Thursday, January 5, 2017

VIỄN ẢNH VỀ MỘT CHÍNH QUYỀN DONALD TRUMP (Phạm Đỗ Chí)




Phạm Đỗ Chí
January 4, 2017

Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump đã bổ nhiệm gần xong thành phần nội các mới, và theo ý người viết, đây là những khuôn mặt khá ấn tượng với thành tích và kinh nghiệm nhất là về kinh doanh.

Nổi bật là có khá nhiều tỷ phú đã thành công lớn trong thương trường như chính vị tổng thống Hoa Kỳ tương lai. Tuy vậy nhìn kỹ không khỏi có chút dè dặt là thiếu hẳn những bộ óc chiến lược, nhất là về chính trị ngoại giao, và ngay cả về kinh tế tài chính.

Đa số các vị bộ trưởng chờ được Quốc Hội phê chuẩn là những “operators” (người hoạt động) và hiếm có strategists (nhà kế hoạch hay chiến lược gia) với lý thuyết đã được vạch ra trong một cuốn sách hay các bài báo đã có (kiểu Henry Kissinger chẳng hạn).

Ông Trump có thể dựa vào Ban Tham Mưu cho ông từ Tòa Bạch Ốc hay các thứ trưởng tương lai để lấp khoảng trống đó. Thí dụ rõ nhất là như ở Bộ Ngoại Giao, ông dự trù sẽ bổ nhiệm nhà chính trị và ngoại giao lão thành John Bolton vào vai trò số 2 (thứ trưởng) và chọn Rex Tillerson làm ngoại trưởng. Ông Tillerson là một tay thương thuyết lão luyện trong ngành dầu hỏa Thế giới. Ông cũng là người quen biết nhiều lãnh đạo các quốc gia sản xuất dầu, đặc biệt với Tổng Thống Nga Putin. Điều này cho thấy ông Trump đã chuyên chú tâm về kinh tế thương mại ngay cả trong địa hạt chính trị quốc tế.

Ngoài ra việc thiết lập ở Tòa Bạch Ốc một Ban Tham Mưu riêng về mậu dịch (White House Trade Council) cũng nằm trong chiến lược này của ông Trump. Đáng chú ý là chủ tịch của ban này lại là Giáo Sư Peter Navarro (tác giả cuốn “Death by China”) một người nổi tiếng cứng rắn chống chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Dựa trên cuốn “Death by China,” nhiều người kỳ vọng Ông Navarro sẽ đưa ra một chính sách thương mại mới để đối phó với Trung Quốc hầu tái cân bằng cán cân mậu dịch.giữa hai nước.

Nhưng cú nặng nhất có thể là ông Trump sẽ áp đặt một sắc thuế nhập khẩu 35%-45% lên hàng nhập cảng từ Trung Quốc, vì thấy rằng chính sách buộc Trung Quốc tăng tỷ giá của đồng Nhân Dân Tệ (NDT) với đồng đô la (USD) sẽ khó thành công. Nguyên do giản dị là Trung Quốc sẽ để tiền NDT bị phá giá thêm hầu làm hàng hóa rẻ hơn và cạnh tranh hơn. Nhưng quan trọng nhất là với chính sách “bao vây” của Mỹ, dân chúng Trung Quốc sẽ mất tin tưởng và bán tống tháo tiền NDT lấy USD và các ngoại tệ mạnh khác để “chạy trốn” hay chuyển ra ngoài nước, như họ đã làm từ 2 năm qua. Biến cố này đã khiến khối dự trữ ngoại tệ Trung Quốc giảm 1/4 từ 3200 tỷ USD xuống còn khoảng 2400 tỷ trong hiện tại. Nếu Hoa Kỳ làm mạnh tay hơn nữa để “đập” Trung Hoa thì không loại trừ khối dự trữ đó sẽ xuống nhanh còn một nửa và tiền NDT sẽ sụp đổ nhanh hơn nữa khoảng 8-9 NDT/1 USD.

“Nói tóm tắt, Hoa Kỳ nắm trong tay hai vũ khí đơn giản dễ thực hiện vượt sức chống cự của Chính phủ Trung Quốc là: 1) thuế suất 35%-45% trên hàng nhập cảng từ TH và 2) kích thích khủng hoảng lòng tin của dân chúng Trung Quốc khiến tiền NDT sụt giá mạnh.”

Đó mới là cú kích hoạt mạnh nhất làm kinh tế Trung Quốc sụp đổ nhanh chóng. Nhưng có thể chính phủ Trump phải làm từ từ hơn trong 12 tháng đầu để tránh việc đưa kinh tế thế giới vào cơn khủng hoảng nghiêm trọng mới, làm phương hại đến kinh tế Hoa Kỳ.

Các chiến lược gia thương mại của Tòa Bạch Ốc có lẽ phải rất đắn đo khi đương đầu với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc khiêu khích hơn về quân sự ở Biển Đông thì liệu Tòa Bạch Ốc có ra tay mạnh hơn?

Trump-China-Putin

Nhiều người cũng kỳ vọng ông Trump sẽ giữ lời hứa khi tranh cử là làm cho nước Mỹ mạnh trở lại (America Great Again), nhưng đồng thời cũng mong ông và các cố vấn không quá ngây thơ với tay cáo già cựu tư lệnh tình báo Nga KGB, Tổng Thống Vladimir Putin. Họ cũng khuyên chính quyền Donal Trump hãy đề cao cảnh giác trước chiến lược ngoại giao thủ lợi của Trung Quốc để bảo toàn quyền lợi của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong hai lĩnh vực chính trị và quân sự.

Ngoài lập trường rõ ràng với Trung Hoa, chính phủ (CP) Trump lại chưa có chính sách rõ rệt về Á Châu và Thái Bình Dương. Hai chữ Việt Nam lại còn vắng hẳn trên lịch làm việc (agenda) của ông Trump.

Nổi bật và đang gây xao động là ông Trump có thể sẽ không muốn duy trì chính sách “một nước Trung Quốc” (One China) của các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Ông Trump tuyên bố trong chương trình “Fox News Sunday” (11 Tháng Mười Hai, 2016) rằng Hoa Kỳ không cần thiết phải bị ràng buộc vào chính sách “một nước Trung Quốc,” ngoại trừ khi chúng ta đạt được những thỏa thuận khác với Trung Quốc, kể cả vấn đề mậu dịch. (I don’t know why we have to be bound by a ‘one China’ policy unless we make a deal with China having to do with other things, including trade.)

Trung Quốc tất nhiên bị “nhột” nhiều khi nghe điều này, nhất là khi ông Trump nhấc điện thoại nói chuyện đơn phương với Bà Tổng thống Đài loan Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) như một khiêu khích. Nhiều người lại còn chờ ngày ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đón tiếp chính thức Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ lưu vong Tây Tạng để biết thêm phản ứng của Bắc Kinh.

Có thể sẽ bực tức hơn nhưng Trung Quốc có lẽ còn phải đối phó với nhiều cú đấm kinh tế ngoạn mục khác từ Ban Tham Mưu Thương Mại của Tòa Bạch Ốc Donal Trump.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng khi thân thiện với Nga về cả mặt chính trị lẫn kinh tế, Hoa Kỳ sẽ rảnh tay “đối phó” với Trung Quốc hơn. Và như một trao đổi, có thể chính phủ Trump sẽ chấp nhận mức giá dầu hỏa cao hơn như 60-70 USD/thùng (từ mức 50 USD hiện nay), để giúp Nga sớm hồi phục về kinh tế, bất chấp những cấm vận về kinh tế thương mại do khối Âu – Mỹ áp đặt để trừng phạt nước Nga đã đem quân chiếm phần đất Crimea của Ukraien năm 2014.

Ngoài ra, chính phủ Trump cũng hy vọng khi nâng cao giá dầu, Hoa Kỳ sẽ giúp khối OPEC nhiều hơn về kinh tế để mong khối này giúp tiêu diệt hay cô lập dần nhóm khủng bố ISIS.
Điểm yếu hiện tại của chính phủ Trump trong một trận chiến tỷ giá với Trung Quốc là đang thiếu mối liên kết cần thiết giữa Tòa Bạch Ốc, Bộ Tài Chính và Quỹ Dự trữ liên bang FED để có chính sách kinh tế với tầm vóc rõ rệt.

Vì vậy ông Trump đã đề cử chuyên gia tài chính Steven Terner Mnuchin giữ Bộ Tài Chính. Ông Mnuchin là một nhà đầu tư ngân hàng (investment banker) thành công nhưng không phải là nhà kinh tế chiến lược. Vì vậy ông rất cần bàn tay trợ giúp của bà Janet Yellen bên FED.

Trump – Châu Á và Việt Nam

Đối với Châu Á, chính phủ Trump dự đoán sẽ không “xoay trục về Á Châu” nữa, như đã theo đuổi bởi Tổng Thống Barrack Obama do chính bà Hillary Clinton khởi xướng và ông John Kerry tiếp tục. Ngược lại Donald Trump sẽ tìm cách “tái cân bằng Á Châu” (Rebalancing Asia). Các chuyên gia cho rằng chính quyền Trump sẽ tìm cách giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực nhưng sẽ tăng cường vai trò của Nhật Bản, Nam Hàn và Đài loan là những đồng minh mạnh về kinh tế của Hoa Kỳ ở Á Châu.

Trong khi đó thì Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, hay TPP (Trans-Pacific Partnership) của khối 12 nước, kể cả Việt Nam, dự trù sẽ không còn. Một hiệp ước thương mại đa phương khác thay thế cho TPP, như một số người mong đợi, cũng sẽ khó thành hình.
Lý do vì TPP đã mất bảy năm để thương thảo rồi, bây giờ Hoa Kỳ không muốn đưa ra quốc hội để phê chuẩn thực hiện và có lẽ cho chìm xuồng luôn, thì làm sao lại muốn mất thêm ít năm nữa để thương thuyết một hiệp ước đa phương khác. Có lẽ Hoa Kỳ sẽ thay thế bằng một số hiệp ước song phương với vài đối tác mạnh để chiếm ưu thế xuất cảng và để duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu-Thái Binh Dương.

Đây có lẽ sẽ là điểm then chốt trong chính sách tương lai của Hoa Kỳ.

Vậy chính sách Á Châu mới của Donald Trump ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào ?

Như đã nêu, Việt Nam đang chỉ là tờ giấy trắng trong agenda của chính phủ Trump. Cá nhân ông Trump có lẽ cũng chỉ mơ hồ là Việt Nam đang hưởng lợi trên đầu Hoa Kỳ như Trung Quốc về chính sách kinh tế toàn cầu (globalization) khiến công nhân Hoa Kỳ bị thiệt thòi.

Nhưng Việt Nam cũng phải lo ngại nếu Hoa Kỳ không thay thế TPP bằng một hiệp ước đa phương khác. Sự thiếu một chính sách rõ rệt của chính quyền Trump trong tương lai sẽ gây cho Việt Nam và một số các nước Đông Nam Á khác hai mối lo chính.

Về chính trị, Hoa Kỳ sẽ mở ra một khoảng trống (“vacuum”) và sẽ khuyến khích Trung Quốc càng tự tung tự tác về chính trị và quân sự ở Biển Đông.

Về kinh tế thương mại, Việt Nam sẽ dễ sa vào tay Trung Quốc với một hiệp ước đa phương riêng do Trung Quốc cầm đầu với một số đàn em trung thành như Lào và Cambodia. Do đó Việt Nam sẽ khó mà “thoát Trung” như một số giới hữu trách mong ước. Nhất là trước sức hấp dẫn của một Quỹ Phát Triển Hạ Tầng do Trung Quốc tài trợ mà đã có một số chuyên gia của Việt Nam đã kiến nghị nhà nước nên sử dụng để lấy vốn phát triển trong 5-10 năm tới.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu để sa vào cái bẫy của tài trợ của Trung Quốc thì Việt Nam khó có thể cầm cự một mình!

Vậy Việt Nam phải làm gì? Tất nhiên sự chú ý của chính phủ Trump tới Việt Nam trong 1-2 năm tới hoàn toàn tùy thuộc vào chính sách cải cách của Việt Nam cho chính mình và trong bang giao với Hoa Kỳ. Các cải tổ về dân chủ và nhân quyền tất nhiên phải đi đầu để gợi sự chú ý của quốc tế và nhất là Hoa Kỳ. Tiếp theo là các nỗ lực tái cơ cấu kinh tế theo chiều hướng thị trường sẽ làm Việt Nam mạnh hơn để trở thành một đối tác song phương xứng đáng với Hoa Kỳ như Nam Hàn và Đài loan. Với vị trí địa chính trị ưu đãi, biết đâu Hoa Kỳ không coi Việt Nam như là một trục mới để đối đầu với Trung Quốc. Doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể sẽ dời hãng xưởng từ Hoa Kỳ sang Việt Nam để tìm nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc và Thái Lan.

Các đường lối cần làm theo của Việt Nam đã quá rõ trong mắt chuyên gia, nhưng liệu Việt Nam có tỉnh sớm để nắm lấy cơ hội hay có nổi quyết tâm thay đổi thể chế và chính sách như Miến Điện đã làm trong vài năm mới đây hay không?

------------------------

Nguyễn-Xuân Nghĩa
January 2, 2017







No comments: