Trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ “máu” không đơn giản chỉ
một bộ phận cơ thể hay “thiếu máu” không phải dùng để chỉ một nguyên nhân ảnh
hưởng đến sức khỏe như tại các nước khác mà còn khơi dậy nỗi đau đã in sâu
trong nhận thức con người.
Nhắc tới chuyện thiếu máu năm nay, không thể quên có
một thời Việt Nam dư thừa máu. Đâu cũng đều thấy máu. Máu chảy đầy sông. Máu ngập
ruộng đồng. Máu loang đường phố. Thừa đến nỗi, máu của nhiều triệu người Việt
đã đổ xuống không chỉ để thỏa mãn tham vọng bành trướng của Mao và CS quốc tế
mà còn giúp các quốc gia vùng Đông Nam Á đang nghèo nàn bỗng trở nên giàu có.
James Macdonald trong tác phẩm When Globalization
Fails: The Rise and Fall of Pax Americana, nhắc lại câu nói của cố TT
Singapore Lý Quang Diệu,
chiến tranh Việt Nam (đúng ra nên gọi “máu Việt Nam”) đã “giúp các quốc gia
Đông Nam Á có thêm thời gian” để nâng cao mức sống, bởi vì nếu không, “Đông Nam
Á chắc chắn đã lọt vào tay CS”. [1]
Đọc câu nói của cố TT Lý Quang Diệu và tìm hiểu các
diễn biến chính trị trong cuộc chiến Việt Nam sẽ thấy ngay từ đầu cuộc chiến,
nhiều triệu người Việt đã đổ máu một cách oan uổng cho ý thức hệ CS và bá quyền
Trung Cộng chứ chẳng phải để “giải phóng dân tộc” hay “thống nhất đất nước” như
hệ thống tuyên truyền của đảng nhồi nhét vào nhận thức của các thế hệ Việt Nam
từ 1945 đến nay.
Máu
Việt Nam, tham vọng Mao Trạch Đông
Đảng CSVN không chế tạo được một khẩu súng, một viên
đạn, một túi lương khô nào nhưng có khả năng rút máu của nhân dân Việt Nam để
cung cấp cho tham vọng của Mao.
Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại
Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng. Theo
William J. Duiker trong Ho Chi Minh: A Life, Stalin nói với Hồ Chí Minh
tại Moscow "Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự
giúp đỡ của Liên Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của
chúng tôi còn rất nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngã Trung
Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ
giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp."
Tới phiên Mao, y cũng lần nữa xác định với Hồ "Bất cứ những gì Trung Quốc
có mà Việt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp."
Từ đó, Mao sử dụng đảng CSVN như những tay sai trung
thành phục vụ cho lòng căm thù Mỹ của riêng y và bảo vệ vùng an toàn phía nam của
Trung Cộng. CSVN, cũng từ đó, hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không chỉ
phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả
cách nói, cách ăn mặc, cách hôn hít, chào hỏi.
Sự thù địch Mỹ trong lòng Mao bắt đầu từ thời gian
Mao còn ở Diên An khi tàn quân của Mao bị quân Tưởng Giới Thạch bao vây và Mỹ lại
công khai tuyên bố chỉ ủng hộ phe Tưởng. Lòng thù hận dâng cao sau xung đột Eo
Biển Đài Loan, và trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn
quân Trung Cộng bị giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng
và gần gũi nhất của Mao. Đối với Mao kẻ thù số một là Mỹ. [2]
Mao chỉ thị toàn bộ bộ máy tuyên truyền tại Trung Cộng
phải chống Mỹ bằng mọi cách. Chống Mỹ từ xa, chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý
luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có mặt Mỹ và chống Mỹ khi chưa có mặt
Mỹ.
Theo lệnh Mao, trong hội nghị lần thứ sáu của Trung
ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và bộ chính trị
đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của
nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân
Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”. [3]
Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được thai nghén từ
quan điểm và thời điểm này. Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” phải
hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt. Lý do, trong thời điểm 17 tháng 7,
1954 chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở miền Nam Việt Nam. Hôm đó,
ngay cả hiệp định Geneva cũng còn chưa ký.
Đọc các tài liệu trong thời kỳ chống Pháp để thấy
Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc
chọn ngày, chọn tháng cần phải chiếm cho được Điện Biên Phủ. Theo Qiang Zhai,
trong tác phẩm China and Vietnam war 1950-1975, Mao đã theo dõi một cách
tường tận và chỉ thị một cách chi tiết cho từng sư đoàn Việt Minh trong mặt trận
Điện Biên Phủ. [4]
Người viết xin mở ngoặc ở đây. Điều đó không có
nghĩa những người Việt Nam đã hy sinh dù trong màu áo “Việt Minh”, trên đường tấn
công vào bản doanh của tướng de Castries là những người đánh thuê cho Trung Cộng
hay phục vụ một cách có ý thức cho chủ trương nhuộm đỏ Việt Nam của CS Quốc Tế.
Không. Họ không biết điều đó. Đa số nông dân tay lấm chân bùn kia là những người
Việt Nam yêu nước và họ đã chết trong ước mơ một ngày Việt Nam sẽ thực sự là một
nước tự do, độc lập. Lòng yêu nước chân thành và trong sáng của họ sẽ không rơi
vào quên lãng.
Nhuộm
máu Miền Nam
Kiên trì với mục đích CS hóa Việt Nam đề ra từ 1930,
vào tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động sau khi biết rằng việc
chiến Miền Nam bằng phương tiện chính trị không thành, đã quyết định chiếm Miền
Nam bằng võ lực dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.
Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công
nghệ của CSVN trong bài viết Đã Đến Lúc Cần Phải Đối Thoại đăng trên mạng
Bauxit Viet Nam hôm 23/08/2016 cũng thừa nhận nguyên nhân sâu xa của thực
trạng bi thảm tại Việt Nam hiện nay phát xuất từ lý do ý thức hệ:“Nguyên
nhân gốc rễ của mọi ý kiến bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những
điều bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh đảng
CSVN và Hiến pháp nước CHXHCNVN”. [5]
Đảng CSVN từ ngày thành lập 3 tháng 2, 1930 đến nay
đã có cả thảy 4 cương lĩnh đảng, gồm 3 cương lĩnh về “cách mạng dân tộc dân chủ”
và 1 Cương lĩnh “về thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa”. Nội dung có thay đổi trong mỗi thời kỳ nhưng mục tiêu tối hậu vẫn
không thay đổi như Nguyễn Thanh Tâm thuộc Viện Lịch sử Đảng khẳng định: "chủ
trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng
sản. Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam.”[6]
Người viết cám ơn Gs Chu Hảo cuối cùng đã thấy ra điều
đó. Rất tiếc giải pháp giáo sư đưa ra lại là “đối thoại”, một giải pháp không
đúng với lý luận lẫn thực tế chính trị như đã diễn ra tại các quốc gia cựu CS
Đông Âu và Liên Xô.
Từ ngày thành lập tại Hong Kong năm 1930, dù hoạt động
dưới nhiều danh xưng (đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở
Đông Dương, đảng Lao động Việt Nam, đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam, đảng Cộng
sản Việt Nam) nhưng đảng luôn kiên trì và hoàn toàn nhất quán về mục đích nhuộm
đỏ Việt Nam.
Máu
Việt Nam giúp các nước Đông Nam Á có cơ hội làm giàu
Trong khi máu của nhiều triệu người Việt trên cả hai
miền Nam Bắc đổ xuống cho ý thức hệ CS và tham vọng của Mao Trạch Đông, các quốc
gia Đông Nam Á tận dụng thời gian và cơ hội để phát triển kinh tế như TT Lý
Quang Diệu thừa nhận.
Lấy thời điểm 1965 khi chiến tranh Việt Nam gia tăng
cường độ, nền kinh tế Singapore tính theo GDP theo đầu người chỉ vào khoảng 500
đô la, tương đương với Mexico và Nam Phi. Năm 2015, GDP theo đầu người của
Singapore lên đến 56 ngàn đô la, ngang với Đức.
Phát triển nhanh không kém với Singapore là Nam Hàn.
Trong thập niên từ 1950 đến 1960 Nam Hàn là một trong những quốc gia nghèo nhất
thế giới, nghèo hơn cả Nam Việt Nam, Bolivia và Mozambique, nhưng ngày nay, quốc
gia này giàu hơn cả Tây Ban Nha và New Zealand. [7]
Các quốc gia khác trong vùng từ Thái Lan đến Nam
Dương, Mã Lai đều phát triển nhanh chóng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam nhờ
chính sách đầu tư rộng rãi của Mỹ để lấy lòng đồng minh nhằm bao vây và ngăn chận
CS lan tràn.
Mọi
việc đều có nguyên nhân
Mùa Giáng Sinh vừa rồi, giáo sư Tương Lai trong bài
viết Nhớ Lại Mùa Giáng Sinh B-52 đăng trên nhiều báo trong nước vẫn tiếp
tục một giọng điệu tuyên truyền đã được đảng lặp đi lặp lại hơn 40 năm qua: “Hiểu
thêm những điều này để càng thấy rõ xương máu của các chiến sĩ và nhân dân ta
trong một cuộc chiến không cân sức giữa biết bao những toan tính lợi ích của
các nước lớn là đau đớn và uất hận đến thế nào cho thân phận một nước nhỏ trong
trùng điệp những mưu mô được khoác ra ngoài những tấm áo sặc sỡ! “ [8]
Thưa giáo sư, mọi việc trên đời đều có nguyên nhân.
Nếu chịu lắng lòng và suy nghĩ, ông sẽ truy ra được
nguồn gốc của chiến tranh Việt Nam. Tại sao Mỹ không ném bom hay can thiệp vào
nội bộ Senegal, Tunisia, Morocco hay hàng trăm thuộc địa khác của Pháp mà chỉ
can thiệp vào thuộc địa Việt Nam?
Ngay cả trong cuộc chiến tranh giành độc lập đẫm máu
của Algeria chống thực dân Pháp, dù là đồng minh lâu năm với lãnh tụ Pháp de
Gaulle, Mỹ đã công khai bày tỏ cảm tình với lý tưởng độc lập, tự do của nhân
dân Algiera và xem xung đột Algeria là chuyện nội bộ của Pháp. [9]
Sau Thế chiến Thứ hai Mỹ chủ trương giải thực nhưng
sự đe dọa của Trung Cộng và CSVN đã làm Mỹ thay đổi chính sách đối với Á Châu.
TT Richard Nixon thừa nhận việc Mỹ đã đổ nhiều trăm triệu đô la giúp Pháp chỉ với
mục đích duy nhất là ngăn chận làn sóng đỏ CS từ Bắc Kinh xuống Đông Nam Á qua
ngã Hà Nội. Sau khi Pháp rút, Mỹ đã cố gắng hết sức trong nhiều năm để bảo vệ Miền
Nam.
Nếu chịu lắng lòng và đọc lại các sử liệu quốc tế,
ông cũng biết, trong suốt cuộc chiến Việt Nam, Mỹ không hề chủ trương đổ bộ lên
Hải Phòng như đã từng đổ bộ Incheon tháng 9, 1950 để mở đường tấn công Bắc Hàn.
Miền Nam trong hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa cũng không có ý định chiếm
đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Sau gần một trăm năm chịu
đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích của nhân dân miền
Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam
thành một nước cộng hòa hiện đại.
Sau Thế chiến Thứ hai, phong trào giải thực được
phát động từ Á sang Phi. Phần lớn các dân tộc bị trị đã giành lại nền tự chủ bằng
các cuộc vận động hòa bình hay được trao trả quyền độc lập, riêng Việt Nam thì
không. Việt Nam tiếp tục chìm sâu trong biển máu ý thức hệ cho đến 1975 và rồi
tiếp tục chịu đựng nghèo nàn, độc tài, lạc hậu cho đến hôm nay.
Không cần phải một giáo sư mà một người bình thường
cũng biết chính cơ chế chính trị, kinh tế và văn hóa độc quyền cộng sản hiện nay
là nguyên nhân tạo ra tình trạng chậm tiến của đất nước, và do đó cần phải được
tháo gỡ càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt.
Đừng tiếc nuối.
Trần
Trung Đạo
[1] James Macdonald, When Globalization Fails: The
Rise and Fall of Pax Americana, 2015
[2] Seymour Topping, the former managing editor of
the New York Times. China vs. the US: The Roots of a Love-Hate Relationship
(Part 1), World Policy Journal, Dec 14, 2011.
[3] Lịch sử Việt Nam, Chương IV: Đảng Lãnh Đạo Cách
Mạng xã hội chủ nghĩa ở miềN Bắc Và kháng chiến chống Mỹ, cứu Nước(1954-1975)
[4]Quang Zhai, China & The Vietnam Wars,
1950-1975, University of North Carolina Press, 2000.
[5] Chu Hảo, Đã đến lúc cần phải đối thoại, Bauxit
Viet Nam, 23/08/2016
[6] Nguyễn Thanh Tâm, Viện Lịch sử Đảng- Học viện
Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt
Nam, Tuyên Giáo, 31/1/2010
[7] South Korea: One of the World’s Great Success
Stories Heads to the Polls
[8] Tương Lai, Nhớ lại mùa giáng sinh B-52 (Mênh
mông thế sự 58), Bauxit Viet Nam, 26/12/2016
[9] France and the Algerian War, 1954-1962:
Strategy, Operations and Diplomacy, Martin S. Alexander, J.F.V. Keiger, pp
148-150
No comments:
Post a Comment