Lê Mạnh Hùng
January 11, 2017
Lịch sử có những bước ngoặt. Nó đã xảy ra vào năm
1914 khi giai đoạn toàn cầu hóa đầu tiên kết thúc bằng máu và lửa và một lần nữa
vào những năm 1930 khi khó khăn kinh tế, bảo hộ mậu dịch và dân tộc chủ nghĩa
kích thích sự nổi lên của chủ nghĩa phát-xít tại Châu Âu. Chiến thắng trong cuộc
bầu cử tại Hoa Kỳ của ông Donald Trump có thể báo hiệu một bước ngoặt mới trong
lịch sử thế giới tuy rằng có thể không bằng như hai lần trước những cũng rất
nghiêm trọng.
Hoa Kỳ có những bảo vệ hiến định chống lại những người
như ông Donald Trump dù có lên làm đến chức vụ tổng thống. Các vị cha già sáng
lập ra nước Mỹ đã nhìn thấy trước nguy cơ của một phong trào dân túy. James
Madison đặt ra mục tiêu đầu tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ là “bẻ gãy và kiềm chế sự
cuồng tín và bạo động bè phái.” Ðối với Madison, “bè phái” ở đây là quyền hạn của
bất kỳ một nhóm nào “hợp nhất và bị kích động bởi một cảm tính cuồng tín, họ cướp
lấy chính quyền không kể đến quyền lợi của các đồng bào khác của họ.” Các điều
khoản phức tạp của Hiến Pháp Mỹ về “checks and balance” (kiểm soát và cân bằng)
chính là nhằm việc ngăn chặn một nền độc tài của những nhóm như vậy.
Tập Federalist Paper số 10 có lẽ là tập nổi tiếng nhất
trong toàn bộ những bài viết mà sau trở thành tuyển tập “The Federalist
Papers.” Ðọc lại tập này, ta có thể thấy rõ rằng cha già dân tộc Hoa Kỳ James
Madison đã nghĩ đến một người như ông Trump khi viết ra nhu cầu cần phải bảo vệ
nước Cộng Hòa chống lại một cuộc nổi dậy nội bộ. Ông Trump đã tuyên bố ông muốn
buộc miệng báo chí, tra tấn các tù nhân, không cho những người Hồi Giáo nhập cảnh
nước Mỹ, trục xuất hàng triệu người di dân, xây một bức tường cách ly Mỹ với
Mexico và ca tụng nước Nga chuyên chế của ông Vladimir Putin. Ðược sự ca tụng của
những kẻ chủ trương chủ nghĩa da trắng độc tôn, sự thắng cử của ông Trump đã thả
ra trong chính trường Mỹ bóng ma của kỳ thị chủng tộc.
Nhưng việc phân chia quyền hạn và sự kiềm chế nhau
giữa các ngành trong chính quyền liên bang sẽ chặn được những chính sách tồi tệ
nhất của ông Trump. Một hệ thống tư pháp mạnh đã tạo một bức tường lửa chống lại
mọi cố gắng nhằm hành xử phi pháp; các tướng lãnh quân đội có thể từ chối không
thi hành những lệnh vi phạm Hiến Pháp và Quốc Hội dù rằng do đảng Cộng Hòa chi
phối cũng sẽ ngăn chặn mọi khuynh hướng tiến tới một chế độ tổng thống chuyên
chế.
Nhưng nếu Hoa Kỳ có thể chịu đựng không bị ảnh hương
nhiều bởi một triều đại của Tổng Thống Trump, thế giới lại khác.
Cái gọi là trật tự thế giới tự do không phải chỉ dựa
trên sức mạnh quân sự và năng động kinh tế, nó còn được xây dựng trên một cơ sở
đạo đức có giá trị phổ quát hấp dẫn mọi người: các quyền tự do, chế độ pháp trị,
sự tôn trọng nhân phẩm, tinh thần bao dung, các định chế đa nguyên. Nhưng hầu hết
tất cả những cái giá trị đó đều đã bị phủ nhận bởi vị tổng thống mới được bầu
lên của quốc gia đứng đầu thế giới tự do này. Thành ra chính cái chế độ dân chủ
khai phóng cũng bị hoài nghi.
Thành ra bất kể diễn biến của chính trị Mỹ về sau
như thế nào, những thiệt hại tạo ra cho trật tự thế giới hình thành từ những đổ
vỡ của thế giới sau năm 1945 là không thể tránh khỏi vì tất cả những sự kiềm chế
và cân đối quyền hạn mà Hiến Pháp Mỹ đưa ra hầu như không áp dụng vào ngoại
giao và chính sách đối ngoại. Các tổng thống Hoa Kỳ, từ Franklin D. Roosevelt
cho đến Barack Obama đều đã cho thấy vai trò của nước Mỹ trên thế giới như thế
nào là một sự lựa chọn của con người sống trong Tòa Bạch Ốc.
Trật tự thế giới do Mỹ thiết kế từ năm 1945 đến nay
vốn đã bắt đầu suy thoái từ thời Tổng Thống George W. Bush. Và lần này nó khó
có thể vượt qua được sự rút lui của ông Trump. Cuộc khủng hoảng tài chánh năm
2008, bất công kinh tế, các chính sách khắc khổ và bất mãn với mậu dịch tự do
đã làm tan rã sự đồng thuận về kinh tế, một trong các cột chống của trật tự thế
giới. Nay thì ông Trump đã cam kết bỏ đi các cột chống chính trị của trật tự
này.
Chủ thuyết “America First” của ông Trump cổ võ cho một
tinh thần cô lập khiêu khích, một cách tiếp cận với trật tự thế giới dựa trên sức
mạnh chứ không phải pháp luật. Một cái nhìn thiển cận nhất về quyền lợi quốc
gia đã có ưu tiên hơn so với những quan tâm về an toàn cho thế giới.
Ông Trump không có ý gì muốn duy trì hệ thống liên
minh mà các tổng thống Hoa Kỳ thực hiện và vun xới từ sau thế chiến, bỏ mặc
Châu Âu tự đối phó với chính sách phục thù của ông Putin và Ðông Á cho tham vọng
bá quyền của Trung Quốc. Ông khuyến dụ rằng Nhật Bản và Nam Hàn có thể nên muốn
xây dựng vũ khí hạch nhân cho chính họ. Và chúng ta có thể tin chắc rằng nếu
ông giữ lời hứa hủy bỏ thỏa thuận về hạch nhân với Iran, nước này chẳng bao lâu
cũng có quả bom của họ. Ðó là vì ông Trump không coi trọng ý tưởng căn bản của
trật tự thế giới tự do hiện nay, ý tưởng rằng các quốc gia dân chủ giầu có nhất
có thể hợp tác để tạo ra một hệ thống bao quát dựa trên luật lệ để bảo đảm cho
hòa bình và an ninh toàn cầu. Ông coi đó là một điều mà thế giới lợi dụng nước
Mỹ và muốn thay thế nó bằng một hệ thống mà các nước tự do cạnh tranh giành quyền
lực.
Các nước dân chủ khác cũng đang có các cuộc nổi dậy
của đám dân túy. Marine Le Pen, lãnh tụ của đảng bài ngoại Front National hy vọng
trong năm nay sẽ theo chân ông bước vào điện Élysée. Hungary và Ba Lan đã rơi
vào tay các chính quyền cực hữu. Nước Anh bỏ phiếu vào tháng 6 năm ngoái rút ra
khỏi Liên Hiệp Châu Âu và nay có một vị thủ tướng hoài niệm một quá khứ có “trật
tự” hơn dù rằng có thể rằng kinh tế yếu đi.
Và trong những năm tới, chúng ta có thể thấy những hậu
quả của sự kiện này. Liệu một Âu Châu tự do và dân chủ có thể tồn tại sau khi
cái dù bảo vệ của Hoa Kỳ bị rút đi? Liệu Nga có mở rộng ảnh hưởng của mình sang
trở lại các nước cựu Cộng Sản tại Ðông và Trung Âu? Liệu các quốc gia mới nổi
lên ở phương Ðông và phương Nam sẽ chọn con đường chuyên chế hay dân chủ trong
việc chuyển đổi xã hội mình? Và quan trọng nhất, một thế giới tổ chức theo con
đường quyền lợi và cạnh tranh giữa một nhóm nhỏ các cường quốc sẽ an toàn và ổn
định đến mức nào?
Hoa Kỳ dần dà rồi cũng gạt bỏ được các hệ quả cuộc bầu
cử lần này, nhưng thế giới đã mất đi một người bảo vệ và khích lệ cho nền dân
chủ.
---------------------
XEM THÊM :
No comments:
Post a Comment