Thursday, September 7, 2017

TUYÊN BỐ của PIVOT & LỜI KÊU GỌI BẢO VỆ DACA (Tổ chức PIVOT)




September 7, 2017

LTS. Tổ chức PIVOT (The Progressive Vietnamese American Organization) vừa gởi đến nhật báo Người Việt bản tuyên bố liên quan đến các chính sách di dân hiện nay tại Hoa Kỳ. 

Biểu tình tại Los Angeles hôm 5 Tháng Chín, chống quyết định hủy bỏ DACA của Tổng Thống Donald Trump. (Hình: David McNew/Getty Images)

Chính quyền Donald Trump vừa thông cáo ngưng quy chế Hoãn Trục Xuất Các Trẻ Em Nhập Cư Không Giấy Tờ (Deferred Action on Childhood Arrival) còn được gọi là DACA. Chương trình này đã tạo cơ hội cho gần 800,000 thanh thiếu niên đang ở Mỹ mà trước đây nhập cư không giấy tờ khi còn nhỏ. Quyết định này của ông Trump đánh dấu một thời điểm đen tối mới trong lịch sử của xứ sở chúng ta. Người nhập cư ở mọi tầng lớp đã cống hiến rất nhiều cho quốc gia này, về cả kinh tế lẫn xã hội. Thay vì tuyên dương sức mạnh và sự đa dạng người di dân mang đến cho xứ sở chúng ta, Tổng Thống Trump đã quyết định một cách không cần thiết để cố tình đổ lỗi và đuổi những người nhập cư trẻ tuổi này, mặc dù trước đây chính phủ đã khuyến khích họ nộp đơn và ghi tên để xin quy chế DACA. Quyết định này đi song song với một nỗ lực lớn hơn chống người nhập cư, nhất là người gốc Châu Á và Châu Mỹ La-tinh và cắt giảm số lượng người gốc Châu Á và Châu Mỹ La-tinh (chẳng hạn như dự luật RAISE). Chúng ta đều là mục tiêu cho họ.

Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta được nhắc nhở rằng xứ sở này đã từng có những giai đoạn đen tối khi đổ lỗi một cách bất công và buộc tội người nhập cư là thủ phạm của những vấn nạn quốc gia. Từ Đạo Luật Cấm Người  Hoa, việc giam cầm người Mỹ gốc Nhật, và gần đây nỗ lực cấm người Hồi Giáo, chúng ta tiếp tục tìm bới những kẻ để chịu tội, cùng lúc đó che giấu các hành động kỳ thị này dưới chiêu bài an ninh quốc gia và cẩn trọng kinh tế. Nhưng riêng về DACA, không có lý lẽ gì để chấm dứt chương trình đó. Tuổi trung bình của mỗi người hưởng quy chế DACA là 6 tuổi rưỡi, có nghĩa là những người này đã không tự mình quyết định đến Mỹ không giấy tờ, nhưng họ vẫn yêu mến xứ sở này và cống hiến rất nhiều cho nước Mỹ.

Các dữ kiện kinh tế cho thấy rằng hủy bỏ chương trình DACA sẽ gây tổn hại cho nước Mỹ. Hủy bỏ DACA đồng nghĩa với giảm tổng sản phảm nội địa xuống $460.3 tỷ trong thập niên tới. Hơn 400 nhà kinh doanh lớn, kể cả chủ tịch các tập đoàn như Amazon, Apple, AT&T, Facebook, General Motors, Ikea, Kaiser Permanente, và Microsoft, đã công khai ủng hộ DACA. Hơn 1,800 thống đốc tiểu bang, bộ trưởng tư pháp tiểu bang, thị trưởng, nghị viên tiểu bang, chánh án, cảnh sát trưởng và các nhà lãnh đạo khác đã lên tiếng ủng hộ những người dưới quy chế DACA. Người dân Mỹ cũng ủng hộ DACA. Gần 8 trên 10 cử tri Mỹ muốn những người hưởng quy chế DACA, còn gọi là “Dreamer,” được ở lại Hoa Kỳ vĩnh viễn.

Chúng tôi trong hội PIVOT, các người tị nạn từ Việt Nam và con cái của họ, sánh vai đoàn kết với anh chị em DACA. Họ là những hàng xóm của chúng ta, đồng nghiệp của chúng ta, gia đình của chúng ta. Họ là chúng ta. Là những “Dreamer” theo đuổi quyền được sống và sự tự trọng của con người, chúng tôi lên án những hành động gây tổn hại đến các cộng đồng nhập cư. Chúng tôi quyết không đổ lỗi cho những người nhập cư trẻ tuổi đến xứ sở này khi chưa tự chủ được vì họ còn là trẻ em, hay đổ lỗi cho cha mẹ họ. Cái quá khứ chung của những người nhập cư gắn liền chúng ta với các anh chị em nhập cư. Để đối phó với quyết định phi lý và bất nhân của Tổng Thống Trump chấm dứt chương trình DACA, chúng tôi kêu gọi các cộng đồng làm việc với các đại diện Quốc Hội của họ để thông qua luật bảo đảm rằng các “Dreamer” có thể ở lại Mỹ vĩnh viễn. Chúng ta phải bảo vệ DACA và các người nhập cư khác chống lại các chính sách bất công nhắm vào người nhập cư.

Hãy hành động để bảo vệ DACA:

1-Gọi chín bộ trưởng tư pháp tiểu bang để áp lực họ ngưng các vụ kiện chống DACA.

2-Ủng hộ tài chính cho hội United We Dream, một tổ chức đứng hàng đầu trong nỗ lực cải tổ luật nhập cư.

3-Tham gia các buổi tụ họp và hành động trực tiếp ở gần nơi bạn cư ngụ. Có thể tìm các sinh hoạt đó ở trang mạng (https://unitedwedream.org/)

4-Sẵn sàng giúp đỡ tinh thần các thành viên DACA, các người nhập cư không giấy tờ và các cá nhân dưới dạng được bảo vệ tạm thời.

5-Lắng nghe các thành viên DACA và các người nhập cư không giấy tờ để hiểu họ cần chúng ta giúp đỡ gì.

6-Tự nghiên cứu kể cả trên mạng, tự tìm hiểu xem DACA là gì, luật DREAM ACT là gì, luật Dream mới, luật BRIDGE (https://www.nilc.org/issues/daca/faq-bridge-act/) và các điều khác.

7-Buộc các vị dân cử phải theo ý dân nếu họ không ủng hộ hoặc chống DACA.
-Ken Paxton (TX): 512-463-2100
-Steve Marshall (AL): 334-242-7300
-Leslie Rutledge (AR): 501-682-2007
-Lawrence Wasden (ID): 208-334-2400
-Derek Schmidt (KS): 785-286-2215
-Jeff Landry (LA): 225-326-6079
-Doug Peterson (NE): 402-471-2683
-Alan Wilson (SC): 803-734-3970
-Patrick Morrisey (WV): 304-558-2021

8-Gửi tin nhắn đến số 50409 với nội dung “RESIST” để gửi cho dân biểu hoặc thượng nghị sĩ của bạn thúc giục họ bảo vệ DACA.

PIVOT khuyến khích sự tham gia và dấn thân của người Mỹ gốc Việt để giúp tạo nên một nước Mỹ công bằng và đa văn hóa.

Mục tiêu của PIVOT là trở thành tiếng nói của người Mỹ gốc Việt cấp tiến, khuyến khích sự tham gia vào các sinh hoạt đấu tranh và đào tạo lãnh đạo cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các chính sách và các ứng cử viên phù hợp với các giá trị của chúng tôi.

1-Chiến lược của PIVOT là mong muốn đạt được sứ mệnh và các mục tiêu trên qua các sinh hoạt như cung cấp các phân tích công bằng và sâu sắc về các chính sách nội địa quan trọng đối với người Mỹ gốc Việt và phổ biến các phân tích này qua các phương tiện truyền thông quen thuộc, cũng như mạng xã hội và mạng cộng đồng.

2-Cộng tác với người Mỹ gốc Việt ở mọi lứa tuổi và với các cộng đồng khác để thúc đẩy một chương trình nghị sự chung bao gồm:

-Khuyến khích và hỗ trợ nhân quyền, quyền dân sự và quyền của người tị nạn.

-Gia tăng trao đổi văn hoá, ngôn ngữ và tài chính hầu giúp tiếp cận với hệ thống giáo dục chất lượng, y tế và cơ hội phát triển kinh tế.

-Bảo vệ môi trường.

-Gia tăng sự tham gia của người Mỹ gốc Việt trong tiến trình bỏ phiếu ở cấp địa phương, tiểu bang và toàn quốc.

-Tìm kiếm, đào tạo và hỗ trợ người Mỹ gốc Việt và các cá nhân khác có lập trường cấp tiến để ứng cử vào các vị trí có ảnh hưởng đến chính sách và chính trị ở cấp địa phương, tiểu bang và tòan quốc.

-Đầu tư để đào tạo ​​nhân lực và lãnh đạo cho thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ.

----------------------

Bài liên quan:





-----------------------

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
September 7, 2017

Một bản thông cáo do Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm 2 Tháng Tám cho biết Tổng Thống Donald Trump tán thành dự luật cải tổ chính sách di dân do hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa, Tom Cotton (Arkansas) và David Perdue (Georgia) bảo trợ.

Từ trái, Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton, Tổng Thống Donald Trump, và Thượng Nghị Sĩ David Perdue, nói về Dự Luật RAISE ngày 2 Tháng Tám. (Hình: Zach Gibson - Pool/Getty Images)

Ông Cotton và ông Perdue nói rằng Dự Luật RAISE (Reforming American Immigration for Strong Employment) nhằm cải tổ chính sách di dân với mục tiêu tăng cường hiệu quả làm việc của người Mỹ.

RAISE dùng một hệ thống trắc nghiệm tương tự như Canada và Úc đã áp dụng để lượng định giá trị của di dân.

Nhưng theo tờ New York Times, dẫn nhận định của kinh tế gia Ernie Tedeschi, bài trắc nghiệm này khá khó khăn, và chỉ có 2% công dân Mỹ trên 18 tuổi có thể đạt được 30 điểm để vượt qua. Hệ thống trắc nghiệm của RAISE thay thế những định chuẩn về di dân từ thời chính quyền Johnson trong thập niên 1960 và như thế trong tương lai sẽ rất ít di dân được nhận vào Mỹ.

Tiêu chuẩn đánh giá mới căn cứ trên nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác, trình độ Anh ngữ, mức học vấn, khả năng thu nhập, và tiềm lực làm việc. Sau đây là một số những chi tiết như biết được cho đến nay:

-Tuổi tác: Ðược điểm tối đa 10 đối với những người ở lứa tuổi 26 tới 30, kém điểm nếu nhỏ tuổi hơn hay lớn tuổi hơn; và 0 điểm nếu trên 50 tuổi.

-Trình độ Anh ngữ căn cứ vào thành tích cao qua các kỳ thi trắc nghiệm TOEFL hay ILETS, và hầu hết công dân Mỹ sẽ chỉ có điểm tối đa 12.

-Học vấn: Ðiểm tối đa 13 cho những ai có bằng cấp tiến sĩ hay chuyên môn trong lãnh vực STEM (khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán học). Chỉ khoảng 1% công dân Mỹ ở hạng này, trình độ tốt nghiệp đại học được 6 điểm.

-Thu nhập: Khác với hệ thống đánh giá của Canada và Úc, RAISE chú trọng đến thu nhập cao. Ðược điểm tối đa 13 đối với những ai có công việc hưởng lương bằng 300% thu nhập trung bình tại tiểu bang mà di dân muốn tới.

-Thành tích đặc biệt: Ðược 25 điểm nếu có giải thưởng Nobel hay một giải tương đương về lãnh vực khoa học hay khoa học xã hội, huy chương Thế Vận Hội chỉ được 15 điểm.

-Ðầu tư: Ðược 6 điểm đối với những ai có đầu tư $1.35 triệu ở Mỹ trên 3 năm, 12 điểm nếu đầu tư $1.8 triệu, nhưng phải với “vai trò hoạt động tích cực trong đầu tư ấy.” Quy định này nhằm tránh dùng việc di trú vào âm mưu rửa tiền.

Tuy nhiên, một điều kiện căn bản cần biết là các di dân vượt qua trắc nghiệm chưa phải là chắc chắn được quyền nhập cư. RAISE quy định giới hạn chấp nhận 140,000 di dân mỗi năm trong đó chỉ 50,000 thường trú nhân là dân tị nạn.

Vượt lên trên những điều kiện kỹ thuật, RAISE là sự thay đổi hoàn toàn quan điểm về di dân trong lịch sử nước Mỹ. Hai thượng nghị sĩ chủ trương nói rằng dự luật này giúp nước Mỹ có một chính sách di dân hướng về kinh tế, khác với luật hiện nay, hầu hết là trên căn bản nhân đạo.

Theo tài liệu của Viện Chính Sách Di Dân, trong năm 2015, có 64% những người được cấp thẻ xanh (thường trú) là do gia đình hay thân nhân bảo lãnh, chỉ có 14% là do các chủ nhân công ty xí nghiệp bảo lãnh. Thành phần còn lại là dân tị nạn hoặc rút thăm.

Bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rằng hệ thống cũ từ nửa thế kỷ trước đã lỗi thời và không đem đến cho nước Mỹ những di dân xứng đáng. Trong số di dân đến Mỹ, cứ 15 người mới có một người có khả năng chuyên môn. Tổng Thống Trump ủng hộ RAISE vì sẽ giảm bớt số di dân kém hoặc hoàn toàn không có nghề nghiệp chuyên môn, nhằm bảo vệ và nâng cao thu nhập cho công nhân Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi là cách trắc nghiệm quả thực có hiệu quả cung ứng được một lực lượng lao động đầy đủ khả năng hơn không, nhập cư và nhân dụng là hai vấn đề khác nhau. Không có gì bảo đảm là những công nhân có tay nghề sẽ được sử dụng đúng với chuyên môn của họ. Còn nếu trắc nghiệm căn cứ vào nhu cầu việc làm để nhận di dân thì những người này sẽ bị quá trói buộc với chủ nhân, mất khả năng thương lượng về lương bổng và điều kiện làm việc.

Theo dự trù, RAISE sẽ được đưa ra Quốc Hội thảo luận và biểu quyết vào Tháng Hai năm tới.







No comments: