09/04/2017
Một chất vấn mà chúng tôi thường được nghe là
"35 năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã làm được những gì ?". Nhiều
người cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đấu tranh chính trị kiểu sa-lông,
không có hành động cụ thể gì cụ thể. Người khác còn chụp mũ Tập Hợp là muốn
"hòa hợp hòa giải" với cộng sản, hay Tập Hợp nằm chờ sung rụng, nghĩa
là hưởng lợi từ các nhóm đấu tranh khác. Nói chung, Tập Hợp bị quy kết là một
nhóm trí thức sa-lông, chỉ nói và viết, đánh võ mồm, anh hùng bàn phím…
Trong những xã hội tự do dân chủ, ai cũng có quyền
nói lên ý kiến hay trình bày quan điểm của mình. Chúng tôi ghi nhận và tôn trọng
tất cả mọi phát biểu về chúng tôi. Nhưng khác với những tổ chức đấu tranh chính
trị đã và đang có, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn luôn tin rằng một cuộc đấu
tranh chính trị chỉ có ý nghĩa và chỉ xứng đáng để theo đuổi để thể hiện một tư
tưởng chính trị hay để thực hiện một dự án chính trị. Chính vì thế trong suốt
thời gian qua, Tập Hợp tập trung chủ yếu vào việc xây dựng một cơ sở tư tưởng
làm kim chỉ nam chỉ đạo cuộc vận động đổi đời mà chúng tôi gọi là dự án chính
trị dân chủ đa nguyên.
Giai đoạn xây dựng cơ sở tư tưởng nhanh hay chậm tùy
thuộc vào sự tham gia và đóng góp của những người quan tâm đến tương lai của đất
nước. Những hành động cụ thể chỉ có thể bắt đầu khi cơ sở tư tưởng đã hình
thành xong. Đó là quan điểm đấu tranh của Tập Hợp, và cũng là cách tranh đấu
riêng của Tập Hợp.
Tư tưởng đấu tranh chính trị của Tập Hợp đã được
hình thành từ năm 1982 và không ngừng được tu bổ và tu chỉnh, cập nhật hóa với
thời gian. Tài liệu đầu tiên mang tên Cơ sở tư tưởng 1984, Dự
án chính trị dân chủ đa nguyên (1990), Thử thách và hy vọng (1996),Thành
Công Thế Kỷ 21 (2001) và bây giờ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ
Hai (2015). Đây là tu chỉnh thứ tư và cũng là lần tu chỉnh quan trọng
nhất bởi vì anh em chúng tôi nhận định rằng lịch sử đất nước đã bắt đầu sang
trang.
Chúng tôi có niềm tin vào sức mạnh của tư tưởng
chính trị nên tin vào thắng lợi của dự án chính trị mới Khai Sáng Kỷ Nguyên
Thứ 2. Chúng tôi hy vọng đón nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người
còn quan tâm đến tương lai đất nước qua dự án chính trị dân chủ đa nguyên này.
Chúng tôi tin rằng nếu cuộc đấu tranh chống độc tài hiện nay được hướng dẫn bởi
một dự án chính trị đúng đắn và được sự chuyên chở của trào lưu dân chủ trên thế
giới thì thắng lợi chắc chắn ở trong tầm tay.
Đấu tranh chính trị ngày nay không nhất thiết phải bằng
gậy gộc hay súng ống, hơn nữa Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương đấu tranh
xây dựng dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng đường
lối bất bạo động, nghĩa là trong hòa bình và sự tương kính. Trong những điều kiện
đó, Nói và Viết là những hành động cụ thể để thực hiện lý tưởng đó.
Khác với những quốc gia tuy độc tài nhưng còn cho
phép người dân quyền lập hội và bầu cử tự do như Miến Điện, Iran, Nga hay Thổ
Nhĩ Kỳ, dân tộc Việt Nam chưa có may mắn đó. Nhưng đấu tranh cho tự do và dân
chủ trong những quốc gia vừa kể này cũng không phải là dễ, vì quyền tự do ngôn
luận không được tôn trọng, luôn bị bóp nghẹt ; chế độ độc tài nào cũng rất sợ lẽ
phải. Do đó, nói và viết là những vũ khí hòa bình có thể thủ tiêu độc tài và bạo
ngược, nếu được nhân dân ủng hộ.
Chúng tôi tin rằng nếu thống nhất được ý chí, hành động
và ngôn ngữ để đưa tư tưởng chính trị dân chủ đa nguyên mà chúng tôi xác tín là
đúng đắn thâm nhập sâu vào quần chúng, Tập Hợp sẽ đón nhận sự chia sẻ và đồng
thuận. Sức mạnh hiện nay của Tập Hợp là sự lương thiện, và qua sự lương thiện
này chúng tôi muốn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho lẽ
phải và cho tự do dân chủ.
Khi tham gia vào một tổ chức đối lập ôn hòa như Tập
Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cá nhân chúng tôi không được một quyền lợi gì ngoài niềm
hãnh diện đứng trong hàng ngũ những người lương thiện chống lại bất công và độc
tài. Ngược lại, phiền toái luôn chờ đón chúng tôi, an ninh nhân thân luôn bị đe
dọa, và đôi khi còn nguy hiểm cả đến tính mạng… Ở Việt Nam, đấu tranh chống độc
tài, kể cả chống tham nhũng hay chống bành trướng, là cả đoạn đường chiến binh.
Khi bị đàn áp, người đấu tranh không những bị trù dập, tù đầy mà cả gia đình
cũng bị họa lây : mất công ăn việc làm và bị làm khó dễ trăm bề. Giữ gìn nhân
thân, bảo tồn lực lượng là kim chỉ nam hành động trong lúc này.
Vì thế, nếu không tin vào một tư tưởng chính trị chỉ
đạo, nghĩa là không vào một lý tưởng rõ ràng, làm sao chúng tôi có đủ kiên nhẫn
để đi đến cuối con đường đã chọn ? Chúng tôi rất đau lòng về sự ly khai của một
số thành viên trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vừa qua, đó là một ví dụ điển hình
về sự mất niềm tin vào sự chỉ đạo của một tư tưởng chính trị dẫn đến mất niềm
tin vào tổ chức.
Hãy cùng nhau nhìn vào sự thật. Quả thực cho đến giờ
này, những người Việt Nam đấu tranh vẫn chưa xây dựng được một tổ chức chính trị
nào là có tầm vóc và có thực lực, trong nước cũng như ngoài nước, kể cả Tập Hợp
chúng tôi, để làm điểm hội tụ. Trong bóng tối của sự hoang mang đó, Tập Hợp đã
xây dựng xong cho mình một tư tưởng chỉ đạo, một ánh sáng ở cuối đường hầm để
cho dễ hình dung. Có thể nói Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 là tài liệu học tập
chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tương đối hoàn chỉnh và khả thi. Đây là
"bản thiết kế" không chỉ để tranh đấu giành thắng lợi cho dân chủ mà
còn là "nền tảng" của bản Hiến pháp tương lai của đất nước. Tài liệu
này là một dự án xã hội, một lập trường dựng nước, một chương trình hành động
và làm một lời kêu gọi. Nó cũng chứa đựng một giấc mơ Việt Nam mà mọi người Việt
Nam đề có thể chia sẻ.
Nhiều tổ chức đối lập hiện nay, kể cả những tổ chức
từng chống đối Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên một cách quyết liệt nhất, đã lấy lập
trường rất gần với "bản thiết kế" của Tập Hợp. Bởi vậy, ngay cả khi Tập
Hợp không tham gia vào một liên minh đấu tranh hay cầm quyền nào sau khi đất nước
có dân chủ, chúng tôi rất hãnh diện đã đồng hành cùng dân tộc trong việc khai
phóng một tư tưởng, một phương thức đấu tranh và thiết kế nền tảng của một bản
Hiến pháp tương lai cho Việt Nam, tự do, nhân bản và tiến bộ.
Vấn đề còn lại của những tổ chức đấu tranh cho tự do
và dân chủ ở Việt Nam là xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt làm chất xúc tác
cho cuộc vận động đổi đời. Chúng tôi tin là người dân Việt Nam đủ sáng suốt để
hiểu rằng để đập bỏ một công trình cũ, xây một công trình mới thì phải cần đến
một bản thiết kế với một đội ngũ hiểu rõ về nó để biết phải làm gì trong mỗi
giai đoạn.
Hiểu và tin như vậy nên Tập Hợp biết được cần phải
làm gì trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ cần thiết và quan trọng nhất trong
lúc này của Tập Hợp là phổ biến dự án chính trị dân chủ đa nguyên Khai Sáng Kỷ
Nguyên Thứ Hai rộng khắp đến với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong tầng
lớp trí thức tinh hoa của Việt Nam. Chừng nào giới trí thức Việt Nam quyết tâm
vứt bỏ tấm chăn trùm mình, vượt lên sợ hãi để nhìn thẳng vào sự thật là không
thể tiếp tục kiếp sống tồi tàn, cúi đầu qui phục sự tồi dở và gian ác. Phải gia
tăng Nói và Viết để khai sáng tri thức dân tộc. Công cuộc "khai dân
trí" mà cụ Phan Châu Trinh khởi xướng hơn 100 năm trước vẫn chưa thành
công chỉ vì một trở ngại quan trọng, trí thức Việt Nam vẫn chưa được "Khai
thông tư tưởng". Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang cố gắng hoàn thành công việc
khó khăn đó. Chừng nào trí thức Việt Nam dám dấn thân, cuộc đổi đời chắc chắn sẽ
mang lại kết quả.
Để xây dựng đội ngũ trí thức đó, Tập Hợp trước hết
muốn xây dựng một vành đai thân hữu rộng khắp, cả trong lẫn ngoài nước, ủng hộ
và đào sâu những ý tưởng đã ghi trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ
2, kế là kết nghĩa anh em và đứng chung trong một tổ chức để cùng nhau chia sẻ
giấc mơ Việt Nam.
Trước đây đã từng có người nói cho rằng "Mùa
Xuân Ả Rập" đã diễn ra thành công mà không cần đến một tổ chức chính trị
hay một tư tưởng chính trị nào, rồi thực tế đã chứng minh ngược lại những nhận
định hời hợt đó. Thử lấy trường hợp Ai Cập, sau khi "Cách mạng Hoa
nhài" thành công, nhà độc tài Mubarak bị lật đổ, cuộc bầu cử tự do của
phong trào hoa nhài không có một tư tưởng hay tổ chức chỉ đạo đã dẫn tới sự cầm
quyền của một tổ chức không dính líu gì tới những đòi hỏi về tự do và dân chủ.
"Những anh em Hồi giáo" là một đảng thuần túy tôn giáo, không hề có
chủ trương xây dựng tự do dân chủ nào hết, đã lên cầm quyền và muốn thiết luật
Sharia Hồi giáo để rồi bị quân đội lật đổ. Xã hội Ai Cập vẫn loay hoay không biết
bao giờ mới có dân chủ thật sự.
Qua thí dụ đó, lý luận cơ bản của Tập Hợp đã được
xác minh : cuộc vận động tư tưởng phải luôn đi trước và dẫn đường cho cuộc cách
mạng. Nếu không thì một chế độ độc tài này bị loại để một chế độ độc tài khác lên
thay thế.
Khác với những tổ chức đấu tranh chính trị đã có, đối
tượng quan trọng mà Tập Hợp muốn hướng tới đó là trí thức Việt Nam. Nếu lập trường
của Tập Hợp thuyết phục được giới trí thức Việt Nam thì chúng tôi tin là sẽ
thuyết phục được người dân Việt Nam. Muốn được vậy, giới trí thức Việt Nam phải
thay đổi tư duy từ một giai cấp khoa bảng, phục tùng sang một giai cấp trí thức
chính trị, dấn thân.
Điều quan trọng là trí thức Việt Nam phải vượt qua bức
tường văn hóa Khổng giáo, "xã hội của những bổn phận". Sự thật nào
cũng luôn mất lòng và khó nghe nhưng chúng tôi tin rằng quan điểm này sẽ được
trí thức Việt Nam lắng nghe và chia sẻ. Đất nước tụt hậu và thê thảm như ngày
hôm nay, dù lỗi tại ai thì chúng ta cũng không thể vô can. Người xưa có câu
"quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", khi đất nước lâm nguy thì một
người "thất phu" cũng đáng trách huống hồ gì là tầng lớp trí thức ?
Đứng dật và tham gia vào một tổ chức chính trị phải
là ưu tư và là trách nhiệm của tầng lớp trí thức Việt Nam. Phải xem việc mình
không tham gia vào một tổ chức chính trị là một ngoại lệ thay vì thông lệ. Phải
xem đó là hạn chế của bản thân thay vì tự hào là "không thuộc về ai".
Nếu cứ tiếp tục tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là đứng một mình, không ủng hộ
và tham gia vào một tổ chức nào thì Việt Nam sẽ không bao giờ có dân chủ, và
người trí thức tiếp tục bị cai trị bởi những người tham lam, không đạo đức. Người
trí thức cũng nên vượt lên cái tôi của mình để tham gia vào một tập hợp chính
trị có tổ chức, vì đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa những tổ chức chính trị
với nhau chứ không bao giờ là đấu tranh giữa những cá nhân.
Một vấn đề khác cũng cần đặt ra là khi tham gia vào
một tổ chức, người trí thức phải ý thức về văn hóa tổ chức, nghĩa là biết quên
mình để hòa đồng vào một tập thể lớn hơn với những khác biệt lớn hơn để có thể
làm việc chung với nhau. Bất cứ tổ chức nào cũng có phân công và thứ bậc. Nếu
không hiểu những điều cơ bản này thì một người khi tham gia vào một tổ chức sau
một thời gian sẽ chán nãn và thay vì làm cho tổ chức đó tốt lên lại trở thành
người phá hoại tổ chức. Dân chủ và đa nguyên là những tư tưởng xây dựng một xã
hội tốt đẹp nhưng trong một tổ chức, yêu cầu chủ yếu là sự hữu hiệu : khi một ý
kiến hay một chủ trương đã được thảo luận và được mọi người chấp thuận, thì tất
cả mọi thành viên trong tổ chức phải tôn trọng và thi hành.
Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Trong suốt dòng lịch sử
Việt Nam, chưa bao giờ các chế độ cai trị có được một tổ chức chính trị dân chủ
thật sự, vì không chế độ nào muốn bị cạnh tranh hay bị phê phán. Độc tài là
phương pháo cai trị dễ nhất, công an, nhà tù và tòa án là những công cụ để bịt
mồm những ai chống đối. Nhưng độc tài là những chế độ đang trên đà tuyệt chủng,
đó không còn là giải pháp xây dựng xã hội của bất cứ tổ chức đấu tranh chính trị
nào trên thế giới. Xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ cho dù khó đến đâu
chúng ta cũng phải cố gắng xây dựng cho bằng được vì nếu không có những tổ chức
như vậy thì xã hội Việt Nam sẽ không bao giờ có hòa bình, nghĩa là không có
tương lai.
Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn gửi đến người dân
Việt Nam đó là đừng xem việc "làm chính trị" là công việc riêng của Tập
Hợp, hãy nhập cuộc cùng với chúng tôi. Hãy ủng hộ cho những đề nghị của chúng
tôi nếu thấy là đúng, hãy chỉ trích và góp ý cùng với chúng tôi nếu thấy là
chưa đúng. Hãy tích cực nó và viết.
Chỉ có đứng cùng nhau, chúng ta mới gây được sức mạnh
và tạo được sự thay đổi, không chỉ cho bản thân chúng ta ngày hôm nay mà cả cho
con cháu và tương lai mai sau.
Hãy cùng chúng tôi đồng hành vào tương lai. Tương
lai dân chủ hóa đất nước.
Hãy cùng chúng tôi đấu tranh và xây dựng một nước Việt
Nam dân chủ, bao dung, một nước Việt Nam mà những con người ngày hôm nay có thể
chấp nhận được và các thế hệ mai sau có thể tự hào.
Hãy giúp chúng tôi thực hiện giấc mơ đó.
Việt
Hoàng
(09/04/2017)
No comments:
Post a Comment