Thursday, September 28, 2017

PHIM VIETNAM WAR của BURNS & NOVICK (Blog của 5xu)





Nhà vật lý nguyên tử và vật lý lượng tử Niels Bohr có nói: “Đối lập với một phát biểu chính xác là một phát biểu sai lầm. Nhưng đối lập với một chân lý/sự thực [truth] sâu xa [profound] có thể là một chân lý/sự thực sâu xa khác.”

Phim Vietnam War của Burns và Novick nhắm đến khán giả, và có lẽ là khán giả trẻ, người Mỹ; nhưng không có lý gì mà người Việt, nhất là người Việt trẻ lại không nên xem.

Burns và Novick đều tương đối trẻ so với bộ phim. Burns sinh năm 1953, còn Novick sinh 1962. Khi họ trưởng thành thì chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Còn khán giả, tôi đoán, phần lớn khán giả của bộ phim này (cả Mỹ và Việt) đều trưởng thành sau khi Mỹ Việt đã bình thường hóa quan hệ hai nước.

Nhưng trẻ không có nghĩa là mất đi quyền truy tìm một sự thực sâu xa, về một cuộc chiến tranh (đã xa) đẫm máu, gây chia rẽ và đổ vỡ xã hội và lòng người. Và hơn hết, các sự thực sâu xa mà những người trẻ sẽ tìm ra, qua phim này và các tư liệu khác, sẽ đối lập nhau nhưng không triệt tiêu nhau. Với các khán giả Việt Nam, những sự thực trong phim này, dù chưa sâu xa lắm, cũng sẽ giúp các họ hiểu được thêm những gì cần hiểu.

Với cá nhân tôi, ba tập đầu của bộ phim, ngoại trừ nhạc khá hay,  thì phim ương đối xoàng. Chất lượng chỉ hơn phim VTV một tý, mà lại thấp thoáng mùi tuyên truyền của miền bắc (có lẽ là do vấn đề tư liệu, các nhà dựa vào nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam) nên có những sai lệch không đáng có (thậm chí có chỗ sai rất ngớ ngẩn) với một bộ phim tài liệu.

Từ tập 4 trở đi thì hay hơn. Tập 6 và 7 tôi rất thích. Ai không có thời gian xem cả 10 tập phim này, có thể chỉ xem tập 6 và 7. Tập 6, nhạc phim cực hay. Còn tư liệu thì tàn khốc và đau lòng không thể nào tả được. Tập 6, và nhất là 7, sẽ cho khán giả Việt Nam nhìn sâu hơn vào chính trường Mỹ. Những chia rẽ, rối loạn trong chính đảng và xã hội Hoa Kỳ mà người Việt Nam mới gần đây được biết qua bầu cử mà Trump thắng, sẽ chả là gì so với năm cuối nhiệm kỳ của Johnson. Xem tập 7 xong khán giả còn lờ mờ hiểu tại sao Mỹ, với cách thực hành thực dụng kiểu bọn vay nặng lãi bất chấp đạo đức của Kissinger, đã bỏ Việt Nam nằm tênh hênh bên bờ biển để quay qua lén lút làm phi công lái máy bay Tàu Khựa.

Nói về điểm cộng, bộ phim này đã đánh giá (đề cao hơn) về vai trò của Lê Duẩn, về sách lược “giải phóng” miền Nam bằng vũ trang, và giá trị phải trả bằng rất nhiều máu của Mậu Thân trong “đại cục” của cuộc chiến.

Nói về điểm trừ, vì bộ phim có vẻ né tránh vai trò (lặng lẽ) của Mỹ ở Việt Nam sau 1945 nên họ đã bỏ qua việc Mỹ can thiệp vào các phe phái chính trị, tôn giáo ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1945 -1953. Nhiều lực lượng chính trị, và cả quân đội Việt Nam Cộng Hòa ra đời được là nhờ sự giúp đỡ của Mỹ. Phim hoàn toàn không nói đến việc này (tuy có nói loáng thoáng ở ngoài Bắc thì OSS giúp xây dựng quân đội Việt Minh, sau này là kẻ thù của họ). Và bởi vậy vai trò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong phim này rất mờ nhạt. Một cuộc chiến tranh, mà quân đội của một bên tham chiến, lại gần như không được nhắc đến, hoặc nhắc đến rất tiêu cực. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Đáng tiếc không chỉ cho những khán giả Việt Nam mà còn rất đáng tiếc với những khán giả Mỹ muốn hiểu hơn về Iraq, về Taliban, … tức là  những chiến trường và những kẻ thù khác mà Mỹ đã và đang tham chiến.

Nói về các sai sót, có nhiều sai sót nhỏ, nhưng cũng có sai sót lớn. Ví dụ sai sót khi cho rằng Albert Peter Dewey bị “giết nhầm”. Làm sao một sĩ quan Mỹ, đã từng gặp mặt trực tiếp các lãnh đạo cao cấp Việt Minh ở Sài Gòn, những người từng du học ở Pháp về như Phạm Ngọc Thạch, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, mà lại có thể bị “giết nhầm” được cơ chứ. Mà Dewey là sĩ quan Mỹ đầu tiên bị giết ở VN. Đến mức HCM phải gửi thư xin lỗi và hứa tìm xác (đến nay vẫn chưa tìm được). Đôi lúc tôi nghĩ, công viên Gia Định, nơi Dewey bị giết, chính quyền Việt Nam nên đổi tên thành công viên Dewey, để nhớ về nơi bắt đầu một cuộc chiến.

(Ai quan tâm về Dewey, có thể đọc thêm ở đây).

-----------------------------

LIÊN QUAN :

Posted on September 18, 2017 by editor — 2 Comments
Le Minh Khai | Trà Mi







No comments: