Friday, September 8, 2017

CHÍNH PHỦ THUẾ (Nguyễn Thông)




Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Hầu như ai quan tâm đến thế sự xứ này đều biết rằng sau khi ngồi vào ghế nóng thủ tướng, đứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã lập ngôn bằng những khái niệm riêng của ông, nổi bật nhất là “chính phủ kiến tạo” và “chính phủ liêm chính”.

Làm lãnh đạo và nói, đó là lối xưa nay của nhiều người, chả riêng gì ông Phúc. Hồi xưa ông Lê Duẩn đi đâu cũng vác theo cụm từ “làm chủ tập thể”, kể cả khi đi thăm trại chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Linh thì luôn luôn đòi “cởi trói, đổi mới”, cả kinh tế, xã hội, văn nghệ, tư tưởng. Ông Nông Đức Mạnh nổi tiếng với “trồng cây gì, nuôi con gì” trong mọi trường hợp, bất kể khi đang ngồi ở hội trường hay đứng trên đồi trọc (do đã phá trụi rừng). Ông Nguyễn Tấn Dũng một thời lừa mị được bao nhiêu người khi câu cửa miệng của ổng là “tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội”. Ông Nguyễn Phú Trọng do xuất thân con nhà nòi lý luận nên sáng tạo được nhiều danh ngôn hơn, nhưng nổi tiếng nhất là “thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, suy thoái, tự diễn biến”, vừa rồi lại thêm “ném chuột vỡ bình” và “củi tươi vào lò”…

Quay lại chuyện ông Phúc đứng đầu chính phủ. Thực ra thì đứng đầu chính phủ, nếu ở nước khác, như Nhật Bản, Anh quốc, Thái Lan, Đức, Canada, Singapore chẳng hạn, thì quả là to, rất to, quyền nghiêng trời lệch đất. Trên thì chỉ có vua, nữ hoàng, tổng thống nhưng thực ra mấy vị “minh quân”, tổng thống ấy quyền lực chỉ mang tính tượng trưng, chứ quyền hành dồn hết cho thủ tướng. Có quyền thực sự trong tay nên lời nói và việc làm mới dễ khớp với nhau, biến lời nói thành hiện thực.

Ở xứ ta thì khác. Thủ tướng cũng chỉ là một dạng công chức siêu hạng, phải làm theo sự chỉ đạo, điều khiển của siêu vua, siêu hoàng đế, siêu tổng thống. Đó là đảng. Đảng mới là siêu quyền lực, bắt tất cả mọi bầy tôi phải răm rắp tuân theo. Hồi xưa “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo bề tôi phải chết, bề tôi không chết là không trung), mà đã không trung thì “không quân thần phụ tử đếch ra người” (Nguyễn Công Trứ). Nay nhà nước phong kiến đã xuống lỗ lâu rồi nhưng vua-đảng vẫn khiến trăm họ phải run sợ, nói chi thủ tướng.

Cũng có ngoại lệ. Ông 3X Nguyễn Tấn Dũng làm liên tiếp 2 nhiệm kỳ thủ tướng. Có thể ông ta đọc sử thể chế cộng sản xứ này thấy ông Phạm Văn Đồng (thường được đồng chí của ông gọi thân mật là anh Tô) ngồi ghế thủ tướng những… gần chục nhiệm kỳ, 31 năm đứng đầu chính phủ, mà chả quyền hành gì, chỉ làm bung xung cho kẻ khác, cuối cùng cũng chỉ để lại dấu ấn về một vị thủ tướng hiền lành, trọng tiếng Việt, quý bác Hồ, nên 3X định phải khác chăng. Và ít nhiều ông ta đã khác những người tiền nhiệm, những Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Phạm Hùng…, đã chọc trời khuấy nước, đã suýt nữa hất tung cả vòng kim cô. Tuy nhiên, một gian hùng như ông 3X cũng còn thiếu cơ trời, lại thiếu cả nhân tâm-nhân hòa nữa, nên thất bại là phải. (còn tiếp, viết ngắn cho dễ đọc)

Nguyễn Thông

*
*
Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017
Trong bài trước, tôi có nhắc đến tham vọng của đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng một chính phủ liêm chính - kiến tạo, đến những mong muốn của ông biến điều đó thành hiện thực. Nhưng, như chúng ta biết, giữa khát vọng và hiện thực luôn có khoảng cách, không phải bao giờ chúng cũng đi với nhau.

Điều dễ thấy nhất là ông Phúc đã và đang phải chịu thừa hưởng di sản tồi tệ từ người tiền nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là những khoản nợ công đầm đìa khổng lồ, những vụ thất thoát khủng khiếp do tệ nạn tham nhũng vơ vét, những vụ ném cả núi tiền qua cửa sổ do làm ăn chả giống ai, đặc biệt là do ngu dốt và tham lam, những suy sụp khó bề cứu vãn của nền kinh tế nhà nước sau khi những tập đoàn, tổng công ty từng được coi là quả đấm thép mà chính phủ đặt vào đó rất nhiều kỳ vọng như Vinashin, PVN, EVN… sụp đổ tan nát. Và điều tai hại nhất là người ta (chính phủ tiền nhiệm) đã giải bài toán kinh tế rối rắm, đã bù đắp hao hụt tài chính quốc gia (tiền bạc bị mất đi bởi những lý do trên) bằng thuế. Tăng thuế, đổ hết lên đầu người lao động, lên cổ dân chúng. Điều đó hoàn toàn ngược với chủ trương, đường lối của giai cấp tự nhận quyền lãnh đạo, nhưng cũng dễ hiểu bởi xưa nay người cộng sản thường làm ngược lại những điều họ nói.

Thời thuộc Pháp, để tập hợp được dân chúng đứng dưới ngọn cờ chính trị của mình, một trong những biện pháp đắc dụng mà đảng vô sản thực hiện là khơi dậy trong dân chúng mối căm hờn chính sách thuế khóa của nhà cai trị. Cụm từ thường được họ nhắc đi nhắc lại trong những cuộc tuyên truyền, diễn thuyết, giác ngộ nhân dân là “sưu cao thuế nặng”. Những cuộc vận động nông dân đứng lên phản kháng luôn xoáy vào vấn đề thuế, bên cạnh vấn đề “người cày có ruộng” (được coi là quan trọng nhất với nông dân). Chính những trang lịch sử của nhà nước có biên ghi như vậy chứ không phải tôi suy diễn. Thơ văn cách mạng đã xoáy sâu vào tình trạng thuế khóa, xem đó như nguyên nhân chính gây ra bao đau khổ cho dân chúng xứ thuộc địa: “ Đêm nằm luống những sầu bi/Sưu cao thuế nặng lấy chi thanh nhàn”, “Rày sưu mai thuế trưng cầu/Cầm con cầm vợ bán trâu bán bò”… 

Như một thủ pháp tuyên truyền có định hướng, người cộng sản tập hợp khai thác sâu kỹ những tác phẩm văn học hiện thực phê phán như Tắt đèn, Bước đường cùng… để khơi sâu lòng căm thù của người nông dân (mà họ gọi là đội quân chủ lực của cách mạng) đối với thuế khóa, từ đó kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ bộ máy cai trị đế quốc-phong kiến, nhưng đồng thời họ cũng cố tình ém đi, phủ nhận nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hiện thực và lãng mạn rất có giá trị phản ánh xã hội lúc bấy giờ bởi chúng không phục vụ cho mục đích, đường lối của họ. Các tác giả nổi tiếng Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng… bị “lãng quên” một thời gian dài hàng mấy chục năm chủ yếu là vì vậy. Phải thừa nhận, sự lựa chọn, phân loại ấy của người cộng sản rất có lợi cho họ, hiệu quả cao, giúp đắc lực việc tổng hợp sức mạnh quần chúng đứng lên làm cách mạng. Ai cũng hiểu, người dân bấy giờ chả có mong mỏi gì hơn là đồng thời với việc được làm công dân của một nước độc lập thì còn là được thoát khỏi gông cùm thuế khóa đã bấy lâu đè nặng lên cuộc sống.

Điều cần xác định, nói ra cho khách quan, là bất kỳ quốc gia nào, chính phủ nào, dù từ thời thượng cổ, đều có chính sách thuế khóa. Đã lập nên bộ máy nhà nước cai quản quốc gia, điều khiển xã hội thì phải thu thuế để nuôi bộ máy ấy. Muốn quốc gia phát triển thì phải huy động được sự đóng góp của tất cả cá nhân, đơn vị bằng thuế. Không phải không có lý khi người cộng sản nói rằng đóng thuế, nộp thuế cho nhà nước “là nghĩa vụ, vinh dự và trách nhiệm” của mọi công dân. Như vậy, thuế là điều hẳn nhiên, giống không khí mà con người vẫn thở. Nhưng nếu thuế bị lợi dụng, bị biến thành thứ gông cùm tai vạ, thành công cụ bóc lột, thành nguyên nhân gây tang thương đau khổ cho con người, thì nó cũng chả khác gì không khí đã bị ô nhiễm, không thể hít thở được. Lúc đó, bản thân thuế cũng đã âm ỉ chứa đựng sự phản kháng của người nộp thuế, đến giới hạn nào đó thì sẽ bùng lên. Hiện tượng giới tài xế phản đối tình trạng thu phí bất hợp lý ở trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cũng như nhiều trạm thu phí trên khắp cả nước thời gian qua chính là biểu hiện phá vỡ giới hạn chịu đựng. Xin nhớ rằng, đó mới chỉ ở tầm nhỏ, việc nhỏ, nếu nhà nước, chính phủ không nhận ra, có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý thì rất nhiều khả năng sẽ có những phá giới hạn ở tầm lớn hơn, nghiêm trọng hơn, chả ai lường được. Cái sảy nảy cái ung. Người xưa từng dạy rằng ngọn khói mỏng có thể làm cháy nhà, tổ mối con có thể gây đê vỡ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

*
*
Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Hôm 1.9 vừa rồi, lúc 10 giờ 30 tôi có mặt tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang). Buồn đời thì đi thôi chứ chả phải mê say lễ lạt gì, cũng đi ngang đây chứ không hề có ý định xuống hiện trường để tận mục sở thị. Các lối vào trạm đã thông thoáng, barie được dỡ bỏ, xe cộ qua lại thoải mái không mất tiền, dù tiền lẻ, tiền chứa trong lợn đất hoặc chai nhựa. Thực tế mà tôi chứng kiến tận mắt nói lên rằng nhà chức việc ít nhiều đã biết lắng nghe, bước đầu đã có sự điều chỉnh, giải quyết hợp lý thuận tình, sau những căng thẳng cãi vã ban đầu. Nếu cứ theo hướng giải quyết tôn trọng chân lý như thế này, sẽ còn nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chỉ tạm coi như giải pháp tình thế, lùi để tiến, tạm hạ nhiệt xoa dịu rồi sẽ tính sau… thì tôi đồ rằng tiền lẻ lại có dịp phát huy giá trị nhỏ mọn của nó.

Thị trấn Cai Lậy cũng như nhiều huyện lỵ ở miền Tây Nam Bộ nhỏ nhắn nhưng khá tấp nập thuyền bè, xe cộ mua bán thóc gạo, trái cây. Quan ngại nhất, là nó nằm ngay trên trục chính, quốc lộ 1 xuyên tâm đất phương nam màu mỡ. Người ta đã nâng cấp nó thành thị xã khiến nguy cơ về tai nạn giao thông do xe cơ giới băng qua khu dân cư càng cao. Lẩn thẩn tự hỏi, mà sao lại cứ phải phong cấp cho những thị tứ của huyện của tỉnh làm chi nhỉ. Xưa nay huyện có thị trấn, tỉnh có thị xã, đô thị lớn cấp quốc gia thì là thành phố, gọi như thế có chết ai, giờ cứ phải tăng thành thị xã, thành phố cho nó oai. Với tôi, nhưng cái tên như thị xã Kiến An (tỉnh Kiến An cũ quê tôi, nay thuộc Hải Phòng), thị xã Bắc Ninh, thị xã Lạng Sơn, thị xã Tây Ninh… đem lại nhiều gợi cảm, yêu thương, gần gũi hơn khi gọi nó là thành phố. Thị trấn Cai Lậy cũng vậy, chả hay ho gì cái tên thị xã Cai Lậy khi nó chỉ có vài đường phố, còn nhà cửa lộn xộn, lè tè thò ra thụt vào, nếu không nói là còn nhếch nhác. Hình như chế độ này thích làm chuyện sắc phong, hết phong cho người, rồi cho đất, cho cơ quan đơn vị. Hàng trăm trường đại học đã ra đời, mà thực chất nó chỉ ở tầm cao đẳng, hoặc thậm chí cỡ trường trung cấp. Nhưng cứ được gọi đại học là khoái, mà anh ký phong cũng có màu.

Ngay trên đất nóng trạm Cai Lậy quốc lộ 1, dưới cái nắng gay gắt, tôi chả khó khăn gì trong việc đưa ra lời khẳng định trạm thu phí đặt ở đây là cực kỳ sai lầm, sai trầm trọng, vô lý đến mức không thể nào vô lý hơn. Chỗ đúng của nó phải nằm trên con đường tránh mà người ta vừa xây dựng. Tại sao lại bắt những chiếc xe từ phía tây theo quốc lộ 1 đi vào thị xã Cai Lậy phải nộp phí bởi những xe ấy hoàn toàn không sử dụng một mét đường tránh nào. Mà với xe từ Cai Lậy về phía tây cũng thế. Đè cổ nó bắt nôn tiền ra là sự thậm vô lý. Nó chỉ dùng biện pháp hòa bình, thò tiền lẻ ra cho đếm là còn may đấy. Đám lợi ích đã cố tình trộn lẫn những xe “nói không với đường tránh” với đám xe từ phía tây trạm bò lên mạn Mỹ Tho, Long An, Sài Gòn, hay ra miền Trung, miền bắc (và ngược lại). Đám xe này sử dụng đường tránh, đương nhiên chúng phải nộp phí. Chả ai làm đường cho các vị xài chùa. Vấn đề là người ta đã cố ý đặt trạm thu phí vào chỗ có thể tận thu, không để lọt bất cứ xe nào, dù mày có đi vào đường của tao hay không. Chính vì vậy, bộ phận chức năng, hoặc chính phủ, phải làm cho rõ ai, cơ quan nào, cấp nào đã cho phép nhà đầu tư BOT được đặt trạm bóc lột ở chỗ này. Bố bảo nhà đầu tư cũng không dám tự ý nếu nó không được phép, được bật đèn xanh. Các doanh nghiệp, người dân, nhất là các tài xế, chủ xe, chủ hàng có thể khởi kiện, đòi bồi hoàn, trả lại mình khoản tiền phí (một kiểu thuế, tiền mãi lộ) mà mình đã từng phải chịu nộp một cách thậm vô lý bấy lâu nay. Nếu không có tấm gương xài tiền lẻ của các bọ tài xế xứ Nghệ để trị trạm thu phí Bến Thủy, rồi sau đó được phát huy đầy tinh thần cách mạng ở nơi từng diễn ra Nam Kỳ khởi nghĩa thì người dân chả biết còn khổ bởi đám sưu thuế phí này đến bao giờ, đám “lợi ích” còn ăn bẫm đến bao giờ. May là nó đã bị chặn lại.

Cứ theo cách tố cáo của bộ máy tuyên truyền nhà nước thì dưới chế độ thực dân-phong kiến có hàng trăm thứ thuế, thậm chí đi… ỉa cũng phải nộp thuế: “thuế xí kia mới thiệt lạ lùng” (chả biết có phải họ nói vống lên cho tăng sức nặng căm thù không). Tuy nhiên, nếu so với bây giờ, số lượng sắc thuế của bọn đế quốc sài lang và tay sai chỉ ví như con tem dán lên mình con voi. Thuế xưa phải chắp tay gọi thuế nay bằng cụ. Giờ đây, thuế được áp vào mọi thứ sản phẩm, mọi hoạt động, mọi ngõ ngách, mọi con người. Thuế xã hội chủ nghĩa trùng trùng điệp điệp. Thuế “vinh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm” dày hơn cả mái ngói vảy chốn đình chùa, lớp này đè lớp khác. Có vị đại biểu quốc hội từng than thở rằng một quả trứng gà khi đến miệng người tiêu dùng phải gánh đến 18 thứ thuế phí thì quả thật thuế thời nay đã đạt đến độ khủng khiếp. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

*
*

Nói đến thuế má thời này, nếu ta thử hỏi ý 10 người thì có lẽ 9 người phải lắc đầu lè lưỡi.

Thuế vừa là búa tạ, vừa là dao lam, đập đập cắt cắt, chả mấy ai tránh được nó. Nói đâu xa, chiếc xe máy ta sử dụng hằng ngày đã bắt ta cõng bao nhiêu thứ thuế. Khi mua xe thì phải nộp thuế hàng hóa giá trị gia tăng, rồi sau đó là thuế trước bạ, thuế (phí) lấy biển số, thuế cầu đường, thuế xăng dầu, phí bảo vệ môi trường… Cứ xách xe ra đường là đương nhiên nộp thuế cho nhà nước, chạy đâu cũng không thoát. Dân bị bóp nặn tàn mạt, vậy mà hơi một tí là người nhà nước lại hạch hỏi anh chị, ông bà “hãy tự hỏi đã làm được gì cho đất nước chưa?”, cứ như mình chỉ ăn không ngồi rồi, sống dựa dẫm, làm khổ, làm gánh nặng cho người khác (kiểu lý sự ấy cũng na ná có một dạo vị nào xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thì bị nhà chúc việc vặn “có giỏi thì ra Trường Sa, Hoàng Sa mà đấu tranh”, tức là nhà cai trị luôn cho mình đúng mình hay, còn người khác sai). Đúng ra, các ông các bà ấy cần túm ngay tóc mình tự hỏi mình đã làm được cái gì cho nước cho dân trong khi hằng ngày sống bằng tiền thuế của dân. Ấy, xứ mình thường có kiểu ngược đời, hống hách như vậy.

Không chỉ bày ra muôn vạn thứ thuế phí, người ta còn luôn tìm đủ mọi cách tăng cho nó cao hơn nhằm thu về nhiều hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dân bị bóc lột thậm tệ hơn, mồ hôi sức lực bị chiếm đoạt nhiều hơn. Tăng thuế đã trở thành một chính sách quan trọng của chính phủ. Giá như họ chỉ xuân thu nhị kỳ, hoặc chỉ tăng trong trường hợp không thể không tăng (nói chữ là bất khả kháng, ví như vỡ quỹ bảo hiểm xã hội chẳng hạn) thì còn đỡ, đằng này người ta nhăm nhăm tăng bất kỳ lúc nào, nếu ai thắc mắc sẽ được giải đáp bằng đủ mọi thứ lý do “chính đáng”.

Ồn ào gần đây nhất là dự thảo của Bộ Tài chính về việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%. Những hòn đá được ném ra để thăm dò dư luận. Bị phản ứng dữ quá, có vị quan chức chính phủ lên tiếng trấn an rằng thuế này tăng nhưng không ảnh hưởng mấy tới người nghèo. Họ muốn lợi dụng chữ nghèo để lấy lòng dân. Cha mẹ ơi, ăn nói hay nhỉ. Xin thưa với ông, đất nước này còn nghèo, đại đa số dân chúng lao động là dân nghèo. Vậy ông nói không ảnh hưởng mấy là không ảnh hưởng thế nào? Thuế giá trị gia tăng được điều chỉnh tăng lên nó có chừa ai đâu bởi nó áp vào tất cả mọi sự tiêu dùng, mọi thứ hàng hóa, kể từ hột gạo, cái kim sợi chỉ, bó rau ký thịt, con cá con tôm, giọt dầu lít xăng, tiền điện tiền nước, cú điện thoại, kênh truyền hình… Ai cũng phải dùng, liệu có khâu mồm, chặt chân, bịt mắt lại để “không bị ảnh hưởng mấy” chăng. Với người giàu, thuế tăng mấy thì tăng họ chả sợ, nhưng người nghèo sẽ lên bờ xuống ruộng, nát đám cỏ gà ngay. Vậy mà lại bảo không ảnh hưởng mấy. Thuế tăng, càng nghèo càng chết, như các cụ xưa bảo, chả khác gì “chó cắn áo rách”, “nghèo gặp cái eo”. Tăng thuế, mà thuế gì cũng vậy chứ không chỉ thuế giá trị gia tăng, chỉ chết dân. Dân chết, chết trước, chứ đối với nhà giàu, với những kẻ có chức có quyền được ngân sách bao bọc thì chỉ như muỗi đốt.

Nhiều chính sách thuế của nhà nước đã bất chấp sự vô lý, chỉ nhằm thu được thật nhiều tiền cho ngân sách. Chúng ta thừa hiểu, việc nhà nước lâu nay áp thật cao thuế nhập khẩu xe ô tô là chỉ cốt đánh vào người dân mua xe (chứ cơ quan nhà nước nếu mua xe thì đã có ngân sách trả, mỡ nó lại rán nó, ông cán bộ ngồi trên xe có mất xu nào). Khi cả thế giới đã bắt đầu chán sử dụng ô tô thì chính phủ xứ này vẫn tìm mọi cách không cho dân sử dụng (họ lý sự lý luận kiểu bắc rằng để tránh ùn tắc giao thông, để bảo vệ nhà sản xuất trong nước). Nói trắng ra, chính phủ đã ăn chia với vài nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước duy trì thứ giá bán cao hơn rất nhiều giá trị thực tế của hàng hóa (ô tô) để cùng hưởng lợi. Chỉ có dân thiệt. Ăn chơi phải chịu tốn kém, ai biểu ham ô tô, cho chết (họ sẽ cười mỉm như vậy). Thật vô lý khi trong số tiền người mua xe phải trả, khoản tiền trả cho nhà sản xuất nước ngoài (với xe nhập khẩu) chỉ chiếm gần một nửa, số hơn nửa còn lại là tiền thuế do nhà nước áp đặt. Chả làm gì, chỉ thu thuế tiền cũng cao hơn nhà sản xuất, quá sướng. Người mua xe ngậm đắng nuốt cay mà chẳng làm gì được cái kiểu “ngồi mát ăn bát vàng” ấy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
*
*
Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Không thể kể hết chuyện thuế khóa và tăng thuế của chính phủ, cũng như nỗi đoạn trường bởi thuế của người dân xứ này. Thuế quá dày, chướng quá, nhà chức việc bèn gọi tránh đi là phí cho nó nhẹ, đỡ gây cảm giác trầm trọng. Sâu xa còn là họ không muốn gợi lên tinh thần phản kháng đối với thuế khóa tiềm ẩn trong dân chúng mà trước kia họ đã khai thác, tận dụng thành công.

Trên đầu trên cổ trên lưng dân giờ đây là cả núi Thái Sơn thuế khóa và phí này phí khác. Không có sự sinh nở, phát triển nào nhanh bằng thuế. Đâu đâu cũng thuế. Thuế đất đai, thuế nhà cửa, thuế sản xuất, thuế tiêu dùng, thuế vui chơi, thuế đi lại, thuế kinh doanh, thuế thu nhập, thuế lợi tức, phí dịch vụ, phí môi trường, phí học hành, phí nhập cư, phí sinh đẻ, phí… linh tinh. Thấy chỗ nào có thể ngon ăn, bóp nặn được là người ta nghĩ ngay tới việc tăng thuế hoặc thu phí. Chẳng hạn vừa rồi giới cờ bạc xứ này xuất hiện trò may rủi Vietlott, thu hút người chơi dữ lắm bởi thiên hạ bảo rằng nó không ăn gian như xổ số truyền thống. Nhận thấy Vietlott ngày càng hấp dẫn nhiều con bạc do giải cao tiền lớn, nhà chức việc nghĩ ngay âm mưu tăng thuế thu nhập của người trúng số, đánh thuế thu nhập cá nhân lên thật cao, từ 10% (đang áp dụng) lên 20, 25, thậm chí 30%. Cây trồng chưa đủ lá cành, đã nhăm nhăm hái quả, hớt tay trên kẻ trồng trọt. Tăng thuế thu nhập cá nhân với người chơi Vietlott nhưng họ lại không hề đả động đến bên xổ số truyền thống, dù bên này người chơi có trúng bao nhiêu tỉ cũng mặc, chỉ 10% như lâu nay. Dư luận đồn rằng phe xổ số truyền thống xúi nhà nước ra đòn để trị bọn Vietlott. Dân ham cờ bạc may rủi sẽ chán chơi xổ số kiểu Mỹ. Thuế thu nhập tăng thì Vietlott ốm đòn, chả mấy ai thèm mua nữa.


Có một điều rất đáng nói: nếu nhà nước chỉ chăm chú vào “sự nghiệp tăng thuế” thì cũng đã quá khốn khổ cho dân rồi, đằng này họ đồng thời liên tục tăng những chi phí lãng phí, tăng xài tiền thuế của dân, tiền ngân sách do dân đóng góp một cách vô tội vạ. Ở xứ này giờ đây, miền ngược cũng như miền xuôi, thành thị lẫn nông thôn, nơi giàu cũng như nơi nghèo, chỗ nào cũng thấy công sở, trụ sở của đủ loại chính quyền, đảng, đoàn thể, đơn vị được xây cất hoành tráng, mênh mông thiên địa, phủ bóng vàng son lên cuộc sống cơ cực của dân. Xã đua với xã, huyện đua với huyện, tỉnh đua với tỉnh, bộ ban này đua với bộ ban kia, cứ phải nhà thật to thật khủng. Chính quyền có nhà to thì đảng cũng phải có, mà lại to hơn, khiếp hơn cho nó oách. Mỗi lần quan chức nhà nước, đảng, chính phủ tiếp khách, thôi thì bày vẽ rườm rà đủ kiểu, căn phòng tràn đầy hoa hoét, trên giời dưới hoa. Cùng tiếp một vị khách, cứ như người ta thì gộp lại một lần cho gọn, đằng này ông bà nào cũng muốn “ra riêng”, bắt tay bắt chân riêng, đón riêng gặp riêng, mà cuối cùng cũng chỉ nói dăm ba câu giống hệt nhau, kiểu bày tỏ này, bày tỏ nọ, khen nhau vài câu lấy lệ, tâng bốc dăm nhời cho sướng bụng. Rồi ông to bà nhớn xứ này đi tới đâu cũng tiền hô hậu ủng, xe cộ rầm trời, cờ phướn giăng đầy, tiệc tùng chiêu đãi, ăn uống phè phỡn, quà cáp phong bao, tốn kém tiền thuế của dân không biết bao nhiêu mà kể.

Quay trở lại chuyện ông Phúc. Ông ấy muốn có một chính phủ liêm chính, hiệu quả, ích nước lợi dân. Nhưng người tính không bằng "trời" tính. Biết bao nhiêu vụ việc động trời, quốc gia đại sự nghiêm trọng đổ quán xiêu đình như Formosa, Dầu khí, Vinashin, xả thải Bình Thuận, trạm BOT vô lý… ông Phúc không thể xử lý hoặc không xử lý được, bởi chúng đều ngoài tầm với của ông. Quyền mà không có thực quyền. Thật đáng buồn, chính phủ liêm chính, chính phủ kiến tạo mà ông mong mỏi chửa thấy đâu, chỉ thấy hiện hành một chính phủ với điệp trùng thuế khóa đè nặng lên cuộc sống dân lành. Người xưa từ cách nay hơn 2.500 năm bên Tàu, ông Khổng phu tử từng than rằng “hà chính mãnh ư hổ” (chính sách hà khắc, tàn bạo còn dữ hơn cả hổ dữ). Giá như những người cầm quyền tỏ được điều ấy, khi chưa tạo lập được chính phủ liêm chính, hãy có một chính phủ liêm sỉ (biết xấu hổ), vừa cố gắng thanh lọc bộ máy cho trong sạch (liêm), vừa biết xấu hổ (sỉ) về những điều đã làm mà xóa bỏ nó đi để dân bớt khổ nghèo, thì chính phủ ấy còn được coi là chỗ nhờ cậy, đặt vào đó niềm hy vọng. Cái sỉ đầu tiên, theo tôi, có lẽ là thuế khóa.

Tôi đặt cho loạt bài này cái tên “Chính phủ thuế” là vì vậy.

Nguyễn Thông








No comments: