Ngô Nhân Dụng
January
6, 2017
Năm
1995, một nhà văn Trung Quốc đến thăm thủ đô nước Ðức thống nhất. Ông bỏ ra 8 đồng
Mark mua một miếng “Tường Berlin,” làm kỷ niệm. Bức tường ô nhục đã bị dân
chúng phá sập vào tháng 11 năm 1989. Về đến Thượng Hải, ông Sa Diệp Tân đem mảnh
bê tông ra khoe bạn bè. Một người hỏi: Trời đất! Anh bỏ ra 40 nhân dân tệ mua một
mảnh bê tông bằng cái bàn tay! Anh có chắc miếng bê tông này là ở bứÔc Tường
Berlin bể ra hay không? Hàng giả thì sao?
Bản
thân tôi, năm 1990 được tặng một miếng bê tông của Tường Berlin, do một anh học
trò cũ sống ở Berlin lượm tại chỗ, vì chính anh có mặt trong đêm lịch sử đó.
Tôi biết chắc đây là “hàng thật.” Năm sau, nhân dịp qua Berlin tôi cũng mua vài
miếng Tường Berlin mà người ta bày bán cạnh Khải Hoàn Môn Brandenburg. Sau đó
tôi đã tặng mấy miếng Tường Berlin cho các người bạn từ Việt Nam qua chơi.
Nhưng trong bụng tôi vẫn áy náy, không biết những miếng bê tông mình đi mua là
hàng thật hay hàng giả!
Sau khi
đọc Sa Diệp Tân, tôi thấy hơi yên tâm. Ông viết trên báo Văn Hối, rằng sau khi
nghe người bạn đặt câu hỏi trên, “Tôi cảm thấy buồn! Buồn vì chỉ có đồng bào
tôi mới nêu ra những câu hỏi như vậy!”
Sa Diệp
Tân than thở: “Cả nước chúng ta tràn ngập đồ giả, khiến chúng ta sinh sợ hãi!
Còn ở nước Ðức, thứ gì cũng có thể mua được, nhưng muốn mua hàng giả thì thật
khó, khó lắm!” Chắc ông nói đúng.
Nước
Trung Hoa đã nổi tiếng về làm hàng giả. Món hàng giả mới bị tố giác trên mạng
khắp thế giới là “Chống tham nhũng!” Chống tham nhũng cũng giả nốt! Ông Nguyễn
Phú Trọng lại sắp qua Tàu, chắc sẽ được ông Tập Cận Bình truyền nghề này về thi
hành ở nước ta.
Người
lên tiếng tố giác Tập Cận Bình là cô con gái của ông Lý Quang Diệu (Lee Kuan
Yew), vị thủ tướng Singapore nổi tiếng, đã qua đời. Ngày đầu năm 2017, Bác Sĩ
Lý Ngụy Lăng (Lee Wei Ling) đọc một bản tin về ông Tập Cận Bình chống tham
nhũng, cho biết chính quyền Bắc Kinh đã bắt giam 122 quan chức và thu hồi lại
được hơn 2 tỷ đồng nguyên thất thoát trong năm qua. Bà viết trên Facebook của
mình rằng: “Ông Tập đang chơi trò bắt tham nhũng chỉ cốt để thay thế mấy anh bị
bắt bằng tay chân của mình!”
Những lời
lẽ phê bình Tập Cận Bình như trên không mới lạ, nhiều người đã viết ra. Nhưng
khi một nhân vật nổi tiếng trong một gia đình danh giá ở Singapore phát biểu
thì cả thế giới lắng nghe. Vì Tập Cận Bình quả đang chơi trò chống tham nhũng để
triệt hạ tay chân của các chủ tịch đảng cũ, là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào. Ðồng
thời, chống tham nhũng cũng tạo cơ hội cho họ Tập đưa vây cánh của mình vào những
địa vị then chốt trong guồng máy thống trị. Chiến dịch chống tham nhũng đang được
cổ võ rầm rộ trước ngày Thứ Sáu, 6 tháng 12, khi Tập Cận Bình chủ tọa một phiên
họp của Ủy Hội Kỷ Luật và Thanh Tra Trung Ương Ðảng.
Người đứng
đầu ủy hội là Vương Kỳ San (Wang Qishan), một tay chân thân tín nhất của họ Tập.
Năm nay Vương Kỳ San 69 tuổi, theo điều lệ đảng sẽ phải về hưu, sau cuộc đại hội
đảng vào cuối năm. Tập Cận Bình muốn đặt ra một biệt lệ cho Vương Kỳ San ở lại,
trong Thường Vụ Bộ Chính Trị. Cho nên trong tuần này các đài truyền hình toàn
quốc đã phải cho chạy một chương trình đặc biệt ba ngày liền về thành tích chống
tham nhũng, bắt đầu ngày Thứ Ba, chấm dứt trước khi Ủy Hội Kỷ Luật và Thanh Tra
Trung Ương nhóm họp.
Nhưng
chính trong những đoạn phim này dân chúng Trung Quốc được thấy các “quan chống
tham nhũng” cũng là những phần tử thối nát và tham nhũng bậc nhất. Nhưng họ được
sử dụng để trấn áp tất cả những quan chức nào dính líu đến các lãnh tụ cũ.
Cán bộ
đứng đầu ủy ban chống tham nhũng tỉnh Quảng Ðông là Chu Minh Quốc (Zhu Mingguo)
đã lên đài thú nhận rằng một chủ tịch ủy ban kỷ luật nói gì là có thể quyết định
số mạng của bất cứ cán bộ đảng hay viên chức chính quyền nào. Vì vậy các tay
tham nhũng phải tìm cách hối lộ chính các ủy viên kỷ luật, nghĩ rằng mấy người
này không bao giờ bị bắt vì tham nhũng! Chu Minh Quốc chẳng may đã bị Vương Kỳ
San cách chức năm ngoái, và bị án tù chung thân vì tội… tham nhũng!
Người đứng
đầu cuộc điều tra Bạc Hy Lai (Bo Xilai), bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh trước
khi bị bắt, cũng thú nhận đã lạm dụng quyền lực. Với vai trò chống tham nhũng của
mình, Vệ Kiến (Wei Jian) chỉ cần gọi một cú điện thoại cho viên thị trưởng là
có thể giúp cho bất cứ dự án của một thương gia nào cũng được chấp thuận. Cả
viên thị trưởng Trùng Khánh và Vệ Kiến hiện nay đều đang bị điều tra về tội
tham nhũng.
Ông
Nguyễn Phú Trọng có thể học tập Tập Cận Bình về chiến dịch chống tham nhũng ở
bên Tàu, đem về áp dụng để loại trừ những phe đảng của Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn
đầy trong hệ thống kinh tế và chính trị. Khi mới lên làm tổng bí thư, Nguyễn
Phú Trọng đã giành lấy chức chủ tịch ủy ban chống tham nhũng của Nguyễn Tấn
Dũng. Nhưng từ đó tới nay, coi bộ guồng máy chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng
vẫn chưa chạy bước nào! Những vụ chạy trốn của Trịnh Xuân Thanh, của Vũ Ðình
Duy, Lê Chung Dũng, vân vân, cho thấy Nguyễn Phú Trọng hầu như bất lực! Tình trạng
bất lực hiện rõ nhất trong vụ sát hại hai quan chức đứng đầu tỉnh Yên Bái.
Trong khi ông tổng bí thư chẳng biết làm gì cả thì các tay tham nhũng quay ra
thanh toán lẫn nhau! Cuộc điều tra kết luận hung thủ giết người hoàn toàn vì bất
mãn cá nhân. Kết luận như vậy để khỏi cần đào xới tận gốc rất nguy hiểm, vì cả
mạng lưới tham nhũng chằng chịt có thể bị phơi bầy trước công chúng!
Trước
khi ông Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh, Tập Cận Bình cũng mới chứng kiến một vụ
Yên Bái của nước Tàu!
Vụ này
xẩy ra tại tỉnh Tứ Xuyên, là nơi Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) đã đặt một mạng
lưới tham nhũng trong mấy chục năm, trước khi về Bắc Kinh cầm đầu cả hệ thống
an ninh và chi phối các công ty lớn nhỏ thuộc ngành dầu lửa. Sau khi Chu Vĩnh
Khang bị tố tham nhũng, đưa ra tòa và nhận tội để được khoan hồng, nhiều đàn em
ở Tứ Xuyên đã tự tử trong lúc bị điều tra. Nhưng đây là lần đầu tiên có cảnh
các quan chức bắn lẫn nhau, giống như tại Yên Bái.
Ngày Thứ
Tư vừa qua, 4 tháng 12, chủ tịch ủy ban tài nguyên và ruộng đất tỉnh Tứ Xuyên
là Trần Trung Thư (Chen Zhongshu) thị xã Phàn Kỳ Hoa (Panzhihua), Trần Trung
Thư cũng nắm quyền hành trên các tài nguyên thiên nhiên giống như Ðỗ Cường
Minh, chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm ở Yên Bái. Ðó đều là những mỏ vàng cho
quan chức Cộng Sản khai thác và chia chác với nhau. Vì chia chác không đều và
lo mất chức, mất đặc quyền hưởng lợi cho nên các tham quan bắn lẫn nhau. Hai
người bị bắn ở bên Tàu cũng giữ những chức vụ giống hệt các nạn nhân bị giết ở
Yên Bái, họ chỉ may mắn hơn nên thoát chết. Sau khi bắn hai quan đầu tỉnh, Trần
Trung Thư đã chạy vào một căn phòng tự sát, chắc không biết rằng mình đã giết hụt
hai đối thủ tham nhũng!
Chế độ
Cộng Sản ở bên Tàu và bên ta chẳng khác gì nhau, đang lâm vào cảnh đảng viên bắn
giết lẫn nhau vì tranh ăn. Tập Cận Bình mở phong trào chống tham nhũng để tiêu
diệt những cán bộ bị nghi ngờ không trung thành với mình, Nguyễn Phú Trọng có
thể học tập để chế tạo móng “hàng giả” đó tại Việt Nam.
Trở lại
câu chuyện trên đầu bài này. Sa Diệp Tân nói ở nước Ðức muốn mua hàng giả thì
thật khó, mua lầm một miếng Tường Berlin giả mạo khó lắm, một điều ông có thể
quên, là vào năm 1995 Berlin đã thu hút rất nhiều người tị nạn từ các nước Cộng
Sản Ðông Âu khác. Chính trong đám người này có thể lại có chuyên viên làm những
mảnh Tường Bá Linh giả mạo đem bán kiếm lời! Năm 1991 tôi đến Praha, thủ đô Cộng
Hòa Tiệp bây giờ. Một sinh viên Việt Nam học lâu năm ở đó cho tôi coi tấm hộ
chiếu của anh, chỉ cho tôi thấy những con dấu giả trên mấy trang, người trần mắt
thịt không cách nào phân biệt được thật với giả. Sau nửa thế kỷ sống dưới chế độ
Cộng Sản, đồng bào mình cũng giỏi làm hàng giả không khác gì dân Trung Quốc!
Bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng sắp qua Tàu học nghề Chống Tham Nhũng Giả!
Ai cũng
biết, muốn chống tham nhũng thật, thì thứ vũ khí hữu hiệu nhất là tự do ngôn luận
và tự do báo chí. Khi báo chí không được tự do, tất cả các chiến dịch chống
tham nhũng chỉ là hàng giả! Gần đây Nguyễn Phú Trọng đã theo sát gót Tập Cận
Bình trong việc đàn áp những người có ý kiến phê bình chính quyền. Không những
thế, các nhà báo được đảng cộng sản chăn nuôi cũng bị cách chức nếu bị nghi ngờ
có ý đi trái lề đường.
Bà Lee
Wei Ling vạch mặt chống tham nhũng giả hiệu của Tập Cận Bình, vạch rõ rằng đó
chỉ một thủ đoạn củng cố phe đảng. Bà đã thấy họ Tập đàn áp quyền phát biểu
trên mạng của giới trí thức Trung Quốc. Bà là một bác sĩ giải phẫu thần kinh,
em ruột Thủ Tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), nhưng đã nhiều lần chỉ trích
ông anh kìm kẹp giới truyền thông, nói thẳng ông anh bà mưu toan củng cố ách độc
tài. Một bằng chứng bà nêu ra là các nhà báo ở Singapore không ai dám nói ngược
lại ý kiến của ông anh thủ tướng!
Khi người
dân không có quyền tự do phát biểu thì mọi chiến dịch chống tham nhũng đều là
hàng giả hiệu!
No comments:
Post a Comment