Friday, September 22, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 21/9/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
TT Trump sẽ áp đặt chế tài mới đối với Triều Tiên --- Hàn Quốc viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên --- Đại Sứ Mỹ Nikki Haley: TT Trump không muốn chiến tranh với Bắc Hàn


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm 21/9 nói rằng ông sẽ áp dụng các biện pháp chế tài mới chống lại Triều Tiên vì mối đe doạ hạt nhân do nước này đặt ra, giữa lúc ông đang chuẩn bị gặp lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để lập kế hoạch đối đầu với Triều Tiên.

Ông Trump sẽ gặp riêng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và họp với cả hai nhà lãnh đạo này tại một bữa ăn trưa ở New York bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ để thảo luận về những nỗ lực bất thành của họ nhằm kiềm hãm lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, sản xuất vũ khí hạt nhân và thử tên lửa đạn đạo.

Ông Trump cho hay sẽ áp đặt các biện pháp chế tài mới, nhưng không nói rõ các chế tài mới khác như thế nào so với các biện pháp trừng phạt mới được Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt đối với hàng xuất khẩu, và việc cung cấp năng lượng của Triều Tiên.

Ông Trump phái nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson, đến dự phiên họp của Hội đồng Bảo an hôm thứ Năm 21/9, để nhấn mạnh nhu cầu phải thực thi các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng để hạn chế tài trợ cho phát triển vũ khí.

LHQ đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể buộc chính quyền Kim Jong Un đình chỉ các cuộc thử nghiệm vũ khí, kể cả phóng tên lửa bay ngang qua không phận Nhật Bản.

Ông Trump hôm 21/9 còn gặp các nhà lãnh đạo đang ở giữa các cuộc xung đột khu vực khác, trong đó có Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. - VOA

***
Trong bối cảnh căng thẳng liên Triều gia tăng sau các vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa, bộ Thống Nhất Hàn Quốc ngày 21/09/2017 thông báo Seoul đã thông qua một kế hoạch trợ giúp nhân đạo Bắc Triều Tiên, trị giá 8 triệu đô la. Quyết định trên gây bất bình trong công luận Hàn Quốc.

Thông cáo của bộ Thống Nhất Hàn Quốc giải thích, cử chỉ nhân đạo nói trên hoàn toàn ngoài "mọi tính toán chính trị" và "các chương trình cứu trợ nhân đạo phải được tiếp tục, đó là điều mà quốc tế đã đồng ý, kể cả Hoa Kỳ, Nga và Thụy Sĩ".

Theo Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, hiện có khoảng 200.000 ngàn trẻ em Bắc Triều Tiên đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Do vậy, Seoul dự trù viện trợ 4,5 triệu đô la thực phẩm cho phụ nữ và trẻ em thông qua Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, 3 triệu rưỡi còn lại chủ yếu nhằm cung cấp thuốc men cho Bắc Triều Tiên qua trung gian UNICEF.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, công luận Hàn Quốc không mấy tán đồng cử chỉ hòa hoãn nói trên của chính quyền Seoul. Điểm tín nhiệm của tổng thống Moon Jae In đang liên tục sụt giảm. - RFI

***
Ngay sau khi Tổng Thống Donald Trump đưa ra những lời đe dọa nặng nề nhắm đến chế độ Bắc Hàn tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm Thứ Ba, ngày hôm sau, Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói trong chương trình “CBS This Morning” rằng thực ra ông Trump không muốn có chiến tranh với Bắc Hàn.

Đài truyền hình CBS News trích lời bà Haley nói rằng “không ai muốn chiến tranh, tổng thống không muốn chiến tranh, chúng ta muốn tránh chiến tranh bằng cách đối thoại, chúng ta tìm cách tránh chiến tranh qua những biện pháp cấm vận, qua đường lối ngoại giao, và chúng ta quyết không bỏ cuộc.”

Trong bài diễn văn đầu tiên tại Hội Đồng Bảo An LHQ, ông Trump đưa ra lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử nghiệm hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử.

Để làm dịu bớt căng thẳng qua phát biểu này của tổng thống, bà Haley trấn an rằng mọi người đều tìm cách để cho lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un chú ý.

Bà giải thích rằng Hoa Kỳ có “nhiều lựa chọn quân sự” nhưng vấn đề trước mắt là “làm cho ông ta (Kim Jong-un) hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu ông ta không chịu ngưng” chương trình vũ khí nguyên tử.

Bà Haley cũng đề cập đến việc ông Trump đặt cho lãnh đạo Bắc Hàn biệt danh “Rocket Man,” tức Người Hỏa Tiễn, khiến gây chú ý của cả đại hội đồng LHQ.

Biện minh cho tổng thống, bà Haley nói: “Ngày trước khi tổng thống đọc bài diễn văn ấy, tôi có gặp tổng thống nước Uganda và ông này cũng đã từng gọi ông Kim Jong-un là ‘Rocket Man’ rồi.” - nguoiviet
|
|

2.
Trung Quốc: Nên ‘chuẩn bị tốt’ cho chuyến thăm của ông Trump

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence rằng Trung Quốc và Mỹ nên “chuẩn bị tốt” để đảm bảo chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào cuối năm nay được thành công.

Trao đổi giữa hai lãnh đạo Trung, Mỹ diễn ra bên lề cuộc tranh luận hàng năm của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nhiều khả năng ông Trump sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 11 trong khuôn khổ chuyến đi tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines và hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói những liên lạc thân mật giữa ông Tập và ông Trump đồng nghĩa với một sự “chuyển giao suôn sẻ” và một “khởi đầu tốt đẹp” trong mối quan hệ Trung-Mỹ dưới chính phủ mới, Reuters dẫn tin của Tân Hoa Xã.

“Một mối quan hệ ‘ổn định và lành mạnh’ giữa hai quốc gia có lợi cho cả hai nước và cộng đồng quốc tế”, ông Vương Nghị nói với ông Mike Pence.

Quan hệ Trung-Mỹ đã trở nên căng thẳng vì những chỉ trích của chính quyền Trump đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc và những đòi hỏi của Mỹ yêu cầu Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để gây sức ép, và buộc Triều Tiên phải đình chỉ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau lần đầu tại khu nghỉ dưỡng Mar-A-Lago của ông Trump ở bang Florida vào tháng Tư.

Kể từ đó, ông Trump đã tìm cách nêu bật mối quan hệ cá nhân với ông Tập, ngay cả khi ông chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và vấn đề thương mại.

Tại cuộc gặp, hai bên đề ra kế hoạch kinh tế 100 ngày, bao gồm một số thông báo cụ thể như tái tục bán thịt bò Mỹ ở Trung Quốc.

Nhưng từ thời điểm đó, có rất ít tiến triển về quan hệ thương mại giữa hai nước, đặc biệt sau khi ông Trump bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra thương mại về cách làm ăn của Trung Quốc thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chính quyền Trump cũng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên, đồng thời đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt mới đối với các ngân hàng và công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Trung Quốc nói họ đang làm tất cả những gì có thể được để gây áp lực đối với Triều Tiên, và các quốc gia trực tiếp dính dáng đến tình trạng bế tắc trên bán đảo này phải chịu trách nhiệm giải quyết căng thẳng. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc phản đối phát biểu của Trump về Biển Đông

Ngày 20/09/2017, sau phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.

Trong bài phát biểu ngày 19/09, tổng thống Mỹ khẳng định có « các thách thức về chủ quyền » tại Ukraina và vùng Biển Đông giàu tài nguyên, nhưng không nhắc đến tên Nga và Trung Quốc. Trong diễn văn nói trên, tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng biên giới quốc gia, tôn trọng các cam kết hòa bình.

Phản ứng lại thông điệp nói trên của nguyên thủ quốc gia Mỹ, trả lời báo giới, phát ngôn viên Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), lên án « một số quốc gia » lấy cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải để đưa máy bay và chiến hạm đến khu vực Biển Đông. Theo người phát ngôn Trung Quốc, « hành xử này » thách thức chủ quyền của « các quốc gia Biển Đông ».

Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nêu tên quốc gia nào, nhưng lưu ý là tình hình hiện nay đã được cải thiện do các phối hợp giữa Trung Quốc và ASEAN.

Việc Hoa Kỳ gia tăng tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông trong những tháng gần đây, tại các địa điểm nằm trong khu vực 12 hải lý một số đảo nhân tạo do Trung Quốc quản lý, khiến Bắc Kinh phản đối mạnh, nhưng được một số nước láng giềng hoan nghênh. - RFI
|
|

4.
Đánh giá nền ngoại giao ‘đại cường quốc’ của Bắc Kinh

Giới phân tích cho rằng những thành tựu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể là trọng tâm tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng tới, kỳ đại hội vô cùng quan trọng để chuyển giao quyền hành cho một thế hệ lãnh đạo mới diễn ra mỗi 5 năm một lần. Nhưng đừng hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bàn nhiều về những thách thức và những trở ngại mà họ phải đối mặt từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, mặc dù ngày càng có nhiều học giả ở Trung Quốc muốn lên tiếng về điều này.

Từ năm 2012, khi ông Tập lên nắm quyền ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng toàn cầu. Bắc Kinh tham gia và tìm kiếm một vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề quốc tế, trong khi đưa ra các sáng kiến riêng của mình, chẳng hạn như sáng kiến về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á và chương trình thương mại “Một vành đai và Con đường” trị giá gần ngàn tỷ đôla.

Cho đến nay ông Tập đã đi thăm gần 30 quốc gia, trên 5 lục địa và bênh vực cái gọi là "Ngoại giao Đại Cường quốc". Ông còn ủng hộ một "Giải pháp Trung Quốc," là những đề xuất của Bắc Kinh để giải đáp những vấn đề khó khăn nhất của thế giới.

Trọng tâm của chính sách đối ngoại quan trọng đến mức một số nhà phân tích nói rằng nhu cầu Trung Quốc phải đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong các vấn đề toàn cầu có thể sẽ được ghi thêm vào Điều lệ của Đảng Cộng sản trong kỳ đại hội này, cùng với một số thay đổi khác.

Các cơ quan truyền thông nhà nước gần đây đã phổ biến một văn kiện dài 6 tập về "Ngoại giao Đại Cường quốc" trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19. Những người ủng hộ lập luận rằng trong tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc nên làm những gì mà nước này cảm thấy là đúng, vào bất cứ lúc nào và bất cứ khi nào Bắc Kinh muốn.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói cách tiếp cận đó đã dẫn đến một loạt bước thụt lùi trong 5 năm qua, kể từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng Không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông để gây ra những rắc rồi trên biển Hoa Đông, và với Triều Tiên và Hàn Quốc cùng nhiều nước khác nữa.

Ông Shen Dingli, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Fudan, nhận định:

"Trung Quốc đã thất bại trong tất cả các hồ sơ Biển Đông, Biển Hoa Đông, tranh chấp biên giới Trung-Ấn, mối quan hệ với Hàn Quốc, và với Triều Tiên. Tóm lại, chính sách ‘láng giếng tốt’ của Trung Quốc không được bất kỳ nước láng giềng tán thành."

Ông Shen nói rằng bất chấp các cố gắng của mình, Bắc Kinh không thể buộc Triều Tiên ngưng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, hoặc thuyết phục Hàn Quốc đừng triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối của Mỹ – gọi tắt là THAAD. Ông Shen và một số người khác lưu ý rằng cách đối phó của Bắc Kinh với lá chắn tên lửa THAAD không chỉ thất bại mà còn đẩy Seoul ra xa Trung Quốc hơn, và khiến Seoul xích lại gần hơn với Washington.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói ngày càng có nhiều người chỉ trích ông Tập, và những lời chỉ trích đó được chú ý hơn so với những chỉ trích nhắm vào người tiền nhiệm của ông, là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Ông Cabestan nói một phần lý do là hướng tiếp cận gây đối kháng mà ông Tập đã tiến hành với nhiều nước, kể cả các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ vv…, để khẳng định quyền lực của Trung Quốc trong khu vực. - VOA
|
|

5.
Biểu tình rầm rộ chống Duterte ở thủ đô Philippines

Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Philippines vào ngày thứ Năm (21/9) để cảnh báo người dân về nguy cơ độc tài trở lại dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

Những người biểu tình diễu hành, tổ chức mít-tinh và dự thánh lễ tại nhiều địa điểm khác nhau ở Manila vào đúng ngày cố Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972, khởi đầu của một thời kỳ tàn bạo dưới chế độ áp bức đã kết thúc vào năm 1981 khi ông Marcos bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy quy mô lớn của quần chúng.

Những người biểu tình nói ông Duterte có cùng khuynh hướng độc tài như nhà độc tài quá cố, người mà ông Duterte ngưỡng mộ.

Ngay sau khi nhậm chức hồi năm ngoái, ông Duterte đã bắt đầu một chiến dịch chống ma túy quy mô lớn của cảnh sát, giết chết hàng ngàn người bị tình nghi là buôn bán ma túy.

Các nhóm nhân quyền và các chính phủ nước ngoài lên án ông Duterte về các vụ giết người liên quan tới chiến dịch chống ma túy, nhưng ông vẫn được sự ủng hộ rộng rãi ở Philippines nhờ cung cách bình dân của ông, điểm thêm những lời khoa trương đôi khi thô tục.

Ông Duterte từng dọa sẽ ban hành trên toàn quốc tình trạng thiết quân luật mà ông đã áp đặt ở miền nam Philippines để chống các phần tử nổi dậy Hồi giáo. Thậm chí hôm thứ Tư (20/9), ông Duterte cho biết ông đã ra lệnh cho cảnh sát giết các con của ông nếu chúng dính líu tới các hoạt động ma túy phi pháp.

Một đám đông những người ủng hộ ông đã tổ chức các cuộc mít tinh đối nghịch tại thủ đô Manila trong cùng ngày thứ Năm. - VOA
|
|

6.
Đặc sứ Mỹ tới khu vực bất ổn ở Myanmar

Một đặc sứ Mỹ hôm thứ Năm 21/9 đã đến gặp các quan chức địa phương tại Sittwe, bang Rakhine, Miến Điện, giữa lúc Hoa Kỳ kêu gọi quân đội nước này hãy chấm dứt bạo lực và ủng hỗ cho các nỗ lực nhằm đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề người Hồi giáo Rohingya.

Trợ lý Ngoại trưởng Patrick Murphy dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại Miến Điện, giữa lúc Hoa Kỳ thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải “hành động mạnh mẽ và nhanh chóng” để chấm dứt bạo lực.

Hôm thứ Tư, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói cuộc xung đột đang đe dọa hòa bình khu vực và thế giới.

“Hoa Kỳ lặp lại kêu gọi các lực lượng an ninh Miến Điện hãy chấm dứt bạo lực ngay lập tức và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao cho một giải pháp lâu dài. Tổng thống Trump và tôi cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an và Liên hiệp quốc hãy có hành động mạnh mẽ và nhanh chóng để chấm dứt khủng hoảng và mang lại hy vọng và sự trợ giúp cho người Rohingya trong lúc họ cần được giúp nhất. Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn và gây mầm mống hận thù, hỗn loạn cho khu vực trong nhiều thế hệ tới, đe dọa sự bình an của tất cả chúng ta, trừ phi bạo lực chấm dứt như đòi hỏi của công lý”.

Trong tháng qua, có hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy trốn khỏi Myanmar, nơi họ phải đối mặt với những vi phạm về nhân quyền và kỳ thị.

Hồi cuối tháng 8, chiến binh Rohingya đã tấn công lực lượng an ninh Miến Điện, khởi động một chiến dịch đàn áp theo kiểu trả đũa với việc thiêu rụi toàn bộ nhiều ngôi làng và giết chết phụ nữ và trẻ em đang chạy trốn.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Ba, lãnh đạo trên thực tế của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, nói quốc gia của bà không sợ sự giám sát quốc tế, và đảm bảo rằng mọi vi phạm nhân quyền hoặc “các hành động gây hại đến sự ổn định và hòa hợp” sẽ “bị nghiêm trị”.

Nhưng khôi nguyên Nobel Hòa bình nhấn mạnh rằng tất cả “các cáo buộc phải dựa trên chứng cứ vững chắc trước khi chúng tôi hành động”. - VOA
|
|

7.
Miến Điện: Phật tử cản đường nhân viên cứu trợ cho người Rohingya

Một ngày đen tối đối với Hội Chữ Thập Đỏ tại Bangladesh : ngày 21/09/2017, 9 nhân viên cứu trợ cho người Hồi giáo Rohingya Miến Điện tử vong. Nhưng mọi chú ý dồn về sự kiện tối qua ở bang Arakan, hàng trăm Phật tử chận hàng viện trợ nhân đạo cho người Rohingya.

Theo hãng tin Anh Reuters, một chiếc tàu với 50 tấn lương thực, thuốc men đã rời cảng Sittwe để tiếp viện cho người Rohingya còn kẹt lại ở miền bắc bang Arakan, phía tây Miến Điện. Nhưng khi tàu cập bến tối qua, đã có khoảng hàng trăm Phật tử dùng bom xăng ném vào nhân viên hội Chữ Thập Đỏ, ngăn cản họ đưa hàng cứu trợ vào bờ và phân phát cho người Rohingya.

Trong thông cáo chính thức, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đưa ra con số 300 Phật tử có liên quan tới vụ này. Cảnh sát đã phải can thiệp, bắn chỉ thiên giải tán đám đông, tái lập trật tự,

Trong khi đó tại Bangladesh, một chiếc xe chở hàng cứu trợ cho người Rohingya, cũng của Hội Chữ Thập Đỏ bị tai nạn vào sáng sớm hôm nay. Xe lao xuống vực làm 9 người chết, hơn một chục người bị thương. Tất cả các nạn nhân là người Bangladesh, đang trên đường chở hàng cứu trợ đến khoảng 500 gia đình người Rohingya. Tai nạn xảy ra tại phía đông nam quận Bandarban, gần biên giới Miến Điện - Bangladesh.

Bạo động bùng lên tại bang Arakan từ ngày 25/08/2017 đẩy hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya tràn sang biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh, nhưng phần lớn cộng đồng sắc tộc thiểu số này vẫn ở lại làng quê.

Theo các tổ chức phi chính phủ, số người này đang thiếu đủ mọi thứ, từ lương thực đến thuốc men. Nhà ở của họ phần lớn đều bị phá hủy. Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội Miến Điện tiến hành một cuộc "thanh lọc chủng tộc".

Trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, phó tổng thống Miến Điện Henry Van Thion hôm qua cam kết "cứu trợ nhân đạo người Rohingya là ưu tiên hàng đầu" của chính quyền Naypyitaw, và các khoản trợ giúp này sẽ được phân phát cho tất cả mọi người, "không có chuyện phân biệt đối xử". - RFI
|
|

8.
Báo chí Mỹ nói về phát biểu của Trump tại LHQ

Bài phát biểu đầu tiên của tổng thống Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 19/09/2017 dĩ nhiên đã được báo chí Mỹ hôm qua đặc biệt chú ý, nhất là giọng điệu rất cứng rắn của ông đối với những quốc gia « côn đồ » như Bắc Triều Tiên và Iran, hai quốc gia đang và đã từng có tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử. Tùy theo xu hướng, các báo Mỹ đánh giá khác nhau về phát biểu của ông Trump.

Theo nhận định của tờ Washington Post, những ai vẫn lo ngại rằng tổng thống Trump từ bỏ những giá trị truyền thống của Mỹ, có thể thấy an tâm sau khi nghe bài phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ ở LHQ. Nhưng đồng thời bài phát biểu lại gây lo ngại cho những người khác.

Theo Washington Post, ông Trump đã kịch liệt đả kích những chế độ tước hết quyền tự do của người dân như Bắc Triều Tiên hay Venezuela, nhưng ông cũng lên án những chính quyền chuyên chế muốn phá bỏ những giá trị, những hệ thống và những liên minh đã giúp tránh tái diễn xung đột và đưa thế giới đến tự do kể từ sau Thế chiến Thứ Hai. Khi bảo vệ chủ quyền của Ukraina và tự do hàng hải Biển Đông, ông Trump như vậy đã thách thức Trung Quốc và Nga.

Nhưng tổng thống Mỹ làm cho mọi người ít an tâm hơn khi đả kích « Rocket Man », biệt danh mà ông đặt cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong – Un và dọa « hủy diệt hoàn toàn » nước này. Lãnh đạo của một cường quốc tự mình tỏ ra vừa yếu thế vừa hiếu chiếu qua những lời lẽ dữ dằn như vậy. Và giữa hai thái cực đó, ông Trump lại liên tục nhấn mạnh đến chủ quyền và tỏ ý thán phục « những quốc gia độc lập và hùng mạnh ».

Và theo ông, « quốc gia – Nhà nước vẫn là phương tiện tốt nhất để nâng cao điều kiện sống của con người ». Chắc chắn là chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và tổng thống Vladimir Putin của Nga sẽ hoan nghênh quan điểm này của ông Trump, vì hai lãnh đạoNga Trung cũng đòi thế giới phải tôn trọng « chủ quyền » của đất nước họ và yêu cầu những nước khác đừng bảo họ tuân theo những giá trị phổ quát về nhân quyền và dân chủ.

Còn theo tờ The Atlantic, bài phát biểu đầu tiên của ông Donald Trump lại là bài phát biểu kém hiệu quả nhất, yếu kém nhất và do dự nhất của một vị tổng thống Mỹ tại diễn đàn LHQ. Tờ báo này đặc biệt chú ý đến hai hồ sơ mà ông Trump nên lên, đó là Iran và Bắc Triều Tiên.

Theo tờ báo này, tổng thống Trump được cho là sẽ từ chối chứng nhận Iran tuân thủ hiệp định hạt nhân năm 2015, trái với lời khuyên từ nội các của ông. Lẽ ra trong bài phát biểu tại LHQ, tổng thống Mỹ nên giải thích tại sao Iran bị xem là không tuân thủ hiệp định hạt nhân và Teheran cần phải làm gì để được chứng nhận. Lẽ ra, ông nên đề ra chiến lược rõ ràng trong trường hợp rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran. Đằng này, ông Trump chỉ liệt kệ những hành động « khiêu khích » và « xâm lấn » của Iran ở Trung Đông và tuyên bố hiệp định hạt nhân ký với Iran là « một trong những hiệp định tệ hại nhất mà Hoa Kỳ tham gia cho tới nay ».

Cũng theo The Atlantic, những tuyên bố của tổng thống Trump về Bắc Triều Tiên thì còn tệ hại hơn. Lẽ ra, ông nên tranh thủ dịp này để giải thích cho cả thế giới tại sao chương trình tên lửa đạn đạo là một mối đe dọa cho hòa bình trên toàn cầu. Rằng chế độ họ Kim đã liên tục vi phạm những hiệp định trước đây và Kim Jong Un nay không chỉ tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ, mà còn muốn phá vỡ liên minh giữa Mỹ với Hàn Quốc và dùng vũ lực để thống nhất bán đảo Triều Tiên. Thế mà ông Trump lại chủ yếu nói về sự đàn áp của chế độ Bình Nhưỡng với người dân trong nước, trong khi đây không phải nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng hiện nay.

Cũng theo The Atlantic, lẽ ra tổng thống Trump phải nói rằng nếu Bắc Triều Tiên tấn công Hoa Kỳ hay các đồng minh của Mỹ, Washington sẽ tiêu diệt chế độ họ Kim. Đằng này, ông Trump lại dọa sẽ « hủy diệt hoàn toàn » cả đất nước và người dân Bắc Triều Tiên, một điều hoàn toàn trái với chủ thuyết của Mỹ từ bao thập niên qua.

Như vậy thì người ta chỉ có thể kết luận rằng, tổng thống Trump chẳng biết phải đối phó như thế nào trước hiểm họa tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên. Rõ ràng ông vẫn ấm ức về chuyện quân đội và bộ trưởng Quốc Phòng khuyên ông không nên mở tấn công ngăn ngừa vào Bắc Triều Tiên.

The Atlantic cũng lưu ý rằng trong bài phát biểu trước LHQ, ông Trump đã không đả động đến những tham vọng địa chính trị của Trung Quốc và Nga, có nhắc qua vấn đề Ukraina và Biển Đông, nhưng lại không nêu đích danh Nga và Trung Quốc.

Còn tờ Los Angeles Times thì đặt câu hỏi trong hàng tựa: « Liệu bài phát biểu về « Rocket Man » của Trump có sẽ dẫn chúng ta đến chiến tranh » ?

Theo tờ báo này, vấn đề đối với lời đe dọa của Trump không chỉ là ngôn từ trẻ con ( Rocket Man ) mà ông sử dụng, hoặc là nó làm cho người ta không còn chú ý đến những nội dung còn lại trong bài phát biểu, mà là lời đe dọa đó rất có thể sẽ phản tác dụng.

Tờ báo dẫn lời ông Richard Haass, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng cười nhạo Kim Jong –Un « rất có thể sẽ càng khiến Bắc Triều Tiên thêm quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa hơn là buộc họ hạn chế hoặc từ bỏ những vũ khí đó ».

Tờ báo nhắc lại trong thương lượng ngoại giao, muốn thành công thì bao giờ cũng phải dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt. Trong khi đó, Trump lại không làm như vậy. Ông chỉ bảo rằng con đường duy nhất để Bắc Triều Tiên giải tỏa khủng hoảng là từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân, nhưng lại không đưa ra một bảo đảm nào cho chế độ Bình Nhưỡng nếu họ chấp nhận giải pháp đó.

Theo Los Angeles Times, cách làm như thế thì có thể đạt kết quả trong chuyện buôn bán địa ốc ở New York, nhưng không thể nào thành công với một quốc gia có chủ quyền, đang nắm vũ khí hạt nhân trong tay, mà lại rất đa nghi.

Tổng thống Trump nay cũng dọa rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran, mà người tiền nhiệm Obama đã ký kết và cũng nói thêm là nếu thay đổi được chế độ ở Teharan thì càng tốt. Los Angeles Times đặt câu hỏi : Vậy thì Bắc Triều Tiên làm sao mà hy vọng sẽ được đối xử tốt hơn. Những thông điệp trái ngược nhau đó sẽ không thúc đẩy Kim Jong Un ngồi vào bàn đàm phán.

Đối với tờ The National Interest, bài phát biểu của ông Trump tại LHQ thể hiện một thay đổi lớn, nhưng đây không phải là một sự thay đổi mà các nhà quan sát chờ đợi.

Theo The National Interest, sau hơn sáu tháng nhà tỷ phú New York ở Nhà Trắng, người ta vẫn chưa biết nhiều về « hai ông Trump ». Một « Trump Trình Diễn », chuyên viết tin nhắn Twitter và đưa ra những bình luận vừa phẫn nộ từ những người chống đối ông, nhưng lại gây hào hứng cho những người ủng hộ ông. Và một « Trump Nghiêm Chỉnh », một người ra quyết định với quyết tâm và suy nghĩ chín chắn.

Chính ông « Trump Nghiêm Chỉnh » đã đưa ra quyết định về chính sách Afghanistan và loan báo một hành động mới trong một bài phát biểu chừng mực. Nhưng ông « Trump Nghiêm Chỉnh » lại không được thể hiện trong những bài diễn văn về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Bài diễn văn tại thượng đỉnh NATO đầu tiên của tân tổng thống Mỹ lại vô cùng thảm hại, vì trong đó ông lại dùng những ngôn từ như vào lúc còn tranh cử và có những phát biểu thiếu chín chắn.

Nhưng theo The National Interest, tại LHQ, ông Donald Trump đã thể hiện là một nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới. Theo nhãn quan của ông Trump, nền tảng của trật tự thế giới chính là những quốc gia hùng mạnh. Các định chế đa quốc gia và định chế quốc tế chỉ là những « siêu cấu trúc » nằm bên trên. Và nếu những định chế đó không phục vụ đúng nhu cầu của các quốc gia, thì ông không cần đến họ.

Theo The National Interest, nhãn quan này đối lập với nhãn quan cho rằng chính các tổ chức quốc tế phải áp đặt trật tự thế giới thông qua một cơ chế lãnh đạo toàn cầu. Và để được như thế, các quốc gia phải trao thêm quyền cho các tổ chức đó. Nhưng cũng có một nhãn quan khác của những nước như Nga và Trung Quốc. Hai nước này không muốn thế giới bị áp đặt toàn bộ các chuẩn mực mà chỉ lấy những gì họ muốn và sửa đổi lại theo đứng yêu cầu của họ.

The National Interest khẳng định, tuy trong bài diễn văn tại LHQ tổng thống Trump đã không chỉ đích danh Matxcơva và Bắc Kinh trong danh sách những « bad boy » phá hoại trật tự thế giới như Kim Jong Un, nhưng chắc chắn là chính quyền Trump vẫn xem Nga và Trung Quốc là hai chế độ đối nghịch.

Khi gia tăng ủng hộ Ukraina và tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, tổng thống Trump muốn cảnh báo Matxcơva và Bắc Kinh rằng nếu họ đụng đến Mỹ thì Mỹ sẽ không để yên. - RFI
|
|

9.
Trump hạ thấp vai trò Đại Hội Đồng LHQ

Trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, một thể chế mà mục đích tồn tại là để giải quyết các mâu thuẫn, tổng thống của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đã đe dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên - « một nhà nước côn đồ ».

Báo Le Monde, trong bài xã luận « Trump hạ thấp Liên Hiệp Quốc », đã nhận xét là phát biểu đầu tiên trước đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump rất hung hăng và hiếu chiến.

Theo Le Monde, về hình thức, bài diễn văn đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chỉ là một Tweet theo phong cách Trump, quá giản đơn, không lo gic và chỉ là một phát ngôn gây sốc : Donald Trump đã chỉ trích « các hành động tự sát » của một chế độ « bất thường » và của các chế độ độc tài tham nhũng khác. Dùng ca khúc Rocket man của danh ca Elton John để nói về lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dường như ông Trump đã nhầm lẫn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với một chương trình truyền hình thực tế. Tổng thống Donald Trump cũng đã coi một trong những cố gắng ngoại giao quan trọng nhất trong những năm qua là điều đáng xấu hổ khi nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là điều tệ hại.

Về nội dung, bài diễn văn của Donald Trump không khiến công luận an tâm. Nội dung bài phát biểu trước đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc giống nội dung chính sách ngoại giao trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống của ông Trump hôm 20/01/2017. Nguyên tắc cơ bản của chủ nhân Nhà Trắng về quan hệ quốc tế vẫn là lợi ích dân tộc là trên hết, kiểu « mỗi người vì một người ». Ông Trump đã quay lưng lại với các thỏa thuận đa phương mà quốc tế coi là quan trọng sống còn, chẳng hạn thỏa thuận khí hậu Paris hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều đó cũng có nghĩa là tổng thống Mỹ Donald Trump quay lưng lại với truyền thống Mỹ trong việc tham gia và lãnh đạo trên trường quốc tế.

Nếu ai muốn tìm những trích dẫn tích cực về nhân quyền hay giá trị nhân đạo trong diễn văn của tổng thống Mỹ thì chỉ phí công vô ích! Ông Trump đã gắn các chế độ Bắc Triều Tiên, Iran và Venezuela với « trục tội ác » - khái niệm của một trong những người tiền nhiệm - ông Georges Bush. Tuy nhiên, ông Trump lại không đề xuất được các giải pháp.

Le Monde đánh giá ngoài lý tưởng dân tộc chủ nghĩa mà ông Trump trương ra, không thể tìm thấy trong bài phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ một đường lối chính trị rõ ràng, một chiến lược quốc tế hợp lý xứng tầm với một quốc gia như Mỹ. Đó chỉ là một chính sách thực dụng « rỗng tuếch » kiểu Donald Trump, cùng với những đe dọa chiến tranh với Bắc Triều Tiên hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Vẻ mặt tối sầm của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Halley khi nghe tổng thống Trump phát biểu phần nào cho thấy thái độ của các nhà ngoại giao Mỹ. Đó cũng chính là một trong những sự bất hợp lý trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong suốt 9 tháng qua.

Le Monde kết luận, bài phát biểu của Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đặt ra một thách thức lớn cho phần còn lại của thế giới, nhất là châu Âu. Đối tác và liên minh quan trọng của Hoa Kỳ đang đối lập với Washington trên nhiều hồ sơ như Iran, khí hậu và chủ nghĩa đa phương. Bài phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuelle Macron, chỉ hai giờ sau bài diễn văn của đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, đã cho thấy rõ điều đó. Liên minh hai bờ Đại Tây Dương đã không còn ý nghĩa. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Ai sẽ là chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang năm 2018?

Các giới chức ngân hàng trung ương Mỹ chưa tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang, gọi tắt là là Fed, cho hay sẽ bắt đầu thu hẹp tài sản có trị giá khổng lồ gồm trái phiếu và chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Trong lúc quyết định hoãn tăng lãi suất và thu hẹp (hay đưa về mức bình thường) bản cân đối kế toán 4.500 tỉ đôla không nằm ngoài dự đoán trước đó, vấn đề đang thu hút nhiều sự chú ý hiện nay là ai sẽ lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ khi nhiệm kỳ chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang của bà Janet Yellen sẽ kết thúc vào đầu năm tới.

Bất chấp những thiên tai bão tố gây thiệt hại nặng nề mới đây, kinh tế Mỹ vẫn trụ vững. Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen nói rằng các doanh nghiệp tiếp tục thuê mướn lao động, mức chi tiêu trong công chúng vẫn tăng, và đầu tư vào doanh nghiệp tiếp tục mở rộng.

Bà Yellen phát biểu: "Tuy nhiên trong quý ba, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại do bị ảnh hưởng nặng nề của các trận bão Harvey, Irma và Maria.”

Bà Yellen nói rằng tình trạng tăng trưởng kinh tế bị chậm lại có thể sẽ không kéo dài. Do đó từ đầu tháng tới, thay vì tăng lãi suất, Fed sẽ bắt đầu kế hoạch bán dần khối trái phiếu và chứng khoán khổng lồ và Fed đã mua vào kể từ cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Bà Tara Sinclair, nhà phân tích kinh tế của trang web Indeed.com nói cách làm này của Fed qua thời gian có thể khiến lãi suất tăng lên.

Bà Sinclair: "Đây là một giai đoạn mới của Fed, và họ cần phải theo dõi phản ứng của thị trường đối với kế hoạch thu hẹp và tái đầu tư trên bản cân đối ngân sách của Fed.”

Trong lúc những thắc mắc vẫn xoay quanh vấn đề tại sao lạm phát không tăng theo cùng nhịp với đà khôi phục kinh tế, một câu hỏi nữa đặt ra là ai sẽ lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ vào năm tới khi bà Janet Yellen mãn nhiệm.

Ông Mark Hamrick, một nhà phân tích lãi suất ngân hàng nhận định: "Câu hỏi thực sự là liệu bà Yellen sẽ được tái bổ nhiệm hoặc được tổng thống tái đề cử? Theo tôi thì không có xu hướng bà Yellen sẽ được tái bổ nhiệm.”

Và nếu không phải là bà Yellen, thì sẽ là ai? Một cái tên thường được nhắc tới hiện nay là Cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Gary Cohn.

Biên tập viên Tom Buerkle của hãng thông tấn Reuters bình luận rằng nếu ông Cohn được tổng thống đề cử, thì điều đó sẽ phá vỡ truyền thống của lãnh đạo ngân hàng trung ương. Ông nói “Feb chưa từng có một chủ tịch không phải là một nhà kinh tế trong gần 40 năm qua và lần sau cùng chuyện đó xảy ra đã mang lại một kết quả không mấy tốt đẹp.”

Tuy nhiên ông Buerkle nói rằng ông Cohn mang đến cho giới lãnh đạo Tòa Bạch Ốc nhiều kỹ năng quý giá trong tư cách là một nhà giao dịch thành công trên thị trường tài chánh Phố Wall. Và nhiều kinh tế gia cũng bình luận rằng còn quá sớm để loại bà Yellen ra khỏi danh sách. Nhiều người tin rằng bà Yellen đã lèo lái chính sách tiền tệ của Mỹ qua một thời kỳ khó khăn và không để xảy ra biến động đáng kể nào.

Nhà phân tích kinh tế Tara Sinclair nhận định: “Rất khó đoán chính quyền này sẽ làm gì nhưng cá nhân tôi bỏ phiếu ủng hộ bà Yellen ngay lập tức.”

Hội đồng bảy ủy viên của Feb có thể có bốn ghế trống vào khoảng thời gian bà Yelleb mãn nhiệm vào tháng 2 năm tới. Nhưng bà Yellen, 71 tuổi, nữ chủ tịch đầu tiên của của Fed, chưa lên tiếng liệu bà có đồng ý làm thêm một nhiệm kỳ nữa hay không. - VOA
|
|

11.
Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions: Cần sa vẫn còn bất hợp pháp

Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ, ông Jeff Sessions, hôm Thứ Tư chỉ trích việc hợp thức hóa cần sa tại một số tiểu bang, cảnh cáo rằng luật của chính phủ liên bang nhằm cấm dùng và bán cần sa “vẫn còn có hiệu lực”, một điều có thể tạo thêm lo ngại là có sự bố ráp của chính phủ đối với kỹ nghệ “hái ra tiền” này.

Ông Sessions nói: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng chúng ta nên hợp thức hóa cần sa,” khi trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo tại San Diego, nhân việc loan báo Tuần Duyên Mỹ tịch thu được số lượng ma túy kỷ lục trong tài khóa 2017, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.

“Tôi không thấy rằng đất nước chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nếu cần sa được bán ở mỗi góc phố,” ông cho hay, nói thêm rằng các tổ chức y tế chống lại việc này và luật chính phủ liên bang cũng cấm.

Kể từ khi giữ chức vụ điều hành Bộ Tư Pháp hồi Tháng Hai, ông Sessions đưa vấn đề ma túy, tội phạm hung dữ và di dân bất hợp pháp trở thành ba ưu tiên hàng đầu của cơ quan công lực, bản tin Reuters cho hay.

Hiện chưa rõ là việc ông Sessions chống hợp thức hóa loại ma túy này sẽ có ảnh hưởng thế nào đối với các tiểu bang như Oregon, Washington, Colorado và California, đang ở trong số các nơi cho dùng cần sa để trị bệnh cũng như để tiêu khiển.

Trong thời chính phủ Obama, Bộ Tư Pháp lúc đó đưa chính sách là vẫn duy trì luật chống ma túy của liên bang nhưng “không coi là ưu tiên hàng đầu” tại những tiểu bang nơi việc dùng cần sa được hợp thức hóa.

Trong khi đó, cần sa đang nhanh chóng trở thành một kỹ nghệ lớn lao, lên tới nhiều tỉ đô la, và nhiều tiểu bang đang nhắm tới cần sa là nguồn thuế quan trọng. - nguoiviet
|
|

12.
Google mua HTC với giá 1,1 tỷ đô la

Thương hiệu Google của tập đoàn Alphabet đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ đô la Mỹ với hãng điện thoại HTC (Đài Loan) nhằm mở rộng thị phần điện thoại thông minh.

Theo Phó Chủ tịch Google Rick Osterloh, thương vụ này là bước tiến mới nhất của Google trong giai đoạn đầu tham gia vào thị trường phần cứng.

Thỏa thuận này được xây dựng dựa trên nền tảng hợp tác có sẵn giữa hai tập đoàn công nghệ.

HTC là nhà sản xuất các dòng điện thoại thông minh của Google, bao gồm dòng điện thoại Pixel và Pixel XL. Phiên bản mới nhất của các sản phẩm này sẽ ra mắt vào tháng sau.

Tuy không mua đứt HTC nhưng khoảng 2000 nhân viên bộ phận nghiên cứu và phát triển của HTC hiện đang phụ trách việc phát triển điện thoại thông minh Pixel sẽ được điều chuyển công tác tới Google. Ngoài ra, Google sẽ có bản quyền sử dụng các sáng chế của HTC.

Thương vụ này tạo ra cơ hội lớn cho cả HTC và Google.

Với công nghệ của HTC, Google có thể nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình khi có sự liên hệ chặt chẽ hơn giữa phát triển phần cứng và phần mềm, điều mà đối thủ lớn như Apple với iPhone và iOS đang chiếm ưu thế.


HTC từng là một trong những công ty đứng đầu trong thị trường điện thoại thông minh nhưng không thể cạnh tranh với Apple và Samsung.

Với 1,1 tỷ đô la từ Google, HTC sẽ có tiềm lực tài chính để giữ thị phần điện thoại thông minh hiện tại và phát triển công nghệ thực tế ảo.

Google dự tính thương vụ này sẽ kết thúc vào đầu năm 2018 sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Cổ phiếu của HTC đã bị đình chỉ mua bán tại thị trường Đài Loan. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

13.
Việt Nam bị cảnh báo có sốt rét kháng thuốc từ Campuchia

Một “siêu ký sinh trùng” kháng thuốc chống sốt rét đã lan tới Việt Nam từ Campuchia và các nhà khoa học cảnh báo điều này có thể dẫn tới hệ quả đáng báo động trong việc điều trị căn bệnh lây lan qua muỗi ở Việt Nam.

Một nhóm các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này nhận định siêu ký sinh trùng sốt rét kháng artemisini có khả năng kháng các phương thuốc điều trị bệnh sốt rét tốt nhất hiện nay và đã lây lan khắp các nước tiểu vùng sông Mekong.

Nghiên cứu này khẳng định thêm nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới rằng Việt Nam là một trong số 4 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tỷ lệ kháng Artemisinine ngày càng gia tăng gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đơn vị Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Oxford (MORU) ở Thái Lan, trong một bài viết trên tờ Lancet Infectious Diseases, cho biết siêu ký sinh trùng có nguồn gốc từ Campuchia dẫn đến sự tăng vọt của các ca điều trị bệnh sốt rét thất bại ở các tỉnh phía nam Việt Nam.

Theo số liệu của MORU cung cấp cho VOA, tỷ lệ thất bại trong các ca điều trị ở Việt Nam tăng từ 0% vào năm 2012 đến 26% vào năm 2015. Bình Phước chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo báo cáo của các Viện sốt rét năm 2015, Bình Phước là “cái nôi” sốt rét và kháng thuốc của Việt Nam.

Có khoảng 214 triệu ca nhiễm sốt rét trên toàn cầu vào năm ngoái, giết chết khoảng 438 người, phần lớn là trẻ em. Châu Phi đứng đầu về số tử vong, chiếm 90%. Đứng thứ 2 là khu vực Đông Nam Á, chiếm 7%. Theo số liệu của WHO, số ca tử vong từ sốt rét giảm đến 85% ở Đông Nam Á kể từ năm 2000.

Một cựu chuyên gia của Bộ Y tế cho VOA biết sốt rét không phải là căn bệnh lan truyền rộng ở Việt Nam và hiện đang nằm trong tầm kiểm soát. GS.TS Nguyễn Thị Khê của Viện vệ sinh Y tế Công cộng nói:
"Chỉ có 1 vài vùng nào đấy (sốt rét) mới lưu hành thôi còn nói chung là đã khống chế được. Những vùng dịch tế cũ từ xưa đến giờ thì có lưu hành. Vùng sốt rét nhiều nhất là ở khu vực miền núi, ở Tây Nguyên nơ có rừng rú, còn ở đồng bằng thì ít có."

Một chuyên gia của Trung tâm Y tế dự phòng Kiên Giang không muốn nêu danh tính, cho VOA biết chỉ có 2 ca nhiễm sốt rét cho tới thời điểm này trong năm nay ở Kiên Giang, một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Mekong. Chuyên gia này cho biết 2 ca nhiễm trên đều ngoại lai – “họ là những công nhân từ Đồng Nai.”

"Sốt rét ở Kiên Giang thì gần 5 năm nay đã xử lý xong hết rồi," theo chuyên gia này.

Mặc dù chưa nghe tới sự lan truyền của siêu kháng sinh kháng thuốc sốt rét mà các nhà khoa học vừa công bố, GS.TS Nguyễn Thị Khê nói: "Nếu kháng thuốc mà có và nó lan rộng ra thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Nhưng đối với Việt Nam hiện nay theo tôi nghĩ không có vấn đề gì trầm trọng về sốt rét mà chủ yếu là sốt xuất huyết thì rất trầm trọng."

Việc sốt rét ít được quan tâm trong những năm gần đây, phần nhiều vì hiện nay sự chú ý đang hướng về những căn bệnh cũng do muỗi lan truyền, chẳng hạn như zika hay sốt xuất huyết, cũng chính là những lo ngại từ các nhà chuyên môn.

Với sự lây lan của ký sinh trùng kháng thuốc từ Campuchia sang Việt Nam, Thái Lan và Lào, các chuyên gia lo sợ hiện tượng kháng thuốc artemisinin có thể một lần nữa lan rộng trên toàn thế giới. Họ cảnh báo rằng nếu không có giải pháp thì số các ca tử vong do kháng thuốc từ 700.000 mỗi năm hiện nay có thể tăng lên tới hàng triệu mỗi năm vào 2050. Con số này bao gồm các loại bệnh gồm cả sốt rét.

Giáo sư Arjen Dondorp của MORU nói ông “hy vọng đây sẽ là bằng chứng được sử dụng để tái khẳng định tính cấp bách của nỗ lực xóa bỏ bệnh sốt rét ở tiểu vùng sông Mekong, trước khi trùng sốt rét falciparum trở nên không thể chữa trị được.” - VOA
|
|

14.
Vụ Nguyễn Xuân Anh: ‘Hàng trăm người chức quyền từng học ở SCUPS’

Người sáng lập một trường đại học ở Mỹ, hiện là tâm điểm trong “cơn bão chính trị” của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đã lên tiếng “bảo vệ danh dự” và cho biết “từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp bằng ở Việt Nam”.

Tiến sĩ Donald Hecht, hiện còn là chủ tịch của California Southern University (CSU), nói với VOA Việt Ngữ rằng “chúng tôi không bao giờ muốn dính líu tới chính trị nội bộ của bất kỳ nước nào, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn bảo vệ phẩm giá, danh tiếng và danh dự của trường và các sinh viên chúng tôi”, “nhất là hàng trăm cựu sinh viên đang sống ở Việt Nam”.

Trong thông báo gây “chấn động” dư luận hôm 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng một trong các vi phạm của ông Anh là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm”.

Theo báo Tuổi Trẻ, bí thư trẻ tuổi này từng học và lấy bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh của trường Humber College, Canada, từ năm 1995 tới 1998, rồi sau đó từ tháng 3/2001 đến 9/2002, ông học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh rồi từ tháng 3/2005 đến 12/2006, ông lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại trường của Mỹ là Southern California University for Professional Studies (SCUPS) [nay gọi là California Southern University (CSU)], trường chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận bằng.

Ông Hecht xác nhận với VOA Việt Ngữ về chuyện bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh:

“Chúng tôi có thể khẳng định rằng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh học tại SCUPS và nhận bằng MBA [Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh] vào tháng Sáu năm 2002 và bằng DBA [Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh] vào tháng 12 năm 2006. Bằng của ông ấy và của các sinh viên Việt Nam khác đã được chứng thực bởi cơ quan chức năng của California và Tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco. Ông ấy học một khóa liên kết giữa SCUPS và Đại học Bách khoa”.

Về bằng DBA do trường này cấp, đang gây tranh cãi ở Việt Nam, ông Hecht nói rằng mất “3 năm” và “dưới 30 nghìn đôla” để hoàn tất và lấy được bằng này. Ông cũng nói thêm rằng “không nên nhầm lẫn giữa DBA và Ph.D [bằng tiếng sĩ được nhiều trường cấp]”.

Ông nói tiếp: “Ph.D thường phải mất 4 hay 5 năm hoặc lâu hơn để hoàn thành vì nó thiên về nghiên cứu; trong khi DBA theo hướng thực hành dựa trên kinh nghiệm thực tiễn về quản lý và kinh doanh, nên một người có kinh nghiệm có thể hoàn thành sớm hơn”.

Tiến sĩ Hecht cho biết rằng tới nay, các chương trình của CSU “100% học trên mạng”. “Tuy nhiên, đối với các chương trình quốc tế, chúng tôi còn hướng dẫn trong lớp cho sinh viên. Chúng tôi cử các giáo sư Mỹ sang Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia hướng dẫn cho sinh viên”, ông nói thêm.

Khi được VOA Việt Ngữ hỏi rằng trường có được các cơ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chất lượng trong giai đoạn 2002 – 2007, tức thời gian ông Anh nhận bằng, ông Hecht nói rằng “trường chúng tôi được thành lập năm 1978 và trường với tên gọi khi ấy là Southern California University for Professional Studies (SCUPS)” và đã “được thông qua cho phép cấp bằng bởi California Bureau for Private Postsecondary Education (BPPE)”, một cơ quan đảm trách việc giám sát các trường đại học và cao đẳng tư ở California, theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt.

Theo tìm hiểu thông tin trên trang web của BPPE, cơ quan này “chịu trách nhiệm chung về việc bảo vệ người tiêu dùng và các sinh viên trước nguy cơ lừa đảo”. Tin cho hay rằng những cơ quan giáo dục được cơ quan này công nhận vẫn cần được công nhận về năng lực và tín nhiệm bởi các cơ quan cấp quốc gia và cấp vùng được Bộ Giáo dục Mỹ thừa nhận.

Ông Hecht nói tiếp: “Năm 2010, trường được Ủy ban Cấp chứng nhận Giáo dục Từ xa (DEAC), một cơ quan cấp giấy chứng nhận cấp quốc gia công nhận và chính thức đổi tên từ SCUPS sang California Southern University để phân biệt giữa giai đoạn không được thừa nhận trước đó và tình trạng được công nhận chất lượng hiện thời”. Ông nói thêm rằng năm 2015 trường cũng đã được công nhận chất lượng bởi WASC, một tổ chức cấp vùng được Bộ Giáo dục Mỹ thừa nhận.

“SCUPS đã cung cấp các chương trình học từ xa ở Việt Nam, Trung Quốc và châu Á những năm 90. Vào thời gian đó, trường không được cấp chứng chỉ chất lượng nhưng được thông qua bởi BPPE”, Chủ tịch Hecht nói.

“SCUPS cũng được Bộ Giáo dục [và Đào tạo] Việt Nam chấp thuận cấp bằng ở Việt Nam với chữ ký của hai thứ trưởng khi chúng tôi liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình được chấp thuận này đã giúp hàng trăm người học thuộc nhóm chức quyền ở Việt Nam thời đó đạt mục tiêu học vấn là có được giáo dục kiểu Mỹ hợp lệ. Chúng tôi tin rằng chúng tôi nằm trong số các trường đầu tiên của Mỹ được cho phép liên kết với một trường hàng đầu tại Việt Nam”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác nhận thông tin này.

Ông Hecht nói tiếp: “Trong khi chúng tôi đã được chấp nhận ở hầu hết các nước, trong đó có Trung Quốc, vốn có cùng một hệ thống chính trị tương tự như Việt Nam, chúng tôi tin rằng thật là không công bằng khi một số chương trình và trường quốc tế không được cấp chứng nhận chất lượng hay không được công nhận ở cấp vùng [tại Mỹ] lại được chấp nhận ở Việt Nam, trong khi California Southern University thì không”.

VOA Việt Ngữ cũng đã liên hệ với trường cao đẳng cộng đồng Humber College, Canada, nơi ông Nguyễn Xuân Anh được cho là học cử nhân Quản trị Kinh doanh, nhưng không nhận được hồi đáp.

Tìm hiểu trên trang web của trường về khóa quản trị kinh doanh, VOA tiếng Việt thấy có một khóa cấp chứng chỉ, không cấp bằng cử nhân.

Ngoài việc đưa tin về những sai phạm khác liên quan tới ông Anh, như “sử dụng chiếc ô tô do doanh nghiệp tặng” hay “sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp”, báo chí trong nước “xoáy” nhiều vào chuyện bằng cấp, vốn từng nhiều lần gây “sóng gió” cho một số quan chức cao cấp khác trong đảng.

VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với ông Nguyễn Xuân Anh để hỏi ông những thông tin liên quan.

Viết trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết: “Chuyện bằng cấp, chuyện quản lý đô thị và đất đai, chuyện sắp xếp nhân sự, chuyện nguyên tắc đảng đều không phải là tình tiết chính trong câu chuyện chính trường đang lùm xùm ở Đà Nẵng. Đó cũng chẳng phải là lý do để Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, bởi những sai phạm được liệt kê thật bình thường, và có thể tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào”.

Cư dân Đà Nẵng này bình luận tiếp: “Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin. Khán giả dần mất kiên nhẫn với vở kịch bế tắc này, và để câu chuyện không kéo dài lâu hơn, Trung ương buộc phải can dự để hạ màn cả hai diễn viên chính…” - VOA
|
|

15.
Ông Lưu Vân Sơn là ai?

Quan chức Đảng Cộng sản cao cấp thăm Việt Nam và Campuchia từng bị phê phán là có đầu óc Maoist và quản lý truyền thông Trung Quốc một cách cứng nhắc.

Ông Lưu Vân Sơn vừa đến Hà Nội và sau đó tới Phnom Penh trong chuyến thăm cao cấp trước kỳ Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay, khi ông dự kiến sẽ nghỉ hưu.

Phù Mao 'trảm' Tất Phúc Kiếm

Hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư và Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương của ĐCS Trung Quốc, ông Lưu Vân Sơn là nhân vật của bộ máy tuyên giáo Trung Quốc.

Từ sau Đại hội 18 (11/2012), ông được giao trọng trách nắm về tổ chức, nhân sự và công tác 'xây dựng Đảng'.

Ông cũng là một trong bảy ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đứng sau các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang và Du Chính Thanh.

Dù chính thức nắm mảng tuyên giáo, ông có vẻ không có nhiều quyền lực bằng ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Tập Cận Bình trong các chiến dịch chỉnh Đảng, chống tham nhũng, theo các báo Hong Kong.

Hồi năm 2015, ông Lưu khai bút viết một bài phê phán thái độ "lơ là về tư tưởng" trong bộ máy và phản bác một thứ "văn hóa chính trị" khiến đảng viên, kể cả cao cấp và người nổi tiếng không bám sát "đường lối của Đảng" và di sản của Mao Trạch Đông.

Giới bình luận tại Trung Quốc tin rằng bài báo của ông Lưu nhắm vào ngôi sao truyền hình Trung Quốc, ông Tất Phúc Kiếm, người bị ghi hình nói ở chốn riêng tư lời nhạo báng Mao Trạch Đông.

Ông Tất, trong một dịp gặp bạn bè, đã hát bài từ vở ca kịch cách mạng thời Mao 'Dùng mưu chiếm núi Hổ' (Trí thủ uy hổ san - Taking The Tiger Mountain by Strategy), và khi ai đó nói về Mao thì ông buông một câu, "Thôi đừng nhắc đến thằng chó đẻ đó nữa. Nó chỉ hành hạ chúng ta".

Sau vụ việc và bài báo của ông Lưu Vân Sơn, ông Tất Phúc Kiếm bị mất việc tại đài truyền hình trung ương CCTV nhưng không bị xử tội gì.

'Bảo thủ, chống cải cách'?

Tuy là nhân vật chuyên về quan hệ Đảng và tuyên truyền, ông Lưu Vân Sơn cũng bị một trí thức Trung Quốc viết bài đăng trên báo lề trái, kể tội là kẻ "Maoist bảo thủ, chống lại cải cách".

Năm 2014, Thiết Lưu, một cây bút cao tuổi đã đăng bài nói Lưu Vân Sơn thực ra là người của Giang Trạch Dân, và ủng hộ Nhóm Trùng Khánh của Bạc Hy Lai, "chống lại Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn và Lý Khắc Cường".

Tác giả này, tên thật là Hoàng Trạch Vinh, tố cáo ông Lưu Vân Sơn như sau:

"Trong hơn một thập niên, với ngành xuất bản, phát thanh truyền hình dưới quyền Lưu Vân Sơn, cả nước Trung Quốc không có nổi một bài báo nói lên sự thật, không có nổi một cuốn sách có thể tự đứng, không một bộ phim truyền hình nào tử tế."

Dù công kích trực diện ông Lưu Vân Sơn, Thiết Lưu cũng không bị bắt, có thể vì đã 81 tuổi và đã từng bị quy là 'hữu phái' và đi cải tạo 23 năm thời Cách mạng Văn Hóa.

Tuy thế, một số ý kiến tại Trung Quốc giải thích rằng dù không phải là người thân cận của ông Tập Cận Bình, ông Lưu Vân Sơn có bề dày trong ngành văn hóa tư tưởng nên vẫn trụ được hai nhiệm kỳ.

Kiểm soát chặt truyền thông

Với truyền thông nước ngoài, ông Lưu xuất hiện ở một số sự kiện quan trọng như tiếp Mark Zuckerberg vào tháng 3/2016 khi ông chủ Facebook sang Trung Quốc làm thân để Bắc Kinh gỡ bỏ việc chặn toàn bộ mạng xã hội này.

Tất nhiên, chuyến đi của Zuckerberg không hề đem lại kết quả gì, giống như chuyến thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Google, Satya Nadella vào tháng 11 cùng năm.

Google vẫn bị chặn tại Trung Quốc giống như các trang tìm kiếm hoặc xuất bản mạng của Phương Tây.

Vai trò đối ngoại

Ngoài ra, đôi khi ông Lưu đóng cả vai trò đặc sứ của lãnh đạo Tập Cận Bình sang các nước láng giềng với các sứ mệnh rất cụ thể.

Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ông sang Bình Nhưỡng dự lễ với tư cách là vị khách cao cấp nhất của Trung Quốc lần đầu, và cho đến giờ cũng là lần duy nhất, gặp ông Kim Jong-un, lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn.


Được biết ông mang theo một lá thư tay của Chủ tịch Tập Cận Bình gửi ông Kim Jong-un.

Nhưng kể từ chuyến đi đó, quan hệ Trung-Triều không hề tiến triển thêm, thậm chí còn tệ đi.

Trong tháng qua, sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và hỏa tiễn, Trung Quốc đã cùng các đại cường gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan dưới quyền ông Lưu Vân Sơn, có một bài đáng chú ý diễn giải lại Hiệp ướp Tương trợ Hữu nghị Trung - Triều ký từ thập niên 1950.

Theo hiệp ước này thì Trung Quốc luôn "hỗ trợ CHDCND Triều Tiên khi xảy ra chiến tranh".

Nhưng tờ Hoàn Cầu nay gợi ý rằng Trung Quốc sẽ chỉ trợ giúp nếu Triều Tiên bị Hoa Kỳ tấn công, và sẽ đứng yên nếu Kim Jong-un tự bắn tên lửa sang Guam của Hoa Kỳ.

Chuyến thăm Hà Nội và Phnom Penh có thể là chuyến công du cao cấp nhất của ông Lưu Vân Sơn (sinh năm 1947) trước khi về nghỉ vào kỳ Đại hội 19 này vì ngưỡng tuổi 68.

Giới bình luận chưa nêu ý kiến gì liệu tăng cường quan hệ hai Đảng Trung - Việt qua kênh thông tin của ông Lưu Vân Sơn và ông Trương Cao Lễ sẽ có tác động bao nhiêu đến quan hệ hai nước những năm tới.

Sau kỳ Đại hội dự kiến sắp diễn ra, ông Tập Cận Bình sẽ đẩy lên những nhân vật thuộc phái Phúc Kiến, nơi ông làm Bí thư Đảng nhiều năm, theo một số bình luận từ Trung Quốc.

Trước đó, ông Tập từng được cho là ủng hộ phái Thiểm Tây, và ông Lưu Vân Sơn tuy sinh ra ở Nội Mông nhưng nói có quê gốc ở Hãn Châu, Thiểm Tây.

Ngoài chút quê xa đó, ông Lưu, xuất thân giáo viên trường làng ở vùng Nội Mông và từng làm phóng viên Tân Hoa Xã, cũng có gốc Trường Đảng giống Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, càng về sau này, nhu cầu của Trung Quốc buộc ông Tập Cận Bình cần những nhân vật lãnh đạo trẻ hơn, có học hành thực thụ và tài quản trị.

Đại hội 19 sẽ là dịp để ông Tập Cận Bình cho những người thuộc thế hệ ông Lưu Vân Sơn về nghỉ, khép lại một giai đoạn phải cân bằng giữa các xu hướng trong dàn lãnh đạo có nhiều dạng xuất thân khác nhau. - BBC
|
|

16.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'là ví dụ dễ thấy về nhà thầu TQ'

Báo Nhật nói đường sắt Cát Linh - Hà Đông "là ví dụ mới nhất của dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề".

Việc hoãn chạy thử liên động toàn hệ thống đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông được truyền thông Việt Nam cho hay là vì Trung Quốc chưa giải ngân khoản vay 250 triệu đôla.

Nikkei Asian Review tường thuật, lẽ ra đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử vào cuối tháng Chín nhưng nay "giới chức Việt Nam nói rằng các hạng mục thi công dự án này không thể tiếp tục cho đến khi Trung Quốc giải ngân khoản tiền trên vốn được cam kết từ năm ngoái.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy dài trên 13 km với 12 nhà ga, khởi đầu từ nhà ga Cát Linh được xây dựng trên phố Hào Nam và ga cuối là nhà ga Hà Đông. Chủ đầu tư của dự án này là Cục Đường Sắt Việt Nam và nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc theo vốn đầu tư ODA.


Theo Nikkei Asian Review, việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao này được lập dự án từ năm 2008 đến năm 2013 với chi phí 552 triệu đôla Mỹ với 419 triệu đôla trong số đó vay của Trung Quốc.

Nhưng sau khi khởi công năm 2011, số vốn đã đội lên đến 868 triệu đôla năm 2016 với 250 triệu đôla từ hiệp định bổ sung thêm vốn.

Việc giải ngân khoản này lẽ ra được tiến hành hồi tháng Ba, nhưng đã bị trì hoãn do "các thủ tục phức tạp" tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

'Mất lòng tin'

Tờ báo Nhật cũng ghi nhận: "Việc hoãn chạy thử là vấn đề mới nhất của dự án gây tranh cãi vốn để xảy ra nhiều tai nạn, thương vong cho người qua đường."

"Vật liệu kém chất lượng, việc lắp đặt bị lỗi và công nhân không được đào tạo gây ra mối quan ngại về an toàn."

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị xem là ví dụ điển hình cho các dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề. Khảo sát cho thấy hầu hết các dự án này đều bị quan ngại về chất lượng, tiến độ chậm trễ và đội chi phí quá mức. Điển hình là sân vận động quốc gia Mỹ Đình với mức đầu tư 69 triệu đôla; việc mở rộng khu phức hợp thép trị giá 360 triệu đôla ở tỉnh Thái Nguyên; nhà máy sắt thép 264 triệu đôla ở tỉnh Lào Cai; một dự án bauxite trị giá 1,4 tỷ đô la ở Tây Nguyên...

Việc để xảy ra sai sót, thiết bị quá cũ, gây tai nạn tại các dự án này đã trở nên phổ biến, gây mất lòng tin về các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn. Nhiều dự án đang được tái thẩm định lại.

Hồi tháng Hai, báo chí trong nước trích thuật Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan tới tuyến đường sắt này. Ông nói "ùn tắc giao thông đang là thách thức với các đô thị lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, làm gia tăng ô nhiễm". Nguyên nhân chậm tiến độ khiến ảnh hưởng đến giảm ùn tắc giao thông Hà Nội được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra là do "quản lý đầu tư bằng hình thức thầu trọn gói còn thiếu kinh nghiệm; giai đoạn đầu quản lý dự án còn rất hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng ở Hà Nội khó khăn; vốn đầu tư thay đổi..."

Nikkei Asian Review cũng nhận định Hà Nội đang bị mắc kẹt với các dự án tưởng là 'rẻ' nhưng đội vốn.

Sự thèm khát vốn thúc đẩy một số nhà đầu tư trong nước phớt lờ quan ngại của công chúng để tiếp tay cho các đối tác Trung Quốc.

Tháng trước, Geleximco, một công ty xuất nhập khẩu của Việt Nam, và đối tác Trung Quốc Sunshine Kaidi, đề xuất đầu tư sân bay quốc tế Long Thành trị giá nhiều tỷ đôla. Các công ty này hứa hẹn hoàn thành dự án trong vòng ba đến 5 năm "với mức chi phí thấp nhất có thể được".

Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu quan ngại về an ninh quốc gia sau khi hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, cùng với website của Vietnam Airlines từng bị tin tặc Trung Quốc tấn công năm ngoái. - BBC
|
|

17.
Hòa hợp-Hòa giải: Liệu có thành?

Vấn đề “hòa hợp hòa giải dân tộc” lại được dấy lên qua sự kiện nhà văn hải ngoại Phan Nhật Nam từ chối lời mời của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam về tham dự Cuộc gặp mặt giữa Hội nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Từ chối thư mời

“Hãy hòa hợp với người dân trong nước. Rồi chúng tôi sẽ về”. Đó là trả lời của Nhà văn Phan Nhật Nam, tác giả của những tác phẩm gắn liền với cuộc chiến Việt Nam như “Mùa Hè Đỏ Lửa”, nói với RFA khi được hỏi về thư mời của chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam gửi cho ông vừa qua.

Cụ thể Nhà văn Phan Nhật Nam nhận được thư điện tử của ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, vào đầu tháng 9. Nội dung mời về tham dự Cuộc gặp mặt giữa Hội nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 10, tại Hà Nội và khu vực phía Bắc.

Lời lẽ trong bức thư mời của Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong vai trò Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam được cho là thân tình với mong mỏi ‘vượt qua mọi xa cách, trở ngại để ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp và dù rằng có thể có những khó khăn, nhưng hãy vì “Dân Tộc” để vượt qua tất cả.

Trong thư từ chối của mình, tự xưng là một “người lính-Viết văn”, Nhà văn Phan Nhật Nam cũng nêu rõ trên tinh thần vì dân tộc Việt, ông đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam điều chỉnh một cách thành thực danh xưng mà ông này cho là có tính miệt thị đối với người lính và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây; tức gọi “Ngụy quân-Ngụy quyền”. Ông Phan Nhật Nam nói rõ chính quyền Hà Nội cần chấm dứt các hình thức chống đối Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng như cho sửa sang các phần mộ tại nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ông nhấn mạnh trong thư hồi đáp rằng Chính quyền Việt Nam cần thiết phải thương yêu 90 triệu người dân trong nước và hãy thành tâm hòa giải với họ trước thì ông tin rằng những người Việt hải ngoại như ông sẽ về mà không cần phải mời.

Nhà văn Phan Nhật Nam phát biểu với RFA về quan điểm của ông đối với chính sách “hòa hợp hòa giải dân tộc” mà phía Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra:

“Cắt cổ người dân vô tội ở trong đồn công an, mà bảo rằng người ta tự vẫn. Rồi, Thương phế binh (Việt Nam Cộng Hòa: VNCH), người trẻ nhất cũng sáu mươi mấy tuổi, 70-80 tuổi, què chân, cụt tay, mù mắt…sống không ra dạng người; thế mà đả đảo Thương phế binh VNCH thì đả đảo cái gì? Người ta đi biểu tình cũng đánh. Các vụ dân oan. Vụ cá chết do Formosa gây ra, từ ngày mùng 6 tháng 4 năm ngoái cho đến nay mà bảo rằng môi trường đó là tốt…

Tôi sống bảy mươi mấy năm. Tôi đi khắp thế giới, tôi thấy cho dù một đất nước nào có hoang dã cách mấy thì cũng không có chế độ nào giống như ở Việt Nam. Đâu phải là Đảng Cộng Sản nữa! Đó là một chế độ của côn đồ. Cứ lấy sách vở của Karl Marx, Lenin, Engels ra mà đọc. Chế độ Cộng sản không phải vậy.

Tôi không thù hận và giận dỗi ai hết. Nhưng phải làm những điều cho hợp lý.”


Cần làm gì để “hòa hợp, hòa giải”?

Việc mời Nhà văn hải ngoại Phan Nhật Nam được cho là bước tiếp theo trong việc thực hiện đề nghị cũng của chính ông Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đưa ra hồi trung tuần tháng Giêng năm nay. Đó là sẽ mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa) về nước để “giao lưu với tinh thần hòa hợp dân tộc văn học”.

Qua đề nghị của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đương nhiệm, mà được cho là chưa từng có kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đưa ra nhận xét với RFA rằng đây là một tín hiệu tốt vì trong lãnh vực nghệ thuật thì những nhà văn luôn hướng đến con người và nhân văn. Ông nói nếu như phía phát tín hiệu từ trong nước là thật tâm và thật tình thì người Việt ngoài nước cũng nên đáp ứng. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định để thực hiện đề nghị của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần có thời gian và phải tuân theo nguyên tắc chung là được tự do viết và tự do xuất bản tại Việt Nam.

Liên quan đến chủ trương “hòa hợp hòa giải dân tộc” của Nhà nước Việt Nam, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận đa số người Việt hải ngoại cùng lên tiếng Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy nhanh chóng thực hiện việc hòa giải với người dân trong nước, như cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, rằng:

“Hòa giải với dân chúng, hòa giải với đảng phái, hòa giải với tôn giáo, hòa giải với tất cả những người trong nước. Có hòa giải được rồi thì mới hòa hợp được với người dân trong nước, làm sao cho dân chúng tin thì lúc đó hãy nói chuyện với người Việt hải ngoại”.

Một số nhân sĩ trí thức trong nước cũng đồng quan điểm như thế, như Nhà báo độc lập-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, yêu cầu việc làm cần thiết nhất của nhà cầm quyền Hà Nội là:

“Phải hoà giải với giới bất đồng chính kiến trong nước trước. Bởi vì họ thấy giới bất đồng chính kiến trong nước còn bị đàn áp thì làm sao họ tin để trở về được?”

Những người Việt trong và ngoài nước mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ không rõ bao giờ Đảng và Nhà nước Việt Nam lắng nghe cũng như thể hiện thiện chí “hòa hợp hòa giải dân tộc” theo tinh thần thật tâm và thật tình như nhận định của Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên? - RFA
|
|

18.
Ấn Độ đang đóng tàu tuần tra cho Việt Nam

Ấn Độ đang đóng 12 tàu cao tốc cho Việt Nam trị giá khoảng 100 triệu đô la. Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cho biết thông tin này tại tọa đàm Việt Nam Ấn Độ diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 21 tháng 9.

Ông Harish cho biết vào năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narenda Modi tới Việt Nam, hai bên đã ký kết thỏa thuận về việc cung cấp các tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Thủ tướng Modi đồng thời cũng công bố khoản vay 500 triệu đô la cho Việt Nam để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Việt Nam và Ấn Độ cũng đã có những đàm phán để Việt Nam có thể mua tên lửa Brahmos, là một loại tên lửa siêu thanh do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất.

Việt Nam và Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược từ năm 2007. Về quan hệ quốc phòng, vào năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn, định hướng hợp tác quốc phòng song phương đến năm 2020.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt nam nói rằng hợp tác quốc phòng là một thành tố quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ông Harish cũng nhìn nhận Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Đây là chính sách nhằm tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với các nước ở khu vực Đông Á. - RFA
|
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9








No comments: