31/03/2020
Không phải chỉ là câu chuyện ngôn từ mà trước tiên thuộc về trình
độ. Theo nguyên lý của bất kỳ nền giáo dục tiên tiến nào, khi đã học hết
phổ thông 12 năm và nhận bằng cấp Tú tài thì người học sinh phải thông thạo nói
và viết tiếng mẹ đẻ đúng chuẩn Bộ Giáo dục quy định. Một cán bộ nhà nước có vị
trí ban hành công văn này nọ tất nhiên sau trình độ phổ thông trung học còn phải
học thêm các lớp đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu. Vậy mà viết một công văn không
thông hoặc duyệt một công văn không biết đâu là lỗi chữ nghĩa làm sai lạc nội
dung ảnh hưởng đến cả chủ trương chính sách là điều tuyệt nhiên không được
phép, một điều kiện rất sơ đẳng của tổ chức bộ máy. Vì sao như vậy?
Giáo dục xuống cấp nghiêm trọng ở Việt Nam từ nhiều năm nay chắc chắn phải
chịu phần trách nhiệm lớn, vì từ lâu lắm rồi, khoảng những thập niên trước
1975 đã có giai thoại truyền nhau trong các trường đại học ngành văn ở
miền Bắc: sinh viên chỉ cần biết mấy chữ "yêu căm chiến lạc Dậu Pha
Phèo" (yêu nước, căm thù, chiến đấu, lạc quan, chị Dậu, anh Pha, Chí
Phèo) thì dầu thi cử thế nào cũng đỗ.
Tuy nhiên, bên cạnh hậu quả nặng nề của giáo dục, một nguyên nhân còn lớn
hơn nhiều và cũng rất đơn giản: mua chức mua quyền. Hiện tượng một vị
lãnh đạo có cỡ trong thể chế hôm nay rất có oai quyền nhưng về nhận thức tư tưởng
và xã hội, ngoài cái khẩu hiện "còn đảng còn mình" ra thì hoàn toàn
không bằng một bác nông dân lớp 7 hay một bà buôn thúng bán bưng bên hè phố, là
sự thực đã được xác nhận qua nhiều kiểm nghiệm thực tiễn.
Và đó cũng chính là một thảm kịch không còn xa xôi mà đã rất gần gũi của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bauxite
Việt Nam
--------------------------------------------
Câu từ của cơ quan công quyền,
lãnh đạo khiến dân lo sợ, bất mãn!
RFA
2020-03-30
Hai
công văn do Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM ban hành trong ngày 26 và
27/03/2020.
Công văn về hỏa táng “bệnh nhân
có thể tử vong”
Công văn số 2285 do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi
trường TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký và ban hành ngày 26/3 gây phẫn nộ gay
gắt trong dư luận.
Nội dung của công văn này chú trọng vào công tác
phòng chống dịch COVID-19 trong phạm vi của thành phố. Trong đó đã ghi “để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch
bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm
virut Covit-19 có thể tử vong”.
Nhà
báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang lên tiếng với RFA vì sao công văn
2285 bị chỉ trích dữ dội:
“Thông thường không nghĩ gì khác thêm, sâu thêm và căn cứ vào câu chữ thì
công chúng đều có quyền nghĩ rằng là trường hợp nhiều và khẩn cấp quá sẽ cho
thiêu luôn những người sắp chết do cúm. Điều đấy rất là dở và trên mạng xã hội
đã phát hiện ra, phản đối dữ dội thì theo như tôi nhớ là khoảng hơn nửa ngày
hay một ngày gì đó Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM đã rút lại công văn đó.”
Nhà
ngôn ngữ học-Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học
Sư Phạm TP.HCM tiếp lời với RFA:
“Xin lưu ý rằng người ký văn bản mà dư luận phản đối đến nỗi UBND TP.HCM
phải yêu cầu kiểm điểm là
một cô phó giáo sư-tiến sĩ ngành môi trường; nghĩa là người có học. Có
thể cô không viết văn bản đó mà do cấp dưới viết, nhưng cô ký vào văn bản đó
cho thấy rằng cô đọc mà cô không thông hiểu, không nhìn thấy về mặt tiếng Việt
trong văn bản đó kỳ lạ và khiến cho người ta hiểu lầm. Tôi nghĩ đây chỉ phản
ánh về trình độ diễn đạt tiếng Việt thôi, chứ không ai mà lại đem đi hỏa táng
những người chưa chết. Nguyên văn trong công văn ghi ‘có thể tử vong’, tức là
còn sống thì không ai hỏa táng cả. Thế nhưng ký vào văn bản như thế mà không gợn
lên trong đầu điều gì cả thì có vấn đề về trình độ.”
Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM vào ngày 27/3, qua
công văn số 2319 thông báo thu hồi công văn số 2285, mà không có lý do giải
thích vì sao.
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Nguyễn Toàn
Thắng, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 28/3, đã nhận trách nhiệm về việc ban
hành văn bản số 2285 có nội dung hướng dẫn không rõ ràng.
Thông tin truyền thông gây hiểu lầm
Trong khi dư luận chưa kịp lắng dịu liên quan công
văn vừa nêu, dân chúng lại tiếp tục đón nhận thông tin gây hoang mang từ báo
chí trong lúc Chính phủ Việt Nam đang ra sức tuyên truyền ngăn chặn số ca nhiễm
không tăng cao trong vòng 14 ngày tới. Điển hình, Báo mạng Tiền Phong, vào ngày 29/3 đăng tải bản tin có tựa
đề “60 ca mắc COVID-1 ở Việt Nam đã âm tính, 1 ca rất nặng được rút ống thở’.
Trong bản tin ghi rõ “Ba bệnh nhân rất nặng thì 1 bệnh nhân đã rút ống thở
trong đêm 28/3”.
Nhà
báo Võ Văn Tạo giải thích về nội dung bản tin đăng trên báo mạng Tiền
phong hôm 29/3:
“Đúng là khi nghe truyền thông nói là một số ca nặng đã có ca rút ống thở.
Cụm từ ‘được rút ống thở’ trong xã hội Việt Nam thì thông thường được hiểu là
rút ống thở cho chết.”
Theo ghi nhận cá nhân, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng từ
trước đến nay tình trạng nội dung không rõ ràng, từ ngữ sử dụng không chuẩn mực
trong những văn bản của các cơ quan nhà nước vốn đã như thế và bây giờ do tình
hình dịch bệnh nguy cấp nên được dư luận chú ý nhiều hơn và phản ánh mạnh mẽ
hơn. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:
“Qua hai hiện tượng này, tôi không nghĩ là do tại vì tình hình dịch cúm
COVID-19 đâu, mà thực chất là do trình độ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước,
cũng như là các phóng viên, biên tập viên trong các tờ báo chất lượng xuống lắm.
Đọc các thông tư, nghị định…thì còn thấy dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng chứ đừng
nói điều gì khác. Chuyện này không có gì là ngạc nhiên vì năng lực cán bộ là
như thế.”
Nội dung bản tin đăng trên Báo mạng Tiền phong ngày 29/03/2020.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình tienphong.vn
Đồng quan điểm với Nhà báo Võ Văn Tạo, Tiến sĩ
Hoàng Dũng khẳng định cán bộ yếu kém ở khắp các cơ quan trong hệ thống công
quyền:
“Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm người có trách nhiệm là có vấn đề. Nhìn ở
đâu cũng thấy như vậy cả. Rất nhiều người không xứng đáng ngồi ở vị trí có quyền
quyết định. Họ đọc một văn bản mà họ không hiểu. Họ viết một câu sai mà họ
không thấy. Tôi nói một cách khách quan chứ chưa nói đến họ cố ý thì phần họ
gây thiệt hại lớn hơn phần họ đóng góp.”
Đài RFA ghi nhận người dân Việt Nam cũng đang rất
hoang mang trước thông tin bị phạt nếu ra đường không đeo khẩu trang để phòng
chống dịch COVID-19; trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hồi tháng
2, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng không nhất thiết phải đeo khẩu trang y
tế phòng virus corona.
Lỗi do cơ chế
Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Chu, trong một bài viết đăng trên trang facebook cá nhân
vào ngày 28/3, cho rằng các ông bộ trưởng của Việt Nam bị con virus Trung Quốc
“xé áo cho người xem lưng”.
Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ Bộ Y
tế Việt Nam bị con virus làm đau đầu. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu còn
chỉ đích danh 4 ông Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền
thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong
khi đối phó với dịch COVID-19 đã cho thấy họ hoàn toàn dựa vào cấp dưới, trình
gì đọc đó mà không có năng lực của một người lãnh đạo cấp bộ trưởng.
Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng Nhà nước Việt Nam cần phải
xem xét lại quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, nhất là qua kinh nghiệm trong đối
phó với dịch bệnh COVID-19 này.
Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ ông không nhìn
thấy dấu hiệu lạc quan nào trong tương lai gần:
“Tôi nghĩ không hy vọng gì qua đó họ rút được kinh nghiệm về chất lượng
cán bộ và để cơ cấu vào trong bộ máy nhà nước cho tương lại, tại Đại hội Đảng
XIII sắp tới. Bởi vì không thể nào rút được kinh nghiệm, tìm được ở đâu ra (cán
bộ giỏi) khi quy hoạch từ cấp dưới lên trên, chẳng hạn như cán bộ cấp huyện được
cử đi học ở các trường chính trị để trở thành cán bộ nguồn thì họ cũng lựa những
người không giỏi quá, chỉ vừa vừa thôi nhưng chủ yếu là phải ‘biết điều’; nghĩa
là không cãi cự ai, không làm mất lòng ai, quà cáp thường xuyên, gặp lãnh đạo cấp
trên thì khúm núm và nịnh bợ…Thế cho nên không thể đào đâu ra được cán bộ có
năng lực để thay thế cho bộ máy mà tôi cho rằng không có năng lực hiện nay.”
Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Chu, qua bài viết của ông đã quả quyết rằng “Chừng nào còn tồn tại luật bất thành văn, rằng
cứ Ủy viên Trung ương Đảng là đương nhiên làm bộ trưởng hay đứng đầu các tỉnh
thành, thì chừng đó Việt Nam mãi còn tụt hậu”.
Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố
lớn vào sáng ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi vận dụng tinh thần
trong thời chiến là “Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải
phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!" vào công cuộc phòng chống dịch
COVID-19 của đất nước trong hiện tại.
Lời kêu gọi này vấp phải sự ta thán của không ít người
Việt, vì cho rằng sự ví von của ông Thủ tướng hoàn toàn không phù hợp trong thời
điểm dân tộc Việt tưởng niệm 45 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.
No comments:
Post a Comment