Posted on 06/04/2017 by The Observer
Vị tổng thống bất thường của Hoa Kỳ đã khơi gợi những
phản ứng bất thường. Sự kêu gọi chủ nghĩa cô lập và bảo hộ mậu dịch của ông đã
khiến nhiều chuyên gia và truyền thông về chính sách đối ngoại bàn tán về việc
tìm kiếm một nguồn gốc cho một trật tự thế giới mới. Tất cả đều nhanh chóng đề
xuất Trung Quốc như một ứng cử viên có khả năng và sẵn lòng trở thành một lãnh
đạo thế giới mới và làm nên một trật tự thế giới mới.
Đây là sự thay đổi nhận thức đột ngột. Cho đến cuộc
bầu cử ở Mỹ hôm mùng 8 tháng 11, Trung Quốc được xếp vào danh sách những mối đe
dọa cho trật tự thế giới bởi chính các chuyên gia đối ngoại này, ngay phía dưới
Nga và Bắc Triều Tiên, và phía trên Iran. Trung Quốc bị tố rằng đã chiếm đoạt một
vùng lớn Biển Đông, và được coi là một mối nguy cho tự do hàng hải, một rào cản
cho thương mại tự do (Trung Quốc bị loại trừ khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương).
Giờ đây tờ New York Times lại nói rằng
“với việc hai nước (Anh và Mỹ) theo đuổi
con đường chủ nghĩa dân tộc và các tổ chức đa phương đang bị đe dọa, thế giới
dường như đang thiếu sự giám sát có trách nhiệm, và Trung Quốc đang chuẩn bị để
đảm nhiệm vai trò này”.
Tờ Wall Street Journal bảo
rằng “Trung Quốc đang sẵn
sàng ngồi vào ngôi vị dẫn đầu”. Tờ báo trích lời của Zhang Jun (Trương Tuấn),
Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rằng “Nếu như mọi người muốn nói Trung Quốc đã nắm
vai trò lãnh đạo, thì không phải là vì Trung Quốc tự dưng đẩy bản thân lên vai
trò đó. Đó là bởi vì các quốc gia đứng đầu ngả về phía sau và đẩy Trung Quốc
lên phía trước.”
Tờ New York Times thêm
rằng “Một số đồng minh đang
chuyển trọng tâm sang các đối tác tiềm năng khác cho thương mại và đầu tư, các
mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến liên kết chính trị, ngoại giao và quốc phòng.
Nhiều nước đang nhìn về Trung Quốc, một quốc gia đã khéo léo lợi dụng khoảng trống
lãnh đạo quan hệ quốc tế bằng việc tự đề cử bản thân mình – bất chấp sự mỉa mai
– vào vị trí người ủng hộ cho sự can dự quốc tế.”
Không nhanh đến vậy. Trật tự thế giới hiện nay được
thiết lập bởi Hoa Kỳ ngay sau Thế Chiến II, khi nước này là cường quốc duy nhất.
Nhật và Đức bị đánh bại và tàn phá. Liên Xô, Pháp và Anh đều bị yếu đi vì quân
Phát xít. Còn nếu bây giờ có một quốc gia muốn tìm cách thiết lập một trật tự
thế giới mới, phản ánh các giá trị và lợi ích của quốc gia đó, thì nước đó sẽ
phải ganh đua với Nga, Nhật, Iran, Ấn Độ, Hoa Kỳ và nhiều nước khác.
Hoa Kỳ từng có (và có thể vẫn có) một phức cảm cứu
thế theo chủ
nghĩa Wilson. Hoa Kỳ tin rằng bản thân được kêu gọi để mang tự do dân
chủ mà bản thân sở hữu đến các quốc gia khác. Quả thật ước nguyện này không phải
lúc nào cũng mang tính lý tưởng. Nó còn mang đến tính chính đáng cho việc Hoa Kỳ
theo đuổi lợi ích bản thân, và cũng được dùng để phục vụ các mục tiêu chính trị
đối nội, nhằm phân loại cử tri ra thành phe tự do và tân bảo thủ. Tuy vậy, nó dẫn
đến việc Hoa Kỳ mang quân đến để ngăn chặn thanh lọc sắc tộc ở Kosovo và sự tàn
bạo ở Libya; Hoa Kỳ còn chi tầm nửa ngàn tỷ đô la để xây dựng một nền dân chủ tự
do ở Afghanistan và Iraq. Nó còn khiến Hoa Kỳ hỗ trợ các nhóm chính trị tự do
non trẻ và tổ chức phi chính phủ ở các nước chuyên chế.
Trung Quốc cũng từng có một phức cảm cứu thế thời
còn theo chủ nghĩa cộng sản truyền thống. Thời đó Trung Quốc sẵn sàng hy sinh lớn
để mang lại cho các nước khác (đặc biệt các nước chia sẻ biên giới với Trung Quốc)
chế độ chính trị mà nó coi là đáng giá (và mang lại lợi ích cho Trung Quốc).
Tuy nhiên, sau khi chuyển sang chế độ tư bản chuyên chế, Trung Quốc đã mất đi
tham vọng này và giờ đây tập trung xây dựng kinh tế và củng cố ảnh hưởng trong
khu vực bằng con đường kinh tế. Trung Quốc thể hiện rất ít nguyện vọng tham gia
vào một vai trò toàn cầu. Đúng vậy, quốc gia này bị chỉ trích nhiều vì đã không
hành động khi cần thiết, vì không cung cấp hỗ trợ nhân đạo, lực lượng gìn giữ
hòa bình, hay không hành xử như một cường quốc có trách nhiệm. Khi nói riêng,
các quan chức Trung Quốc thường tỏ ra kinh ngạc về việc Hoa Kỳ sẵn sàng đặt mạng
sống của thế hệ trẻ quốc gia vào rủi ro, và chi phí hàng tỷ đô la, để đóng vai
trò toàn cầu.
Có ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đầu tư để
xây dựng và củng cố một trật tự thế giới. Lấy ví dụ, một trong những yếu tố
quan trọng của trật tự hiện nay quyền tự do hàng hải mà Hoa Kỳ đã cố gắng bảo đảm
bằng việc tiến hành hàng trăm các hành động thực thi tự do hàng hải đối với cả
bạn lẫn thù. Trung Quốc không sở hữu một lực lượng hải quân hay một ước muốn để
thực hiện chức năng đó. Trung Quốc phản đối can thiệp vũ trang vì mục đích nhân
đạo; không ai trông mong Trung Quốc gửi quân đi ngăn diệt chủng. Hơn hết, rất
ít khả năng Trung Quốc sẽ cử quân đội đi để đẩy lui quân đội của một quốc gia vốn
xâm lược một quốc gia khác, như Hoa Kỳ đã làm năm 1991 khi Saddam tấn công
Kuwait. Đó là việc gìn giữ nguyên tắc căn bản nhất của trật tự thế giới, quy tắc
chủ quyền dựa trên Hòa ước Westphalia.
Nếu như Trung Quốc được gọi tên để phục vụ một trật
tự thế giới mới, thì nó sẽ là một trật tự rất khác với mức độ thấp hơn trật tự
mà Hoa Kỳ đã kiến tạo và dẫn dắt. Một yếu tố lớn của trật tự thế giới mà Trung
Quốc gần đây đang bày tỏ sự quan tâm đến là thương mại. “Không ai sẽ thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại”, Chủ
tịch Tập Cận Bình đã nói trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.
Trung Quốc có lý do chính đáng để bảo đảm cho thương mại toàn cầu được tự do nhất
có thể. Quốc gia này rất cần nhập khẩu tài nguyên, năng lượng và xuất khẩu sản
phẩm. Thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán để hình thành một khu vực thương
mại tự do của riêng mình, mặc dù chỉ là ở quy mô khu vực. Chủ tịch nước Trung
Quốc còn lên tiếng ủng hộ việc bảo vệ môi trường bởi vì đó là “trách nhiệm
chúng ta phải nắm lấy vì thế hệ tương lai.” Tuy nhiên cũng chỉ mới tới đó mà
thôi.
Còn quá sớm để dự đoán được liệu Trump có thành công
trong việc hạn chế các cam kết toàn cầu của Hoa Kỳ hay không, hay nội các của
ông ta, gồm nhiều cá nhân bình tĩnh hơn, và Quốc Hội sẽ hướng Hoa Kỳ đi theo một
con đường khác. Tuy vậy, có thể dự đoán rằng việc Trump tạo nên một vài khoảng
trống (quyền lực) nào đó không có nghĩa là Trung Quốc, hay bất kỳ quốc gia nào
khác, sẽ bước vào để lấp khoảng trống đó. Trật tự thế giới hiện nay được hình
thành từ những điều kiện rất đặc biệt vào cuối Thế Chiến II. Với điều kiện bây
giờ, có lẽ một thế giới đa cực và ít trật tự hơn sẽ được dựng lên.
*
Amitai Etziono là Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học
George Washington. Cuốn sách mới nhất của ông Foreign Policy: Thinking outside
the Box, mới được xuất bản bởi Routledge trong chuỗi sách chủ đề “Insights” của
Chatham House.
Nguồn: Amitai
Etzioni, “China:
The Accidental World Leader?”, The Diplomat, 13/02/2017.
--------------------
Xem
thêm: Món
quà của Trump cho Trung Quốc
No comments:
Post a Comment