Friday, March 27, 2020

THẾ GIỚI TỰ DO CHÚNG TA MAY MẮN CÓ HÀN QUỐC (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn
 27/03/2020

Ngày 26/3/2020, Mỹ trở thành quốc gia có số người nhiễm COVID-19 (Cô Vi) nhiều nhất thế giới, chỉ hơn hai tháng sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện trong biên giới Mỹ. Có thể số người nhiễm ở Trung Quốc cao hơn, nhưng nếu chỉ tính con số TQ báo cáo, Mỹ đã vượt qua các nước.

Hai quốc gia châu Âu là Ý và Tây Ban Nha đang vất vả mà dường như bất lực nhìn số người nhiễm bệnh, số người chết ngày càng chồng chất. Trong khi đó Trung Quốc có vẻ như đã kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng lệnh phong tỏa, các con số về người bệnh và thiệt mạng hầu như dừng lại, và bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh bắt đầu “hân hoan nhiệt liệt phấn khởi”… ăn mừng!

Sau khi mắc sai lầm trong những tháng cuối năm 2019, vì cố tật cộng sản, che giấu, ưu tiên ổn định chính trị, xem thường giới trí thức chuyên môn, Bắc Kinh đã trả giá rất đắt cho nền kinh tế và bộ mặt của mình. Nhưng có vẻ cái may mắn lại đang ở về phía các nhà độc tài đỏ Trung Nam Hải, khi họ kiểm soát được dịch, mặc dù còn nhiều nghi ngờ về số liệu họ đưa ra. Họ đã kiểm soát được bằng cách sử dụng chính bộ máy toàn trị đã gây ra trận dịch đó. Giới nghiêm, xét thẻ căn cước, cưỡng bức xét nghiệm,…

Việc kiểm soát được dịch của Trung Quốc, nếu đúng, sẽ đưa ra một so sánh bất lợi cho mô hình dân chủ: Trung Quốc thành công, Ý, Tây Ban Nha và có thể cả Mỹ nữa, thất bại. Một đồng minh ý thức hệ của Trung Quốc là Việt Nam có vẻ cũng đang kiểm soát được dịch, khi mà cho đến ngày 26/3 chưa có người nào thiệt mạng. Một nhà báo Việt Nam nói với tôi: Kiểm soát được trận dịch này, uy tín của Đảng Cộng sản sẽ lên rất cao!

Ngày 3/2, tôi có viết bài đăng trên trang Tiếng Dân với tựa đề: Che giấu sự thật ở Vũ Hán và Chernobyl, sự so sánh giữa thảm họa Chernobyl và Vũ Hán, đó là cố tật không thể sửa được của các nhà nước cộng sản. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm ấy, với ý tưởng cơ bản là sẽ không có những thảm họa nhân tai ấy nếu nhà nước cộng sản không che giấu thông tin.

Hãy nhìn xem chuyện gì xảy ra ở các nước Ý, Tây Ban Nha, Mỹ.

Tại Tây Ban Nha và Ý, ngoài yếu tố dân số già, dễ thương tổn với Cô Vi (tuổi trung bình của người thiệt mạng ở Ý, theo một vài số thống kê là 81), hai quốc gia này đang đối mặt với những nhiễu loạn chính trị theo kiểu dân túy, các chính trị gia để tâm nhiều vào những cuộc tranh cử hơn là chống dịch. Nước Pháp cũng tương tự như vậy.

Tại Mỹ, tình hình còn tệ hơn. Donald Trump, một tổng thống dân túy bất tài và kém hiểu biết đã ra lệnh giải tán Ban chỉ huy chống đại dịch trong Hội đồng An ninh Quốc gia vào năm 2018. Ông ta không biết rằng dịch bệnh có thể là một đe dọa an ninh quốc gia. Với quyết tâm tái cử vào tháng 11, ông ta liên tục nói rằng dịch bệnh không nguy hiểm, thậm chí còn đổ cho đảng Dân chủ đối lập là tung tin vịt để hại ông ta.

Các báo cáo từ những phân tích rất nghiêm chỉnh của tình báo Mỹ, giả định dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc có thể làm hàng triệu người Mỹ thiệt mạng đã bị ông ta bỏ ngoài tai. Tệ hơn nữa là một số dân biểu Cộng hòa còn bị nghi ngờ là đã sử dụng thông tin bệnh Cô Vi để giao dịch nội gián, trước khi thị trường chứng khoán bị sút giảm nghiêm trọng.

Trong tất cả những tai hại kể trên, tai hại nhất là không có ai, cơ quan nào đứng ra điều hợp tất cả những chuyện chống dịch, các tiểu bang mạnh ai nấy chạy. Khi dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng thì lại giao cho một người không tin vào khoa học là phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu việc chống dịch.

Tình trạng ba quốc gia Ý, Tây Ban Nha, Mỹ nằm trong sự hỗn loạn của phong trào dân túy, làm tổn thương rất nặng những thể chế dân chủ. May mắn là thế giới tự do của chúng ta còn có Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Moon Jae-in (thứ hai từ trái sang) và các bộ trưởng của ông tại cuộc họp nội các ở Seoul hôm 3/3. Ảnh: AFP

Với ca bệnh được phát hiện đầu tiên cùng thời điểm với Mỹ, nhưng Hàn Quốc đã liên tục tìm được những phương cách rất thông minh để kiểm soát được dịch mà hệ thống của Mỹ không làm được, mặc dù nền y tế Mỹ nổi tiếng có những bác sĩ, khoa học gia, phương tiện máy móc hàng đầu thế giới.

Hàn Quốc chỉ phải phong tỏa thành phố Daegu trong một thời gian, vì phải đối đầu với một trường hợp truyền nhiễm rất cực đoan do một giáo phái gây ra. Người ta dựng tại các phi trường Hàn Quốc hàng chục điểm kiểm soát, sử dụng hệ thống điện thoại để tầm soát người có bệnh. Hàn Quốc không bị phong tỏa như Ý, Tây Ban Nha, California, New York…

Trường hợp Việt Nam lại cho ta thấy một sự chuyển biến đáng chú ý. Khi những ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, một viên chức ngoại giao Việt Nam tại Mỹ có nói là họ không dám giấu thông tin về dịch Cô Vi. Tờ Bangkok Post của Thái Lan có nhận định rằng, cho đến ngày 26/3 Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm bệnh ít nhất Đông Nam Á (trừ Lào và Miến Điện không có số liệu đáng tin tưởng), không có người chết, mặc dù đây là quốc gia Đông Nam Á thuộc loai nghèo, nhưng đã cách ly đến gần 45 ngàn người. Nhà phân tích David Hutt, chuyên về Đông Nam Á nói rằng, có thể Việt Nam đã học được bài học về sự minh bạch trong lần dịch SARS năm 2003, cho nên đã có một chính sách minh bạch… bất ngờ.

Vẫn còn quá sớm đễ biết được là Việt Nam sẽ thành công trong việc chống dịch hay không, khi vào ngày 28/3, Hà Nội sẽ sử dụng biện pháp cuối cùng là phong tỏa toàn quốc. Nhưng sự minh bạch của lần chống dịch Cô Vi này gợi cho nhiều người thấy rằng, Việt Nam có thể có chuyển biến, họ đã theo mô hình Hàn Quốc, một mô hình dân chủ đáng noi gương tại Á Đông.

Ví dụ, Hàn Quốc cho thấy một thể chế dân chủ có đủ sức để đương đầu với dịch truyền nhiễm, và quan trọng nữa là không góp phần gây ra nó như Trung Quốc.







No comments: