Wednesday, September 13, 2017

VÀI ĐÁNH GIÁ VỀ GIÁO DỤC NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM (FB Phạm Lê Vương Các)





Tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) vào năm 2014, Việt Nam đã nhận được 11 khuyến nghị về việc tăng cường giáo dục về nhân quyền như: Phổ biến các nội dung của Tuyên ngôn nhân quyền thế giới và các Công ước nhân quyền quốc tế (Khuyến nghị 61 của Venezulua); Lồng ghép nội dung giáo dục về quyền con người vào chương trình đào tạo ở tất cả các cấp giáo dục (Khuyến nghị 58 của Mali, 59 của Ai Cập, 62 của Belarus; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ và cơ quan thực thi pháp luật về nhân quyền (khuyến nghị 44 của Bhutan, 63 Dijbouti, 64 Myanmar, 65 của Marocco…).

Nhìn lại kể từ sau năm 1975, việc giáo dục nhân quyền tại Việt Nam là vô cùng thất vọng. Các tài liệu quảng bá về nhân quyền hầu như không được nhắc đến, như một điều cấm kỵ trong gần ba thập kỷ sau đó. Điều này dẫn đến thực tế nhiều người tại Việt Nam chưa từng được nghe đến khái niệm nhân quyền hay quyền con người. Việc "bỏ quên" quá trình phổ biến và giáo dục nhân quyền trong khoảng thời gian này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vi phạm nhân quyền có hệ thống xảy ra khắp mọi nơi, từ trong đời sống thường nhật cho đến các văn bản pháp quy. Việc giáo dục nhân quyền chỉ bắt đầu manh nha khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ internet tại Việt Nam, các nhà hoạt động và các tổ chức XHDS đã tận dụng kênh thông tin này để phổ biến và quảng bá mạnh mẽ các giá trị phổ quát nhân quyền, mang lại hiệu quả đáng kích lệ trong việc phổ biến và giáo dục nhân quyền cho cộng đồng.

Chính sách giáo dục nhân quyền của nhà nước hiện nay là rất thụ động, mang tính chất đối phó và không đảm bảo được tính phổ quát của nhân quyền. Nội dung phổ biến nhân quyền thông qua các phương tiện truyền thông của nhà nước cho người dân, và các khóa tập huấn nhân quyền cho cán bộ quản lý nhà nước, phần lớn đã không chỉ ra được hạn chế trong việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam, mà chủ yếu tập trung ca ngợi thành tích nhân quyền của chế độ và lên án các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để xuyên tạc. Mục tiêu giáo dục nhân quyền của nhà nước trong bối cảnh hiện nay là đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Nhiều tài liệu dùng trong việc giáo dục nhân quyền chính thống đã viết rằng "nhân quyền" (thường được để trong ngoặc kép) là chiêu bài của Mỹ và thế lực Phương Tây thực hiện diễn biến hòa bình, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành ra, việc giáo dục nhân quyền được thực hiện bởi nhà nước thực chất chỉ là phục vụ cho mục đích tuyên truyền chính trị.

Việc lồng ghép giáo dục nhân quyền trong hệ thống giáo dục từ cấp bậc mẫu giáo cho đến đại học là rất hạn chế. Giáo dục nhân quyền chỉ được đề cập sơ khởi qua môn học Đạo Đức Công Dân bắt đầu từ lớp 6 như tôn trọng phụ nữ, tôn trọng thư từ, tài sản của người khác... Việc lồng ghép giáo dục nhân quyền ở mức độ sâu hơn đã được cải thiện đôi chút khi được giảng dạy giới hạn trong chương trình học của ngành luật. Vào năm năm 2007, lần đầu tiên môn học Lý luận về Nhân quyền bắt đầu được giảng dạy tại Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội. Đến năm 2015 chương trình nhân quyền được đưa vào giảng dạy chính thức tại Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội, với môn học "Lý luận Pháp luật về Quyền con người và Quyền Công dân". Giáo dục nhân quyền trong các cơ sở giáo dục vẫn bị hạn chế bởi không có môi trường tự do học thuật, tự do tư tưởng, và sự gián đoạn trong một thời gian dài kể từ sau năm 1975 đã gây ra một khoản trống trong việc tiếp cận với tiêu chuẩn nhân quyền thế giới.

Việc giáo dục nhân quyền độc lập bên ngoài hệ thống giáo dục bị ngăn cấm hoặc bị kiểm soát chặt chẽ. Nhà nước kiểm soát độc quyền tất cả nội dung liên quan đến việc phổ biến và giảng dạy nhân quyền để đảm bảo rằng các nội dung chỉ trích, lên án sự vi phạm nhân quyền của chính quyền sẽ không được phổ biến rộng rãi đến người dân. Các buổi giảng dạy, tập huấn, phổ biến thông tin và kiến thức về nhân quyền của các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự bị ngăn cấm và chịu nhiều rủi ro. Họ luôn tổ chức “chui” nhằm tránh bị ngăn cản hoặc sự trừng phạt từ chính quyền.

Việc phổ biến Tuyên ngôn ngôn nhân quyền thế giới, các Công ước quốc tế và cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc vẫn còn bị ngăn chặn. Các buổi Lễ kỷ niệm ngày ra đời của bản Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền 1948 luôn bị ngăn cản. Chẳng hạn vào ngày 6/12/2015 luật sư Nguyễn Văn Đài có nói chuyện phổ biến về Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền nhân kỷ niệm Ngày Nhân quyền 10/12 tại tỉnh Nghệ An. Khi ra về, ông bị các an ninh thường phục đeo bám, sau đó và đánh đập dã man và cướp hết tài sản trên một đoạn đường vắng tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ấn phẩm về Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền do Con đường Việt Nam-một tổ chức xã hội dân sự in ấn và phát hành vẫn bị xem là một tài liệu nhạy cảm. Người phát tán văn kiện này nơi công cộng lẫn người sở hữu nó sẽ gặp rắc rối nếu bị công an phát hiện.

Rõ ràng chính sách và quan điểm về giáo dục nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đang theo đuổi là không nhất quán và không phù hợp với tiêu chuẩn và nguyên tắc giáo dục nhân quyền được xác định trong Chương trình Thập kỷ giáo dục nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc này đòi hỏi việc giáo dục nhân quyền phải nhằm thúc đẩy sự tôn trọng các quan điểm trái ngược, đặc biệt về quan điểm chính trị, sử dụng phương pháp giáo dục có sự phê phán và các kỹ năng hành động thúc đẩy nhân quyền, và thúc đẩy môi trường tự do nghiên cứu và giáo dục không bị sợ hãi. Giáo dục nhân quyền tại Việt Nam cần phải thay đổi theo hướng trao quyền cho mọi người có thể thụ hưởng và thực thi các quyền của họ cũng như hành động thúc đẩy vì các quyền của người khác. Nhà nước cần phải có nghĩa vụ tạo ra một môi trường an toàn, và đảm bảo bằng các biện pháp pháp lý khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự, khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục nhân quyền.


--------------------------------

TÀI LIỆU :

Danh sách 182 khuyến nghị được Việt Nam chấp nhận tại UPR
22/06/2014

Sơ bộ về UPR: Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị
Nhận xét sơ bộ là có nhiều khuyến nghị được chấp nhận hơn công bố của Bộ Ngoại Giao hôm tháng 4. Các khuyến nghị bị từ chối bao gồm tham gia các cơ chế tài phán về nhân quyền (xem xét các khiếu nại theo các công ước NQ và tòa án hình sự quốc tế); thiết lập cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập theo nguyên tắc Paris (nhưng chấp nhận thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập); mở toang cửa (lời mời ngỏ) với các Báo cáo viên đặc biệt về NQ của LHQ; Xóa bỏ/đình/hoãn án tử hình; Công bố các thông tin về án tử hình và nơi giam giữ; Thả tù chính trị; Bỏ các điều 77, 88 và 258 BLHS; Đảm bảo tự do cho những người bất đồng chính kiến, biểu tình ôn hòa; Đa đảng; Hợp tác với Nhóm làm việc về bảo vệ xã hội dân sự.

Trong số các khuyến nghị được chấp nhận, nổi bật là các hứa hẹn về đảm bảo môi trường hoạt động cho các NGO, những người bảo vệ nhân quyền, cho phép báo chí nước ngoài hoạt động độc lập, đưa luật biểu tình và luật về hội phù hợp với chuẩn mực quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; đưa ra luật chống phân biệt đối xử; và nhiều khuyến nghị cụ thể khác, bao gồm việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập. Việt Nam cũng tuyên bố trước Hội đồng Nhân Quyền sẽ dùng mọi nỗ lực để thực thi các khuyến nghị này, bao gồm việc hợp tác và đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và các NGO.

Lần này có các NGO trong danh sách đối tác nhé!

Danh sách các khuyến nghị đây: 
https://drive.google.com/file/d/0B1Kppx75dc0bNmlaTUp3bzdyVlk/edit?usp=sharing
(Lưu ý: một số từ ngữ trong bản dịch có thể hơi khác với bản chính thức của chính phủ).









No comments: