, thì điều đó có lợi cho Trung Quốc hơn và tôi cho là các nhân vật có tư tưởng tiến bộ ở Trung Quốc đang nhận thức ra điều này.
BBC: Thưa ông, được biết ông đã có cuộc gặp với cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu hồi tuần trước, khi ông làm việc ở Hà Nội. Ông có thể kể cho độc giả chúng tôi biết thêm về cuộc gặp này?
Tiến sỹ Tonnesson: Thực ra cuộc gặp này đã không diễn ra một cách riêng tư như tôi muốn lúc đầu, tuy ông Phiêu tiếp tôi tại nhà riêng của ông ấy ở trung tâm Hà Nội. Tháp tùng ông ấy là một đoàn 14 người, nên tôi cũng không có cơ hội để ông ấy tiếp tôi một cách thân tình hơn.
Ông Lê Khả Phiêu tỏ ra nhanh nhẹn, khỏe mạnh, hoạt bát. Gia cảnh ông ấy cũng bình thường, tôi không thấy có gì đặc biệt.
Phần lớn cuộc nói chuyện là về các chủ đề không lấy gì làm mới mẻ đối với tôi, nhưng vào cuối cuộc gặp không khí có trở nên cởi mở hơn và tôi đã hỏi ông ấy một số câu tôi muốn hỏi.
Ông Lê Khả Phiêu tỏ ra rất tin tưởng vào việc giảm căng thẳng, tăng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông nhắc tới 16 chữ vàng mà lãnh đạo hai bên đạt được và tin chắc là hai nước sẽ duy trì được hòa bình.
Tôi cũng chứng kiến quan điểm này trong các tiếp xúc với giới quân sự ở Việt Nam và tất nhiên ông Phiêu từng trong quân đội nên ông ấy có thể nói thay nhiều vị tướng lĩnh.
Tất nhiên tôi hiểu là trong một số bộ phận dân chúng, tình cảm ghét Trung Quốc và dân tộc chủ nghĩa là có thật. Nhưng chúng ta nên nhớ là dân tộc chủ nghĩa tồn tại ở bất cứ đâu, ở Việt Nam, Philippines, Đài Loan và cả Trung Quốc nữa.
Điều quan trọng là tôi có cảm tưởng những người tôi tiếp xúc ở Việt Nam, họ đã qua chiến tranh và hoàn toàn không hề muốn chuyện này quay trở lại.

-----------------------------------------

Thái độ hung hãn của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam tại vùng Hoàng Sa : biện pháp thô bạo để khẳng định chủ quyền ? (RFI)
Trung Quốc tăng cường ‘quyền lực mềm’ ở Việt Nam? (VOA)
Hà Nội mất, Bắc Kinh được (BBC)



No comments: