Friday, September 1, 2017

BẢN TIN NGÀY 1/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Biển Đông
Bộ Ngoại giao VN đưa tin, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. “Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ… Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông“.

Cuộc diễn tập này, được biết có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 km, đã chấm dứt, chứ không phải “tiến hành diễn tập” như lời của bà Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tựa đề bài báo của tác giả Henri Kenhmann, đăng trên East Pendulum: Sắp tròn một tháng tập trận đổ bộ ngay trước cửa ngõ Việt Nam.

Hình ảnh di chuyển của Hải quân TQ trên Vịnh Bắc Bộ từ ngày 1/8/2017, cho thấy cuộc diễn tập sát biển VN ở khu vực Móng Cái. Nguồn: Google Eart/ East Pendulum

Báo chí trong nước không hề đưa tin về cuộc tập trận cho đến khi kết thúc, chỉ có báo “địch” là RFI đưa tin, dẫn nguồn từ trang East Pendulum, chuyên nghiên cứu về TQ. Bây giờ tin tức lộ ra, Bộ Ngoại giao CSVN đối phó bằng cách giả vờ họp báo, đưa tin “Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập”?

Mời xem clip Trung Quốc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ của đài CCTV7:

Với tình hình này, TQ có đổ bộ vào lãnh thổ VN giết chết dân đi nữa, nhiều người dân trong nước cũng sẽ không hay biết gì, vì truyền thông nhà nước dường như đã nhận được lệnh án binh bất động. Bà con hãy tự lo chuẩn bị, bằng cách đọc báo hoặc nghe đài “địch”, đừng để tới khi giặc vào nhà giết chết mà không biết vì sao mình chết.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: VN quan ngại việc Trung Quốc thông báo diễn tập ngoài Vịnh Bắc Bộ. “Cũng theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong ngày 31-8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam về vụ việc này“.

Chủ quyền biển đảo bị TQ xâm phạm, nhưng Bộ Ngoại giao VN chỉ dám “giao thiệp“, nghĩa là người của Bộ Ngoại giao vác mặt tới Đại sứ quán TQ “thỏ thẻ”, năn nỉ chúng nó, thay vì triệu tập người của ĐSQ Trung Quốc tới Bộ Ngoại giao VN để trao công hàm phản đối?

Vài tuần trước, khi công dân VN là ông Trần Việt Văn bị giết chết ở Philippines, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu tập Đại biện Đại sứ quán Philippines ở VN đến để làm việc, nhưng đến khi VN bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, đại diện Bộ Ngoại giao VN chỉ dám vác mặt tới chỗ TQ “giao thiệp” với chúng?

Qua đó có thể nói, VN xem chủ quyền quốc gia còn thua sinh mạng của một người dân, hoặc là Bộ Ngoại giao VN thấy TQ quá to nên phải khúm núm, sợ sệt. Nhưng quý vị càng cúi xuống thì sẽ thấy TQ càng cao hơn, thể trạng thấp mà không chịu đứng thẳng, lại quỳ xuống, nhưng càng quỳ sẽ càng thấy mình thấp hơn đối phương.

Trang Nghiên cứu Quốc tế có bài dịch từ trang Hoàn Cầu Thời báo: Trung Quốc ngửa bài với ASEAN và Việt Nam? Bài viết trên trang Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, ngày 30/08/2017, có tựa đề “Trung Quốc muốn một Đông Nam Á như thế nào?”

Bài viết nói về hai ý nguyện của Trung Quốc: “Không muốn Đông Nam Á có một liên minh chống Trung Quốc, đặc biệt là liên minh do Mỹ đứng đầu” và “không muốn Đông Nam Á bị chia rẽ và mất ổn định về chính trị, bởi lẽ đó sẽ là cái cớ để Mỹ can thiệp vào Đông Nam Á“.

Báo Người Việt: Malaysia dằn mặt ngư dân ngoại quốc. Trích: “… bởi chính quyền Việt Nam làm ngơ đối với việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân ở biển Đông, tình trạng ngư dân Việt Nam xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác mới bùng phát“. Mời đọc thêm: Bình Thuận sẽ thu hồi giấy phép với tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ thả về (TV Bình Thuận).


Dân Việt Nam không cần nhà thầu Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ có bài: Đối tác Trung Quốc muốn đầu tư sân bay Long Thành là ai? Phản bác lại quan điểm của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch tập đoàn Geleximco, cho rằng “KAIDI Dương Quang từ Trung Quốc rất có kinh nghiệm trong xây sân bay“, báo Tuổi Trẻ cho biết: “Lịch sử của KAIDI Dương Quang không thấy nhắc tới kinh nghiệm xây dựng sân bay, nhất là sân bay quốc tế lớn. Tập đoàn này chỉ chuyên các dự án nhiệt điện, và tại Trung Quốc, KAIDI Dương Quang góp mặt trong nhiều dự án nhà máy nhiệt điện“.

Đáng chú ý là người dân đã quá quen với Tập đoàn KAIDI của Trung Quốc, qua các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam, như: Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê – Quảng Ninh; Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn – Quảng Nam; Dự án nhà máy nhiệt điện Hải Dương;  Dự án nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3 – Quảng Ninh…


Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình
Báo Người Việt có bài: Hà Nội xác nhận bị ‘triệu phú chả giò’ Trịnh Vĩnh Bình kiện tại Tòa Trọng Tài Quốc tế. “Khoan nói tới chi phí bồi thường, chắc chắn là không nhỏ, chi phí mà chính phủ Việt Nam phải trả cho các hãng luật quốc tế đứng ra bảo vệ mình lần trước (từ 2003 đến 2006) và lần này chắc chắn đã rất lớn, 100 triệu công dân Việt Nam, bất kể giới tính, tuổi tác, gia cảnh sẽ chia nhau chịu toàn bộ những chi phí ấy“.


Thông tin thêm về vụ án ông Trịnh Xuân Thanh
Báo VTC có bài: Cung cấp thông tin vụ Trịnh Xuân Thanh cho báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ bị kiểm tra. Bộ Nội vụ tiến hành kiểm điểm đối với Thứ trưởng Trần Anh Tuấn về hành vi “cung cấp tài liệu cho báo chí thuộc danh mục tài liệu mật”. Tài liệu mật này là Công văn của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Công Thương xin ông Trịnh Xuân Thanh về làm cán bộ tỉnh này.

Còn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói rằng: “Là người trong tổ chức, lúc này tôi không thể nói gì với bên ngoài. Nhưng tôi khẳng định Công văn 766 không phải là tài liệu mật và theo quy định cũng không thuộc hồ sơ bổ nhiệm. Tôi chỉ mong mọi việc được kiểm tra rõ ràng, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Trang Thời Báo có bài: Hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Hủy bỏ – Không tổ chức kỷ niệm Quốc khánh 2/09 tại Đức. Tác giả Lê Trung Khoa cho biết: “Trong không khí căng thẳng này, lễ Quốc khánh lần thứ 72 của Việt Nam ở Berlin bắt buộc phải hủy bỏ, vì nếu có tổ chức thì có lẽ Bộ Ngoại giao Đức, chính phủ Đức và các đoàn khách quốc tế cũng từ chối không đến dự“.

Thay vào đó, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã dẫn đoàn công tác sứ quán hành trình về thành phố Jena. Ông Khoa nói, có 3 điều trớ trêu trong chuyến đi này:
Thứ nhất, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đi đến thành phố Jena, đúng nơi Hồ Ngọc Thắng cư ngụ và làm việc. Thứ hai, ông Đoàn Xuân Hưng đến dự Hội trại Sinh viên Việt Nam, được tổ chức tại trường Đai học Friedrich-Schiller-Jena, đúng nơi Hồ Ngọc Thắng học và tốt nghiệp Luật. Và thứ ba, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng xuống thành phố Jena vào cuối tuần, đúng thời điểm Cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF) sa thải Hồ Ngọc Thắng.

BBC có bài: Đức sa thải nhân viên, trả chiếc xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’. Bài viết nói về vụ Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn của Đức (BAMF) chính thức sa thải Hồ Ngọc Thắng từ ngày 1/9/2017. Cũng vào ngày 1/9, chiếc xe Multivan VW được cho là đã sử dụng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã được cảnh sát trả lại cho người chủ là ông Bùi Quang Hiếu ở Czech.


Vụ bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Tuổi Trẻ có bài của nhà báo Bùi Thanh: Câu trả lời khác. Ông viết: “Bà bộ trưởng từng nói hai điều: ‘Tôi không có người thân làm lãnh đạo Công ty VN Pharma’ và ‘Tôi không từ chức như tin bịa đặt‘. Bây giờ, nếu được hỏi lại, người ta chờ bà bộ trưởng có câu trả lời khác về người em chồng phó tổng giám đốc VN Pharma và về trách nhiệm cá nhân mình”.

Tranh: DAD, báo Tuổi Trẻ.


Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo có bài: “Chữ trinh còn một chút này…”. Tác giả cho rằng: “‘Một sự thất tín, vạn sự không tin’, giờ thì bà Bộ Trưởng đã tự đào mồ chôn thanh danh, sự nghiệp của mình bằng sự dối trá. Chẳng còn ai muốn nghe bà nói, chẳng còn ai muốn tin việc bà làm.

Nhà báo Đào Tuấn có bài: Tổng hợp phát ngôn kinh điển của Bộ trưởng Tiến. Những câu nói để đời của bà Tiến: “Lỗi vaccin thì xử vaccin“. Khi có người thắc mắc về bệnh viện quá tải, bà Tiến nói: “Câu hỏi này phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà...”

Thêm những phát ngôn ấn tượng của bà Tiến: “Tăng giá một số dịch vụ y tế là một trong những thành tựu hàng đầu“; “Vào bệnh viện Ung bướu mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ”, “Ở địa vị chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào đây“, “Dân ùn ùn vào viện là sẽ chết vì lây nhiễm“…

Và câu nói dối ấn tượng của bà Tiến trong vụ VN Pharma: “Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào… Tôi khẳng định công ty này không liên quan đến người thân của tôi“.

Báo Tiền phong có bài: Đặt tên thuốc ung thư H-Capita với nghĩa “Hùng thủ lĩnh”? Một nguồn tin cho báo Tiền Phong biết rằng, nhóm làm thuốc giả của VN Pharma đặt tên thuốc “H-Capita” với nghĩa là “Hùng – thủ lĩnh”. Còn một chuyên gia dược học cho biết, “Trường hợp thuốc H- Capita còn tệ hơn, do VN Pharma tự làm giả, không theo một tên thương mại của công ty nào ở Canada cả”.

Báo VietNamNet có bài: VN Pharma: Lợi ích nhóm thao túng dịch vụ y tế. Bài viết cho rằng: “Tham nhũng trong ngành nào cũng là tội ác, nhưng tội ác đó trong ngành y tế còn đáng kinh sợ hơn, bởi nó có thể đẩy người bệnh qua ranh giới giữa sự sống và cái chết“.


Ngụy biện về tăng thuế hay khinh thường dân?
Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà có bài: Chính sách khinh thường dân. Về phát ngôn của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính, cho rằng, “người nghèo mua rau dưa ở chợ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) nên tăng thuế VAT lên 12% thì người nghèo không bị ảnh hưởng“.

Bà Ngà viết: “Rất nhiều người chửi Thi ngu… Tôi lại không thấy chúng nó ngu mà là chúng đã và đang khinh thường dân đến tột cùng… Hàng loạt quan chức phát biểu ngô nghê, ngu dốt ư? Xin thưa, chúng có ngu đâu. Ngu sao nó lãnh đạo được dân mình và vẫn đang lãnh đạo đó thôi. Chúng thể hiện sự khinh thường dân một cách cụ thể, rõ ràng, có bài bản hết cả đấy”.

Báo Pháp luật TP có bài: Đề xuất tăng thuế gây sốc: Bộ Tài chính nói gì? Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính vẫn bảo vệ quan điểm của mình, khẳng định: “Chỉ số lạm phát của Việt Nam đang ở mức kiểm soát, giá xăng dầu, sắt thép đang ở mức thấp. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu và trong xu hướng chung là tái cơ cấu nguồn thu và tăng dần tỉ trọng thuế gián thu khi thuế nhập khẩu giảm mạnh. Do vậy tăng thuế VAT vào năm 2019 là thích hợp“.

Tiếng Dân có bài: Chính họ đã làm cho người dân Việt Nam ngày càng lầm than. Ngoài các quan chức chính phủ, các chuyên gia tài chính, các cố vấn kinh tế cũng đã và đang tiếp tay với chính quyền trong việc bóc lột dân, làm cho dân chúng ngày càng lầm than hơn.

Nhà báo Đào Tuấn Viết: “Đòn này rất đúng quy trình. Ho lên một tiếng cho có vẻ lấy ý kiến nhân dân. Rồi tăng, vì đây, giấy trắng mực đen đây: không có bộ ngành nào phản đối cả. Việc của nhà nước là phải thu thuế, phải nghĩ ra thuế để mà thu, phải bằng mọi cách tăng thuế. Nhưng hãy thử xem nhé: 7-8 ngàn bảo vệ môi trường trong xăng, thật ra chỉ là cái cớ để có tiền tiêu. Và giờ tăng VAT cho phù hợp với ‘thông lệ quốc tế’!


Bất cập các dự án BOT
Báo Pháp luật TP có bài: Đường tránh Cai Lậy: Mới thông xe đã hỏng khắp nơi. Dù mới chính thức thu phí từ ngày 1-8 và chưa nghiệm thu nhưng đường tránh Cai Lậy, Tiền Giang được đầu tư 1.000 tỉ đồng đã “có dấu hiệu trồi, sụt do bị lún và nhiều ổ gà, cầu bị mất ốc vít…

Zing có bài: Góc khuất sau những hành động lạ đời tại trạm BOT. Báo dẫn lời Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu cho biết: “Nguyên tắc tối cao của BOT là sự lựa chọn. Phải tôn trọng nguyên tắc này chứ không thể bắt người dân phải đi vào đường BOT được nữa”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Phần lớn dự án BOT giao thông gây bức xúc hiện nay đều do vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý, thậm chí là sai“.

Trong khi TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright nói: “Hãy cho kiểm toán hoặc các nhà phân tích độc lập được tiếp cận thông tin để tính toán và thẩm định, đánh giá từng dự án. Cần công khai thông tin để mọi người biết“.

BBC có bài của tác giả Nguyễn Quang Duy: Độc quyền BOT, ‘sự cố’ Cai Lậy và bất ổn thể chế. Theo tác giả, con số nợ công 431 tỷ đôla của Việt Nam là chưa tính đến các khoản nợ BOT khổng lồ “lên đến 85-90% nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT không phải là vốn tự có của doanh nghiệp đầu tư mà là vay mượn từ ngân hàng“. Và các “khoản nợ tiềm ẩn như nợ BOT, nợ nếu thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình…” thì con số sẽ nhiều lần cao hơn.

Tác giả cho rằng: “Khi người dân nhận thức đang phải trả những khoản nợ ngập đầu vì sự yếu kém đầy tham nhũng của guồng máy độc quyền đảng trị thì phản kháng bất tuân dân sự sẽ liên tục nổ ra. Khi chính quyền vỡ nợ là lúc nhà nước cần được thay bằng một chính thể dân chủ, công khai và minh bạch. Chỉ có như thế mới cứu vãn được tình trạng bế tắc của nền kinh tế Việt Nam“.

Báo Người Lao Động có bài: Ô tô diễu hành phản đối trạm thu phí BOT Bờ Đậu, Thái Nguyên. Ông Đào Thế Hưng, Trưởng Công an huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, cho biết, “đoàn xe diễu hành trong trật tự, không gây cản trở giao thông“.

Mời độc giả xem video clip của Facebooker Hiệp Phò Mã: https://www.facebook.com/hiepphoma.hiep.90/videos/182268248982775/

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhận xét về video clip trên: “Sự xuất hiện của các sắc áo an ninh chính trị cố gắng ngăn cuộc diễu hành phản đối BOT của cánh tài xế ở Thái Nguyên… chỉ khiến cho danh sách những người bị coi là thế lực thù địch dài ra thêm mà thôi, đồng nghĩa với bộ máy an ninh lại phải phình to, vừa tiêu tốn ngân sách vừa khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội tiếp tục bị xáo trộn vì bộ máy an ninh sau khi phình to phải tìm cách tự nuôi sống nó; mà sản xuất kinh doanh bị đình trệ không phát triển thì chính quyền lấy gì mà thu để nuôi bộ máy an ninh đó?”


Thanh tra tài sản tham nhũng: Điệp khúc hứa lèo
Báo Dân Trí có bài: Sẽ sớm công bố về khối tài sản của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra. Đến nay thời hạn kết luận thanh tra đã quá hạn nhưng… “Thanh tra Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện kết luận“.

Ông Dũng không đưa ra thời hạn cụ thể như những lần hứa lèo của cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, mà khéo hơn: “Sẽ công bố sớm về khối tài sản thế nào, kê khai thế nào,… Tất cả các vấn đề sẽ được công bố sớm”.


Vụ tàu vỏ thép: dọa kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá
Báo Tiền Phong có bài: Mới nhất vụ doanh nghiệp dọa kiện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá. Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cho biết: “Do ông Thục nghĩ là đăng kiểm viên đã lấy mẫu thép đi kiểm định, nên mới phải chịu trách nhiệm về kết quả đó, vì thế mới đòi kiện Trung tâm”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Quan điểm của Bộ NN&PTNT là sớm phải sửa chữa tàu cho ngư dân và nếu trong quá trình sửa, ngư dân chưa ra khơi được, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại cho ngư dân do tàu nằm bờ”.
Trong khi các ông đang “nêu quan điểm” hoặc đổ lỗi cho nhau, thì ngư dân vẫn phải nằm bờ, è cổ trả lãi ngân hàng.


Nhân quyền ở Việt Nam
LS Hà Huy Sơn cho biết: “Sáng 31/8/2017, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ cố ý gây thương tích, bị hại là em Đỗ Đăng Dư, Chương Mỹ, Hà Nội lại bị hoãn (lần thứ 6). Vì vắng bị cáo, người làm chứng, người liên quan, người giám định“.

LS Ngô Ngọc Trai đưa tin: “Các luật sư chúng tôi bảo vệ cho gia đình Đỗ Đăng Dư hôm nay. Thật kỳ lạ tòa án lại không trích xuất được bị cáo. Thật khó hiểu và khó chấp nhận cho lối làm việc của nền tư pháp.

LS Lê Văn Luân viết: “Sau khi hoãn phiên toà lần thứ 5 cách đây gần hai tháng, tôi đã có văn bản đề nghị triệu tập những người tham gia tố tụng và nếu họ không đến thì tòa có thể áp dụng biện pháp dẫn giải đến phiên xử. Tôi đã dự tính trước một tháng trước ngày mở phiên toà lần này để làm sao toà có đủ thời gian triệu tập cũng như trích xuất những người đó, nhưng tại phiên toà hôm nay, vắng mặt tất cả những người cần thiết và quan trọng trong vụ án, gồm bị cáo, một nhân chứng cùng buồng bị cáo, giám định viên và những quản giáo của trại tạm giam có liên quan“.

LS Trần Vũ Hải có bài: Chúc mừng Nguyễn Mai Trung Tuấn được tự do! Mong em được đi học trở lại! “Em Tuấn và gia đình đã chống lại việc cưỡng chế nhà đất của gia đình em vào tháng 4/2015, khi em mới 15 tuổi, hầu hết người nhà em bị bắt và xử tù giam“.
Ông Hải bình luận: “Vụ án xử Nguyễn Mai Trung Tuấn được coi là một vết đen trong lịch sử tư pháp Việt nam, ít nhất trong khía cạnh bảo đảm những quyền của trẻ em. Hy vọng Nguyễn Mai Trung Tuấn sẽ đi học trở lại, giúp ích được nhiều cho gia đình có nhiều khốn khổ của em!

Mời xem lại clip trả lời phỏng vấn của Nguyễn Mai Trung Tuấn hơn 2 năm trước:


RFA đưa tin: Tù chính trị Lê Thanh Tùng bị chuyển trại đột ngột. “Tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng bị chuyển đi khỏi trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam đến Trại 5, Yên Định, Thanh Hóa hơn cả tháng nhưng thân nhân không hề được thông báo“.

Nhà hoạt động Lê Văn Sơn có bài: Tuổi 50 Và Hy Vọng Cho Tổ Quốc. “Vừa tròn một tháng trôi qua, ngày đen tối 30 tháng Bảy năm 2017, những người anh lớn trong độ tuổi 50 bị nhà cầm quyền cộng sản bắt bớ và giam cầm theo cái điều gọi là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Anh Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội…”

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn nhận xét: Lịch sử đang ghi nhận. Ý nghĩ đầu tiên của ông là, “mạng xã hội đang liên thông cùng một số báo tấn công khắp bốn mặt vào cơ chế điều hành đã rệu rã của thể chế. Từ vụ Kim Tiến đến những phát ngôn ngu xuẩn của quan chức cao cấp về thuốc giả, đến thuế phí, BOT, thuế giá trị gia tăng…

Còn “ý nghĩ thứ 2 là có lẽ báo chí đang được bật đèn xanh vì sống trong xã hội này riết, không ít thì nhiều cũng dính ‘thuyết âm mưu’. Ý nghĩ thứ 3 lạc quan hơn, đó là sự tỉnh thức của lương tri với những ai còn chút lương tri như giới nhà báo. Họ sẽ liên minh, tháo dần cái vòng kim cô chỉ đạo, dù có thể sẽ phải mất chức, mất việc“.

Bê bối tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Malaysia
Facebooker Xuan Vương Nghiem cho biết: Mặc dù công dân Đinh Thị Hương đã có đầy đủ giấy tờ hợp pháp để đăng ký kêt hôn, nhưng sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã gửi công văn tới cơ quan đăng ký kết hôn của Malaysia “ngăn cản việc đăng ký kết hôn hợp pháp của công dân” vì lý do “đăng thông tin lên mạng xã hội“.

Sự việc này đã bị công dân kiện, hiện hồ sơ vụ kiện đã được gửi về Toàn án Nhân dân Thành phố Hà nội: “Vụ kiện lần này đã đánh dấu một bước chuyển mình đáng kể trong cuộc đấu tranh với nạn lạm thu phí lãnh sự cùng với nạn sách nhiễu, cửa quyền, lạm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam khi can thiệp vào quyền kết hôn hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài“.

Việc một công dân Việt Nam ở nước ngoài kiện cán bộ Lãnh sự Việt Nam tại toà án hành chính Việt Nam được coi là “lần đầu tiên xẩy ra trong lịch sử tư pháp của nước Việt Nam“.

Sài Gòn sau 42 năm… “giải phóng”
Báo Người Việt có bài: Những vấn nạn khiến Sài Gòn tụt hậu. Tác giả nói về vấn nạn kẹt xe, vấn nạn ngập lụt, làm cho Sài Gòn tụt hậu. “Tân bí thư Sài Gòn, kêu gọi ‘giải gấp’ bài toán kẹt xe ở Sài Gòn, vì chỉ có hết kẹt xe mới đưa Sài Gòn phát triển được“.

Việc lấn chiếm san lấp kênh rạch tự nhiên, cùng với việc thiếu tiền xây dựng cơ sở hạ tầng khiến Sài Gòn luôn trong tình trạng ngập “mọi lúc,” “mọi nơi”… (Hình: Văn Lang)

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Hôm 22/8, ông Trump phát biểu ở Arizona: “Kim Jong-un, tôi tôn trọng thực tế là, tôi tin rằng anh ta đang bắt đầu tôn trọng chúng ta. Tôi tôn trọng thực tế đó rất nhiều. Tôn trọng thực tế đó“. Chưa đầy tuần sau, Kim Jong-un bắn tên lửa bay qua bầu trời của Nhật, làm các nước xung quanh phát hoảng.

Hôm 30/8, Trump tweet: “Hoa Kỳ đã và đang nói chuyện với Bắc Hàn và thanh toán tiền cho họ khi bị tống tiền trong 25 năm qua. Nói chuyện không phải là câu trả lời!” Bài trên BBC: Trump: ‘Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn’.

VOA có bài: Máy bay Mỹ, Nhật, Hàn vần vũ trên bán đảo Triều Tiên. Dẫn nguồn từ Reuters, đưa tin về máy bay siêu thanh B-1B và chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ, cùng các chiến đấu cơ của Nhật và Nam Hàn đã bay trên bán đảo Triều Tiên ngày 31/8, đáp trả lại vụ Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 29/8

Các phi cơ Mỹ và Nam Hàn cùng tập trận. Ảnh: AP

VOA có bài: Người Việt ở Guam trước mối đe dọa từ Kim Jong Un. Bà Jennifer Ada Mai Anh, một doanh nhân ở Guam, nói: “Tôi có đi thăm hỏi một vài người Việt trong cộng đồng trên đảo Guam phần đông rất an tâm, không sợ hãi. Nhường như người Việt từng trải qua thời gian chiến tranh họ cũng hiểu biết và không lo lắng nhiều. Họ vẫn sống bình thường. Cộng đồng Việt Nam và các cộng đồng khác trên đảo Guam vẫn làm việc, đi học như thường lệ. Không có gì quá sợ hãi”.


Vụ bê bối Trump – Nga và khủng hoảng Nga – Mỹ
RFI đưa tin: Tập đoàn Trump từng gởi thư cho Kremlin xin tham gia dự án cao ốc ở Nga. “Những nghi ngờ về mối liên hệ giữa những người thân cận của Donald Trump với Nga nay có thêm chi tiết mới. Theo báo chí Mỹ, tập đoàn bất động sản Trump từng gởi thư điện tử cho điện Kremlin về một dự án xây tháp Trump tại Matxcơva“.

VOA có bài: Mỹ trả đũa, đóng cửa tòa lãnh sự Nga. Đáp trả lại chuyện Moscow cắt giảm nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga, Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa tòa lãnh sự ở San Francisco và các cao ốc thuộc phái bộ thương mại của Nga ở Washington và New York, hạn chót ngày 2/9.

Trước đó, ngày 30/8, ông Anatoly Antonov, tân đại sứ Nga tại Mỹ kêu gọi nối lại liên lạc giữa các lãnh đạo quân sự và chính sách ngoại giao của hai nước. Các mối liên lạc quân sự giữa Moscow với Washington đã bị đóng băng kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.

Trung Quốc
RFI có bài: Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc ngày 18/10. Dẫn nguồn từ Reuters và AFP, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ 5 năm, giữ chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư.

Báo chí chính thức đưa lại bản tin của Tân Hoa Xã… khẳng định trên 2.300 đại biểu ‘sẽ áp dụng tinh thần các bài diễn văn quan trọng của tổng bí thư Tập Cận Bình, cũng như các luận thuyết, tư tưởng, chiến lược mới của Trung ương Đảng’.”

AP đưa tin, Trung Quốc đang tìm cách bắt tỉ phú Quách Văn Quý về tội hiếp dâm. Tỉ phú Trung Quốc Quách Văn Quý, 50 tuổi, bỏ trốn khỏi Trung Quốc từ năm 2015, hiện đang sống ở New York, Mỹ. Các viên chức điều tra vụ này nói rằng, cảnh sát đang yêu cầu Interpol ra lệnh bắt ông Quý về tội hiếp dâm cô thư ký riêng 28 tuổi của ông ta trước đây.

RFA đưa tin: Interpol ra lệnh bắt tỉ phú Trung Quốc, Quách Văn Quý. Ông Quý thường đe dọa các quan chức TQ là ông sẽ công bố các bí mật về họ, ông từng bị Trung Quốc điều tra các cáo buộc khác nhau như tội hối lộ, bắt cóc, rửa tiền… và bây giờ là tội hiếp dâm.


*
*
Bài Mới Nhất
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017
01/09/2017











No comments: