Richard
N. Haass - Project
Syndicate
Biên
dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 14/04/2017 by The Observer
Trong một thế giới hỗn độn, Trung Đông đang nổi bật
hơn cả. Trật tự từ sau Thế chiến I đang đổ vỡ khắp khu vực. Nhân dân Syria,
Iraq, Yemen, và Libya đã phải trả một cái giá khổng lồ. Nhưng không phải chỉ
tương lai hay hiện tại của khu vực này bị ảnh hưởng. Một nạn nhân nữa của bạo lực
ngày hôm nay chính là quá khứ.
Nhà nước Hồi giáo (ISIS) quyết định sẽ phá hủy những
thứ mà nó cho là không đủ tính Hồi giáo. Điển hình nhất là ngôi Đền Bal tuyệt đẹp
ở Palmyra, Syria. Khi tôi viết bài này, thành phố Mosul ở phía bắc Syria
đang được giải phóng sau hơn hai năm nằm dưới quyền kiểm soát của ISIS. Tuy vậy,
điều này sẽ không xảy ra đủ sớm để cứu vãn được những bức điêu khắc đã bị phá hủy,
các thư viện bị thiêu rụi, hay những lăng tẩm bị cướp phá.
Chắn chắn là việc phá hủy những di vật văn hóa không
chỉ giới hạn trong khu vực Trung Đông. Năm 2001, thế giới đã phải rùng mình khi
chứng kiến quân Taliban cho nổ tung những bức tượng Phật lớn ở Bamiyan. Gần đây
hơn, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã phá hủy nhiều lăng mộ và văn tự ở
Timbuktu. Nhưng ISIS đang tiến hành việc phá hủy ở một tốc độ chưa từng có.
Việc nhằm vào quá khứ không phải là mới. Alexander Đại
Đế hơn 2,000 năm trước đã phá hủy phần lớn cái mà bây giờ được gọi là
Persepolis. Những cuộc chiến tranh tôn giáo, giày xéo Châu Âu trong hàng thế kỷ,
đã tàn phá nhiều nhà thờ, biểu tượng, và các tác phẩm hội họa. Stalin, Hitler,
và Mao gắng sức hủy diệt các tòa nhà, công trình văn hóa nghệ thuật, hay những
ý kiến được cho là nguy hiểm. Nửa thế kỷ trước, quân Khơ-me Đỏ cũng đã phá hủy
nhiều đền thờ và đền đài khắp Campuchia.
Thật ra, điều có thể được miêu là “tiêu diệt lịch sử”
này là hoàn toàn dễ hiểu cũng như sai trái. Các nhà lãnh đạo mong muốn uốn nắn
một xã hội xoay quanh theo một nhóm những ý tưởng, lòng trung thành, và các
cách ứng xử mới và khác biệt cần trước tiên phá hủy những bản sắc cũ của người
lớn và ngăn chặn việc lan truyền những bản sắc này tới trẻ em. Các nhà cách mạng
tin rằng, phá hủy những biểu tượng và những bản sắc và ý nghĩa chúng hiện thân
là một điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội, văn hóa, và/hoặc chính thể
mới.
Vì lý do này, việc bảo tồn và bảo vệ quá khứ là cần
thiết với những người muốn đảm bảo rằng những kẻ cuồng tín nguy hiểm ngày nay
không thành công. Bảo tàng và thư viện là vô giá không chỉ vì chúng lưu trữ và
trưng bày những vật thể thể hiện cái đẹp, mà còn vì chúng bảo vệ những di sản,
giá trị, ý tưởng, những câu chuyện kể góp phần tạo nên bản thân chúng ta và
giúp chúng ta truyền những tri thức đó đến những lớp người kế tiếp.
Phản ứng chủ yếu của các chính phủ về nạn tiêu diệt
lịch sử là cấm buôn bán các hiện vật và tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Điều
này là rất cần thiết vì nhiều lý do, bao gồm thực tế là những kẻ phá hủy các di
tích văn hóa, bắt làm nô lệ và giết đàn ông, đàn bà và trẻ em vô tội, đã có được
nguồn lực mà chúng cần một phần nhờ việc bán những kho báu cướp được. Công ước
Hague năm 1954 kêu gọi các quốc gia không nhắm vào các di tích văn hóa và tránh
sử dụng chúng vì mục đích quân sự, như xây dựng trân địa, đóng quân hay tích trữ
vũ khí. Mục đích của việc này rất rõ ràng: bảo vệ và lưu giữ quá khứ.
Tuy nhiên, ta không nên thổi phồng tầm quan trọng của
những hiệp ước quốc tế như vậy. Chúng chỉ áp dụng cho những chính phủ đồng ý trở
thành thành viên của Công ước này. Không có một hình phạt nào cho việc làm ngơ
hay rút khỏi Công ước 1954. Cả Iraq và Syria đã làm ngơ nó, và Công ước cũng
không áp dụng cho các chủ thể phi quốc gia (như ISIS). Hơn nữa, cũng không có
cơ chế hành động nào trong trường hợp một thành viên của Công ước hoặc ai khác
có những hành động mà Công ước muốn ngăn chặn.
Sự thật đau đớn là có rất ít điều cộng đồng quốc tế
có thể làm ngoài việc viện dẫn thường xuyên Hiệp ước này. Thật vậy, trong một
thế giới không mong muốn thực hiện trách nhiệm bảo vệ con người, như ta đã thấy
gần đây nhất ở Syria, thì sẽ khó có thể hợp sức được để bảo vệ các tượng đài,
văn tự, hay các bức tranh.
Không gì có thể thay thế được cho việc ngăn chặn những
kẻ sẽ phá hủy các tài sản văn hóa trước khi chúng kịp làm vậy. Trước những
đe dọa chính của ngày hôm nay với quá khứ, điều này có nghĩa là cần thuyết phục
các thanh niên tránh xa con đường cực đoan, làm chậm dòng chảy của việc tuyển mộ
tân binh và nguồn lực tới các nhóm cực đoan, thuyết phục chính phủ triển khai cảnh
sát và các đơn vị quân đội nhằm bảo vệ các khu vực có giá trị, và, khi cần thiết,
tấn công những kẻ khủng bố trước khi chúng kịp ra tay.
Nếu chính phủ là căn nguyên của sự đe dọa đối với
các di tích văn hóa, các biện pháp trừng phạt có thể là một công cụ hợp lý hơn.
Lên án, truy tố, buộc tội, và bỏ tù những kẻ phá hoại có thể sẽ là một tấm
gương cho những kẻ khác – tương tự như cách ngăn chặn việc dùng vũ lực với con
người.
Cho tới lúc đó, tiêu diệt lịch sử vẫn sẽ vừa là một
mối đe dọa, và như chúng ta thấy, vừa là một thực tế. Quá khứ vẫn sẽ bị đe dọa,
tương tự như hiện tại và tương lai vậy.
*
Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại
(CFR), nguyên là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
(2001–03), đặc phái viên của Tổng thống George W.Bush tại Bắc Ireland, và Điều
phối viên của chương trình Tương lai của Afghanistan. Ông là tác giả cuốn A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the
Old Order.
Hình: Bức tượng Phật lớn ở Bamiyan trước khi bị
Taliban phá hủy.
Copyright: Project Syndicate 2017 – The
Politics of Historicide
Nguồn: Richard N. Haass, “The
Politics of Historicide”, Project Syndicate, 24/02/2017.
No comments:
Post a Comment