Thursday, January 12, 2017

DONALD TRUMP & NƯỚC NGA, CHUYỆN DÀI NHIỀU TẬP (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 12-01-2017 

Bóng dáng nước Nga trong nhiệm kỳ tổng thống Trump. Không biết những cáo buộc Donald Trump thân Nga thực hư tới mức độ nào, nhưng cũng đủ để gieo mối hoài nghi lên một nhiệm kỳ tổng thống còn chưa mở màn.

Vì lệch múi giờ, Donald Trump, nhân vật của ngày hôm qua chiếm rất nhiều trang báo Pháp ngày 12/11/2017. Hai bức biếm họa trên Le Monde và Libération cùng xoáy vào mối quan hệ phức tạp giữa tổng thống Mỹ tương lai và nước Nga. Willem trên Libération vẽ một ông Trump đang tung lời thóa mạ tình báo CIA và Cục Điều Tra Liên Bang FBI. Bên cạnh là « ông anh » Vladimir Putin cao lớn hơn, vỗ vai Trump và khuyến khích : « Donald, hãy la lớn thêm lên ». Họa sĩ Plantu trên báo Le Monde đưa ra hình ảnh một ông Trump đang vướng vào vòng luẩn quẩn vì tin tặc xuất phát từ Nga.

Bóng dáng nước Nga ở Nhà Trắng
« Nga dường như có phương tiện để gây sức ép với Donald Trump », tựa bài báo ngắn gọn trên Les Echos. Tít trên trang nhất của Le Figaro : « Cái bóng của nước Nga thời đại tổng thống Trump ». Xã luận tờ báo mang tựa đề « Những bước đầu trong cơn bão tố ».

Chưa thể kiểm chứng tính thực hư của tài liệu 25 trang về những tin nhậy cảm liên quan đến tổng thống Mỹ tương lai mà tình báo Nga đang có được, nhưng làng báo Paris trở lại với mối quan hệ phức tạp giữa Donald Trump và nước Nga : phức tạp đến nỗi trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử, chủ nhân Nhà Trắng tương lai phải dành nhiều thời gian cho hồ sơ này.

« Donald Trump bác bỏ mọi khả năng thông đồng với Nga », tựa trên phần trang quốc tế của La Croix. Libération nói tới « những mảng tối trong một bản báo cáo đầy rủi ro » : 24 giờ trước cuộc họp báo đầu tiên của tổng thống tân cử Donald Trump, đài truyền hình CNN và một số các phương tiện truyền thông khác đã tung ra báo cáo với « sức công phá lớn ». Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng « cũng đủ để công luận hoài nghi về quan hệ sắp tới giữa tổng thống Trump với điện Kremlin ».

Còn nhiều nghi vấn về mức độ đáng tin cậy, về nguồn gốc của những thông tin đã thu thập được. Chẳng hạn như khả năng Nga nắm giữ một cuộn băng ghi lại hình ảnh Donald Trump năm 2013 mua vui với nhiều cô gái làng chơi trong khách sạn Ritz Carlton ở Matxcơva, về liên hệ giữa ông Trump với Nga ít nhất là trong thời gian 5 năm trở lại đây, về những cơ hội làm ăn của nhà tỷ phú địa ốc này với nước Nga.

Vẫn theo tài liệu nói trên, dường như ông Trump và các cộng tác viên trong thời gian vận động tranh cử đã biết và đồng ý để tin tặc Nga tấn công đảng Dân Chủ. Đổi lại, êkip của nhà tỷ phú New York hứa là ở cương vị chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump sẽ tránh né hai hồ sơ nhạy cảm đối với Matxcơva, đó là việc Nga can thiệp vào Ukraina và chính sách tăng quân của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trong vùng Baltic.

Trump, « nhân viên tình báo » của Nga ?
Trắng đen chưa tỏ tường, nhưng Libération trích dẫn tài liệu đang được nói đến nhiều nhất ở Hoa Kỳ theo đó, nếu đúng là nước Nga của ông Putin nắm được nhược điểm của ông Trump thì : « trong trường hợp cần thiết, Nga có thể dùng những thông tin bất lợi ấy để bắt bí tổng thống Mỹ ».

Phóng viên báo Le Figaro từ Washington Philippe Gélie lưu ý : nếu như những tin trên được kiểm chứng, mọi quyết định của ông Trump đối với nước Nga đều bị chỉ trích, khi người ta xem Donald Trump như một con rối trong tay Matxcơva. Tác giả bài báo nhắc lại mùa hè 2016 các chuyên gia về an toàn trên mạng của Mỹ đã phát hiện « một hoạt động khả nghi giữa một máy chủ thuộc về tập đoàn Trump với một địa chỉ internet của Nga, và đường dây này hoạt động một cách khép kín ».

Bước đầu đầy sóng gió
« Một quả lựu đạn ném lên thảm đỏ, trải đường đưa Donald Trump vào Nhà Trắng ». Trong bài xã luận, Le Figaro dùng hình ảnh nói trên để mô tả tuần lễ cuối cùng trước khi ông Trump ngồi vào chiếc ghế tổng thống. Tác giả bài viết nhấn mạnh : quan hệ của cá nhân ông Trump với nước Nga còn là một ẩn số, nhưng chắc chắn ba điều. Thứ nhất, đã có một sự rạn nứt thực sự giữa tổng thống Mỹ tương lai với ngành tình báo Hoa Kỳ và kèm theo đó là những hậu quả không hay. Thứ hai là những nỗ lực của chính quyền Washington sắp tới để xích lại gần Matxcơva sẽ không khỏi bị phê phán, khi một phần công luận tin rằng ông Trump là tay sai của Putin. Và thứ ba là những tin ấy chẳng có lợi gì cho nước Mỹ.

Thất bại ê chề cho nền dân chủ Mỹ
Trong bài phân tích dưới hàng tựa « Di sản của Barack Obama bị Donald Trump phá hỏng » Les Echos, sau khi đã mổ sẻ những thành tựu và thất bại sau 2 nhiệm kỳ tổng thống Obama, đưa ra một kết luận không khoan nhượng : « Sự kiện nước Mỹ chọn một người chỉ tập trung vào một số chủ đề, lại có tính cách hung hăng, khai thác nỗi lo sợ của công luận để lãnh đạo nước Mỹ, chứng tỏ nền dân chủ Hoa Kỳ đang lâm nguy. Nước Mỹ thực sự cần gấp rút tổ chức lại các định chế dân chủ ».

Kuschner, từ chàng rể lý tưởng đến vai trò ông cố vấn đặc biệt
Le Monde chú ý đến Jared Kushner, 36 tuổi, con rể của Donald Trump vừa được chỉ định làm cố vấn đặc biệt cho tổng thống Mỹ tương lai, cho dù về kinh nghiệm chính trị, như ghi nhận của tờ báo uy tín nhất nước Pháp, là « một tờ giấy còn trắng tinh ». Điều đó không cấm cản chồng Ivanka, trưởng nữ của tổng thống Mỹ thứ 45 đã liên tục loại hai ông giám đốc điều hành chiến dịch vận động tranh cử cho ông Trump, gạt thống đốc bang New Jersey là Chris Christie ra ngoài quỹ đạo của Donald Trump, chỉ vì trước đây ông này từng nhúng tay vào vụ bỏ tù thân phụ của Jared vì tội trốn thuế. Trong những tháng sắp tới, Jared Kushner sẽ trở thành một trong những nhân vận « thế lực » nhất nước Mỹ.

Chủ nhân Alibaba, sứ giả và « nhà truyền giáo » của Trung Quốc
Vẫn ít nhiều liên quan đến Donald Trump, trang kinh tế của Le Monde tặng cho Mã Vân (Jack Ma) ông chủ hệ thống mua bán trên mạng Alibaba biệt hiệu là « sứ giả và nhà truyền giáo » của Trung Quốc. Tiếp kiến tổng thống tân cử Hoa Kỳ trước khi ông chính thức nhập chức, Mã Vân và Donald Trump nói cùng một thứ tiếng : đó là ngôn ngữ của các doanh nhân.

Vào thời xa xưa, các nhà thám hiểm và những nhà truyền giáo của Ý hay thành cổ Venise hành trình sang châu Á để thuyết phục Trung Quốc mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài. Ngày nay, ông chủ của tập đoàn Alibaba lãnh sứ mạng sang tận Mỹ để thuyết phục Donald Trump, người muốn mở ra một cuộc chiến thương mại với « cơ xưởng sản xuất của thế giới » rằng Alibaba có tiềm năng đem lại tới 1 triệu việc làm trên đất Mỹ, giúp các hãng Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Họ Mã đã bắt tay tổng thống Hoa Kỳ tương lai tại tòa tháp Trump ở New York, Mã Vân đang là « lá chủ bài tốt nhất của Trung Quốc trong giai đoạn chuyển tiếp » như ghi nhận của Le Monde. Sau khi tiến hành một cuộc cách mạng kỹ thuật số trong ngành ngân hàng cổ lỗ của Trung Quốc, Mã Vân đã thực sự làm thay đổi hẳn bộ mặt của hệ thống phân phối cho nước này… Ông là biểu tượng của một nước Trung Hoa trông vào sức mình để vươn lên nhiều hơn là ỷ lại vào « những yếu tố bên ngoài ».

Anna Moï ngược dòng thời gian cùng nữ sĩ Marguerite Duras
Để kết thúc mục điểm báo hôm nay xin giới thiệu đến quý thính giả cuốn sách mới của nhà văn nữ mang hai dòng máu Pháp- Việt, Anna Moï : Le Pays Sans Nom- Đất nước không tên, Nhà xuất bản L’Aube, được Libération nhắc tới. Bài báo mở đầu bằng câu hỏi : « Mẹ của Duras có từng chơi dương cầm ở Eden Cinéma như tác giả đã mô tả ? ». Với Anna Moï điều đó hoàn toàn sai, tương tự như rất nhiều điều đã được Marguerite Duras nói về Đông Dương trong cuốn tiểu thuyết Người Tình - từ hình ảnh một người đàn bà hành khất đến dòng Mêkông, từ thành phố Đà Lạt cho đến nhân vật người tình, một gã người Hoa giàu có.
Anna Moï và Marguerite cùng sinh ra trên một mảnh đất. Nhưng nếu như giải thưởng Goncourt 1984 « đã không trở lại Việt Nam. Đất nước không tên trong sách vở của bà là vùng đất có thật duy nhất mà bà đã biết … », thì ngược lại Anna Moï luôn đi về giữa Pháp và Việt Nam. Ở Việt Nam, cô nuôi dậy con cái trong một ngôi nhà sàn, còn ở vùng Corrèze, miền trung nước Pháp, Anna vẫn có thói quen nướng bánh mì theo kiểu của người đời xưa. Theo Libération, với cuốn tiểu thuyết mới nhất này, Anna Moï đã « lần theo bước chân Marguerite Duras ». 





No comments: