Saturday, November 14, 2009

CÁCH MẠNG TƯ BẢN TẠI Á CHÂU, NHƯNG VẪN KHÔNG CÓ DÂN CHỦ

Cách mạng tư bản tại Á Châu, nhưng vẫn không có dân chủ
Lê Mạnh Hùng
Đăng ngày 14/11/2009 lúc 01:25:11 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4324
Ngày 9 tháng 11 vừa qua là ngày kỷ niệm 20 năm sự sụp đổ của bức tường Berlin. Đây có thể coi như là biến động tạo ra nhiều biến chuyển nhất trong lịch sử thế giới sau Thế chiến thứ hai. Nó đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh lạnh và làm thay đổi chính trị thế giới. Nhưng điều đáng chú ý tại đây là trong lúc Âu châu, đặc biệt là những nước Đông Âu có được tự do thì Á châu nhờ vậy mà trở thành giàu có hơn, tuy rằng tự do cho dân chúng ở những nước như Việt Nam hoặc Trung Quốc hãy chỉ còn là những ước vọng.

Một trong những hậu quả chính của sự kết thúc chiến tranh lạnh là việc chuyển hướng từ sức mạnh quân sự sang sức mạnh kinh tế trong việc uốn nắn chính trị quốc tế. Điều đó đã giúp thúc đẩy, không những một tình trạng bột phát về kinh tế tại châu Á nhưng còn dẫn đến một hậu quả không được tính trước là việc chuyển một phần sức mạnh và ảnh hưởng sang Á châu dẫn đến việc các nước châu Á trở thành những tác nhân quan trọng trên chính trường quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nay đã trở thành một yếu tố quan trọng hơn là chiến thắng quân sự.

Một sự kiện đáng kể khác cũng xảy ra vào năm 1989 là vụ thảm sát những người đấu tranh đòi dân chủ tại Thiên An Môn. Nếu bức tường Berlin không sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc thì Trung Quốc khó mà có thể được phương Tây bỏ qua sự kiện này một cách dễ dàng như đã xảy ra. Nhưng chiến tranh lạnh kết thúc đã giúp Trung Quốc thoát được tình trạng cô lập hoá và những trừng phạt kinh tế đồng thời giúp nước này hội nhập vào hệ thống kinh tế thế giới. Nếu Hoa Kỳ và các nước đồng minh theo đuổi một chính sách ngược lại cô lập hoá và bao vây kinh tế như đã xảy ra trước đó trong thời Chiến tranh lạnh thì kết quả chắc chắn sẽ là một nước Trung Quốc nghèo, khép kín, và có nguy cơ nội loạn vì những bất ổn nội bộ hơn là hiện nay.

Sự vùng lên của Ấn Độ như là một siêu cường kinh tế tiềm tàng cũng có liên hệ trực tiếp với những chuyện xảy ra tại Berlin ngày 8 tháng 11, 1989. Trước đó Ấn Độ tuỳ thuộc rất nhiều vào những quan hệ buôn bán có tính cách trao đổi hàng với Liên Xô và khối Cộng Sản tại Đông Âu. Thành ra khi khối này tan rã thì Ấn phải làm sao kiếm ra tiền trả cho những món hàng nhập. Và những tiền này phải là những tiền tệ mạnh của phương Tây. Nhu cầu nhập cảng này đã mau chóng làm cạn số dự trữ nhỏ nhoi mà Ấn có, tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chánh gay gắt vào năm 1991. (Chính phủ Ấn phải lấy số vàng dự trữ đem cầm cố cho Anh để lấy tiền trả cho những món hàng nhập cảng cần thiết). Cuộc khủng hoảng này đã buộc Ấn phải cải cách sâu rộng cơ cấu kinh tế làm nền móng cho những tiến bộ kinh tế về sau này.

Nhưng một cách rộng lớn hơn, sự sụp đổ của chủ nghĩa Marx mà biểu tượng là sự sụp đổ của bức tường Berlin đã là một trong những yếu tố chính kích động những nước cộng sản Á châu kể cả Trung Quốc và Việt Nam công khai theo đuổi các chính sách kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy rằng Trung Quốc dưới thời ông Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu đi vào con đường đó, nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc sau năm 1989 đã có thể tiếp tục đẩy mạnh thêm việc đặt phát triển kinh tế lên trên ý thức hệ. Những nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã rút ra được bài học rằng trì trệ kinh tế cộng thêm với ý thức hệ quá cứng rắn là nguyên nhân chính của sự sụp đổ của các nước Đông Âu. Trong một bài diễn văn đọc sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông Đặng Tiểu Bình kêu gọi Trung Quốc hãy tiếp tục tập trung vào xây dựng kinh tế và tránh những đấu tranh ý thức hệ. Ông nói, kinh tế sẽ là cứu tinh của Đảng. Và thái độ này đã có một ảnh hưởng tích cực đối với các đảng Cộng Sản còn sống sót tại châu Á đặc biệt là Việt Nam. Tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội tuy rằng đưa ra các chính sách đổi mới từ năm 1986, nhưng thật sự áp dụng những chính sách này, đặc biệt là tại các thành thị thì phải từ 1990 mới thực hiện.

Trên phương diện địa lý chính trị, sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô tạo ra một khoảng trống, cắt bỏ một đe dọa đằng sau lưng, mở đường cho Trung Quốc tăng mạnh ảnh hưởng chiến lược của mình. Sự suy thoái của Nga trong nhũng năm 1990 đã là một món quà quý giá cho Bắc Kinh. Đối với Ấn Độ thì ngược lại. Chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chiến lược và ngoại giao khi Liên Xô, vốn được Ấn Độ coi là “một người bạn tốt và đáng tin cậy”, sụp đổ. Chính sách hợp tác với Mỹ, một yếu tố then chốt của chính sách ngoại giao Ấn hiện nay chính là một hậu quả trực tiếp của sự kiện này.

Cố nhiên là không phải những hệ quả nào của những sự kiện năm 1989 đều tích cực. Trong thời chiến tranh lạnh, cả hai bên đều tìm cách mua chuộc sự ủng hộ của những nước nghèo, yếu, chậm tiến. Không còn đối thủ Liên Xô nữa, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi cuộc chơi này. Đó là một trong những lý do tại sao những quốc gia gọi là “failing states” bắt đầu xuất hiện trong những năm 1990 - một hiện tượng đã đóng góp một phần đáng kể cho những bất ổn địa phương cũng như thế giới, vì họ trở thành hoặc là nơi trú ẩn của những đám hải tặc (như Somalia) hoặc khủng bố quốc tế (Pakistan và Afghanistan) hay bởi vì họ chống lại những đòi hỏi của quốc tế (Bắc Hàn, Iran).

Sự sụp đổ của bức tường Berlin là cao điểm của một phong trào đấu tranh đòi dân chủ diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới - từ Trung Quốc, Miến Điện sang đến Đông Âu. Chiến thắng của phong trào này đã giúp lấy lại được tự do chính trị cho các nước Đông Âu và làm gương cho các phong trào đấu tranh khác dẫn đến việc lật đổ các chế độ độc tài tại những quốc gia khác nhau như Indonesia, Nam Hàn, Đài Loan, Chile và cả Liên Xô nữa.

Sự sụp đổ của những chế độ độc tài hoặc chuyên chế này đã chuyển cán cân quyền lực sang cho các lực lượng dân chủ. Nhưng không phải phong trào đấu tranh nào cũng thành công. Và đối với những chế độ độc tài hoặc chuyên chế còn lại, sự thành công của những phong trào đòi dân chủ chỉ làm cho họ tăng cường những cố gắng đàn áp dân chúng và những biện pháp chống lại cái mà họ gọi là “những âm mưu diễn biến hoà bình từ bên ngoài”.

Nay, hai thập niên sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, việc phát triển dân chủ đã bị khựng lại. Trung Quốc, nay là chế độ chuyên chế lâu đời nhất đã chứng tỏ rằng một chế độ độc tài vẫn có thể tồn tại song song với một nền kinh tế tư bản, rằng một thị trường tự do về hàng hoá và dịch vụ không có nghĩa là sẽ có một thị trường tự do trong tư tuởng. Chế độ tư bản chuyên chế đã xuất hiện như là đối thủ chính của dân chủ và tự do.

Lê Mạnh Hùng
© Thông Luận 2009


No comments: