Friday, June 2, 2017

"NHỌ" HÓA HIẾN PHÁP (Trân Văn - Thiên Hạ Luận)




Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận
03/06/2017

Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Mọi người bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” nhưng đó là… hiến định (Điều 16, Hiến pháp 2013). Thực tế thì còn… lâu!

***
Vừa có hai chuyện mà người trong cuộc công khai nhổ toẹt vào Điều 16 Hiến pháp 2013.

Chuyện thứ nhất, sáng 24 tháng 5, khi thảo luận về việc sửa Luật Hình sự 2015, Đại tá Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đại diện cho dân chúng tỉnh này ở Quốc hội Việt Nam, đề nghị đưa thêm yếu tố “phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước” vào các điều 155 (làm nhục người khác), 156 (vu khống), xem yếu tố đó là tình tiết tăng nặng, nhằm răn đe hành vi bôi nhọ làm mất uy tín, xúc phạm danh dự “lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, mà theo bà Xuân đang càng ngày càng gia tăng.

Nếu Điều 16, Hiến pháp 2013 thật sự có giá trị, mọi người bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội thì tại sao lại muốn xếp các cá nhân “lãnh đạo Đảng, Nhà nước” vào một nhóm riêng để trừng phạt nghiêm khắc hơn những ai dám “vu khống”, “làm nhục” họ? Một thành viên cơ quan lập pháp mà tư duy như vậy, hơn 400 thành viên khác im lặng không phản bác thì đối tượng nào thực thi “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”?

Còn một điểm đáng chú ý khác là để tăng thêm sức nặng cho đề nghị của mình, bà Xuân nhấn mạnh, bà đã “tham khảo kinh nghiệm quốc tế” và thấy “nhiều nước trên thế giới quy định như vậy trong Luật Hình sự”. Hi vọng sẽ có ai đó hỏi bà Xuân xem qui định như vậy có trong Luật Hình sự của những nước nào trên thế giới? Nếu chỉ có Bắc Triều Tiên thì dùng từ “nhiều” có phải là ngoa ngôn không? Tại sao lại lấy Bắc Triều Tiên làm mẫu mực lập pháp?

Sau khi xem tường thuật của VietNamNet về việc sửa Luật Hình sự 2015 tại Quốc hội, facebooker Thuy Le nhận định như thế này về đề nghị của Đại tá Nguyễn Thị Xuân: Tại sao đại tá công an mà lại chẳng hiểu biết gì về luật pháp? Thực thi luật pháp thì lẽ ra phải hiểu luật hơn dân, ăn nói phải chuẩn xác, không dè lại phát ngôn vớ vẩn như thế, bảo sao xã hội đầy dẫy bất công, hỗn loạn, mãi không phát triển được.

Facebooker Cuộc Đời Phiêu Du thì bảo rằng, đề nghị của Đại tá Nguyễn Thị Xuân là dấu hiệu bọn “đày tớ” định… nổi loạn! Facebooker La Quang Thái chửi thề vì chẳng lẽ tiền thuế dân mình đóng lại dùng để nuôi “đám cô hồn” này hay sao? Facebooker Hoang Manh thắc mắc, lãnh đạo sợ mất uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, không cho dân nói thì làm sao mà phát triển được? Facebooker Hương Nguyễn nêu thêm một thắc mắc khác, lãnh đạo không nhọ mà bôi thì xử lý nhưng nếu không bôi cũng đã nhọ rồi thì xử lý ra sao?

Thắc mắc ấy cũng là lõi của chuyện thứ hai – sử dụng hệ thống công quyền để bảo vệ những cá nhân… không bôi cũng đã nhọ.

Báo điện tử Tầm Nhìn, vừa có một loạt bài về “khu đất kim cương” tại thành phố Lào Cai. Những phóng viên thực hiện loạt bài này giải thích, lý do khu đất ấy được xem là kim cương vì giá mỗi mét vuông được ước đoán phải từ 100 triệu đến 200 triệu. Tuy diện tích “khu đất kim cương” khoảng 3000 mét vuông nhưng chỉ có sáu biệt thự và 5/6 có hai mặt tiền. Cả sáu biệt thự đều liên quan đến các viên chức lãnh đạo tỉnh Lào Cai (ông Nguyễn Văn Vịnh - Bí thư tỉnh, ông Đinh Tiến Quân - Giám đốc Công an tỉnh, ông Nguyễn Trường Thanh – sĩ quan Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, ông Dương Hùng Yên – Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh, ông Ngô Đức Ảnh - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, ông Nguyễn Trọng Hài – cựu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hiện là Bí thư huyện Sa Pa).

“Khu đất kim cương” nằm trong khu vực vốn đã được qui hoạch làm công viên của thành phố Lào Cai. Năm 2010, chính quyền tỉnh Lào Cai quyết định lấy 17.000 mét vuông đã được chừa ra để làm công viên đó phân thành 114 lô dạng nhà phố và 6 lô dạng biệt thự rồi giao cho Quỹ Đầu tư - Phát triển tỉnh Lào Cai xây dựng. Ông Hoàng Văn Khoa, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư - Phát triển tỉnh Lào Cai chỉ có thể trả lời phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn rằng, sáu biệt thự khởi công hồi tháng 5 năm 2014 còn chủ, còn sáu biệt thự này mua bán ra sao (tham gia đấu giá rồi thắng hay mua lại) thì ông Khoa… không rõ. Sau khi liên tục bị cật vấn, ông Khoa thừa nhận, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ tính giá đất của sáu biệt thự ở mức 10,5 triệu/m2, rẻ hơn giá đất của các lô dạng nhà phố từ 500.000 đến 1,5 triệu/mét vuông (?!).

Sáu biệt thự trên “khu đất kim cương” ở thành phố Lào Cai vốn đã đáng chú ý nhưng đáng chú ý hơn là phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn liên tục bị công an Lào Cai hăm dọa.

Một sĩ quan là Phó phòng Cảnh sát hình sự của Công an Lào Cai đã tìm gặp, cảnh cáo các phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn rằng họ đang chạm đến “vấn đề nhạy cảm của địa phương”, do “thông tin ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh nên một số tờ báo đã phải gỡ tin, bài rồi”. Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Công an thành phố Lào Cai thì nói thẳng, “khu đất kim cương” là “vấn đề đặc biệt vì liên quan đến các lãnh đạo”. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho công an nắm bắt “đối tượng” nào đến, làm những gì, như thế nào. Thậm chí ông Thịnh nhấn mạnh là đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lào Cai phải thông báo cho công an khi báo giới đến “làm việc về các vấn đề nhạy cảm”. Theo ông Thịnh, ông phải “nắm bắt” còn vì có cả “giám đốc của tôi” trong đó.

Theo cách nói của bà Xuân, ông Thịnh thì rõ ràng xã hội Việt Nam hiện có hai giai tầng. Uy tín, danh dự của lãnh đạo – giai tầng trên - cần phải được bảo vệ bằng mọi giá, bất kể Hiến pháp hay pháp luật qui định ra sao. Hoạt động của lực lượng thực thi luật pháp không hướng vào chỗ mà nhiều người ở giai tầng dưới như facebooker Thai Le (Chúng làm gì mà giàu thế nhỉ?) hay facebooker Thu Huyền (Bọn này ăn lương nhà nước, thế tiền lấy từ đâu nhỉ) nêu ra, mà chỉ muốn che cho kín chỗ “nhạy cảm”. Khi Bí thư cả tỉnh lẫn huyện, Giám đốc Công an tỉnh, sĩ quan Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh mà giàu bất thường như thế thì giữ như thế nào để “tình hình an ninh” không xấu?

Tuy facebooker Nguyễn Tư Dân đề nghị, “còn 62 tỉnh, thành nữa kìa, làm luôn cho nó nóng”, Facebooker Sách cho Trẻ khẳng định, “vụ này, quê tui… đầy”, tuy Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Việt Nam thường ra lệnh điều tra ngay lập tức các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng nhưng những vụ không bôi cũng đã nhọ như sáu biệt thự ở Lào Cai thì cứ đợi đấy. Hiến pháp, luật pháp được soạn, ban hành, áp dụng với toàn dân, lãnh đạo là ngoại lệ.

------------------------

Các bài của Thiên Hạ Luận

19 THÁNG 5, 2017

11 THÁNG 5, 2017

04 THÁNG 5, 2017

27 THÁNG 4, 2017

21 THÁNG 4, 2017

19 THÁNG 4, 2017

14 THÁNG 4, 2017

06 THÁNG 4, 2017





1 comment:

chemgio24/7 said...

Tác giả đã “nhầm lẫn” dẫn đến đánh đồng 02 sự việc: bổ sung “phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước” vào các điều 155 (làm nhục người khác), 156 (vu khống), khi đại biểu Quốc hội Đại tá Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đề nghị như trên vào sáng 24-5, trong thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015. Cần thấy rằng, việc bổ sung thêm nội dung trên vào các điều 155 (làm nhục người khác), 156 (vu khống) Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này là có cơ sở. Bởi hai lý do sau:
Thứ nhất, như đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề cập là hành vi bôi nhọ làm mất uy tín, xúc phạm danh dự “lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, đang ngày càng gia tăng. Điều này không hiếm thấy khi vào các trang mạng “lề trái” bạn đọc có thể thấy rất nhiều, nên xin miễn dẫn chứng.
Thứ hai, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, rộng hơn là đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết họ là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Trên một bình diện khác, những người đứng đầu đại diện cho một tổ chức nhất định từ địa phương đến ban, bộ, ngành ở Trung ương và đại diện cho quốc gia - dân tộc mà danh dự, uy tín của các tổ chức, quốc gia - dân tộc mà họ đại diện đều gắn liền với danh dự, uy tín của cá nhân người ấy. Vì thế, hành vi bôi nhọ làm mất uy tín, xúc phạm danh dự “lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, cán bộ các cấp cần đưa vào luật là không phải để bảo vệ cá nhân người đứng đầu mà là để bảo vệ danh dự, uy tín của tổ chức, quốc gia - dân tộc mà họ đại diện. Đây là điểm khác với công dân khác, cần lưu ý.
Thực tế cho thấy, tổng thống của một đất nước nào đó mà người ta bảo vệ không phải bảo vệ cá nhân người đó mà bảo vệ danh dự, uy tín chức danh tổng thống của nước đó. Vì thế, luật pháp của nước đó và của cộng đồng quốc tế đều phải tôn trọng. Việt Nam không phải ngoại lệ!
Với hai lý do cơ bản trên cho thấy, ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Xuân là có cơ sở, cần phải hiểu cho đúng.
Vì thế, không đồng nhất ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Xuân với việc đấu tranh với một số cán bộ, đảng viên như bài viết cho là “không bôi cũng đã nhọ”. Về vấn đề này, để khẳng định ai đó “không bôi cũng đã nhọ” cần phải có sự điều tra, xác minh, kết luận; chưa điều tra, xác minh mà đã kết luận là họ vi phạm pháp luật là võ đoán, là mắc tội “bôi nhọ”. Nhận xét, đánh giá về một con người phải rất thận trọng là vì thế. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) nhằm đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy của mình. Những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng đều bị lên án và khuyến khích báo chí, nhân dân tố cáo, đưa họ ra trước pháp luật. Những trường hợp đó không phải người khác bôi nhọ họ mà tự họ làm nhọ mình, nhưng lại che đậy tinh vi, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để loại bỏ con sâu mọt đó ra khỏi bộ máy, chứ có pháp luật nào bảo vệ đâu mà bạn Trân Văn “nhầm lẫn”. Quá trình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do họ đang có chức quyền, nên rất có thể người ta sử dụng chức quyền ấy vào bảo vệ việc làm sai của mình. Thế là vi phạm chồng vi phạm. Điều đó đặt ra và đòi hỏi những người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực phải bản lĩnh, không khuất phục trước quyền uy. Đồng thời, không lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để có hành vi bôi nhọ làm mất uy tín, xúc phạm danh dự của người khác, nhất là người đứng đầu tổ chức nào đó. Vì như thế, chính người đi tố cáo đã vi phạm pháp luật. Cho nên, không phải “Hiến pháp, luật pháp được soạn, ban hành, áp dụng với toàn dân, lãnh đạo là ngoại lệ” như bạn Trân Văn “nhầm lẫn”