Tuesday, September 26, 2017

BẢN TIN NGÀY 26/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Về tin Hải quân Philippines bắn chết hai ngư dân Việt Nam và bắt giữ 5 ngư dân khác hôm 23/9, RFA có bài: Bắn chết ngư dân Việt Nam, một hành động không nên giữa các nước ASEAN. Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho biết: “Việt Nam và Philippines là hai nước có quan hệ đối tác chiến lược và vụ việc vừa xẩy ra không phải là một thái độ mà một nước thành ASEAN sử dụng đối với nhau… Các nước ASEAN không nên giết ngư dân của nhau như vậy.
Họ phải hợp tác với nhau, họ có thể bắt giữ ngư dân và gửi trả họ về nước, có thể thu giữ tàu của ngư dân, nếu ngư dân phạm luật thì họ có thể bắt giữ và thực hiện các biện pháp pháp lý nếu họ vi phạm luật địa phương. Việc ngư dân Việt Nam hay Indonesia đi vào vùng nước của nhau nên được quy định cụ thể vì nó xảy ra thường xuyên. Câu hỏi đặt ra là tại sao Philippines không làm tương tự với Trung Quốc nhưng tất nhiên tôi không cho rằng họ nên làm như vậy với bất cứ ai”.

BBC có bài: Philippines ‘sẽ điều tra công bằng’ vụ bắn chết hai ngư dân VN. Dẫn nguồn từ báo Washington Post, cho biết, Chính phủ Philippines nói rằng, trong khi bị đuổi bắt thì một tàu đánh cá Việt Nam “đâm vào” tàu hải quân Philippines, họ bị bắn cảnh báo và hai ngư dân VN bị thiệt mạng.

Khi đang họp tại LHQ ở New York, ông Alan Peter Cayetano, Ngoại trưởng Philippines thông báo cho Bộ trưởng Phạm Bình Minh: “Chúng tôi muốn chia buồn đối với thân nhân hai người thiệt mạng và đảm bảo rằng sẽ tiến hành cuộc điều tra công bằng về vụ việc“.

Thi thể một ngư ở Quảng Ngãi bị Philippines bắn chết hồi năm 2015. Ảnh: Báo Người Lao Động.


Liên quan một hạm đội gồm 6 tàu chiến Úc đang đi vào Biển Đông, thực hiện một cuộc hành trình dài 2 tháng, bị báo Trung Quốc cảnh cáo Úc chớ xen vào tình hình Biển Đông. VOA trích từ Hoàn Cầu Thời báo: “Nước Úc nên duy trì sự trung lập của mình thay vì ‘kết bè kết đảng’ với các nước khác. Dù gì đi nữa, Australia cũng nằm bên ngoài khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

VOA cho biết thêm: “Các nhà chiến lược Úc tin rằng một nước Trung Quốc hùng mạnh, quyết đoán hơn, có thể mang lại một số bất định cho khu vực. Mặc dù không có cách nào có thể thay thế được cường quốc số 1 thế giới, Canberra muốn tập hợp các nước láng giềng để cùng nhau, cưỡng lại chính sách bành trướng của Trung Quốc”.

Báo Đất Việt: Vì sao Trung Quốc đổi chiến thuật ở Biển Đông? Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, khẳng định, không có chuyện Trung Quốc từ bỏ “đường lưỡi bò” để chuyển sang “Tứ Sa”. Ông Cương cho rằng, Bắc Kinh vẫn giữ “đường lưỡi bò”, do bị dư luận phản đối “đường lưỡi bò” nên TQ đưa ra chiến thuật “Tứ Sa” để hỗ trợ yêu sách “đường lưỡi bò”, chứ không phải “Tứ Sa” thay thế đường lưỡi bò.

Hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng tăng. RFA có bài: Tàu hải quân Ấn Độ thăm Hải Phòng. Bản chtin o biết: “Hai tàu hải quân Ấn Độ đang ở thăm cảng Hải Phòng từ ngày 23 đến ngày 27 tháng Chín. Hai tàu này có tên là Ins Satpura và Ins Kadmatt với 65 sĩ quan và 580 thủy thủ”.

Trung Quốc lại gây sóng gió ở vùng Biển Hoa Đông: Trung Quốc đưa 4 tàu đến gần đảo tranh chấp với Nhật. VOA dẫn nguồn từ AFP cho biết, Bốn tàu hải giám của Trung Quốc hôm 25/9 đã đ vào khu vực gần các hòn đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản, TQ gọi là Điếu Ngư, lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần qua.


Quan hệ Việt – Trung
VOA có bài: Trung Quốc ‘rút’ phim chiến tranh Việt – Trung vào phút chót. Bộ phim “Phương Hoa” của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, nói về các cựu chiến binh trong chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 đã “bị hoãn chiếu vào phút chót, ngay trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc”, dự kiến khai mạc vào ngày 18/10.

Được biết, bộ phim kể về câu chuyện của một đoàn văn công quân đội TQ vào cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tham gia cuộc chiến biên giới chống Việt Nam và bộ phim kéo dài đến thập niên 1990. Mặc dù vậy, lịch chiếu lại bộ phim có thể vẫn diễn ra sau đại hội của ĐCS TQ. BBC: TQ hoãn chiếu phim ‘về chiến tranh với VN’.

Quan hệ Việt – Đức trước sóng gió
Facebooker Hoàng Huy có bài: Đức ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam: Tại bạn hay tại ta? Theo tác giả, điều đáng buồn là đúng dịp hai nước Việt – Đức thiết lập quan hệ ngoại giao 23/9/1975, Đức đã đơn phương đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược đối với Việt nam.

Để có được quan hệ “đối tác chiến lược”, hai bên phải dựa trên nền tảng thực sự “tin tưởng lẫn nhau” và rõ ràng là Việt Nam được lợi nhiều hơn so với Đức. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EFTA). Đức cũng là nhà viện trợ ODA thường xuyên cho VN, với các dự án thiết thực cho vùng nông thôn…


Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Trịnh Kim Tiến có bài: Đừng tin những gì Cộng Sản nói. Tác giả viết: “Cái miệng họ thì luôn ra rả với thế giới rằng họ tôn trọng nhân quyền, văn bản giấy tờ trả lời LHQ cũng chắc nình nịch rằng Việt Nam ủng hộ việc đào tạo, nâng cao kiến thức cho người dân. Ấy thế mà quay đi quay lại, họ nhổ ra xong lại liếm vào, lại sử dụng bạo quyền để trấn áp tri thức. Trong mắt của họ, LHQ hay Quốc tế thì cũng chỉ là con bò để họ đưa dắt. Đối ngoại còn dối trá ráo hoảnh thì với bên trong có cái gì để họ phải dè chừng mà không trắng trợn lừa bịp người dân”.

Facebooker Trương Hữu Châu Danh cho biết: “Cô Thanh Phạm Trần Thanh Long đang chịu áp lực rất lớn vì liên tục bị mời do ‘xúc phạm danh dự người khác trên facebook’. Từ sau vụ cô tố cáo bị hiếp dâm đến nay, trung bình mỗi tuần cô nhận một giấy mời gặp điều tra viên – không phải để xử lý L.A – đối tượng bị tố cáo, mà là xử cô. Như tôi đã nói trên các st trước, ở địa phương, cô Long là ‘cái gai’ bởi hay có ý kiến đối với các vụ việc mà cô cho là có tiêu cực…”

Ảnh: Trương Châu Hữu Danh


“Đốt lò” hay đấu đá nội bộ?
BBC có bài: TBT Trọng ‘không chỉ muốn chống tham nhũng’. Muốn chống tham nhũng, ông Trọng phải là người nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ông không nên mang danh là người cầm đầu đảng để chỉ đạo “đánh” tham nhũng, hay mượn chuyện chống tham nhũng để trả những mối thù riêng.

TS Zachary Abuza, giáo sư trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ, nêu vấn đề: “Câu hỏi mà mọi người đặt ra về các điều tra tham nhũng ở Việt Nam là chúng nhằm loại trừ tham ô hay là các tranh chấp chính trị trong hệ thống độc đảng… Nhưng kiểu tham nhũng mà đa số người dân gặp hàng ngày – hối lộ, đóng tiền cho con đi học…- lại không phải là ưu tiên cho giới lãnh đạo“.

GS Tương Lai có bài: Những bục vỡ khó tránh khỏi. “Một thể chế được dựng lên theo một mô hình đã sụp đổ, mà là sụp đổ cả hệ thống, nhưng lại vẫn được ngoan cố trì kéo suốt mấy thập kỷ tại Việt Nam, đưa đất nước đi vào ngõ cụt với thể chế toàn trị phản dân chủ, nguồn gốc của tham nhũng, đặc biệt tệ hại nhất trong hai nhiệm kỳ của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, thì sự bục vỡ như đang diễn ra là khó tránh khỏi”.

RFA có bài của tác giả Nguyễn Tường Thụy: Khi thái tử đảng bị quăng vào lò. “Phải công nhận một điều, không thấy ông Nguyễn Phú Trọng mang con cái mình ra làm ‘hạt giống đỏ’. Không có thông tin con ông làm gì, ở đâu, đang được ươm ở vườn nào, mà nếu có thì đã không tránh khỏi con mắt của công luận… Nhưng cũng nhiều người nghi ngờ, cho rằng ông đốt lò chỉ là để thanh trừng phe phái chứ không chống tham nhũng triệt để“.

Về chuyện GS Tương Lai bỏ đảng Nguyễn Phú Trọng, trở lại Đảng Lao Động, lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói rằng, ông “hoàn toàn đồng tình” với quyết định này. Lý do mà tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đưa ra là, hiện nay đảng CS do TBT Nguyễn Phú Trọng thao túng, đã “tha hóa quá mức, không còn chút gì trong sạch như hồi mang tên Đảng Lao Động Việt Nam nữa”.


Đại án OceanBank
Thanh Niên có bài: Cái ‘kết’ cay đắng của liên minh PVN – OceanBank. 34 giám đốc chi nhánh ngân hàng thuộc OceanBank chỉ vì thừa lệnh của lãnh đạo mà phải phải chấp nhận chi lãi suất ngoài, mặc dù vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hàng loạt lãnh đạo trong PVN cũng phải nhận quyết định khởi tố về hành vi nhận tiền chăm sóc ngoài của OceanBank.

Hậu quả đó, một phần chính là văn bản do ông Đinh La Thăng ký, “yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank“. Vi phạm pháp luật, thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỷ đồng, bao nhiêu con người dính vòng lao lý, thế nhưng, người trực tiếp gây ra đại án này vẫn chưa vướng vào vòng lao lý.

Nhà báo Huy Đức cho rằng, ông Đinh La Thăng hành xử tiểu nhân, đẩy tội cho thuộc cấp. Không như Hà Văn Thắm, nhận hết tội thay cho cấp dưới. Theo tác giả, ông Đinh La Thăng là người biết rõ số tiền 246 tỷ đồng mà ông Nguyễn Xuân Sơn gửi qua ông Ninh Văn Quỳnh vào tay ai.

Ảnh: Internet

Nhà báo Phạm Việt Thắng đưa tin“Lê Đình Mậu, kế toán trưởng PVN, đã bị bắt. Hiện lực lượng chức năng đang khám xét nơi ở đối với đối tượng Mậu. Lê Đình Mậu là người được các xếp tin tưởng giao cho quản lí quỹ ‘nâu’.”


Tham nhũng ở Đà Nẵng
Báo Người Lao Động có bài: Ông Vũ “nhôm” dính bao nhiêu dự án ở Đà Nẵng? Ngoài chín dự án mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu lãnh đạo TP Đà Nẵng cung cấp hồ sơ để điều tra, còn có 31 nhà, đất công mà ông Vũ Nhôm sở hữu, cũng cần làm rõ. Tác giả đặt câu hỏi: “Có hay không việc lãnh đạo TP Đà Nẵng bán đất vàng cho doanh nghiệp nhưng không qua đấu giá, để doanh nghiệp sau đó sang tay, kiếm lãi hàng trăm tỉ đồng?”

Mời xem lại clip của VTC: 10 năm làm “trùm BĐS” của ông Anh Vũ.

Nhà báo Nguyễn Trung Dân cho rằng, thanh tra cần làm rõ các điểm sau: “1- Ai duyệt và theo quy hoạch nào, pháp luật nào mà Sungroup có thể xây dựng KS Resort InterContinental ở Sơn Trà? Nhà nước đã thu được bao nhiêu tiền sử dụng đất cho khu này để bây giờ tập đoàn này rao bán biệt thự trong khu KS này với giá vài triệu USD một cái.
Tương tự với Bà Nà ai đã duyệt quy hoạch, cấp phép cho xây dựng cả châu Âu trên rừng núi Bà Nà. Diện tích bán đất cho Sungroup bao nhiêu và giao đất rừng bảo vệ bao nhiêu để bây giờ bê tông hoá toàn bộ những mặt bằng trên đỉnh Bà Nà. Ai đã cho phép phá đường, rào đường để đi đến Bà Nà phải trả tiền cáp treo mới được đi!
3- Ai đã giao toàn bộ diện tích công viên công cộng trên đường 2/9 Đà Nẵng cho Sungroup làm công viên châu Á và thu tiền không thiếu một chỗ nào! Nhà nước thu được gì, nhân dân hưởng được gì ở những chỗ công cộng này khi đến vui chơi ở đó!”

Ảnh: Báo LĐ


Đục khoét khắp nơi
Báo Nông nghiệp VN có bài: Khủng khiếp văn phòng chỉ dăm người chi 2,6 tỷ tiền bia, 1,2 tỷ tiền văn phòng phẩm. Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai “tiếp khách” hết 3,2 tỷ đồng trong một năm! Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ĐCS công bố hôm 20/9: Văn phòng này đã chi sai hơn 11 tỷ đồng cho các công tác tiếp khách, đối ngoại và an ninh. “Chỉ riêng chi văn phòng phẩm đã hết 1,2 tỷ đồng. Và tiền mua bia hết…2,6 tỷ đồng”.

Cũng theo UBKT TƯ, số tiền bia bọt trên là kê khống để rút ruột, vì họ không uống bia, mà là uống … tiền. Còn tiền văn phòng phẩm đa phần cũng là kê khống. Thực ra, không chỉ riêng tỉnh Gia Lai, hầu như HĐND tỉnh nào cũng vậy, đều được dành hẳn một quỹ tiếp khách hàng tỷ đồng, đương nhiên hết thì xin thêm, không hết thì vẽ ra sao cho tiêu hết sạch số tiền đó.


Lại vẽ dự án để kiếm chác
Báo Lao Động có bài: Lại 34 ngàn tỷ xây sân vận động lớn hơn Mỹ Đình. Để chuẩn bị cho SEA Games 31, mà Campuchia là nước chủ nhà nhưng đã “bỏ của chạy lấy người”, huyện Rạch Chiếc, TP. HCM đã vẽ ra khu liên hợp thể thao trị giá 34.000 tỷ đồng, lớn hơn cả SVĐ Mỹ Đình để phục vụ SEA Games 22, mà cho đến nay, xung quanh chỉ toàn quán massage và quán nhậu…

34 ngàn tỷ cho một khu liên hợp đón SEA Games, chưa kể phát sinh, chưa tính đến các dự án khác… Có cái gì đó rất vô lý ở đây. Và cơn mưa huy chương vàng, nếu có, chắc cũng không nặng hạt bằng mồ hôi nước mắt của những người đóng thuế“.

Báo VTC có bài: Di dời ga Hà Nội: ‘Miếng mồi ngon’ cho giới đầu tư xâu xé? Ngành đường sắt bao năm nay vẫn dậm chân tại chỗ, không thu hút được hành khách, nhưng lấy lý do “kẹt xe” và muốn giải tỏa ách tắc, chính quyền TP Hà Nội cũng “vẽ” ra đồ án ga Hà Nội mới thật hoành tráng, nhằm ôm đất vàng để xây dựng các dự án BĐS!

Vụ bê bối Vinachem
Báo Dân Trí có bài: Vì sao Bộ Công Thương không sớm công bố kết quả xác minh sai phạm tại Vinachem? Bộ Công Thương cho biết, ngày 13/12/2016, ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra, đại diện Bộ Công Thương, đã công bố kết quả sai phạm của Vinachem, tại công ty Vinachem rồi, chứ không phải chưa công bố. Zing có bài: Bộ Công Thương nói không ém kết luận xác minh tố cáo lãnh đạo Vinachem.

Chuyện ông Nguyễn Anh Dũng, chủ tịch hội đồng thành viên Vinachem, bổ nhiệm bà Lê Thị Thái Hường, vợ ông, cùng em vợ, em ruột và những người thân làm lãnh đạo ở Vinachem, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Yêu cầu bãi bỏ quyết định bổ nhiệm người nhà của chủ tịch Vinachem.


Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Pháp luật TP có bài: Ngày mai công bố thanh tra Bộ Y tế vụ VN Pharma. Thanh tra Chính phủ cho biết, ngày 26/9 sẽ công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế liên quan đến “cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với bảy loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty CP VN Pharma“.

Theo các chuyên gia, hành vi của VN Pharma có dấu hiệu của tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” được quy định tại Điều 156 BLHS năm 1999.

Bê bối BOT
Báo NLĐ có bài: Nói thẳng: Tổng cục Đường bộ mở đường cho độc quyền. Vẫn chiêu trò “chân trong chân ngoài” khi có dấu hiệu cho thấy Bộ GTVT cài cắm công ty cung cấp công nghệ lắp đặt hệ thống thu phí tự động sắp tới. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định, việc lựa chọn liên danh Công ty CP Tasco – Công ty TNHH Thu phí tự động VETC để cung cấp đã được Chính phủ đồng ý “trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT“.

Có thể khẳng định, Tổng cục Đường bộ đã ép các nhà đầu tư phải chọn liên danh trên, nếu không muốn bị làm khó. Bê bối của các dự án BOT trong thời gian qua chính là việc thiếu minh bạch, không cho công khai đấu thầu, như việc làm này của Tổng cục Đường bộ.

Tranh: Báo TTC


Bí thư tỉnh Hải Dương dùng bằng giả
Báo Thanh Niên có bài: Đại biểu Quốc hội đề nghị xác minh bằng cấp của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương bị tố cáo đã sử dụng bằng cấp 3 của một người khác nhưng “cùng họ tên, khác ngày sinh” và “đề bạt và không xử lý người khai man về bằng cấp”.

“Đồng đội” Bùi Hữu Uyển, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Phạm Xuân Thăng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương còn phải “bất ngờ” và “chưa nhận được thông tin nào” về chuyện này. Được biết, hồi tháng 10/2015, ông Hiển cũng từng bị ông Phan Ngọc Núi, cựu Phó ban Nội chính tỉnh Hải Dương tố cáo về việc “sử dụng bằng thạc sĩ không hợp pháp“, nhưng ông Hiển nói tất cả đều “không có cơ sở”.


Vấn nạn lạm thu trong trường học
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Phụ huynh than phí cao, trường bảo ‘cứ đi nơi khác’. Thắc mắc các khoản đóng góp quá cao, ông Triệu Văn Thịnh, hiệu trưởng Trường THPT thực hành Cao Nguyên, nói:

Trong văn bản chúng tôi nói rõ mỗi năm chỉ được ngân sách cấp 1,3 tỉ đồng thôi. Phụ huynh nào không đồng ý thì khỏi học, nói họ thế nhé. Chúng tôi có ép vào đây học đâu. Đây là thi tuyển mà. Phụ huynh thắc mắc cứ lên gặp tôi. Bác (tức phụ huynh – PV) thấy không phù hợp cứ chuyển trường, không sao hết. Chúng tôi có yêu cầu học đây đâu“.

Hà Nội sập trường tiểu học đang xây dựng
Báo Tuổi Trẻ có bài: Đang xây dựng, trường mầm non đổ sập. Công trình Trường mầm non Vườn Xanh tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, do Công ty TNHH thương mại và kỹ thuật Trần Vũ thi công, bất ngờ bị đổ sập. Rất may không có thương vong về người.

Được biết, đội thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm đã kiểm tra hôm 22/8, và thấy “không có vấn đề gì“, nhưng sáng 25/9, khi công nhân đang đổ bê tông thì trường sập.


“Đau lòng” về CSGT nhận hối lộ
Báo VietNamNet có bài: Lãnh đạo TP.HCM rất ‘đau lòng’ về việc CSGT nhận mãi lộ. Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM bảo rằng, ngành công an TP đã tuyển chọn cán bộ rất “kỹ”, giáo dục, tuyên truyền rất “tốt”, nhưng mà không hiểu sao CSGT vẫn “tệ” quá.

Ông Hoan cũng hứa sẽ “xử lý nghiêm”, không bao che, không dung dưỡng cán bộ sai phạm… Việc SCGT bị bắt tại trận ăn hối lộ, theo ông, mặc dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” thôi nhưng cũng khiến lãnh đạo TP “cảm thấy đau lòng“!

Lửa Văn Giang vẫn âm ỉ cháy
Facebooker Nguyễn Đình Ấm cho biết, hiện người dân trong vụ cưỡng chế đất Văn Giang vẫn còn 300 hộ chưa được đề bù thiệt hại. Tuy nhiên, Công ty Việt Hưng, chủ dự án Ecopark đã dùng công an, một số doanh nghiệp địa phương, cùng côn đồ đe dọa, trấn áp người dân.

Không chỉ có việc chiếm gần 500ha đất tại Văn Giang, chính quyền địa phương, và công ty Việt Hưng còn cấu kết, chiếm thêm rất nhiều khu đất xung quanh, con số chắc chắn nhiều hơn 500ha. Người dân đã nhiều lần khiếu nại, yêu cầu đo đạc lại diện tích đất, nhưng chính quyền đã tiếp tay cho Công ty Việt Hưng cướp đất, không giải quyết cho dân. Nhiều gia đình không nhận tiền, sẽ bị gây khó dễ như xác nhận lý lịch, bị điều con em đi lính…

Mời xem lại vụ cưỡng chế đất Văn giang: https://www.youtube.com/watch?v=prcfYdHJuGk

Tàn phá tài nguyên, môi trường
Báo Pháp luật TP có bài: Nhiệt điện Vĩnh Tân thông tin vụ cá chết gần nhà máy. Tổng Công ty Phát điện 3 – Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân cho là “không liên quan đến hoạt động của nhà máy.”

Công ty này khẳng định, trước khi hai tổ máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vận hành đốt than thử nghiệm, công ty “đã có thông báo và các cơ quan đã đến kiểm tra… các hệ thống đều làm việc bình thường.” Việc cá chết, theo công ty này là do … mưa gió!


Miền Tây kêu cứu
Báo tuổi Trẻ có bài: Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu… Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái và biến đổi khí hậu, cho biết, nước biển dâng cùng với hiện tượng sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức, đã và đang làm cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long bị đe dọa, nhấn chìm trong tương lai không xa.

Theo các chuyên gia, giải pháp là phải giám sát chặt chẽ và có chế tài nghiêm khắc với việc gây ô nhiễm nguồn nước, giảm việc khai thác nước ngầm và tận dụng nguồn nước mặt.

Về bộ phim “Chiến tranh Việt Nam”
VOA có bài của tác giả Bùi Tín: Bộ phim dài không có hậu. Tác giả đặt câu hỏi, Việt Nam giành ‘chiến thắng’ để làm gì, khi hiện tại người dân Việt không hề có những thứ mà “bên thắng cuộc” tuyên truyền, dù họ đã phải đổi bằng máu cho cái gọi là “chiến thắng” đó: không có dân chủ, vi phạm nhân quyền, tụt hậu so với thế giới…? Tác giả mong muốn các nhà làm phim chân chính ở VN nên làm một bộ phim dài nói lên những sự thật ấy, khi bộ phim “Vietnam War” bỏ sót.

Kết luận, tác giả viết: “Bộ phim sẽ rất hay, hấp dẫn hơn, có ích khi nó có hậu nói đến hậu quả các cuộc chiến cho đến ngày hôm nay, mối quan hệ Việt Mỹ nay ra sao, Việt Nam đang trong tình hình thế nào và gợi ý, nhắn nhủ cho người xem tham gia vào giải quyết những vấn đề trước mắt của thế giới ra sao. Có lẽ nó cần bổ sung thêm 1 hay 2 tập kết thúc“.

BBC có bài của TS Nguyễn Tiến Hưng: ‘The Vietnam War’ và khi Hoa Kỳ vào VN. Theo tác giả, bộ phim còn nhiều hạn chế, thiếu sót, như không đề cập tới trách nhiệm của Mỹ trong cuộc đảo chính và giết hại anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm… mà thiếu sót quan trọng nữa là không chiếu hình ảnh và phỏng vấn về việc “tại sao có chiến tranh Việt Nam – Why Vietnam War?”

Bộ phim chỉ nói về sai lầm của 5 đời tổng thống Mỹ, nhưng thực sự, theo ông Hưng, các tổng thống Hoa Kỳ đã tính toán rất kỹ về quyền lợi của họ. Ông Hưng cho biết thêm, đó là 7 quyền lợi mà Mỹ muốn bảo vệ ở Biển Đông mà Việt Nam là cửa ngõ chiến lược, chọn Việt Nam làm nơi đọ sức với Liên Xô…

RFI có bài phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc: “Người Việt cũng cần xét lại cuộc chiến Việt Nam”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, bộ phim này giúp cho chúng ta, những người Việt Nam nhìn lại quá khứ, đặt lại vấn đề về cuộc chiến, giống như người Mỹ đã làm bộ phim này. Việt Nam cũng cần có một bộ phim như thế, để chúng ta rút ra bài học gì từ cuộc chiến này.

Tác giả cho rằng, cuộc chiến này ngoài những yếu tố khác, nó còn mang tính chất nội chiến. “Và càng về sau thì tính chất nội chiến càng sâu đậm hơn. Một cuộc tàn sát nhau, huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ. Đó là một sự thật. Bảo Ninh đã nói điều đó và ở Việt Nam bây giờ có người đã nói ra, có người chưa nói ra, nhưng ai cũng thấy điều đó“, như GS Lê Xuân Khoa nói đó là chiến tranh ủy nhiệm và cuộc chiến ý thức hệ.

Tác giả Song Chi có bài trên blog RFA: Xem phim “The Vietnam War”. Theo tác giả, bộ phim dường như muốn biện minh cho người Mỹ khi đưa những hình ảnh khá mờ nhạt về vai trò của VNCH, thậm chí là “coi thường”.

Nhưng bộ phim cũng làm “bên thắng cuộc” không ưa, vì có những chi tiết phơi bày sự thật, điều mà họ muốn giấu. “Hà Nội vẫn không muốn những gì mà họ tuyên truyền bao lâu nay, qua bao thế hệ người dân VN bị phơi bày. Từ những vụ thanh trừng của đảng cộng sản thời kỳ đầu đối với tất cả những cá nhân, tổ chức không cộng sản, những trận giao tranh với con số thương vong thường cao hơn gấp bội kẻ thù, vụ thảm sát Mậu Thân, sai lầm và chủ quan trong vụ ‘tổng tiến công’ Mậu Thân làm chết hàng chục ngàn lính…”

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
BBC đưa tin: Mỹ thêm Bắc Hàn vào lệnh cấm nhập cảnh mở rộng. Lệnh cấm nhập cảnh vừa được TT Trump ký ban hành, ngoài 5 nước của lệnh cấm ban đầu là Iran, Libya, Syria, Yemen, và Somalia, hiện có thêm ba nước khác vào danh sách: Bắc Hàn, Chad và Venezuela. Thêm tin: Mỹ đưa Triều Tiên vào danh sách cấm nhập cảnh (VOA). – Donald Trump cấm cửa công dân Bắc Triều Tiên (RFI).

Những chiếc đầu “nóng” đang làm nguy cơ chiến tranh tăng lên. VOA đưa tin: Triều Tiên cáo buộc Mỹ ‘tuyên chiến’ với lãnh tụ Kim. Trong một buổi họp báo ở New York hôm 25/9, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến với lãnh tụ nước này.

Ông Ri nói: “Toàn thế giới nên nhớ rõ rằng chính Mỹ đã tuyên chiến với đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ có mọi quyền hành đưa ra biện pháp đối phó. Các biện pháp này bao gồm quyền bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược của Hoa Kỳ, ngay cả khi chúng không nằm trong không phận của chúng tôi”.

RFI có bài: Khủng hoảng Bắc Triều Tiên: Ngoại giao châu Âu có thể giúp gì? Tác giả cho rằng: “Các quan hệ với châu Âu là quan trọng đối với chế độ Bắc Triều Tiên, bởi cho phép Bình Nhưỡng gia tăng uy tín về mặt quốc tế. Các quan hệ này cũng có thể trở thành một kênh truyền thông sẽ giúp làm giảm căng thẳng, một khi được kích hoạt. Liên Hiệp Châu Âu vốn đã có một uy tín đáng kể, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, cụ thể là trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran”.

Bàn về nguy cơ chiến tranh, RFI có bài về nhận định của các chuyên gia: Chiến tranh sẽ nổ ra nếu Bình Nhưỡng thử nguyên tử tại Thái Bình Dương ? Nhà nghiên cứu Morris Jones của Lowy Institute for International Policy viết: “Chưa nói đến vấn đề chiến lược, vụ nổ và các tác động điện từ của một quả bom như thế sẽ là thảm họa. Nếu thử bom H mà không báo trước, các phi cơ sẽ bị rơi từ trên trời xuống và các bộ phận điện tử bị rối loạn. Ngay cả các vệ tinh bay ở độ thấp cũng bị ảnh hưởng. Tác động đến môi trường đại dương và nguồn lợi hải sản sẽ nghiêm trọng”.

Ông Van Jackson, chuyên gia về quốc phòng của trường đại học Victoria ở New Zealand lo lắng: “Khi thấy những con diều hâu ở Washington đã sẵn sàng lao vào cuộc chiến với Bắc Triều Tiên như thế nào, tôi không cho là ông Trump sẽ biết kềm chế trước một sự khiêu khích mới”.

Báo Người Việt: TT Trump đe dọa: Kim Jong Un ‘sẽ không thọ lâu’. Trong khi đó, theo Ngoại Trưởng Nga: ‘Mỹ không dám đánh Bắc Hàn’. Báo Người Việt dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nói: “Người Mỹ sẽ không dám đánh Bắc Hàn. Bắc Hàn không chỉ bị nghi ngờ là có võ khí nguyên tử, người Mỹ biết Bắc Hàn thật sự có võ khí nguyên tử”.

Chính trường Mỹ
VOA đưa tin về con rể và là cố vấn cấp cao Tổng thống Donald Trump, ông Kushner dùng email cá nhân trong một số công vụ của Tòa Bạch Ốc. Luật sư Abbe Lowell của ông Kushner cho biết, ông Kushner đã dùng địa chỉ email cá nhân để gửi dưới 100 email cho các trợ lý ở Tòa Bạch Ốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8.

Cũng xin nhắc lại, Tổng thống Trump lên án đối thủ tranh cử Hillary Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân và cách bà lưu giữ thông tin mật khi còn là ngoại trưởng, liên tục tấn công bà Clinton về vụ này trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống của ông ta trong năm 2016. Báo Người Việt: Con rể TT Trump dùng email riêng liên lạc với Tòa Bạch Ốc.

Cầu thủ bóng bầu dục phản đối TT Trump: Cầu thủ NFL không chào cờ để phản đối Tổng thống Trump. VOA đưa tin: “Hôm Chủ nhật, hàng trăm cầu thủ, huấn luyện viên và chủ của các các đội bóng thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL) bày tỏ phản đối Tổng thống Donald Trump bằng việc quỳ xuống và quàng tay đoàn kết với nhau thay vì đứng nghiêm chào cờ trước các trận đấu”.

RFA có bài tường trình về Hội nghị cấp cao Bộ trưởng lần thứ IX của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright, nói: “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ có vai trò quan trọng là tập hợp mọi khuynh hướng dân chủ hiện nay và lâu trước, để chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cùng giúp đỡ nhau giải quyết những thách thức chung. Nguyên tắc đoàn kết dân chủ là sức mạnh”.

Quan chức không đứng trên pháp luật
Ông Anthony Weiner, cựu dân biểu liên bang Mỹ bị kết án tù. Báo New York Times đưa tin, dân biểu Weiner đã bị tòa án liên bang ở Manhattan kết án 21 tháng tù vì gửi ảnh khỏa thân cho một bé gái 15 tuổi. Biện lý liên bang nhận định: “Tội của ông Weiner thật sự nghiêm trọng và cần phải có biện pháp để cảnh tỉnh”.

Tin châu Âu
Kết quả Bầu cử Đức: Chiến thắng không trọn vẹn của thủ tướng Merkel. Theo RFI: “Kết quả gần như chính thức trong cuộc bầu cử Quốc Hội Đức ngày 24/09/2017, Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của thủ tướng Merkel thuộc khuynh hướng bảo thủ về đầu với 33,5 % và đây là tỷ lệ tệ hại nhất của đảng này từ năm 1949. Về thứ nhì là đảng Xã Hội Dân Chủ, với khoảng từ 20 đến 21 %. Nhưng công luận Đức bàng hoàng với thành tích vượt bực của đảng dân tộc chủ nghĩa AfD cực hữu. Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ Hai, một đảng phái chính trị có tinh thần bài ngoại và dân tộc chủ nghĩa có mặt tại Quốc Hội, vì được 13 % cử tri ủng hộ”.


RFI có bài nhận định về nguy cơ tiềm ẩn cho các nước châu Âu trong vụ Catalunya đòi độc lập, tiềm ẩn một tiền lệ nguy hiểm cho châu Âu. Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng Catalunya dự kiến xảy ra ngày 01/10/2017. Nếu Calunya thành công, nhiều lãnh đạo châu Âu lo sợ, “sau Catalunya sẽ đến lượt nơi nào?”


Khủng hoảng Rohingya
RFI đưa tin: Miến Điện: Phát hiện hố chôn tập thể 28 tín đồ Ấn giáo. Theo lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo tại địa phương Ni Maw, cuộc thảm sát đã xảy ra từ ngày 25/08 khi có khoảng vài trăm người nổi loạn Rohingya tấn công vào làng của tín đồ Ấn giáo. RFA có bài: Cập nhật tình hình liên quan người tỵ nạn Rohingya.

Tình hình Trung đông
RFI đưa tin về một tướng Nga thiệt mạng gần Deir Ezzor ở Syria. Theo phóng viên RFI: “Tướng Valery Asapov là sĩ quan quân đội cao cấp nhất của Nga thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Syria kể từ khi Nga tiến hành can thiệp quân sự tại đất nước này, vào tháng 9/2015”.

Trưng cầu dân ý về độc lập vẫn diễn ra: Kurdistan trưng cầu dân ý bất chấp áp lực (RFI).


-------------------------------

Bài Mới Nhất
26/09/2017
26/09/2017
26/09/2017
26/09/2017
25/09/2017
25/09/2017
25/09/2017
25/09/2017
25/09/2017
25/09/2017










No comments: