Friday, September 8, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 7/9/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
TQ đồng ý LHQ cần hành động quyết liệt hơn về vụ thử hạt nhân Triều Tiên --- Putin: 'Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi' --- Khủng hoảng Bắc Triều Tiên: Tổng thống Mỹ xuống giọng

Trung Quốc hôm 7/9 nói họ nhất trí rằng Liên Hiệp Quốc nên có thêm hành động đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất, đồng thời hối thúc đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào của LHQ và áp lực của Hoa Kỳ với "các biện pháp phản công mạnh mẽ", họ cáo buộc Hoa Kỳ muốn khơi mào một cuộc chiến.
Hoa Kỳ muốn Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Triều Tiên, cấm xuất khẩu hàng dệt may, cấm thuê người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, và đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào diện bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại, theo dự thảo nghị quyết mà Reuters được đọc hôm 6/9.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên hôm 7/9: "Từ những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đồng ý rằng Hội đồng Bảo an LHQ nên tiếp tục phản ứng và thực hiện những biện pháp cần thiết". Nhưng ông Vương không đi vào chi tiết.
Ông nói thêm: "Bất kỳ hành động mới do cộng đồng quốc tế tiến hành nhằm vào CHDCND Triều Tiên đều cần phải phục vụ mục đích kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời tạo thuận lợi cho việc khởi động lại đối thoại và tham vấn".
William Choong, một nghiên cứu sinh kỳ cựu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, nói Trung Quốc có thể cắt xuất khẩu dầu sang Triều Tiên. Họ cũng có thể sẵn lòng hạn chế công nhân Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc và đưa những người đó về nước.
Andrei Lankov, giám đốc của Nhóm Nghiên cứu Rủi ro Triều Tiên, cho rằng nếu Trung Quốc cắt xuất khẩu, Triều Tiên vẫn sẽ tìm cách nhập khẩu dầu, nhưng ông nói thêm rằng việc đó sẽ có tác động: "Nếu Bắc Triều Tiên mất khả năng tiếp cận dầu, họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn kinh tế to lớn. Có thể sẽ bùng nổ những vụ bất ổn, vì gần đây, trái với những gì ngươi ta thường nghe, mức sống của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể. Và người ta không thích thú gì khi mức sống của họ đột nhiên giảm xuống".
Tuy nhiên, cả hai ông Choong và Lankov đều hoài nghi là lệnh cấm vận dầu sẽ dẫn đến việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Sau vụ thử hạt nhân hôm 2/9 của Triều Tiên, các cơ quan và các trang web truyền thông Trung Quốc đã nhận lệnh đóng lại mục ý kiến bình luận về vụ thử, và "không cường điệu hóa" chuyện đó, theo một chỉ thị về kiểm duyệt mà hãng China Digital Times nhận được.
Trên trang web Freeweibo.com, nơi thu thập và theo dõi các bài đăng trên truyền thông xã hội bị kiểm duyệt, các từ "bom hydro" và "Triều Tiên" tiếp tục dẫn đầu danh sách 10 chủ đề bị chặn. Tuy nhiên, không phải tất cả các ý kiến đều bị gỡ xuống kịp thời.
Rõ ràng đối với nhiều người ở Trung Quốc, họ ngày càng quan tâm về nguy cơ hạt nhân không chỉ do Triều Tiên gây ra mà cả hiệu ứng domino có thể xảy ra.
Một bài đăng trên website Freeweibo.com ủng hộ các biện pháp chế tài cứng rắn hơn viết: "Để tránh Nhật Bản và Hàn Quốc triển khai vũ khí hạt nhân và chiến tranh bùng nổ, và bất cứ hoạt động phóng xạ nào lan đến Trung Quốc, lựa chọn duy nhất của Trung Quốc là tuân thủ triệt để các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt và cắt mọi nguồn cung dầu cũng như thương mại với Triều Tiên".
Bài viết bày tỏ thêm rằng Trung Quốc cũng nên thảo luận với Hoa Kỳ cách thức để cả hai nước có thể bảo vệ lợi ích của chính họ sau khi Triều Tiên sụp đổ. Các nhà phân tích lưu ý rằng một lý do quan trọng mà Trung Quốc lâu nay do dự không muốn đi quá xa với các biện pháp trừng phạt là nước này lo ngại rằng điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ chế độ Bình Nhưỡng.
Một số người tham gia diễn đàn mạng tập trung nhiều hơn vào vấn đề ở Trung Quốc. Một bài viết nêu ý kiến: "Chúng tôi [người Trung Quốc] không cần phải lên án [Triều Tiên]. Chúng tôi cần chính phủ bảo vệ sự an toàn của người dân ở miền đông bắc. Mạng sống của người dân chúng tôi quan trọng hơn bất cứ gì khác. Đã có kế hoạch khẩn cấp gì chưa?"
Một bài viết khác chỉ trích chính phủ Trung Quốc dường như tập trung nhiều hơn vào việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ: "Họ [chính quyền] lờ đi chuyện Triều Tiên liên tục thử vũ khí hạt nhân ngay sát Trung Quốc trong khi lại cáo buộc Hàn Quốc đã làm hại cán cân sức mạnh khu vực vì nước này triển khai THAAD để bảo vệ người dân của họ. Hỡi những người 'cai trị’ Trung Quốc và quảng bá giấc mơ Trung Hoa, quý vị có cảm thấy an toàn không? Điều đó có làm cho đất nước quý vị mạnh hơn không?"
Trong khi đó, hàng trăm người Hàn Quốc đã đụng độ với các lực lượng an ninh tại vùng nông thôn Seonju, nơi quân đội Mỹ bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa phòng thủ của Mỹ được thiết kế để bảo vệ họ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Cảnh sát đã giải tán hàng trăm người biểu tình chặn đường đến một sân golf cũ, nơi hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được lắp đặt.
Một quan chức nói hôm 7/9 rằng hàng chục người, trong đó có 6 cảnh sát, đã bị thương trong vụ đụng độ.
Cư dân Seonju và các nhà hoạt động đã nêu lên lo ngại về những nguy cơ về sức khỏe được đồn đoán liên quan đến hệ thống radar mạnh cũng như khả năng là thị trấn sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói việc triển khai là cần thiết do mối đe dọa hiện hữu từ Triều Tiên. - VOA

***
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Năm 7/9 lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn.
Tuy nhiên, dù gọi đó là "một mối đe dọa chết người" cho khu vực nhưng các nhà lãnh đạo vẫn có những ý kiến khác nhau về cách xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, hãng thông tấn Kyodo của Nhật nói.
Trung Quốc và Nga cùng kêu gọi cần có thêm đối thoại.
Tổng thống Putin muốn thúc đẩy nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngoại giao hiệu quả hơn trừng phạt?
"Sẽ là phản tác dụng khi cứ thổi phồng sự hiếu chiến quân sự này. Điều đó sẽ chẳng đi tới đâu hết," ông Putin phát biểu tại diễn đàn kinh tế được tổ chức tại thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga.
Hôm thứ Tư, ông cũng đã tiếp Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc đến dự diễn đàn này để tìm giải pháp cho vấn đề Bắc Hàn.
Trong lúc lên án chương trình thử nghiệm tên lửa và phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng là gây ra mối đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế cũng như khu vực, ông Putin nói "chỉ có những biện pháp chính trị và ngoại giao giúp giải quyết được vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên".
"Chúng ta cần tiếp tục đối thoại," ông nói.
Ông Putin, trong vị thế mới ở vai trò cao hơn trước nhờ cuộc khủng hoảng Bắc Hàn, nay nói "không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi".
Tổng thống Nga gần đây đã lên tiếng mạnh mẽ một cách bất thường về Bắc Hàn, và về cách thức mà cộng đồng thế giới cần phản ứng trong việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, CNN bình luận.
Quan điểm của nhà lãnh đạo Nga trái ngược với quan điểm của Nhật, nước nói rằng hiện chưa phải là thời điểm đối thoại nhằm kiềm chế các tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn, theo Kyodo.
Cho đến nay, hầu hết các nước đều lên án Bình Nhưỡng, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn muốn áp dụng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa lên nhà lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên, có mặt tại Diễn đàn Kinh tế ở Vladivostok, Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại của Bắc Hàn Kim Yong Jae nói rằng nước ông sẽ "đáp lại những hành động man rợ nhằm gây áp lực từ phía Mỹ bằng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ", hãng tin Tass của Nga tường thuật.
"Hoa Kỳ nên bằng mọi cách nhớ đến vị thế hạt nhân của đất nước chúng tôi," ông Kim nói, "một đất nước sở hữu bom hạt nhân và bom nhiệt hạch, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa."
Đánh giá về vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, ông Putin cho rằng đó "hiển nhiên là một sự khiêu khích của Bắc Hàn", nhưng nói Hoa Kỳ không nên bị cuốn theo.
"Họ dựa vào một hành động cụ thể từ các bên khác và rồi họ đạt được điều đó. Tại sao quí vị lại hùa theo? Quí vị đã bao giờ nghĩ tới chuyện đó chưa?"
Vụ thử hạt nhân mới nhất diễn ra chỉ năm ngày sau khi Bình Nhưỡng hôm 29/8 phóng một tên lửa đạn đạo ngang qua khu vực bắc Nhật Bản.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đang thảo luận về việc áp thêm các lệnh trừng phạt mới lên Bắc Hàn, trong lúc Nhật và Hoa Kỳ muốn cấm vận dầu lửa đối với Bình Nhưỡng.
Trong tuần, Tổng thống Moon Jae-in đã quyết định cho triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao THAAD của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc.
Trong quá trình đưa dàn 'hoả tiễn chống hoả tiễn' vào vị trí ở cách Seoul 300 km về phía Nam, cảnh sát Hàn Quốc đã có va chạm với một nhóm phản đối vài chục người hôm thứ Năm 07/09/2017. - BBC

***
Ngày 06/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ ngày 12/08/2017. Chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn là trọng tâm. Nguyên thủ quốc gia Mỹ dường như đã xuống giọng, khi khẳng định tấn công Bắc Triều Tiên hiện tại không phải là « lựa chọn số một », cho dù ông không loại trừ hoàn toàn biện pháp can thiệp quân sự.
Tổng thống Trump phát biểu như trên trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh đang các tìm cách thúc đẩy Hội Đồng Bảo An đưa ra « các trừng phạt mạnh nhất ».
Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington:
"Được phỏng vấn về cuộc điện đàm 45 phút nói trên, ông Donald Trump đánh giá là hai bên rất thẳng thắng và rất kiên quyết. Tổng thống Mỹ cho biết thêm: ‘‘Tôi cho rằng chủ tịch Tập đồng ý với tôi 100%’’.
Tuyên bố nói trên chắc chắn đã có phần được phóng đại, bởi hai người có quan điểm khác nhau về các biện pháp cần được tiến hành để ngăn chặn Bắc Triều Tiên trong tham vọng hạt nhân. Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục cổ vũ nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, trong lúc tổng thống Mỹ không ngừng nhắc lại là các thương lượng sẽ không dẫn đến đâu cả. Ông Trump vừa nhắc lại với thủ tướng Anh Theresa May như vậy hôm thứ Ba.
Cũng ngày hôm qua, Donald Trump còn cảnh cáo là Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận điều đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Trump cũng thừa nhận rằng một cuộc can thiệp quân sự không phải là lựa chọn đầu tiên của ông. Giống như thường lệ, mỗi lần được hỏi, tổng thống Mỹ đều đáp : ‘‘Chúng ta sẽ biết việc gì sẽ đến’’.
Tổng thống Mỹ trách cứ Trung Quốc đã không gây đủ áp lực kinh tế đối với láng giềng Bắc Triều Tiên. Ông Trump thậm chí còn đe dọa cắt đứt các quan hệ thương mại và tài chính với Trung Quốc, nếu như Bắc Kinh không nỗ lực hơn. Tuy nhiên, biện pháp ít thực tế này đã không được nêu ra trong bất cứ thông điệp nào mà chính phủ hai bên công bố sau cuộc nói chuyện giữa hai nguyên thủ ».
Một ngày trước cuộc điện đàm Mỹ-Trung, hôm thứ Ba, bên lề thượng đỉnh BRICS, tại Hạ Môn (Xiamen), Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo một cuộc tấn công chống Bắc Triều Tiên là « một sự điên rồ về mặt quân sự », có thể gây ra « một thảm họa hành tinh". - RFI
|
|
2.
Trung Quốc bán vũ khí cho châu Á: gậy ông đập lưng ông?

Muốn giúp các công ty nội địa cạnh tranh, cách đây 4 năm Trung Quốc tuyên bố mở các hành lang thương mại trên khắp châu Á, và đặt tên cho dự án đầy tham vọng này là ‘Con đường Tơ lụa mới’, theo tên của ‘Con đường Tơ lụa’ mà 2.000 năm về trước, Trung Quốc đã sử dụng để kết nối với Trung Đông. Con đường Tơ lụa thời nay nhằm mục đích xây dựng các cấu trúc hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giúp Trung Quốc giao thương với 68 quốc gia.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu buôn bán vũ khí dọc theo tuyến đường này ở Đông Nam Á. Theo các số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, kể từ năm 2006 cho đến nay, Trung Quốc đã bán vũ khí cho ít nhất 7 nước Đông Nam Á. Viện nghiên cứu này đánh giá tổng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc cho các nước trong khu vực vượt quá nửa tỷ đôla Mỹ.
Bán vũ khí giúp các nhà sản xuất Trung Quốc, như Công ty Đóng tàu và Hàng hải Quốc tế, thu về lợi nhuận, đồng thời đào sâu các quan hệ thương mại với khu vực Đông Nam Á, nơi mà theo truyền thống Hoa Kỳ là nước bán vũ khí lớn nhất. Trung Quốc là cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nga, –lại không quan ngại về nguy cơ bị các quốc gia láng giềng dùng các vũ khí đã mua của Trung Quốc để tấn công nước này, bất chấp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước thân chủ.
Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales của Úc chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc đang có tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của khu vực Đông Nam Á. Hoa Kỳ bán thiết bị quân sự cho Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong một phúc trình ngày 30/8, Giáo sư Thayer nhận định: "Vũ khí của Trung Quốc mạnh, có giá cạnh tranh, có thể bao gồm phần chuyển giao công nghệ, và có thể được vay tiền khi mua, được cung cấp vũ khí mà không qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt như vũ khí của Hoa Kỳ.”
Những khách hàng như Campuchia và Lào chưa gì đã nằm trong tay của Bắc Kinh. Việc các nước này mua sắm thiết bị quân sự như máy bay vận tải, chỉ tăng cường thêm quan hệ thương mại trong khi giúp hai nước này chống lại các cường quốc khác và dập tắt những tiếng nói bất đồng ở trong nước. Myanmar, một khách hàng lớn của Trung Quốc, có thể sẽ không sử dụng tên lửa chống hạm của Trung Quốc, chẳng hạn, để đẩy lùi một cuộc tấn công do Bắc Kinh chỉ đạo.
Nhưng các nước khác có lý do để lo ngại về lực lượng vũ trang của Trung Quốc, và ngược lại.
Indonesia chẳng hạn, đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, và các tên lửa đất đối không và radar từ Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2009. Trong khi Indonesia ngày càng muốn đẩy bật tàu Trung Quốc ra khỏi quần đảo Natuna gần đảo Borneo, nước này có thể dụng những vũ khí đã mua của Trung Quốc để chống lại Trung Quốc.
Cũng tương tự, Malaysia đang cộng tác với Trung Quốc để đóng bốn tàu đặc vụ tuần tra ven biển. Người Malaysia đã chán phải chứng kiến thấy tàu Trung Quốc và phải xua các tàu này ra khỏi vùng biển Borneo, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Thật là mỉa mai nếu một chiếc tàu do Trung Quốc sản xuất một ngày nào đó sẽ xua đuổi tàu tuần duyên của Bắc Kinh ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế dài 370 km của Malaysia trên Biển Đông.
Philippines được biết là đang cân nhắc việc mua vũ khí Trung Quốc với khoản vay 500 triệu đôla từ Bắc Kinh, vì mua vũ khí của Mỹ đi kèm với nhiều điều kiện gắt gao. Manila muốn hiện đại hoá quân đội. Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của Philippines về mặt an ninh vì những yêu sách chủ quyền lãnh hải chồng chéo với Manila, cho đến khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ thân thiện hơn hồi năm ngoái.
Giới phân tích nói Trung Quốc vẫn giữ riêng cho mình một số thiết bị quân sự tiên tiến để phòng thủ khi cần. Trung Quốc có đủ khả năng để bán vũ khí ra nước ngoài thậm chí cho các nước bất mãn với những tham vọng chính trị của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu các vấn đề chính trị châu Á Fabrizio Bozzato thuộc Hiệp hội nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, nhận định:
"Thật là mỉa mai, một nghịch lý nhưng vẫn hợp lý. Làm ăn là làm ăn. Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Trung Quốc không chịu bán vũ khí. Làm như vậy là dấu hiệu về một thái độ thù nghịch cao độ." - VOA
|
|
3.
Israel không kích địa điểm nghi có liên hệ với vũ khí hóa học ở Syria

Quân đội Syria nói Israel sáng sớm thứ Năm 7/9 đã tấn công một khu quân sự ở tỉnh Hama mà một tổ chức giám sát chiến tranh nói có thể liên hệ tới hoạt động sản xuất vũ khí hóa học.
Hãng tin Reuters trích một thông báo của quân đội Syria cho biết cuộc không kích đã giết chết hai binh sĩ và gây nhiều thiệt hại ở gần thị trấn Masyaf. Thông báo này cảnh báo về "những hậu quả nguy hiểm của hành động hung hăng này đối với an ninh và ổn định khu vực."
Đài quan sát Nhân quyền Syria, một tổ chức theo dõi chiến sự ở Syria, cho biết cuộc tấn công xảy ra tại một cơ sở nghiên cứu khoa học, một địa điểm mà Hoa Kỳ mô tả là cơ sở sản xuất vũ khí hóa học của Syria.
Cuộc không kích diễn ra ngay buổi sáng hôm sau, sau khi các nhà điều tra LHQ kết luận rằng chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng khí độc sarin hồi tháng 4.
Chính phủ Syria phủ nhận việc sử dụng vũ khí hoá học và năm 2013, hứa sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hóa học, điều mà nước này khẳng định đã làm.
Đài quan sát cho biết các cuộc không kích của Israel còn tấn công một doanh trại quân đội gần trung tâm nghiên cứu, nơi được sử dụng để lưu giữ các tên lửa đất đối đất, và là nơi người Iran và đồng minh trong nhóm Hezbollah gốc Lebanon, nhiều lần bị phát hiện có mặt.
Một phát ngôn nhân của quân đội Israel không bình luận về tin liên quan tới cuộc không kích ở Syria.
Các giới chức Israel trước đây thừa nhận rằng Israel đã nhiều lần tấn công các chuyến hàng chở vũ khí mà người ta tin là để trang bị cho nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn, và là đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong một cuộc phỏng vấn tại thành phố Haaretz vào tháng trước sau khi nghỉ hưu, cựu Tư lệnh không quân Israel Amir Eshel tiết lộ rằng trong 5 năm qua, Israel đã tấn công các đoàn xe chở vũ khí của Syria và Hezbollah gần 100 lần.
Hezbollah và Israel từng đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh ngắn vào năm 2006, giết chết hơn 1.300 người. - VOA
|
|
4.
Tập trận ở Biển Đông: Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Việt Nam --- Không quân Trung Quốc tập trận gần bán đảo Triều Tiên

Ngày 06/09/2017, Bắc Kinh lại lên tiếng bác bỏ phản đối của Hà Nội về việc quân đội Trung Quốc tập trận tại khu vực Hoàng Sa, vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu : « Chúng tôi hy vọng bên liên quan có thể nhìn nhận cuộc tập trận một cách bình tĩnh và hợp lý », đồng thời khẳng định cuộc tập trận diễn ra trong « khu vực thuộc chủ quyền » của Trung Quốc.
Biển Đông : Indonesia và Nhật Bản thúc đẩy đối thoại phát triển hàng hải
Indonesia và Nhật Bản tăng cường đàm phán để phát triển hợp tác hàng hải tại một số vùng biển của Indonesia, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông. Thông tin được hai nước công bố trong một bản thông cáo chung ngày 06/09/2017 sau một cuộc họp tại Jakarta.
Chủ đề chính của cuộc họp giữa hai nước là phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá địa phương, trong đó có việc xây dựng các cảng và tầu chuyên chở và đánh bắt. Tuy nhiên, chủ đề hợp tác an ninh cũng nằm trong chương trình thảo luận. Trong bản thông cáo chung được trang mạng Nikkei trích dẫn, hai nước nhất trí « thành lập đội tầu tuần tra và tầu đa năng ».
Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, bản thông cáo chung cho biết : « Hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì và xúc tiến các vùng biển tự do, mở rộng và ổn định đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong vùng ».Hai bên thống nhất sáu vùng xa xôi nhất của Indonesia sẽ là trọng tâm của chương trình hợp tác, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông, nơi hải quân Indonesia đã bắt được nhiều tầu cá Trung Quốc xâm phạm vào năm 2016.
Ông Brahmantya Poerwadi, một quan chức Indonesia thuộc bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp, cho biết Nhật Bản sẽ tài trợ để phát triển một hệ thống radar giám sát bờ biển và một vệ tinh nhằm giúp ngư dân truyền thống Indonesia cải thiện năng lực. Công nghệ mới sẽ giúp Indonesia bảo vệ vùng biển khỏi nạn đánh bắt trộm nhờ khả năng phát hiện tốt hơn tầu cá nước ngoài, kể cả tầu của Trung Quốc.
Theo ông Poerwardi, thỏa thuận cuối cùng sẽ được tổng thống Widodo và thủ tướng Abe ký vào cuối năm 2017, bên lề Thượng Đỉnh Đông Á (gồm ASEAN và 8 nước), được tổ chức tại Manila vào tháng 11.
Các cuộc đàm phán về phát triển hàng hải chung được tăng cường từ chuyến công du Jakarta của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 01/2017. Nhật Bản và Indonesia tăng cường hợp tác kể từ khi Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện tại Biển Đông dưới thời tổng thống Donald Trump.
Biển Đông : Nhật-Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng đối phó với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, Arun Jaitley và đồng nhiệm Nhật bản Itsunori Onodera, ngày 06/09/2017 đã tham dự nhiều cuộc họp trong khuôn khổ đối thoại thường niên giữa hai bộ tại Tokyo.
Theo trang IndiaTVNews, hai bên nhất trí hợp tác chặc chẽ trong lĩnh vực chế tạo quốc phòng, kể cả công nghệ lưỡng dụng. Bộ Quốc Phòng hai nước cũng đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật về hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh robot và phương tiện không người lái mặt đất (UGV). Ấn Độ có kế hoạch mua thủy phi cơ US-2 ShinMaywa của Nhật Bản để trang bị cho Hải Quân.
Trong một bản thông cáo ngày 06/09, New Delhi cho biết : « Các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm và ý kiến nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác về mặt quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ « Đối Tác Chiến Lược Ấn Độ-Nhật Bản và Đối Tác Toàn Cầu"". - RFI

***
Truyền thông Trung Quốc ngày 07/09/2017 đưa tin không quân Trung Quốc tiến hành luyện tập gần bán đảo Triều Tiên nhằm đề phòng một cuộc « tấn công bất ngờ » từ đường biển.

Theo AFP, trang mạng chính thức của quân đội Trung Quốc, www.81.cn, cho biết, cuộc tập trận bắt đầu từ hôm thứ Ba, 04/09 và kéo dài trong hai ngày, với sự tham gia của một tiểu đoàn phòng không gần vịnh Bột Hải (Bohai), đối diện với bán đảo Triều Tiên.
Vẫn theo nguồn tin này, một số vũ khí, khí tài, lần đầu tiên được thử nghiệm nhắm vào các mục tiêu bay thấp từ phía biển vào lãnh thổ Trung Quốc.
Tối qua, bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định là cuộc tập trận này nằm trong kế hoạch luyện tập thường niên và không nhắm vào một mục tiêu hay quốc gia nào.
Hoạt động quân sự này của Trung Quốc diễn ra hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên thông báo thử thành công bom nhiệt hạch, trong khi Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận về việc triển khai hàng không mẫu hạm, oanh tạc cơ chiến lược đến khu vực bán đảo Triều Tiên.
Còn tại Hàn Quốc, hôm nay, một cuộc biểu tình chống triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD đã diễn ra tại khu làng Soseong Ri, gần nơi quân đội Mỹ đã lắp đặt hai bệ phóng tên lửa và một dàn radar cực mạnh. Địa điểm này cách Seoul 200 km về phía nam.
Khoảng 8000 cảnh sát đã được huy động. Xô xát đã xẩy ra làm 38 người biểu tình bị thương.
Chính quyền Seoul giải thích là cần phải lắp đặt hệ thống lá chắn hỏa tiễn do Bắc Triều Tiên trong thời gian qua, liên tục bắn thử tên lửa.
Cũng trong ngày hôm nay, Trung Quốc cho biết đã phản đối Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Theo Bắc Kinh, dự án này đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Về phần mình, hôm thứ Ba, 05/09, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã tái khẳng cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh châu Á, trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.
Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ đã nhắc lại nội dung phát biểu ngày 03/09, theo đó, mọi mối đe dọa nhắm vào Hoa Kỳ và lãnh thổ Mỹ, hoặc nhắm vào các đồng minh của Mỹ sẽ phải hứng chịu phản ứng quân sự ồ ạt, hiệu quả và áp đảo. - RFI
|
|
5.
Phương Tây lúng túng trước thảm kịch Miến Điện

Trong mấy ngày gần đây, cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo thiểu số Rohingya ở Miến Điện Điện thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí Pháp. « Phương Tây lúng túng trước thảm kịch Miến Điện » là tựa đề một bài viết trên Le Monde.
Dòng người Hồi Giáo thiểu số Rohingya rời bang Rakhine, miền Tây Miến Điện, để tránh chiến dịch truy quét trên quy mô lớn của các lực lượng an ninh Miến Điện, sau khi các phiến quân Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát ở Arakan vào ngày 25/08, vẫn không ngừng tăng.
Theo số liệu mà Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn công bố ngày 05/08/2017, chỉ trong hai tuần qua, đã có tới 123.000 người Rohingya sang tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết phần lớn số người Rohingya nói trên phải đi bộ nhiều ngày, vượt sông, leo núi, trốn tránh trong rừng rậm. Họ đói khát, yếu ớt và lâm bệnh. . - RFI
|
|
6.
Dân số lão hóa sẽ khiến Á Châu già trước khi giàu’

Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hôm Thứ Năm lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng dân số lão hóa ở các quốc gia lớn vùng Á Châu sẽ khiến sự phát triển kinh tế của họ bị trì trệ, kêu gọi các nhà soạn thảo chính sách phải nhanh chóng có biện pháp đáp ứng với tình hình này.
Kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy dân số Á Châu đang lão hóa nhanh chóng hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, với Nhật Bản được tiên đoán sẽ trở thành quốc gia “cực kỳ lão hóa-ultra-aged” trên thế giới.
Điều này có nghĩa là 28% dân số trong nước ở tuổi 65 hay cao hơn. Trong khi đó khoảng 1/5 dân số Nam Hàn sẽ ở tuổi 65 hay cao hơn vào năm 2030.
Các quốc gia nhanh chóng lão hóa ở Á Châu, gồm cả Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn và Thái Lan, “sẽ có lực lượng lao động nhỏ hơn trong tương lai và có thể đưa đến sự sút giảm sản lượng kinh tế,” theo giám đốc IMF, bà Christine Lagarde trong một hội nghị ở Seoul.
Trung Quốc và Nhật là hai cường quốc kinh tế lớn hàng thứ nhì và thứ ba của thế giới, do đó sự trì trệ phát triển ở hai quốc gia này sẽ có ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Bà Lagarde ước tính là mức phát triển tổng sản lượng nội địa thường niên ở các quốc gia này có thể xuống khoảng 1%.
Cũng trong cuộc họp hôm Thứ Năm, Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Nam Hàn, Lee Ju-Yeol, cũng kêu gọi có biện pháp nâng cao sinh suất và tạo thêm công ăn việc làm cho phụ nữ cũng như người cao niên.
Một bản báo cáo của IMF đưa ra hồi đầu năm nay cũng cảnh báo rằng nếu không giải quyết được vấn đề lão hóa dân số, một số quốc gia Á Châu sẽ lâm vào hoàn cảnh “già trước khi giàu.” - nguoiviet
|
|
7.
Hoa Kỳ gửi thêm 3,500 quân sang Afghanistan

Hoa Kỳ hôm Thứ Tư cho hay sẽ gửi thêm khoảng 3,500 quân sang Afghanistan nhằm đẩy mạnh việc yểm trợ cho quân đội nước này.
Theo Reuters, tiết lộ của các giới chức giấu tên được đưa ra vào lúc Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis và Tham Mưu Trưởng Liên Quân Joseph Dunford mở cuộc họp kín với các thành viên của Quốc Hội về vấn đề chiến lược trong khu vực của Tổng Thống Donald Trump.
Nếu con số này được xác nhận thì tổng số quân Mỹ hiện diện ở Afghanistan sẽ lên đến khoảng 14,500.
Sau một tháng xét duyệt về chính sách Afghanistan, Tổng Thống Trump hồi tuần trước hứa gia tăng chiến dịch chống lại phiến quân Taliban.
Tuần trước, Tướng Mattis nói rằng ông có ký lệnh gửi thêm quân sang Afghanistan nhưng không nói cụ thể là bao nhiêu mà chỉ thêm rằng ông cần phải tường trình với Quốc Hội trước đã.
Các giới chức Hoa Kỳ trong suốt nhiều tháng cho Reuters biết rằng ông Trump cho phép Tướng Mattis toàn quyền đưa thêm khoảng 4,000 quân đến Afghanistan.
Quân đội Mỹ có mặt ở Afghanistan lúc cao điểm vào năm 2011 lên đến 100,000.
Một số giới chức Hoa Kỳ tỏ ra hoài nghi, rằng việc đưa thêm quân như vậy có lợi ích nào không vì mọi con số có thể chấp nhận được vẫn không đủ để thay đổi được hiện trạng ở Afghanistan, chưa nói đến việc tạo được sự ổn định và an ninh.
Tính đến nay đã có hơn 2,300 binh sĩ Mỹ tử trận và hơn 17,000 bị thương trong cuộc chiến ở Afghanistan. - nguoiviet
|
|
8.
Bão Irma tiếp tục hoành hành tại Caribe, 9 người chết

Tâm bão quét qua phía bắc Puerto Rico qua đêm và bão Irma di chuyển sang vùng biển gần Cộng hòa Dominica và Haiti vào cuối ngày thứ Năm 7/9, ập vào cả ba quốc gia này với gió mạnh và mưa lớn.
Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ dự báo nội trong ngày thứ Năm, bão Irma sẽ quét tới gần quần đảo Turks và Caicos và miền nam Bahamas.
Bão Irma đã giết chết ít nhất một người trên đảo Barbuda. Thủ tướng Antigua và Barbuda Gaston Browne cho biết ông chưa bao giờ chứng kiến mức độ tàn phá nghiêm trọng như hiện nay.
Thủ tướng Browne nói:
"Phải thừa nhận hôm nay tôi là người mang tin xấu. Tôi đến đảo Barbuda chiều nay và những cảnh tôi đã chứng kiến rất là thương tâm. Bị tàn phá hoàn toàn. Mức độ tàn phá ở đảo Barbuda là chưa từng có."
Vào cuối tuần này người dân đảo Barbuda có nguy cơ phải đối mặt với một trận bão khác.
Nhưng bão Irma, trận bão lớn có thể thấy được từ không gian, sẽ tiếp tục gây chú ý, và cho đến nay đã giết chết ít nhất 8 người trên đảo St. Martin.
Các nhà dự báo khí tượng cho biết trong vài ngày tới bão Irma vẫn là một cơn bão mạnh, với sức gió duy trì ở mức 295 km/giờ.
Khoảng 1 triệu người lâm vào cảnh mất điện ở Puerto Rico, người đứng đầu công ty điện lực trên lãnh thổ này của Hoa Kỳ nói có thể mất từ 4 đến 6 tháng để khôi phục hoàn toàn mạng lưới điện.
Ở bang Florida phía đông nam Hoa Kỳ, nhiều khách hàng xếp hàng dài chờ đổ xăng và mua lương thực, trong khi các cơ quan chức năng hối thúc người dân rời khỏi một số khu vực nhất định trước khi quá muộn.
Thị trưởng Hạt Miami-Dade Carlos Gimenez nói:
"Lý do khá đơn giản là cư dân trên các đảo có nguy cơ bị ngập lụt, và khi đó chúng tôi không thể tiếp cận được. Tương tự đối với khu Zone A ở South Dade, nhiều khả năng sẽ bị bão hoành hành - chúng tôi không thể tiếp cận khu vực này. Vì vậy, nếu quý vị không nghe theo lời cảnh báo, và không tuân thủ lệnh sơ tán thì quý vị sẽ gặp khó khăn. Tôi không nói là chúng tôi không đến với quý vị mà có nhiều khả năng chúng tôi không thể đến đó, cho nên quý vị đừng mạo hiểm.”
Thống đốc Florida Rick Scott kêu gọi mọi người nên chuẩn bị đối phó và không nên làm ngơ lệnh sơ tán. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Nhóm chuyên gia đề xuất cải cách Bộ Ngoại giao Mỹ

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce có mặt hôm 6/9 khi một số cựu đại sứ và lãnh đạo doanh nghiệp cho ra mắt phúc trình với các khuyến nghị về cải cách Bộ Ngoại giao Mỹ tại Viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
Nhóm các chuyên gia lưỡng đảng nói trao quyền cho Bộ Ngoại giao là điều thiết yếu tại một thời điểm có nhiều thách thức và đe dọa toàn cầu luôn thay đổi nhanh chóng.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce nói lâu nay ông vẫn có quan điểm rõ ràng, là không ủng hộ đề nghị cắt giảm mạnh các hoạt động của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế, mà chính quyền Tổng thống Trump đã đề xuất.
Ông Royce kêu gọi Ngoại trưởng Rex Tillerson hành động nhanh chóng để đưa người vào các chức vụ cấp cao còn trống, cả ở Bộ Ngoại giao lẫn tại các đại sứ quán Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Nhóm các cựu đại sứ lưỡng đảng nói rằng phúc trình của họ cho thấy nhu cầu thiết yếu phải củng cố Bộ Ngoại giao bằng cách giảm số lượng các cục, vụ và quy định rằng đào tạo các nhân viên cấp trung và cấp cao là điều bắt buộc.
Cựu Đại sứ Chester Crocker nói: "Chúng ta không thể chấp nhận một Bộ Ngoại giao bị suy yếu, chúng ta không thể chấp nhận một Bộ Ngoại giao thiếu thốn tài chính, có lãnh đạo kém, đào tạo không đầy đủ, và chỉ mạnh về mức độ quan liêu. Chúng ta cần củng cố Bộ Ngoại giao, khôi phục sức mạnh để Bộ có thể hoạt động hữu hiệu hơn”.
Một cựu quan chức quản lý tài chính cấp cao tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay chi phí an ninh ngoại giao đã tăng vọt sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Ông Brad Higgins, hiện là cổ đông lớn trong SOSV, nói: "Hiện giờ chúng ta phải chi tiền để bảo đảm an ninh cho Bộ Ngoại giao nhiều hơn là chi tiền cho việc vận hành bộ. Chúng ta cần thảo luận về vấn đề này".
Tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng công tác ngoại giao quan trọng hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ người Mỹ ở trong nước và giữ cho quân đội Hoa Kỳ không gặp hiểm nguy. - VOA
|
|
10.
Facebook: Nhiều tài khoản từ Nga mua quảng cáo trong đợt bầu cử Mỹ

Hàng trăm tài khoản Facebook giả, có nhiều phần là từ Nga, đã chi khoảng 100.000 đôla cho các quảng cáo nhằm khuấy động những vấn đề gây chia rẽ ở Mỹ như vấn đề kiểm soát súng ống, nạn phân biệt chủng tộc trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, AP dẫn nguồn Facebook cho biết hôm 7/9.
Mặc dù số lượng quảng cáo tương đối nhỏ, nhưng tiết lộ này cung cấp thêm một cái nhìn chi tiết hơn về một nỗ lực có chủ đích của người Nga nhằm gây ảnh hưởng lên chính trị Mỹ trong thời gian tranh cử, thông qua truyền thông xã hội.
AP dẫn nguồn từ hai nhân vật giấu tên quen thuộc với cuộc điều tra cho biết có 470 tài khoản dường như xuất phát từ một tổ chức có trụ sở tại St. Petersburg được biết tiếng là hay quảng bá quan điểm của chính phủ Nga qua các tài khoản giả.
Các tài khoản này đã mua khoảng 3.000 mục quảng cáo từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 5 năm 2017. Mặc dù quảng cáo không đề cập cụ thể đến bầu cử, ứng cử viên hay việc bỏ phiếu, nhưng chúng có tác dụng khuyếch đại “các thông điệp gây chia rẽ” thông qua truyền thông xã hội, AP dẫn lời ông Alex Stamos, Giám đốc an ninh Facebook, cho biết.
Mạng xã hội nổi tiếng này đã chuyển các phát hiện trên cho các cơ quan liên bang điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Robert Mueller, cố vấn đặc biệt chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử của Mỹ, cũng như bất kỳ sự hợp tác tiềm tàng nào của nước này với các cộng sự của Tổng thống Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Mark Warner của Virginia, người đứng đầu đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết Facebook đã thông báo tin này cho ủy ban hôm thứ Tư, nhưng ông vẫn muốn biết thêm về nội dung quảng cáo của tổ chức nghiên cứu Internet có trụ sở ở Nga, xem liệu chúng có nhắm vào những cử tri hay khu vực cụ thể ở Hoa Kỳ hay không.
Dân biểu Adam Schiff, nhà lập pháp cấp cao nhất của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo, nói tiết lộ của Facebook khẳng định điều mà nhiều nhà lập pháp đang điều tra sự về can thiệp của Nga trong bầu cử của Mỹ từ lâu đã nghi ngờ.
Ngoài 470 tài khoản từ Nga, ông Stamos cho biết các nhà điều tra của Facebook còn phát hiện 50.000 USD chi cho 2.200 quảng cáo “có thể có nguồn gốc từ Nga”, thậm chí bao gồm cả quảng cáo được mua bởi các tài khoản có địa chỉ IP ở Mỹ nhưng được cài đặt sang tiếng Nga.
Số tiền quảng cáo do Facebook phát hiện chỉ là một khoản tiền nhỏ bé so với tổng số tiền chi tiêu cho quảng cáo trong cuộc bầu cử. Theo công ty chuyên theo dõi quảng cáo Borrell Associates, hơn 1,4 tỷ đôla đã được chi ra cho riêng các mục quảng cáo kỹ thuật số trong suốt chu kỳ bầu cử 2016.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Facebook đã chịu áp lực nặng nề phải ngăn chặn luồng thông tin giả.
Các tài khoản giả đã được Facebook phát hiện trong một đợt thanh tra việc mua quảng cáo, bắt nguồn từ cuộc điều tra rộng rãi của chính Facebook về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. - VOA
|
|
11.
Amazon tìm địa điểm cho trụ sở thứ hai, kinh phí 5 tỷ đôla

Công ty Amazon hôm 7/9 cho biết là đang tìm địa điểm để xây dựng trụ sở thứ hai ở Bắc Mỹ với kinh phí vượt qua 5 tỷ đôla, đủ rộng cho 50.000 nhân viên.
Công ty thương mại điện tử nổi tiếng có trụ sở chính đặt tại Seattle, cho biết là đang chờ các đề xuất của giới lãnh đạo chính quyền tiểu bang và sẽ chọn địa điểm cuối cùng trong năm tới.
Lực lượng lao động của công ty Amazon đã tăng vọt từ chưa tới 25.000 người lên đến 380.000 người từ khi chuyển đến thành phố Seattle vào năm 2010, giữa lúc công ty nhanh chóng mở rộng thị trường để trở thành nhà bán lẻ toàn cầu - bán đủ mọi thứ, từ hàng tạp hoá cho đến đồ gia dụng.
Tổng doanh thu của Amazon đã tăng từ 34 tỷ đôla vào năm 2010 lên tới 136 tỷ đôla vào cuối năm ngoái. Gần đây, Amazon đã mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods Market với giá 13,7 tỷ đôla.
Amazon cho biết trụ sở mới lý tưởng sẽ được đặt tại một khu đô thị có hơn một triệu dân, và như vậy công ty có thể lựa chọn giữa hơn 50 thành phố.
Dự kiến ban đầu Amazon cần một diện tích hơn 46.000 mét vuông và đến năm 2027, sẽ cần hơn 743.000 mét vuông.
Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos cho biết trong một thông báo rằng Amazon dự kiến trụ sở mới sẽ “hoàn toàn ngang hàng” với tổng hành dinh hiện tại ở thành phố Seattle.
Khuôn viên của tổng hành dinh ở Seattle trải rộng trên 752.000 mét vuông (8.1 triệu feet vuông) với 33 tòa nhà, với đội ngũ nhân viên lên tới 40.000 người.
Tin này đã giúp cổ phiếu Amazon tăng 1% lên mức 978 đôla/ cổ phiếu vào sáng thứ Năm 7/9. - VOA
|
|
12.
Texas: nước lũ rút, bệnh phát sinh

Các loại nước thải và vi khuẩn trong phân đã được phát hiện trong các mẫu nước lấy từ vùng lũ sau bão Hurvey ở thành phố Houston. Một số mẫu nước cho thấy vi khuẩn E. coli, một loại vi khuẩn tìm thấy trong phân động vật và phân người, cao gấp 125 lần so với chuẩn an toàn cho bơi lội. Ngoài ra, các bác sĩ lo ngại bệnh tật có thể lan truyền từ người này sang người khác đối với những người tạm trú trong các trung tâm tạm trú. Trong khi tại một số khu vực nước lụt đã rút đi, nước vẫn còn đọng lại ở những nơi khác. Phóng viên Carol Pearson của VOA có thêm chi tiết sau đây:
Đây là quang cảnh sau khi hơn 3,000 tỷ lít nước mưa đổ xuống trong 5 ngày liên tiếp. Nhiều vùng vẫn còn bị ngập. Nước độc, và các đường dây điện đổ xuống có thể gây thiệt mạng tức thì.
Anh Andrew Pasek trở về khu xóm nhà anh để tìm con mèo và bị điện giật chết ngay ở sân nhà.
Bà Jodelle Pasek, mẹ của nạn nhân nói:
"Họ không thể giúp con tôi, họ không thể hồi sinh con tôi, con tôi đã bị điện giật dưới nước."
Ít nhất hai nhân viên tình nguyện cứu hộ bị điện giật khi thuyền của họ chạm trúng đường dây dưới nước. Ngoài ra còn có nhiều mối nguy khác. Những người lánh bão không có thuốc men thiết yếu như insulin. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và các bệnh viện địa phương đang giúp họ.
Nhưng với nước lũ tràn ngập khắp nơi và nhiệt độ ban ngày ở mức 30 độ C (khoảng 90 độ Fahrenheit), đã biến thành phố Houston thành nơi sinh ra muỗi và vi khuẩn mang bệnh.
Tiến sĩ Samuel Dorevitch, Đại học Illinois nói:
"Những nguy cơ về sức khoẻ cộng đồng sau bão Harvey còn kéo dài hơn tình trạng ngập lụt và mưa lũ bây giờ. Mối lo liên quan tới muỗi và mầm bệnh trong nước đọng, đặc biệt trong các chai lọ. Mốc meo phát sinh trong những căn nhà bị ngập cũng là một mối lo khác."
Giới hữu trách lo ngại dân tiếp xúc với nước lũ có thể phát sinh nhiễm trùng tụ cầu kháng thuốc hoặc vi khuẩn E-coli, một loại vi khuẩn có thể gây chết người.
Tiến sĩ Samuel Dorevitch nói:
"Khi các cơ sở xử lý nước thải bị quá tải, có thể nước thải sẽ lẫn vào trong nước. Và như vậy nguồn nước uống bị đe doạ. Hiện nay lũ lụt cũng làm hạn chế hoạt động của một nhà máy xử lý nước tại thành phố Houston.
Khi nước rút đi, nấm mốc và các bệnh đường hô hấp do nấm mốc gây nên có thể tăng. Các bức tường ngập nước, hệ thống cách nhiệt, đồ đạc trong nhà và thảm trải sàn có thể gây bệnh tật hoặc thậm chí, gây tử vong.
CDC và các giới chức y tế công đồng có thể giúp giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên, đối với một số người, những lo âu có thể dẫn đến chấn thương tâm lý kéo dài, đặc biệt đối với những người đã chứng kiến cảnh thành viên trong gia đình hoặc bạn bè bị thiệt mạng hay mất tất cả của cải.
Một phụ nữ mất nhà nói:
"Chúng tôi chẳng còn một ngôi nhà để mà quay về." - VOA
|
|
13.
Bùng nổ tranh cãi pháp lý khi Trump bỏ DACA

Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump bãi bỏ một chính sách thời Tổng thống Barack Obama trì hoãn trục xuất và cấp giấy phép lao động những di dân trẻ tuổi không giấy tờ được đưa đến Mỹ từ nhỏ, một lần nữa thu hút sự chú ý tới khía cạnh pháp lý của một trong những vấn đề di trú gây nhiều tranh cãi nhất giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hôm 5/9 loan báo chương trình Hành động Trì hoãn cho Người đến Mỹ lúc nhỏ, hay DACA, sẽ chấm dứt trong vòng sáu tháng để cho Quốc hội thời gian soạn thảo một đạo luật di trú giải quyết tình cảnh của gần 800,000 di dân trẻ tuổi này mà đại đa số có gốc gác từ Mexico.
Tổng thống Trump đã bị một số bang gây áp lực kiện lên tòa án liên bang nếu chính quyền ông không chấm dứt DACA. Trước đó khi vận động tranh cử, ông từng tuyên bố rằng chương trình này là sự ân xá “bất hợp pháp” của nhánh hành pháp.
Từ khi được ban hành, sắc lệnh của ông Obama đã gặp chỉ trích là vi hiến và rằng chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền ban hành luật về di trú. Họ nói rằng chương trình này có cơ sở pháp lý bấp bênh và sẽ không vượt qua những thách thức pháp lý khi bị đưa ra tòa án.
Nhưng hơn 100 giáo sư và giảng viên luật ở Mỹ tháng 8 vừa qua đã viết thư cho ông Trump khẳng định DACA là hợp pháp. “Theo quan điểm của chúng tôi, không có nghi ngờ gì về việc DACA 2012 là sự thực hành hợp pháp thẩm quyền truy tố. Kết luận của chúng tôi dựa trên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và nghiên cứu kỹ lưỡng Hiến pháp Hoa Kỳ, luật hành chính, những đạo luật di trú, những quy định của liên bang và án lệ,” họ viết.
Thẩm quyền truy tố (prosecutorial discretion) là thẩm quyền của một cơ quan hay một viên chức thuộc nhánh hành pháp quyết định đưa ra cáo buộc nào hoặc theo đuổi từng trường hợp ra sao. “Thay vì cấp tư cách pháp lý, DACA chỉ trì hoãn hành động chấp pháp đối với những những di dân mà đã hội đủ những điều kiện nhất định và cho phép họ làm việc hợp pháp trong thời gian [hai năm],” Eric Holder, một cựu bộ trưởng tư pháp thời Obama viết trong một bài bình luận đăng trên báo The Washington Post hôm thứ Năm, lưu ý thêm rằng hình thức trì hoãn hành động đã được chính thức công nhận thuộc thẩm quyền của nhánh tư pháp kể từ thời Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan.
Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, một luật sư tại California có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú, giải thích thêm:
“Sắc luật hành pháp của [Tổng thống Obama] không có khả năng sửa đổi luật di trú của Mỹ mà chỉ nói rằng trong 12 triệu người [di dân bất hợp pháp] đó thì mình trì hoãn mấy đứa nhỏ lại cho mấy đứa nhỏ không bị trục xuất liền bây giờ. Mà nếu không bị trục xuất liền bây giờ thì tạo cơ hội cho nó nên người tốt bằng cách cấp bằng để nó đi làm, để nó đi học, để làm được những việc tốt. Mục đích của DACA là như thế.”
Dù khẳng định sắc luật DACA là “hoàn toàn hợp hiến,” luật sư Duyên lưu ý rằng một giải pháp lâu dài để tạo điều kiện cho những di dân này trở thành thường trú nhân hoặc công dân Mỹ không thuộc thẩm quyền của Tổng thống mà là của Quốc hội.
Sau loan báo DACA bị hủy bỏ hôm 5/9, hai thượng nghị sĩ Dick Durbin của Đảng Dân chủ và Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng xúc tiến một dự luật lưỡng đảng mà sẽ cấp tư cách pháp lý cho những người đang được hưởng lợi từ chương trình DACA.
Dự luật có tên là DREAM cùng nhiều phiên bản của nó nhắm mục tiêu này đã không thông qua được Quốc hội kể từ năm 2011, và đó chính là nguyên nhân thúc đẩy Tổng thống Obama quyết định ban hành sắc lệnh DACA, dù DACA khác với dự luật DREAM ở chỗ nó không cung cấp một ngả đường hướng tới việc trở thành thường trú nhân hợp pháp hay nhập quốc tịch.
Thông qua một đạo luật DREAM trong tương lai gần có thể là một điều khó khăn. Quốc hội đang chuẩn bị đương đầu với một tháng làm việc bận rộn đầy những luật cần phải thông qua, như dự luật tăng trần nợ, cấp ngân quỹ cho chính phủ, cải tổ luật thuế, và ổn định các thị trường bảo hiểm y tế.
Nhưng quyết định của Tổng thống Trump bãi bỏ DACA càng khiến sự chú ý tập trung nhiều hơn vào số phận của hàng trăm ngàn người trẻ tuổi, những người có nguy cơ bị trục xuất nếu một đạo luật không được thông qua trong thời gian sáu tháng tới và ông Trump vẫn giữ nguyên quyết định bãi bỏ.
“Nếu mà Quốc hội hiểu rằng là sự hiện diện của một thế hệ trẻ như vậy thật sự làm phong phú thêm cho nước Mỹ, làm tăng thêm kinh tế, làm tăng thêm việc làm thì Quốc hội phải ngồi xuống và phải thảo luận cho thật lẹ,” luật sư Duyên nói. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

14.
Việt Nam bắn thử tên lửa sau khi Trung Quốc tập trận trên biển Đông

Việt Nam bất ngờ bắn thử tên lửa phòng không mới nhập từ Israel, cùng ngày người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông.
Trích nguồn tin từ Quân Đội Nhân Dân, các báo trong nước đồng loạt đăng tin và hình ảnh các loại tên lửa “phòng không hiện đại Spyder” được thử nghiệm với đạn thật trong khuôn khổ cuộc diễn tập của các lực lượng phòng không Việt Nam diễn ra hôm 5/9.
Động thái này diễn ra 3 ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận bắn đạn thật trên quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lập tức bác bỏ cáo buộc của Việt Nam.
"Trong bối cảnh Trung Quốc đang có các hoạt động gây căng thẳng đó mà họ đã công khai các nội dung họ đã làm thì việc các nước khác cũng có tiến hành các hoạt động một cách hợp pháp trên lãnh thổ của mình là điều dễ hiểu," theo tiến sỹ Trần Công Trục, từng là trưởng ban biên giới chính phủ. "Đây có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc."
Việt Nam tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa Spyder từ Israel vào giữa tháng 7, theo Blog Quốc phòng thì mục tiêu là để tăng cường khả năng phòng vệ trên không. Spyder được thiết kế với tính năng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng 1 lúc và khả năng triệt hạ các loại máy bay, kể cả phản lực cơ chiến đấu, máy bay trực thăng, và máy bay không người lái.
Spyder được coi là tên lửa phòng không “hiện đại đầu tiên” mà Việt Nam đặt mua cách đây nhiều tháng.
Việt Nam đặt mua 3 tổ hợp tên lửa phòng không Spyder tầm gần cực hiện đại của Israel cùng với nhiều loại đạn và tên lửa như Python, theo Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI).
Đây mới chỉ là hợp đồng mua sắm giai đoạn 1 mang tính thử nghiệm, theo nhận định của Soha. Sau đó có thể Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ được trang bị nhiều tổ hợp tên lửa Spyder hơn.
Việt Nam đã trở thành 1 trong những nước hàng đầu thế giới tăng chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong mấy năm gần đây. Theo SIPRI, năm ngoái Việt Nam chi tới 5 tỷ USD để tăng cường khả năng quân sự. Đây là một mức tăng vô cùng đáng kể trong chi tiêu quân sự, cao hơn 90% so với năm 2010.
Nguyên nhân chính khiến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực tăng chi tiêu quốc phòng, theo tiến sỹ Trục, là do tình hình căng thẳng từ Trung Quốc đã đe dọa an ninh quốc phòng của các nước trong khu vực.
"Việc các nước phải tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách tăng thêm chi tiêu cho ngân sách quốc phòng là một điều hợp lý," theo tiến sỹ Trục. "Mặc dù đó là điều không ai muốn làm. Việt Nam càng không muốn làm bởi vì Việt Nam đang phải đầu tư rất nhiều cho sự phát triển kinh tế nhưng buộc lòng phải làm trong bối cảnh này."
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc được cho là tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua kể từ sau khi Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 4/2014.
Vào tháng 7, Việt Nam đã phải ngừng hoạt động khoan thăm dò dầu khí trong khu vực biển có tranh chấp với Trung Quốc dưới sức ép của Bắc Kinh. Trước đó một tướng cấp cao của quân đội Trung Quốc đã bỏ dở chuyến thăm tới Hà Nội và các cuộc giao lưu quân đội giữa 2 nước đã được lên lịch bị hủy bỏ. - VOA
|
|
15.
Việt Nam ủng hộ kế hoạch tuần tra biển Đông của Hoa Kỳ

Liên quan đến kế hoạch tuần tra của Mỹ ở biển Đông thời gian tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng hôm 7/9 nói rằng Việt Nam tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải hàng không phù hợp với luật quốc tế.
Ngày 1/9 vừa qua Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đang lên kế hoạch tăng cường các đợt tuần tra trên biển Đông bao gồm các hoạt động tự do hàng hải FONOP từ hai đến ba lần trong vài tháng tới.
Khi được báo chí hỏi về những phản bác của Trung Quốc đưa ra hôm 6/9 liên quan đến việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa, bà Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam vẫn nhất quán rằng đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 6/9 vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết đã tiêu hủy gần 1.500 ấn phẩm thể hiện sai địa giới hành chính của Việt Nam, chủ yếu là thể hiện sai hoặc thiếu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cơ quan chức năng Đà Nẵng cho biết hầu hết các ấn phẩm này có nguồn gốc từ nước ngoài, được in bằng các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Trung, Nhật, Pháp, Việt,…
Chi cục Hải quan Đà Nẵng còn tiết lộ rằng khách du lịch nước ngoài khi vào Việt Nam đã mang theo nhiều bản đồ in hình lưỡi bò của Trung Quốc và bị thu giữ, tuy nhiên không nói rõ khách từ nước nào. - RFA
|
|
16.
Nhiều đại học danh tiếng ở Việt Nam bị xếp hạng thấp

Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam vừa mới được công bố đã không nhận được sự hoan nghênh của một số trường đại học, nhất là các trường được đánh giá không tương xứng với danh tiếng lâu nay của họ, các báo trong nước loan tin.
Bảng xếp hạng được công bố hôm 6/9 với 49 trong tổng số hơn 300 trường đại học ở Việt Nam được đánh giá. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bảng xếp hạng như vậy, đây là công trình của một nhóm khảo sát độc lập dưới sự chủ biên của TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu hiện đang làm việc tại Úc.
Năm trường xếp đầu bảng là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Năm trường cuối bảng là Học viện Ngoại giao, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Văn hóa và Đại học Y-Dược Hải Phòng.
Việc một trường tương đối mới trên bản đồ đại học Việt Nam như trường Tôn Đức Thắng đánh bại các trường lâu đời, có bề dày truyền thống như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Hà Nội đã gây nhiều bất ngờ.
Trong khi đó, các trường được xem là ‘danh giá’ lâu nay với đầu vào cao như Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế Quốc dân hay Đại học Kiến trúc lại có thứ hạng từ trung bình cho đến chót bảng.
Việc xếp hạng dựa trên ba tiêu chí lớn là giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất quản trị. Hai tiêu chí đầu mỗi tiêu chí chiếm tỷ trọng 40% trong khi tiêu chí còn lại chiếm 20% tỷ trọng.
Các tiêu chí được quy ra các chỉ số có thể đo lường được để so sánh, chẳng hạn một trong những chỉ số dùng để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học của một trường là số công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế (chỉ số ISI) và số lượng các trích dẫn từ các công trình nghiên cứu đó.
Số liệu nghiên cứu được nhóm khảo sát lấy từ trang chủ của các trường. Nhóm khảo sát cũng thừa nhận số liệu ở một số trường chưa có sự cập nhật và một số trường không phản hồi đề nghị cung cấp số liệu của họ, theo báo mạng VnExpress.
Trong số các ý kiến phản biện, có ý kiến cho rằng việc đánh đồng một viện đại học lớn có nhiều trường thành viên như các Đại học Quốc gia với một trường chuyên ngành như Đại học Xây dựng hay Đại học Kiến trúc là “không phù hợp”. Việc so sánh tiêu chí nghiên cứu khoa học giữa các trường chuyên về khoa học tổng hợp với các trường đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên cũng bị phản đối.
Ngoài ra việc bảng xếp hạng này không tính đến yếu tố số lượng sinh viên ra trường có việc làm và mức thu nhập của họ cũng được xem là thiếu sót.
Đại học Tôn Đức Thắng, trường xếp thứ hai trong bảng xếp hạng, nằm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trường đại học này có lịch sử mới 20 năm, khởi thủy là đại học tư thục nhưng hiện đã chuyển đổi thành đại học công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Liên đoàn Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Đại học Tôn Đức Thắng đã đầu tư nhiều vào đội ngũ giảng dạy với chế độ đãi ngộ cao nên thu hút được người giỏi. Trường cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trường xếp đầu bảng về nghiên cứu khoa học và xếp thứ hai về chất lượng giảng dạy trên bảng xếp hạng.
Mới đây, Đại học Tôn Đức Thắng cũng được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về tham dự lễ khai giảng năm 2017. Sự hiện diện của một lãnh đạo cao cấp là dấu hiệu cho thấy trường đại học này được Nhà nước đánh giá cao.
Tiến sỹ Trần Trọng Hanh, hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, và Tiến sỹ Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, đã từ chối bình luận về bảng xếp hạng với VOA. Bà Phượng nói rằng bà phản đối bảng xếp hạng này nhưng không cho biết lý do. Các trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Hoa Sen đều có thứ hạng thấp trong bảng xếp hang. - VOA
|
|
17.
Chiết Giang đào tạo MBA cho VN bằng chữ Hán

Đại học Chiết Giang của Trung Quốc và một Viện nghiên cứu tại Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác đào tào bằng cao học quản trị kinh doanh MBA.
Hôm 6/9, tại Hà Nội, quan chức Đại học Công nghiệp Chiết Giang và Viện Nghiên cứu Phát triển Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã ký thỏa thuận dự án hợp tác MBA và "3+1", theo Tân Hoa Xã.
Hai cơ quan này sẽ tung ra chương trình MBA và hệ chính quy "3+1" tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Theo Tân Hoa Xã, chương trình MBA sẽ giảng dạy bằng tiếng Trung và có bằng được Bộ Giáo dục Trung Quốc công nhận.
Sinh viên Việt Nam dự án hệ chính quy "3+1" sẽ học ba năm đầu trong nước để sang năm thứ 4 đến Đại học Công nghiệp Chiết Giang hoàn tất chương trình học tập.
Ông Phạm Chí Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam được báo chí trích lời nói về ưu thế trong giáo dục đại học của Trung Quốc sẽ giúp hệ đại học và cao đẳng Việt Nam tiến hành cải cách đổi mới sáng tạo trong ngành này.
Hợp tác toàn diện
Hồi tháng 4/2017, trong chuyến thăm sang Bắc Kinh của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng, ông Phạm Bình Minh, hai bên Trung - Việt đã đồng ý mở rộng tác lĩnh vực hợp tác.
Theo thông báo hai bên về phiên họp lần thứ 10 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng chủ trì với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, hai bên đã bàn đến hợp tác kinh tế thương mại, mở rộng đầu tư, và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa giáo dục, du lịch, báo chí và giao lưu nhân dân.
Vấn đề Biển Đông cũng được bàn tới tại cuộc họp trong tháng 4 nhưng không phải là phần chính của nghị trình.
Trước đó, tháng 9/2016, 3/9 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm đến Trung Quốc cùng phái đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục Trung Quốc "thống nhất các nội dung hợp tác chính trong thời gian tới", theo truyền thông hai nước.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chính thức nói phía Việt Nam mong muốn Bộ Giáo dục Trung Quốc "chia sẻ những chính sách, thực tiễn tốt của Trung Quốc trong phát triển giáo dục đào tạo", theo báo Giáo dục và Thời đại 16/09/2016.
Những năm qua, ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam sang học tại Trung Quốc.
Triển lãm du học Trung Quốc được tổ chức hàng năm ở Việt Nam với sự tham gia của hơn 30 trường Đại Học Trung Quốc, theo các báo Việt Nam. - BBC
|
|
18.
VN muốn Úc ngừng treo cờ vàng?

Báo Úc đưa tin Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ở Hội nghị G20 vào tháng 7 ngừng để cờ của Việt Nam Cộng Hòa được treo ở Úc.
Trước thông tin này, cộng đồng người Việt ở Úc đã lên tiếng phản đối và không muốn chính phủ Việt Nam can thiệp vào quyền treo lá cờ vàng, một biểu tượng chính trị và văn hóa đối người Việt tị nạn sau chiến tranh Việt Nam ở ÚC.
Chủ tịch Hội Người Việt tại Úc, ông Peter Thang Ha, nói lá cờ là biểu tượng của bản sắc văn hoá của người Việt tị nạn ở Úc, theo tờ Daily Telegraph ở Úc (dailytelegraph.com.au).
"Lý do khiến nhiều người rời bỏ Việt Nam là do chế độ Cộng sản", ông Thang Ha cho biết.
"Lý do khiến nhiều người rời bỏ Việt Nam là do chế độ Cộng sản", ông Thang Ha cho biết.
"Chúng tôi treo cờ này vì chúng tôi vẫn không chấp nhận chế độ hiện tại và lá cờ đỏ; nó không phải là một phần của nền văn hoá của chúng tôi và nó đã không bao giờ được chấp nhận. "
Hội đồng Thành phố Fairfield cũng ủng hộ quyền của Cộng đồng gốc Việt tại đây treo cờ vàng ba sọc đỏ vào những dịp đặc biệt.
Ông Thang Ha cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop đưa ra vấn đề này trong một cuộc họp gần đây với cộng đồng tại Canberra.
"Đây là một vấn đề địa phương, nhưng Chính phủ Việt Nam lại làm lớn chuyện với việc đề cập đến nó với Julie Bishop", ông Thang Ha được tờ Daily Telegraphy dẫn lời.
Phát ngôn viên của bà Bishop nói rằng các quy định pháp lý của bang và địa phương không bị ràng buộc bởi luật lệ theo Nghị định Treo Cờ của Chính phủ Úc.
"Đó là một thông lệ của chính phủ Úc, khi các tổ chức địa phương treo cờ vàng, họ được khuyến khích theo chính sách của Chính phủ là chỉ treo những lá cờ được ÚC chính thức công nhận cùng với quốc kỳ Úc", bà nói.
Thị trưởng Fairfield Frank Carbone cho biết tại một cuộc họp Hội đồng thành phố hồi tháng Năm rằng nhiều thuyền nhân Việt Nam tại Fairfield coi lá cờ vàng như một biểu tượng, di sản và cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ.
"Thành phố Fairfield là nơi chúng ta coi trọng sự đa văn hóa, nhưng chúng tôi phải kết hợp với các giá trị của Úc, bao gồm việc tôn trọng di sản và văn hoá của nhau và tự do cho phép biểu hiện văn hoá", ông nói.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng thành phố Milpitas ở California, Hoa Kỳ vừa thông qua nghị quyết cấm cờ đỏ sao vàng hôm 5/9 với 100% phiếu thuận. - BBC
|
|
19.
Phó TGĐ Công Ty Cổ Phần Dầu Khí Việt Nam PVN bất ngờ thay đổi lời khai

Liên quan đến vụ xử tham nhũng của Ngân Hàng Ocean Bank, Phó giám đốc Công Ty Cổ Phần Dầu Khí Việt Nam PVN là ông Ninh Văn Quỳnh bất ngờ thay đổi lời khai tại phiên toà sáng thứ Năm, 7 tháng 9, thừa nhận đã nhận từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank khoảng 20 tỉ đồng.
Tại những phiên xử trước đây, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai rằng đã chuyển cho ông Quỳnh từ 30 đến 40 tỉ đồng trong số tiền hơn 300 tỉ đồng nhận từ OceanBank. Tuy nhiên, ông Quỳnh đã phủ nhận điều này cho đến phiên toà sáng ngày 7 tháng 9.
Ông Quỳnh khẳng định không ai ép buộc ông thay đổi lời khai, mà do ông biết không thể trốn tránh sự thật.
Tin trong nước tường thuật lời ông Quỳnh tại diễn biến phiên toà cho biết, từ năm 2009 đến cuối năm 2013, ông đã nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn kèm theo những món quà khác như rượu, áo sơ mi. Ông cho biết tổng cộng là khoảng 20 tỉ đồng và khai thêm rằng đã dùng cho mục đích cá nhân.
Cũng theo tường thuật từ trong nước, đối chất với lời khai của bị cáo Ninh Văn Quỳnh, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn việc đưa tiền là nhằm chăm sóc cho Công Ty Cổ Phần Đầu Khí Việt Nam PVN chứ không phải chuyển cho ông Quỳnh với mục đích cá nhân. Cũng theo lời khai của ông Sơn, số tiền đó là do chủ tịch OceanBank, ông Hà Văn Thắm tự nguyện hỗ trợ tiền chi đối ngoại. - RFA
|
|
20.
Kaspersky: Việt Nam là nguồn phát tán thư rác lớn nhất trong quý 2
Trong quý 2 vừa qua, Việt Nam là quốc gia đứng đầu danh sách 10 nước có nguồn phát tán thư rác nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc.
Bảy quốc gia có tên sau đó là Ấn Độ, Đức, Nga, Brazil, Pháp, Iran vàHà Lan.
Thống kê này nằm trong báo cáo do hãng bảo mật điện toán Kaspersky Lab đưa ra ngày 7 tháng 9.
Theo báo cáo này, những thư rác độc hại được bọn hackers thiết lập dưới dạng thư điện tử (email) gửi đi, giả dạng từ các doanh nghiệp với thông tin, dịch vụ của công ty đó, bao gồm cả chữ ký, logo và thông tin ngân hàng. Email của bọn gian chứa mã độc hại, nếu người nhận mở ra, dữ liệu máy tính sẽ bị phá hoại. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9


----------

·         Tin Cập Nhật Thứ Tư 6/9
·         Tin Cập Nhật Thứ Ba 5/9
·         Tin Cập Nhật Thứ Hai 4/9








No comments: