Wednesday, September 13, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BA 12/9/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
TT Trump có thể thăm TQ nhân công du châu Á tháng 11

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể sẽ ghé thăm Trung Quốc vào tháng 11 nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới châu Á, một quan chức Mỹ cho hay. Chuyến đi của ông Trump sẽ diễn ra giữa lúc có căng thẳng về các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Washington và các đồng minh của họ nói tình hình đang ngày càng đòi hỏi Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên, phải gây thêm áp lực đối với nước láng giềng vốn lâu nay đã bị cô lập để họ chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Ông Trump dự kiến sẽ dự các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Đông Á tại Philippines vào tháng 11, cũng như Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay khi Reuters đề nghị bình luận khả năng ông Trump thăm nước này. - VOA
|
|
2.
LHQ đồng thuận trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân --- Trung Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên nhưng vẫn muốn đối thoại

Ngày 11/09/2017, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, toàn thể 15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một loạt biện pháp mới trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ thử bom hạt nhân ngày 03/09 : Cấm xuất khẩu sản phẩm dệt may và hạn chế nhập khẩu dầu khí. Phương Tây hy vọng phong tỏa đến 90% xuất khẩu của Bình Nhưỡng và 30% nguồn năng lượng nhập khẩu để buộc Kim Jong Un phải đình chỉ chương trình hạt nhân, vũ khí quy ước đe dọa an ninh thế giới và trở lại bàn đàm phán.
Nghị quyết trừng phạt lần thứ 8 của Liên Hiệp Quốc được hai nước đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc ủng hộ sau khi Mỹ chấp nhận giảm nhẹ. Đối với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, nghị quyết được biểu quyết nhất trí hôm thứ Hai rất « cân đối và vững chắc », cho phép Liên Hiệp Quốc xác định « quyết tâm và đoàn kết » trong thông điệp cảnh tỉnh chế độ Bình Nhưỡng.
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau phân tích :
Hoa Kỳ muốn cắt đứt triệt để nguồn dầu khí nhập khẩu của Bắc Triều Tiên. Lệnh cấm vận chỉ ảnh hưởng có một phần và áp dụng từng bước. Lãnh đạo Kim Jong Un cũng không bị phong tỏa tài sản.
Tuy nhiên, Washington cũng đạt được một số mục tiêu như là cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu hàng dệt may và hạn chế nhập khẩu khí đốt cũng như tăng cường kiểm soát thương thuyền Bắc Triều Tiên và hạn chế số nhân công ra nước ngoài lao động.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, khen ngợi thái độ ủng hộ của Trung Quốc và Nga, biểu hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Bà nói: Ngày hôm nay, chúng tôi nói rằng thế giới không bao giờ chấp nhận một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Và hôm nay, Hội Đồng Bảo An tuyên bố rằng nếu chế độ Bắc Triều Tiên không ngưng chương trình hạt nhân của họ thì chính chúng tôi sẽ ra tay hành động. »
Dù vậy, trái với lời tuyên bố bốc lửa hồi tuần trước, bà Nikki Haley tìm cách xoa dịu tình hình khi cho rằng còn có cơ hội thương thuyết : Chúng tôi không chọn giải pháp chiến tranh. Chế độ Bắc Triều Tiên chưa vượt qua giới hạn không thể đảo ngược. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân thì họ có một tương lai trước mặt. »
Lời tuyên bố này làm hài lòng Nga và Trung Quốc. Hai nước này lúc đầu không tin vào hiệu quả của giải pháp trừng phạt mới và một lần nữa họ kêu gọi các bên xung khắc tự kềm chế để mở lại càng sớm càng tốt vòng đàm phán sáu bên. - RFI

***
Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An do Hoa Kỳ soạn thảo đã được Nga và Trung Quốc chấp nhận với điều kiện phải bỏ đi những đoạn cứng rắn nhất. Cũng như những lần trước, Bắc Kinh, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, là nước đầu tiên phải áp dụng các biện pháp trừng phạt. Theo Reuters hôm nay 12/09/2017, bốn trong số những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã ngưng cung cấp dịch vụ tài chính cho các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt nhận định :
Bắc Kinh có thể hoan nghênh nghị quyết trừng phạt thứ 8 đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã thành công trong việc bác bỏ hai biện pháp mà mình không muốn : Trong văn bản được thông qua, không có việc cấm vận hoàn toàn dầu lửa, cũng như việc phong tỏa tài sản của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Tuy vậy, vẫn phải giảm gần một phần ba lượng dầu lửa bán cho Bình Nhưỡng, và ngưng nhập khẩu hàng dệt may Bắc Triều Tiên với tổng giá trị khoảng 670 triệu euro. Tân Hoa Xã cho biết « 90% hàng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên nay bị cấm nhập », nhắc lại rằng than đá, hải sản, sắt và quặng sắt đã bị cho vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : « Trung Quốc hy vọng nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ được thực hiện toàn bộ ». Nhưng phát ngôn viên Cảnh Sảng nhắc lại, bên cạnh trừng phạt, Bắc Kinh còn trông cậy vào đối thoại. Một giải pháp hòa bình là cần thiết. Trung Quốc sẽ không cho phép chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Reuters dẫn nguồn tin từ nội bộ các ngân hàng Xây Dựng (CCB), Công Thương (ICBC), Nông Nghiệp (AgBank) và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (BoC) tại Đan Đông khẳng định các khách hàng mới từ Bắc Triều Tiên không thể mở tài khoản. AFP trích báo cáo của công ty an ninh mạng FireEye cho biết, tin tặc Bắc Triều Tiên đã tấn công các trang web trao đổi bitcoin của Hàn Quốc ít nhất ba lần kể từ tháng Năm để đánh cắp tiền ảo, nhằm tránh né cấm vận. Còn theo Yonhap hôm nay, giá dầu tại Bắc Triều Tiên đã tăng lên. - RFI
|
|
3.
Hun Sen cáo buộc Mỹ đứng sau âm mưu lật đổ ---- Đại Sứ Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc Hoa Kỳ âm mưu lật đổ chính quyền Phnom Penh --- Đảng Cứu Quốc Campuchia tuyên bố ra tranh cử, thách thức Hun Sen

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cáo buộc Tòa Đại sứ Mỹ ở Phnom Penh “đạo diễn” “âm mưu phản quốc” của thủ lĩnh đối lập Kem Sokha trong lần chỉ trích mới nhất nhắm vào cơ quan ngoại giao của Mỹ. Ông cũng đặt dấu hỏi về chiến dịch đang manh nha của cơ quan này trên mạng xã hội để nêu bật “sự can dự tích cực” của Mỹ ở Campuchia, tờ Phnom Penh Post đưa tin.
Trong lúc này, Quốc hội Campuchia đã bỏ phiếu thông qua quyết định truy tố ông Kem Sokha về tội “phản quốc với sự thông đồng của Mỹ”, qua đó tước hoàn toàn quyền miễn trừ của ông Sokha.
Ông Hun Sen hôm 11/9 nói rằng Mỹ đang tìm cách “phá hủy” Campuchia bằng cách “làm thầy dùi” và “đạo diễn” cho “con rối” – tức ám chỉ ông Kem. Ông cũng nhắc lại sự khó chịu lâu nay với người Mỹ về chiến dịch ném bom của nước này vào đầu những năm 1970 và một món nợ chưa thanh toán từ thời Lon Nol, Phnom Penh Post cho biết.
Giọng điệu chống Mỹ ở Campuchia đã dâng cao sau khi Chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) bị bắt và truy tố với bằng chứng là một đoạn băng video cũ cho thấy ông Kem đang nói rằng ông được Mỹ hỗ trợ để định hướng con đường chính trị của mình.
“Khoảng 2,7 tấn bom còn chưa được xử lý xong,” Hun Sen nói. “Họ (người Mỹ) tấn công chúng ta rồi còn đòi tiền chúng ta nữa,” ông Hun Sen được dẫn lời nói.
“Và cũng chính những người này là kẻ đã giật dây và đạo diễn những con rối ở Campuchia,” ông nói thêm.
Trong khi đó, Fresh News, cơ quan ngôn luận của Chính phủ Campuchia, cũng đưa ra những thông tin không được kiểm chứng, hầu hết từ những nguồn không rõ tên tuổi hay từ Facebook cáo buộc rằng các tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ - bao gồm Viện Dân Chủ Quốc gia (National Democratic Institute) mới bị trục xuất gần đây – nằm trong âm mưu lật đổ chính quyền Campuchia.
Phnom Penh Post dẫn lời ông Ou Virak, người sáng lập Viện nghiên cứu Future Forum, nói rằng trong khi các lần công kích trước đây nhằm vào Mỹ là thỉnh thoảng mới có thì lần công kích này với cáo buộc Mỹ can dự vào âm mưu chống chính quyền đã “đi quá xa” và có thể khiến Mỹ trả đũa.
Quốc hội Campuchia hôm 11/9 cũng đã thông qua quyết định tước quyền miễn trừ đối với ông Kem Sokha để dọn đường cho việc truy tố ông này. Lãnh đạo Đảng CNRP đã tuyên bố mình vô tội.
Động thái truy tố ông Kem diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Hun Sen đang gia tăng đàn áp bất đồng, tập trung vào những cá nhân và tổ chức có liên hệ với Mỹ.
Trong một bài diễn văn, ông Hun Sen cảnh báo Đảng CNRP sẽ bị giải tán nếu họ tiếp tục ủng hộ ông Kem Sokha, theo tờ New York Times.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad al-Hussein, phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền hôm thứ Hai ngày 11/9 rằng ông “quan ngại nghiêm trọng” về việc bắt giữ đột ngột ông Kem Sokha mà không có lệnh bắt và điều này rõ ràng đi ngược lại quy chế miễn trừ dành cho đại biểu Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mà ông Kem được hưởng.
Phiên bỏ phiếu truy tố ông Kem ở Quốc hội đã bị các nghị sỹ đối lập tẩy chay. Một số nghị sĩ này đã phải lẩn trốn sau khi bị truyền thông của chính quyền nêu tên là kẻ đồng mưu. Một số người khác đã đến thăm ông Sokha tại một nhà tù được tăng cường an ninh tối đa gần biên giới với Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyến đi thăm này đã bị chặn lại, bà Kem Monovithya, con gái ông Kem, nói. Bà cũng cho biết thêm là các luận sư của ông Kem cũng bị chặn và không cho vào gặp mặt ông.
Ông Phay Siphan, phát ngôn nhân chính phủ, nói rằng các cường quốc bên ngoài, nhất là Hoa Kỳ, cần phải chấm dứt can thiệp vào Campuchia mà thay vào đó hãy suy gẫm hành động của họ còn những người phản đối việc bắt giữ ông Kem cần phải tôn trọng pháp luật, New York Times tường thuật.
“Nếu ông Kem Sokha có liên hệ với các điệp viên nước ngoài, chính phủ nước ngoài để lật đổ Chính phủ Campuchia thì đó là tội phản quốc,” ông Phay được dẫn lời nói. “Vào những năm 1960 chính quyền đã bắn chết những người có liên hệ với Mỹ.”

Ông Hun Sen đã nắm quyền ở Campuchia 32 năm. Hồi tuần trước ông đã tuyên bố ông muốn tiếp tục làm thủ tướng ít nhất thêm 10 năm nữa. - VOA

***
Đại Sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh lên tiếng bác bỏ cáo buộc Hoa Kỳ âm mưu lật đổ chính quyền đương thời của Thủ Tướng Hun Sen.
Cáo buộc này do chính ông Hun Sen đưa ra, trích dẫn lời lãnh tụ đối lập Kem Sokha nói ở Australia rằng cánh đối lập nhân được trợ giúp từ Mỹ để để xây dựng phong trào dân chủ tại Xứ Chùa Tháp.
Để trả lời, Đại Sứ Hoa Kỳ William Heidt viết trong bản tuyên bố rằng tất cả những gì mọi người dược nghe trong những tuần lễ vừa qua đều không đúng sự thật. Ông Đại Sứ Mỹ còn viết là trong năm vừa qua, hàng chục lần nước Mỹ là mục tiêu của những cáo buộc sai lạc, không chứng cớ, với mục đích tạo hiểu lầm.
Trong bản tin phổ biến từ Phnom Penh, hãng thông tấn Reuters viết rằng hiện là một trong những đồng minh thân cận nhất với Trung Quốc, chính phủ Campuchia đang tăng mức chỉ trích Hoa Kỳ song song với việc đàn áp đối lập và truyền thông, cũng như gây khó khăn cho những người lên tiếng chống đối. Tất cả những việc này xảy ra trước cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào giựa năm tới.
Đại Sứ Hoa Kỳ William Heidt cũng kêu gọi chính phủ Hun Sen trả tự do cho ông Kem Sokha, người hiện đang bị giam giữ chờ ngày ra tòa về tội phản quốc. Đại Sứ Heidt còn viết rằng chính phủ Phnom Penh nên đối thoại với cánh đối lập cũng như nên chứng tỏ thiện chí muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ.
Sau khi bản tuyên bố của Đại Sứ Mỹ được phổ biến, phát ngôn viên Phay Siphan của chính phủ Campuchia nói rằng chính lãnh tụ đối lập Kem Sokha là người tiết lộ chuyện được Hoa Kỳ hậu thuẫn, do đó, chính phủ Phnom Penh có quyền lên tiếng nhắc nhở Hoa Kỳ không được can dự vào chuyện nội bộ của Campuchia.
Phát ngôn viên Phay Siphan cũng nói rằng Campuchia không hề xem Hoa Kỳ là kẻ thù.
Về trường hợp của ông Kem Sokha, lãnh tụ đối lập kiêm chủ tịch đảng Cứu Quốc, ông này bị bắt giữ hôm mùng 3 tháng Chín năm nay, sau đó nhà chức trách nói rằng có đủ bằng chứng xác nhận ông cấu kết với các thế lực nước ngoài để truy tố ông về tội phản quốc.Hôm qua, Quốc Hội Campuchia với đa số đại biểu là người của đảng Nhân Dân do Thủ Tướng Hun Sen làm chủ tịch đã bỏ phiếu đồng ý cho chính phủ xúc tiến mọi thủ tục để xét xử ông Kem Sokha, dù trên nguyên tắc ông này được hưởng quyền miễn tố vì đang là nghị sĩ.
Cũng ngày hôm qua, Thủ Tướng Hun Sen đe dọa giải tán đảng đối lập Cứu Quốc, nếu các thành viên của đảng này vẫn tiếp tục ủng hộ lãnh tụ Kem Sokha. Theo lời ông Hun Sen “bảo vệ tên phản quốc có nghĩa là cũng phản quốc”. - RFA

***
Đảng đối lập Campuchia cho biết sẽ ra dự tranh trong cuộc bầu cử năm tới, bất chấp thủ lãnh của đảng bị bắt giữ và cáo buộc về tội phản quốc, và bất chấp những lời đe dọa của Thủ Tướng Hun Sen, sẽ giải tán đảng đối lập.
Ông Son Chhay, một thành viên cao cấp của đảng đối lập, tức Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), đưa ra lời cam kết sẽ thách thức Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang cầm quyền của ông Hun Sen trong một cuộc họp báo ở Pnom Penh.
Thủ lãnh CNRP Kem Sokha đã bị bắt mang đi từ nhà riêng hôm 3/9 với cáo trạng quy cho ông tội phản bội. Chính quyền Campuchia nói cáo trạng này được dựa trên những phát biểu của ông Kem Sokha trong một băng video năm 2013, trong đó, ông nói đã được sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ để xây dựng một phong trào thân dân chủ ở Campuchia.
Ông Hun Sen đe dọa sẽ giải tán CNRP, nếu đảng này can thiệp để bênh vực ông Kem Sokha.
Vụ bắt giữ ông Sokha xảy ra trong bối cảnh một chiến dịch đàn áp quy mô của chính phủ chống các hãng tin độc lập và các nhóm bênh vực nhân quyền. Thứ Hai tuần trước, một trong các tờ báo độc lập duy nhất còn lại trong nước, tờ Cambodia Daily, bị đóng cửa sau khi tòa soạn nhận một hóa đơn đòi một số tiền thuế khổng lồ đã hết hạn mà các nhà xuất bản nói là giả mạo.
Theo các dấu hiệu bề ngoài, chiến dịch đàn áp này hình như là một cố gắng của nhà cai trị độc tài Hun Sen, nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng trong thời gian dẫn tới cuộc bầu cử năm tới, mục đích là để ông kéo dài hơn nữa thời gian nắm quyền đã kéo dài 3 thập niên của ông.
Chính quyền Hun Sen suýt nữa là đã bị lật đổ trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, là vào năm 2013, giữa lúc mức ủng hộ dành cho phe đối lập gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ Campuchia. - VOA
|

|
4.
Nga đồng ý triển khai lực lượng LHQ tại đông Ukraina

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 11/09/2017 thông báo chấp thuận triển khai lực lượng Liên Hiệp Quốc để bảo vệ quan sát viên của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) tại toàn bộ miền đông Ukraina.
Tuần trước, lần đầu tiên, tổng thống Nga Putin ngỏ ý chấp nhận đề nghị từ lâu nay của Kiev về việc triển khai lực lượng của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ quan sát viên OSCE. Tuy nhiên, trong khi chính quyền Ukraina muốn triển khai lực lượng của Liên Hiệp Quốc được triển khai tại khắp vùng có xung đột, thì ông Putin lại chỉ muốn lực lượng này hoạt động tại đường giới tuyến giữa quân đội Ukraina và phe nổi dậy Ukraina được Nga hậu thuẫn.
Nhưng theo một thông cáo ngày hôm qua của điện Kremlin, trong cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Nga Putin tuyên bố lực lượng bảo vệ quan sát viên OSCE sẽ được triển khai không chỉ tại đường giới tuyến giữa quân đội Ukraina và phe nổi dậy Ukraina được Nga hậu thuẫn, mà còn ở tất cả những nơi quan sát viên của OSCE tới giám sát tình hình xung đột.
Tuy nhiên, AFP cho biết tổng thống Nga Putin nhấn mạnh lực lượng của Liên Hiệp Quốc chỉ được triển khai sau khi hai bên rút toàn bộ lực lượng và thiết bị quân sự. Lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc (Mũ Nồi Xanh) chỉ có nhiệm vụ duy nhất là "bảo đảm an toàn" cho quan sát viên OSCE.
Hiện có khoảng 600 quan sát viên của OSCE đang giám sát việc thực thi các thỏa thuận hòa bình tại miền đông Ukraina. - RFI
|
|
5.
Tập Cận Bình: Lên đỉnh cao quyền lực, nỗi lo vẫn còn đó

Chỉ còn đúng sáu tuần nữa là đến ngày 18/10/2017, Trung Quốc khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ XIX. Sự kiện trọng đại này sẽ đánh dấu quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình càng được củng cố thêm. Cánh cửa nhiệm kỳ hai cho chủ tịch Trung Quốc gần như chắc chắn, nhưng theo phân tích của Les Echos ngày 12/09/2017, lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức kinh tế quan trọng.

Thâu tóm quyền lực
« Tập Cận Bình đăng quang trong hoài nghi » là tựa bài phân tích của nhật báo kinh tế Pháp. Theo nguyên tắc, Đại Hội Đảng sẽ phải thay mới 5 trong số 7 thành viên ban lãnh đạo chóp bu – Thường Trực Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản- nhằm hỗ trợ cho chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ năm năm sắp tới.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra : Ban lãnh đạo mới sẽ gồm những ai ? Đâu là những thế cân bằng giữa các nhóm lợi ích chính trị khác nhau ? Liệu rằng nhân kỳ Đại Hội, ông Tập Cận Bình có đưa ra một gương mặt thay thế cho năm 2022 theo như thỏa thuận ngầm về giới hạn tuổi tác hay không ? Hay là ông sẽ đoạn tuyệt với thông lệ này và làm theo cách của Putin, như nhiều tin đồn đang lan truyền ?
Từ mấy tháng qua, cỗ máy vận động trong hậu trường đã chạy hết công suất. Để củng cố vị thế của mình, ngoài việc sắp đặt các đồng minh vào những vị trí chủ chốt từ cấp trung ương cho đến địa phương, Tập Cận Bình còn thâu tóm các đặc quyền, lấn lướt quyền hạn của thủ tướng như kiểm soát an ninh hay kinh tế, thẳng tay thanh trừng các đối thủ chính trị thông qua các chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có từ thời Mao Trạch Đông đến giờ. Sự củng cố quyền lực còn thể hiện rõ qua hiện tượng sùng bái cá nhân, tăng cường kiểm soát Đảng và trấn áp xã hội dân sự nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền như giới luật gia.
Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng thái độ cứng rắn đó phản ảnh phần nào một hình thức cuống sợ trên thượng tầng lãnh đạo ? Vì cố bám lấy quyền lực mà Tập Cận Bình đã đoạn tuyệt với nguyên tắc điều hành tập thể và « gây thù chuốc oán ».

Kinh tế : Quả bom nổ chậm
Song song đó, tình hình kinh tế phức tạp còn làm cho bối cảnh chính trị Trung Quốc thêm rối rắm. Quả thật kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục. Tăng trưởng ở mức 6,9% cao hơn dự kiến ban đầu là 6,5%. Các nhà đầu tư cảm thấy được trấn an. Kinh tế Trung Quốc không giống như vào thời điểm xảy ra cơn bão chứng khoán 8/2015 hay như đầu năm 2016. Bắc Kinh đã cố gắng khoanh vùng các rủi ro tài chính và duy trì mức độ hoạt động cần thiết để bảo đảm việc làm và bình ổn xã hội.
Nhưng Les Echos cho rằng mô hình quản lý này không bền và tăng trưởng kinh tế chỉ ổn định do vòi cấp tín dụng vẫn còn rộng mở. Tổng nợ quốc gia bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình, chính phủ và địa phương tăng vọt gần gấp đôi, ở mức 260% tổng sản phẩm nội địa (năm 2008 là 140%). Tháng 5/2017, lần đầu tiên kể từ năm 1989, cơ quan thẩm định tài chính Moody hạ điểm nợ quốc gia Trung Quốc.
Trong khi đó Bắc Kinh vật vã đối phó với nạn thất thoát vốn. Các doanh nghiệp lớn và người giầu ồ ạt đầu tư ra nước ngoài với mục đích chuyển tiền ra ngoài lãnh thổ bất chấp những biện pháp kiểm soát tài chính nghiêm ngặt kể từ năm 2016.
Từ những quan sát trên, Les Echos cho rằng một phương trình khó giải đang dành cho Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ sắp tới. Làm thế nào vừa phải giảm nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà không kềm hãm quá thô bạo đà tăng trưởng, dẫn đến thất nghiệp ồ ạt và bất ổn xã hội? - RFI
|
|
6.
Tổng thống Pháp đối mặt với phong trào phản đối luật lao động
Ông Emmanuel Macron hôm nay 12/09/2017 phải đối phó với thử thách đầu tiên từ phong trào phản kháng, với những cuộc biểu tình và đình công chống lại việc sửa đổi Luật lao động. Tuy vậy tân tổng thống Pháp không hề có ý định nhượng bộ.
Nghiệp đoàn CGT mong đợi có gần 200 cuộc biểu tình, và đã thống kê được 4.000 lời kêu gọi đình công trên toàn quốc. Riêng tại Paris, cuộc biểu tình bắt đầu vào lúc 12 giờ GMT hôm nay. Đình công đã làm xáo trộn các chuyến xe lửa ngoại ô, và 110 chuyến bay bị hủy. Lưu thông trên một phần đại lộ Champs-Elysées và một số đoạn đường dẫn tới thủ đô Paris bị ngăn trở.
Các nghiệp đoàn sinh viên học sinh và phong trào thanh niên của nhiều đảng cánh tả kêu gọi tham gia biểu tình chống lại « một sự xuống cấp lịch sử về mặt xã hội ». Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất cũng xuống đường ở Marseille để phản đối điều mà họ gọi là « cuộc đảo chính về xã hội ».
Tuy nhiên hai nghiệp đoàn lớn khác là CFDT và FO không kêu gọi biểu tình, khiến người ta dự đoán số người tham gia sẽ không đông đảo như mong muốn. Tổng thống Emmanuelle Macron mà uy tín tiếp tục sụt giảm trong các cuộc thăm dò, đối mặt với các phe đối lập đang bị chia rẽ. Cựu cố vấn của nguyên tổng thống Nicolas Sarkozy, Raymond Soubie còn cho rằng đây là tình thế lý tưởng để chính quyền cải cách Luật lao động.
Là kế hoạch lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ ông Macron, Luật lao động sửa đổi dự kiến đặt mức trần cho việc bồi thường người lao động bị sa thải, giảm thời gian kháng cáo, thương lượng không cần nghiệp đoàn đối với các công ty dưới 50 nhân viên, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu dụng gần phân nửa số nhân viên ở Pháp. Mục tiêu của sự linh hoạt này là giảm thất nghiệp, và đáp ứng đòi hỏi lâu nay của đối tác Đức.
Tổng thống Emmanuelle Macron muốn đẩy nhanh cải cách qua việc sử dụng các sắc lệnh, cảnh báo rằng ông « quyết tâm tuyệt đối », và « sẽ không nhượng bộ một chút nào trước những kẻ lười biếng, trơ trẽn, cực đoan ». Tuyên bố được cho là « đổ dầu vào lửa » này có nguy cơ làm thêm nhiều người bất mãn. Các phe đối lập chính trị lập tức đả kích, thủ lãnh đảng Nước Pháp Bất Khuất, ông Jean-Luc Mélenchon kêu gọi « những kẻ lười biếng »xuống đường đông đảo hôm nay. - RFI
|
|
7.
LHQ: Có thể có tội phạm chống nhân loại tại Venezuela

Người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc ngày 11/9 nói lực lượng an ninh Venezuela có thể đã phạm những tội ác chống nhân loại đối với những người biểu tình và kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế.
Tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela bênh vực những thành tích của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro, bác bỏ cáo buộc từ Liên hiệp quốc là “vô căn cứ”.
Venezuela đã chìm đắm trong nhiều tháng biểu tình chống lại Tổng thống thiên tả mà những người chỉ trích nói rằng đã làm cho quốc gia giàu dầu mỏ này lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất trong lịch sử nước này và biến chế độ thành một chế độ độc tài.
“Cuộc điều tra của tôi cho thấy có khả năng là những tội phạm chống nhân loại đã xảy ra tại Venezuela. Và việc này chỉ có thể được xác nhận bằng một cuộc điều tra hình sự,” ông Zeid Ra‘ad al Hussein nói với Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Ông Zeid Ra‘ad al Hussein nói chính phủ dùng các tiến trình hình sự để chống lại các nhà lãnh đạo đối lập, dùng vũ lực quá đáng và đối xử tồi tệ với những người bị giam giữ và đôi khi lên đến mức tra tấn.
Tháng trước, văn phòng của ông Zeid tố cáo lực lượng an ninh Venezuela đã cố ý vi phạm nhân quyền để đàn áp những cuộc biểu tình chống chính phủ và rằng dân chủ “không còn tồn tại được nữa.”
“Đang có nguy hiểm thực sự là căng thẳng sẽ gia tăng thêm, với việc chính phủ đàn áp những định chế dân chủ và những tiếng nói đối lập,” ông Zeid nói.
Phe đối lập, tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến, đã cáo buộc giới hữu trách thổi phồng số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 30 tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza khẳng định tại diễn đàn Geneva rằng: “Chúng tôi hiện nay đã chọn xong Quốc hội Lập hiến. Đây là sự bày tỏ thực sự ý chí của người dân. Quốc hội này sẽ có quyền soạn thảo Hiến pháp mới.”
“Phe đối lập Venezuela đang trở lại con đường cai trị theo luật pháp và dân chủ, chúng ta sẽ thấy đối thoại nhờ trung gian của bạn bè chúng ta,” ông Arreaza nói.
Ông Arreaza cáo buộc những người biểu tình sử dụng súng và các loại “vũ khí tự chế” chống lại lực lượng an ninh, và tuyên bố rằng “Hiện đất nước chúng tôi đã ổn định.”
Venezuela là một trong 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền và được sự ủng hộ của Cuba, Iran và các quốc gia khác.
Ông Diego Arria, Đại sứ Venezuela tại Liên hiệp quốc ở New York từ năm 1991 đến 1994, phát biểu tại một buổi sinh hoạt ở Geneva do các nhà hoạt động và tổ chức hành động UN Watch rằng Venezuela nên được đưa lên văn phòng công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế. - VOA
|
|
8.
Malaysia Airlines đặt mua nhiều máy bay thân rộng Boeing

Malaysia Air đặt mua nhiều máy bay thân rộng Boeing trong chuyến công du của Thủ Tướng Malaysia tới thăm nước Mỹ.
Hai nguồn tin khác nhau trong công nghiệp hàng không tiết lộ rằng Hãng Hàng không Malaysia sẽ loan báo thỏa thuận mua 8 máy bay Boeing thân rộng trong chuyến công du của Thủ Tướng Najib Razak tới thăm Hoa Kỳ.
Các nguồn tin cho biết hợp đồng trị giá hơn 1,8 tỉ USD sẽ được loan báo khi ông Najib gặp Tổng thống Trump trong ngày hôm nay, 12/9.
Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong năm 2016. Cuộc gặp với Tổng thống Trump được ông Najib xem là thiết yếu, giữa lúc ông đang tìm cách nâng cao uy tín trên trường quốc tế, và dự kiến sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử trong những tháng sắp tới.
Một cuộc điều tra về tham nhũng do Hoa Kỳ và nhiều nước khác tiến hành vào Ngân hàng Phát triển Malaysia (1MDB) đã tác động tới mức ủng hộ dành cho ông Najib.
Với chuyến Mỹ du lần này, ông Najib hy vọng có thể bỏ lại sau lưng vụ tai tiếng về ngân hàng 1MDB.
Theo chương trình ghi các sự kiện có sự hiện diện của Thủ Tướng Malaysia ở thủ đô Washington được các hãng truyền thông Malaysia ghi nhận, ông Najib sẽ có mặt để chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Hãng Hàng không Malaysia và tập đoàn Boeing.
Hai nguồn tin cho biết Hãng Hàng Không Malaysia trước đây có cân nhắc việc mua máy bay Airbus A330 trước khi quyết định đặt hàng mua máy bay Boeing 747.
Hãng Hàng Không Malaysia nói họ sẽ không bình luận gì về các bản tin có tính cách đồn đoán. Cả Boeing lẫn Airbus đều từ chối bình luận. Các nguồn tin không muốn nêu danh tính vì các cuộc trao đổi đều có tính cách riêng tư.
Ông Brendan Sobie, phân tích gia trưởng tại công ty độc lập nghiên cứu về ngành hàng không CAPA, nói thời điểm của đơn đặt hàng trùng hợp với chuyến di của ông Najib khơi lên những quan ngại về ảnh hưởng chính trị có thể có đối với hợp đồng mua máy bay này.
Hãng Hàng Không Malaysia trong thời gian qua đã cải tổ hoạt động dưới quyền chỉ huy của hai nhà điều hành liên tiếp không phải là người Malaysia giữa lúc hãng hàng không này đang tìm cách hồi phục sau 2 thảm họa xảy ra năm 2014, khi chuyến bay MH370 bị mất tích một cách bí ẩn, và chuyến bay MH17 bị bắn trên không phận đông Ukraine. Hãng Hàng Không này đang nhắm tới mục tiêu là sẽ hoạt động có lời trở lại trong năm tới.
Giám Đốc điều hành Malaysia Airlines Peter Bellew hồi tháng 6 cho hay hãng hàng không này đang trong giai đoạn thương thuyết sơ khởi với Airbus và Boeing để mua từ 35 tới 70 máy bay đường dài mới.
Phân tích gia Sobie của CAPA nói hãng hàng không Malaysia cần nhiều máy bay thân rộng để phát triển, đồng thời phải thay thế những chiếc A330 đã cũ trong nhiều năm tới, đã khiến 8 chiếc máy bay được đặt mua thấp hơn so với dự kiến.
Trong 8 tháng kết thúc vào ngày 31/8/2017, Boeing loan báo khách hàng đã đặt mua 426 chiếc máy bay Boeing, so với 215 chiếc Airbus. - VOA
|
|
9.
Tây Ban Nha: Hàng trăm ngàn người xuống đường đòi Catalunya độc lập

« Vĩnh biệt Tây Ban Nha ! ». Chiều hôm qua 11/09/2017 hàng trăm ngàn người đã biểu tình tại Barcelona nhân dịp «Quốc khánh» của Catalunya để đòi độc lập, vào thời điểm còn ba tuần nữa là đến ngày trưng cầu dân ý về quyền tự quyết, nhưng đã bị Tây Ban Nha cấm tổ chức.
Tất cả các kênh truyền hình chiếu các hình ảnh từ trên không cho thấy người biểu tình xếp thành một chữ thập khổng lồ tại trung tâm thành phố, tượng trưng cho sự đoàn kết đòi độc lập. Đường phố ngợp những lá cờ màu vàng mang bốn sọc đỏ và hình tam giác xanh với ngôi sao, các khẩu hiệu « Vĩnh biệt Tây Ban Nha ! » bằng tiếng Catalunya. Cơ quan tổ chức biểu tình khẳng định có trên 450.000 người đăng ký tham gia xuống đường.
Cũng như mọi năm, cuộc biểu tình chính thức bắt đầu vào lúc 17 giờ 14 phút, để nhắc nhở rằng năm 1714, quân của quốc vương Felipe đệ ngũ đã chiếm lấy Barcelona và sau đó vùng này không còn quyền tự quyết. Đoàn người dành một phút mặc niệm 16 nạn nhân bị thiệt mạng do quân thánh chiến khủng bố vào tháng trước.
Chính quyền Madrid làm mọi cách để ngăn trở cuộc trưng cầu dân ý của Catalunya dự kiến ngày 1/10 tới về quyền tự quyết và có thể tuyên bố độc lập sau đó. Tuần trước, tư pháp Tây Ban Nha đã mở điều tra nhắm vào chủ tịch Catalunya là Carles Puigdemont và các thành viên chính phủ, với cáo buộc « bất tuân », « không làm tròn phận sự », « thâm lạm công quỹ ». Một nhà in và một tòa soạn báo bị nghi ngờ tham gia in phiếu bầu đã bị khám xét, khoảng 200 vệ binh đóng tại Catalunya đã nhận lệnh hoãn thuyên chuyển trong vòng một tháng. - RFI
|
|
10.
Philippines: Biểu tình phản đối tôn vinh Marcos

Hôm nay tại Nghĩa trang các Anh hùng ở Manila, gia đình nhà Marcos tổ chức buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà cựu độc tài. Hàng trăm người dân cũng kéo tới biểu tình phản đối tôn vinh cố tổng thống Ferdinand Marcos, vì đối với họ đó là một kẻ độc tài tham nhũng. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai xung quanh lối vào nghĩa trang.
Chính tổng thống Rodrigo Duterte năm ngoái đã cho phép chuyển di cốt của cố tổng thống Philippines vào nghĩa trang dành cho những anh hùng dân tộc này, bất chấp việc Ferdinand Marcos từng là nhà độc tài đã bị cuộc cách mạng đường phố lật đổ cách đây từ hơn ba chục năm. Nhân sinh nhật 100 năm của cố độc tài này, tổng thống Philippines đương nhiệm Duterte đã có thêm hành động thân thiện với nhà Marcos bằng quyết định cho vùng Ollocos Norte ở miền bắc Philippines, quê của Ferdinand Marcos, được lấy đó là ngày lễ.
Thông tín viên Marianne Dardard cho biết thêm thông tin :
"Lúc nóng, lúc lạnh đó là thái độ của ông Rodrigo Duterte về di sản gây tranh cãi của cố tổng thống Ferdinand Marcos. Tổng thống Philippines, hiện nay nổi tiếng cả thế giới với những tuyên bố hùng hồn, vẫn luôn là bậc thầy về ăn nói thất thường.
Theo Rodrigo Duterte, ông Ferdinand Marcos dưới con mắt của người dân quê ông vẫn là « vị tổng thống tốt nhất nước Philippines. Vậy thì tại sao lại phải lôi ông ra bàn cãi ? »
Vài hôm trước, ông Duterte cũng cho biết rằng gia đình Marcos, vẫn luôn có mặt trên chính trường, sẽ sẵn sàng trả lại cho ngân quỹ quốc gia một phần tài sản mà họ đã đánh cắp, kể cả "một vài thỏi vàng" để đổi lại quyền được « miễn trừ ». Đây là điều mà phe nhà Marcos vẫn phủ nhận.
Cách đây 3 tháng, trước mối đe doa khủng bố, ông Rodrigo Duterte đã ban hành tại miền nam lệnh thiết quân luật mà ông dọa là "kinh khủng" không kém so với thời chế độ độc tài Ferdinand Marcos. Giờ đây, ông Rodrigo Duterte cam đoan rằng không có chuyện lạm dụng nào trong lệnh thiết quân luật của ông." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Hoa Kỳ: Đã qua rồi thời siêu cường?

Việc Hoa Kỳ không thể buộc các thành viên trong Hội Đồng Bảo An chấp nhận một dự thảo nghị quyết cứng rắn trừng phạt Bắc Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đánh dấu sự thoái trào ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Viễn Đông.
Sau khi bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ trở thành một siêu cường – cả về đạo lý, văn hóa, ngoại giao, tài chính và quân sự - một mình định ra luật chơi cho toàn thế giới và chính cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine đã gọi Hoa Kỳ là một siêu cường.
Sức mạnh siêu cường của Mỹ thể hiện rõ qua cuộc xung đột Kosovo năm 1999. Trong vai trò lãnh đạo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tấn công quân sự Serbia, không cần đến sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ đã tách một tỉnh của Serbia là Kosovo để tạo dựng thành một Nhà nước riêng biệt mà không một quốc gia nào trên thế giới dám ho he phản đối.
Cái thời đó đã qua, « Vai trò siêu cường của Hoa Kỳ đã chấm hết », nhà báo Renaud Girard khẳng định trên báo Le Figaro. Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là một bằng chứng rõ ràng nhất. Hoa Kỳ không còn đủ khả năng định đoạt mọi việc và buộc các nước khác phải đi theo.
Ngay khi vào Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố là Mỹ không cho phép Bắc Triều Tiên có tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể mang đầu đạn hạt nhân, đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ. Bất chấp các tuyên bố hăm dọa từ phía Washington, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân. Ngày 03/09/2017, Bắc Triều Tiên thử một quả bom có sức công phá lớn gấp 5 năm lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima Nhật Bản.
Ngày 11/09, Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng với nội dung rất cứng rắn, như cấm vận dầu lửa, ngừng nhập khẩu đồ may vải sợi của Bắc Triều Tiên, ngừng trả lương cho khoảng 60 ngàn người Bắc Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, phong tỏa tài sản hãng hàng không Bắc Triều Tiên, phong tỏa tài sản và hạn chế xuất cảnh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Thế nhưng, trước sự đe dọa phủ quyết của Trung Quốc và Nga, Hoa Kỳ đã phải lùi bước
Tác giả cho rằng, thực ra, sự bất lực của Mỹ trong việc buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân không phải là một ngoại lệ mà chỉ là một sự tiếp theo hàng chuỗi thất bại địa chính trị của Hoa Kỳ.
Trước khi phải nhượng bộ trong vấn đề Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đã phải lùi bước trong hồ sơ khác : Trước hết là Afghanistan. Khi tấn công Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban năm 2001, chính quyền Washington đã cảnh báo là ai không ủng hộ Mỹ thì là kẻ thù của Mỹ.
Thế nhưng, Pakistan làm ra vẻ ủng hộ chống khủng bố nhưng trên thực tế lại trở thành cứ địa bí mật của Taliban. Giờ đây, Taliban phát triển mạnh ở các vùng nông thôn Afghanistan và hầu như không thể đánh đuổi được nữa.
Bước lùi thứ hai là tại các vùng mà Nga vốn có ảnh hưởng truyền thống như Gruzia và Ukraina, Hoa Kỳ đã ủng hộ các cuộc cách mạng mầu nhưng lại không dự ứng được sự phản ứng rất mạnh của Nga.
Bước lùi thứ ba là trong hồ sơ Syria. Washington đã đề ra lằn ranh đỏ và đòi Bachar Al Assad phải ra đi, thế nhưng, tổng thống Syria, vẫn tiếp tục tại vị.
Renaud Girard kết luận, quan hệ quốc tế dựa trên tương quan lực lượng. Thế nhưng, tương quan lực lượng là một khái niệm được cảm nhận chứ hiếm khi được chứng minh. Trong trò chơi này, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng nhất và không có gì tồi tệ hơn là thái độ « giả vờ cứng rắn» của quốc gia sen đầm quốc tế, liên tục đưa ra những lời đe dọa, nhưng không bao giờ tiến hành trừng phạt.
Về mặt địa chính trị, tốt hơn hết là giữ kín ý đồ, không nói nhiều, hứa hẹn ít, nhưng hành động nhanh chóng để đặt đối phương vào tình thế việc đã rồi. - RFI
|
|
12.
Tòa tối cao phán tạm thời duy trì lệnh cấm tị nạn của Trump

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ban hành một lệnh tạm thời cho phép chính quyền ông Trump duy trì chính sách hạn chế đối với người tị nạn, tạm gác sang một bên một phán quyết của tòa cấp thấp hơn lẽ ra cho phép một số người tị nạn được nhập cảnh vào Mỹ sớm nhất là vào ngày 12/9.
Thẩm phán Anthony Kennedy đã ban hành lệnh tạm thời hôm 11/9, và đề nghị những người chống lại lệnh cấm người tị nạn đưa ra phản hồi vào trưa 12/9.
Toà Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ khu vực số 9 phán quyết hồi tuần trước rằng người tị nạn sẽ được phép vào Hoa Kỳ nếu một cơ quan tái định cư trong nước đồng ý tiếp nhận trường hợp của họ. Phán quyết này có thể áp dụng với khoảng 24.000 người tị nạn.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chống lại phán quyết đó trong đơn khiếu nại nộp cho Tối cao Pháp viện hôm 11/9, nói rằng phán quyết đó sẽ "phá vỡ hiện trạng và làm xáo trộn việc thực thi một cách quy củ các điều khoản về người tị nạn trong lệnh hạn chế".
Đơn khiếu nại đó đánh dấu bước ngoặt mới nhất trong cuộc chiến pháp lý đang diễn ra liên quan đến lệnh của Tổng thống Donald Trump từ hồi ngày 6/3 cấm những người đến từ Iran, Syria, Libya, Somalia, Sudan và Yemen trong 90 ngày, một động thái mà ông Trump cho là cần thiết để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Sắc lệnh cũng bao gồm việc cấm người tị nạn trong 120 ngày.
Các tòa án cấp thấp hơn đã ngăn chặn cả hai điều khoản, nhưng Tối cao Pháp viện hồi tháng 6 đã cho phép tạm thời duy trì một số phần trong sắc lệnh. - VOA
|
|
13.
Apple tung ra iPhone mới nhân kỷ niệm 10 năm

Apple dự kiến giới thiệu trong ngày 12/9 mẫu mới của iPhone được nhiều người biết đến, 10 năm sau ngày vị tổng giám đốc điều hành thời trước, Steve Jobs, lần đầu giới thiệu với thế giới chiếc iPhone.
Thông tin rò rỉ về thiết kế của iPhone cho thấy nó sẽ có màn hình có độ phân giải cao hơn, công nghệ sạc không dây và nhận dạng khuôn mặt, ngoài ra là những cải tiến khác.
Sự kiện hôm 12/9 dự kiến diễn ra tại văn phòng siêu hiện đại của Apple tại California. Tuy nhiên, hiện có rất ít chi tiết thực tế về việc tung ra iPhone được công bố.
Mẫu điện thoại cao cấp mới có thể được đặt tên là iPhone X. Có những dự đoán cho rằng giá của máy vào khoảng 900 đôla, trong khi một số người dự đoán có thể trên 1.000 đôla. IPhone 7 Plus trước có mức giá cơ sở là 769 đôla.
Brian Blau, một nhà phân tích về Apple thuộc hãng Gartner, nói với Reuters rằng giá thành cao là do nhu cầu về các cấu phần hiện đại hơn, như cảm biến 3D và dung lượng bộ nhớ lớn hơn.
Apple đã bán được hơn 1,2 tỷ chiếc iPhone kể từ lần đầu tiên bán ra loại điện thoại này cách đây một thập kỷ, nhưng công ty đã chịu thất thu lớn năm ngoái khi nhiều khách hàng không mua iPhone 7 vì họ thấy nó quá giống với iPhone 6. - VOA
|
|
14.
Bão Jose có thể đe dọa Miền Đông nước Mỹ vào tuần tới --- Bão Harvey và Irma gây thiệt hại khoảng $200 tỉ, ngang với Katrina

Trong khi bão Irma giảm dần cường độ để trở thành một trận bão nhiệt đới, sự chú ý của giới chuyên gia khí tượng nay chuyển hướng về bão Jose, đang đi vòng vòng quanh khu vực phía Tây ở Đại Tây Dương, cách quần đảo Turks và Caicos chừng 300 dặm về phía Đông Bắc.
Vào lúc 11 giờ sáng giờ Miền Đông nước Mỹ, Jose có sức gió 105 dặm/giờ, đưa lên hàng bão Cấp 2, theo tin của USA Today.
Tuy nhiên, cũng may mắn là trong cuối tuần qua bão Jose chỉ thổi phớt qua các đảo ở vùng Caribbean vừa bị bão Irma gây thiệt hại nặng nề như Barbuda, Antigua và quần đảo Virgin Islands.
Các trận bão trong khu vực này của Đại Tây Dương thường ra xa hơn ngoài khơi và tự tan biến, nhưng trong trường hợp của bão Jose thì diễn tiến có thể sẽ khác hẳn.
Trung tâm bão quốc gia Mỹ NHC cho hay bão Jose có thể đi vòng vòng ngoài khơi Đại Tây Dương trong ba ngày tới, do có bầu không khí với áp xuất cao kéo tới, bản tin của USA Today cho hay.
Các mô hình tiên đoán nói rằng sự gia tăng áp xuất của bầu khí quyển sẽ đẩy bão Jose đi về hướng Tây-Tây Bắc, nghĩa là về khu vực bờ biển Miền Đông nước Mỹ, theo ước tính của Weather Underground.
Các cơ quan khí tượng khác, sử dụng những mô hình khác nhau, nói rằng bão này có thể kéo tới nhiều địa điểm, kéo dài từ South Carolina lên tới tận New Foundland.
NHR dự đoán tới ngày Thứ Bảy, sức gió của bão Jose sẽ còn khoảng 90 dặm/giờ, tức là ở Cấp 1.
Tuy vậy, bão Jose sẽ không vào tới đất liền cho tới tuần tới, theo NHC. - nguoiviet

***
Bão Harvey và Irma gây ra thiệt hại từ $150 tỉ đến $200 tỉ ở Texas và Florida, bằng số thiệt hại do bão Katrina tại New Orleans năm 2005, theo kết quả cuộc nghiên cứu sơ khởi của Moody’s Analytics hôm Thứ Hai.
Bão Harvey gây thiệt hại nặng cho Houston với lượng nước mưa và ngập lụt kỷ lục tháng qua, trong khi bão Irma đánh vào Florida và một số tiểu bang ở vùng Đông Nam nước Mỹ.
Tuy nhiên ông Mark Zandi, trưởng kinh tế gia tại Moody’s Analytics, cho hay các nỗ lực tái thiết sau hai trận bão liên tiếp này sẽ đẩy mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý 4 năm nay và cũng sang tới năm 2018, theo bản tin của ABC News.
“Tuy ở giai đoạn này khó biết rõ ràng mức độ thiệt hại, hai trận bão này có thể gây ra mức độ tổn thất chung về tài sản vào khoảng $150 tỉ tới $200 tỉ, gồm nhà cửa và đồ đạc bên trong, xe cộ, các cơ sở thương mại và cơ sở hạ tầng. Mức thiệt hại này có thể so sánh ngang bằng với thiệt hại tài sản do bão Katrina gây ra,” theo bảng phân tích của Zandi.
Kinh tế gia Mark Zandi nói thêm rằng một yếu tố quan trọng để nhận định ảnh hưởng đối với nền kinh tế là số tiền “các công ty bảo hiểm và chính phủ đổ vào những khu vực bị ảnh hưởng và mức độ nhanh chóng để các món tiền này tới nơi,” ABC News cho hay.
Ông cũng cho biết thời gian và mức độ của nỗ lực tái thiết đóng góp vào phát triển kinh tế cũng tùy thuộc vào lực lượng lao động có ở Texas và Florida.
“Trước khi bão tới đã có sự thiếu hụt nguồn lao động ở cả Texas và Florida, và chắc chắn sẽ còn trầm trọng hơn sau bão, việc kêu gọi nhân công xây dựng từ các nơi khác tới, dù với lương cao, không là điều dễ dàng,” bản phân tích của ông Zandi cho biết, cũng theo bản tin ABC News.
Tổng giám đốc AccuWeather, ông Joel Myers, cho hay trong bản thông cáo gửi tới báo chí hôm Chủ Nhật rằng công ty tiên đoán thời tiết của ông ước tính thiệt hại do bão Irma là $100 tỉ và Harvey là $190 tỉ, lên tới tổng cộng là $290 tỉ.
Ông Myers cho hay các thiệt hại kinh tế gồm gián đoạn làm ăn, gia tăng mức thất nghiệp, hư hại cơ sở hạ tầng, mùa màng thất bát, thiệt hại tài sản và giá nhiên liệu lên cao. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

15.
Việt Nam bắn tên lửa, diễn tập trên biển: Tín hiệu cho Trung Quốc?

Việt Nam tiến hành một đợt huấn luyện trên biển với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát cơ động, ít ngày sau vụ phóng thử tên lửa Israel, dẫn tới nhận định rằng Hà Nội đang tìm cách phát tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh “đe dọa hành động quân sự nếu Hà Nội tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính ở Trường Sa”.
Báo chí trong nước hôm 9/9 đã đưa tin về đợt diễn tập đối phó với một cơn bão lớn đổ bộ vào bờ biển khu vực Đông Bắc ở tỉnh Quảng Ninh.
Đoạn video ngắn lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh lực lượng công an tham gia bơi dưới biển giữa những tiếng súng nổ liên tiếp, tàu bè cháy cũng như cảnh người dân được đưa tới nơi an toàn.
Từ Australia, Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam thường phải đối mặt với bão lũ nên cần phải có chiến lược ứng phó khẩn cấp tốt để đối phó.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam này còn cho rằng những kỹ năng “ứng cứu thường dân từ tàu thuyền có thể được áp dụng trong tình thế chiến đấu”.
Ít ngày trước cuộc thao dượt này, truyền thông nhà nước cũng đưa tin và đăng hình ảnh về việc Việt Nam bắn thử tên lửa phòng không có tên gọi Spyder nhập từ Israel.
Giáo sư Thayer nói rằng hai sự kiện trên cho thấy “xu hướng ngày càng minh bạch hóa” về an ninh và quốc phòng ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Nhà nghiên cứu này nhận định thêm về “tầm quan trọng của các diễn biến này”:
“Trước hết, chúng là một phần của cuộc chiến thông tin nhằm phát tín hiệu rằng khả năng phòng vệ của Việt Nam đang gia tăng. Thời điểm của vụ thử tên lửa Spyder khá quan trọng vì nó diễn ra sau khi Trung Quốc đe dọa hành động quân sự với với Việt Nam nếu [Hà Nội] tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư chính [ở Trường Sa]”.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ thử tên lửa mua của Israel “có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc”.
Ông Thayer cũng nói thêm rằng bản tin về việc diễn tập trên biển sau đó cũng quan trọng không kém vì nó giúp “trấn an dân thường rằng Việt Nam có thể đối phó với các thảm họa và sự cố lớn”.
“Ngoài ra, nó cũng phát tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với tình thế xảy ra ra thương vong lớn, và có một lực lượng phòng vệ dân sự được huấn luyện kỹ càng và hiệu quả”, giáo sư Thayer nói.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, và Việt Nam tuyên bố sẽ “kiên quyết bảo vệ quyền hợp pháp” của mình bằng đường lối ôn hòa. - VOA
|
|
16.
Việt Nam vay tiền xây đô thị đại học ‘tầm cỡ quốc tế’

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý tái khởi động dự án xây dựng đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội "tầm cỡ khu vực và quốc tế" với việc sẽ ban hành qui chế đặc biệt cho dự án đô thị đại học đầu tiên của Việt Nam, mà ĐHQG Hà Nội sẽ là “nòng cốt.”
Truyền thông Việt Nam loan tin vào sáng 12/9 rằng khi thăm cơ sở trường tại khu Hòa Lạc, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nhiều kiến nghị nhằm xây dựng cơ sở này xứng "tầm khu vực và quốc tế."
Báo VietnamNet trích lời ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội nói rằng: "Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể xây dựng một ĐHQG rộng, đẹp, xứng tầm đẳng cấp quốc tế."
Báo này cũng cho biết rằng Thủ tướng đồng ý chủ trương quy hoạch lại khu đô thị ĐHQG Hà Nội, trong đó bổ sung vốn đầu tư để giải phóng mặt bằng cho khu đô thị đại học; vay 200 triệu đôla vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng các công trình thiết yếu; vay vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản để xây dựng dự án đại học Việt Nhật.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, cựu hiệu trưởng trường đại học Công nghệ Thông tin nói rằng quyết định này cũng có thể làm nhiều trường không vui, trong đó có các trường tư:
“Nếu xét đến tính cạnh tranh thì đương nhiên nhiều người sẽ không vui.”
Tương tự như vậy, giáo sư – tiến sĩ Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia nói rằng ông e ngại quyết định này có thể gây nên sự bất bình đẳng giữa các trường đại học trong nước:
“Tôi nghĩ rằng cũng không nhất thiết phải làm như vậy vì sẽ gây ra chuyện bất bình đẳng giữa các trường đại học.”
Báo VNExpress trích lời Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói rằng cái vướng của Đại học Quốc gia Hà Nội là cần thay đổi quy hoạch khu Hòa Lạc cho phù hợp với tình hình mới: “việc cấp bách nhất là đầu tư giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp chưa đầu tư xây dựng thì bị tái lấn chiếm.”
Ông Nhạ nói: “Tôi cũng thống nhất cần có cơ chế đặc biệt cho Đại học Quốc gia như cơ chế dành cho khu công nghệ cao Hòa Lạc.".
Ông Phúc được báo chí trích lời nói: “Tôi và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã hội ý và quyết tâm xây dựng một khu đô thị đại học mà Đại học Quốc gia Hà Nội là nòng cốt.” Sau đó, “trường nào muốn gia nhập Đại học Quốc gia thì sẽ được chào đón,” ông Phúc nói tiếp.
Ông Phúc còn nói thêm: “Trường sẽ là đơn vị đi đầu với chất lượng đào tạo, gắn với cách mạng công nghệ 4.0.”
Vì nền giáo dục Việt Nam còn thấp kém, các cơ sở đào tạo đại học trong nước có thể “chấp nhận” việc tập trung xây một đô thị đại học có tầm quốc tế như đề xuất, tiến sĩ Trần Thị Hồng nói:
“Đối với một nước nghèo như nước mình thì thôi đành phải chấp nhận cơ chế đặc thù này, vì nếu đầu tư dàn trải rất khó có thể có một đại học nào đó mà ngang tầm thế giới.”
Tiến sĩ Trần Thị Hồng còn chia sẻ rằng nếu tập trung đầu tư vào một trường nào đó để làm đầu tàu kéo các trường khác phát triển thì đó cũng là một xu hướng hợp lý.
Cụ thể hơn, giáo sư Phạm Duy Hiển nói rằng Việt Nam cần tập trung phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng trong đó dạy và học một cách bài bản, thay vì tập trung phát triển giáo dục chạy theo quy mô và thành tích:
“Vấn đề là làm thế nào để sinh viên học thật sự và thầy giáo quyết tâm dạy – dạy một cách bài bản chứ không phải lớt phớt – theo hướng tập trung mang lại hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cho đất nước, chứ không phải chạy theo thành tích, khoe khoang với nước này, nước khác.”
Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại khu công nghiệp Hòa Lạc được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003.
Mục tiêu chính của dự án là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á. Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 trường đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh.
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án mới được đầu tư 1.700 tỷ đồng, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường. - VOA
|
|
17.
Chia rẽ về quỹ xây trường từ con gái Nguyễn Tấn Dũng

Vài ngày qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam tranh cãi gay gắt về việc một quỹ của con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đóng góp tiền xây dựng một ngôi trường miền núi.
Ngôi trường liên quan đến cuộc tranh cãi là trường tiểu học Lũng Luông ở tỉnh Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100 kilomet về phía bắc.
Trường đã khai trương đầu tháng 9 năm ngoái. Trước khi được xây dựng, nơi được gọi là trường thực tế chỉ có 4 cái lán “ọp ẹp” cho học sinh và giáo viên, theo báo chí trong nước.
Báo chí hồi mùa thua năm ngoái cho hay, trường Lũng Luông mới là kết quả của nỗ lực vận động đóng góp từ thiện do những nhân vật nổi tiếng thực hiện. Đóng vai trò chủ chốt là giáo sư Ngô Bảo Châu và cựu nhà báo truyền hình Trần Đăng Tuấn.
Tin cho hay trường mới trông như một “bông hoa nổi bật giữa núi rừng”, có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà ăn, nhà nội trú, khu vệ sinh, sân vui chơi cho các em. Khi đó, tin không nói rõ ai là nhà tài trợ chính cho khoản tiền 6 tỷ đồng xây trường.
Tranh cãi dường như đã nổi lên sau khi hôm 9/9 vừa rồi, trang Facebook của Quỹ Phượng Hoàng đăng một bức ảnh về việc khai trương trường Lũng Luông. Chú thích ảnh ghi “Ngày này 1 năm về trước của Phoenix Foundation - Quỹ Phượng Hoàng”.
Trong ảnh, bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, và giáo sư Ngô Bảo Châu cùng hai người khác gỡ tấm băng che một tấm biển màu đồng. Một phần nội dung tấm biển cho hay nhà tài trợ chính cho trường Tiểu học Lũng Luông là “Quỹ Phượng Hoàng, TP. Hồ Chí Minh”.
Quỹ Phượng Hoàng được thành lập tháng 5/2011, và một phần sứ mệnh của quỹ là “hỗ trợ địa phương trùng tu hoặc xây dựng những trường học xuống cấp hoặc thiếu kém”, theo trang Facebook của quỹ, với hình đại diện là ảnh chụp trường Lũng Luông từ trên cao.
Sau khi bức ảnh xuất hiện, nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích, dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Ông Hoàng Dũng ở TP. HCM, người từng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì dân chủ, viết: “Nếu cả tập đoàn dòng họ nhà bạn khai thác 1 đất nước đến kiệt quệ rồi xây dựng lại dăm vài chục công trình thiện nguyện bất kể đó là tiền sạch hay bẩn, thì bạn có xứng được tung hô không?”
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, người thường xuyên lên tiếng về những chuyện gây bất bình ở Việt Nam, viết: “Cứ mặc sức tham nhũng trăm nghìn tỷ, phá nát đất nước, tạo trường rách nát đi. Hưu, bỏ vài tỷ xây 1 trường, sẽ được tri ân”.
Đã có hàng trăm những lời bình luận hay các ý kiến tương tự như của ông Dũng và ông Tạo.
Đáp lại các ý kiến này, trên trang Facebook cá nhân, giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ ông có cái nhìn “đơn giản” về việc vận động nguồn tài trợ xây trường.
Ông viết thêm về những người có vai trò chính: “Ba người làm việc này bao gồm cô [Nguyễn Thanh] Phượng là người cho tiền, anh [Trần Đăng] Tuấn là người quản lý, anh [kiến trúc sư Hoàng Thúc] Hào thiết kế và thi công. Tôi chỉ có công mời ba người kia đi ăn tối”.
Vị giáo sư toán – người đã được chính phủ Việt Nam thời ông Dũng làm thủ tướng vinh danh sau khi đoạt một giải quốc tế lớn về toán học – tỏ ý phiền lòng vì sự việc theo cách nhìn của ông “đơn giản là tốt” song đã trở thành “chuyện để ầm ĩ soi mói”.
Kết thúc ý kiến trên trang cá nhân, giáo sư Châu dùng cụm từ “những chuyện thị phi lăng nhăng kia” để nói đến những tranh cãi đã diễn ra.
Đã có nghìn 12 nghìn lượt like (thích) và rất nhiều ý kiến ủng hộ cho việc làm của vị giáo sư, thể hiện trực tiếp trong trang của ông hoặc trên trang của những người sử dụng Facebook có nhiều ảnh hưởng khác ở Việt Nam.
Một status (ý kiến bày tỏ tâm trạng) của nữ nhà báo Bạch Hoàn nói cô ủng hộ và kính trọng giáo sư Châu liên quan đến trường Lũng Luông nhận được hơn 9 nghìn lượt like và các phản ứng khác.
VOA cố gắng liên lạc với các ông Ngô Bảo Châu, Trần Đăng Tuấn và Quỹ Phượng Hoàng để lắng nghe ý kiến trực tiếp nhưng không nhận được hồi âm.
Một tiến sỹ thường đưa ra các phân tích, phản biện xã hội về Việt Nam nói với VOA những phản ứng trái chiều nhau về khoản tài trợ của Quỹ Phượng Hoàng cho các hoạt động thiện nguyện là “trường hợp rất thú vị”.
Đề nghị không nêu tên, vị tiến sĩ nói rằng bản thân vị này cũng chưa thể quyết định nên đứng về bên ủng hộ hay bên phản đối. Vị này nhận định những trường hợp tương tự sẽ còn xảy ra ở Việt Nam trong tương lai.
Theo tiến sĩ, về mặt đạo đức, ở mức độ nhất định, có thể so sánh trường hợp Quỹ Phượng Hoàng với việc các công ty thuốc lá tài trợ cho các dự án nghiên cứu ung thư hoặc các chiến dịch vận động về sức khỏe. Từ đó, mỗi người tự đưa ra quyết định có hay không ủng hộ những nguồn tiền bị xem là “không sạch” dùng cho các dự án từ thiện. - VOA
|
|
18.
Đạo diễn phim Kong và hình ảnh ‘Đại sứ Du lịch Việt Nam’ bị đánh vỡ đầu

Một video ghi lại cảnh đạo diễn phim “Kong: Skull Island” bị đánh đến phải nhập viện tại một quán bar ở Sài Gòn ngày 9/9 đang làm nóng lại câu chuyện về công tác lựa chọn người đại diện để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cho thế giới.
Hình ảnh đạo diễn Hollywood, Jordan Vogt-Roberts, bị đánh bể đầu tại Việt Nam đang lan truyền nhanh chóng trong lúc vị Đại sứ Du lịch này chưa kịp gây ấn tượng đẹp nào để quảng bá cho hình ảnh du lịch của Việt Nam.

Công văn khẩn
Ngày 11/9, Công an Quận 1, TPHCM, xác nhận với báo Người Lao Động về vụ xô xát giữa nhóm của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts với một nhóm thanh niên khác tại quán bar XO. Hai nhóm đã dùng chai thủy tinh để đánh nhau và đạo diễn phim Kong trở thành điểm tấn công của nhóm thanh niên kia.
Trả lời trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), xác nhận ngay sau khi nhận được tin, Bộ này đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu UBND TP.HCM điều tra vụ việc.
“Đề nghị UBND TP.HCM quan tâm, giao các cơ quan liên quan tìm hiểu, điều tra làm rõ, xử lý sự việc theo quy định của pháp luật và cử người thăm hỏi, động viên, chia sẻ với Đại sứ Du lịch Jordan Vogt-Roberts”, trích văn bản của Bộ VHTTDL.
Tiếp đó, báo Thanh Niên dẫn lời Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã “yêu cầu công an thành phố vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vì bất cứ hành vi nào tấn công người khác đều vi phạm pháp luật”.
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Pháp Việt sau khi xảy ra vụ ẩu đả, theo báo Công An.

Câu chuyện “hình ảnh”
Phản ứng về tin Đại sứ Du lịch Việt Nam bị hành hung, nữ ca sĩ Đồng Lan chuyên hát nhạc Pháp, nói đây là một “chuyện buồn”.
“Đây là một chuyện đáng buồn. Em nghĩ nếu một người đang làm công việc dễ thương như anh này, làm những việc đáng yêu cho thiện chí trao đổi văn hóa, đại sứ du lịch. Hơn nữa, anh ấy cũng vừa làm một bộ phim rất dễ thương, làm cho nhiều người Việt Nam rất yêu thích. Em nghĩ nếu người nào nhận ra, chắc sẽ không đánh anh ấy đâu”.
Trong khi đó, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, nói với VOA rằng ông khá bất ngờ khi nhận được “tin xấu”:
“Dù gì thì đấy cũng là một tin xấu, gây bất lợi cho du lịch Việt Nam. Vì một người làm Đại sứ Du lịch Việt Nam mà lại bị đánh ngay tại một thành phố đang phát triển về du lịch, tại một quán bar, tất nhiên là một nơi ăn chơi, hưởng thụ của giới trẻ, nhưng cũng có đội ngũ bảo vệ, thì tại sao một anh đạo diễn nổi tiếng như thế lại bị đánh, nên tôi hơi ngạc nhiên”.
Ngày 13/3, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được Bộ VHTTDL bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh giai đoạn 2017-2020. Việc bổ nhiệm này đã gây khá nhiều tranh cãi, trong bối cảnh vị trí này đã bị bỏ trống một thời gian dài vì theo lời nhà phê bình Lê Hồng Lâm, “có lẽ bị báo chí nói nhiều quá”, đặc biệt là sau khi nữ Đại sứ Du lịch Việt Nam đầu tiên Lý Nhã Kỳ đã để lại nhiều tai tiếng không hay trong thời gian chỉ 1 năm đảm nhiệm vị trí này (2011-2012).
“Ở Việt Nam, trong sự phát triển nóng vội của du lịch, có vẻ như khi số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng thì Bộ Du lịch thích chọn những người nổi tiếng. Ví dụ như mấy năm trước là cô Lý Nhã Kỳ, năm nay là anh đạo diễn phim Kong này. Trong khi tôi nghĩ rằng một người để đảm nhiệm vai trò này, quảng bá cho hình ảnh du lịch cho một nước thì họ phải có những tố chất đặc biệt. Họ phải làm sao quảng bá được du lịch bằng chuyên môn chứ không phải vẻ bề ngoài của họ. Bộ Du lịch Việt Nam có vẻ như đang đánh giá vẻ bề ngoài nhiều hơn cái thực chất của hình ảnh trong công việc này”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định.
Sau khi được bổ nhiệm chức vụ mới, Jordan Vogt-Roberts công khai bày tỏ quyết định rao bán nhà ở Mỹ và cưới vợ Việt Nam.
Tân Đại sứ Du lịch cũng gặp phải khá nhiều scandal liên quan đến các người đẹp ở Việt Nam. Anh nói với báo Thanh Niên rằng anh “rất buồn, thậm chí tan nát khi bị nói ‘sát gái’ và nghi ngờ mục đích anh ở Việt Nam”.
“Anh ấy có vẻ là một người còn trẻ và ham vui. Anh tham gia rất nhiều sự kiện những chuyện, mà như chị biết ở Việt Nam bây giờ, báo chí săn lùng những câu chuyện scandal để gây chú ý, câu view. Những câu chuyện về anh này với các cô gái người mẫu này kia… thì tất nhiên, những cô này chỉ lợi dụng hình ảnh của anh này thôi, nhưng tôi có cảm giác anh này hơi dễ dãi quá, hơi thiếu thận trọng, hoặc anh ấy nghĩ rằng ở Việt Nam vui vẻ, mà anh còn trẻ nên có thể hơi buông thả một chút”, ông Lê Hồng Lâm nhận xét với VOA về những phanh phui của báo chí.
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được bổ nhiệm là Đại sứ Du lịch Việt Nam sau khi phim “Kong: Skull Island” chọn quay một số bối cảnh phim tại những thắng cảnh nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình.
Bộ phim đã được “PR rầm rộ”, theo lời nhà phê bình Lê Hồng Lâm, nên trong ngày đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, tất cả các suất chiếu ở các rạp chiếu phim đều bán “cháy” vé.
Tuy nhiên, chất lượng nội dung bộ phim lại không được một số nhà chuyên môn và người hâm mộ quốc tế đánh giá cao.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho biết bản thân ông "rất trân trọng việc một đạo diễn của Hollywood về Việt Nam và chọn Việt Nam làm bối cảnh cho một bộ phim bom tấn lớn". Nhưng sau khi bộ phim ra mắt, ông đánh giá đây chỉ là một bộ phim giải trí "ở mức độ bình thường".
Ông Lê Hồng Lâm cho biết gần đây, đội ngũ PR của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts có mời ông đến dự một buổi gặp mặt. Nhóm này cho biết đạo diễn của Hollywood đang muốn xây dựng lại một “hình ảnh mới”. Anh sẽ từ chối tham gia vào những sự kiện gây scandal và tập trung vào công việc đang làm cho Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Lâm đã từ chối tham dự buổi gặp mặt này.
Theo ông, nếu việc chọn đại sứ du lịch vẫn tiếp tục duy trì theo "quy trình" của thời gian qua, thì sẽ không mang lại hiệu quả thực chất cho việc quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam, mà chỉ có lợi cho một số người liên quan mà thôi. - VOA
|
|
19.
Dropfoods ở Việt Nam phát hành tiền ảo mở rộng kinh doanh

Hãng Dropfoods hôm 12/9 nói họ sẽ phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng, gọi tắt là ICO, hôm 21/9 để thu hút vốn 9 triệu đôla. Dropfoods là hãng quản lý các máy bán hàng tự động lớn nhất Việt Nam.
ICO là một thủ tục không theo khuôn khổ pháp lý, theo đó một công ty khởi nghiệp thu hút vốn bằng cách phát hành tiền ảo dưới dạng các thiết bị bảo mật hình đồng xu, tương tự như các cổ phiếu của các công ty bán ra thông qua thủ tục IPO – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Những nhà đầu tư mua tiền xu ảo hy vọng rằng công ty khởi nghiệp sẽ tăng trưởng và thành công, như vậy, giá trị tiền ảo cũng sẽ tăng.
Trong cuộc ICO sắp tới, Dropfoods sẽ phát hành tiền ảo của chính công ty, có tên là Dropcoins, chỉ dành cho những nhà đầu tư đã được thẩm định.
Đồng Dropcoins có thể quy đổi ra tiền mặt là đồng Việt Nam tại các máy bán hàng của Dropfoods, hay dùng để mua hàng tại các máy đó cũng như thông qua ứng dụng Dropfoods trên điện thoại thông minh.
Số lượng các đồng xu này có hạn, vì thế Dropfoods kỳ vọng theo thời gian chúng sẽ được nhiều người lùng mua và tăng giá trị, với nhiều giao dịch diễn ra trên nền tảng của họ.
Với số tiền thu được từ cuộc ICO, Dropfoods sẽ lắp đặt thêm 1.000 máy bán hàng tự động mới.
Khách hàng có thể mua đồ ăn thức uống từ các máy bán hàng qua ứng dụng Dropfoods. Họ cũng có thể sử dụng ứng dụng đó để nạp tiền vào tài khoản di động, trả hóa đơn điện nước và chuyển tiền cho người thân, bạn bè.
Dropfoods hoạt động ở hơn 40 địa điểm ở Việt Nam và đứng sau công ty là Sugar Ventures, một hãng đầu tư vốn mạo hiểm có cổ đông ở Nhật Bản, Nam Phi và Singapore.
Chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang xem xét vấn đề tiền ảo, với ý định lập ra khuôn khổ pháp lý về vấn đề này vào năm sau. - VOA
|
|
20.
Chủ tịch Quang 'tưởng niệm lãnh tụ Hồ Chí Minh'

Một số báo Việt Nam vừa đồng loạt đăng tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang có hoạt động dâng hương tưởng niệm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trang Zing viết: "Ngày 11/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch."
Báo này giải thích rõ đây là ngày mất của ông Hồ, tính theo lịch âm, 21/7.
Cũng có nội dung tương tự, nhưng trang VietnamNet ghi "nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9 và 48 năm Ngày Bác Hồ đi xa (21/7 âm lịch)" chứ không nêu rõ việc tưởng niệm diễn ra hôm nào.
Các trang này đều dẫn nguồn trang tin Văn phòng Chủ tịch Nước, nơi trong bài đăng đầu giờ sáng ngày 11/9 ghi rõ Chủ tịch Trần Đại Quang đã có các hoạt động tưởng niệm tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch.
Tuy nhiên, theo trang tin chính thức của khu di tích này thì sự kiện trên đã diễn ra từ trước đó ít hôm.
"Sáng ngày 05/9/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch," bài đăng cùng ngày trên trang này viết.
Tin Chủ tịch Trần Đại Quang "dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" là bài mới nhất được đăng trên trang tin chính thức của Văn phòng Chủ tịch nước tại địa chỉ vpctn.gov.vn.
Trước đó, tin cuối cùng được đăng vào hôm 14/8/2017, nói về hội nghị học tập và triển khai nghị quyết Hội nghị trung ương 5 của Đảng Cộng sản khóa 12.
Tin tức về sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và chuyến đi sang Nhật Bản để điều trị của ông đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam và truyền thông nước ngoài hồi tháng 8.
Nhưng sau đó, báo chí Việt Nam liên tiếp đăng các hình ảnh và cả video cho thấy ông Quang đã dự các lễ nội bộ và tiếp khách nước ngoài.
Lần gần nhất, ông đón Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi hôm 6/9, trong chuyến thăm hai ngày của ông al-Sisi tới Hà Nội. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments: