Thứ Sáu, 03/27/2020 - 18:35 — VietTuSaiGon
Bước vào năm 2020, biến cố đầu tiên khiến tôi mất ngủ
mấy đêm liền là rạng sáng ngày 9 tháng 1, không hiểu sao do linh cảm hay một thứ
gì đó thôi thúc, tôi không ngủ được, dậy bật máy, vào facebook, ngay lúc đó,
trang tin chính xuất hiện video-clip phát trực tiếp của facebooker Nguyễn Thị
Tâm, cảnh nhập nhoạng, chớp lóe, nổ đì đùng. Giọng người phụ nữ trong video đầy
hoảng hốt “Chúng đã tấn công Đồng Tâm rồi!...”. Và sau đó là cái chết của cụ Lê
Đình Kình cũng như hàng loạt vụ bắt bớ, đánh đập và trấn áp man rợ…
Nhưng sâu xa hơn, có lẽ chúng tôi bị bất an từ khi dịch
tả lợn châu Phi hoành hành vào nửa cuối năm 2019, cả nước nóng lên vì dịch, nhiều
quốc gia khu vực cũng nóng lên vì dịch nhưng ngành quản lý thị trường Việt Nam
không có bất kì động thái nào để ngăn ngừa tình trạng thịt lợn không kiểm định
tràn ra thị trường. Hiếm hoi lắm mới thấy công an kinh tế xuất hiện ở một số chợ
Sài Gòn và con số khống chế rất nhỏ so với thực tế.
Nỗi bất an càng trở nên kinh khủng hơn khi chúng tôi
bắt đầu theo dõi thông tin dịch cúm Vũ Hán, có nhiều người chết nhưng khách
Trung Quốc vẫn có mặt khắp mọi thành phố Việt Nam.
Giao Thừa Tết Nguyên Đán 2020 cũng khá đặc biệt,
chưa bao giờ pháo hoa nhiều đến thế, khắp mọi nơi, pháo hoa nổ rực trời. Trong
phút giây ấy, tự dưng tôi lại nghĩ tới Tết Mậu Thân 1968 và thấy một thứ gì đó
chẳng bình yên.
Dạo một vòng đón giao thừa, lạ, năm nay xuất hiện rất
nhiều đường quê thắp nến. Người ta cắm những ngọn nến hai bên vệ cỏ lề đường rồi
đốt lên thành những dãy ánh sáng ở các ngõ quê nhìn rất thơ mộng. Nhưng không
hiểu sao, lúc ấy tôi lại liên tưởng đến những nghĩa trang bên đường từ Sài Gòn
về Vũng Tàu, hằng cuối tuần, người ta cũng thắp nến như vậy.
Và pháo hoa giao thừa nổ khắp mọi nơi khiến tôi thấy
những chùm ánh sáng của nó có gì đó tua tủa, giống hình của con virus chết chóc
kia rồi tự hỏi có phải mình đang đi trên mặt đất quê nhà hay là đang nằm chiêm
bao? Vì mọi thứ diễn ra trước mắt đó nhưng có cái gì đó cứ ảo ảo, không thật?!
Thế rồi cái gì đến cũng phải đến, Việt Nam có những
ca nhiễm dịch đầu tiên gồm người Việt và khách du lịch Trung Quốc, Việt Nam có
xã đầu tiên cách ly ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau đó hai tuần thì Chính phủ Việt Nam chuẩn bị ra
thông báo đã dập được dịch hoàn toàn, chuẩn bị mở cửa mọi hoạt động trở lại thì
xuất hiện ca thứ 17. Mọi chuyện trở nên rối rắm, trong vòng chưa đầy hai tuần
sau ca 17, liên tục các ca nhiễm Covid_19 được phát hiện và con số đã vượt 100.
Nhưng theo một nguồn tin của người bạn làm trong ngành y tế cộng đồng tại Việt
Nam thì con số đã vượt 200 nhưng vì lý do an ninh và chính trị, Chính phủ không
muốn mọi chuyện trở nên không kiểm soát được. Hiện tại, con số tuyên bố trong
vài ngày tới sẽ cố gắng không để chạm ngưỡng 1000 và với đà bùng nổ hiện tại,
con số sẽ rất khó để nói là dưới 2000. Việc giảm con số công bố bây giờ là cần
thiết…!
Tình trạng nhiễm chéo, nhiễm vết dầu loang Covid_19
tại Việt Nam đã bắt đầu bùng phát, Chính phủ có lệnh từ đóng cửa toàn bộ các
hàng quán, dịch vụ trên toàn quốc. Đây cũng là bước đầu của việc cách ly trên
diện rộng.
Điều khiến chúng tôi thấy lo sợ không phải là dịch
mà là thái độ của cả người dân và chính quyền địa phương trước nạn dịch. Những
đoàn xe vận động, tuyên truyền kêu gọi mọi người ở trong nhà để phòng chống
Covid_19 chạy ngang các khu chợ đầu làng rất khó khăn vì phải giảm tốc độ để
tránh người.
Trong khi đó, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang,
Huế và những thành phố khác đã thực hiện triệt để lệnh của Chính phủ, dường như
người ta đã biết sợ sau những gì xảy ra. Tuy nhiên, cũng ngay tại các thành phố
này, có một số người vẫn ngồi với nhau, không cho ngồi quá 20 người thì người
ta ngồi 19 người trở xuống.
Ngay cả những cán bộ đầu ngành vẫn không tuân thủ lệnh
của Chính phủ, một người bạn làm trong ngành xổ số kiến thiết đã trải lòng với
tôi rằng ông cảm thấy công ty chỗ ông làm việc là cái ổ có thể bùng phát dịch bất
kì giờ nào. Vì mọi nhân viên đều tuân thủ phòng dịch nhưng các sếp thì tự cho họ
cái quyền không đeo khẩu trang, thậm chí không cần xịt cồn khô trước khi làm thứ
gì đó theo qui định.
Nếu như trong các tình huống khác, việc dựa dẫm công
thần, tình trạng cậy quyền thế, ghế ngồi để cho mình một thứ đặc quyền nào đó để
khác người thì hậu quả cao nhất nếu có chết người thì cũng chỉ chết bản thân
người đó và những người liên quan có chủ ý. Còn với tình trạng bệnh dịch hiện tại,
bất kì sự chểnh mảng, cẩu thả nào cũng có thể dẫn đến nguy hiểm cho rất nhiều
người, không ngoại trừ chết người hàng loạt.
Bài học xương máu đang bày ra trước mắt, ngay cả những
quốc gia siêu cường, những quốc gia có nền y học vào bậc nhất địa cầu này vẫn
phải loay hoay, lúng túng, thậm chí thúc thủ trước nạn dịch bùng phát và con số
người chết vẫn cứ tăng đều. Nhưng hầu hết cán bộ địa phương tại Việt Nam đều rất
coi thường dịch bệnh, mọi hoạt động phòng chống của họ đều rất ầu ơ, thụ động
chờ lệnh của Chính phủ và khi có lệnh thì lại vác loa ra đường kêu gọi, cờ xí,
kèn trống khua inh ỏi nhưng sau đó, có thể mọi người cùng kéo ra quán, khi
Chính Phủ có lệnh cấm quán thì kéo về một gia đình nào đó trong nhóm để ăn nhậu,
hát karaoke mừng ngày làm việc “thành công rực rỡ”.
Tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy mọi thứ rất mong
manh, dễ vỡ. Mặc dù Việt Nam đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh để theo dõi,
lần ra manh mối từng người có liên quan đến những ca dương tính Covid_19 để
cách ly, và lại tiếp tục tìm những người từng tiếp xúc với các F1, F2 này để
cách ly… Quân đội cũng vào cuộc, làm việc với công suất cao. Nhưng liệu điều
này có thể khắc phục được tình huống xấu nhất có thể xảy ra bất kì giờ nào?!
Bởi bù vào đó, giới cán bộ địa phương lại rất ầu ơ, hình
như họ đã quen với hô khẩu hiệu nên khi có lệnh bên trên thì họ lại mang khẩu
hiệu, cờ xí, loa kèn ra để kêu gọi, hô hào. Xong thì lại về cất mọi thứ vào
kho. Thứ họ quan tâm nhất khi vận động tuyên truyền không hẳn là hiệu ứng của lời
kêu gọi mà là chi phí nhận được, từ tiền công đến tiền xăng dầu, tiền điện, phí
bồi dưỡng tăng ca… Bằng chứng của vấn đề này là xe chính quyền địa phương
phải lạng lách, đi chậm như rùa khi ngang qua các khu chợ đầu làng và ở các khu
chợ này, hầu như không thấy ai đeo khẩu trang. Còn cán bộ thì vẫn cứ ăn chơi
đàn đúm, không biết vài ngày tới sẽ như thế nào chứ cho đến bây giờ, mức độ ăn
chơi, nhậu nhẹt của họ chưa hề giảm.
Một người bạn học cùng lớp với tôi thời đại học, hiện
nay đang làm chức vụ Phó Bí thư huyện ủy của một huyện ở miền Trung Việt Nam đã
chua chát đưa ra nhận định: “Đừng vội mừng khi thấy Việt Nam có ít ca nhiễm và
chưa có ca chết. Tình trạng vỡ đê có thể diễn ra bất kì giờ nào. Mà vỡ một phát
thì cuốn tất tần tật đó! Thấy các ông cẩu thả mình sợ quá!”.
Cách ví von dịch bệnh với bờ đê sắp bị vỡ của người
bạn cán bộ khiến tôi rùng mình. Bởi lẽ, không có cách ví von nào chính xác và
sinh động hơn cách này. Vì chống dịch không phải là trách nhiệm độc quyền của
nhà nước, chính phủ. Thế nhưng trước lúc tôi ngồi gõ những dòng chữ này chưa đầy
nửa tháng, tôi từng đến một số khu chợ và chợ đầu làng để hỏi bà con sao không
đeo khẩu trang và khuyên họ đeo, có người nói thật lòng, đầy nghiêm trọng với
tôi rằng “… dịch là ở bên Trung Quốc, nói cẩn thận chứ không thì bị công an bắt
đó…!”.
Phải nói rằng đại bộ phận người dân Việt Nam rất sợ
chính phủ, sợ công an, sợ nhiều thứ liên quan đến chính trị. Nhưng hình như họ
không sợ dịch hoặc hiểu biết của họ về dịch rất thấp, họ chỉ chờ mọi thứ ở
thông tin nhà nước. Đương nhiên là thông tin nhà nước bao giờ cũng rất chậm so
với thực tế, bởi nó qua cái lưới lọc tuyên giáo.
Và đương nhiên, việc chống dịch ở Việt Nam có một lợi
thế rất lớn, đó là yếu tố quyết liệt từ phía nhà nước và chính phủ cũng như sự
tuân thủ vô điều kiện của người dân vào nhà nước và chính phủ vì họ rất sợ công
an, sợ nhà nước. Nhưng, sự tuân thủ vì sợ chứ không phải vì hiểu biết là một
con dao hai lưỡi.
Tập tính sợ hãi nhà cầm quyền của đại bộ phận người
dân cũng như thói quen sống trác táng, lộng quyền và cẩu thả của rất đông quan
chức địa phương sẽ là những cái lỗ mối lớn trên thân đê chống dịch và nó có thể
gây vỡ đê bất kì giờ nào!
No comments:
Post a Comment