Monday, January 9, 2017

CHUYỆN HIẾN MÁU (FB Bùi Văn Thuận)





Năm 2003, khi đang là sinh viên năm thứ nhất (của lần học đại học thứ 2) tôi đã đăng ký đi hiến máu. Cả khoa, cả lớp đứa nào cũng cười và nói: Anh hiến máu làm gì? Máu anh có đến được với người bệnh đâu? Anh hiến, bọn bác sĩ nó lại bán kiếm tiền đấy. Tôi không nghe, vẫn lên phòng y tế nhà trường để hiến máu. Phải nghỉ chơi bóng chuyền 3 hôm, được ăn bánh, uống nước chè đường, 20 nghìn tiền bồi dưỡng và một giấy chứng nhận hiến máu. Tết về có cái thiệp của Trung tâm huyết học truyền máu Trung ương

Năm 2004, tôi tiếp tục đi hiến máu khi có chiến dịch ở trường. Năm đó, cả khóa tôi vẫn chưa có ai đi hiến máu. Vì theo chúng nó: Màu mình sao lại đi cho người khác rồi bố mẹ biết sẽ không cho phép… Chúng bạn nói: Anh Thuận, sao anh dốt thế, máu mình rất quý sao tự dưng đi cho? Tôi chỉ cười và nói với mấy đứa bạn thân: Tao đi hiến máu là để tâm tao thanh thản, tao không có tiền để giúp cho những người khó khăn, những bệnh nhân nghèo, nếu máu tao có thể cứu ai đó thì tốt quá. Chúng mày xem, nếu gia đình tao ai có chuyện gì, làm sao đủ tiền mà mua máu? Đành phải trông chờ vào những giấy chứng nhận máu tao đã hiến thôi.

Sau đó, đến năm 2005 thì có thêm vài đứa em, đứa bạn cùng khoa đã đi hiến máu vì chúng muốn… giảm béo và nhiều đứa thấy phải có trách nhiệm với xã hội. Dù trong thâm tâm, đứa nào cũng biết máu mình khó đến với người bệnh một cách miễn phí lắm.

Suốt thời gian sinh viên, năm nào tôi cũng hiến máu, có năm đi 2 lần. Rồi ra trường, tôi còn hiến máu thêm 2 lần nữa. Một lần ở trạm y tế ĐHSP, một lần là trên xe lưu động ở cạnh Đại học Thương Mại.

Năm 2010, bố tôi bị xuất huyết dạ dày nặng. Tình hình rất nguy kịch do bác sĩ chẩn đoán sai, đến khi biết thì bố đã kiệt quệ không đứng nổi nữa. Phải truyền rất nhiều máu. Tôi cuống cuồng đi tìm, đi xin, thậm chí đã chìa toàn bộ tất cả giấy chứng nhận hiến máu cũng không có máu mà truyền cho bố. Bác sĩ không cho lấy máu tôi do tôi đang ốm sốt. Đành phải xuống bệnh viện tỉnh Ninh Bình mua máu. Gửi tiền cho bác sĩ mua giúp, tôi được báo giá 1,5 triệu một đơn vị máu. Đợt đó, tất cả tiền nong của gia đình và của tôi chỉ đủ để mua 6 đơn vị máu truyền cho bố trong mấy ngày. Thêm các loại thuốc truyền, thuốc bổ cũng rất đắt nữa để truyền.

Sau khi bố đã ổn định, tôi có gọi điện cho Viện huyết học truyền máu Trung ương thắc mắc tại sao tôi hiến máu nhiều như vậy mà bố tôi không có máu miễn phí, tại sao tôi không được mua máu với giá ưu tiên và nhiều câu hỏi tại sao nữa. Vị cán bộ của viện này đã trả lời: Để chúng tôi xem xét tác động cho anh được mua máu giá “ưu đãi”, rồi chúng tôi sẽ trả lời anh sau…. Tất cả chìm vào trong im lặng, không ai trả lời cho tôi, kẻ đã ít nhất 6 lần hiến máu.
Từ đó, tôi thôi hẳn và không bao giờ có ý định đi hiến máu nữa. Vợ tôi bây giờ suốt thời sinh viên cũng đã đôi ba lần hiến máu, nhưng bây giờ cũng thôi.

Nếu máu của tôi có thể cứu những bệnh nhân nghèo, máu của tôi có thể cứu tính mạng một con người tôi sẽ cho miễn phí. Nhưng với kiểu quản lý và làm như hiện nay, tôi rất sợ máu của tôi sẽ trở thành món hàng cho ai đó kiếm lợi. Mà chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Bất cứ một bệnh nhân nghèo nào cần máu, nhóm máu tôi là A (Rh+), tôi sẽ đến và cho trực tiếp. (Tất nhiên mỗi năm khoảng 2 lần thôi ạ). Tôi tuyên bố sẽ không hiến máu vào “kho máu trung ương nữa”, có luật hay không luật thì cũng vậy thôi.
____

Dân Trí
Chủ Nhật, 08/01/2017 - 16:30

Trong dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu hoặc quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật về máu và tế bào gốc phục vụ cuộc họp do Bộ Tư pháp tổ chức sắp tới, cho rằng máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người và đến nay mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn trước mắt.
Theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHaO), ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành Luật Hiến máu (Blood Donation Law) hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền như: Luật truyền máu, Luật cấm buôn bán máu…. Sau khi Luật hiến máu được Quốc hội các nước ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết.
Chính vì thế, trong dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu.

Giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu;

Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Theo Bộ Y tế, việc hiến máu được thực hiện trên cơ sở cân nặng của người hiến máu: Người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 09 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần.
Bộ Y tế khẳng định cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ/năm.
Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).
Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định. Nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sự dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra tên 580 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Theo nghiên cứu của cơ quan đề xuất dự án luật, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc.
Luật hiến máu của Trung Quốc quy định: “Các cơ sở, ban ngành Nhà nước, quân đội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các đơn vị, Ủy ban dân cư và Ủy ban thôn xóm cần huy động và tổ chức cán bộ nhân dân của đơn vị mình đi hiến máu nếu ở độ tuổi phù hợp”. Theo đó các cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống nhà nước phải có trách nhiệm tham gia hiến máu và nguồn máu này được lưu trữ và sử dụng phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho toàn dân chứ cũng không quy định nghĩa vụ bắt buộc hiến máu.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng giải pháp 1 sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng dần 28 triệu. Việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với việc sử dụng giải pháp 2.
Từ những phân tích trên, Bộ Y tế cho rằng nên lựa chọn giải pháp 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, do nội dung của các chính sách được xác định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân vì vậy theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội.

*
Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ hiến máu (bao gồm hiến máu toàn phần và thành phần máu) trên dân số toàn quốc năm 2015 là 1,27%, tăng 13,5% so với tỷ lệ hiến máu/dân số năm 2014. Đây là số liệu đáng lưu ý vì căn cứ vào Quyết định số 1208/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 – 2015 đã quy định: “Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ dân số hiến máu tự nguyện đạt 1,3%, đến năm 2020 tỷ lệ dân số hiến máu tự nguyện đạt 2%”.
Đến nay, toàn quốc hiện có nhiều cơ sở y tế tham gia tiếp nhận hiến máu với quy mô rất đa dạng, hiện có 60 cơ sở thực hiện tiếp nhận hiến máu. Xét về thực tế hoạt động trong nhiều năm qua, mỗi cơ sở truyền máu chỉ có thể bắt đầu đảm đương được vai trò là trung tâm truyền máu khu vực, khi lấy máu đạt trên 50.000 đơn vị/năm - tối thiểu tiếp nhận 150 đơn vị máu mỗi ngày.
Thế Kha



No comments: