Hai điều thú vị có thể quan sát thấy trong đợt chống
dịch Covid-19 lần này đó là: (1) sự công khai minh bạch thông tin; (2) tính chịu
trách nhiệm giải trình của chính quyền.
Trong lần chống dịch này, thông tin từ phía chính
quyền đưa ra có thể nói là kịp thời và công khai minh bạch (ở mức người dân cảm
thấy có thể tin được, nhất là sau sự kiện bệnh nhân số 17).
Cùng với sự công khai là việc chịu trách nhiệm giải
trình kịp thời mọi biến cố, khúc mắc xảy ra. Cho đến nay, trong mọi biến cố,
người ta luôn có thể tìm thấy ngay những cái tên, những con người đứng ra phát
ngôn, chịu trách nhiệm và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời.
Cho đến thời điểm này, có thể nói chính quyền đã làm
tốt việc chống dịch, tốt theo cả nghĩa những sai lầm đã được kịp thời tiếp nhận,
sửa chữa hoặc ít nhất là không để bị lún sâu thêm vào lỗi sai. Có được điều
này, cũng là nhờ vào sự công khai và dám chịu trách nhiệm giải trình của chính
quyền.
Ở trên tôi cố tình dùng từ “chính quyền”, chứ không
phải “chính phủ”, vì tôi không rõ vai trò của các cơ quan đảng, bộ chính trị,
ban bí thư, trong thời gian chống dịch vừa qua thực sự như thế nào.
Bây giờ, nếu giả thiết tạm bỏ hết đi các cơ quan đảng,
thì rõ ràng qua đợt chống dịch Covid-19 lần này, chúng ta đã có một ví dụ minh
họa sống động cho một chính phủ hoạt động linh hoạt và hiệu quả (ít nhiều tuân
theo các quy tắc quản trị hiện đại, mà biểu hiện rõ ràng là ở tính công khai và
tính chịu trách nhiệm giải trình).
Để lèo lái một đất nước, trong hoàn cảnh bình thường
hay khi xảy ra các biến cố bất thường, nước ta hay bất cứ nước nào khác, kỳ thực
chỉ cần một bộ máy chính phủ gọn nhẹ, hoạt động như cách mà bộ máy chính phủ của
ta đã hoạt động từ đầu đợt chống dịch đến giờ.
Nhưng hãy nhớ, ở trên chỉ là giả thiết, là lý thuyết
suông. Bởi vì, cuối cùng thì chúng ta vẫn phải quay về với thực tế.
Thực tế là bên cạnh một bộ máy chính phủ, chúng ta vẫn
phải còng lưng gánh một bộ máy các cơ quan đảng, và kéo lê thêm một hệ thống
các hội, đoàn.
Đó không chỉ là những khúc ruột thừa vô dụng, đó là
những khối viêm, những khối u ác tính. Chúng không chỉ ăn bám, không chỉ ăn tàn
phá hại, chúng còn đích thực là những con quỷ, những con ma-cà-rồng quái ác,
tha hóa, hủy hoại, làm cho kiệt quệ bất cứ cơ thể nào chúng chạm tới.
Thực tế là đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, nhưng khi đó
chúng ta sẽ có một nền kinh tế kiệt quệ với hàng loạt các doanh nghiệp từ chết
đến trọng thương. Chúng ta sẽ có hàng nghìn, hàng triệu người thiếu hay mất việc
làm. Chúng ta sẽ có hàng loạt các vấn nạn xã hội cần giải quyết.
Nhưng, chính phủ lúc đó có lẽ chỉ còn biết bó tay đứng
nhìn, hoặc đưa ra những lời hô hào suông, bởi vì nguồn lực có đâu? Ngân sách
năm nào cũng thâm hụt vì chi thường xuyên quá lớn. Bao nhiêu của cải vật chất
quốc dân đổ mồ hôi xương máu làm ra, đem đi cung phụng hết cho những khúc
ruột thừa, cho những khối viêm, khối u ác tính hết rồi còn đâu?
No comments:
Post a Comment