Friday, September 15, 2017

BẢN TIN NGÀY 15/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang Wire đưa tin, cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật và Thủ tướng Ấn Độ không nhắc tới Biển Đông trong tuyên bố chung, mặc dù Thủ tướng hai nước có chỉ trích gián tiếp Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thủ tướng Modi và Abe chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi như Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Báo Philstar của Philippines đưa tin: Ngành thủy sản trên bờ vực sụp đổ ở Biển Đông. Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng do đánh bắt quá mức đã làm lượng cá giảm đáng kể: “Tổng trữ lượng cá ở Biển Đông giảm 70-95% kể từ thập niên 1950 và tỷ lệ khai thác đã giảm 66-75% trong 20 năm qua“.

Tin về cơn bão số 10
Trong khi cơn bão số 10 (còn gọi là Doksuri) được cho là mạnh nhất trong vòng 10 năm qua đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, thì mọi người đã mất liên lạc với 12 ngư dân ở Hoàng Sa giữa lúc bão số 10 cận kề. Hai tàu cá của ngư dân Lý Sơn có 12 ngư dân trên tàu đã bị mất liên lạc, cũng như hơn 4.700 tàu cá vẫn đang ở khu vực nguy hiểm.


VTV là đài truyền hình của Trung Quốc?
Báo Một Thế Giới có bài: VTV đăng hình những đoạn lạ trên Biển Đông trong bản tin thời tiết. Khi đưa tin về cơn bão Talim sắp đổ bộ vào Trung Quốc VTV cho phát hình bản đồ đường chín đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò”, là khu vực mà TQ đòi chủ quyền ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hình ảnh VTV sử dụng khi đưa tin về thời tiết. Nguồn ảnh: VTV

Hiện clip này đã được VTV gỡ bỏ, nhưng cư dân mạng đã lưu lại để làm bằng chứng. Đây không phải lần đầu VTV mắc phải sai sót này. Năm 2013, VTV1 cũng đã từng phát hình cờ Trung Quốc 6 sao trong bản tin thời sự.

VTV sử dụng hình ảnh cờ 6 sao của Trung Quốc. Ảnh: Internet

Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Sao VTV lại cẩu thả như thế này? Ý thức chính trị quá kém. Thái độ làm việc quá tồi. Những người không có sự nhạy cảm chính trị, không có sự cẩn trọng và tính cách cầu toàn, cần ra khỏi VTV. Đây là đài quốc gia, không phải doanh nghiệp địa phương, càng không phải công ty gia đình“.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang có phép tàng hình?!
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với lãnh đạo Ủy ban quốc gia APEC 2017. Một nguồn tin khả tín vừa cho Tiếng Dân biết, sáng 15/9/2017 ông Trần Đại Quang vẫn còn đang nằm điều trị tại một bệnh viện ở Nhật, nhưng hôm qua, báo chí trong nước đưa tin, ông Quang đang họp với lãnh đạo Ủy ban Quốc gia APEC và các cơ quan ban ngành khác để chuẩn cho Hội nghị APEC!

Mặc dù tất cả các tờ báo đưa tin Chủ tịch nước có buổi làm việc nói trên, nhưng không tờ báo nào đưa tin buổi làm việc này diễn ra lúc mấy giờ, ngày nào, tại đâu, cũng không thấy có phóng viên nào tới để đưa tin, mà các tờ báo chỉ đăng lại từ TTXVN hoặc dẫn nguồn từ hãng tin này.

Cũng xin nhắc lại, hôm 11/9, một số tờ báo trong nước đưa tin, “Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh“, nhưng đó là thông tin và hình ảnh cũ để đánh lừa dân. Rút kinh nghiệm, lần này TTXVN đăng một tấm ảnh mới xuất hiện trên mạng, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy tấm ảnh này đã được chụp trước khi ông Quang đi Nhật chữa bệnh ngày 7/9/2017.

Trong khi người dân đang có nhiều câu hỏi về tình hình sức khỏe của Chủ tịch nước, thay vì cung cấp thông tin thật về tình hình sức khỏe của người đứng đầu nhà nước, Ban Tuyên giáo và Bộ 4T lại cho báo chí tung tin như thế, càng làm cho người dân nghi ngờ thêm.

Nhân quyền ở Việt Nam
Báo VietNamNet đưa tin: Cô giáo ra tòa vì trên Facebook cá nhân đưa tin không đúng sự thật. Bài báo này không chỉ nhằm mục đích sỉ nhục cô giáo Nguyễn Thị Xuân Đào, giáo viên Trường THPT Tiểu La, Thăng Bình, Quảng Nam, mà dường như tác giả Vũ Trung và VietNamNet còn răn đe những người sử dụng Facebook.

TS Nguyễn Hồng Kiên bình luận: “Nếu Vũ Trung và BBT muốn Tuyên truyền về 1 vụ án, hoàn toàn có thể đăng ở mục tin khác. Nếu ĐÚNG thì bà Đào phạm lỗi khi không đứng trên bục giảng, tại sao đăng ở mục tin Giáo dục => Người thầy? Cũng đưa tin này, báo Pháp luật TP HCM đăng ở mục Pháp luật. Câu chuyện không hoàn toàn giống như công an, tòa tuyên án và bài này tường thuật. Mời đọc để học cách viết bài: Mất 12 triệu vì đăng Facebook bánh Trung thu có dòi“.

Cũng chuyện nhân quyền, BBC có bài: Quốc tế chỉ trích Suu Kyi: Giới hoạt động VN học gì? Về trường hợp bà Aung San Suu Kyi im lặng lâu nay khi những người thiểu số Rohingya ở Myanmar bị đàn áp, nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Hữu Long nhận định: “Khi một người nắm chính quyền mà không bị giám sát thì rất dễ bị tha hóa. Chuyện này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, kể cả Việt Nam Bài học lớn nhất cho phong trào dân chủ tại Việt Nam từ vụ khủng hoảng Rohingya là ‘nếu không có sự giám sát, một thủ lĩnh sẽ phản bội lý tưởng và bị tha hóa’.”

Cũng theo ông Long, “vấn đề cơ bản nhất của dân chủ là sự tham gia của từng người dân vào tiến trình chính trị, chứ không chờ thủ lĩnh phất cờ. Một khi người dân làm được việc này thì các chính trị gia hay bất kỳ thủ lĩnh nào, sẽ run sợ trước người dân biết chủ động giám sát họ”.

Facebooker Huỳnh Thục Vy viết: “Một dân tộc khôn ngoan không bao giờ đặt niềm tin tuyệt đối vào những thể loại minh chủ, lãnh tụ… Dân chủ cần sự hoài nghi thông thái. Để xứng đáng với dân chủ, chúng ta phải có một thái độ hoài nghi với mọi thứ quyền lực, để không bao giờ đưa nó lên vị trí tuyệt đối. Việt Nam không cần Aung San Suu Kyi, Việt Nam cần một tầng lớp có tư duy độc lập, yêu chuộng công bằng, khát khao tự do dân sự, và đặc biệt là cảnh giác với mọi cám dỗ quyền lực”.

VOA đưa tin: Vận động nhân quyền Việt Nam ở châu Âu vào ngày sinh nhật Anh Ba Sàm. “Một trong những người tham gia phái đoàn vận động, nhà hoạt động Đinh Thảo, sẽ phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 19/9 để thu hút sự chú ý của quốc tế về các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng diễn ra tại Việt Nam“. Thêm tin: Thông điệp của Chiến dịch vận động nhân quyền UPR 2017 (RFA).

VOA có bài: Việt Nam trong danh sách tội phạm nhân quyền bị đề nghị trừng phạt bằng Luật Magnitsky. “Cá nhân bị đề nghị chế tài là đại tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Công An Tỉnh Gia Lai, người có liên quan trực tiếp tới các hành vi vi phạm nhân quyền nêu ra trong hồ sơ của bà Trần Thị Hồng“, vợ mục sư Nguyễn Công Chính. RFA: Quan chức tỉnh Việt Nam trong danh sách kêu gọi áp dụng luật Magnitsky.

Đại tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Công An Tỉnh Gia Lai, có tên trong danh sách chế tài của luật Magnitsky. Ảnh: Gia Lai TV

Một cựu nhân viên CIA Mỹ ‘khuyên’ giới trẻ Việt Nam. Theo VOA, một nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Rufus Phillips, từng có hơn 10 năm sống ở Việt Nam, kêu gọi giới trẻ ở trong nước “không chỉ quan tâm tới vật chất”mà còn “đòi hỏi cho tự do và công bằng xã hội”.

RFA có bài phỏng vấn những người Thượng Việt Nam bị chính quyền buộc phải trở về Việt Nam: Người Thượng tị nạn: Nếu Việt Nam có tự do tôn giáo sẽ trở về! Ông Siu Thul khẳng định: “Nếu Việt Nam không đàn áp nữa, để mình tự do tôn giáo thì tôi chắc chắn sẽ về Việt Nam!”

RFA có bài: Giới chức Công an làm trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, có hy vọng cải thiện tự do tôn giáo? “Người nắm chức Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trước ông Thắng là ông Phạm Dũng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh kiêm Thứ trưởng Bộ Nội Vụ“.

Thật ra, chức Trưởng ban Tôn giáo Chính Phủ trước ông Thắng do ông Bùi Thanh Hà nắm giữ. Ông Phạm Dũng làm Trưởng ban Tôn giáo Chính Phủ đến tháng 11/2015 thì ngưng. Ông Phạm Dũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định đưa lên làm Thứ trưởng Bộ Công an, nâng con số thứ trưởng bộ này lên thành 8 thứ trưởng. Tháng sau, 12/2015, Thủ tướng Dũng ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thành làm thứ trưởng, Bộ Công an có tới 9 thứ trưởng!

Tin tặc và công an
Cư dân mạng phát minh ra cụm từ “côn an”, bằng cách ghép từ 2 cụm từ “côn đồ” và “công an”, do họ không thể phân biệt sự khác nhau giữa công an với côn đồ. Trên mạng internet cũng có sự việc tương tự, khó có thể phân biệt công an với tin tặc, khi Thượng tướng Tô Lâm than: “Hàng nghìn cuộc tấn công mạng mỗi năm”.

Còn nhớ, bảy năm trước, tướng công an Vũ Hải Triều, Tổng cục phó Tổng cục an ninh, đã tự hào với thành tích: “Trong mấy tháng qua, bộ phận kỹ thuật của ‘ta’ đã phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu”. Thượng tướng Tô Lâm cần triệu trung tướng Vũ Hải Triều ra, giúp đánh sập mấy tên tin tặc, khủng bố trên mạng này!

Đảng bộ TPHCM có bài: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng. “Vấn đề sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi chống đối, âm mưu thực hiện ‘diễn biến hòa bình’ có chiều hướng gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng không gian mạng để hoạt động chống phá, đăng tải các video, thông tin, bài viết sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc đường lối của Đảng...”


Liên quan tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Trang Đàn Chim Việt có bài: Phỏng vấn TBT tờ Thoibao.de về Trịnh Xuân Thanh. Theo ông Lê Trung Khoa, phía Đức đánh giá vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh là “cực kỳ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Đức“. Việc Việt Nam cử Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn sang Đức để tìm cách xoa dịu tình hình nhưng thất bại, do phía Đức đặt điều kiện đầu tiên là Việt Nam phải trao trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức.

Về ý kiến cho rằng, sau khi Việt Nam khai thác lời khai ông Trịnh Xuân Thanh xong rồi trao trả cho phía Đức, ông Khoa nhận định: Luật pháp nước Đức rất nghiêm minh, nên họ không thể bỏ qua khi Việt Nam vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ được, cũng như những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký với Đức. Mời xem clip: https://www.youtube.com/watch?v=P-PTMrARps8

Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng viết: “Bắt Trịnh Xuân Thanh là điều ko phải bàn. Vấn đề quá trình TXT phạm tội không hề ngắn mà cơ quan quản lý nhà nước không biết, hoặc biết mà không làm gì để ngăn chặn thì là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, mà theo hiến pháp thì lỗi thuộc lãnh đạo cao nhất là đảng cộng sản. Sau đó để TXT trốn thoát ra nước ngoài. Yêu cầu ngoại giao không được thì bắt cóc cũng là lỗi của đảng cộng sản. Khá nhiều người bảo bắt TXT là đúng, nhưng lại lờ đi mấy cái sai kia“.

Đại án OceanBank và Đinh La Thăng: Khúc củi nào sắp cho vào lò?
Trang Infonet đưa tin: Xử vụ OceanBank: Ông Đinh La Thăng ký văn bản yêu cầu gửi tiền vào OceanBank. Ông Nguyễn Minh Tâm, luật sư của ông Sơn trưng ra văn bản ngày 7/9/2010, do ông Đinh La Thăng ký, trong đó ông Thăng yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí “phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank“.

VOA có bài: Đinh La Thăng liên quan gì đến án tử Nguyễn Xuân Sơn phải đối mặt? “Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng“.

Cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng. Ảnh: internet

Facebooker Lê nguyễn Hương Trà nhận định: “Kịch bản cố ‘bóc từng lớp’ để tiến tới khởi tố cựu Bí Thăng đang đi đúng…qui trình. Nếu không ngoài dự đoán, những ngày tới sẽ có các cuộc họp quyết định đình chỉ các chức vụ, cắt tư cách và kiểm soát đặc biệt; xong tới phiên BCA xử lý.

Báo GDVN có bài: Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ! Bài báo cho biết, di sản tệ hại của các dự án BOT hiện nay có “dấu ấn” rõ nét của ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng GTVT. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, “ngoài trách nhiệm chung của Bộ Giao thông Vận tải thì có trách nhiệm riêng của ông Đinh La Thăng ở cương vị Bộ trưởng thời gian này”.

Ngoài ra, ông Đinh La Thăng cũng được cho là phải chịu trách nhiệm đối với một loạt vụ bổ nhiệm không đúng quy trình tại các cơ quan thuộc Bộ GTVT. Chẳng hạn như, việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hảinăm 2015, hay trường hợp ông Hoàng Hồng Giang “nhảy” từ Phó trưởng khoa của Đại học Hàng hải lên thẳng Cục trưởng, “là trái với tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị hành chính theo chính Quy định mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành”.

Đại án OceanBank, báo Tuổi Trẻ có bài: Không có ‘vùng cấm’ trong phiên tòa đại án OceanBank. LS Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đặt câu hỏi: Liệu có “vùng cấm” nào đối với hội đồng xét xử (HĐXX) trong vụ án này hay không? Như việc cần phải chứng minh nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị cáo…

Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: “Phiên tòa này là công khai nên không có vùng cấm nào với HĐXX cả. Với tất cả các tài liệu chứng minh để xem xét cho các bị cáo, luật sư hoàn toàn có quyền, nhưng để dành cho phần tranh luận“.

Báo Dân Trí có bài: Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị tử hình, Hà Văn Thắm chung thân. Đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, HĐXX cho rằng, bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” số tiền 69 tỷ đồng, do đó VKS đề nghị mức án là Tử hình.

Còn bị cáo Hà Văn Thắm được coi là chủ mưu, khởi xướng việc chi lãi ngoài, bị truy tố 4 tội danh: “Cố ý làm trái; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản; vi phạm quy định về cho vay…” Do đó, VKS đề nghị mức án là Chung thân.


Bùng nhùng các dự án BOT
Báo Nhà Đầu Tư có bài: Cựu ĐBQH Đỗ Thị Huyền Tâm thoái hết vốn khỏi Tập đoàn Minh Tâm. Bà Đỗ Thị Huyền Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group) và là vợ sau của cựu TBT Nông Đức Mạnh, vừa rút hết vốn khỏi doanh nghiệp này: “Sau khi công ty tăng vốn từ 99 tỷ đồng lên 126 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã giảm mạnh từ 81% về 0%”.

Đáng chú ý, trong danh sách cổ đông sáng lập của Minh Tâm Group còn có ông Đỗ Ngọc Minh là anh ruột của bà Đỗ Thị Huyền Tâm. “Tại thời điểm 2014, ông Đỗ Ngọc Minh là cổ đông lớn nhất của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát – Ông chủ của dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ”. 

Báo Dân Trí có bài: BOT và quan điểm trái chiều nhau của hai vị tiến sĩ. Đó là TS Nguyễn Sĩ Dũng và TS (?) Nguyễn Đức Kiên. Trong khi ông Kiên bảo “thu phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo“, thì ông Dũng cho rằng “thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột“.


Những ai đang làm khánh kiệt đất nước này?
Tạp chí Thời Đại Mới có một phân tích công phu của TS Vũ Quang Việt, cho biết: Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam? Một nguyên nhân quan trọng, đó là “Chi tiêu cho quân đội và đặc biệt là công an quá lớn“. Theo báo cáo, số lượng công an ở Việt Nam bằng 0.6% dân số, cao hơn tỷ lệ dân số ở Trung Quốc (0.55%), nhưng gần gấp đôi Mỹ (0.34%). Tỷ số bộ đội trên dân số là 0.47% bằng với Mỹ, và gấp hơn 2 lần Trung Quốc.

Chi tiêu cho giáo dục và các hội đoàn cũng ngốn một tỷ lệ ngân sách không nhỏ, nhưng trên thực tế, hoạt động của các hội đoàn này hầu như không mấy tác dụng, còn dịch vụ Y tế đến nay vẫn không được cải thiện là bao.

Nguồn ảnh: TĐM

Con quan lại làm quan
VTC có bài: Bổ nhiệm con trai Phó Bí thư huyện sai quy định: Nghiên cứu cho thôi hàng loạt chức danh. Bài viết nói về chuyện ông Đặng Trường Xuân, con ruột ông Đặng Minh Khanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hướng Hóa, được bổ nhiệm làm Bí thư Đoàn xã Hướng Linh, dù ông này chưa phải đoàn viên của xã.

Khi được hỏi, vì sao có chuyện như vậy, bà Hồ Thị Lệ Hà, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa trả lời báo chí: “Khi đọc hồ sơ thì Ban Tổ chức Huyện ủy thẩm định thấy trong xã 100% nhất trí, có nhận xét của xã. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng không hẹp hòi gì vì Xuân là cán bộ trẻ, có trình độ đại học chính quy và giữ cương vị Bí thư xã Đoàn Hướng Linh nên đã nhất trí cho vào Cấp ủy”.


Vụ sai phạm tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ có bài: Sẽ kỷ luật bốn lãnh đạo Vinachem làm thiệt hại hơn 4.200 tỉ đồng. Bộ Công thương “hứa” sẽ công khai hình thức kỷ luật bốn lãnh đạo đứng đầu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sau khi việc kiểm điểm hoàn tất, nhưng không nói rõ thời gian khi nào.

Những dự án thua lỗ nghìn tỉ tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương ĐCSVN kết luận “gây hậu quả rất nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước“, trong đó có tới 4/5 dự án lỗ trên 4.200 tỉ đồng, điển hình là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Đồ họa: Vĩ Cường/TT

Cắt giảm chi tiêu, thay vì tăng thuế
Báo Dân Trí có bài: Chủ tịch Quốc hội: Tăng thuế xăng dầu thời điểm này không thuận. Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của QH cho biết, tờ trình của Chính phủ gửi tới UB Thường vụ Quốc hội về việc tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường “là chưa thực sự phù hợp“.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, việc chúng ta đưa ra vấn đề tăng thuế suất là không thuận. Thủ tướng đang mong muốn tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân làm ăn”.


Vẽ việc để móc túi dân
Báo Tiền phong có bài: Chi 2,6 tỷ đồng để đánh giá hiệu quả ‘dự án thua lỗ nghìn tỷ’. Theo bài viết, Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), vừa trúng thầu Gói thầu định giá và đánh giá hiệu quả “dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên” với tổng chi phí hơn 2,64 tỷ đồng!

Nhà báo Đào Tuấn viết: “Vậy là chúng ta lại sẽ mất thêm 2,6 tỷ đồng để làm một việc là ‘đánh giá’ cái dự án sắt vụn 8.000 tỷ đang đắp chiếu ở Thái Nguyên… Vay mượn bằng được. Ném tiền bằng được. Trung Quốc bằng được. Để rồi 4.500 tỷ đã ném ra giờ đây thành sắt vụn, phế thải, cỏ rác. Và giờ lại tốn, cũng tiền tỷ, để ‘đánh giá’ cái chiếu rách”.

Đập nhà dân, giữ nhà quan!
Báo Tiền Phong có bài: Xây dựng trái phép, đập nhà dân, né nhà ‘quan’. Đều vi phạm giống nhau, nhưng nhiều nhà dân thì bị phá bỏ, còn biệt thự của “quan” Nguyễn Sĩ Kỷ – Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk lại được giữ nguyên!

Bà Văn Thị Mai, trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột bị đoàn cưỡng chế đập bỏ ngôi nhà đang xây dựng, đồng thời phạt bà 1,5 triệu đồng vì cho rằng bà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Trong khi đó tòa biệt thự cũng xây trái phép trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Sĩ Kỷ, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, thì “chính quyền bó tay“.

Biệt thự xây trái phép của Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Sỹ Kỷ vẫn nguyên vẹn. Ảnh: Báo TP chụp ngày 13/9.

Tình trạng lạm thu tại các trường học
Báo Tuổi Trẻ có bài: Thu quỹ lớp đầu năm: Sao năm nào cũng mua tivi, máy tính? Đúng là danh mục đóng góp và mua sắm tại các trường học “năm nào cũng giống nhau như: tivi, máy tính, bàn ghế, camera… Không hiểu chất lượng của các thiết bị này thế nào mà mỗi năm phải mỗi thay?“.

Có ý kiến cho rằng, ngành giáo dục phải có những quy định cụ thể đối với các trường và theo vùng miền, không để các trường lợi dụng danh nghĩa hội phụ huynh học sinh để lạm thu. Bởi “Hội phụ huynh chỉ là trên lý thuyết, tất cả do nhà trường quyết định, hội này lập ra chỉ cho vui thôi“, chỉ làm “cái loa” cho nhà trường thôi.

Cứ mỗi đầu năm học mới, phụ huynh lại kêu trời với các khoản thu của nhà trường. Tranh: NOP/TT

Hiểm họa tài nguyên
Báo Pháp Luật TP có bài: Thủ phủ titan kêu cứu – Bài 4:‘Bóng ma’ phóng xạ rập rình từ mỏ titan. Theo bài viết, vấn đề ô nhiễm phóng xạ ở khu vực khai thác titan thuộc đã được Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận phối hợp với Viện Địa lý và Tài nguyên môi trường TP.HCM khảo sát, kết quả cho thấy “ở những khu vực khai thác quặng titan, hoạt độ phóng xạ đều vượt ngưỡng cho phép, có mẫu vượt đến cả chục lần“.

Theo GS-TS Đặng Trung Thuận, quá trình khai thác, chế biến quặng sẽ làm phát tán các chất phóng xạ, tích tụ trong chất thải sản xuất… “có thể gây nhiễm phóng xạ, nguy hiểm đến sức khỏe con người“.

Cũng báo Pháp luật TP có bài: Giàu tài nguyên cớ sao lại nghèo? Bài viết có đoạn: “Nếu lấy số tiền ít ỏi có được từ các dự án khai thác titan để so sánh với cảnh tượng môi trường bị tàn phá tan hoang ở Bình Thuận thì có lẽ lợi ích thu được chẳng thấm tháp gì so với những thứ quý giá đã mất đi”.

Tử tù trốn khỏi phòng biệt gam
Báo tuổi Trẻ có bài: Hai tử tù trốn được khỏi phòng biệt giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an. Đó là Lê Văn Thọ (biệt danh Thọ sứt) 37 tuổi, trú tại xóm 6, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương và Nguyễn Văn Tình, trú tại xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội.

Khi PV hỏi về quy định, tử tù bị giam trong phòng biệt giam sẽ bị “cùm chân”, sao vẫn có thể bỏ trốn? Đại diện trại tạm giam T16 lại trả lời, “cơ quan công an đang có phương án để truy bắt”.  Kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng an ninh Việt Namở đâu, hay chỉ biết rình mò “phản động” là giỏi?


CSGT xử lý vi phạm bằng súng
Báo Người Lao Động có bài: Xuất hiện clip CSGT rút súng, lên đạn khi xử lý vi phạm. Đoạn clip ghi lại sự việc được cho là thuộc Công an huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Đại tá Phạm Văn Ngót, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bến Tre, cho biết, “có sự việc trên. Tuy nhiên, công an tỉnh đang đợi báo cáo từ công an huyện mới có thông tin chính thức sự việc”. Mời xem clip: https://www.youtube.com/watch?v=EE_fLm42i4M

Thân phận người lao động Việt Nam
Zing có bài: Góc khuất của lao động người Việt trong những tiệm nail ở Anh. Báo cáo của cảnh sát Anh cho biết, những lao động người Việt thừa nhận, “điều kiện làm việc mà họ phải trải qua không khác gì bị đối xử như ‘nô lệ thời hiện đại’.

Điều tra của cảnh sát cho thấy, có cả một đường dây buôn người cấu kết với tiệm nail. Một nạn nhân cho biết: “Tôi từng nghĩ rằng tất cả những người trong tiệm nail đều cùng một đường dây với nhau, nên tôi không dám hé lời với ai điều gì vì tôi sợ bị đánh dằn mặt”.

Báo Trí Thức Trẻ có bài: Tôi thấy đau đáu khi đời sống của của nữ công nhân quá thấp. Bài báo dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Tôi thấy đau đáu khi đời sống của nữ công nhân, nhất là lao động giản đơn, thu nhập, đời sống quá thấp, mà thấp như vậy còn ảnh hưởng cả tới nòi giống, chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản…”

Tin quốc tế

TT Trump và chính trường Mỹ
Số phận 800.000 người nhập cư từ khi còn trẻ, liệu có hy vọng? VOA cho biết, Tổng thống Trump: ‘sắp đạt được thỏa thuận DACA’ khi thảo luận vấn đề với các nhà lãnh đạo Quốc hội.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi (trái), và Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, ngày 6/9/2017. Ành: AP

Vấn đề ngân sách của chính phủ Mỹ, theo tin từ VOA, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật 1.200 tỉ đô la tài trợ cho chính phủ, nhưng Thượng viện vẫn chưa đồng ý với nhiều khoản gây tranh cãi, buộc phải có một quá trình thương thuyết có thể kéo dài đến cuối năm.

Cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của TT Trump bị điều tra. VOA cho biết, Michael Flynn bị phe Dân chủ điều tra về dự án hạt nhân với Nga để xem ông Flynn có bí mật quảng bá một dự án Mỹ-Nga, xây dựng hàng chục lò phản ứng hạt nhân ở Trung Đông sau khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia hay không.

Trong nỗ lực giúp hồi phục sau bão Irma, TT Trump đến Florida thăm hỏi nạn nhân bão Irma, VOA đưa tin. Thiệt hại nhân mạng do bão Irma lên đến ít nhất 36 người ở các bang Florida, Georgia và South Carolina. VOA cho biết, Thống đốc Florida: Sẽ điều tra ráo riết vụ người chết trong nhà dưỡng lão vì Irma.

Khủng hoảng Bắc Hàn
Phản ứng về nghị quyết trừng phạt của LHQ ngày 11/09, Bắc Hàn phản pháo: Triều Tiên dọa ‘nhấn chìm’ Nhật, biến Mỹ thành ‘tro tàn và bóng tối’. VOA dẫn lời hãng tin Bắc Hàn hôm 14/9, đe dọa rằng sẽ dùng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Hoa Kỳ thành “tro tàn và bóng tối”.


Nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ, thủ tướng Nhật lên tiếng kêu gọi thế giới cần phải buộc Bắc Hàn thay đổi: Nhật Bản: ‘nghị quyết của LHQ phải buộc thay đổi ở Triều Tiên (VOA).

Từ nhiều năm nay, kinh tế Bắc Hàn tiếp tục tăng trưởng cũng như chương trình chế tạo hạt nhân ngày càng gia tăng vì có sự trợ giúp của Trung Quốc và Nga. VOA đưa tin: TQ và Nga cố tình nhắm mắt làm ngơ trước các giao dịch với Triều Tiên.

Ông David Albright, chuyên gia phân tích vấn đề hạt nhân, thuộc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, nói: “Cả Nga và Trung Quốc trong một thời gian dài không phải lãnh chịu hậu quả nào đáng kể khi nhắm mắt làm ngơ, cho phép diễn ra những hoạt động giao thương tấp nập giữa công dân nước họ với dân Bắc Hàn”.

Nam Hàn phê chuẩn các kế hoạch thành lập đội an ninh đặc biệt phụ trách ám sát Kim Jong-un. BBC có bài phân tích: Đe dọa ám sát Kim Jong-un nghiêm trọng tới đâu?. Theo tác giả: “Chỉ có cách là làm Kim nghĩ rằng mạng sống của mình đang gặp nguy hiểm, Seoul mới có hi vọng giải quyết rủi ro này bằng cách thuyết phục Bắc Hàn tạm ngưng các vụ thử vũ khí và cam kết đối thoại mang tính xây dựng”.


Trung Quốc và Nga tập trận ở khu vực Bắc Nhật Bản
Hãng tin AP dẫn nguồn Tân Hoa xã cho biết, 4 tàu hải quân Trung Quốc tham gia tập trận chung với Nga. Cuộc tập trận chung Nga-Trung lần này sẽ diễn ra ở khu vực ngoài khơi đảo Hokkaido, miền bắc Nhật Bản. Trung Quốc sắp tập trận với Nga ở vùng biển Bắc Âu (RFA).

Thêm tin về hoạt động “ngoại giao” của tàu chiến Trung Quốc: Tàu ngầm Trung Quốc lần thứ hai đến thăm Malaysia(RFI).

Ảnh hưởng của Trung Quốc lên các nước Đông Nam Á ngày càng nhiều. RFI có bài: « Hấp lực » mô hình chuyên chế Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á. Tác giả nhận định, các quốc gia phương Tây đã lơ là trong việc hỗ trợ các nước châu Á thúc đẩy tiến trình dân chủ. Nền dân chủ tại một số nước đặc biệt là Thái Lan, Philippines và Malaysia đã có dấu hiệu thụt lùi.

Đảng Cộng sản Trung Quốc “ươm” chúa đảng cho nhiệm kỳ sau Tập Cận Bình. VOA dẫn nguồn từ New York Times: Trần Mẫn Nhĩ: đi lên từ tỉnh nghèo khó Quý Châu. Ông Trần Mẫn Nhĩ 56 tuổi, là bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Ông Christopher K. Johnson, một chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định: “Ông Trần rõ ràng là người thăng tiến rất nhanh và tôi cho rằng một ngày nào đó ông ấy sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị”.

Khủng hoảng Rohingya
RFI cho biết, sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về tình cảnh người Rohingya tại Miến Điện, hôm 13/09/2017, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Miến Điện đình chỉ các chiến dịch quân sự nhắm vào sắc tộc thiểu số Rohingya. Ông Guterres cho rằng, chính quyền Miến Điện đang tiến hành các hoạt động thanh lọc chủng tộc. Theo BBC, LHQ tuyên bố: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’.

RFI có bài: Miến Điện: Cội rễ của thảm kịch Rohingya. Dẫn nguồn từ báo Le Monde, cho biết, cuộc xung đột khởi đầu từ năm 1826, khi chính quyền Anh kiểm soát Ấn Độ. Sau khi xâm chiếm vùng Arkhan (tức bang Rakhine hiện nay), đã khuyến khích dân Hồi Giáo miền đông Bangladesh định cư tại khu vực này. Cho tới nay, chính quyền Miến Điện và đông đảo cư dân nước này không thừa nhận sự tồn tại của người “Rohingya”, mà coi họ chỉ là những người Bangladesh tha hương.

Người Rohingya vượt biên sang Bangladesh qua vịnh Bengal. Ảnh chụp ngày 11/09/2017. Ảnh: REUTERS/Danish Siddiqui

Trong khi đó, khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình, bà Suu Kyi không dự cuộc họp LHQ giữa các chỉ trích về vụ sát hại người Rohingya, VOA đưa tin. VOA cũng cảnh báo về sự can dự của tổ chức khủng bố: Al-Qaeda cảnh cáo sẽ ‘trừng trị’ Myanmar vì người Rohingya. Nhưng Chiến binh Rohingya bác bỏ liên hệ với khủng bố quốc tế, RFA cho biết.

Tình hình chính trị châu Á
Để trả đũa việc Hoa Kỳ ngưng cấp visa cho hầu hết các giới chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Campuchia và thân nhân của họ, Campuchia ngưng tìm MIA vì Mỹ cấm visa. Chính phủ Mỹ nói, hiện vẫn còn 48 quân nhân Mỹ mất tích tại Campuchia.

VOA cho biết về một tai nạn chết người ở Malaysia: Cháy trường Hồi giáo ở Kuala Lumpur, 24 người chết. Nạn nhân gồm 22 nam sinh, từ 13 đến 17 tuổi, và hai giáo viên. Họ không thể chạy thoát vì lối vào duy nhất bị lửa chặn, và các song chắn cửa sổ làm bằng kim loại. BBC: Nhiều học sinh thiệt mạng vì hỏa hoạn ở Kuala Lumpur.

Các nhà thờ trên khắp Philippines phản đối biện pháp của Tổng thống Rodrigo Duterte trong chiến dịch chống ma túy khiến hằng ngàn người thiệt mạng. RFA cho biết, Phillipines: Nhà thờ đổ chuông phản đối chiến dịch thanh trừng ma túy.


Nga tập trận trước cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu
RFI có bài: Nga biểu dương sức mạnh tại cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu. Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận trên quy mô lớn, mang tên “Zapad 2017” (có nghĩa “phía tây”), từ ngày 14 – 20 tháng 9. Nội dung cuộc tập trận được thông báo là chống khủng bố từ một quốc gia giả tưởng “Veishnoria”.

RFI có bài nói về sự lo lắng của NATO: Vì sao NATO lo lắng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga? Theo chuyên gia Igor Delanoe: “Quân đội Nga đã từng tiến hành tập trận quy mô lớn trước khi xảy ra chiến tranh với Gruzia năm 2008 hay khi xảy ra khủng hoảng Ukraina năm 2014. Do đó, ‘Chắc gì Nga không tái diễn lại cùng một kịch bản và không xâm chiếm một trong số các nước vùng Baltic hay một phần lãnh thổ Ba Lan’?”

RFI có bài phân tích sự liên hệ của Trung Quốc trước cuộc tập trận Zapad 2017: Bóng ma Trung Quốc lởn vởn trên cuộc tập trận Zapad 2017. Tác giả cho rằng, những hành động khiêu khích của Matxcơva có thể làm phương hại đến lợi ích Trung Quốc trong khu vực. Ukraina chính là cửa ngõ vào châu Âu trước tiên của Trung Quốc, khi dự án “Một vành đai, một con đường” được công bố năm 2013.

Tin Châu Âu
Liên quan đến vùng Catalunya thuộc Tây Ban Nha đòi độc lập: Tây Ban Nha: 700 thị trưởng vùng Catalunya bị dọa bắt giữ (RFI). Thế vận hội năm 2014 sẽ ở Paris và 2028 ở Los Angeles (Mỹ): Paris chính thức đăng cai JO 2024 sau một thế kỷ chờ đợi (RFI).

--------------------

Bài Mới Nhất
15/09/2017
15/09/2017
15/09/2017
15/09/2017
14/09/2017
14/09/2017
14/09/2017
14/09/2017
14/09/2017
14/09/2017












No comments: