Wednesday, November 11, 2009

BẢO VỆ TÂN CƯƠNG : MỘT THỬ THÁCH LỚN ĐỐI VỚI BẮC KINH

Bảo vệ Tân Cương : một thử thách lớn đối với Bắc Kinh
Nguyễn Minh
Đăng ngày 11/11/2009 lúc 00:10:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4309
Ngày 12-10-2009, toà án nhân dân Urumqi đã tuyên án tử hình 6 người Uighur về tội giết người và nhiều án tù từ chung thân đến 15 năm tù cho những người khác về tội tham gia cuộc bạo động ngày 5-7-2009 tại Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương. Người ta dự đoán sẽ còn nhiều bản án nặng nề khác được công bố trong những ngày sắp tới. Hơn một ngàn người đã bị bắt sau cuộc bạo động.
Cũng nên biết gần 200 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc xuống đường và hơn một ngàn người đã bị bắt sau ngày 5-7-2009. Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10-2009, công an và các lực lượng an ninh đã phong toả toàn bộ khu vực chung quanh toà án nhân dân Urumqi và hơn 14.000 dân sự gốc Hán được huy động đến tuần tiểu ngày đêm phòng ngừa những cuộc đột kích của người Uighur vào khu vực toà án. Điều này cho thấy chính quyền Tân Cương rất lo ngại những cuộc xuống đường bạo động khác lớn hơn có thể xảy ra trong ngày xử án.
Tại sao phải lo sợ? Có rất nhiều giải thích. Tân Cương là một thử thách lớn lớn đối với Bắc Kinh trong những ngày sắp tới.

Tân Cương: địa bàn chiến lược về kinh tế lẫn quân sự

Tân Cương là một tỉnh biên cương phía tây-bắc Trung Quốc, với một đường biên giới dài trên 5 300 km, giáp ranh với 8 quốc gia lớn: Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ.
Tân Cương còn là tỉnh có diện tích rộng lớn nhất nước: 1,66 triệu km2, nhưng hơn phân nửa lãnh thổ là sa mạc và núi non, những vùng đất trồng trọt và cư ngụ được tập trung dọc những dòng sông lớn: Tarim, Irtych... nhưng đang bị ô nhiễm đe doạ vì nhu cầu kinh tế. Tuy có một diện tích lớn, tỉ lệ dân số tại đây lại ít nhất nước: 25 triệu người, trong đó 45,6% là người Uighur Hồi giáo, 40,5% là người Hán, số còn lại là những sắc tộc khác. Cũng nên biết tỉ lệ dân số gốc Hán năm 1949 là 6% nhưng từ năm 2000 trở lại đây, do nhu cầu phát triển kinh tế, đã tăng hơn 40%. Đa số người Hán sống tập trung trong 12 thành phố lớn và sinh sống bằng nghề buôn bán và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Trước năm 2000, nguồn lợi kinh tế chính của Tân Cương là nông nghiệp,. Gần đây, do nhu cầu tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên để phát triển, Bắc Kinh đã sửa sang lại hạ tầng cơ sở, hệ thống đường bộ và đường sắt đã được canh tân để gia tăng lượng hàng chuyên chở hai chiều từ các nước láng giềng (Afghanistan, Pakistan, Tajikistan) ra vào Trung Quốc.
Về vai trò chiến lược kinh tế và chính trị, Tân Cương quan trọng hơn Tây Tạng gấp nhiều lần. Khu tự trị Tân Cương nằm trong vùng chính sách đại khai thác miền Tây của Trung Quốc được tiến hành từ năm 2000 nhằm làm đòn bẩy để phát triển một khu vực lục địa rộng lớn từ khu biên giới Afghanistan và Pakistan tới Vân Nam, vốn phát triển chậm so với vùng duyên hải Nam Hoa. Hơn thế nữa, khu tự trị Tân Cương còn là cửa ngõ vận chuyển hàng hoá và năng lượng nhập khẩu từ các nước Trung Á, Nga, châu Âu vào Trung Quốc, không qua các hải cảng vừa tốn kém vừa không an toàn. Năm 2005, ống dẫn dầu số 1 dài 988 km nối liền Atasu (Kazakhstan) với Alashankou (Tân Cương) đã đi vào hoạt động. Bắc Kinh dự trù sẽ hoàn tất một ống dẫn dầu khác khổng lồ hơn, dài 3000 km, nối liền vùng biển Caspian vào nội địa Trung Quốc vào năm 2011.
Về tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất, trong số 138 quặng mỏ tìm thấy trong nội ba tỉnh tự trị Tây Tạng, Tân Cương và Ninh Hải, gồm than, sắt, đồng, kẽm, chì, vàng, bạc, nickel, cobalt, manganese, chrome, lithium, uranium..., Tân Cương dẫn đầu về trữ lượng 5 loại, 25 loại vào hạng top 5, 40 loại vào hạng top 10. Tân Cương có mỏ đồng lớn nhất nước cung cấp hơn 20% nhu cầu toàn quốc (5% do các nơi khác, 75% còn lại do nhập khẩu), mỏ than chiếm 40%, dầu và khí đốt chiếm 30% trữ lượng toàn quốc. Nhiều bọc dầu và khí đốt vừa được khám phá trong vùng Aksu và Karamay.
Nhờ những mỏ quặng này, Tân Cương trở thành đầu tàu trong việc mở rộng vành đai công nghiệp ở vùng biên giới tây-bắc gồm các ngành lọc dầu, luyện thép, hoá học, cơ khí. Cán cân thương mại của Tân Cương lúc nào cũng thặng dư, năm 2008 tổng số hàng hoá xuất khẩu là 19,3 tỉ USD trong khi số hàng nhập khẩu là 2,9 tỉ USD, nghĩa là mỗi năm thu về hơn 17 tỉ USD ngoại tệ. Lợi tức bình quân đầu người khoảng 2.900 USD/Năm. Thành tích này do sự thành lập nhiều cửa khẩu ưu đãi thuế tại Bole, Shihezi, Tacheng, Urumqi, Yinning, và đặc biệt là tại Horgos trong khu vực biên giới với Kazakhstan.
Tuy nhiên những thành quả này đã không được phân chia đồng đều, tất cả đều do những người Hán nắm giữ, đặc biệt là quân đội với những binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (bingtuan). Hiện nay những binh đoàn này tập trung vào 14 quân khu với 185 đơn vị, gồm 1,9 triệu người, làm việc trong 1500 tập đoàn công nghiệp thương mại và xây dựng, hai đại học, chiếm giữ hơn 1/3 diện tích canh tác, hơn một nửa thương vụ xuất khẩu. Hiện nay tập đoàn Xinjiang Chalkis Co Ltd đứng đầu thế giới về sản xuất ketchup. Gần như toàn bộ người Hán di cư vào Tân Cương đều làm việc trong những tập đoàn của quân đội, do đó thường có hành vi chèn ép hay khinh thường người Uighur địa phương.
Tân Cương là một vùng đất rộng dân thưa, hơn nữa lại nhiều núi non và sa mạc, nên Bắc Kinh dùng làm địạ bàn để thử nghiệm những loại vũ khí giết người hàng loạt: từ 1961 đến nay 46 bom nguyên tử đã cho nổ thử nghiệm tại Lop Nor, gây ô nhiễm môi trường, đất, nước, thực vật và thức ăn) và làm hơn 200.000 người Uighur chết vì nhiễm phóng xạ. Theo một điều tra bí mật gần đây (30-3-2009) do một nhóm khoa học gia người Anh, số người mắc bệnh ung thư do nhiễm phóng xạ trong tỉnh Tân Cương rất cao (hơn 750.000 người).

Tân Cương: địa bàn văn hoá của chủng tộc đầy bất trắc

Tân Cương trước kia có tên là Turkestan phương đông. Sở dĩ có tên này vì dân cư bản địa tại đây mặc dù có nguồn gốc Hán Tạng, nhưng lại thuộc văn hoá thổ (turk). Turkestan là lãnh thổ của người Thổ. Quốc gia Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) hiện nay là Turkestan phương tây, Tân Cương là Turkestan phương đông.
Nằm giữa khu vực đi lại giữa phương đông (Trung Hoa) và phương tây (châu Âu), gọi là "đường tơ lụa", dân cư Tân Cương đã chịu nhiều hoà trộn ngôn ngữ, tin ngưỡng và văn hoá, rồi trở thành một dân tộc riêng: Uighur (Duy Ngô Nhĩ) để không lầm với người Thổ (Turk) tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1759, hoàng đế Càn Long dành cho vùng đất này qui chế chư hầu, với tên gọi Tây Xứ (Xiyu). Năm 1876, sau khi đánh bại cuộc nổi dậy của tầng lớp quí tộc Dzougares, hoàng đế Quang Tự chính thức sáp nhập vào lãnh thổ nhà Thanh, dưới tên gọi Tân Cương (Biên giới mới), và vẫn còn tiếp tục cho tới ngày nay. Năm 1911, nhà Thanh bị phe quốc hoà do Tôn Dật Tiên lãnh đạo lật đổ, người Uighur đã nhân cơ hội hai lần nổi lên giành độc lập (1933-1934 và 1944) với tên gọi Cộng hoà Turkestan phương đông, và là thành viên của Liên Bang Xô Viết.
Năm 1949, cộng hoà này được Mao Trạch Đông sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, lãnh thổ nguyên thuỷ (rộng 1,82 triệu km2) bị cắt xén (còn 1,626 triệu km2) cho hai tỉnh khác: Ninh Hạ và Cam Túc bất chấp nguyện vọng của dân cư bản địa. Mặc dù được gọi là khu tự trị nhưng từ 1949 tới nay, Bắc Kinh áp dụng chính sách cai trị trực tiếp, và đặt dưới quyền cai trị gián tiếp bởi quân đội. Các cấp lãnh đạo địa phương, đa số là người Hán thiểu số, đều do Bắc Kinh chỉ định. Cán bộ Uighur địa phương chỉ nắm giữ những chức vụ trung cấp, dân chúng Uighur gần như bị đẩy ra xa các khu vực trung tâm thành phố để tránh đụng chạm trực tiếp với người Hán di cư vì khác biệt tôn giáo và văn hoá. Năm 2002, ngôn ngữ Uighur bị cấm giảng dạy trong đại học, lệnh cấm này đang nới rộng vào cấp trung học và sau đó vào cấp tiểu học. Giáo lý đạo Hồi bị cấm giảng dạy cho những người dưới 18 tuổi, những ai muốn làm công chức phải gia nhập đảng cộng sản và từ bỏ tôn giáo của mình. Nhiều buổi học tập tự phê đã được các chính quyền địa phương tổ chức để tiêu huỷ những sách giảng dạy đạo Hồi vì có nội dung "phản động". Những vùng đất tốt, cạnh những đường giao thông đều do người Hán nắm giữ, trong khi người Uighur được "khuyến khích" đi nơi khác lập nghiệp, hoặc trồng cây bông gòn bán rẻ cho người Hán đồng bằng sản xuất vải để xuất khẩu.
Bên cạnh những phân biệt đối xử này, từ năm 2000 trở lại đây, đời sống của người Uighur xuống cấp rõ rệt. Những công việc mang lại lợi tức cao đều nằm trong tay người Hán, chênh lệch giàu nghèo thấy rõ khi ra ngoài đường phố: cửa hàng sang trọng, xe cộ đắt tiền, những ngôi nhà cửa cao tầng và đồ sộ đều là của người Hán. Người Uighur trở thành nghèo khó trên chính quê hương của họ. Thêm vào đó, số lượng người Hán di cư vào Tân Cương ngày càng đông, nâng tỉ lệ từ 6% năm 1949 lên trên 40% (2006). Không bao lâu nữa người Uighur sẽ trở thành thiểu số trên quê hương của họ vì Bắc Kinh đang biến Tân Cương thành khu vực đối trọng với vùng duyên hải phía đông về phát triển, nghĩa là thêm người Hán, vì mục tiêu chiến lược này không thể giao cho người Uighur bản xứ.
Những cuộc nổi dậy của người Uighur chống lại chính quyền người Hán tại Tân Cương đã có từ khi Bắc Kinh sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ Trung Quốc năm 1949 nhưng đã nhanh chóng bị dẹp tan bằng bạo lực. Từ sau 2000, tức năm mà người Hán bắt đầu ồ ạt vào Tân Cương lập nghiệp, phong trào chống đối của người Uighur bước sang một khúc quanh mới: dùng bạo lực chống lại bạo lực. Được huấn luyện và hỗ trợ bởi những tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Afghanistan và Pakistan, những nhóm du kích quân Uighur sử dụng phương pháp khủng bố (đặt bom, ôm bom tự sát ở chốn đông người) để tấn công chính quyền và người Hán tại Tân Cương, đặc biệt là từ 2008 trở lại đây. Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy là phương pháp khủng bố này sẽ chấm dứt.
Điều đáng lo âu là trước sự tấn công ồ ạt và qui mô của chính quyền Pakistan và liên quân NATO tại Afghanistan vào sào huyệt của quân Taliban dọc vùng biên giới Afghanistan, tàn quân Hồi giáo quá khích này sẽ tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ Tân Cương để nương náu, đồng thời cũng để xây dựng những căn cứ huấn luyện quân sự mới. Nếu không tìm cách giải quyết mức sống và quyền sinh hoạt văn hoá của người Uighur ngay từ bây giờ, Trung Quốc sẽ thực sự đương đầu với khó khăn khi những nhóm khủng bố Uighur được tổ chức Al Qeada huấn luyện xong.

Tân Cương: lãnh địa riêng của một lãnh chúa

Việc Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, vội vã rời bỏ hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ý để về nước giải quyết cuộc nổi loạn tại Địch Hoá (Urumqi) cho thấy chính quyền trung ương Bắc Kinh không đánh giá thấp cuộc nổi dậy này. Có lẽ đây là cuộc nổi loạn gây tổn thất về nhân mạng lớn nhất tại Tân Cương từ trước đến nay: gần 200 người bị thiệt mạng.
Tại sao có nhiều người chết như thế? Tại sao phải dùng vũ lực để dẹp loạn ? Câu trả lời là Vương Lạc Tuyền (Nur Bekri). Chính ông là người ra lệnh dùng vũ lực để dẹp loạn, xui giục người Hán truy lùng người Uighur và xử án nặng nề những người bị bắt. Hồ Cẩm Đào đã vội vàng về nước là để ngăn không cho Vương Lạc Tuyền tiếp tục lộng hành nữa.
Theo thông lệ, một tỉnh trưởng được chỉ định cai quản một tỉnh lớn trong vài năm rồi bị thuyên chuyển đi nơi khác, nhường chỗ cho người mới. Vương Lạc Tuyền, 64 tuổi, thì lại khác, ông được chỉ định làm bí thư tỉnh uỷ Tân Cương từ năm 1995 và vẫn còn tiếp tục cầm quyền cho tới nay. Có thể nói Tân Cương là vương quốc riêng của Vương Lạc Tuyền, vì tại đây ông đã tạo cho mình ngôi vị một lãnh chúa không dễ dàng bị Bắc Kinh đánh đổ.
Là người gốc Sơn Đông, vùng bờ biển phía đông, Vương Lạc Tuyền được đưa lên làm quyền tỉnh trưởng Tân Cương năm 1991, sau đó được Giang Trạch Dân đưa lên làm bí thư tinh năm 1995. Từ sau ngày đó, Vương Lạc Tuyền kêu gọi những đồng hương gốc Sơn Đông đến giúp sức và ban phát cho những chức vụ cao cấp và béo bở tại tỉnh này. Lo sợ nạn sứ quân, Hồ Cẩm Đào đã tổ chức hạ bệ Vương Lạc Tuyền trong đại hội đảng năm 2008 nhưng không thành vì Vương Lạc Tuyền đã cao tay ấn tuyên bố đã phát hiện được một căn cứ quân khủng bố Uighur trên cao nguyên Pamir, cả đại hội liền bỏ phiếu ủng hộ Vương Lạc Tuyền tiếp tục giữ chức vụ tỉnh trưởng kiêm bí thư Tân Cương. Vị lãnh chúa này còn những ngày vinh quang trước mắt vì tàn quân Taliban bị đánh đuổi khỏi Pakistan và Afghanistan, đang tìm cách xâm nhập vào vùng Turkistan phương đông để lập căn cứ. Người có khả năng đẩy lùi quân khủng bố này là Vương Lạc Tuyền vì đa số các tướng lãnh trong tỉnh Tân Cương là người gốc Sơn Đông, đồng hương với ông, đang nắm giữ những chức vụ quân sự và kinh tế trọng yếu.
Vấn đề của Bắc Kinh hiện nay không phải là Vương Lạc Tuyền tiếp tục cầm quyền tại Tân Cương vô thời hạn mà là sự lạm dụng quyền hành. Bắc Kinh sẽ làm gì nếu Vương Lạc Tuyền không tuân lệnh trung ương và kêu gọi những tỉnh khác kết hợp với mình để chống lại trung ương ? Yếu tố này có nguy cơ trở thành hiện thực vì hiện nay các tỉnh lục địa rất bất mãn với trung ương vì không được nâng đỡ như các tỉnh duyên hải. Một nguy cơ khác là sự tranh giành ảnh hưởng giữa Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân chưa có dấu hiệu chấm dứt, phần lớn những cấp lãnh đạo miền Nam và miền Tây đều là thân tín của Giang Trạch Dân. Ngày nào Thượng Hải không chấp nhận sự áp đặt của Bắc Kinh, lãnh thổ Trung Quốc chắc chắn sẽ tách ra làm hai và ăn thua đủ với nhau.

Nguyễn Minh
(Tokyo)
© Thông Luận 2009

---------------------------------------

TQ hành quyết tù nhân Tân Cương (BBC)

Chín người đã bị hành quyết về vụ bạo động ở Tân Cương (RFA)




No comments: