30/03/2020
Vào ngày 23 tháng Ba, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (NNNQ),
tức Mẹ Nấm, viết một bài trên trang Facebook của mình, với tựa “Cuộc tranh
luận về thuốc điều trị sốt rét sẽ đi đến đâu?”. Trong bài này, NNNQ bày
tỏ sự quan tâm khi một số người Việt, trong cũng như ngoài Việt Nam, xem thuốc
điều trị sốt rét có thể chữa Covid-19. NNNQ biện luận rằng cần phải tìm hiểu kỹ
lưỡng vì tác hại của thuốc này là rất lớn. Bài viết gây nhiều tranh cãi và thu
hút được sự quan tâm của nhiều người. Cho đến lúc viết bài này (28 tháng Ba)
thì đã có 697 người thích, 992 còm, và 745 chia sẻ (share).
Xin mở ngoặc một chút ở đây. Tôi không biết NNNQ.
Nhưng tôi có dịp xem phim Mẹ Vắng Nhà do VOICE thực hiện. Tôi đã viết
một bài về đề tài này. Chưa đầy ba tháng sau bài này, nghe tin NNNQ được
trả tự do và đang trên đường bay sang Mỹ vào
ngày 17 tháng 10 năm 2018, tôi rất mừng cho NNNQ, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, và
hai con của cô. Tôi luôn cảm phục tinh thần dấn thân, quyết tâm và can trường của
những người như NNNQ. Không phải ai cũng làm được. Đó là một cái giá đắt phải
trả, không chỉ riêng NNNQ mà còn bao nhiêu người khác. Mẹ cô và hai con cô
không có tội tình gì mà cũng bị liên lụy. Điều đó rất bất công. Chỉ có một xã hội
cộng sản và độc tài mới đối xử công dân của mình như thế! (*)
Trở lại status của NNNQ về đề tài thuốc sốt rét, thì
lý do tại sao nó gây nhiều tranh cãi gây gắt đến thế?
Hẳn nhiên có rất nhiều lý do mà người ta ủng hộ hoặc
chống đối status này. Nhưng tôi xin tóm gọn vào ba điều sau đây, theo nhận xét
riêng của tôi: đụng chạm đến ông Trump, đến một số người Việt tại Mỹ, và vì có
những nhận xét hơi vội vàng.
Mẹ Nấm và TT Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, 7 tháng
11, 2019. (Hình: Facebook Nguyen Ngoc Nhu Quynh)
Một, là vì đụng chạm đến Tổng thống Donald Trump. Hiện tại có một số người ủng
hộ ông Trump một cách cuồng nhiệt, và sẵn sàng phản ứng một cách nhiệt thành, đối
với những ai phê bình chỉ trích ông. Đi xa hơn, đã có người thực hiện một
thỉnh nguyện thư yêu cầu trục xuất NNNQ vì cô đã phê bình tổng thống,
nói ông không giữ lời hứa và hay quên v.v… Cho đến nay (thời điểm viết bài này)
đã có hơn 10 ngàn người ký thỉnh nguyện thư này. Cho dù có đến 100 ngàn chữ ký trong vòng 30 ngày đi
nữa, thỉnh nguyện có được cứu xét không, và kết quả ra sao, là chuyện khác.
Công tâm mà nói thì những điều NNNQ bày tỏ trong các status vừa qua, tuy có phần
phê bình tổng thống Mỹ, nhưng không phải là chủ đích chính của cô.
Chúng ta cần hiểu rằng NNNQ bị tù tội tại Việt Nam,
bị kết án 10 năm tù, vì dám lên tiếng chống lại một chế độ độc tài với cả một hệ
thống quyền lực trấn áp bằng mọi thủ đoạn đê hèn nhất. Vâng, NNNQ đã từng xác
nhận những gì mình làm là sai lầm; nhưng bao nhiêu người can trường khác, Việt
hay không Việt, đứng trước các thủ đoạn khủng bố trấn áp, có sự chọn lựa nào tốt
hơn đâu. Kẻ vi phạm ở đây không phải là NNNQ mà là toàn hệ thống cai trị sai
trái của ĐCSVN. Còn khi NNNQ được sống trong một xứ sở tự do, hiển nhiên cô
không có gì để sợ, và sẽ không khuất phục trước những ngôn từ thiếu lễ độ hay
những lời hăm dọa. Cho nên những phản ứng của cô, dù đúng hay sai, dù khó nghe
và mất lòng, cho thấy rằng trước sau cô chỉ muốn được sống một cách tự do để
bày tỏ các ý kiến của mình.
Hai, là vì đụng chạm đến một số người Việt tại Mỹ. NNNQ, vì vô tình hay cố ý,
đã thiếu sự cân nhắc trong ngôn từ sử dụng, nên đã tạo nhiều hiểu lầm trong các
bài của cô. Các điều này đã đụng chạm đến một số người Việt đang sống tại Mỹ.
Chẳng hạn, trong status này, NNNQ dùng những từ những câu như sau:
“Từ bao giờ chữ "lãnh đạo" được dành để ám
chỉ duy nhất một mình ông Trump vậy!?
Và từ bao giờ mà nước Mỹ, nơi tôn trọng các ý kiến
khác biệt lại có quy định về lãnh tụ như vậy!?”; và
“Các anh chị ở Mỹ, status này tôi viết là dành cho
các anh chị, các anh chị nên nhớ sự tôn trọng ý kiến khác biệt và tự do báo chí
là hai giá trị đặc thù của Hoa Kỳ. Nó làm nên sự khác biệt của nước Mỹ.”; và
“Nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ,
Thiếu khẩu trang y tế, thiếu bộ xét nghiệm, tổng thống
kêu nhân viên sử dụng lại khẩu trang, có khác gì Vũ Hán không!?
Không khác gì cả các anh chị ạ! Và đây là đại dịch,
chưa có nhiều kiến thức về virus thì chúng ta dù ở đâu cũng phải vật lộn với nó
hết, cho nên dù ở quốc gia nào, lời khuyên của tôi vẫn là hãy theo dõi lắng
nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế, thay vì nghe lời lãnh đạo.”
Có người đồng quan điểm với NNNQ, và có người không,
được thể hiện rõ trong các “còm.” Dù đồng ý hay không, những điều NNNQ là quan
điểm cá nhân của NNNQ, trong một cộng đồng Việt Nam nhỏ, trong một diễn đàn
truyền thông điện tử nhỏ hơn nữa. Nên sẽ không có tác động nào đến Nhà Trắng
hay toàn nước Mỹ.
Nhưng tôi hiểu rằng NNNQ đã đụng chạm đến một số người
Việt tại Mỹ.
Có người nghĩ nước Mỹ đã cưu mang cô, sao cô lại
“vong ơn bạc nghĩa”, chẳng hạn. Nhưng NNNQ khẳng định phê bình ông Trump, hay
nói nước Mỹ không vĩ đại, chẳng hạn, là thể hiện quyền tự do ngôn luận của cô.
NNNQ cho rằng nước Mỹ là nước Mỹ, một nước đa nguyên, trong đó ông Trump là tổng
thống. Cô cũng khẳng định không theo đảng phái nào, chỉ nói lên quan tâm của
mình trước hiện tình đại dịch chung.
Điều chúng ta cần nhớ ở đây là NNNQ chỉ đến Mỹ gần
1,5 năm qua, nên cô nhìn nước Mỹ chắc chắn khác với những người đã sống lâu,
trong đó có người từng sống trên 20, 30 hoặc ngay cả 40 năm. Sự gắn bó với nước
Mỹ của mỗi người mỗi khác. Có thể NNNQ xem Mỹ là nước tạm dung, mà một ngày nào
đó cô sẽ về lại Việt Nam chăng! Tôi không biết. Dù sao đây là phạm trù tình cảm
và gắn bó có tính cách cá nhân. Tranh luận về điều này sẽ không đi đến đâu cả,
và chỉ gây thêm chia rẽ. Những người xem nước Mỹ vĩ đại sẽ cảm thấy bị tổn
thương bởi lời nói trên của NNNQ. Ngược lại, áp đặt tình cảm riêng tư của mình
lên người khác, lên NNNQ chẳng hạn, là điều không nên.
Ngoài ra, khi dùng ngôn từ như ‘các anh chị’ trong
“Các anh chị ở Mỹ, status này tôi viết là dành cho các anh chị…”, phải chăng
NNNQ muốn nói với toàn người Việt tại Mỹ? Nếu như thế thì phải chăng NNNQ cho rằng
người Việt tại Mỹ quên, hay không biết, rằng “sự tôn trọng ý kiến khác biệt và
tự do báo chí là hai giá trị đặc thù của Hoa Kỳ?” v.v… (Xin mở ngoặc ở đây để
chia sẻ rằng nếu nghĩ tôn trọng ý kiến khác biệt và tự do báo chí là đặc thù của
Mỹ, như NNNQ trình bày, thì không đúng, bởi đó cũng là điều kiện chung của các
nền dân chủ cấp tiến khắp nơi, không riêng gì Mỹ.) Còn nếu NNNQ chỉ muốn nói với
một thiểu số người nào đó, thì nên tìm các từ ngữ thích hợp để người đọc biết
cô đang ám chỉ ai một cách rõ ràng. Một số status khác của NNNQ cũng dễ rơi vào
trường hợp mà người khác đọc xong có thể hiểu lầm rằng cô cố tình vơ đũa cả nắm,
mà thật ra chưa hẳn NNNQ đã có ý như thế.
Ba, là vì NNNQ đã đưa ra những nhận xét có lẽ hơi vội vàng hoặc thiếu cân nhắc.
Chẳng hạn, cũng từ các trích dẫn ở status trên, thì tôi có vài chia sẻ như sau.
Tôi đồng ý rằng trong lúc này cần phải lắng nghe lời
khuyên của chuyên gia y tế, chứ không nên nghe lãnh đạo chính trị trong các vấn
đề chuyên về y tế. Ở Úc này, khi đụng đến lĩnh vực y tế, thì Thủ tướng Scott
Morrison nhường lời liền cho Tổng Viên Y Tế (Chief Medical Officer) Brendan Murphy trong
các cuộc họp báo liên quan đến Covid-19. Ông Trump thì khác. Chưa đợi ý kiến
chính thức từ giới chuyên gia y tế, ông dám xác định thuốc trị sốt rét
hydroxychloroquine và azithromycin cùng nhau có thể chữa trị được Covid-19.
Trong khi đó bác sĩ Anthony
Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm, không ủng hộ
điều này và khẳng
định rằng “Công việc của tôi là sau cùng phải chứng minh mà không nghi
ngờ gì rằng một loại thuốc không chỉ an toàn mà còn có tác dụng.”
Nhưng việc làm sạch và dùng lại khẩu trang, thì ông
Trump nói chung chung, không rõ ông ám chỉ khẩu trang loại nào. Có loại tái sử
dụng được, chứ không phải không. Chính bác sĩ Anthony Fauci cũng không
hoàn toàn bác bỏ ý kiến này. Tất nhiên nếu có đủ hoặc dư thừa thì không
cần bàn làm gì. Nhưng trong lúc thiếu thốn thì phải biết tiết kiệm. Mà thời đại
hiện nay là thời đại của tái sử dụng, tái chế, trong đó có lý do tốt cho môi
trường. Tuy nhiên làm sạch lại khẩu trang có bảo đảm được an toàn y tế hay
không là chuyện cần phải thử nghiệm kỹ lưỡng, điều mà chưa có câu trả lời chắc
chắn hiện nay.
Vì vậy nên phải
tránh đi vào các cuộc tranh luận ai đúng ai sai về khẩu trang hay thuốc men chữa
trị Covid-19 cho đến khi được các cơ quan thẩm quyền xác định hoặc quyết định. Đó cũng là điều mà cô NNNQ tìm cách chia sẻ trên trang Facebook của
mình. Đó là ý tốt của NNNQ. Tuy nhiên, trong lúc tranh luận, và nhu cầu phải
bênh vực quan điểm của mình, với kẻ bênh người chống, người ta dễ dàng đi quá
xa các điểm cần tranh luận.
Tự do ngôn luận: một quyền thiêng liêng
Như đã viết trong một bài trước đây, tự do ngôn luận
là nền tảng, và là thước đo đánh giá mức độ, dân chủ tại một nước nào đó.
Freedom House, tổ chức đánh giá nền dân chủ của mọi
quốc gia trên toàn cầu và thực hiện báo cáo hàng năm, cũng khẳng định rằng tự
do ngôn luận và bày tỏ (freedom of speech and expression) là mạch sống của
dân chủ, bởi vì nó “tạo điều kiện cho cuộc tranh luận mở, xem xét đúng đắn các
lợi ích và quan điểm đa dạng, và đàm phán và thỏa hiệp cần thiết cho các quyết
định chính sách mang tính đồng thuận”.
Nói về tự do ngôn luận, tôi chỉ muốn tập trung đến
khía cạnh phê bình, chỉ trích.
Còn nói để ca tụng tâng bốc, quảng cáo đánh bóng,
hay để làm vừa lòng, những kẻ đang nắm quyền hành trong tay, thì không cần quyền
tự do ngôn luận vẫn nói được. Lại còn được kẻ cầm quyền khuyến khích nữa.
Phê bình, ngược lại, là một, nếu không phải là, phần
quan trọng nhất, của tự do ngôn luận. Nó thách thức mọi uy quyền, mọi quan điểm
hay tiếng nói tự cho mình là sự thật duy nhất hoặc tuyệt đối. Nó thách thức độc
đoán và độc tài của mọi loại quyền lực. Cho nên những nhà phê bình, trong văn học,
chính trị hay nói chung mọi lĩnh vực, đều là những cái gai cần bứng trong mắt của
các chế độ độc tài. Họ chỉ thật sự an toàn và, hơn nữa, được trọng dụng trong
xã hội dân chủ cấp tiến.
Quyền để đưa ra các quan điểm, ý kiến khác biệt, tức
phê bình, đã được ghi nhận trong điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền và
Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (**).
Vài suy nghĩ cuối
Cũng vì các quyền này chỉ có trên văn bản, trên hiến
pháp Việt Nam, chứ không hề hiện hữu trên thực tế, nên bao triệu người Việt đã
bỏ nước ra đi kể từ 30 tháng Tư năm 1975.
Và hiện nay vẫn còn. Và vẫn còn bao nhiêu người tiếp
tục chết vì nó.
Ở trong nước, cả cái Đảng (ĐCSVN) bao lâu nay tiếp tục
đề cao ông Hồ Chí Minh để làm bình phong cho đảng. Ai nói ngược lại những gì
ông Hồ hay Đảng dễ dàng bị liệt kê là phản động, và bị tù đầy.
Trong khi đó, một số người tại Mỹ có vẻ tin rằng ông
Trump nói gì cũng đúng. Đó hiển nhiên là quyền của họ. Nhưng người khác không
tin ông Trump, cũng là quyền bất khả xâm phạm của họ. Cho nên việc tấn công những
ai phê bình ông Trump, không cần biết đúng hay sai, thì không chỉ sai mà còn rất
nguy hiểm cho nền dân chủ.
Điều mà tất cả chúng ta không nên quên, đó là dù một
người có vĩ đại đến đâu đi chăng nữa, có công dựng nước và giữ nước như
George Washington, Thomas Jefferson, John Adams v.v… cũng không có nghĩa là
họ đại diện cho toàn dân Mỹ. Các tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ như George
Washington, Abraham Lincoln, Franklin Delano Roosevelt, có công rất lớn để hướng
dẫn người dân và quốc gia Mỹ vượt qua những thử thách lớn lao của thời đại, từ
cuộc chiến giành độc lập, cuộc nội chiến hoặc Thế Chiến II, nhưng không có
nghĩa là họ nói gì cũng đúng. Họ không phải là thánh nhân. Họ cũng chỉ là con
người và có những sai lầm của mình.
Vì nhận thức được tầm quan trọng của quyền tự do
ngôn luận như thế nên một số nhà lập quốc Hoa Kỳ đã ngay lập tức đệ trình tu
chính án 1 đến 10 sau khi Hiến pháp được thông qua năm 1789, và mãi đến năm
1891 mới trở thành chính thức, mà sau này được biết đến là Tuyên ngôn Nhân quyền
(Bill
of Rights).
Tất nhiên Hoa Kỳ chưa thể gọi là dân chủ hoàn toàn
cho đến năm 1964 khi các Đạo luật về Quyền Dân sự 1964 và Đạo luật về Quyền Bầu
cử 1964 được thông qua và có hiệu lực, để mọi công dân Mỹ có quyền bầu cử ứng cử
và các quyền dân sự khác như nhau. Nhưng nhờ quyền tự do ngôn luận và báo chí
mà nền dân chủ của Hoa Kỳ, cho đến nay, tuy có lúc lên lúc xuống, nhưng chưa
bao giờ bị nguy cơ trở thành độc tài.
Khi nào các
quyền tự do ngôn luận, báo chí bị xâm phạm, và tính độc quyền về sự thật và sự
tôn thờ lãnh đạo lên ngôi, thì đó là lúc cả nền dân chủ sẽ bị đe dọa.
Nhưng chúng ta có thể lạc quan rằng, chỉ có một thiểu
số nhỏ đang tìm cách “khống chế” các tiếng nói khác biệt; trong khi đa số vẫn ủng
hộ sự đa dạng trong suy nghĩ, hành xử và phát biểu ý kiến. Đó chính là điều khiến
nước Mỹ trở thành hấp dẫn. Tôi cho rằng những người ủng hộ ông Trump không phải
ai cũng vô lý hay cực đoan. Không nên vơ đũa cả nắm. Nước Mỹ là nước có truyền
thống văn hóa chính trị lâu đời nhất, và người Việt lánh nạn cộng sản hiểu rõ
tác hại khủng khiếp của độc tài toàn trị ra sao. Vì thế tôi mong rằng những
kinh nghiệm và bài học lịch sử, của Việt Nam và trên thế giới, nhắc nhở chúng
ta rằng tôn thờ lãnh tụ,
dù lãnh tụ đó có chính đáng và chính nghĩa đến đâu, sẽ là một rủi ro lớn cho nền
dân chủ mọi nơi.
Đấu tranh vận động dân chủ cũng có nghĩa là phải
làm sao để quyền lực không tập trung vào một thiểu số, như tôi từng trình bày
trong bài “Tự
do và quyền lực”. Mục tiêu là để các tiếng nói khác biệt trong xã hội được
tôn trọng, dù khác biệt đến mấy. Chính vì thế, dù có những suy nghĩ khác với
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tôi thật sự trân quý và ca ngợi sự can đảm của cô trước
và cả sau khi rời Việt Nam. Tôi mạnh mẽ tin rằng tiếng nói của cô, cũng như của
bất cứ ai, cần được bảo vệ và tôn trọng, miễn sao chúng ta đồng thuận về các
nguyên tắc và giá trị dân chủ căn bản.
Phạm
Phú Khải
Úc Châu, 29/03/2020
-------------
Chú
thích:
(*) Tôi quan niệm rằng cuộc đấu tranh chống lại độc
tài áp bức để xây dựng một đất nước Việt Nam nhân bản, dân chủ và giàu mạnh, là
bổn phận và trách nhiệm, trên hết, của người dân Việt Nam. Không phải của ai
khác. Mà người dân Việt Nam ở đây là mọi người, không riêng cá nhân ai cả.
Không riêng gì Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Đất nước Việt Nam không phải của riêng
NNNQ. Cô NNNQ đã dấn thân, đã đóng góp nhiều trong khả năng của cô. Nhưng một
mình cô không thể tạo lại thay đổi. Nó đòi hỏi trách nhiệm của rất nhiều công
dân trong xã hội này cùng nhau góp phần mang lại thay đổi.
(**) Điều 19 của
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền (viết tắc UDHR, tức Universal Declaration of
Human Rights) nói: “Mọi người đều có quyền tự do ý kiến và bày tỏ; quyền này
bao gồm quyền tự do nắm giữ ý kiến mà không bị can thiệp, và tìm kiếm, tiếp nhận
và truyền đạt thông tin và ý tưởng bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và
bất kể biên giới.”
Điều
19 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (viết tắc là ICCPR,
tức International Covenant on Civil and Political Rights) khai triển thêm Điều
19 của UDHR.
“1. Mọi người đều có quyền tự do nắm giữ ý kiến mà
không bị can thiệp; 2. Mọi người đều có quyền tự do bày tỏ; quyền này bao gồm tự
do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng của mọi thể loại, bất
kể biên giới, có thể bằng nói, viết hoặc in, bằng dạng nghệ thuật, hoặc bằng mọi
phương tiện truyền thông nào mà người đó chọn”. Phần phụ số 3 trong điều 19 ghi
rằng quyền này phải đi đôi với bổn phận và trách nhiệm, và có thể bị đặt vào một
số giới hạn nào đó, để tôn trọng quyền và uy tín của người khác, hoặc để bảo vệ
an ninh, trật tự của quốc gia, hoặc sức khỏe và đạo đức công cộng.
UDHR và ICCPR đều đến sau Hiến Pháp Hoa Kỳ 1789, nhất
là Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of Rights năm 1791), gần 160 năm sau.
---------------------------------------
XEM THÊM
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment