Wednesday, April 5, 2017

50 LUẬT SƯ VIỆT NAM KIẾN NGHỊ KHÔNG HẠN CHẾ THỜI GIAN TIẾP XÚC THÂN CHỦ (VOA Tiếng Việt)




05/04/2017

Bản kiến nghị của 50 luật sư (Chụp từ Facebook Ngô Ngọc Trai)

50 luật sư hôm thứ Tư, ngày 5/4, kiến nghị chính phủ Việt Nam không hạn chế thời gian tiếp xúc với thân chủ.
Bản kiến nghị này vừa được nộp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời sẽ gửi lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, Bộ trưởng Công An Tô Lâm, và các cơ quan tư pháp tối cao của Việt Nam, theo Luật sư Ngô Ngọc Trai.

Bản kiến nghị viết: “Chúng tôi, những người có tên dưới đây, ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của mình trước nền tư pháp, có mong muốn gỡ bỏ những bất cập của nền tư pháp, dẹp bỏ những chướng ngại trong môi trường hành nghề luật sư, góp phần thúc đẩy xây dựng nền tư pháp Việt Nam được trở nên công minh tiến bộ.”

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho VOA biết, xuất phát từ việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye được gặp luật sư không giới hạn thời gian sau khi bị bắt giữ đã “khiến chúng tôi rất cảm kích trước quy định pháp lý tiến bộ, tôn trọng con người và tôn trọng quyền bào chữa của pháp luật nước bạn.”

Theo bản kiến nghị, sự việc này cung cấp một thông tin tham chiếu rất tốt “về một vấn đề vốn gây bức xúc trong nền tư pháp hình sự lâu nay, đó là luật sư luôn bị khó khăn trong việc gặp gỡ thân chủ đang bị giam giữ.”

Luật sư Ngọc Trai nói rằng ông muốn nêu vấn đề pháp lý của Hàn Quốc để đánh động dư luận trong nước, để giúp cải thiện vấn đề pháp lý lâu nay còn bất cập ở Việt Nam:
“Trong thời buổi hiện nay, báo chí công nghệ thông tin giúp cho người dân tiếp cận rất nhanh với các diễn biến, sự kiện pháp lý của các nước trên thế giới. Những sự kiện pháp lý đó cung cấp một nguồn thông tin tham chiếu rất quan trọng. Hóa ra nước ngoài họ quy định thế này thế kia - rất là hợp lý, tiến bộ, tôn trọng quyền con người, trong khi pháp luật Việt Nam quy định rất là bất cập, nhiêu khê, gây khó khăn cản trở.”

Luật sư Ngọc Trai nói rằng mục đích của kiến nghị là mong muốn giúp hệ thống pháp luật Việt Nam tiến bộ tiệm cận với chuẩn mực tư pháp các nước trên thế giới, tránh tình trạng quy định bất cập vô lý, coi thường quyền của người bị giam giữ, coi thường quyền của luật sư như lâu nay.

Ông Ngọc Trai cho biết các luật sư ký tên kỳ vọng rằng các cơ quan của Việt Nam sẽ khẩn trương sửa đổi các quy định hiện hành:
“Chúng tôi muốn lên tiếng, đòi hỏi quyền hành nghề hợp pháp và chính đáng của mình, tôn trọng quyền của chúng tôi, bảo vệ quyền của bị can, bị cáo, người dân lâm vào vòng lao lý. Đề nghị các cơ quan ban ngành tư pháp ở Việt sửa đổi các quy định, nới lỏng, mở rộng quyền hành nghề cho luật sư, và quyền của người bị giam giữ, quyền tiếp xúc với với luật sư bào chữa không bị hạn chế về thời gian. Cái quy định lâu nay ‘không quá một giờ’ là rất bất cập.”

Bản kiến nghị có đoạn: “Trong khi nhiều vụ án lớn phức tạp luật sư cần nhiều thời gian để trao đổi với thân chủ, hoặc luật sư phải mất công đi rất xa mới đến được nơi gặp, khi đó quy định thời gian gặp không quá một giờ rõ ràng là một cản trở cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị giam giữ, gây bất lợi cho họ cũng như bất lợi cho luật sư hành nghề. Đây là vấn đề vốn gây bức xúc lâu nay, nhưng trong từng vụ án thì luật sư chúng tôi khó thể làm gì để thay đổi thực tế vô lý ngang trái này.”

Luật sư Đặng Trọng Dũng, người từng bào chữa cho các vụ án hình sự, xâm phạm an ninh quốc gia, đã ký vào bản kiến nghị này. Cũng như luật sư Ngọc Trai, Luật sư Trọng Dũng nói rằng việc giới hạn thời gian luật sư làm việc với bị can, bị cáo là một điều bất lợi.

Luật sư Trọng Dũng cho biết khả năng phản hồi của chính quyền về bản kiến nghị này như sau:
“Cơ quan sẽ nghiên cứu vấn đề này, và sẽ có chuyển biến là từ Bộ Công An. Thế nhưng thời gian là vô hạn định, giống như bên Mỹ, thì rất khó. Thành ra, chúng tôi chỉ mong thời gian có thể là từ một giờ lên đến hai giờ cho mỗi lần làm việc, thì luật sư chúng tôi sẽ có thời gian làm việc tốt hơn.”

Theo luật sư Ngọc Trai, các bị can, bị cáo trong vụ án an ninh quốc gia thì có thể chưa được phép gặp luật sư trong giao đoạn điều tra. Thậm chí, việc gặp được bị can, bị cáo trong các vụ án thông thường cũng gặp khó khăn:
“Bên cạnh việc giới hạn thời gian làm việc của luật sư tại trại giam, còn một bất cập nữa là có được gặp bị can, bị cáo hay không. Đó cũng là vấn đề. Có nhiều trường hợp không chỉ án an ninh quốc gia, mà các vụ án thông thường chúng tôi cũng bị gây khó khăn. Người ta đưa ra đủ mọi lý do trời ơi đất hỡi để từ chối không cho luật sư gặp bị can, bị cáo.”

Về việc luật sư không được tiếp xúc với bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra đối với vụ án an ninh quốc gia, Luật sư Đặng Trọng Dũng cho biết:
“Vì vấn đề an ninh quốc gia mà không cho luật sư chúng tôi tham gia vào giao đoạn điều tra là một điều bất hợp lý. Tôi nghĩ là nhân kiến nghị này thì Bộ Công An xem xét qui định này cũng là một điều rất cần thiết. Là người hành nghề bảo vệ một số công dân về vấn đề an ninh quốc gia như điều 88, điều 258, tôi hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ Công An và nhà nước Việt Nam nói chung, căn cứ vào nhu cầu trong kiến nghị của các luật sư, sẽ nghiên cứu và tạo điều kiện cho các luật sư chúng tôi bảo vệ khách hàng một cách tốt hơn.”

Nguyễn Văn Đài, bị truy tố và 3 lần gia hạn tạm giam theo điều 88 từ 12/2015 cho đến nay vẫn chưa được tiếp xúc luật sư

Sau khi nộp xong bản kiến nghị cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Ngọc Trai viết trên Facebook: “ Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được đánh giá, đón nhận tích cực về việc làm này, vì chúng tôi cho rằng công cuộc xây dựng một nền tư pháp Việt Nam công minh tiến bộ, đó là trách nhiệm, bổn phận, quyền hạn không của riêng ai mà thuộc về mọi luật sư…Chúng tôi tham gia kiến tạo môi trường pháp lý an toàn thân thiện cho các quyền công dân.”

-------------------

CÁC TIN KHÁC

05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017
05 THÁNG 4, 2017





No comments: