Thanh Phương – RFI
Đăng ngày 11-04-2017
Trong
thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng bênh vực tổng thống
Nga Vladimir Putin trên báo chí Mỹ. Khi ông đắc cử tổng thống, báo chí chính thức
ở Nga đã hết lời khen ngợi nhà tỷ phú New York.
Thế nhưng, sau vụ oanh kích của Hoa Kỳ vào Syria tuần
trước, giọng điệu báo chí thân Putin đã thay đổi hẳn. Họ chỉ trích ông Trump «
không có chút kinh nghiệm nào về chính trị quốc tế », « chỉ biết hành động theo
cảm tính chứ chẳng biết suy xét gì ».
Đọc những lời chỉ trích nói trên, người ta có cảm tưởng
là quan hệ Mỹ-Nga đang trở lại giống như thời tổng thống Obama. Sự thay đổi giọng
điệu đó diễn ra vào lúc ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ đến Matxcơva ngày 11/04,
chủ yếu để bàn về hồ sơ Syria với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov.
Điện Kremlin đã hy vọng rằng với tổng thống Trump,
Hoa Kỳ sẽ hành động chung với Nga để chống các lực lượng khủng bố ở Syria và
đây sẽ là một điểm khởi đầu tích cực cho hợp tác giữa hai nước trong tương lai
trên hồ sơ Syria, cũng như trên những vấn đề khác.
Nhưng hy vọng này nay đã tan thành mây khói sau vụ
oanh kích của Mỹ vào Syria để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, mà chế độ
Damas bị cáo buộc là thủ phạm, khiến 87 người chết. Bản thân ngoại trưởng
Tillerson cuối tuần qua đã chỉ trích Nga, do « đồng lõa » hoặc
do « bất tài », đã không ngăn chận vụ tấn công bằng vũ khí hóa học
vào thường dân.
Hôm qua, Hoa Kỳ cũng đã khẳng định rằng Nga đã biết
trước là sẽ có một vụ tấn công hóa học ở Syria, tuy hiện chưa có bằng chứng là
Matxcơva có can dự vào vụ này.
Cho tới nay Nga vẫn khẳng định là chế độ Damas không
hề sử dụng vũ khí hóa học, mà khí độc đã lan ra sau khi một kho chứa vũ khí hóa
học của lực lượng nổi dậy bị trúng bom. Trong bối cảnh như vậy, cuộc họp ngày
12/04/2017 giữa hai ngoại trưởng Mỹ Nga ở Matxcơva sẽ khó đạt được thỏa thuận.
Căng thẳng Mỹ-Nga trên hồ sơ Syria chắc sẽ còn kéo
dài, bởi vì hôm qua, Hoa Kỳ đã cảnh cáo sẽ oanh kích lần nữa nếu chế độ Damas mở
các cuộc tấn công mới bằng vũ khí hóa học vào thường dân Syria. Trong khi đó,
Nga cùng với Iran, một đồng minh khác của Damas đã đe dọa sẽ có « phản ứng
quyết liệt » với mọi cuộc tấn công mới vào Syria. Nói cách khác, họ sẵn
sàng đáp trả Hoa Kỳ bằng quân sự.
Sau vụ oanh kích của Mỹ vào Syria, Nga cũng loan báo
đã đình chỉ thi hành thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc ngăn ngừa các sự cố giữa phi
cơ hai nước trên không phận Syria. Matxcơva và Washington đã ký thỏa thuận này
vào tháng 10/2015, vài tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch can thiệp vào
Syria để hỗ trợ cho chế độ Bachar al-Assad.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang gia tăng áp
lực để buộc Putin ngưng yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad. Nhưng vụ oanh kích
của Mỹ vào Syria dường như đã khiến cho Matxcơva càng nghiêng hẳn về phía
Damas. Hơn nữa, sau vụ oanh kích nói trên, Nga lại càng khó mà thay đổi thái độ
với chế độ Bachar al-Assad, vì sợ sẽ bị xem là hành động dưới áp lực của Mỹ.
Tóm lại, vì hồ sơ Syria mà « tuần trăng mật » giữa tổng thống
Trump và tổng thống Putin có lẽ đã chấm dứt.
---------------------
CÁC TIN KHÁC
No comments:
Post a Comment