Wednesday, January 11, 2017

TỔNG THỐNG OBAMA ĐỌC DIỄN VĂN CHIA TAY (tin tổng hợp)




11/1/2017

Obama: 'Nền dân chủ cần các bạn'

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân bảo vệ nền dân chủ trong bài diễn văn chia tay ở Chicago.
"Nước Mỹ là quốc gia tốt đẹp và mạnh hơn" tám năm trước, ông nói trước hàng ngàn người ủng hộ.
Nhưng ông cảnh báo "nền dân chủ đang bị đe dọa bất cứ khi nào chúng ta xem đó là điều hiển nhiên".
Ông nhắn nhủ người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xem xét những vấn đề xã hội từ nhiều góc độ và nói rằng "chúng ta phải chú ý và lắng nghe".

Ông Obama nhấn mạnh vào nền dân chủ Mỹ trong bài phát biểu chia tay. REUTERS

Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, 55 tuổi, được bầu năm 2008 với thông điệp đem lại hy vọng và thay đổi.
Người kế nhiệm ông, Donald Trump, tuyên bố sẽ hủy bỏ một số chính sách mang dấu ấn của ông Obama. Ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1.
Bằng giọng điệu lạc quan, ông Obama nói rằng việc chuyển giao quyền lực êm thắm giữa hai tổng thống là "dấu ấn" của nền dân chủ Mỹ.
Nhưng ông vạch ra những mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ: bất bình đẳng kinh tế, chia rẽ sắc tộc.

'Trở lại nơi mọi thứ bắt đầu'
Trở lại Chicago, nơi ông tuyên bố chiến thắng trong cuộc tranh cử năm 2008, ông Obama đưa ra thông điệp tích cực đến người Mỹ sau cuộc bầu cử chia rẽ với kết quả ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton.
Ông Obama nói rằng giới trẻ Mỹ ​​khiến ông cảm thấy "lạc quan hơn về đất nước hơn khi bắt đầu nhiệm kỳ".
Chọn Chicago thay vì Nhà Trắng để phát biểu chia tay, ông Obama trước đó nói rằng ông muốn trở về "nơi mọi thứ bắt đầu" với ông và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Ông Obama cảm ơn vợ Michelle và các con. REUTERS

Bài phát biểu được nhắm đến tất cả người Mỹ, kể cả những người ủng hộ Trump, các quan chức cho biết.
Chuyến đi Chicago là chuyến bay cuối cùng, hành trình lần thứ 445 của ông Obama với tư cách tổng thống trên chiếc Air Force One.
Hơn 20.000 người chứng kiến bài diễn văn từ biệt của ông tại McCormick Place, trung tâm hội nghị lớn nhất Bắc Mỹ.
Đây cũng là nơi ông đọc bài phát biểu sau khi đánh bại Mitt Romney trong cuộc bầu cử năm 2012.
Vé tham dự sự kiện được phát miễn phí, nhưng được bán lại trực tuyến với giá hơn 1.000 đôla trong những giờ trước.
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, vợ chồng Phó Tổng thống Joe Biden có mặt tại sự kiện.
Ông Obama nói về vợ trong bài diễn văn chia tay: "Trong 25 năm qua, em không chỉ là vợ tôi và mẹ của các con tôi, mà còn là người bạn tốt nhất của tôi.
Em nắm giữ vai trò mà em không đòi hỏi và làm điều ấy với sự duyên dáng, can đảm, phong cách và sự hài hước của riêng em. Em khiến Nhà Trắng trở thành một nơi thuộc về tất cả mọi người".
Diễn văn chia tay của tổng thống là truyền thống lâu đời của chính trị Mỹ.
Cựu tổng thống George W Bush và Bill Clinton đọc diễn văn từ biệt tại Nhà Trắng, trong khi George Bush cha phát biểu chia tay tại học viện quân sự West Point.
Khi rời nhiệm sở, Tổng thống Obama được 57% người Mỹ ủng hộ, theo thăm dò của AP và trung tâm NORC, tỷ lệ tương tự với Bill Clinton khi ông này rời Nhà Trắng.

-----------------------


Dân Trí
Thứ Tư, 11/01/2017 - 13:25

Tối ngày 10/1 giờ Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu từ biệt đầy xúc động tại thành phố quê nhà Chicago trước khi mãn nhiệm vào ngày 20/1 tới. Dưới đây là lược dịch bài phát biểu của ông.

Tổng thống Obama phát biểu tại Chicago tối ngày 10/1 (Ảnh: Reuters)

Thật tuyệt vời khi được trở về nhà.
Hỡi người dân Mỹ, tôi và Michelle vô cùng cảm động trước những lời chúc tốt lành mà các bạn đã dành cho chúng tôi trong những tuần qua. Tuy nhiên, tối nay, đến lượt tôi nói lời cảm ơn… Các bạn chính là người giúp tôi luôn thành thực, mang lại cảm hứng cho tôi và giúp tôi luôn hướng về phía trước. Tôi học được rất nhiều điều từ các bạn. Các bạn giúp tôi trở thành một tổng thống tốt, một người đàn ông tốt.

Tôi đến Chicago lần đầu tiên khi ngoài 20 tuổi, khi đó tôi vẫn đang cố xác định xem tôi là ai và tìm kiếm mục đích của đời mình. Tôi bắt đầu làm việc cho một nhóm ở nhà thờ không xa nơi đây, gần đó có các nhà máy thép đóng cửa. Trên những con phố đó, tôi chứng kiến sức mạnh của niềm tin và nỗ lực thầm lặng của những người lao động đang đối mặt với mất mát và khó khăn.

Đó là nơi tôi học được rằng thay đổi chỉ xảy ra khi có những con người bình thường tham gia, gắn kết vì nhu cầu đổi thay. Sau 8 năm làm Tổng thống, tôi vẫn tin vào điều đó. Và đó không chỉ là niềm tin của tôi. Đó là trái tim đang đập của nước Mỹ.

Có thể khẳng định rằng tất cả chúng ta được tạo ra bình đẳng, được Thượng đế trao những quyền không thể phủ nhận, trong đó có quyền được sống, được tự do và theo đuổi hạnh phúc. Trong 240 năm qua, lời kêu gọi của đất nước chúng ta về quyền công dân được coi là mục đích và nghĩa vụ của mỗi thế hệ. Vì lẽ đó mà những người yêu nước chọn chế độ cộng hòa thay vì chuyên chế, vì lẽ đó mà những người tiên phong mở rộng về phía tây, vì lẽ đó mà những người nô lệ quả cảm có thể xây nên chuyến tàu đến với tự do.

Đó cũng chính là điều chúng ta muốn nói rằng Mỹ là một đất nước phi thường. Không phải vì đất nước chúng ta hoàn hảo ngay từ đầu, mà là chúng ta cho thấy khả năng thay đổi và khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho những thế hệ mai sau.

Vâng, con đường để tới những thành tựu này không ít gập ghềnh, gian nan và đôi khi phải trả bằng máu. Để tiến hai bước, chúng ta thường phải lùi lại một bước. Tuy nhiên, chiều dài của nước Mỹ được thể hiện bằng xu hướng tiến lên phía trước và sự mở rộng không ngừng của nguyên tắc chấp nhận tất cả chứ không phải chỉ một số.

Nếu cách đây 8 năm tôi nói với các bạn rằng nước Mỹ sẽ vượt qua được một cuộc đại suy thoái, thúc đẩy ngành chế tạo ô tô, tạo ra một thời kỳ tăng trưởng việc làm dài nhất trong lịch sử; nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với người dân Cuba, ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không cần đến một viên đạn nào, và tiêu diệt kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9; nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta sẽ có được bình đẳng hôn nhân, mang lại bảo hiểm y tế cho thêm 20 triệu người dân..., các bạn có thể sẽ nói rằng tôi đặt mục tiêu hơi cao.

Nhưng đó thực sự là những gì mà chúng ta đã làm. Những gì các bạn đã làm. Chính các bạn là sự đổi thay. Các bạn đã trả lời nguyện vọng của người dân, chính nhờ các bạn, nước Mỹ đã trở nên tốt hơn và mạnh hơn so với khi tôi nhậm chức.

Trong 10 ngày tới, thế giới sẽ chứng kiến một cột mốc trong nền dân chủ của chúng ta: đó là sự chuyển giao quyền lực êm thấm từ một tổng thống do dân bầu cho người kế nhiệm. Tôi đã cam kết với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng chúng tôi sẽ đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ nhất có thể, giống những gì Tổng thống Bush đã làm với tôi. Bởi vì tất cả đều phụ thuộc vào chúng tôi trong việc bảo đảm rằng chính phủ của chúng ta có thể giúp nước Mỹ đương đầu với nhiều thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt.
Chúng ta có đầy đủ những gì cần thiết để làm được điều đó. Suy cho cùng, chúng ta vẫn là quốc gia giàu mạnh nhất, quyền lực nhất và được kính nể nhất trên trái đất này. Sức trẻ và động lực, sự đa dạng và cởi mở, cùng khả năng chấp nhận rủi ro vô hạn và sự đổi mới liên tục, tất cả những điều này đồng nghĩa với việc tương lai nằm trong tay chúng ta.

Vậy nhưng, những tiềm năng đó sẽ chỉ được phát huy nếu nền dân chủ của chúng ta được vận hành, nếu hệ thống chính trị của chúng ta phản ánh được sự đúng đắn của người dân, nếu tất cả chúng ta, bất kể đến từ đảng phái hay có lợi ích riêng biệt nào, có thể hồi sinh những suy nghĩ nhằm hướng tới một mục tiêu chung, vốn là điều mà chúng ta thực sự cần vào lúc này.

Đó là điều mà tôi muốn nhấn mạnh trong bài phát biểu tối nay - về thực trạng nền dân chủ của chúng ta.

Nền dân chủ sẽ không hoạt động nếu thiếu đi một điều rằng tất cả mọi người đều phải có cơ hội kinh tế. Ngày nay, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, lương bổng, thu nhập, giá trị của nhà cửa và các khoản lương hưu đều tăng trở lại, trong khi tỷ lệ nghèo đói đang giảm đi. Những người giàu đang đóng thuế công bằng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp gần đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ người dân không có bảo hiểm chưa bao giờ thấp hơn thế. Chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng với tỷ lệ chậm nhất trong vòng 50 năm qua.

Tuy nhiên, nhìn lại tất cả những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, chúng ta hiểu rằng như vậy vẫn là chưa đủ. Nền kinh tế không thể vận hành hiệu quả và tăng trưởng nhanh khi chỉ có một vài người ăn nên làm ra trong khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên. Trong khi chỉ 1% dân số chiếm phần lớn sự giàu có và thu nhập cao trong xã hội, thì vẫn còn có nhiều gia đình, sống cả ở những thành phố và vùng nông thôn, bị bỏ lại phía sau. Họ là những công nhân làm việc trong các nhà máy mà bị nợ lương, là những người phục vụ bàn và những nhân viên y tế đang hàng ngày phải chật vật chi trả cho các hóa đơn thanh toán.

Sẽ không thể giải quyết nhanh chóng vấn đề dài hạn này. Tôi đồng ý rằng nền thương mại của chúng ta nên công bằng, chứ không chỉ đơn thuần là tự do. Tuy nhiên, làn sóng chuyển biến kinh tế sắp tới không hẳn đến từ nước ngoài. Nó có thể xuất phát từ chính tốc độ tự động hóa ngày càng tăng trong nền kinh tế, khiến cho nhiều công việc của những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu trở nên lỗi thời.

Như vậy, chúng ta phải tạo ra một khế ước xã hội mới để đảm bảo rằng tất cả con em chúng ta đều được học tập đầy đủ, tạo điều kiện cho người lao động liên hiệp lại để có mức thu nhập tốt hơn, nâng cấp mạng lưới an sinh xã hội để phản ánh đầy đủ mức sống hiện nay và thực hiện cải cách thuế sao cho các tập đoàn và cá nhân được hưởng lợi nhiều nhất từ cơ cấu kinh tế mới không thể lảng tránh nghĩa vụ đóng thuế đối với đất nước đã giúp họ đạt được thành công như vậy.

Tôi cũng nhắc tới mối đe dọa thứ hai đối với nền dân chủ của chúng ta, cũng là mối đe dọa đã gắn liền với lịch sử nước Mỹ. Sau khi tôi nhậm chức, có nhiều người nói về một nước Mỹ phi sắc tộc. Mặc dù đây là ý kiến tốt nhưng đó không phải là một góc nhìn thực tế. Bởi lẽ, sắc tộc vẫn là vấn đề gây chia rẽ mạnh mẽ trong xã hội chúng ta. Tôi sống đủ lâu để biết rằng quan hệ giữa các sắc tộc hiện nay đã tốt hơn so với cách đây 10, 20 hay 30 năm. Các bạn có thể thấy điều đó không chỉ qua các con số thống kê, mà còn ở thái độ của giới trẻ Mỹ.

Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa đến được nơi cần đến. Tất cả chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu chúng ta không đầu tư vào con cái của những người nhập cư, chỉ vì chúng không giống với chúng ta, thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang làm tổn hại đến chính tương lai của con em mình. Bởi những đứa trẻ da màu ấy sẽ chiếm phần lớn trong lực lượng lao động Mỹ. Và nền kinh tế của chúng ta cũng không nhất thiết phải vận hành theo kiểu “kẻ thắng, người bại” như vậy. Như năm ngoái, thu nhập dành cho mọi sắc tộc, mọi lứa tuổi, cho cả nam và nữ đều tăng.

Để tiến về phía trước, chúng ta phải thúc đẩy luật chống phân biệt đối xử, trong việc thuê mướn, trong việc mua nhà, trong việc giáo dục và cả trong hệ thống pháp luật. Nhưng chỉ luật không thôi thì vẫn chưa đủ. Những trái tim cũng phải thay đổi.

Đối với những người da màu và những cộng đồng thiểu số khác, việc đấu tranh để giành lại công lý đồng nghĩa với các thách thức mà nhiều người trên đất nước này phải đối mặt. Đó là những người nhập cư, người tị nạn, người dân nghèo ở các vùng nông thôn, người Mỹ chuyển giới và thậm chí cả những người da trắng trung niên - nhóm người mà nếu nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như được tiếp nhận toàn bộ những gì thuận lợi nhất, nhưng thực chất cuộc sống của họ vẫn bị bủa vây bởi những thay đổi về kinh tế, văn hóa và công nghệ.

Dù chúng ta xuất xứ như thế nào thì cũng đều phải nỗ lực hơn. Chúng ta phải khởi đầu với tiền đề rằng mỗi một công dân đều yêu mến đất nước này nhiều như chúng ta, họ cũng coi trọng giá trị của lao động vất vả và gia đình như chúng ta. Con cái của họ cũng tò mò và tràn đầy hy vọng cũng như xứng đáng được yêu thương như con cái chúng ta.

Chúng ta đang ngày càng trở nên an toàn trong vỏ bọc của riêng mình, tới mức chúng ta chỉ chấp nhận những thông tin, dù chưa biết đúng hay sai, phù hợp với quan điểm của chúng ta, thay vì xây dựng quan điểm dựa trên những bằng chứng thực tế. Xu hướng này đang tạo ra mối đe dọa thứ 3 cho nền dân chủ.

Đó có phải là nguyên nhân khiến mọi người mất niềm tin vào chính trị. Làm thế nào mà các quan chức được bầu lại tức giận về thâm hụt ngân sách khi chúng ta đề xuất chi tiền cho chương trình học của trẻ em mẫu giáo, nhưng lại im lặng khi chúng ta cắt giảm thuế doanh nghiệp? Làm thế nào mà chúng ta có thể lờ đi những sai lầm về đạo đức trong đảng của mình, nhưng lại nhảy dựng lên khi đảng khác làm như vậy? Đó không chỉ đơn thuần là sự không trung thực, việc chúng ta tự chọn lọc những thông tin thực tế theo cách của mình chính là tự đánh bại chính mình. Mẹ tôi thường nói rằng, sự thật sẽ luôn bám theo bạn.

Ông Obama cùng vợ con trên sân khấu sau bài phát biểu chia tay tại Chicago (Ảnh: AP)

Về biến đổi khí hậu, trong 8 năm qua, chúng ta đã không còn phụ thuộc vào dầu mỏ của nước ngoài, tăng gấp đôi năng lượng tái tạo và dẫn dắt thế giới tới một thỏa thuận trong đó nhấn mạnh tới cam kết bảo vệ hành tinh. Tuy nhiên, nếu không có sự đoàn kết giữa các quốc gia, con em của chúng ta sẽ không có thời gian để tranh luận về tác động của biến đổi khí hậu, thay vào đó chúng sẽ phải đối đầu với những hậu quả của vấn đề này như các thảm họa môi trường, gián đoạn kinh tế và làn sóng người tị nạn bị ảnh hưởng vì môi trường.

Giờ đây, chúng ta có thể và nên tranh luận về cách tốt nhất giải quyết vấn đề trên. Tôi cho rằng quan điểm phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ phản bội các thế hệ tương lai mà còn phản bội tinh thần thiết yếu của quá trình đổi mới và cách giải quyết thiết thực vấn đề mà các thế hệ trước đã hướng dẫn. Đó là tinh thần, vốn thuộc về sự giác ngộ, đã giúp chúng ta trở thành cường quốc kinh tế. Đó cũng là tinh thần giúp nghiên cứu ra các loại thuốc chữa bệnh và thu nhỏ những chiếc máy tính vừa gọn trong túi quần.

Đó là tinh thần, dựa trên niềm tin vào lý trí và khát khao thực hiện, cũng như tính ưu việt của quyền về sức mạnh, đã cho phép chúng ta chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa Phát Xít và độc tài trong thời kỳ Đại suy thoái, và xây dựng một trật tự trên thế giới sau Thế Chiến II với các nền dân chủ khác. Đó là một trật tự không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự hoặc các đảng phái quốc gia mà còn cả các nguyên tắc như pháp trị, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí.

Tuy nhiên, trật tự đó đang bị thách thức. Đầu tiên, sự thách thức tới từ những tín đồ bạo lực, những kẻ tuyên bố rằng chúng đại diện cho Hồi giáo. Tiếp đó, những người coi thị trường tự do, dân chủ tự do và coi bản thân xã hội dân sự là mối đe dọa tới quyền lực của họ. Những thách thức đó đặt ra các vấn đề cho nền dân chủ của chúng ta hơn cả một vụ đánh bom xe hay tấn công tên lửa. Tôi cho rằng điều đó cho thấy tâm lý sợ thay đổi hay đó là nỗi lo ngại khi có người nói quan điểm khác hoặc cầu nguyện theo cách khác, cũng như đó là quan điểm coi thường pháp trị - điều luôn giúp giới lãnh đạo phải suy tính tới trách nhiệm bản thân khi đưa ra các hành động. Đâu đó vẫn còn quan điểm không chấp nhận những người bất đồng ý kiến hay có tư tưởng tự do, cũng như việc coi súng đạn hay bộ máy tuyên truyền là phương pháp tối thượng giúp giới cầm quyền xác định cái gì đúng và điều gì chính xác.

Nhờ vào sự quả cảm tuyệt vời của các lực lượng thuộc quân đội Mỹ, các cơ quan tình báo, lực lượng thực thi pháp luật và những nhà ngoại giao, không tổ chức khủng bố nước ngoài nào lên kế hoạch thành công và tiến hành tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ trong 8 năm qua, dù các vụ tấn công ở Boston và Orlando đã nhắc nhở chúng ta về mức độ nguy hiểm của quá trình cực đoan hóa con người. Có thể nói các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta đã hoạt động hiệu quả và thận trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã tiêu diệt được hàng trăm nghìn tên khủng bố, trong đó có cả Osama bin Laden. Liên minh quốc tế mà Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tiêu diệt được giới lãnh đạo của nhóm này và giành lại được khoảng một nửa lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát. Tôi tin rằng IS sẽ bị tiêu diệt và không ai đe dọa nước Mỹ có thể an toàn. Tôi muốn nhắn với tất cả những người làm việc trong các lực lượng an ninh rằng tôi cảm thấy tự hào khi được trở thành Tổng tư lệnh của các bạn trong 8 năm qua.

Tuy nhiên, cách bảo vệ cuộc sống của chúng ta đòi hỏi nhiều hơn sức mạnh của quân sự. Nền dân chủ có thể bị ảnh hưởng khi chúng ta sợ hãi. Do vậy, những công dân Mỹ hãy duy trì cảnh giác trước mối nguy tấn công từ bên ngoài, chúng ta cần phải phòng vệ trước sự suy yếu những giá trị vốn đã giúp chúng ta có được ngày hôm nay. Đó là lý do tại sao, trong 8 năm qua, tôi đã nỗ lực triển khai cuộc chiến chống khủng bố trên một cơ sở pháp lý vững chắc. Đó là lý do tại sao chúng ta đã chấm dứt những cuộc tra tấn, đóng cửa nhà tù ở Vịnh Guantanamo và cải cách các đạo luật về giám sát để bảo vệ sự riêng tư và nhu cầu tự do dân sự. Đó là lý do tại sao tôi từ chối phân biệt đối xử với những người Mỹ theo đạo Hồi. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể rút khỏi các cuộc chiến đấu để mở rộng nền dân chủ và tập trung cho quyền của con người, quyền phụ nữ và quyền của người đồng tính. Tôi cho rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa bè phái là một phần trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa độc tài và xâm lược dân tộc. Nếu phạm vi của tự do và sự tôn trọng đối với pháp trị bị thu hẹp trên thế giới, khả năng xảy ra chiến tranh ở trong và giữa các nước sẽ gia tăng, và nền tự do của chúng ta cuối cùng cũng sẽ bị đe doạ. Vì vậy, hãy cảnh giác, chứ đừng sợ hãi. IS luôn tìm cách sát hại thường dân vô tội song chúng không thể đánh bại nước Mỹ, trừ khi chúng ta phản bội Hiến pháp và các nguyên tắc của chúng ta trong cuộc chiến.

Những đối thủ của Mỹ như Nga hay Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp được ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới, trừ khi chúng ta từ bỏ những gì mà chúng ta đã ủng hộ lâu nay và tự biến bản thân trở thành một nước lớn khác chuyên đi bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn.
Trong suốt 8 năm qua, tôi đã nhìn thấy những gương mặt tràn đầy hy vọng của các cử nhân, những sĩ quan mới gia nhập…Tôi thấy các nhà khoa học giúp một bệnh nhân đã liệt toàn thân lấy lại được cảm giác, và giúp các cựu binh của chúng ta có thể đi lại được. Tôi thấy các bác sĩ, các tình nguyện viên giúp tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất hay dịch bệnh. Tôi thấy những em thơ nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ chăm sóc cho những người tị nạn.

Tôi đã đặt cả niềm tin đó vào sức mạnh đổi mới của người dân Mỹ và niềm tin đó đã được đền đáp theo cách mà chính tôi cũng không thể hình dung ra. Tôi hy vọng các bạn cũng có niềm tin này.

Các bạn không phải là người duy nhất (tôi muốn nói lời cảm ơn). Michelle, cô gái đến từ phía Nam. Suốt 25 năm qua, em không chỉ là vợ, là mẹ của các con anh mà còn là người bạn thân thiết của anh. Em tự nguyện gánh vác trọng trách mà em không bắt buộc phải làm với sự tao nhã, phong cách và hài hước riêng. Em đã khiến Nhà Trắng trở thành nơi thuộc về tất cả mọi người. Và một thế hệ mới sẽ đặt mục tiêu cao hơn bởi họ lấy em làm hình mẫu tiêu biểu. Tôi tự hào về em, đất nước cũng tự hào về em.

Malia và Sasha, các con đã trở thành những cô gái tuyệt vời, thông minh và xinh đẹp, nhưng quan trọng hơn các con là những cô gái nhân hậu, chín chắn và đầy ắp khát vọng. Các con đã dễ dàng vượt qua những áp lực đối với vai trò người của công chúng. Một trong những điều tự hào nhất trong đời cha là được làm cha của các con.

Với Joe Biden, người đã trở thành con trai yêu quý của bang Delaware: Ông là lựa chọn đầu tiên khi tôi đề cử và là người tốt nhất. Không chỉ vì ông là một phó tổng thống tuyệt vời, mà còn vì tôi đã có được một người anh em. Chúng tôi yêu quý ông và phu nhân Jill như gia đình và tình bạn của chúng ta là một trong những điều tuyệt vời nhất trong đời chúng tôi.

Với các nhân viên của tôi: Trong suốt 8 năm qua, các bạn đã truyền năng lượng cho tôi và tôi cố gắng phản ánh lại những gì các bạn thể hiện hàng ngày: nhiệt huyết, nghị lực và lý tưởng. Tôi dõi theo các bạn trưởng thành, lập gia đình, sinh con và bắt đầu những hành trình mới của riêng các bạn. Ngay ở những thời điểm khó khăn và mệt mỏi, các bạn cũng không bao giờ để Washington khiến bạn đánh mất bản thân. Điều duy nhất khiến tôi tự hào hơn cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã làm đó là nghĩ về những điều tuyệt vời các bạn sẽ làm được sau này.

Với tất cả các bạn, những nhà tổ chức, những tình nguyện viên đã gõ cửa từng nhà, những người trẻ tuổi lần đầu tiên bỏ phiếu bầu, những người dân Mỹ sống và cảm nhận nỗ lực thay đổi, các bạn là những người ủng hộ, những nhà tổ chức tuyệt vời nhất mà bất cứ ai cũng mong muốn, và tôi sẽ mãi ghi nhớ điều này. Bởi vì các bạn đã thay đổi thế giới.

Đó là lý do tại sao tôi rời bục sân khấu này đêm nay lạc quan về đất nước hơn khi tôi nhận nhiệm sở. Bởi vì tôi biết rằng, công việc của chúng ta không những giúp cho nhiều người Mỹ, mà còn tạo nguồn cảm hứng cho họ, đặc biệt là những người trẻ ngoài kia tin rằng các bạn có thể làm nên sự khác biệt, để cố gắng cống hiến cho điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình.

Hỡi đồng bào Mỹ, được phục vụ các bạn là niềm vinh hạnh cả đời tôi. Tôi sẽ không dừng lại, thực tế tôi sẽ vẫn ở đây cùng với các bạn với tư cách một công dân trong những ngày tháng còn lại. Giờ đây, nếu các bạn là người trẻ hay có tâm hồn trẻ trung, tôi có một đề nghị cuối cùng với tư cách là tổng thống của các bạn, cũng giống điều mà tôi đã đề nghị khi các bạn cho tôi cơ hội cách đây 8 năm. Tôi muốn các bạn có niềm tin. Không phải tin tưởng vào khả năng mang lại thay đổi của tôi mà là của chính các bạn. Tôi muốn các bạn giữ vững đức tin đã được viết trong văn bản lập quốc này.

Đúng, chúng ta có thể. Chúng ta đã làm được.

Minh Phương - Thành Đạt
(Lược dịch)








No comments: