Theo Kiều
Anh, VOV
Thứ Bảy 28/03/2020 - 16:01
Dưới
đây là 5 đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại cũng như cách thức
mà chúng kết thúc với sự ra đời của các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.
>>Vì sao dịch
Covid-19 nguy hiểm hơn hẳn SARS?
>>Bác bỏ 15 hiểu lầm về virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid-19
>>Bác bỏ 15 hiểu lầm về virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid-19
Khi nền văn minh của con người ngày càng phát triển
thì cũng có ngày càng nhiều dịch bệnh xuất hiện. Việc một số lượng lớn người sống
cùng nhau và gần với các loài động vật trong khi các yêu cầu về vệ sinh và dinh
dưỡng không được đáp ứng chính là nguồn cơn khiến bệnh tật sinh sôi. Cùng với
đó, khi mà ngày càng nhiều tuyến đường thông thương, buôn bán, trao đổi được mở
ra, điều đó cũng đồng nghĩa với việc con đường lây nhiễm của bệnh tật ngày càng
lan rộng, tạo nên những đại dịch toàn cầu đầu tiên.
Tuy nhiên, sau khi trải qua các đại dịch, con người
dần biết cách hạn chế sự lây lan và ngăn chặn dịch bệnh với sự ra đời của các
biện pháp như cách ly, nghiên cứu y tế cộng đồng hay tìm ra vaccine. Dưới đây
là cách thức mà 5 đại dịch khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại đã kết thúc.
Đại dịch hạch Justinian – Không còn ai để chết
3 trong số những đại dịch chết chóc nhất từng được
ghi nhận trong lịch sử đều do một loại vi khuẩn gây nên mang tên Yersinia pestis, hay còn
gọi là vi khuẩn gây ra bệnh
dịch hạch. Người nhiễm vi khuẩn gây bệnh từ các loại động vật gặm nhấm
như thỏ, chuột,… thông qua vật chủ trung gian là bọ chét nhiễm khuẩn.
Dịch hạch Justinian có thể đã bắt nguồn từ Ai Cập
vào năm 541 sau Công Nguyên và sau đó lan ra các lục địa khác qua những con tàu
thương mại có những con chuột mang bọ chét nhiễm bệnh. Khi dịch bệnh này đến thủ
đô Constantinople của Đế chế Byzantine, nó đã khiến khoảng 300.000 người tử
vong trong năm đầu tiên.
Đại dịch Justinian cũng được coi là đại dịch đầu
tiên từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại khi lan rộng khắp châu Âu, châu
Á, Bắc Phi và thế giới Arab.
"Mọi người thực sự không biết cần phải làm gì để đối phó với dịch bệnh
này ngoại trừ việc tránh xa những người bị ốm”, Thomas Mockaitis, một nhà sử học tại Đại học DePaul nhận định.
Đại dịch hạch Justinian chỉ kết thúc khi nó khiến
khoảng 30 - 50 triệu người tử vong, tương đương với một nửa dân số thế giới lúc
bấy giờ.
Cái chết Đen – Sự ra đời biện pháp cách ly
Dịch hạch là một cơn ác mộng trong lịch sử nhân loại
nhưng nó chưa thực sự kết thúc khi 800 năm sau, dịch bệnh này đã quay trở lại
và khiến châu Âu "oằn mình" trong "Cái chết Đen" (Black Death) năm 1347 với 200
triệu người tử vong chỉ trong vòng 4 năm.
Tuy nhiên, "Cái chết Đen" cũng đánh dấu lần
đầu tiên biện pháp cách ly được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh.
Vào thời điểm đó, người dân vẫn chưa có những hiểu
biết khoa học về sự lây lan của dịch bệnh nhưng họ biết có một vài điều họ có
thể làm để hạn chế điều này. Đó là lý do tại sao những quan chức với suy nghĩ
đi trước thời đại ở thành phố cảng Ragusa đã quyết định cách ly các thủy thủ mới
đến đây cho đến khi họ có thể chứng minh rằng mình không bị ốm.
Đầu tiên, các thủy thủ sẽ ở trên tàu của họ trong
vòng 30 ngày theo quy định của một luật lệ gọi là "tretino". Sau đó,
các nhà chức trách đã quyết định tăng thời gian cách ly lên 40 ngày trong luật
mới gọi là "quarantino", nguồn gốc của từ "quarantine"
(nghĩa là cách ly) trong tiếng Anh và dần trở thành tên gọi của một biện pháp
ngăn ngừa dịch bệnh.
"Điều đó thực sự đã có hiệu quả" trong việc
ngăn chặn sự lây lan và chấm dứt dịch bệnh, nhà sử học Mockaitis khẳng định.
Đại dịch hạch London – Cách ly những người
nhiễm bệnh
London chưa bao giờ có một "khoảng nghỉ"
trước những cuộc tấn công của dịch hạch sau Cái chết Đen. Dịch hạch cứ 20 năm lại
xuất hiện một lần tại đây suốt từ năm 1348 - 1665 với 40 đợt bùng phát trong
vòng 300 năm. Mỗi lần đợt bùng phát dịch hạch mới diễn ra thì 20% đàn ông, phụ
nữ và trẻ em sống tại thủ đô của nước Anh đã tử vong vì mắc phải dịch bệnh quái
ác này.
Vào đầu những năm 1500, Anh đã thực hiện bộ luật đầu
tiên yêu cầu tách riêng và cách ly những người bị bệnh. Những gia đình bị dịch
bệnh tấn công sẽ được đánh dầu bằng một kiện cỏ được treo trên một cây gậy bên
ngoài. Nếu người nào có người thân mắc dịch hạch, người đó sẽ phải mang theo một
cây gậy trắng khi đến nơi công cộng. Đại dịch hạch năm 1665 là đợt bùng phát dịch
bệnh cuối cùng nhưng cũng là một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất kéo dài
hàng thế thế kỷ, khiến 100.000 người London thiệt mạng chỉ trong vòng 7 tháng.
Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng
đều bị nghiêm cấm và các bệnh nhân đều bắt buộc phải ở trong nhà để ngăn chặn dịch
bệnh lây lan. Mặc dù việc “giam” những người bị bệnh trong nhà và chôn các thi
thể trong những ngôi mộ tập thể bị coi là dã man nhưng đó là cách duy nhất thời
bấy giờ để khiến những đợt bùng phát cuối cùng của dịch bệnh chết chóc này kết
thúc.
Bệnh đậu mùa – Tìm ra vaccine
Đậu mùa là dịch bệnh đã lan rộng ở khắp châu Âu,
châu Á, và các nước Arab trong hàng thập kỷ, trở thành nỗi ám ảnh trong lịch sử
nhân loại. Cứ 10 người mắc bệnh đậu mùa thì có 3 người chết trong khi những người
còn lại đều dày đặc những vết sẹo.
Những người bản xứ ở Mexico và Mỹ không có miễn dịch
tự nhiên trước bệnh đậu mùa và virus này đã khiến hàng chục triệu người tại đây
thiệt mạng.
"Chưa có sự tàn phá dân số nào trong lịch sử nhân loại khủng khiếp
như những gì từng xảy ra ở châu Mỹ khi 90 - 95% người dân bản xứ bị xóa sổ
trong vòng 1 thế kỷ", nhà sử học Mockaitis cho biết,
đồng thời thông tin thêm: "Dân số
Mexico đã giảm từ 11 triệu người trước dịch bệnh xuống còn 1 triệu người".
Hàng thế kỷ sau, đậu mùa đã trở thành đại dịch đầu
tiên do virus gây nên kết thúc nhờ vào việc tìm ra vaccine. Vào cuối thế kỷ 18, một bác sĩ
người Anh tên là Edward Jenner đã đặt nền móng cho việc sử dụng vaccine để ngăn
ngừa dịch bệnh với con người. Năm 1796, Jenner đã tiến hành một thí nghiệm
khi lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay của một cô gái chăn bò rồi cấy vào
cánh tay của cậu bé 9 tuổi khỏe mạnh - con trai người làm vườn của ông. Sau đó,
Jenner đã tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa vào người cậu bé nhưng cậu bé này
không hề bị bệnh.
Nhờ phát hiện của Edward Jenner, gần 2 thế kỷ sau, năm 1980, Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa hoàn toàn bị xóa sổ khỏi Trái Đất.
Dịch tả - Chiến thắng của khoa học nghiên cứu
y tế cộng đồng
Vào khoảng đầu cho tới giữa thế kỷ 19, dịch tả đã
hoành hành khắp nước Anh và khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Lý thuyết
thời bấy giờ đã giải thích dịch bệnh này do một loại ám khí gọi là "miasma"
gây nên. Tuy nhiên, một bác sĩ người Anh tên là John Snow đã đặt nghi vấn về căn bệnh
bí ẩn này có thể liên quan đến nguồn nước của London khi dịch bệnh khiến các nạn
nhân tử vong chỉ trong một vài ngày với những triệu chứng đầu tiên.
Bác sĩ Snow đã hành động giống như một "thám tử
khoa học" khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân tại các bệnh viện
cũng như xem xét các báo cáo của nhà xác để theo dõi các địa điểm chính xác
bùng phát dịch bệnh này. Ông đã tạo nên một biểu đồ địa lý các ca tử vong vì dịch
tả trong thời gian 10 ngày và phát hiện ra một ổ dịch 500 ca tử vong quanh một
máy bơm nước ở Broad Street - một giếng nước phổ biến trong thành phố mà
người dân hay tới uống nước.
"Ngay sau khi tôi xem xét kỹ tình hình và mức độ tăng vọt của các ca
bệnh tả, tôi đã đặt nghi vấn về một số nguồn nước bị nhiễm bẩn ở Broad
Street", Snow viết.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, bác sĩ Snow đã
thuyết phục các nhà chức trách địa phương dời máy bơm nước trên đường Broad
Street và như một điều thần kỳ, các ca nhiễm đã giảm hẳn.
Những hành động của Snow không chấm dứt dịch tả sau
một đêm nhưng những nỗ lực này đã giúp mọi người trên thế giới chú ý hơn đến hệ
thống vệ sinh đô thị và bảo vệ nguồn nước không bị nhiễm bẩn.
Mặc dù dịch tả đã được xóa sổ phần lớn tại các quốc
gia phát triển nhưng nó vẫn là "kẻ giết người" thầm lặng ở những quốc
gia thuộc thế giới thứ 3, những nước thiếu hệ thống xử lý chất thải phù hợp và
gặp hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước uống sạch.
Theo Kiều Anh
VOV
No comments:
Post a Comment