Tuesday, November 3, 2009

20 NAM BỨC TƯỜNG Ô NHỤC SỤP ĐỔ

20 năm: Bức tường ô nhục sập đổ
Bùi Tín viết riêng cho VOA
03/11/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-03-voa27.cfm
Thế giới có những ngày lịch sử lớn, khó quên. Đó là những ngày hiếm hoi của cả loài người - khi một ngày biến đổi bằng 20 năm, khi vận mệnh các dân tộc thay đổi hẳn, không còn như trước nữa. Cuộc sống của mỗi con người trên hành tinh do đó cũng thay đổi, kẻ ít người nhiều.

Ngày 9-11-1989 là một ngày như thế.

Có thể nói chưa có một ngày nào quan trọng hơn, gây chấn động sâu và rộng hơn trên thế giới, còn ảnh hưởng đến cuộc sống trên hành tinh của chúng ta cho đến hôm nay.

Đó là
ngày Bức tường Berlin sập đổ tan tành. Bức tường ô nhục, Bức màn thép ngăn đôi thành phố Berlin, ngăn đôi nước Đức, ngăn đôi Châu Âu, chia đôi thế giới thành 2 phe đối lập Dân chủ và Cộng sản.

Vài ngày nữa là kỷ niệm tròn 20 năm ngày Lịch sử 9-11-1989 - 9-11-2009.

Thủ đô Berlin, cả nước Cộng hoà Liên bang Đức Thống nhất, cả châu Âu đang náo nức cùng thế giới chuẩn bị kỷ niệm xứng đáng, sôi nổi và sâu sắc ngày Lịch sử cực lớn này.

Thủ đô Berlin trang hoàng lộng lẫy, nhà cửa quét vôi và sơn mới, trồng hoa, treo cờ đón những cuộc tập họp quần chúng lớn, còn dự định chào đón hơn 30 vạn khách khắp nơi đổ đến. 8,000 khách sạn lớn nhỏ đã có khách đặt chỗ từ 4 tháng nay. Dự kiến sẽ có 2 vạn nhà báo viết, báo nói, báo ảnh, báo truyền hình từ 5 châu đổ đến.

Những chính khách lớn, từng tham gia tích cực vào việc làm đổ sập bức tường Berlin nhân dịp này đã có mặt sớm nhất, như cựu thủ tướng Helmut Kohn, cựu tổng thống Bush - Cha, cựu tổng thống Gorbachov...

Nhiều cuộc hội luận quốc tế về Bức tường Berlin, sự thành hình và 28 năm tồn tại của nó, quá trình sụp đổ tất yếu của nó, những bài học lịch sử rút ra cho nhân loại...sẽ được tiến hành.

Tại Berlin sẽ có cuộc trình diễn lại, tham quan trên một phần thực địa về sự hình thành của bức tường, những bi kịch và tội ác nó gây nên, quá trình sập đổ của nó, những bước tiến sau thống nhất của nước Đức mới.

Trên vô tuyến truyền hình các nước châu Âu, từ một tuần nay đã có chiếu lại nhiều đoạn phim lịch sử, kể từ khi có cuộc chiến tranh lạnh sau khi cuộc thế chiến II kết thúc, qua việc dựng lên bức tường từ đêm 12 rạng 13-8-1961, 4 đợt kiện toàn, hiện đại hoá bức tường dài 155 km, từ dây thép gai, tường xây xi-măng cốt sắt, đến hàng rào điện và điện tử, bãi mìn cá nhân, mìn chống tăng, rồi đến từng mảng tường cao 3m4 kiên cố chôn sâu, "vĩnh cửu"(!), vừa kiện toàn cho vĩnh cửu thì... an tành.

Bức tường có 302 trạm canh, đường đi tuần tra, với 1,000 con chó được huấn luyện kỹ, có 12,500 quân biên phòng, 1,000 mật vụ, cảnh sát, quân cảnh, trang bị nhiều súng máy, 48 súng cối, 48 đại bác, 114 súng phun lửa, 567 xe bọc thép, 156 xe tăng...ngày đêm bảo vệ cẩn mật...

Có nhiều điều mới mẻ được công bố, như tổng cộng có 1,135 người bị bắn chết khi vượt tường, trong đó có 1/3 là phụ nữ và trẻ em; có 75,000 người bị giam trung bình 2 năm tù vì đã có ý định và hành động từ bỏ Đông Berlin sang phía Tây...

Bức tường đi qua nhiều địa hình phức tạp, cắt đôi 193 đường phố, qua nhiều sông hồ, có những vùng hoang vu lau sậy rộng, nhiều chim cò, bồ nông, én, cả chó sói và sóc, những vùng cấm, đầy mìn và hệ thống báo động.

Nhân dịp này, công luận được biết thêm có nhiếu cuộc trốn chạy ly kỳ từ Đông sang Tây Berlin, như sinh viên, thanh niên kiên trì đào đường hầm dài 6 km luồn dưới chân tường, hàng chục người đi thoát trước khi bị lộ; như có cả binh sỹ biên phòng, công an biên phòng bỏ chạy; có người buộc nối chăn lại để từ tầng gác 8 tụt xuống đất sang bên kia tường đang xây dựng; rồi dùng xe ô tô, xe tải ẩn dấu người vượt qua cửa kiểm soát...; hoặc dùng cả tàu lượn thể thao để chạy bằng đường không, nằm dưới gầm toa tàu điện để thoát (như ông Phan Phúc Vinh hiện ở Berlin)..

Nhân dịp này, nhà văn nữ Đức Ines Veith cho ra cuốn truyện " Một bức tường giữa những cuộc đời", kể lại câu chuyện cảm động có hậu của bà Juth Gallus năm 1982 bị tù 2 năm do định trốn sang Tây Berlin cùng 2 con gái 9 và 11 tuổi. Sau khi ra tù bà "được" trục xuất sang Tây Berlin, nhưng 2 con bị giữ lại bên Đông. Bà đấu tranh quyết liệt, yêu cầu Giáo Hoàng can thiệp, cuối cùng cuối năm 1988 họ buộc phải trả 2 con bà sang Tây Berlin để đoàn tụ.

Các báo ở Pháp nhân dịp này mở nhiều chuyên mục lý thú, như mời bạn đọc nào từng chứng kiến và chụp ảnh bức tường Berlin khi tồn tại hay khi sụp đổ thì gửi cho tòa soạn, ảnh đẹp có ý nghĩa sẽ được chọn đăng và có thưởng.

Báo Libération (Pháp) mở mục hỏi rằng: sáng 9-11-1989 bạn đang ở đâu? bạn được tin này lúc nào, bằng cách nào, cảm tưởng lúc ấy và lúc này, 20 năm sau, của bạn.

Xin hẹn các bạn, ngày 9-11 tới, sẽ có nhiều chuyện để nói về Ngày kỷ niệm Lịch sử độc đáo này.


No comments: