Wednesday, November 25, 2009

BIỂN ĐÔNG : TỪ TRANH CHẤP CÔNG KHAI TỚI QUẢN LÝ XUNG ĐỘT

Biển Đông: Từ tranh chấp công khai tới quản lý xung đột
Tác giả: Nguyễn Hồng Thao - Ramses Ammer
Bài đã được xuất bản.: 1 giờ trước (25-11-2009)
http://www.tuanvietnam.net/2009-10-18-bien-dong-tu-tranh-chap-cong-khai-toi-quan-ly-xung-dot
Để đạt mục tiêu kiềm chế các tranh chấp, các bên liên quan cần không được hài lòng chỉ với Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông của ASEAN - Trung Quốc, TS Nguyễn Hồng Thao và GS Ramses Ammer viết.

LTS: Từ 26-27/11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông sẽ được Học viện Ngoại giao Việt Nam cùng Hội Luật sư Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các học giả trong nước và quốc tế. Nhân dịp này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Hồng Thao và GS. Ramses Ammer về vấn đề biển Đông và việc tìm kiếm một dàn xếp pháp lý mới cho vấn đề tranh chấp phức tạp, lâu dài này.

Phần 1: Từ tranh chấp công khai tới quản lý xung đột

Biển Đông từ lâu được xem là một trong những khu vực chính gây căng thẳng và bất ổn định tại Châu Á - Thái Bình Dương. Có nhiều nhân tố dẫn đến thực trạng đó. Thứ nhất, vị trí địa chiến lược của biển Đông. Thứ hai là những tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các tranh chấp vùng biển tại biển Đông. Nhân tố thứ ba là cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển này. Nhân tố thứ tư là sự phát triển của Luật Biển.
(...)
Các tranh chấp về đảo trong biển Đông bao gồm cả hai bên, ba bên hoặc đa phương. Tình hình này cùng với các yêu sách chồng chéo đối với các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể giải quyết nếu không giải quyết câu hỏi về chủ quyền. Ngoài các tranh chấp có liên quan trực tiếp tới các yêu sách về chủ quyền đối với các nhóm đảo, còn các tranh chấp khác liên quan tới các vấn đề về vùng biển vẫn chưa được giải quyết.
Hơn nữa, vấn đề cướp biển và cướp có vũ trang đang tăng lên trong khu vực với khoảng một nửa số vụ cướp biển được ghi nhận trên thế giới xảy ra ở khu vực này.13
Các quốc gia ven biển cũng đang phải đương đầu với các vấn đề xuyên biên giới như ô nhiễm biển, quản lý các nguồn lợi hải sản.
Biển Đông tạo nên một trường đấu tranh cho các lợi ích an ninh. Việc tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm tránh các hoạt động quân sự là lợi ích của tất cả các bên tranh chấp và các bên có liên quan, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như thúc đẩy hợp tác.

Từ tranh chấp công khai tới quản lý xung đột

Làn sóng chiếm đảo
Làn sóng chiếm đóng các đảo bắt đầu từ giữa những năm 1950 sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa trong khi Trung Quốc chiếm phần phía đông. Sau đó, năm 1974 Trung Quốc chiếm luôn cả phần phía tây bằng một chiến dịch quân sự đánh đuổi Việt Nam Cộng hòa.
Tại Trường Sa, vào đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng hòa thực hiện yêu sách của mình bằng việc chiếm một số đảo - các đảo chiếm giữ này được chuyển sang cho nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975. Philippines cũng tiến vào Trường Sa vào những năm cuối thập kỷ 1970s, trong khi Malaysia giành quyền kiểm soát một đảo lần đầu tiên vào năm 1983. Trung Quốc không giành được vị trí nào tại Trường Sa cho tới đầu năm 1988 sau một trận thủy chiến với Việt Nam tại khu vực này.
Mặc dù quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã bình thường hóa hoàn toàn vào tháng 11/1991, các tranh chấp trên biển Đông vẫn tạo nên nhiều căng thẳng trong phần lớn những năm 1990.
Được báo chí đề cập nhiều hơn cả là tranh chấp và căng thẳng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Philippines sau khi Trung Quốc chiếm dải Vành Khăn vào năm 1995.
Các bên tuyên bố chủ quyền đều có những động thái để củng cố và duy trì yêu sách của mình. Năm 1978 Philippines tuyên bố các giới hạn của KIG. Malaysia đưa ra bản đồ thể hiện các yêu sách của mình về lãnh hải và thềm lục địa năm 1979. Như đã nêu ở trên, Việt Nam tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa bằng tuyên bố của Chính phủ năm 1977.
Xung đột hải quân giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988 tại Trường Sa làm dấy lên lo ngại giữa các quốc gia ASEAN rằng tình hình biển Đông có thể sẽ trở thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

Nỗ lực kiểm soát tình hình

Nỗ lực khu vực đầu tiên nhằm kiểm soát tình hình là sáng kiến của Indonesia và Canada tổ chức Hội thảo đầu tiên về quản lý các xung đột tiềm tàng tại biển Đông vào năm 1990. Hội thảo này là một tiến trình không chính thức nhằm tạo dựng một diễn đàn cho các thảo luận có tính định hướng chính sách và các hợp tác tiềm năng. Đây được coi là một trong những Biện pháp Xây dựng Lòng tin trong khu vực.
Các nước ASEAN, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cử người tham gia Hội thảo trên cơ sở không chính thức của kênh hai. Hội thảo kết thúc với các tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các tranh chấp biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, các bên không được sử dụng vũ lực trong tranh chấp và các bên cần kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình.14
Nỗ lực thứ hai của khu vực là Tuyên bố ASEAN năm 1992 về biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh " sự cần thiết giải quyết mọi vấn đề chủ quyền và quyền tài phán liên quan tới biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực". Bản tuyên bố yêu cầu "các bên liên quan kiềm chế với mục tiêu thiết lập một môi trường tích cực cho một giải pháp cuối cùng cho tất cả các bên".15
Trong thời kỳ này, UNCLOS vẫn chưa có hiệu lực và một số nước có yêu sách chủ quyền vẫn chưa phê chuẩn công ước này. Các nước yêu sách cũng tiếp tục thực hiện và áp dụng UNCLOS theo cách có lợi cho quyền lợi của mình và trong một số trường hợp mâu thuẫn với tinh thần giải quyết cả gói của UNCLOS. Có thể nói rằng hệ thống các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp được nêu trong phần 15 của UNCLOS vẫn chưa được thực thi.
Sự kiện Vành Khăn năm 1995 được coi là một sự cảnh báo đối với các nước trong khu vực rằng họ phải tự có những sáng kiến của mình để ngăn chặn các tranh chấp biển trong khu vực biển Đông leo thang trở thành các vụ đụng độ. Nếu họ không làm điều đó, tình hình có thể xấu đi và hòa bình ổn định sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Theo đó, ASEAN cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin để ứng phó với tình hình tại Biển Đông.
Tiến trình Hội thảo nhằm quản lý các xung đột tiềm tàng trên biển Đông đã gần như hoàn thành vai trò lịch sử của mình và được thay thế bằng các cuộc thương thảo song phương. Sau sự kiện Vành Khăn, ASEAN ra Tuyên bố 1995 của các Ngoại trưởng ASEAN về những phát triển gần đây tại Biển Đông nhấn mạnh rằng các bên liên quan phải áp dụng các nguyên tắc có trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) như là cơ sở xây dựng quy tắc ứng xử quốc tế tại biển Đông vì mục tiêu xây dựng một không khí an ninh và ổn định trong khu vực.
Các cuộc đàm phán song phương riêng rẽ giữa Trung Quốc và Philippines và giữa Philippines và Việt Nam đã cho ra đời hai bộ quy tắc ứng xử - một bộ Quy tắc ứng xử gồm tám điểm trong Tuyên bố chung giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Tham vấn về biển Đông và các khu vực hợp tác khác tháng 8/1995 và bộ quy tắc ứng xử 9 điểm trong Tuyên bố chung của cuộc gặp tham vấn song phương hàng năm lần thứ 4 giữa Philippines và Việt Nam tháng 10/1995.16
Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 đã thúc đẩy tổ chức này trở nên tích cực hơn trước tình hình biển Đông. Dưới chiếc ô của tổ chức này, Bộ quy tắc ứng xử ASEAN do Philippines và Việt Nam chuẩn bị đã được thông qua và được chuyển cho Trung Quốc năm 1999.
Bộ quy tắc ứng xử ASEAN dựa trên các tài liệu của ASEAN, thí dụ như: 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, TAC, Tuyên bố của ASEAN về biển Đông 1992, Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc 16/12/1997; Tuyên bố chung Philippines - Trung Quốc về biển Đông và các khu vực hợp tác khác tháng 8/1995; bộ quy tắc ứng xử thỏa thuận giữa Philippines và Việt Nam tháng 11/1995; và kế hoạch hành động Hà Nội thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998.17
Lúc đầu, ý tưởng về một bộ quy tắc ứng xử ASEAN - Trung Quốc đã bị Bắc Kinh gạt bỏ. Đối thoại ASEAN - Trung Quốc dẫn tới sự hiểu biết về sự cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử có tính khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, trong tương lai gần, một giải pháp thỏa hiệp về một văn bản chung với các điều khoản ít có tính ràng buộc hơn có thể dễ được các bên chấp nhận hơn.
Trong Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnompênh - Campuchia, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua "Tuyên bố về ứng xứ của các bên tại Biển Đông" (ASEAN - Trung Quốc DOC).18 Đây là văn bản chính trị đầu tiên liên quan tới biển Đông được thông qua giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN - Trung Quốc DOC là bước đi cần thiết trong một tiến trình dài hơn nhằm xây dựng và thống nhất về một "bộ quy tắc ứng xử" tại biển Đông.
ASEAN - Trung Quốc DOC là một khung ứng xử cho các bên, thành viên của ASEAN, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới các tranh chấp, và Trung Quốc, nhằm tránh các hoạt động quân sự và thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc. Các bên có liên quan có thể thăm dò và thực hiện các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, các hoạt động nghiên cứu biển; an toàn hàng hải và thông tin trên biển; các hoạt động tìm kiếm và cứu trợ; và chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không chỉ riêng buôn lậu ma tuý, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, và buôn lậu vũ khí.
Các cuộc đàm phán song phương riêng rẽ giữa Trung Quốc và Việt Nam, Malaysia và Việt Nam, Thái Lan và Việt Nam, Indonesia và Việt Nam đã đưa tới những kết quả tích cực trong việc giải quyết các vùng biển chồng lấn giữa các nước phù hợp với UNCLOS.
Ngày 5/6/1992, Malaysia và Việt Nam ký thỏa thuận về khai thác chung triển tại các khu vực chồng lấn trên khu vực thềm lục địa phía tây nam Việt Nam và vùng biển phía đông - bắc - đông ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia trong vịnh Thái Lan.19
Ngày 9/8/1997, Thái Lan và Việt Nam đạt được thỏa thuận xác định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong vịnh Thái Lan.20
Ngày 11/6/2003, Việt Nam và Indonesia ký thỏa thuận về xác định ranh giới thềm lục địa trên khu vực phía bắc đảo Natuna.
Hai thỏa thuận khác cũng đáng được ghi nhận là hai thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới vịnh Bắc bộ ký ngày 25/12/2000. Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc bộ - giải quyết các tranh chấp biên giới biển trong vùng Vịnh với những hiệu lực hợp lý dành cho các đảo trong phân định.21 Hiệp định về hợp tác đánh cá trong vùng Vịnh Bắc bộ đã thiết lập được một "khu vực đánh cá chung", "một vùng đệm" cho các tàu thuyền đánh cá nhỏ và "vùng đánh cá tạm thời" trong 4 năm.22
Những thỏa thuận đạt được giữa Việt Nam và các nước láng giềng liên quan đến quản lý và phân định các vùng biển chồng lấn đã góp phần làm rõ các điều khoản tương ứng trong UNCLOS trong việc giải quyết các tranh chấp biển.
ASEAN - Trung Quốc DOC và UNCLOS cũng được coi là cơ sở pháp lý cho Hiệp định 3 bên về các khảo sát địa chấn biển chung trong khu vực xác định trên biển Đông (JSMU) được ký ngày 14/3/2005 giữa các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Hiệp định cho thấy quyết tâm của các bên có liên quan trong việc tuân thủ ASEAN - Trung Quốc DOC. Tất cả các hoạt động trong khu vực đều cần tham khảo ý kiến các bên liên quan.
Hiệp định 3 bên bao gồm ba năm tiến hành đo địa chấn và nghiên cứu trên một khu vực rộng 143 ngàn km vuông trên biển Đông, bao gồm cả một phần quần đảo Trường Sa còn đang tranh chấp. Ba công ty dầu khí quốc gia cùng nhau chia sẻ các chi phí liên quan tới nghiên cứu địa chấn trong khu vực thỏa thuận, lên tới khoảng 7,14 triệu đô la trong thời gian 3 năm.23
Tổng thống Philippines Gloria Arroyo gọi hiệp định ba bên này là "một sự kiện lịch sử", "một bước đột phá" trong việc thực hiện các điều khoản của ASEAN - Trung Quốc DOC. Việc ký kết hiệp định "không làm tổn hại đến lập trường của mỗi bên đối với vấn đề biển Đông". Các bên bày tỏ "quyết tâm biến biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển".24
Sự hợp tác của 3 công ty dầu khí quốc gia nằm trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học biển và không bao gồm bất kỳ một sự dàn xếp nào liên quan tới việc khai thác tài nguyên của khu vực.
Chương trình nghiên cứu khoa học biển chung tại biển Đông (JOMSRE-SCS) là một thí dụ khác về sự hợp tác theo tinh thần của ASEAN - Trung Quốc DOC. Sáng kiến này được khởi xướng theo thỏa thuận năm 1994 giữa Tổng thống Philippines lúc đó là Fidel V. Ramos và Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường trên biển Đông.
Từ năm 1996, đã có 4 đợt hoạt động: tháng 4/1996, tháng 5/2000, tháng 4/2005 và tháng 4/2007. Các bên tham gia các đợt hoạt động nghiên cứu ngày càng mở rộng, không chỉ bao gồm Phillippines, Việt Nam, Trung Quốc mà còn các thành viên bên ngoài khác, trong đó có Mỹ và Canada với tư cách quan sát viên.25
Việc thiết lập đường dây nóng, việc tổ chức tuần tra chung, việc tham gia vào các hoạt động chống cướp biển và xây dựng cơ chế đối thoại an ninh là các bằng chứng của thái độ tự kiềm chế của các bên trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định tại khu vực theo tinh thần ASEAN-Trung Quốc DOC.
ASEAN - Trung Quốc DOC cũng đóng vai trò kiềm chế. Theo DOC, các bên có liên quan phải cho thấy thái độ tự kiềm chế khi thực hiện các hoạt động có thể gây nên hoặc làm phức tạp thêm các tranh chấp và làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, trong đó bao gồm: các hoạt động đưa người đến ở trên những đảo, bãi đá nửa nổi nửa chìm hiện không có người sinh sống. Thêm vào đó, các bên có liên quan cần giải quyết tranh chấp theo một cách xây dựng.
Tuy nhiên, các điều khoản của ASEAN - Trung Quốc DOC chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho các vấn đề như các loại hoạt động nào có thể bị coi là làm phức tạp hoặc làm phức tạp thêm các tranh chấp.
Do vậy, các nước có yêu sách theo đuổi các hoạt động như "các hành động dân sự với các mục tiêu quân sự" tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, từ các hoạt động như nghiên cứu, du lịch, mời thầu và đấu thầu các lô dầu khí, đặt mốc chủ quyền, cấm đánh cá, xây dựng đường bay, tới các đài giám sát chim và xây dựng hoặc củng cố các cơ sở đã có tại các phần đảo đã chiếm đóng.26
Cho đến hết năm 2008, các dự án hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Trung Quốc DOC chỉ mới tồn tại trên giấy. Lý do là có sự thiếu hụt tài trợ tài chính và sự nhiệt tình của các bên liên quan. Các điều khoản không rõ ràng của DOC cũng làm cho tình hình thêm phức tạp.
Để đạt được mục tiêu kiềm chế các tranh chấp, các bên có liên quan cần không được hài lòng chỉ với ASEAN - Trung Quốc DOC. Họ cần phát triển thêm các chủ trương mới cho việc triển khai DOC và thúc đẩy nó lên một mức cao hơn nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử ASEAN - Trung Quốc tại biển Đông.
Tình hình gần đây dường như đòi hỏi những nỗ lực mới nhằm thiết lập một thể chế pháp lý mới phù hợp cho hợp tác giữa các bên có liên quan tại biển Đông27.

Phần tiếp: Tìm kiếm một dàn xếp pháp lý mới






No comments: