Monday, November 23, 2009

AI SẼ LÀ TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CSVN KHOÁ 11 ?

Ai sẽ là Tổng Bí Thư - Đảng CSVN Khóa 11?
Nguyễn Vũ Trần Lê
Đăng ngày 22-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1704/1/Ai-s-la-Tng-Bi-Th---ng-CSVN-Khoa-11/Page1.html
Chỉ còn hơn một năm nữa, đại hội ĐCSVN lần thứ 11 sẽ họp, Tổng Bí Thư mới sẽ được bầu. Toàn đảng quan tâm đã đành, toàn dân Việt cũng đang tìm hiểu và đặt câu hỏi: Ai sẽ là TBT tương lai? Người này có khá hơn TBT tiền nhiệm không?
Trên diễn đàn mạng xuất hiện một số bài viết như gợi ý, cung cấp những tư liệu để trả lời câu hỏi mà dư luận đang quan tâm. Xem ra, đây có thể là một loại thăm dò ’’không chính thức’’. Chúng ta sẽ cùng thử tìm hiểu về 3 khuôn mặt nổi trội trên chính trường VN ở thời điểm này :

I - Ứng Cử Viên thứ nhất (ƯCV): Uỷ Viên Bộ Chính Trị (UVBCT) - Thường trực Ban Bí Thư – Trương Tấn Sang (TTS) - người miền Nam, sinh 21.11.1949.

Hiện tại, ông TTS đang có cương vị như Phó TBT thứ nhất. Nhưng trên mặt bằng uy tín, dư luận, ông không biểu hiện nổi trội qua việc làm cụ thể nhằm khẳng định vai trò, vị trí của mình.
Trong vấn đề hoạch định chính sách kinh tế khi VN hội nhập với thế giới, vai trò Trưởng ban kinh tế TƯ của ông càng mờ nhạt. Việc bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lấn của TQ, TTS hoàn toàn không thấy có chủ kiến, quan điểm thể hiện rõ rệt...
Vấn đề Bauxite Tây Nguyên - xét thuần túy trên bình diện kinh tế - ông Sang đã từng là Trưởng ban kinh tế trung ương - lại… im lặng . Dù vậy , một số người vẫn cho rằng: Theo tiền lệ - vị trí TBT tương lai sẽ thuộc về TTS.

2 – ƯCV Thứ 2: UV BCT - Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, người miền Nam, sinh 17.11.1949.
Thông qua quá trình điều hành guồng máy hành pháp mấy năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra năng nổ, xông xáo hơn hẳn cựu TT Phan Văn Khải nhiệm kì trước. Thế nhưng, dư luận trên chính trường VN, vẫn cảm thấy ông thiếu bản lĩnh cần có của một Thủ Tướng đứng đầu một nước Việt Nam thời đại mới nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc tổng khủng hoảng trầm trọng, thể hiện trên các mặt: Tổ chức guồng máy chính phủ chưa tương thích với nhiệm vụ được giao thông qua kết qủa hoạt động của các bộ chủ quản… hầu như không chống được tham nhũng… để cho những tập đoàn kinh tế quốc doanh làm ăn thua lỗ, tiêu phí rất nhiều tiền của ngân khố không thu hồi được v.v...
Trầm trọng nhất : Cho TQ tiến hành khai thác Bauxite ở Tây Nguyên bất kể phản đối của các chuyên gia kinh tế - văn hóa - xã hội, các nhà khoa học và quân sự. Trí thức Việt Nam - những người có trình độ, có lương tri - quan tâm đến vận mệnh tổ quốc, đều phản đối ’’chủ trương lớn của đảng và nhà nước…’’ - đặt câu hỏi: Vì sao trong vai trò Thủ Tướng - người có quyền quyết định cuối cùng lại gật đầu cho phép một Tổng gíam đốc tự tung tự tác làm cái việc nguy hại tới an ninh lãnh thổ (lẽ ra phải là cấp phó của ông chỉ đạo, bộ chủ quản - đảm trách). Dự án này sẽ hủy hoại môi sinh – môi trường một vùng đất rộng lớn của tổ quốc, bán rẻ tài nguyên thô - ngược với nghị quyết của đại hội ĐCSVN trước đó. Trong khi, dưới quyền TT, có nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - quân sự uy tín, tài năng, có một bộ tham mưu hùng hậu, và song hành còn có cả Quốc Hội ’’cơ quan quyền lực cao nhất’, đã bắt đầu ý thức được vai trò của mình trước quốc dân đồng bào. Thủ Tướng cũng ’’tự tung, tự tác’’, không thực thi Hiến pháp, không hỏi, tham khảo ý kiến các chuyên gia, không theo trình tự xin ý kiến Quốc Hội, cân nhắc kĩ trước khi cho tiến hành dự án to lớn, quan trọng này?

Ở đây sẽ có 3 khả năng để đánh gía:
A – Có thể trình độ ông NTD ’’kém’’ . Thực sự không có đảm lược của một Thủ tướng VN thời hiện đại nên, trước vấn đề tối quan trọng của đất nước, lúng túng rồi ’’gật bừa’’, làm theo ý các quân sư ’’quạt mo’’ mà dư luận ồn lên, (phía đối tác cũng mập mờ ’’đe’’)… đã ’’mua’’ đám cố vấn này, dùng làm ’’tay trong’’ để giành quyền khai thác Bauxite Tây Nguyên - bằng mọi gía!.
B – Ông không ’’kém’’, ngược lại nhìn thấu vấn đề đằng sau ’’chủ trương…’’ này. Nhưng, ông phải làm theo vì TBT ĐCSVN đã trót kí - hứa với TBT ĐCSTQ - rồi.
Để giữ mặt cho Sếp, đồng thời cũng là giữ ’’an toàn’’ cho mình (nếu phản đối sẽ có hậu quả xấu…), ông buộc phải ’’nể’’ : Nhắm mắt, làm ngơ trước an nguy của đất nước, thiệt hại lợi ích của nhân dân. Vì mục đích - quyền lợi cá nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ’’đành’’ im lặng - ’’hùa’’ theo (…)!
C – Ông không ’’kém’’, cũng không ‚’’nể’’ ai!
Ngược lại, cố tình chịu ’’lép’’, đùn tất cả trách nhiệm cho đảng, khiến TBT phải họp BCT, ra nghị quyết để hợp thức hóa chủ trương cho TQ khai thác BXTN, bỏ mặc, buông xuôi để các đoàn quân ’’lao động’’ TQ ùn ùn kéo đến Tây Nguyên mở công trường khai thác Bauxit, trong khi trên nguyên tắc: Các bộ liên quan phải quản lí, gíam sát, cấp giấy phép cho công dân Trung Quốc vào lao động trên đất Việt Nam.
Gỉa dụ: Mai sau - dăm bẩy chục năm nữa - con cháu ta lục lại hồ sơ ’’tính sổ với cha ông’’ vì Tây nguyên bị tàn phá, môi sinh, mội trường văn hóa vật thể và phi vật thể - bị hủy hoại, đất nước lại bị ’’Phong Kiến Đỏ’’ - Trung Hoa ’’tái’’ đô hộ, TBT Đảng CSVN và BCT, BCHTƯ Đảng khóa 10 phải gánh trách nhiệm trước lịch sử dân tộc. TT Nguyễn Tấn Dũng vẫn bằng chân như vại, thực hiện phương châm: ’’Ngậm miệng (không đấu tranh) – ăn tiền’’.
Điều này thể hiện: Khi dư luận từ trong đến ngoài ồn lên biết TQ vào khai thác Bauxite Tây nguyên, Thủ Tướng vội trấn an dư luận: ’’Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước’’. Tuồng như hễ chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn luôn tuyệt đối đúng, bất di bất dịch, cho dù thực tế nó xâm phạm an ninh quốc gia, đi ngược quyền lợi, lợi ích của dân tộc Việt Nam!
Hệ thống tổ chức của ĐCS có nguyên tắc: Đảng lãnh đạo - ’’Nhân dân làm chủ’’ – Cá nhân phụ trách. Câu tuyên bố của NTD - được báo chí nhắc lại (như trên) - hàm nghĩa, ẩn chứa: Chủ trương này là của tập thể Đảng, của BCT, chứ không phải do ông (TT chính phủ) - quyết định.
Dù biện minh thế nào, Thủ Tướng đã không làm tròn bổn phận, trách nhiệm được tổ quốc, nhân dân - giao phó.
Ông còn bộc lộ cái ’’Tâm’’ không trong sáng, cái ’’Tầm’’ không xứng với tư cách của một chính khách đứng đầu guồng máy điều hành đất nước: Ngày 7.5.2009 NTD đến thăm vị Tổng Tư Lệnh đã đánh thắng Điện Biên Phủ, làm chấn động địa cầu hồi 55 năm trước - giờ đã 99 tuổi (sinh 25.8.1911 – 7.5.2009). Sau những lời chúc tụng xã giao, ông đã nói với Đại Tường Võ Nguyên Giáp: ’’Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của đại tướng về dự án Bauxite Tây Nguyên’’.
Vậy mà, chỉ 2 ngày sau – 9.5.2009, khi xuống Hải Phòng tiếp xúc với cử tri, NTD phủ định ngay ’’lời vàng’’ của chính mình: “…đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bô-xít trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên” - trong khi ông chưa hề ’’nghiên cứu’’, ’’tiếp thu ý kiến’’ gì của Đại tướng - như đã hứa 2 hôm trước !
Nhân dân trong - ngoài nước đều biết: ĐT VNG là vị khai quốc công thần của triều đại XHCN Việt Nam, duy nhất còn sống tới ngày hôm nay. Ông là bậc trưởng thượng, như Cha – Bác , xứng đáng là người Thầy tôn kính của NTD.
Thế mà - Người đứng đầu chính phủ của đất nước có gần 90 triệu dân, miệng đầy ’’Gang – Thép’’ lại dối ’’cha, ’’lừa’’ thầy! Hỏi như vậy, có đúng cương vị của một ’’Tứ trụ triều đình’’ - không? Liệu có hợp lẽ trời, hợp truyền thống, đạo nghĩa của dân tộc Việt - không?
’’Thượng’’ như thế, chả trách nào ’’Hạ’’ chẳng... ’’tắc loạn’’?
TT NTD bộc lộ quá nhiều khuyết điểm, sai lầm trong thời gian tại vị vừa qua. Các đảng viên, các đại biểu của đại hội 11 – khó có thể đưa NTD vào vị trí TBT khoá 11, trái lạị - còn có khả năng làm lung lay vị trí TT nhiệm kì tái đắc cử của ông nữa! .

3 – UCV thứ 3 - UV BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương - Hồ Đức Việt, sinh 13.8.1947 - người xứ Nghệ - miền Trung.
Ông là con của liệt sĩ - cố Phó Bí Thư Tỉnh ủy Nghệ an - Hồ Mỹ Xuyên, cháu nội nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu - người được cụ Hồ Chí Minh gọi là Chú…
Nhìn vào bản trích ngang (Wikipedia - dẫn) thấy rõ đây là một trí thức có đẳng cấp quốc tế, có thực tài, (đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ ở Tiệp Khắc - thời đó gọi là Phó tiến sĩ) rồi về nước giảng dậy ở trường ĐH Tổng hợp – Hà Nội.
Trên bước đường rèn luyện, ông Việt đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác để trau dồi kinh nghiệm: Tiến sĩ Toán – Lý, Gíảng dậy đại học, chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội, Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN, Bí thư Tỉnh Ủy, Bí thư thành đoàn rồi Bí thư TƯ đoàn (Lại cả lãnh đạo Liên đoàn bóng đá VN), cuối cùng là Bí thư TƯ đảng, UVBCT - TBTC trung ương.
Khác với 2 ứng cử viên ’’vô tư’’ kia, Hồ Đức Việt đưa ra chương trình tranh cử’’ngầm’’ bằng một cao chiêu: Cho một tỉnh đảng bộ thí điểm bầu bí thư tỉnh ủy trực tiếp. Đây là việc làm… ’’vô tiền’’ (nhưng chưa biết có… ’’khoáng hậu ?’’ ). Theo nguyên tắc điều lệ đảng: Các chi bộ đảng cơ sở mở đại hội thường kì bầu BCH mới, bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên. BCH mới bầu chi ủy rồi chi ủy bầu bí thư.
Ở đại hội đảng cấp trên, cũng diễn ra tương tự: Bầu Ban chấp hành, BCH bầu Thường vụ (địa phương) hoặc Ban Bí Thư, Bộ chính trị (trung ương). Sau đó các thường vụ, BCT tự bầu Bí Thư, Tổng Bí Thư. Bầu cử trực tiếp bí thư là cho toàn bộ các đại biểu dự đại hội bầu (không phải thường vụ bầu như trước). Cách thức bầu cử này hoàn toàn mới, tuy đang thí điểm!…
Tung chiêu ’’bầu cử thí điểm’’ - HĐV ’’ngầm’’ nói với dư luận, toàn đảng, toàn dân : ’’Nếu tôi là TBT, tôi sẽ cho thực hiện dân chủ như mô hình bầu cử của các nước dân chủ phát triển’’, mặc dù đây chưa có gì bảo đảm thể thức bầu cử này sẽ được thực hiện trên diện rộng.
Trong không khí cả dân tộc khát khao, thèm muốn nền dân chủ thực thụ, ’’cương lĩnh tranh cử’’ của TBTC trung ương Hồ Đức Việt quả thật thu hút được sự chú ý của dư luận.

Nhưng - thế lực bảo thủ, thân TQ - có bầu cho HĐV chức TBT ĐCSVN (…), có cho ông làm như vậy không?
- Khó đấy!
Dù vậy, đảng viên - quần chúng mong, tin rằng với xu thế của thời đại, ý đồ của ƯCV Hồ Đức Việt cũmg có khả năng thực hiện được!

Tuy nhiên - từ hiện tượng này, chúng ta nhớ lại: Cách đây gần 20 năm (tháng 3 năm 1990), Ông Trần Xuân Bách lúc đó cũng là Ủy viên BCT, Bí thư TƯ Đảng khoá 6, ứng cử viên sáng gía chức TBT khoá 7 - khi truyền bá tư tưởng đổi mới Đảng, cần thực hiện triệt để dân chủ [1]… Thời điểm đó Liên Xô – hệ thống XHCN đông Âu đang ’’hấp hối’’ rồi xụp đổ. TXB liền bị phái bảo thủ trong TƯ, cho họp hội nghị BCHTƯ 8, kỉ luật, truất chức UV BCT, khai trừ ông khỏi Đảng CSVN…
Tất nhiên, bây giờ không phải là năm 1990! Hi vọng thế hệ lãnh đạo mới sẽ khác thế hệ lãnh đạo 20 năm trước. Thời thế đã thay đổi, hiện tượng TXB sẽ không lặp lại !…
Theo kinh nghiệm đã được nhân loại kiểm chứng: Trên chính trường – dù thể chế cộng sản hay chế độ dân chủ - đa nguyên, những chính khách khi tranh cử thường nói rất hay, chương trình tranh cử rất… rất… tuyệt vời. Nhưng sau khi yên vị, họ không thực hiện điều đã nói, đã hứa. Có thể Ứng Cử Viên TBT - Hồ Đức Việt cũng không ngoại lệ. Hôm nay ông ’’ngầm nói’’, làm vậy (thí điểm) chỉ nhằm lấy lòng người bỏ phiếu. Nhưng sau khi nhậm chức, có thể ông cũng sẽ ’’quên’’, hoặc ’’bị ép’’ quên - không tiếp tục nhân rộng – nghĩa là tiến hành nền dân chủ thực sự, sâu rộng, phổ quát trong đời sống chính trị của đất nước !
Nhìn vào tư thế, khả năng của cả 3 ƯCV TBT, dư luận tin cậy, gửi gắm nhiều hơn chính là ƯCV Hồ Đức Việt, đã kinh qua nhiều lĩnh vực, nhiều chức vụ công tác, đi từ thấp đến cao, từ Tự nhiên – đến Xã hội và Tư duy. Vừa làm công tác khoa học, làm tổ chức, làm chính trị bao gồm cả lí luận và thực tiễn ! Hi vọng nếu ông trúng cử TBT khóa 11, sẽ lèo lái con thuyền, đưa đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng toàn diện - trầm trọng mà trước hết: Giải tỏa được hoàn cảnh đang nhức nhối cả dân tộc như thi sĩ Trần Mạnh Hảo đã viết: ’’Mất Trường Sa, Hoàng Sa/ Rồng Việt Nam không còn chỗ núp/ Không còn lối ra. Tổ quốc như bị giam trong ngục…’’.
Điều quan trọng nhất: Tổ quốc Việt Nam phải an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. ’’Nước mà mất - Nhà ắt tan’’. Công cuộc bảo vệ tổ quốc trước họa xâm lược của ngoại bang - phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các đại hội đảng CSVN rồi sau đó phải được đưa vào nhật kí làm việc hàng ngày của TBT. Việc bảo vệ tổ quốc liên quan đến hiện đại hóa quân đội trong thời đại mới bằng huấn luyện, trang bị khí tài mới. Một số hiện tượng diễn ra trong thời gian qua như: Không có lực lượng Hải quân cần thiết để bảo vệ biển - đảo. Không quân lạc hậu, cũ kĩ (máy bay rơi liên tục) - chứng tỏ Đảng và chính phủ VN coi nhẹ việc phòng thủ giữ an ninh lãnh thổ suốt 35 năm qua, bây giờ hậu qủa đã đến rồi.
Dư luận đang ồn lên: Kì họp quốc hội này - không biết cái ủy ban nào, ông nghị gật - lẩm cẩm nào lại định đưa ra thông qua dự luật thành lập Dân quân biển. Vậy thì Quân đội nhân dân Việt Nam tồn tại làm gì? Hay bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh thoái thác trách nhiệm, đùn cho ’’dân quân biển’’ ra làm bia đỡ dạn của hạm đội hùng hậu của TQ? TT NTD có suy nghĩ, có biết chuyện này, có thương con dân của ’’ngài Tứ trụ’’ - đang sắp gánh chịu tai họa không?
Hào quang của quá khứ vẫn còn lẩn quất trong tư duy của các thế hệ lãnh đạo. Tệ hơn nữa: Hoàn toàn mất cảnh gíac – tê liệt ý chi chiến đấu chống quân xâm lược – (có ý kiến cho là ’’hèn nhát’’)!…
Vấn đề độc đảng, có nhiều ý kiến phản biện, cho rằng: Việt Nam không nhất thiết phải có chế độ Đa nguyên. Đứng đầu kiến giải này là cố Thủ Tường Võ Văn Kiệt. Ông cho rằng: VN lấy việc xây dựng – phát triển đất nước của Singapore (chỉ có một chính đảng lãnh đạo) - làm mô hình để áp dụng.
Tốt thôi!
Nhưng Singapor có một nền dân chủ phát triển cao, có một chính phủ trong sáng, lương thiện, nhân dân thực sự làm chủ đất nước. Nhờ đó Singapore phát triển nhanh, bền vững, là nước duy nhất trong ASEAN có thu nhập GDP cao nhất, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc ấm no, đất nước văn minh, hiện đại...
Đảng CSVN muốn tồn tại trên cương vị độc đảng, muốn được như Singapore - điều đầu tiên phải làm: Thực hiện dân chủ triệt để, sâu rộng, phổ quát trong đời sống chính trị của đất nước, tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh tổng lực của dân tộc Việt.

Nhân dân VN muốn nền chính trị cùng bộ máy điều hành quốc gia, cần phải có nhiều đảng phái - chỉ với mục đích loại bỏ sự độc tài, kiềm chế các hành động (của các cá nhân, đảng phái) làm phương hại tới quyền lợi, bước tiến của quốc gia, tạo ra môi trường tốt, thuân lợi để đưa đất nước tiến lên. Vạn bất đắc dĩ - Nếu vẫn chỉ có 1 đảng mà thực hiện được 2 tiêu chí, phất cao được 2 ngọn cờ:
- Bảo vệ tổ quốc khỏi họa xâm lược của ngoại bang.
- Xây dựng tổ quốc hùng mạnh, nhân dân được hưởng các gía trị dân chủ - tự do – bình đẳng bác ái – (thực chứ không phải gỉa hiệu) - cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sánh ngang hàng với các nước láng giềng trong khu vực. Được vậy, tất nhiên nhân dân cũng sẽ chấp nhận mô hình thử nghiệm này!
Tiếc thay - đến giờ, sau mấy chục năm thể nghiệm, niềm mơ ước thiêng liêng ấy, dân tộc Việt Nam vẫn chưa thỏa nguyện! Đã thống nhất đất nước gần 35 năm nhưng vì hẹp hòi, hết thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ kế tiếp khác, ĐCSVN khư khư giữ vai trò độc tôn, độc đảng, bám lấy cái phao ’’xẹp’’ XHCN, nên để đất nước dậm chân tại chỗ khiến nước vẫn cứ nghèo, dân vẫn cứ khổ, dẫn đến khả năng phòng thủ đất nước yếu. Cộng với tinh thần bạc nhược của một số ít người lãnh đạo, ngoại bang nắm được ’’cán - tử huyệt’’, chạy đua vũ trang, quay sang chèn ép rồi xâm lấn đất - biển, lãnh thổ, VN cứ lùi, ép đến chân tường mà không chịu phản kháng, chống lại.

Nhân dân Việt Nam hơn ai hết mong muốn hoà bình. Không muốn – và cũng không có khả năng - gây hấn với các nước láng giềng, nhưng ’’Láng giềng hữu nghị’’ (16 chữ vàng), ’’Láng giềng tốt’’ (4 tốt) - cứ ’’dẵm’’ lên đầu chúng ta để qua đó thực hiện mưu thâm - kế độc cổ điển ’’Mượn đường diệt Quắc’’ [2] chúng ta đâu thể chịu được! Dù không muốn, cũng đành phải cầm lại súng chiến đấu - như đảng CSVN thường dẫn câu nói nổi tiếng của nữ tướng Nguyễn Thị Định trong thời ’’chống Mĩ cứu nước’’ - Còn cái lai quần cũng đánh !
Chúng ta có lịch sử chống ngoại xâm từ nghìn năm trước. Không phải bây giờ TQ mới mạnh. Một nghìn năm trước, tương quan lực lượng họ còn mạnh hơn ta nhiều lần, nhưng họ không thể đồng hóa được dân tộc ta, biến VN thành quận huyện của họ.
Bây giờ, tương quan lực lượng giữa chúng ta và TQ không hơn kém nhau bao nhiêu, nếu không muốn nói chúng ta hơn hẳn kinh nghiệm chiến đấu chống ngoại xâm, tinh thần chiến đấu của nhân dân ta quả cảm, anh hùng, chúng ta có chính nghĩa! ’’Con bò - bành trướng’’ sẽ bị ’’cắt lưỡi’’ nếu nó cứ liếm cỏ trên bãi cỏ của người láng giềng hiền lành nhưng kiên định.
Việc trước tiên cần làm là: Củng cố quốc phòng, hiện đại hóa quân đội. Dù có lại phải ’’Thắt lưng buộc bụng’’ lần nữa để chống xâm lược Tầu, như ĐCSVN đã dùng khẩu hiệu này trong cuộc chiến chống ’’Xâm Lược Mỹ’’ - nhân dân VN cũng quyết hi sinh, chịu gian khổ để bảo vệ tổ quốc! (Tất nhiên không chấp nhân làm ’’dân quân biển’’ để lấp… biển khơi)!

Nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ chiến thắng trước mọi âm mưu, hành động xâm lược của bất cứ kẻ thù ngoại bang nào. Đó không phải là lời khoa trương, lên gân, mà đã được lịch sử, thời gian - kiểm chứng!
Thế hệ lãnh đạo hôm nay có dũng khí, có tin vào sức mạnh dân tộc để thực hiện mục đích: Bảo vệ an ninh toàn vẹn lãnh thổ và Xây dựng tổ quốc VN giầu mạnh - không?
Đó là mấu chốt quyết định sự thành bại, trong sự tồn vong của gần 90 triệu dân Việt ! Đó cũng là yêu cầu của lịch sử, của tổ quốc Việt Nam đối với một TBT chân chính của ĐCSVN khoá 11 tương lai!
Có một câu ca dao đã nói lên tinh thần này:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong [3].

--------------------------------------------
[1] - Luận điểm cơ bản về dân chủ của ông Trần Xuân Bách đưa ra hồi 1990, đã khiến ông bị khai trừ khỏi đảng CSVN:’’…Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại...’’ (dẫn lại theo Wikipedia.)[2] – Mượn đường diệt QUẮC (Mượn đường nước Ngu - tiêu diệt nước Quắc) - trở thành thành ngữ để chỉ những vụ lừa dối kẻ cả tin, nhẹ dạ, tham lam... đi đến mất cảnh gíac rồi nhận thất bại thảm hại. (Xin xem trích đoạn hồi 25 trong pho sách được mệnh danh là Túi khôn của nhân loại - Đông Chu Liệt Quốc - dưới đây sẽ hiểu rõ hơn bản chất của những đầu lĩnh Bành trướng Trung Hoa…)[3] - Có ý kiến cho rằng, đây là 2 câu thơ của Thi sĩ Thanh Tịnh.


---------------------------

Bài đọc để tham khảo:


MƯỢN ĐƯỜNG DIỆT QUẮC
(Lược trích - ĐCLQ Hồi 25)
’’…
Có nước Ngu và nước Quắc, hai nước giáp với Tấn, thường liên kết đem quân quấy nhiểu Tấn. Đã vậy, chúa nước Quắc là Xú - một người có tính kiêu ngạo - dùng nhiều lời lẽ rất vô lễ khinh miệt nước Tấn. Vua nước Tấn là Tấn hiến công cả giận, muốn đưa quân sang đánh nước Quắc, bèn hỏi quan Đại phu Tấn triều là Tuân tức: Ta có nên đánh nước Quắc chăng ?
Tuân tức nói : Quắc và Ngu hai nước giao hữu nhau. Ta đánh Quắc thì Ngu tất cứu còn đánh Ngu thì Quắc tất cứu . Vậy một nước địch với hai, tôi e khó thắng.
Tấn hiến công : Nếu vậy ta cứ để cho hai nước Ngu, Quắc quấy rối mãi sao ?
Tuân tức thưa : Tôi đẵ nghe, biết vua nước Quắc là người háo sắc, vậy Chúa công lựa những gái đẹp trong nước, dạy nghề múa hát, đàn hay, cho ăn mặc đẹp - đem hiến cho vua Quắc mà giảng hoà. Hễ vua Quắc được gái đẹp ắt say mê, bỏ bê triều chính, chừng đó ta đem lễ vật lo lót cho vua Khuyển Nhung, nhờ vua Khuyển Nhung cử binh sang đánh. Liệu chừng binh nước Quắc đã yếu, ta mới đem binh sang chinh phạt .
Tấn hiến công y lời đem bộ nữ nhạc mình yêu qúy, dâng cho vua nước Quắc. Đưọc qùa biếu, Quắc vương thu nhận ngay, mừng rỡ vô cùng. Thấy vậy, quan Đại phu Chu nhi kiều, can : Đó là cái lưỡi câu của nước Tấn muốn ’’câu’’ nước ta đó, xin Chúa công chớ thấy thế mà mừng.
Quắc vương không nghe, nhất định giảng hoà với Tấn, rồi đem đoàn nữ nhạc về nước.
Từ đó, Quắc vương ngày đêm say đắm tửu sắc, không còn thiết đến việc triều chính nữa. Chẳng bao lâu sau, quân Khuyển Nhung cũng nhận lễ vật của nước Tần, y hẹn - đem binh sang quấy nhiễu nước Quắc . Tuy nhiên, quân Khuyển Nhung đánh không lại, phải bỏ chạy về nước.
Vua nước Khuyển Nhung nổi giận, lại cử đại binh sang đánh Quắc lần nữa. Nước Quắc cũng không nhịn, hai bên dàn quân, lập trận ở đất Tang Điền, quyết tranh thắng phụ.
Việc đến tai vua nước Tấn, Tấn hiến công hỏi Tuân tức : Ngày nay nước Quắc và nước Khuyển đang đánh nhau ta có nên đem binh đánh nước Quắc không ?
Tuân tức trầm tĩnh thưa : Tôi có một kế, có thể lấy được cả hai nước Ngu và Quắc.
Tấn hiến công lại hỏi : Kế gì ?
Tuân tức : Ngu và Quắc hai nước giao hữu nhau. Nay ta đem lễ vật lo lót cho nước Ngu, mượn đường sang đánh Quắc. Hễ nước Ngu nhận lễ vật cho mượn đường thì sẽ không sang cứu Quắc. Mà Ngu không cứu, Quắc ắt mất. Lúc đã lấy Quắc rồi thì Ngu muốn lấy lúc nào chẳng được.
Tấn hiến Công hỏi : Kế ấy rất hay song nước ta mới giảng hoà với nước Quắc , nay lấy cớ gì gây chiến để cho nước Ngu - tin.
Tuân tức giải thích : Giữ hoà hiếu thật khó , chứ gây xích mích có khó chi. Nay Chúa công mật sai một số người sang biên giới nước Quắc quấy rối , thế nào nước Quắc cũng nổi giận trách móc. Ta thừa dịp ấy làm duyên có cớ - nói chuyện với Ngu vương...
Tấn hiến công cho thực hiện y kế . Quả nhiên nước Quắc cho người sang trách, hai bên nẩy sinh bất hoà. Tấn hiến công lại hỏi Tuân tức : Nay phải đem lễ vật gì dâng cho Ngu vương để có cớ mượn đường ?
Tuân tức : Việc nầy rất quan trọng ! Nước ngu và Quắc lâu nay giao hữu , nếu không dâng báu vật , khó làm cho nước Ngu chấp thuận. Xin Chúa công hãy hy sinh vài món quý của mình.
Tấn hiến công : Ý định nhà ngươi thế nào, cứ nói cho ta nghe thử .
Tuân tức : Vua nước Ngu thích nhất là ngọc quí và ngựa quí. Nay Chúa công có ngọc Thuỳ cúc và ngựa Khuất sản, xin đem hai món ấy dâng cho vua nước Ngu, tất phải thành công .
Tấn hiến Công ngần ngừ : Hai thứ ấy là hai bảo vật quí giá của ta, lẽ nào lại đem dâng cho nó.
Tuân tức : Mượn đường đánh nước Quắc là việc lớn, nếu Chúa công không dứt bỏ chút ít quyền lợi riêng thì sao thành công được. Vả lại hễ mượn đường được thì Ngu và Quắc ắt về tay ta, thì ngọc và ngựa có mất đi đâu mà sợ. Chẳng qua chỉ gởi tạm cho người khác giử một thời gian nào đó thôi !
Tấn hiến Công còn đang do dự, quan Đại phu Lý Khắc tham gia : Nước Ngu có hai người tôi hiền là Cung chi kỳ và Bá lý hề . Hai người ấy thông minh hiểu rộng, chắc gì đã để cho vua Ngu nhận lễ vật ?
Tuân tức trấn an : Vua nước Ngu là người tham lam , dầu có tôi hiền can gián, vị tất đã nghe.
Tấn hiến công nghe Tuân tức, đem ngọc bích và ngựa giao cho ông ta rồi cử đích thân Tuân tức mang bảo vật sang dâng cho vua Ngu thực hiện kế ’’mượn đường diệt Quắc’’.
Thoạt đầu vua nước Ngu nghe sứ nước Tần sang mượn đường đánh Quắc thì nổi giận la hét om sòm. Nhưng đến lúc thấy ngọc tốt và ngựa quí lại đổi giận làm vui, hỏi sứ thần: Ðó là những vật chí bảo của nước ngươi, cớ sao lại chịu đem dâng cho ta ?
Tuân tức giải thích : Chúa công tôi mến lòng của hiền hầu, nên mới đem những vật ấy mà dâng, nếu được hiền hầu thu nhận thì Chúa công tôi không còn gì sung sướng bằng.
Vua nước Ngu hỏi : Thế thì quí quốc muốn yêu cầu ta điều chi ?
Tuân tức, tiếp : Người nước Quắc thường sang quấy nhiễu bờ cõi nước tôi . Chúa công tôi muốn dân chúng hai nước yên vui, đã nhiều phen hòa giải , thế mà nước Quắc lại sinh sự lôi thôi. Nay Chúa công tôi muốn mượn đường quí quốc để sang đánh Quắc. Hễ đánh được Quắc, bao nhiêu tiền cuả lấy được, xin hiến cho quí quốc để cùng với quí quốc giao hảo.
Vua nước Ngu - bản chất tham lam - nên khi nhận được quà tặng rất mừng vui. Quan đại phu Cung chi kỳ bước ra, can : Chúa công chớ nên nghe ! Xưa nay sở dĩ nước Tấn không dám quấy rối nước ta là vì nước ta giao hảo với nước Quắc, hai nước bảo vệ lẫn nhau. Nay để mất nước Quắc , nước Ngu sẽ mất theo.
Ngu vương gạt phắt : Vua Tấn không tiếc đồ chí bảo đem đến dâng cho ta, lẽ nào ta tiếc một lối đi nhỏ hẹp mà không thuận, vả lại thế lực nước Tấn mạnh hơn nước Quắc nhiều. Mất lòng nước Quắc mà được lòng nước Tấn thì hại gì ? Thôi, các ngươi chớ bàn bạc nhiều lời.
Cung chi Kỳ toan nói nữa nhưng thấy Bá lý hề nháy nhó nên thôi, cúi đầu lui ra . Lúc bãi triều, Cung chi Kỳ hỏi Bá lý hề : Việc như vậy sao ngài không cùng tôi can vua, lại nháy nhỏ không cho tôi nói?
Bá lý hề lắc đầu : Tôi thiết tưởng đem lời nói phải mà nói với người ngu chẳng khác nào đem ngọc vãi ra đường cái. Ngày xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ can cũng chỉ vì hai người ấy cố tình can gián.
Nếu ngài không chịu nghe lời tôi ắt nguy đến tánh mạng .
Cung chi Kỳ : Thế thì đành để nước Ngu bị mất hay sao ?
Bá lý hề ngậm ngùi : Thà kẻ ngu chịu mất nước đã đành , còn người hiền không thể để cho kẻ ngu hại mạng.
Cung chi Kỳ : Nếu vậy chúng ta đi nơi khác còn hơn, chứ ở đây phỏng ích gì ?
Bá lý hề : Ngài đi là phải, nhưng rủ thêm một người nữa cùng đi là có tội . Vậy cứ để tôi ở lại đây.
Cung chi Kỳ đem cả gia quyến ra đi. Không ai biết đi đâu.
Còn Tuân tức trở về nói với Tấn hiến công : Vua nước Ngu đã nhận ngọc bích và ngựa để cho ta mượn đường rồi.
Tấn hiến công mừng rỡ, toan thân chinh cử binh sang đánh Quắc ngay . Tướng Lý khắc, can: Nước Quắc lấy dễ như trở bàn tay cần gì Chúa công phải thân chinh cho mệt.
Tấn hiến công hỏi : Nhà ngươi có kế gì sao ?
Lý khắc trình bầy : Nước Quắc tuy đóng đô ở Hướng Dương, nhưng Hạ Dương là nơi hiểm địa. Lấy được Hạ Dương tức là đã lấy được nước Quắc rồi. Dẫu tôi hèn mạt xin đảm đương cái việc nhỏ nhặt đó cho đại vương, nếu đánh không thắng tôi xin chịu tội.
Tấn hiến Công liền phong Lý Khắc làm chủ tướng, Tuân tức làm phó tướng, đem quân qua nước Ngu mở đường đánh Quắc .
Trước ngày kéo binh đến, Lý khắc tin cho vua nước Ngu.
Ngu vương ra đón tiếp long trọng, nói : Quí quốc đem đồ quí bảo đến cho tôi, ơn ấy không lấy gì đền đáp . Nay tôi xin đem binh theo giúp sức.
Tuân tức từ chối : Hiền hầu đem binh theo giúp đâu bằng cho chúng tôi lấy đất Hạ dương .
Vua nước Ngu khó hiểu : Hạ dương là đất của nước Quắc do người nước Quắc chiếm giữ , tôi làm cách nào ’’cho’’ được ?
Tuân tức nói : Vua nước Quắc đang chiến tranh với Khuyễn nhung ở đất Tang điền, chưa phân thắng bại. Nếu hiền hầu giả đem binh đến giúp nước Quắc, rồi để cho quân nước Tấn tôi trà trộn, khi vào được thành rồi sẽ lấy Hạ dương, thì thuận lợi vô cùng.
Ngu vương nghe lời, giả cách đem quân sang giúp nước Quắc . Quan trấn thủ đất Hạ Dương là Chi chu Kiều mở cửa thành cho quân nước Ngu vào.
Quân Tấn sau khi qua khỏi cửa thành y kế quay lại đánh chiếm thành Hạ dương, Chu chi kiều sợ vua nước Quắc bắt tội, phải xin đầu hàng nước Tấn.
Lý Khắc và Tuân tức thừa thế kéo quân thẳng đến lấy Thượng Dương. Vua nước Quắc đang ở đất Tang điền, hay tin Thượng dương bị vây lập tức kéo quân về cứu. Quân Khuyễn nhung thừa thế rượt theo đánh đuổi, quân Quắc thiệt hại nặng....
Khi về đến Thượng Dương, vua nước Quắc luống cuống không biết làm cách nào nữa, đành phải đóng cửa thành cố thủ. Chẳng bao lâu, lương thực hết, quân sĩ đói khát, tình trạng rất nguy ngập. Biết không thế giữ thành được nữa, vua Quắc dẫn cả gia quyến bỏ trốn, sang nhà Chu lánh nạn.
Tuân tức và Lý khắc kéo binh vào thành chiêu an bá tánh, vơ vét kho tàng, bảo vật đem biếu cho vua Ngu.
Vua Ngu lòng mừng khôn xiết.
Kế đó, Tuân tức một mặt cho người về nước báo tin cho Tấn hiến công biết, một mặt giả bệnh, kéo quân sang đóng trên thành nước Ngu lấy lí do nhờ dưỡng bệnh.
Vua nước Ngu ngỡ thật, tin, cứ thĩnh thoáng sang thăm viếng . Một tháng sau có tin Tấn hiến công kéo binh đến.
Ngu vương ngạc nhiên, hỏi Tuân tức : Chẳng hay Tấn hầu đem binh đến đây có việc gì ?
Tuân tức : Chúa công tôi sợ chưa đánh nổi nước Quắc nên đem binh sang cứu viện.
Ngu vương : Ta đã có ý muốn hội kiến với Tấn hầu nhưng chua có dịp, nay Tấn hầu lại đến đây thì may mắn lắm !
Nói xong vội vàng đem quân ra nghênh tiếp.
Tấn hiến Công rất đẹp lòng. Hai vua ân cần tâm sự… Tấn hiến công tỏ ý mời vua Ngu đi săn bắn nơi núi Cơ sơn.
Ngu vương muốn nhân cơ hội ấy phô diển binh lực của mình nên đem cả đoàn quân giáp sĩ trong thành đi theo .Vừa đến núi Cơ sơn thì nghe tin trong thành nước Ngu phát hỏa . Tấn hiến công gỉa bộ bình tĩnh trấn an tướng sĩ : Chắc là dân chúng vô ý, gây lửa cháy, chẳng bao lâu rồi cũng dập tắt được, có chi mà sợ.
Quan Ðại phu nước Ngu là Bá lý Hề mật tâu với Ngu vương: Tôi nghe tin trong thành có biến, xin Chúa công phải về ngay mới được.
Vua Ngu nghe theo, vội vã xin phép Tấn hiến Công trở về. Nhưng về được nữa đường đã thấy dân trong thành bồng bế nhau chạy ra, kêu khóc như ri. Vua Ngu thất kinh, hỏi : Tại sao thế ? Dân chúng thưa : Quân nước Tấn đã chiếm mất Ðô thành rồi.
Vua Ngu nổi giận, kéo quân thẳng về Thành đô. Vừa đền nơi thấy một viên tướng nước Tấn, đứng trên mặt thành nói lớn: Ngày trước hiền hầu cho nước ta mượn đường, thì nay cho nước ta, mượn thành để đóng quân xin hiền hầu chớ buồn !
Vua Ngu cả giận, xua quân phá thành. Bên trong nổi lên một hồi trống, tức thì trên thành tên bắn xuống như mưa.
Vua Ngu vội vã lui quân. Bỗng có quân Tấn hiến Công kéo đến đánh tập hậu, quân Ngu thiệt hại rất nặng. Vua Ngu ngước mặt lên trời than : Bởi ta không nghe lời can gián của Cung chi Kỳ nên ngày nay phải mất nước .
Nói xong, ngoảnh lại thầy Bá lý hề đứng đằng sau, Ngu vương trách: Sao trước đây ngươi không chịu can gián ta ?
Bá lý hề : Chúa công đã không nghe lời Cung chi kỳ thì có khi nào lại nghe lời tôi ? Tôi không can là ý muốn lưu lại cái thân nầy để theo hầu Chúa công lúc hoạn nạn…’’

Lời bàn của Mao Tôn Cứng
(hậu duệ nghìn đời của Mao Tôn Cương):
Bài học của ba nước NGU - QUẮC - TẤN xẩy ra hơn hai nghìn năm trưóc, thời Đông Chu Liệt Quốc bên Trung Hoa - đã được các thế hệ Đại Hán áp dụng nhiều lần. Tuy mưu cổ, xưa, vẫn được đám đầu lĩnh’’bành trướng’’ xử dụng ở mọi thời đạị, vùng miền, cổ kim, đông tây – thành công. Giờ, dường như đang tiềp tục lặp lại trên nước ’’Đại Vệ chí dị’’ – của Người (Lái)…buôn gío ?!
Nều đúng như vậy thì: Ô hô!... Ai tai - cho ’’Đại vệ’’ - rồi!



No comments: