Phúc Lai
10:22 08/04/17
(GDVN)
- Một người bị đánh giá là ít kinh nghiệm về chính trị, thành ra lại có những
hành động làm choáng váng thế giới hơn là những cáo già trên chính trường.
Trong bối cảnh FBI cáo buộc tình báo Nga can thiệp
vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh không
kích vào một căn cứ quân sự của Syria, một đồng minh của Kremlin.
Việc này lại xảy ra đúng lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình đang ở Florida để gặp chính ông Trump. Chắc chắn dư luận thế giới sẽ lại
dậy lên những điều dự đoán, thậm chí lo ngại cho một tình hình căng thẳng hơn.
Chắc chắn là sẽ căng thẳng hơn, ít nhất là trong
quan hệ giữa hai siêu cường Nga – Mỹ.
Các quan chức quân sự Nga "đăng đàn" thông
báo về "hiệu quả và tính chính xác rất thấp" của vụ tấn công.
Về ngoại giao, Nga cũng triệu tập tùy viên quân sự ở
Sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow đến thông báo, thỏa thuận chia sẻ thông tin các chuyến
bay quân sự trên bầu trời Syria sẽ bị "treo" lại.
Bản thân tổng thống Nga V. Putin cũng chính thức
tuyên bố, vụ tấn công này có thể đe dọa nghiêm trọng quan hệ Nga - Mỹ và đề cập
tới khía cạnh pháp luật quốc tế của vụ việc.
Người viết xin không bàn tới yếu tố thiệt hại hay
tính hiệu quả của vụ tấn công – đó là việc giành cho các chuyên gia.
Ở đây có một vấn đề rất lớn được đặt ra, là quan hệ
giữa Nga và Mỹ đặt trong tương quan quan hệ quốc tế sẽ ra sao ?
Putin tạo
thế thượng phong chiến lược khi mở "mặt trận thứ 2 ở Syria" năm
2015
Địa bàn Syria hiện nay là nơi tập trung xung đột
Đông – Tây trong quan hệ quốc tế, nơi mà Nga với tư cách là siêu cường, chỉ là
một đại diện đơn độc cho phương Đông.
Còn phương Tây với lập luận "chống tội ác diệt
chủng" của chính quyền Bashar al-Assad, lâu nay lên án chế độ này và trực
tiếp muốn lật đổ nó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ
Donald Trump, ảnh : Daily Express.
Cuộc nội chiến kéo dài đến bốn năm, khó khăn ngày
càng nhiều cho lực lượng của Chính phủ al-Assad cho đến khi Nga tiến hành chiến
dịch không kích ở nước này từ cuối năm 2015.
Lúc đầu với lý do "Không kích vào Nhà nước Hồi
giáo (IS) chống khủng bố" nhưng sau đó, ngày càng có nhiều báo cáo về việc
Nga không kích cả vào lực lượng đối lập.
Đến đầu năm nay, truyền thông quốc tế đưa tin những
thắng lợi của quân Chính phủ Syria ở ngoại ô thành phố Aleppo trước phe đối lập,
dưới sự yểm trợ từ trên không của Nga mà không cần che đậy úp mở gì cả.
Tuy tình thế bất lợi về quân sự cho Chính phủ Syria,
nhưng chiến dịch không kích của Nga đã phá vỡ sự cân xứng về chính trị - quân sự
quốc tế tại quốc gia Trung Đông này.
Cho đến thời điểm đó, cuộc chiến ở Syria vẫn chỉ là
nội chiến, mà các nước liên quan bằng cách này hay cách khác, giúp đỡ, ủng hộ,
hậu thuẫn nhóm này hay nhóm khác.
Chưa có một quốc gia nào trực tiếp tham gia cuộc chiến,
dù chỉ là từ những cuộc không kích như Nga, làm thay đổi toàn bộ cục diện chiến
trường.
Từ đó dẫn đến khả năng vài nước khác xem xét đưa
quân vào, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.
Người ta đã từng xem xét việc này như tiềm tàng một
khả năng đối đầu giữa Nga và NATO thông qua thành viên Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên việc
đó vẫn chưa xảy ra.
Từ quan điểm chính trị của mình, Phương Tây đặc biệt
là Hoa Kỳ vẫn chỉ đứng ngoài cuộc nội chiến không có hành động quân sự chính thức.
Đặc biệt trong thời gian tại vị, Tổng thống Barack
Obama đạt được thỏa thuận với Vladimir Putin bằng con đường ngoại giao chứ
không phải bằng những hành động quân sự.
Chỉ bằng
59 quả Tomahaw, Trump phá vỡ thế thượng phong của Putin
Còn ở tình thế của mình, mang trên vai sự cáo buộc
quanh mối "quan hệ thân thiết" với Putin, ông Trump lại cho tiến hành
một hành động quân sự.
Đây là một hành động đáng kể trong quan hệ quốc tế
thời gian này, vì nó đem lại một sự bất cân xứng mới.
Từ trước đến nay, Nga vẫn công khai ủng hộ chính quyền
al-Assad vì tính "hợp hiến" của nó, kèm theo lý do "chống khủng
bố" cũng chính đáng không kém.
Dùng tên lửa tấn công trực tiếp vào quân đội Chính
phủ Syria, lần đầu tiên một nước Phương Tây làm như vậy trong suốt cuộc nội chiến
Syria từ khi nó nổ ra.
Tính bất cân xứng ở đây còn thể hiện ở chỗ, Nga vốn
đã và đang ủng hộ Chính phủ Syria, và vẫn đang tấn công các lực lượng đối lập,
đứng trước tình thế này sẽ buộc phải có hành động nào tương xứng, hay lập lại
thế cân bằng ?
Nhưng Nga sẽ phải lựa chọn hành động nào, tăng cường
các vụ không kích ?
Tính đến thời điểm này, chiến dịch không kích nếu chỉ
xét từ góc độ ủng hộ Chính phủ Syria đã tỏ ra kém hiệu quả về chiến lược. Bởi lẽ
quân đội Syria quá yếu kém, không thể tận dụng sự yểm hộ đó của Nga để giành những
chiến thắng vững chắc trên chiến trường.
Nga có tăng cường không kích thêm nữa cũng không giải
quyết được vấn đề gì.
Đến nay Nga mới chỉ tuyên bố sẽ giúp Syria bảo vệ bầu
trời, tăng cường phòng không.
Xin được lưu ý rằng, cuộc tấn công của Hoa Kỳ là bằng
tên lửa cận âm Tomahawk (tốc độ 880km/h, dưới tốc độ âm thanh) được sử dụng hơn
hai thập niên qua, từ thời chiến tranh vùng Vịnh.
Mỹ sử dụng đến 59 quả Tomahawk từ cự ly cách mục
tiêu 1.600km, lại có báo trước…
Trong suốt hai thập niên qua, nhiều nước nghiên cứu
phát triển các loại vũ khí chống loại tên lửa này, thậm chí bằng những vũ khí
có chi phí rất rẻ, cổ điển nhưng vẫn hiệu quả như Việt Nam cải tiến pháo phòng
không 37mm.
Ở tầm quân sự Nga, chống một vụ tấn công như vậy
không khó.
Đơn giản là Nga bị lâm vào thế bị động – một hành động
quả là rất… khó lường của ông Trump.
Một người bị đánh giá là ít kinh nghiệm về chính trị,
thành ra lại có những hành động làm choáng váng thế giới hơn là những cáo già
trên chính trường.
Điều đó chỉ làm khổ các nhà phân tích quân sự quốc tế
và chính… Putin. Còn với Donald Trump, có khi xong việc này ông còn phải lo đối
phó các vấn đề khác còn đang rất rắc rối.
Như trong bài “Sẽ
là sai lầm lớn nếu Nga "đặt cược cửa Donald Trump"?"
tôi đã viết về sự suy giảm độ quan tâm của truyền thông Nga đối với ông Trump từ
tháng 1 qua tháng 2 năm nay.
Điều này cho thấy sự suy giảm của "hưng phấn
chung của xã hội" Nga với sự kiện ông Trump trúng cử tổng thống.
Thắng lợi này chưa đem tới lợi ích nào đáng kể cho
quan hệ hai nước, đặc biệt kể cả quan hệ cá nhân hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, thì
những khó khăn của chính quyền Trump dẫn đến những diễn biến bất lợi cho những
mối quan hệ song phương đó.
Putin mắc
bẫy việt vị của Donald Trump
Sự kiện không kích lần này có thể không phải là dấu
chấm hết cho quan hệ Trump – Putin, nhưng chắc chắn nó sẽ gia tăng căng thẳng
và đẩy Putin vào thế khó.
Nhìn lại việc Putin quyết định "mở mặt trận thứ
hai" ở Syria, ngoài mục tiêu ủng hộ Chính phủ al-Assad để sau này có chỗ
trên bàn đàm phán về tương lai của nước này, đảm bảo quyền lợi của Nga ở khu vực
trong tương lai, thì Điện Kremlin còn nhắm tới việc tìm tiếng nói chung với
Phương Tây trong vấn đề chống khủng bố IS.
Từ đó Nga có thể tìm được giải pháp cho tình trạng bị
trừng phạt về kinh tế do "mặt trận thứ nhất" ở Ukraine gây ra.
Nhưng chính những lệnh trừng phạt này lại xuất phát
từ những cáo buộc của Phương Tây về những hành động của Nga đối với Crimea (sáp
nhập bán đảo này từ lãnh thổ của Ukraine) và những bất ổn ở Đông Ukraine, đều
có những lý do từ khía cạnh "vi phạm pháp luật quốc tế".
Vì thế nếu Nga tiếp tục cáo buộc Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn
nữa về tính hợp pháp của hành động tấn công lần này, rất có thể "chuyện cũ
bị lôi ra".
Hành động tiếp theo đối với Nga lại rất đơn giản đối
với Phương Tây, chỉ cần gia hạn thêm lệnh trừng phạt là xong. Nhưng hậu quả với
Nga thì lại hoàn toàn không đơn giản, di chứng sẽ để lại rất lâu dài.
Không có căn cứ sẽ cho thấy tình hình sẽ tiếp tục
leo thang về quân sự đối với hai siêu cường Hoa Kỳ và Nga, nhưng với hành động
này, thái độ của chính quyền Trump đã lộ rõ, là sẽ tiếp tục ủng hộ… cuộc chiến
chống al-Assad.
Thậm chí xu hướng này rất có thể sẽ được duy trì cho
đến khi nào chế độ ông al-Assad đổ thì thôi. Putin cũng sẽ phải tính toán đến
khả năng al-Assad sẽ bị thay thế.
Còn nếu một vụ như thế này tiếp tục, chúng ta sẽ đặt
câu hỏi Nga có sẵn sàng bắn hạ tên lửa Hoa Kỳ để bảo vệ đồng minh Syria, như
năm 1991 Hoa Kỳ bắn hạ tên lửa Scud của Iraq trên bầu trời Tel Aviv ?
Sẽ phải tìm giải pháp để gỡ ngòi nổ, chứ nếu dẫn đến
tình trạng đó, thì với những khó khăn của Nga hiện nay, đó là điều không mong
muốn. Putin thừa khôn ngoan và mềm dẻo để có một động thái theo hướng này.
Một góc độ khác : cuộc không kích diễn ra khi ông Tập
Cận Bình đang có chuyến công du đến Hoa Kỳ.
Nếu như ông Tập đang ở nhà, sẽ dễ hơn khi tỏ một
thái độ mạnh mẽ, nhưng nếu ông đang ở chính nước Mỹ, thì nhiều lắm cũng chỉ có
thể nói lên một sự "quan ngại".
Cũng có thể đây là thông điệp của ông Trump cho ông
Tập về vai trò cần có của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, khi mà Bắc Triều Tiên liên tục
thử tên lửa.
Thông điệp chung của ông Trump có thể là, các siêu
cường không phân biệt Mỹ, Nga hay Trung Quốc cần phải có nhãn quan và tiếng nói
chung trong cuộc chiến chống lại cái ác, dù cái ác đó chỉ theo quan điểm của
riêng ông Trump…
Chỉ có điều đằng sau những tham vọng và toan tính của
các siêu cường, các thế lực chính trị tại Syria vẫn là một sự thật trần trụi và
đau xót : chiến tranh, đổ máu và hủy diệt.
Người dân quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp tục phải
hứng chịu kiếp nạn "kép" nồi da xáo thịt, vừa là nạn nhân của các phe
phái chính trị trong nước, vừa phải hứng chịu bom đạn siêu cường, chưa biết
ngày nào thoát.
Thảm cảnh của người dân Syria hiện nay cũng là lời cảnh
báo cho các quốc gia, dân tộc đang nằm giữa nơi cạnh tranh chiến lược địa chính
trị gay gắt giữa các siêu cường toàn cầu.
Nếu quốc gia đó không tự lực tự cường và giữ vững
đoàn kết dân tộc mà để xảy ra nội loạn, thì đó là cái cớ cho ngoại bang nhòm
ngó, xâu xé, thậm chí xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.
Sư tử trùng thực sư tử nhục, chúa tể rừng xanh thường
không chết bởi đối thủ, mà chết bởi những con vi khuẩn, vi rút trên chính thân
thể mình. Một quốc gia, một dân tộc cũng dễ đối mặt với thảm cảnh tương tự, nếu
không có sức đề kháng đủ mạnh với các loại giặc nội xâm.
--------------------------
Tài
liệu tham khảo :
No comments:
Post a Comment